Hãy vui lên, vì Chúa sắp đến giải thoát chúng ta

 

Hãy vui lên, vì Chúa sắp đến giải thoát chúng ta

Is 61,1-2a.10-11; Th 5,16-24; Ga 1,6-8.19-28

Lm. Jude Siciliano, OP.

Kính thưa quý vị,

Hãy vui lên, vì Chúa sắp đến giải thoát chúng taSân khấu hạ màn bất ngờ ở đoạn kết Tin Mừng hôm nay; và chúng ta bị để lại trước một bí nhiệm. Ngay vào cuối cảnh kết, ông Gioan loan báo điều bí nhiệm này. Ông trả lời cho các tư tế và Lêvi được sai đến chất vấn một cách rõ ràng rằng ông không phải là Đấng Kitô, cũng không phải là một ngôn sứ như Êlia, hay Môsê được nói tới suốt thời gian bốn mươi năm Israel lang thang trong sa mạc.

Ông Gioan từ chối tầm quan trọng của mình, nhưng lại xuất hiện rất nổi bật trong các sách Tin Mừng. Độc giả Tin Mừng quen thuộc với một người được gọi là Gioan. Nhưng chúng ta biết Gioan này là vị Tẩy giả, vị Tiền hô của Đức Kitô. Đoạn cuối của bài Tin Mừng kết thúc với lời loan báo của ông Gioan: “Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết.  Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người”. Màn sân khấu hạ xuống và chúng ta bị bỏ lại ngay tại chỗ này. Có một người trổi vượt hơn ông Gioan đang đến. Vậy ai là “người sẽ đến”? Ông Gioan cho biết người ấy đã ở giữa chúng ta, vấn đề là làm thế nào để ta nhận ra người? Đây là những câu hỏi của Mùa Vọng để chúng ta suy tư và tìm ra câu trả lời khởi đi từ kinh nghiệm sống của mình.

Vở kịch được bắt đầu với lời từ chối của Gioan rằng ông không phải là ánh sáng, Đấng Kitô, ngôn sứ Êlia, hay Ngôn sứ Môsê; ông nhìn nhận mình thậm chí không xứng để cởi dây giày cho “Đấng sẽ đến.” Ông Gioan là vị tiền hô của một Đấng cao trọng hơn ông, và vì vậy, vai trò của ông là làm chứng cho Đấng sẽ đến. Thế còn chúng ta, chúng ta nhận ra được Đấng sẽ đến không? Làm thế nào ta biết được Người? Ta sẽ tìm kiếm những dấu chỉ nào? Phải chăng ta sẽ tìm kiếm cũng những dấu chỉ mà Đức Giêsu đã biểu lộ trong cuộc đời của Người? Hay chúng ta sẽ bị quyến rũ bởi các tiêu chuẩn của thế gian? Và một khi đã nhận ra rằng Đức Kitô sắp đến, liệu những người đã chịu Phép Rửa trong Thánh Thần như chúng ta, sẽ nhận lấy vai trò chứng nhân cho Đức Giêsu như ông Gioan đã làm?

Điều gì sẽ giúp chúng ta nhận ra Đức Kitô đang ở giữa chúng ta và Người có ý nghĩa gì trong đời ta? Tin Mừng theo Thánh Gioan sẽ cho ta những “dấu chỉ”: Nước hóa thành rượu, người què đi được, nước hằng sống ban cho người phụ nữ xứ Samari, Lazarô sống lại từ cõi chết, v.v… Chính những dấu chỉ này sẽ khai lòng mở trí cho ta đón nhận Đức Kitô. Khi chúng ta khám phá ra ý nghĩa của chúng và nhờ đó nhận ra sự hiện diện của Đức Kitô, chúng ta sẽ có khả năng làm chứng cho Người, Đấng đã trỗi dậy từ cõi chết và đang hiện diện giữa chúng ta.

Tin Mừng đặc biệt chú ý đến nơi và thời điểm mà ông Gioan làm chứng về Đức Kitô – “Việc này đã xảy ra ở Bêtania, bên kia sông Giođan, nơi ông Gioan làm phép rửa.” Ông Gioan bắt đầu làm chứng cho Đức Kitô trong thời đại, nơi chốn và hoàn cảnh của mình. Giờ đây, nhờ vào Phép Rửa trong Thánh Thần mà chúng ta cũng có thể làm chứng cho Chúa trong thời đại, nơi chốn và bối cảnh riêng của mình. Thế gian là một nơi tối tăm và chúng ta, các chứng nhân của Đức Kitô, mang ánh sáng chiếu rọi vào sự tối tăm này, “để tất cả nhờ đó mà tin.”

Sự khiêm nhường và lời chứng về “Đấng sẽ đến” của ông Gioan cho chúng ta, những thừa tác viên của Chúa, một khoảng lặng để suy tư. Chẳng hạn, với tư cách là một vị chủ tế hay vị giảng thuyết, liệu lời nói và phong cách của tôi lại chỉ tập trung về chính mình hay như ông Gioan, tôi chỉ nói và chỉ ra sự hiện diện của Đức Kitô mà thôi? Nếu ông Gioan nói đúng, “Có vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết,” thì ta phải xem lại cách thức chúng ta xử sự với người lạ và tiếp đón mọi người. Tất cả chúng ta, những thừa tác viên phụng vụ – giúp lễ, người tiếp đón và xếp chỗ, người đọc sách, người lo ca đoàn và thừa tác viên trao Mình Thánh, v.v… – cũng phải tự hỏi liệu cách hành xử của mình trong cũng như ngoài thánh đường có làm chứng về Đức Kitô cho những người biết và đang quan sát chúng ta không.

