TẾT NGUYÊN ĐÁN
1. Một trong những lo lắng cuối năm dịp Tết đối với những công nhân đi làm xa là làm thế nào có xe về quê ăn Tết. Vì đối với người Việt Nam thì mỗi khi Tết đến, bất kể ở đâu, làm công việc gì, vẫn phải về nhà sum họp gia đình trong những ngày Tết. Tết đối với người Việt rất là thiêng liêng. Tết còn gọi là Tết Nguyên Đán, Tết Ta, Tết Âm Lịch, Tết Cổ Truyền, Năm Mới. Vậy chúng ta thử tìm hiểu “Tết Nguyên Đán” có nghĩa gì.
2. Tết Nguyên Đán
2.1 Tết: Tết là từ chữ “tiết”. Tiết chữ Hán là 節. Dạng chữ ban đầu là “卩”. Hình chữ trong Giáp Cốt văn giống một người đang quỳ ngồi, thò đầu gối ra ngoài. Sau đó người ta mượn chữ này chỉ “phù hiệu” (vật làm chứng), rồi lại thêm bộ trúc 竹 thành nghĩa “đốt tre”, Nhưng nghĩa rộng của nó là: “điều hòa, khống chế”, “khí tiết”, “lễ tiết” (lễ phép), “mùa”, “ngày lễ” như ngày Tết v.v [1] . Cho nên tiết (節) có nghĩa là dt (1) Đốt tre ; (2) Điểm nối: cốt tiết ; (3) Một phần của chương sách: đệ nhất chương, đệ nhị tiết ; (4) Nhịp nhạc: tiết tấu ; (5) Phần của mùa: tứ thời bát tiết ; (6) Ngày lễ: nguyên đán tiết ; (7) Đúng phép: khí tiết ; (8) “Nút” đo vận tốc tàu ; (9) (Cổ văn) Lá cờ chỉ huy: tiết kỳ ; (10) Họ Tiết ; đt (11) Thu lại cho vắn gọn: tiết lược ; (12) Dành: tiết y súc thực (bớt mặc bớt ăn): (13) Ước chế: tiết chế.
Nghĩa Nôm của chữ tết là đan: tết tóc.
Trong thuật từ này là ngày lễ, nhưng tiếng Việt đã biến âm là tết, có nghĩa là: dt (1) Ngày lễ hằng năm, thường có cúng lễ, vui chơi, theo truyền thống dân tộc: Tết Đoan Ngọ, Tết Trung Thu; (2) Lễ năm mới thường được gọi tắt là Tết : Năm hết Tết đến ; đt (3) Biếu quà nhân dịp Tết: Tết thầy giáo.
2.2 Nguyên: Có nhiều chữ Hán: 元, 原, 厵, 壖, 姩, 嫄, 沅, 源, 羱, 騵, 芫, 螈, 黿. Ở đây là chữ nguyên (元), có chữ nhị (二), dùng để chỉ cái đầu, và bộ nhân (儿, cổ văn), nghĩa ban đầu của chữ nguyên là khởi đầu. Chữ nguyên có nghĩa: dt (1) cái đầu người: dũng sĩ bất vong táng kỳ nguyên (kẻ sĩ mạnh thường nghĩ chết mất đầu cũng không sợ); (2) Tên húy vua nhà Thanh là Huyền (玄), nên thời ấy lấy chữ nguyên (元) thay chữ Huyền (玄) (3) Triều nhà Nguyên ; (3) Đơn vị tiền tệ Trung Quốc từ triều Thanh về sau ; (4) Thủ trưởng: nguyên thủ ; (5) Năm đầu của niên hiệu: nguyên niên ; (6) Nhân dân: lê nguyên ; (7) Họ Nguyên ; tt (8) Bắt đầu: nguyên đán ; (9) Bậc lão thành: nguyên lão ; (10) Chinh, cơ bản: nguyên âm, nguyên tố.
2.3 Đán: có những chữ này: 旦, 但, 鉭, 钽. Trong thuật từ nguyên đán là chữ 旦 (đán), thuộc loại chữ chỉ sự, có bộ nhật (日) và một gạch ngang (一) ở phía dưới. Hình dạng chữ lúc đầu là mặt trời vừa lên nhưng chưa rời khỏi mặt đất, mô tả một cách tượng hình mặt trời mới xuất hiện. Cho nên lúc mặt trời mọc lên, mặt đất được tỏa sáng gọi là đán. Chữ đán có nghĩa: dt (1) Sớm, sáng sớm, lúc trời mới sáng ; (2) Chỉ việc thình lình không lường trước được, như nhất đán địch chí (một mai giặc đến) ; (3) Tuồng nữ gọi là đán.
