6. Khổ đau và tình yêu không biên giới
Tin Mừng Lc 10, 29-38 :
Dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành
Suy niệm
Chúa Giêsu kể dụ ngôn người Samari tốt lành để minh họa cho giới răn “yêu mến người thân cận như chính mình” :
”Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và người thân cận như chính mình” [Lc 10, 27)
Trong dụ ngôn này, thay vì trả lời cho câu hỏi của nhà thông luật “nhưng ai là người thân cận của tôi ?”, nghĩa là tìm cách xác định đâu là những điều kiện để công nhận một người là thân cận, đức Giêsu đã thay đổi tận căn lối nhìn truyền thống và đặt ngược lại vấn đề : “… ai đã tỏ ra là người thân cận đối với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp” (Lc 10,36). Cách đặt vấn để của Đức Giêsu cho thấy rằng thái độ ngồi đó để xét nét xem ai là người thân cận của tôi rồi mới yêu thương họ, lối nhìn đó không bao giờ có thể thực thi được giới răn yêu người thân cận như chính mình. Lối nhìn “đặt điều kiện” cho tha nhân chính là một cách giới hạn tình yêu, né tránh những đòi hỏi của tình yêu; và thực tế người ta luôn có thể tìm ra được những lý do để loại trừ tha nhân ra khỏi vòng những người thân cận của tôi.
Ngược lại, Đức Giêsu kêu mời con người ra khỏi chính bản thân mình, dấn thân vào hoàn cảnh của tha nhân, chấp nhận liên luỵ với cuộc đời của tha nhân, đặc biệt là đối với những người đang đau khổ. Lối nhìn này không đặt điều kiện nơi tha nhân, nhưng tự xét chính bản thân mình, không tìm một điều kiện để giới hạn, để khoanh vùng theo một tiêu chuẩn luật pháp nào, nhưng luôn chất vấn bản thân để có thể ra đi hơn nữa, dấn thân hơn nữa, quảng đại hơn nữa.
Không phải ngẫu nhiên mà Đức Giêsu lại để cho một người ngoại, một người Samari, hóa thân thành người thân cận của một người bị khổ đau; trong khi đó, những đấng bậc đáng kính của Do Thái giáo, một thầy tư tế và một thầy Lêvi, lại từ chối lời kêu mời ấy. Sứ điệp của Đức Giêsu không còn giới hạn trong thế giới nhỏ hẹp của Do Thái giáo nữa, mà là một sứ điệp hướng tới tình yêu đại đồng, sứ điệp mời gọi mọi người đón nhận mọi người, sứ điệp mời gọi mỗi người trở về với bản chất yêu thương như đã được Thiên Chúa sáng tạo thuở ban đầu.
Người bị cướp nằm bên vệ đường, đó là thực trạng đau thương của cuộc sống, thực trạng bất công vẫn đầy rẫy trong thế giới, hôm qua cũng như hôm nay. Quả thật, trước lời kêu mời của khổ đau, mọi biện phân về luật pháp, về chủng tộc, ngay cả về “đạo đức” nữa hình như không còn giá trị. Thực trạng khổ đau xoá mờ mọi ranh giới phân biệt, chia rẽ trong thế giới loài người. Đứng trước khổ đau của nạn nhân, người Samari nhân hậu đã chỉ còn biết thực thi mệnh lệnh đức ái. Cũng thế, đứng trước khổ đau của nhân thế, Đức Giêsu, người Samari Nhân Hậu đích thực, một người “ngoại” đối với thế giới chia rẽ của con người, đã “rơi” từ trên trời xuống để thể hiện lòng bác ái và trở nên người thân cận của nạn nhân. Tiếng kêu của khổ đau vọng tới trời, tiếng than của khổ đau xoay vào lòng người, và người ta chỉ có thể đáp lại tiếng kêu mời ấy bằng tấm lòng bác ái mà con người trao tặng cho nhau một cách quảng đại.
Trong thế giới của khổ đau, mọi biên giới phân biệt bị xoá nhoà, và đây lại chính là mảnh đất tốt nhất cho tình yêu trổ sinh bông hạt. Nói cách khác, tình thương chân chính chỉ có thể sinh sôi nẩy nở trong thế giới không biên giới, vì bản chất của tình yêu cũng là không biên giới.
Trong xã hội của thành phố Lima, Martin cũng là một thứ “dân ngoại”. Người cha của hai anh em Martin đã không vượt qua được những hàng rào của lễ giáo và văn hoá, ông đã xấu hổ vì mầu da đen của hai đứa con, ông đã trốn tránh nhiệm vụ làm cha đối với những giọt máu cho chính mình sinh ra. Trong xã hội thành phố Lima và trong tất cả thời đại ấy, nguyên mầu da đen đã là một ranh giới phân chia thế giới con người. Sống trong thế giới ấy, nhưng Martin đã sớm “lặn” sâu vào tầng lớp những người khổ đau, nơi ấy không có biên giới chia rẽ mà chỉ có tiếng kêu thống thiết xuyên vào tận tâm lòng con người. Chính trong “tầng lớp” cuộc đời khổ đau này, Martin đã thể hiện vai trò người cha của những kẻ khổ đau, thể hiện một tình nghĩa gia đình đại đồng, hay một tình yêu thương người thân cận không đặt điều kiện.
Martin đến với mọi người, từ những người tầm thường nhất cho đến những quan chức cao cấp, không một chút mặc cảm, không một chút oán hờn, không một chút phân biệt. Khổ đau không biệt phân biệt giai cấp; mọi người đều có khổ đau và mỗi người đều có nỗi khổ đau riêng của mình. Martin vượt qua biên giới một người ngoại để đến với những “nạn nhân bị cướp nằm bên vệ đường”; Martin đã đến được với thế giới đại đồng qua con đường của khổ đau; hay đúng hơn, Martin đi sâu vào thế giới nhân sinh qua con đường yêu thương không biên giới, vì ngài đã cảm nhận được nỗi khổ đau của con người và đã dấn thân trở nên người thân cận của mọi người “bị cướp nằm bên vệ đường”.
Lm Giuse Nguyễn Trọng Viễn OP
(Những trang tin mừng mở ra trên cuộc đời thánh Martinô)