Ông Gioan Tẩy Giả biết rõ ông là ai cũng như tầm quan trọng của Đấng sẽ đến như thế nào. Vậy ta sẽ trả lời cho những ai hỏi mình: “Ông là ai?” Liệu chúng ta xác định được căn tính của mình trong mối tương quan với Đức Giêsu không? Trong lúc này, chúng ta là những tiếng hô trong hoang địa, “Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi.” Tiên vàn ta phải công bố sứ điệp này cho mình, sau đó cho thế giới. Ta cần phải chuẩn bị tâm hồn, gia đình, cộng đoàn và thế giới của chúng ta cho “Đấng sẽ đến.” Có một cách cụ thể để ta thực hiện điều này, đó là ta sống quảng đại và bắt chước lòng khiêm nhường và sự cho đi của Người.

Chúng ta nghe ông Gioan mời gọi “Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi”, và vì vậy, chúng ta hãy cầu nguyện để trong Mùa Vọng này ta được canh tân lòng nhiệt thành đức tin và tin tưởng vào những gì Đức Kitô đã mời gọi chúng ta: từ bỏ lối sống bạo lực, ích kỷ, tham lam của thế gian, sự thờ ơ trước những nhu cầu bức thiết của anh chị em xung quanh mình. Chúng ta hãy dọn đường cho Chúa đến bằng cách họa lại chính cuộc đời của Đức Kitô nơi cuộc đời của mỗi người trong chúng ta. Khi chúng ta lượng giá cuộc sống của mình và của thế giới xung quanh, ta nhận ra rằng mình chưa chuẩn bị đủ tâm hồn để đón Chúa. Lúc này chúng ta đang sống trong tình thương của Đức Kitô, vì vậy ta không sợ hãi khi đợi chờ và hy vọng.  

Trích đoạn trong sách Isaia thật thiết thực cho những Kitô hữu chúng ta. Ở chương 4,16-30 trong Tin Mừng theo Thánh Luca, Đức Giêsu trong hội đường đã dùng đoạn trích này. Người đã nhận chính Người là sự thành toàn của niềm hy vọng đã được diễn tả trong trích đoạn Isaia này. Khi chọn đoạn Sách Thánh này, Đức Giêsu bác bỏ kiểu mong đợi một đấng Mêsia – vị Vua mang màu sắc quân phiệt của nhiều người đương thời. Thay vào đó, “Đấng sẽ đến” tuyệt nhiên không phải là kẻ sẽ chinh phục và thống trị bằng sức mạnh vũ lực. Đức Giêsu nhận ra sứ mạng của mình trong ánh sáng của lời ngôn sứ Isaia: loan báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, kẻ giam cầm được tự do và công bố một năm hồng ân của Chúa – năm hồng ân vĩ đại nhất trong các năm hồng ân, khi đất đai không được canh tác, các nô lệ được trả tự do, và nợ nần được xóa bỏ. Đây là cơ hội nghìn năm có một dành cho toàn thể cộng đồng.

Theo truyền thống, ngày hôm nay được gọi là “Chúa Nhật hân hoan” – Nhắc ta nhớ lại lời khuyên nhủ của thánh Phaolô gửi cho giáo đoàn Thêxalônica, “Anh em hãy vui mừng luôn mãi.” Trong thế giới ngổn ngang này, ta có lý gì để vui mừng được? Chúng ta chú tâm đến những gì ông Gioan ra dấu cho chúng ta: Đấng sắp đến sẽ công bố tin mừng, giải thoát chúng ta khỏi mọi sự giam hãm. Năm hồng ân mà Đức Giêsu công bố đã bắt đầu, nó đang diễn ra và chúng ta là một phần trong đó. Chúng ta cũng đã được xức dầu tấn phong để ra đi loan báo tự do cho những ai bị giam cầm cách này cách khác qua chính lời nói cũng như hành động của chúng ta.

Chúng ta đã cảm nghiệm được năm hồng ân trong cuộc đời chúng ta chưa? Một số người đã có được cơ hội làm lại cuộc đời vì đã được giải thoát khỏi cơn nghiện ngập ma túy, rượu chè và khỏi những mối tương quan tiêu cực để có một cuộc sống mới. Những người khác lại có cơ hội để khởi đầu lại vì tội lỗi của mình được tha thứ. Sự chữa lành nội tâm này giúp họ bớt âu lo và sống một cuộc đời có ý nghĩa hơn.

Tóm lại, ngôn sứ Isaia hứa một Đấng sẽ được Thiên Chúa sai đến để chữa lành tâm hồn tan nát và ban cho chúng ta tự do và cảm nghiệm được niềm vui trong mối tương quan với Thiên Chúa. Ông Gioan Tẩy Giả mời gọi dân chúng hãy chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận lời hứa của Thiên Chúa sẽ được thành toàn nơi “Đấng sẽ đến.” Đức Giêsu đến luôn mang lại sự giải thoát và canh tân trong cuộc đời chúng ta, như lời ngôn sứ Isaia đã hứa. Đó cũng chính là những gì ông Gioan rao giảng. Chính vì thế, thánh Phaolô cho thấy kết quả của việc Đức Kitô đến, những người tin như chúng ta nên làm điều rất tự nhiên đó là “anh em hãy vui mừng luôn mãi!”

Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ

Trả lời