3. Nghĩa của thuật từ Tết Nguyên Đán:
Tết là ngày lễ, nguyên là bắt đầu, đán là sáng sớm, nên ngày lễ đầu năm gọi là Tết Nguyên Đán. Tết Nguyên Đán chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của một năm. Trung Quốc, Macao, Hồng Kông, Đài Loan, Triều Tiên, Hàn Quốc, Việt Nam, Singapore, Malaysia, Nhật (trước Minh Trị duy tân, năm 1873) đều mừng lễ này.
3.1 Theo lịch sử Trung Quốc, nguồn gốc Tết Nguyên Đán có từ đời Tam Hoàng Ngũ Đế [2]. Nhưng mỗi thời kỳ ngày Tết Nguyên Đán có khác nhau. Đời Hạ lấy ngày 1 tháng giêng (theo lịch nhà Hạ) làm Tết Nguyên Đán, đời Thương là ngày 1 tháng chạp, đời Chu là ngày 1 tháng 11, thời kỳ triều Tần Vương là ngày 1 tháng 10, Hán Vũ Đế lại định ngày 1 tháng giêng là Tết Nguyên Đán, từ đó người ta không thay đổi nữa cho đến năm 1911, trước cách mạng Tân Hợi.
Sau khi thành lập Trung Hoa Dân Quốc, ông Tôn Dật Tiên bỏ âm lịch, định ngày 1-1 dương lịch làm ngày Nguyên Đán, cấm người dân mừng năm mới âm lịch. Tháng 9 năm 1949, nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc chính thức quyết định ngày 1-1 dương lịch là ngày Nguyên Đán, còn ngày 1 tháng giêng âm lịch là Xuân Tiết. Tuy sách báo viết là “Xuân Tiết”, nhưng người dân vẫn nói là “ăn Tết” (Quá Tân Niên). Thời kỳ cách mạng văn hóa còn cấm cả mọi hoạt động mừng Xuân Tiết.
3.2. Từ những thay đổi của chữ viết đến việc thay đổi của văn hóa Tết, chúng ta nhận thấy có dạng thay đổi theo nhịp sống. Ví dụ chữ Tết (節) Hán văn, đó là do nhu cầu của chữ viết và được mọi người đồng thuận. Còn việc thay đổi của ngày Nguyên Đán là do chính sách của nhà cầm quyền, nhưng không được người dân đồng thuận. Cho tới nay người Hoa trên khắp thế giới vẫn “ăn Tết” vào ngày 1 tháng giêng âm lịch.
3.3. Tết Nguyên Đán ở Việt Nam
Đối với người Việt Nam, Tết là dịp lễ hội quan trọng nhất trong năm. Các tập tục ngày Tết được các gia đình và mọi cá nhân giữ gìn gần như nguyên vẹn.
4. Kết luận
Tết Nguyên Đán là ngày lễ rất quan trọng đối với các nước chịu ảnh hưởng của Trung Quốc. Hội đồng Giám mục Việt Nam đã rất khéo léo hội nhập văn hóa ngày Tết, Giáo hội tại Việt Nam dành tối Giao thừa để tạ ơn Chúa, Mùng một Tết cầu bình an, Mùng hai Tết cầu cho ông bà cha mẹ, Mùng ba Tết cầu cho công ăn việc làm. Chỉ có Giáo Hội tại Việt Nam có sáng kiến như thế. Chúng ta nên vận dụng một cách sáng tạo, không những chỉ dâng lễ theo ý HĐGM đã định, mà nên chăng có thêm những nghi thức theo văn hóa Việt Nam, để tinh thần Kitô giáo thấm nhuần vào văn hóa Việt Nam.
______________________________
Tham khảo
1. Cao Thụ Phan, HÌNH ÂM NGHĨA TỔNG HỢP ĐẠI TỰ ĐIỂN, Đài Loan, 1971.
2. Lý Lạc Nghị, TÌM VỀ CỘI NGUỒN CHỮ HÁN, nxb. Thế Giới, Hà Nội, 1997.
3. Bộ Giáo Dục Đào Tạo, Nguyễn Như Ý (chủ biên), ĐẠI TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT, nxb. Văn Hoá Thông Tin, Hà Nội, 1999.
4. Phan Văn Các (chủ biên), TỪ ĐIỀN HÁN VIỆT, Viện Ngôn Ngữ Học, nxb. Tp. HCM, 2001.
5. Hoàng Phê (chủ biên, TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT, Viện Ngôn Ngữ Học, nxb Đà nẵng, Hà Nội-Đà Nẵng, 2005.
6. Thiều Chửu, Hán Việt Tự Điển trên mạng: http://pagesperso-orange.fr/dang.tk/langues/hanviet.htm
7. http://vdict.com/
8. TỰ ĐIỂN NÔM Trần Văn Kiệm trên mạng: http://nom.netnam.vn/HanNom/Tracuu/vhnom.php.
Lm. Huỳnh Trụ – Nguồn: Bài giảng Chúa Nhật