Tạo Vật Mới Trong Đức Kitô

 

Tạo Vật Mới Trong Đức Kitô

 

Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa (Mc 1, 6b-11)

Thưa quý vị.

Thánh Marcô khởi sự tin mừng của ông vào giai đoạn Chúa Giêsu phỏng 30 tuổi (Lc 4,23). Lúc ấy Ngài cùng với mọi người đến chịu phép rửa sám hối do tay thánh Gioan tẩy giả ở sông Giođanô. Như vậy thánh nhân đi thẳng vào nội dung sứ vụ của Chúa Giêsu, không tường thuật về thời thơ ấu như hai thánh Luca và Matthêo. Trong thâm tâm có thể chúng ta thấy vài thắc mắc. Bởi lẽ sự việc xem ra quá đột ngột. Tuy nhiên, có thể giải thích được: Tôi đang ở thành phố New York thăm gia đình vào dịp sau Giáng sinh. Thành phố này nổi tiếng về nhạc kịch mà trung tâm của nó là dãy phố Broadway. Giả dụ phúc âm của thánh Marcô được dàn dựng thành một vở nhạc kịch kiểu Broadway. Ðiều chi sẽ xảy ra ? Không cảnh dạo đầu, các màn kéo lên là câu chuyện diễn biến tức thời. Theo nhịp âm nhạc mọi hành động, cử chỉ của các diễn viên đều nhanh và phong phú. Chúa Giêsu luôn luôn di chuyển từ làng này đến thành phố khác. Các môn đệ theo sau, người thì ngập ngừng lưỡng lự, kẻ khác lại cương quyết và phấn khởi. Lâu lâu Chúa dừng lại để chữa lành các bệnh tật, xua đuổi ma quỷ hoặc thực hiện các phép lạ. Người lại lên đường hướng về Giêrusalem. Vất vả lắm các môn đệ mới theo kịp gót Ngài. Các ông không thấu hiểu nhiều những lời Người giảng dạy, vì thế họ thường tranh luận với nhau về các tuyên bố của Ngài. Thường thì họ hiểu sai, bởi tâm trí họ luôn hướng về danh vọng và lợi lộc thế tục. Nhịp điệu âm nhạc cho vở kịch như vậy chắc chắn là phải dồn dập và nhiều ngắt đoạn, không thể chậm rãi được. (Ða phần chúng ta không đủ khả năng mua vé vào coi đâu nhé. Ðắt lắm !).

Thôi thì cứ tiếp tục tưởng tượng vậy, thánh Gioan bước vào sân khấu, một đám hổ đốn người ta theo sau thật đông. Ông khuyên bảo họ ăn năn thống hối, rồi kéo nhau xuống nước để ông làm phép rửa cho.

Phúc âm hôm nay trích lại vài lời rao giảng của ông. Marcô không cần rào đón, đi thẳng vào đề tài: “Có Ðấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi. Tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì làm phép rửa cho anh em bằng nước. Còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh thần”. Vừa lúc ấy Chúa Giêsu bước vào sân khấu, chịu phép rửa của Gioan, rồi lại tiếp tục di chuyển. Sứ vụ của ngài đã khởi sự. Ngài làm theo mệnh lệnh của Ðức Chúa Cha !

Như thế hôm nay chúng ta long trọng tưởng niệm Chúa Giêsu chịu phép rửa và sứ mệnh của Ngài, thì cũng là nhắc lại Bí tích rửa tội mà chúng ta đã lãnh nhận. Chẳng hiểu có người nào còn nhớ ngày mình được đổ nước trên đầu ? Ðó là một biến cố quan trọng bậc nhất trong đời sống thiêng liêng. Nó khởi sự hành trình sứ mệnh của chúng ta với Chúa Giêsu. Nó mở màn câu chuyện đời sống đức tin của mỗi linh hồn. Phụng vụ hôm nay nhắc lại bí tích thánh tẩy đã nối kết chúng ta với một cộng đoàn. Bên dưới những khác biệt bề mặt là sự kết hiệp chặt chẽ với Chúa Giêsu, như cành liền với thân cây, chi thể liền với thân mình. Raymond E. Brown chuyên gia kinh thánh cho biết, các giáo hội tiên khởi cử hành ngày rửa tội long trọng hơn ngày linh mục hay giám mục chịu chức.

