Kiên Nhẫn
Như Ông Gióp
(Mc 1, 29-39)
Thưa quí vị.
“Kiên nhẫn như ông Gióp” là câu nói đầu lưỡi của thế giới công giáo, phổ thông nhất là ở ngôn ngữ các nước tây Âu. Nó ngụ ý tán thưởng những ai kiên cường chịu đựng nghịch cảnh lâu dài. Nhưng chắc chắn bài đọc một hôm nay không chứng minh được điều đó. Ngược lại, bài đọc cho thấy trong đau khổ, ông cũng phẫn uất như ai : “Cuộc sống con người nơi dương thế chẳng phải là thời khổ dịch sao ? Và chuỗi ngày lao lung vất vả đâu khác gì đời kẻ làm thuê ?” Hoá ra ông Gióp chẳng kiên nhẫn chút nào! Cứ như sự khôn ngoan bình dân thời đó thì khổ đau là hình phạt của những điều dữ người ta đã phạm. Nhưng xét trong lương tâm, ông có làm gì xấu đâu ? Vậy tại sao ông phải gánh chịu số phận long đong thế này : Con cái chết hết, của cải tiêu tan, mình đầy ghẻ chốc, bạn bè xa lánh, cả đến người vợ thân yêu cũng không tiếc lời khiển trách: “Ông còn kiên vững trong đường lối vẹn toàn của ông nữa hay thôi ? Hãy nguyền rủa Thiên Chúa và chết đi cho rồi” (G 2,9). Ông Gióp đã không hiền lành chấp nhận số phận. Ông phản kháng và lý lẽ của ông có phần thuyết phục. Lời cầu khẩn đó xem ra khuyến khích những ai đang chịu đựng cuộc đời gian truân, túng quẫn được phép ta thán trước Thiên Chúa . “Kiên nhẫn như ông Gióp” xem ra không còn mấy ý nghĩa.
Vô số người dám gán cho Thượng đế là nguyên nhân gây nên những bất hạnh của mình, bởi mặc dầu đã cố gắng hết sức ăn ngay ở lành, đáng được Thiên Chúa thương gởi tới điều may mắn. Thì thực tế không phải vậy, toàn gian truân, khổ dịch. Lại có những người khác không dám mở miệng kêu ca, mà giữ im lặng khó hiểu với tâm can uất ức. Lâu dần họ trở nên lạnh lùng, thù địch cùng Thiên Chúa. Trong thánh kinh Cựu ước chúng ta cũng thấy vô số lời phàn nàn trước tôn nhan Thiên Chúa, nhất là trong các thánh vịnh: “Ngày con kêu cứu không lời đáp ứng, đêm van nài mà cũng chẳng được yên” (Tv 22,3). Suy nghĩ kỹ, những lời than vãn như trên không phải để trách móc Thượng đế mà để bày tỏ cảm xúc chân thực của lòng mình. Chúng có khả năng làm tan biến thái độ đạo đức giả hình, dồn ép, sơ cứng. Càng trung thực bao nhiêu thì càng đạo đức bấy nhiêu. Chúng ta có quyền giải bày lòng mình trước Thượng đế, Ðấng có thể thay đổi sự việc, bằng không, chúng ta là những kẻ thụ động nhu nhược.
Trong quá trình sống, nhiều lúc tình hình xem ra vượt khỏi tầm kiểm soát, có bàn tay nào đó điều khiển cuộc đời chứ không phải đương sự. Chúng ta tự hỏi: “Ai chịu trách nhiệm ở đây ?” những khổ dịch, những sự dữ chúng ta kinh nghiệm chắc chắn không phải do bàn tay Thiên Chúa yêu thương. Ông Gióp cũng cảm nhận như vậy khi nói : “Chuỗi ngày lao lung vất vả đâu khác gì đời kẻ làm thuê ?” Thuê mướn là công việc của người khác, làm sao chúng ta có quyền kiểm soát ? Ngày của một người nô lệ là khổ dịch dưới sức nóng ghê gớm của ánh nắng mặt trời. Người nô lệ luôn khát khao bóng mát. Ấy cũng là tâm trạng của ông Gióp, của mỗi người chúng ta. Nhưng vấn đề là điều chi đã sui khiến nên như vậy ? Ông Gióp đã phạm lỗi gì ? Còn tội của mỗi người chúng ta thì đã rõ. Vì vậy những lời ta thán của tác giả sách Gióp cho độc giả biết tính mỏng dòn của thân phận con người.
