Mùa Tình Yêu (Mc 1:40-45)
Lm. Như Hạ op
Mùa tình yêu đã đến (ngày 14-2). Những bó hoa thơm ngát đưa hương tình yêu vượt qua mọi biên giới. Tình yêu đem con người lại gần nhau. Tình yêu đan chéo cuộc đời. Tình yêu là một sức mạnh sáng tạo và mạc khải những khung trời huyền nhiệm trong thế giới con người.
Chính sức mạnh tình yêu đã kéo Con Thiên Chúa đến trần gian, khiến Đức Giêsu có thể đến với những người đau khổ nhất. Hôm nay Chúa đến với người phong cùi để mạc khải tất cả sức mạnh tình yêu Thiên Chúa vượt qua mọi trở ngại và phục hồi giá trị đích thực cho con người.
SỐ PHẬN CON NGƯỜI
Mặc dù khoa học và xã hội đã đi đến những bước nhảy vọt trong việc phục hồi giá trị cho những người phong cùi, nhưng ngày nay những người phong cùi vẫn phải sống trong một thế giới riêng. Bình thường việc đó chỉ có tính cách xã hội, vì sợ lây bệnh. Nhưng ngày xưa luật Do thái còn muốn đi xa hơn. Những người phong cùi bị mất hẳn tư cách tôn giáo, bị loại ra khỏi cộng đoàn phượng tự. Đó là một nỗi sỉ nhục lớn lao cho những người mắc bệnh nan y. Tất cả đều xa lánh. Kể cả thần thánh cũng không chấp nhận những con người khiếm khuyết và không còn xứng đáng làm phần tử xã hội Giavê, một xã hội chuyên lo phụng tự. Thiếu lành mạnh thân xác tố cáo một linh hồn tội lỗi. Khi đã bị các tư tế chứng nhận mắc bệnh, người phong cùi phải biệt lánh ra một nơi, phải để tóc râu phủ kín người và phải la lên cho mọi người tránh xa. Họ phải xa lánh mọi người kể cả gia đình và bạn bè. Nói tóm, họ bị tước hết quyền làm người.
Chính vì thế, Đức Giêsu đã đến phá vỡ hàng rào ngăn cản người phong cùi với cộng đồng. Phép lạ Người làm không chỉ nhằm chữa tật bệnh thể xác, nhưng còn trả lại quyền làm người và đưa họ về với làng xóm, về cuộc sống cộng đồng. Bởi vậy, khác với mọi người tránh xa vì sợ lây bệnh, Đức Giêsu “giơ tay đụng vào” người phong hủi (Mc 1:41). Hơn nữa “Người chạnh lòng thương” (c.41) trước lời van xin tha thiết của người bệnh : “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (c.40). Quyền lực của Người không thể kìm nổi trước một đức tin mạnh mẽ như thế. Người nói “Tôi muốn, anh sạch đi !” (c.41). Điều mơ ước của người phong hủi đã thành sự thật : “Lập tức chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch” (c.42). Còn niềm vui nào lớn hơn ?! Anh đã chứng kiến một ân phúc lớn nhất trong đời anh. Thân thể anh từ nay sạch hết mọi vết thương mưng mủ. Chân tay lành lặn. Da dẻ mịn màng như tất cả mọi người.
Điểm quan trọng không phải là thân xác lành mạnh, nhưng là toàn thể cuộc sống của anh. Để được hội nhập vào cộng đoàn, anh phải tuân theo lời căn dặn của Đức Giêsu : “Hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Môsê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết” (c.44). Đó là thủ tục tối thiểu để người phong cùi trở lại cuộc sống bình thường như mọi người. Từ nay anh sẽ lấy lại tất cả những tương quan đã mất. Bạn bè, gia đình, thân nhân anh sẽ vui mừng biết chừng nào khi nhìn thấy anh trở lại với làng xóm ! Anh sẽ chia sẻ quyền lợi và nghĩa vụ với mọi người. Từ nay không ai có quyền khinh bỉ anh nữa. Anh đã thực sự làm người và có thể hãnh diện về những đóng góp của mình vào cuộc sống xã hội. Niềm vui lớn lao như thế làm sao giữ kín mãi trong lòng ? Bởi vậy, mặc dù Đức Giêsu cấm anh “đừng nói với ai cả” (c.44), “nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được” (c.45).
Tin mừng ấy đã đến với mọi người. Chính vì biết quên mình và chỉ sống “để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cr 10:31), Đức Giêsu đã lăn xả vào mọi hoàn cảnh để “cho nhiều người được cứu độ” (1 Cr 10:33). Thánh Phaolô đã theo sát gót Thày chí thánh, đến nỗi ông đã hãnh diện khuyên nhủ tín hữu Côrintô : “anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Kitô” (1 Cr 11:1). Theo Đức Kitô không phải để làm phép lạ, tạo sự kinh ngạc cho nhiều người. Nhưng theo Đức Kitô để phục hồi quyền con người và trả lại cho con người những tương quan tốt đẹp nhất trong cộng đồng nhân loại.
