Tin Mừng Lc 1, 39-56 : Đức Mẹ đi thăm bà Êlisabét
Suy niệm
Lời chào của Đức Maria gởi đến bà Êlisabét có lẽ đơn giản mộc mạc lắm nhưng lại thuần khiết lắm, đó là một lời chào chân chính nhất; có lẽ nhẹ nhàng lắm nhưng lại có khả năng đi sâu vào tận cõi thâm sâu của tấm lòng, đó là một lời chào đầy tình yêu thương; có lẽ quen thuộc và theo qui luật xã giao bình thường, nhưng lại sống động lắm, đó là lời chào của người em nhỏ bé đối với bà chị lớn tuổi của mình …
Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét” (Lc 1,40)
Trong dáng vẻ mộc mạc, nhẹ nhàng và quen thuộc ấy, lời chào của Đức Maria lại có khả năng trao ban chính sự bình an của Thiên Chúa trong lòng Mẹ, và tạo nên cả một bầu trời vui cho bà chị của mình : “Bà Elisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhẩy lên và bà được tràn đầy Thánh Thần …” (Lc , 1, 41)
Chính vì thế, cuộc gặp mặt của hai người phụ nữ, hai “bà bầu”, như là một chuyện quá nhỏ bé và tầm thường trong cuộc đời, lại trở thành một cột mốc trong lịch sử ơn cứu độ – mầu nhiệm Thiên Chúa viếng thăm Dân Người – và trở thành tiếng reo vui muôn đời của nhân loại trước hồng ân cao cả của Thiên Chúa : “Bấy giờ bà Maria nói : Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi …” (Lc 1, 46-47 tt).
Và như thế, lời chào của Mẹ Maria được Tin Mừng ghi lại trở nên như lời chào bình an gởi tới toàn thể nhân loại, lời chào ân phúc gởi tới mọi tín hữu, như một lời chào khai mở một chân trời mới, như lời dẫn lối chỉ đường cho dòng sự sống ơn cứu độ được lan tràn từ người này sang người khác. Thiên Chúa vẫn tiếp tục viếng thăm Dân Người và Ngài vẫn sử dụng những “lời chào” thân ái mà con người trao tặng cho nhau để làm bừnglên một trời vui : “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhẩy lên vui sướng” (Lc 1,43)
Sách sử kể lại rằng, Martin không hề từ chối một bệnh nhân nào và cũng chẳng bao giờ gắt gỏng khi có ai đến nhờ vả, phiền hà. Lúc nào trên môi Martin cũng điểm một nụ cười thật tươi và các bệnh nhân trong nhà thương cũng như các tù nhân trong trại giam đều gọi Martin là “ân nhân khả ái”. Chúng ta có thể thấy ngay nét tương đồng trong lời chào của Mẹ Maria với nụ cười của Martin. Hay nói đúng hơn, cả hai đều cùng thuộc về một dòng sự sống của ơn cứu độ. Lời chào của Mẹ Maria như nguồn bình an của Thiên Chúa được trao gởi cho nhân loại, lời chào ấy đã được tiếp tục thắp lên trên môi của Martin, trở thành nụ cười mang lại tình người khả ái cho những người khổ đau.
Cũng như lời chào, Thiên Chúa trao ban cho con người nụ cười như một gia sản để con người có thể trao tặng tình người thân ái cho nhau. Thay vì là tiếng cười đắc chí, là giọng cười mỉa mai hay châm chọc … con người có thể sử dụng nụ cười như một món quà tuyệt diệu, món quả của tâm hồn, của tình thân, của sự bình an mà trao tặng cho nhau. Nụ cười cũng là một cách diễn tả tình yêu thương giữa con người với nhau và, trong niềm Tin, thể hiện tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho con người.
Quả thật nụ cười yêu thương làm cho khuôn mặt của con người trở nên khả ái biết bao ! Trao cho nhau nụ cười, đó là dấu hiệu muốn thiết lập tình thân, làm cho người đối diện được an tâm, và khai mở một con đường thông thoáng cho cuộc trao đổi thân tình. Nụ cười trở nên như nhịp cầu nối kết tình người và đưa cuộc sống xã hội loài người trở về với thế giới yêu thương như Thiên Chúa muốn từ lúc ban đầu. Thế đó ! Thật đơn giản nhưng cũng thật kỳ diệu ! Nụ cười yêu thương có thể gội sạch “bụi trần” và làm cho tương quan con người với nhau tìm trở lại được nét tinh khôi của nó.
Một con người hiện diện với nụ cười trên môi là con người sẵn sàng trở thành bạn hữu, sẵn sàng sống mối thân tình với người khác, sẵn sàng yêu thương và liên đới với người khác. Con người ấy cũng trở thành món quà được trao tặng để người khác có thêm an bình vì được chia sẻ, có thêm can đảm vì được đồng hành, có thêm niềm vui vì được yêu thương, có thêm nét đẹp vì được đón nhận sự khả ái. Con người ấy đi đến đâu cũng mang lại bầu khí đượm nhuần vẻ thân thiện, bình an.
Đúng như thế, với nụ cười khả ái trên môi, đi đến đâu Martin cũng đem lại một bầu không khí vui vẻ và niềm hy vọng cho những người đang đau khổ vì bệnh tật yếu đau. Nụ cười Martin ấy, trong niềm tin yêu vào Thiên Chúa, cũng trở nên lời chào trao ban sự bình an của Thiên Chúa để xoa dịu khổ đau mà mở ra bầu trời vui cho con người.
Lm Giuse Nguyễn Trọng Viễn OP
(Những trang tin mừng mở ra trên cuộc đời thánh Martinô)