Uy Quyền Chúa Triệt Hạ Sự Dữ

Uy Quyền Chúa Triệt Hạ Sự Dữ

Chúa Nhật 4 Thường niên B (ngày 02-01-2009)
Mc 1, 21-28

Lm. Jude Siciliano, op – Nguồn “daminhvn.com”

Anh chị em thân mến,

Phúc âm thánh Mác-cô tiếp tục diễn tiến. Chúng ta đọc chỉ chương thứ nhất  mà đã có 2 chuyện về việc Chúa Giêsu giảng dạy: Chúa Giêsu dạy trong đền thờ và Ngài trừ quỷ. Khi chúng ta đọc mở đầu và kết thúc phép trừ quỷ có vẻ bề thế và làm chúng ta để ý đến, nhưng đó khong phải là cốt chuyện chính. Trái lại, thánh Mác-cô viết đến việc Chúa Giêsu giảng dạy. Phép trừ quỷ chỉ để nhấn mạnh việc Ngài giảng dạy mà thôi. Dân chúng cũng thấy như vậy. “Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Chúa Giêsu, vì Người đã dạy như là “một đấng có thẩm quyền chứ không như các kinh sư”.

Trong sách Đệ nhị Luật, Môsê hứa: “Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng, các ngươi sẽ nghe ngài”. Đức Chúa đã gởi ngôn sứ đến dân Ngài, để làm chứng sự hiện diện của Ngài. Các ngôn sứ đến trước Chúa Giêsu đã nói nhân danh Thiên Chúa “Đây là lời của Thiên Chúa…”. Nhưng Chúa Giêsu lại không nói như các ngôn sứ. Ngài nói từ uy quyền của Ngài: “Tôi bảo thật anh em…”. Sau khi Chúa Giêsu sống lại, các môn đệ mới hiểu rằng, Chúa Giêsu còn lớn hơn Môsê hay bất cứ một ngôn sứ nào. Ngài không phải chỉ là tiếng nói của Thiên Chúa, mà chính Ngài là sự hiện diện của Đấng Tối Cao ở giữa chúng ta. Và hơn nữa, sự hiện diện uy quyền của Ngài không rời khỏi các môn đệ ngay sau khi Ngài đã chết. Sự sống lại của Ngài đã mở mắt các môn đệ để nhận ra Ngài là ai, ở giữa các ông. Các ông vẫn nhớ những lời Ngài nói với thẩm quyền của Ngài, trong những việc Ngài làm, đồng thời các ông đặt hết niềm tin cậy vào sự hiện diện của Ngài nơi các ông trong khi đi rao giảng những lời dạy của Ngài.

Các kinh sư khi giảng dạy, luôn tuân theo những lời dạy của các thầy dạy hay các lời người khác phê phán. Các kinh sư không thể nào tự xưng là có thẩm quyền về các lời họ dạy. Vì thế, thiên hạ sửng sốt về lời giảng của Chúa Giêsu, vì Ngài không đưa vào lời dạy của ai cả. Ngài nói “như một người có thẩm quyền dạy “. Làm sao thiên hạ biết được là Chúa Giêsu tự có thẩm quyền dạy? Để mọi người biết được điều này, Ngài trừ quỷ. Nhờ vậy, thiên hạ tin ngay vào thẩm quyền của lời Ngài dạy dỗ.

Trước đó, Gioan tiền hô có hứa “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi…”(1:7) Và hôm nay, Phúc âm thánh Mác-cô trình bày: Lời hứa của Gioan Tiền Hô đã được ứng nghiệm. Chúa Giêsu đến với thế gian đầy quyền lực của Satan và sự dữ, như người bị quỷ ám trong đền thánh, và loài người không có sức chống đỡ. Sự dữ đối nghịch với Thiên Chúa. Vì thế chúng ta cần đến một “Đấng quyền thế” để đè bẹp sức mạnh của sự dữ. Chúa Giêsu bước vào đền thờ và thánh Mác-cô viết là Chúa Giêsu thi hành sứ vụ của Ngài: Ngài khử trừ thần ô uế đã ngự trị trên dân chúng và ngay cả các môn đệ, dưới nhiều hình thức, như khi Ngài trách thánh Phêrô “Xa-tan! lui lại đàng sau Thầy!..” (8:33). Chúa Giêsu giải trừ tội lỗi, sự đau yếu, sự lừa dối, sự tham lam, và ngay cả sức mạnh của sự chết.