GIÁ TRỊ CON NGƯỜI TRONG CỘNG ĐỒNG NHÂN LOẠI
Tình yêu đã thúc đẩy Đức Giêsu đến với con người trong hoàn cảnh cùng cực nhất. Người đã phục hồi thể xác, nhân phẩm cá nhân và giá trị đích thực của cộng đoàn. Nếu mọi người đều có một thái độ đến với đồng loại như Người, chắc chắn mọi biên giới giữa người với người đã sụp đổ từ lâu. Nhưng cho tới nay, giữa con người vẫn còn quá nhiều xa cách về chủng tộc, ngôn ngữ, văn hóa, chính trị, tôn giáo v.v. Chính vì vậy cần có một cuộc canh tân mãnh liệt theo tinh thần Đức Giêsu để xóa tan những ngăn cách tưởng tượng dựa trên giàu nghèo, địa vị. Tất cả đều phải vì con người. Khi không giúp con người làm người nữa, mọi tương quan đều vô nghĩa.
“Con người được kêu gọi để sống hiệp thông và sống thành cộng đoàn, cùng hiện hữu với và vì người khác. Dĩ nhiên, con người không sinh ra cho cộng đoàn hay tập thể đến nỗi phải hi sinh quyền lợi con người cho cộng đoàn hay tập thể. Trái lại, cộng đoàn hiện hữu vì con người là những thành phần của cộng đoàn, và mục đích của cộng đoàn hay tập thể là bảo vệ và cổ xúy quyền làm người.” (Dwyer 1994:733) Khi chỉ còn biết có tập thể, người ta quên mất nguồn gốc và mục đích của tập thể đó. Xét về mọi phương diện, cộng đoàn hay tập thể không thể có trước con người. Cộng đoàn hay tập thể cuối cùng cũng chỉ là một phương tiện giúp con người đạt tới cứu cánh cuộc đời mà thôi. Chính vì thế Đức Giêsu đã không ngần ngại đến với những người nghèo khổ, bệnh tật, bị đàn áp và gạt ra ngoài lề xã hội, để trả lại địa vị đích thực của con người.
Không làm người, không thể xây dựng giá trị đích thực nhân bản và siêu việt. Khi đã làm người, con người mới xây dựng những cơ cấu để giúp nhau đạt tới mục đích cuộc sống cách nhanh nhất và hoàn hảo nhất. Nói khác, “con người được kêu gọi để tham dự vào việc tạo thành xã hội hầu thăng tiến hạnh phúc các thành phần xã hội.” (Dwyer 1994:734) Chính vì thế, những luật lệ không còn phù hợp với con người thời đại đều cần phải xét lại. Mỗi thời đại đều có những nhu cầu và khuynh hướng riêng. Bởi thế con người được mời gọi không ngừng tham gia vào việc thành hình và cải tổ cơ chế xã hội để đáp ứng những đòi hỏi thời đại. Không ai có thể phủ nhận quyền lợi và bổn phận đó của con người.
Tất cả giá trị con người đều tuỳ thuộc tình yêu. Chính trong tình yêu, các bạn trẻ mới nhận ra giá trị người yêu. Thiên Chúa cũng mở ra một mùa tình yêu khi sai Con Một đến với những người nghèo khổ nhất, những người đã bị chính anh em mình chối bỏ. Với sức mạnh tình yêu, người môn đệ đích thực có thể vượt qua mọi trở ngại để Đức Kitô mạc khải cho mọi người biết “Thiên Chúa là tình yêu.” (1 Ga 4:16) Chỉ khi nào “Đức Kitô là tất cả và ở trong tất cả,” (Cl 3:11) giá trị đích thực con người mới được thành toàn. Tất cả mọi nỗ lực đều hướng tới niềm hi vọng đó, vì tình yêu Thiên Chúa đã chứng tỏ tất cả sức mạnh nơi cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô.
Nhưng làm sao nhận ra sức mạnh vô song của tình yêu, nếu không cầu nguyện ? Quả thực, “sức mạnh lời cầu hệ tại việc chiêm nghiệm hai chân lý nền tảng : tình yêu và lòng trung tín của Thiên Chúa. Lời cầu nguyện sẽ chiếu toả trong thế giới, biến thành chứng từ cho những ai không cùng chia sẻ niềm tin với chúng ta. Bởi đó, ca ngợi tình yêu và lòng trung tín của Thiên Chúa trở thành một chứng từ có thể biến đổi thế giới, một thế giới bị đe doạ vì kỹ thuật đang che mờ cõi thiêng, lòng tự mãn đang tràn ngập xã hội.” (ĐGH Gioan Phaolô II: Zenit 5/2/03)