Ðiều đó có lý bởi lẽ bí tích thứ hai không quan trọng và phổ thông hơn bí tích thanh tẩy. Sau bí tích này, chúng ta bước vào Hội thánh, liên kết thành cộng đoàn theo Chúa Giêsu trong cầu nguyện, hy sinh, hãm mình. Do đó mà thánh Gioan tông đồ bài đọc 2 nói: “Không phải chỉ trong nước mà thôi, nhưng trong nước và máu”. Máu ở đây chỉ sự hy sinh và cái chết của Chúa Giêsu, cho nên khi rời khỏi thánh lễ này, chúng ta phải nhớ mình có bổn phận quan tâm đến các tín hữu khác, chúng ta nâng đỡ hội thánh cả về vật chất, cả về tinh thần. Nhất là những nơi gặp khó khăn vì đã làm mất hay tan rã căn cước Kitô giáo của mình. Ngoài ra, trong Ðức Kitô chúng ta không thể cắt đứt mình với thế giới bên ngoài, thu gom thành những ốc đảo. Trái lại phải nên như muối, men, ánh sáng cho trần gian.

Công đồng Vaticano II viết : “Nhờ lãnh nhận bí tích thánh tẩy và thêm sức, mỗi tín hữu đều được Chúa đề cử làm tông đồ. Người giáo dân được đặc biệt kêu mời làm cho Giáo hội hiện diện và hoạt động nơi và trong những hoàn cảnh mà nếu không có họ, thì Giáo hội sẽ không trở thành muối của thế gian” (Hiến chế về Giáo hội số 33). Chúa Giêsu hôm nay khởi sự sứ mệnh tông đồ rao giảng triều đại Thiên Chúa không những cho dân tộc Do thái mà còn cho toàn thể thế giới. Chúng ta nên suy gẫm sự kiện này để có đủ can đảm và nghị lực vượt qua khỏi nhà thờ, các tổ chức tôn giáo chật hẹp… mà đến với lương dân, những người chưa biết Chúa Cha là ai !

Lần nữa tôi lại phải bộc lộ gốc gác New York của mình. Số là trong những ngày này bảo tàng viện nghệ thuật thành phố đang trưng bày cây thông Noel hàng năm. Tôi rất thích nhìn ngắm nó với chiếc hang đá công phu tỉ mỉ. Ngoài máng cỏ, hài nhi Giêsu, Ðức Mẹ, thánh Giuse, các mục đồng, ba vua, còn có những nhân vật thuộc thế kỷ 16, 17 và đời sống thôn dã của nhiều miền quê thời ấy. Người ta đổ xô đến xem không những về ý nghĩa tôn giáo mà còn vẻ đẹp cực kỳ của nó nữa. Thiên Chúa đã đến sống giữa nhân loại ! Chung kiếp làm người với chúng ta trong những sinh hoạt đời thường ! Quang cảnh chung quanh cây thông còn kêu gọi chúng ta nhìn kỹ hơn vào những con người chúng ta tiếp xúc với như vợ chồng, con cái, bạn bè, hàng xóm láng giềng, khách lạ… để nhận ra sự hiện diện của Chúa Kitô trong họ. Và như vậy cảm thấy Ngài thực sự dính líu vào đời sống mỗi người. Hơn nữa nó luôn luôn nhắc cho mọi người: Thế giới này là thánh thiêng, bởi Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể. Thiên Chúa đang cư ngụ giữa loài người.

Biến cố Chúa xuống sông chịu phép rửa liên quan chặt chẽ với hang đá, máng cỏ. Ở máng cỏ Thiên Chúa nhập thể trở thành một nhân vật giữa chúng ta. Ở phép rửa Ngài đã xuống nước hay, như tác giả Joseph Donders nói, xuống “bùn” với chúng ta, ngầm ý Ngài hoàn toàn chấp nhận số kiếp con người như mọi người khác. Ðặc ân và quyền lực tách các lãnh đạo chính trị hay tôn giáo ra khỏi đám dân đen mà họ có trách nhiệm phục vụ. Họ sống trong một thế giới khác, giàu sang, sung túc hơn. Ngược lại, Chúa Giêsu đi xuống đến bùn hôi để chung số phận với những ai hèn mọn trong nhân loại, nhất là với những tội nhân. Nước sông Giođan chảy trên thân thể họ cũng tràn lan trên thân mình Ngài. Hoàn toàn không có điều khác biệt ! Ngài đã nhận lấy những yếu đuối, chao đảo của thân phận con người, để kiên cường và làm cho chúng ta trở thành môn đồ của Ngài. Từ thời điểm này về sau, sự quan tâm chính yếu của Chúa Giêsu là triều đại Thiên Chúa. Bằng lời rao giảng và quyền năng thực hiện dấu lạ Ngài mặc khải cho chúng ta sự hiện của Nước đó trên cõi trần gian. Ðấng mạnh mẽ hơn Gioan sẽ đổ Thánh Thần xuống trên những ai đã lãnh nhận phép thanh tẩy, biến họ thành những chứng nhân của Thiên Chúa và Tin Mừng cứu độ.