Chúng ta cảm thấy như đi trên mặt hồ đóng lớp băng mỏng, có thể chìm xuống nước lạnh bất cứ lúc nào ! Trước tình thế như vậy, dù có sống tốt thì cũng không thể tránh khỏi hoạn nạn. Và khi nghe đọc bài sách thánh chúng ta có khuynh hướng bịt tai, la lớn như đứa trẻ khi nghe cha mẹ doạ nạt, hoặc nói về những điều chúng không ưa thích. Dĩ nhiên bây giờ chúng ta đã lớn, ý thức được những hành động mình làm. Nhưng chúng ta lại có những thái độ để khỏi phải nghe điều mình không ưa, như thay đổi đề tài, nói lảng sang chuyện khác. Chúng ta né tránh những điều mình không muốn nghe : bệnh tật, tuổi già, ly dị và các hậu quả tai hại v.v… chỉ thích nghe những điều lạc quan, như tuổi trẻ, sắc đẹp, thể thao, kỹ thuật mới v.v… Cho nên lời của ông Gióp trong phụng vụ hôm nay khó mà lọt thủng tai. Dầu sao một ngày nào đó trong tương lai, mỗi người đều phải thốt lên : “Gia tài của tôi là những ngày tháng khốn cùng, số phận của tôi là những đêm khắc khoải ê chề.”
Tôi đã cố gắng tìm ra khía cạnh lạc quan, ơn thánh trong đoạn văn này – nó kết thúc quá ư buồn thảm : “Tôi sẽ chẳng được trông thấy hạnh phúc nữa đâu !”- Khi trước ông Gióp đã là người giầu có, phát tài, của cải nhiều vô kể mà nay rơi vào cảnh khốn cùng, thì lời yếm thế của ông thức tỉnh tinh thần tôi, không thể cậy nhờ vào vật chất chóng qua mà phải trông mong vào một mình bàn tay Thiên Chúa mà thôi. Tôi phải rút ra từ cuộc đời ông Gióp một bài học quí giá, không chi so sánh nổi. Ðó là vững tin vào lượng hải hà của Thiên Chúa. Ngài chẳng bao giờ nỡ bỏ quên chúng ta để chúng ta thất vọng trong vòng kiểm toả của tử thần. Trong lúc khốn cùng ông Gióp đã cố gắng khơi dậy niềm tin. Ông kêu lên : “Lạy Ðức Chúa, xin nhớ cho, cuộc đời con chỉ là hơi thở…” Ông không phải là nguồn gốc sự sống của mình, ông hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa, Ðấng đã dựng lên ông, ông như thể muốn nói với Thượng đế : “Lạy Ngài xin nhớ lại, Ngài đã dựng nên con bằng gì ! Con hoàn toàn mỏng dòn, chỉ là hơi thở, một cơn gió thoảng cũng có khả năng làm nó tiêu tan. Xin nhớ lại con chẳng là chi cả, là hư vô, con hoàn toàn lệ thuộc vào Ngài để được sống, được tồn tại !”
Ông Gióp muốn gợi lại tương quan giữa Ðấng tạo hoá và tạo vật. Hơi thở trong nguyên bản là “ruah”. Nó có hai nghĩa, vừa là gió thổi, vừa là thần lực phát xuất từ Thiên Chúa thâm nhập vào các tạo vật để ban cho chúng sự sống. Cuộc sống con người đúng thực mỏng manh như gió thổi, như mây nổi, như chiêm bao, như bóng ngựa qua cửa sổ, nhất là trước những khổ đau và hoạn nạn. Nhưng cuộc sống con người cũng đến từ hơi thở của Thiên Chúa tức là từ nguồn mạch bền vững và đời đời. Thiên Chúa không thể nào bỏ quên hơi thở của mình. Do đó ông Gióp hy vọng vào sự cứu giúp của Thượng đế. Hy vọng của ông Gióp cũng là hy vọng của mỗi linh hồn tín hữu chúng ta.