Dân chúng đã trông đợi rất lâu, cầu mong Thiên Chúa sẽ đến cứu giúp họ. Và những lời giảng dạy của Chúa Giêsu và các việc Ngài làm đã tỏ cho họ thấy là họ có thể chống lại quyền lực của sự dữ. Việc trừ quỷ là việc chứng tỏ rằng, Thiên Chúa có uy quyền thật sự. Chúa Giêsu cũng muốn đem những người yếu đuối về với xã hội của họ, bằng hình ảnh cụ thể là việc trừ quỷ. Một người có cung cách kỳ dị, được coi là bị quỷ ám. Vì vậy, người đó không được cho vào đền thờ, do họ có thể làm xáo trộn cộng đồng. Và Chúa Giêsu, bằng quyền lực của Ngài, đã đem lại bình an, hoàn hảo mà quỷ dữ đã quấy rối. Chúa Giêsu đã đem lại sự lành như Ngài đã rao giảng trong Chúa nhật vừa qua: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”.

Chúng ta hãy xem lại về uy quyền của Chúa Giêsu trong những lời Ngài giảng dạy. Bây giờ Ngài đã sống lại và đang ở giữa chúng ta, Ngài vẫn tiếp tục giảng dạy với uy quyền trên sự dữ của Ngài. Tôi viết bài giảng này vào ngày lễ ông Martin Luther King, và một ngày trước lễ nhậm chức của Tổng thống da đen đầu tiên ở Mỹ. Chúng ta nghe lời nói đầy hy vọng của ông King, nói với dân chúng cách đây hơn bốn mươi năm. Ông ta nói đến thời quá khứ, nhưng cũng nói đến thời bây giờ và tương lai xã hội này nữa. Ông ta cũng đưa vào quyền uy của Chúa Giêsu để thách đố xã hội này dựa vào tính bình đẳng, bất bạo động, và tình thương yêu, ngay cả đối với kẻ thù của mình. Đời sống của ông King khiến chúng ta thấy uy quyền của lời Chúa Giêsu mạnh mẽ chừng nào, và những lời của Chúa giúp chúng ta sống trong hiện tại, và trong những cuộc đấu tranh chống tệ nạn làm băng hoại cộng đồng loài người, khiến xảy ra bao tranh chấp chia rẽ.

Tại Montgomery, Alabama, ông King đã nói: “Tôi biết anh em muốn hỏi tôi hôm nay: Phải đợi bao lâu nữa? Tôi nói ngay với anh em là, ngay chiều hôm nay, dù có khó khăn đi chăng nữa, cũng không bao lâu nữa, chân lý sẽ ngự trị ngày càng lớn dần trên mặt đất

Bao lâu ? Không lâu đâu, vì không có sự dối trá nào có thể tồn tại mãi được.

Bao lâu ? Không lâu đâu, vì chúng ta gieo gì thì gặt nấy.

Bao lâu ? Không lâu đâu, vì móng vòm đạo đức của thế giới còn dài, và nó luôn ngã mình vào sự công chính.

Bao lâu ? Không lâu đâu, vì mắt tôi đã trông thấy ánh hào quang của Thiên Chúa đang bừng lên..”

Chúng ta hãy nghe lời ông King nói. Đây là dòng giống của một ngôn sứ thời hiện đại. Ông ta nói với giọng hùng hồn đầy quyền uy như giọng của Đấng đang giảng dạy trong đền thờ làm cho quỷ phải ra khỏi người bị nó nhập. Bằng giọng hùng hồn, Ông King giúp dân chúng chiến đấu với sự kỳ thị chủng tộc, với bạo lực và sự bất công, chính những lời nói đó vẫn còn giúp chúng ta chiến đấu để khử trừ các quỷ dữ.

Thử hỏi ai có quyền lực trên đời sống của chúng ta? Những lời nói và hành động của ai có thể lay chuyển chúng ta trở về với đời sống công chính? Ai có thể làm cho chúng ta có một nhãn quan khác để nhìn vào thế giới hiện tại, giúp chúng ta thấy được sự lành và tránh xa sự dữ? Đối với các Kitô hữu, lời của Chúa Giêsu có những quyền uy đó không?

Chúng ta tin tưởng vào lời Chúa Giêsu, và chúng ta tin Ngài sẽ trung kiên với chúng ta trong khi Ngài sai chúng ta đi rao giảng như ngôn sứ hiện đại, để làm chứng qua lời nói và việc làm của chúng ta. Thật ra, chúng ta phải luôn nhìn vào những điều Chúa Giêsu giảng dạy, để theo gương Ngài, để Ngài giúp chúng ta chống lại sự dữ và tiến đến mục tiêu tốt lành như thiên hạ đã nhận xét về Chúa Giêsu khi Ngài rao giảng trong đền thờ: … Lời giảng dạy của Ngài có uy quyền thật.

Để lại một bình luận