Thánh Gioan tông đồ đã có lý trong bài đọc hai, rằng Chúa Giêsu sẽ không đến bằng nước mà thôi, nhưng bằng nước và máu. Nghĩa là Ngài không nguyên kết hợp với nhân loại chỉ trong ngày lễ của phép rửa mà cả trong khổ nạn và hy sinh. Ngài đi vào đời sống mỗi người trọn vẹn hoàn toàn : vui, buồn, sướng, khổ. Không có hy sinh, phép rửa của chúng ta chưa đầy đủ ý nghĩa. Phép thanh tẩy vì vậy tháp nhập chúng ta hoàn toàn vào số kiếp của Chúa Giêsu.

Cho nên tiếng bởi trời không nói với đam đông mà chỉ riêng cho một mình Chúa Giêsu: “Con là Con yêu dấu” (Mc 1, 11). Ðám đông cũng không được thấy trời mở ra và Thánh Thần như hình chim bồ câu đậu trên Ngài. Tất cả những điều đó dành riêng cho Chúa Giêsu để Ngài hướng dẫn tương lai, nghị lực, khả năng của mình vào mục tiêu Thiên Chúa đã chỉ định. Phép rửa của mỗi tín hữu cũng ở trong ý nghĩa đó. Nó xác định hướng đi của chúng ta. Nó mở mắt, mở tai để chúng ta thấy rõ con đường chúng ta phải đi! Bất hạnh thay, nhiều linh hồn vẫn chưa trông thấy cái mới trong cuộc đời mình, chưa cảm nhận được những đòi hỏi của Tin mừng qua Bí tích rửa tội. Họ vẫn sống bằng các phương thế, các năng lực tự nhiên, thậm chí bằng các dục vọng xác thịt và thế gian! Tiên tri Isaia nhấn mạnh hơn : “Ðến cả đi, hỡi những ai đang khát, nước đã sẵn đây”. Tức nhu cầu thiêng liêng đã sẵn. Nước không phải là cái gì thừa thãi, xa sỉ. Nó là căn bản cho cuộc sống vật chất. Không nước người ta chết sớm hơn không bánh. Không lòng rộng rãi của Thiên Chúa, chúng ta chẳng thể nhìn thấy những nhu vầu cần thiết cho cuộc sống thiêng liêng. Vậy thì khả năng mới : “nghe thấy, nhìn thấy” trong Bí tích thanh tẩy của các tín hữu là ơn cần thiết cho mỗi linh hồn.

Hãy mở ta (Ephphetha) là nghi lễ không thể thiếu trong Bí tích rửa tội. Linh mục chạm tay vào miệng và tai thụ nhân nói : “Xin Chúa Giêsu cứu thế, Ðấng làm cho kẻ điếc được nghe, kẻ câm được nói, ban cho con sớm có thể đón nghe lời Ngài để con ca tụng vinh danh Chúa Cha.” Như vậy điều mà Chúa Giêsu đã “trông thấy, nghe thấy” trong phép rửa của Ngài cũng là điều Hội thánh mong ước chúng ta trông thấy, nghe thấy trong phép thánh tẩy của mình. Chúng ta được Thiên Chúa mời gọi nhìn ra con đường mới trong thế gian tội lỗi và Lời của Ngài trong cuộc sống đời thường. Trời mở ra và Thiên Chúa hiện diện giữa nhân loại.

Sau nghi lễ hãy mở ra, là tục lệ trao áo trắng. Lúc này chúng ta hoàn toàn mặc lấy Chúa Kitô, tinh thần và sứ vụ của Ngài. Không còn phân cách nào giữa chúng ta với Thiên Chúa. Thần Khí như hình chim bồ câu nhẹ nhàng đậu trên mỗi tín hữu, sai phái họ đi rao giảng Nước trời đúng như Chúa Kitô ngày xưa bên dòng sông Giođanô. Một tạo vật mới với viễn tượng mới, nhìn thấy Thiên Chúa trong những ai nghèo khổ, đói rách, khiêm nhu, hiền lành, yêu chuộng công lý hoà bình. Ước chi suốt cuộc đời, chúng ta giữ mãi được tinh thần như vậy. Amen.

Fr. Jude Siciliano, OP.

Trả lời