Tin mừng hôm nay có cả thảy bốn nội dung. Hợp với Phúc âm tuần vừa rồi, chúng làm nên “một ngày hoạt động của Ðức Giêsu”. Có rất nhiều điều xảy ra trong ngày đó. Chúa Giêsu rất bận rộn, Ngài hoạt động liên tục. Thiên Chúa cũng rất bận rộn, tất bật. Ðó là ngày thứ bảy- ngày nghỉ của con cháu loài người, và súc vật. Nhưng Thiên Chúa lại liên tục thi ân, giáng phúc trên những tạo vật của Ngài. Sự việc xảy ra ở thành phố cảng Capharnaum (người ta gọi là thành phố của Chúa Giêsu), không phải ở Giêrusalem. Thời ấy Giêrusalem là nơi duy nhất có hy lễ hiến tế. Tín hữu bình thường hoạ hiếm mới được đến đấy. Thường thì họ đi thờ phượng ở các hội đường trong làng mạc hay thành thị. Họ đến để cầu nguyện và nghe giáo huấn.
Chúa Giêsu rời hội đường Capharnaum, nơi Ngài đuổi quỉ ô uế, chữa lành một người điên khùng và bước vào nhà hai anh em Anrê và Phêrô. Lập tức người ta nói cho Ngài hay về bệnh tình của bà mẹ vợ ông Simon Phêrô. Ngài tiến lại chỗ bà nằm “cầm lấy tay bà và đỡ dậy. Cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.” Nghe như một câu chuyện bình thường, nhưng thực ra thánh Marcô đã dùng ngôn ngữ Tân ước để mô tả câu truyện khỏi bệnh. Chúa Giêsu nâng bà dậy. Ðó là từ ngữ để diễn tả Chúa làm cho kẻ chết sống lại. Người được chữa lành có sức sống mới. Sự sống của kẻ phục sinh. Chỉ một mình Chúa Giêsu có quyền ban cho, ngoài ra không ai làm được việc đó cả.
Sự sống mới đó thế nào ? Kinh Thánh nói khi bà mẹ vợ ông Phêrô được chữa khỏi, bà liền đi phục vụ các ngài. Phục vụ trong gia đình là bổn phận của nữ giới. Nhưng thánh Marcô lại dùng từ “diakoneo” từ này chỉ iocông việc phục vụ trong hội thánh. Tiếng Anh gọi là “deacon”. Tiếng Việt nam mình gọi là phó tế. Rõ ràng ám chỉ phục vụ cộng đoàn. Khi người ta kinh nghiệm được Chúa Giêsu ban ơn phục sinh, họ lập tức bị thúc đầy phục vụ Giáo hội, phục vụ các linh hồn. Họ muốn chia sẻ những ơn đã lãnh nhận với người khác. Không muốn phục vụ hội thánh là dấu chỉ chắc chắn chưa nhận được ơn phục sinh của Chúa Giêsu. Một tư tưởng đáng sợ cho mọi tín hữu. Ngược lại những linh hồn hồ hởi làm việc tông đồ là những người đã được lãnh nhận ơn Chúa sống lại. Theo kinh nghiệm thì những tín hữu hăng say việc tông đồ thường nói rằng : Họ được lợi rất nhiều khi hết mình phục vụ Hội thánh. Không ca thán, không đòi hỏi. Họ đã được sung mãn trong cộng việc của mình. Họ còn cho biết rằng khi làm công việc ấy hình như Chúa Giêsu đang cầm lấy tay họ nâng đỡ dậy.
Tóm lại, chẳng có câu trả lời dễ dãi cho vấn đề người vô tội phải chịu đau khổ, kiểu như ông Gióp. Thực ra đau khổ là một mầu nhiệm, vượt quá sức hiểu biết của chúng ta. Nhưng ông Gióp chỉ là câu chuyện tưởng tượng, tác giả đặt ra để thử giải quyết vấn đề. Quyền năng của Chúa Giêsu chữa lành các đau khổ bệnh tật của nhân loại là điều có thực. Không ai chối cãi được. Chúa Giêsu, Ðấng vô tội đã tự nguyện gánh tội loài người để giải phóng chúng ta, cho chúng ta đựơc tự do. Ðó cũng vẫn là điều nhiệm mầu không thể hiểu thấu. Chúng ta cử hành và dấn thân vào mầu nhiệm đó. Ðiều mà Chúa làm cho bà mẹ vợ ông Phêrô ngày xưa, Ngài cũng còn thực hiện cho chúng ta hôm nay. Xin ý thức rõ ràng về điều này. Ngài giơ tay nâng chúng ta dậy khỏi tội lỗi, đau khổ và sự chết, ban cho chúng ta sức sống phục sinh để chúng ta trông thấy các nhu cầu của anh chị em đồng loại và đáp ứng những nhu cầu đó trong nghị lực và niềm vui. Amen.
Fr. Jude Siciliano, op