Con Chê Cha Mẹ Khó

 

Con Chê Cha Mẹ Khó

 

Con Chê Cha Mẹ KhóMột người bạn gặp tôi với bộ mặt mếu máo, giọng dường như đang vỡ oà, tức tưởi trong nước mắt.

 

 

Bạn kể, trường học cách nhà đến 7km mà bạn vẫn phải đi xe đạp mặc dù đã đủ tuổi đi xe gắn máy, bố mẹ không chịu mua cho bạn trong khi bạn bè trang lứa điện thoại di động gắn đầy mình, tiền tiêu không xuể, thế mà cái phương tiện tối thiểu bố mẹ cũng không lo được. Tôi chẳng còn biết an ủi ra sao.

 

 

Bạn biết không, bố mẹ nuôi mình cho đến đủ mười tám tuổi đã đủ quyền công dân, đã đủ tuổi tự lập rồi. Tôi cũng đâu dám đòi hỏi gì hơn, với tôi đi học mà để bố mẹ vẫn phải còng lưng nuôi đã là một gánh nặng, mình nên thông cảm và sống đúng với hoàn cảnh của mình. Không hẳn nặng nề như câu “Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo” song tôi nghĩ bố mẹ một đời vất vả nuôi ta lớn khôn,là cả một công trình vĩ đại, trong đó chứa bao công sức và tâm sức.

 

 

Cứ nhớ đến hình ảnh cặm cụi, nhặt nhạnh từng đồng nuôi mình từ lúc còn đỏ hỏn đến khi biết “tranh luận” tôi lại thầm thán phục sự dẻo dai, sức chịu đựng và thu vén tài tình của bố mẹ. Ngày ta lớn lên, cao hơn thì dáng mẹ như còng thêm, xương vai thì chùn đi là lòng tôi thắt lại, chùng xuống tưởng chừng như nỗi đau đang dằn vặt giống khi nhìn thấy mái tóc trắng của người cứ tỷ lệ nghịch với suối tóc đen nhánh của mình, đang ngày một dài mượt. Tôi thương người và lại tự vấn mình đã làm được những gì cho người, đã làm những điều ngốc xít, vớ vẩn gì khiến bố mẹ phải nghĩ suy đến tóc bạc mỗi ngày. Chẳng bao giờ người nói với tôi, sự hi sinh, dành dụm cứ mãi thầm lặng thế cho đến một ngày mẹ nhắn nhủ tôi: “Mẹ luôn hi vọng con trở thành người có ích cho xã hội, vậy là đủ, mẹ không dám mong gì hơn”.

 

 

Và những đòi hỏi vật chất với tôi sẽ là những thứ tầm thường nhất và không gì quý giá hơn tấm lòng mẹ suốt đời chở che, đi bên ta từ thơ bé cho đến khi vững bước vào đời. Tình yêu người mẹ dành cho con luôn là một tình cảm thiêng liêng vô điều kiện, nếu để đánh đổi sự an nhàn nhỏ nhoi của mẹ bằng những hạch sách nhằm thỏa mãn cái tôi ích kỉ, lấp đầy cái sĩ diện cá nhân thì tôi thấy đó là điều vô lương tâm, vì tôi biết cha mẹ luôn dành cho con cái những điều tốt đẹp nhất mình có thể mang lại. Họ không thể trao cho con thứ mà họ không thể có, nếu con không hiểu cứ trách móc dằn dỗi, hẳn cha mẹ sẽ khổ tâm và tự dằn vặt mình ghê lắm.

 

 

Lần tôi ôn thi chuyển cấp, còn ở cùng bố mẹ nên tôi chưa phải tự đứng ra lo liệu chi tiêu và không để ý đó là cuối tháng – thời điểm nhạy cảm khi đồng lương hiu hắt của mẹ “hẻo” nhất. Sáng chủ nhật, như thường lệ mẹ đi chợ lớn để tiết kiệm được một ít tiền, mong cải thiện bữa ăn cho cả nhà, trong phiên đó luôn có món bánh rán tôi rất thích, tôi nài mẹ nhớ mua và còn trêu “Để con ăn thay cơm cũng được”, mẹ vui vẻ ừ.

 

 

Mẹ về tôi nhảy chân sáo, xà vào túi bánh tâm trạng đúng “vui như lúc mẹ về chợ”, đang ăn tôi bỗng thấy nghèn nghẹn khi nhìn mái tóc mẹ. Nó đã bị cắt ngắn đến khi buộc lại chỉ dài có một đốt ngón tay. Tôi ngơ ngác hỏi, mẹ cười nói, nhẹ tênh: “Cắt đi cho gọn”. Và mặc cho mẹ giải thích, trấn an tôi vẫn thấy thương mẹ, giận mình và lòng tràn đầy hối hận. Mẹ thì vẫn vậy, cười xoà, nhìn tôi bao dung.

 

 

Sau đó tôi đọc truyện “Những người khốn khổ” của Victo Huygo, đoạn Phăng Tin bất hạnh bán mái tóc của mình để lo cho con gái – Codet, tôi khóc, khóc cho tình thương yêu đã thành bản năng của người mẹ. Tiếp đó đến bi kịch cô phải bán hai chiếc răng cửa đẹp đẽ, lấy tiền gửi cho gia đình Tênacđiê bất nhân kia thì tôi đã hoà mình vào nỗi lo lắng của Phăng tin, xót xa cho cảnh đời trớ trêu của hai mẹ con và rồi tôi chợt rùng mình liên tưởng đến mẹ mình, lần phải cắt mái tóc dài đẹp nhất cơ quan để mua bánh cho con. Tôi sợ hãi nghĩ đến cảnh nếu tôi cần cái gì, đòi hỏi gì đó thì mẹ sẽ cố gắng đáp ứng và sẽ là quá sức với mẹ…Tôi hoảng hốt vội chạy đến ôm mẹ, mắt ngân ngấn nước. Hiểu ra, mẹ âu yếm ôm tôi vào lòng, khẽ xoa đầu tôi và không nói gì cả. Lúc đó tôi tự nhủ thầm: Sẽ không bao giờ yêu sách bất cứ điều gì khiến mẹ khó nghĩ. Mẹ đã mang lại cho mình quá nhiều. Một mái ấm yên bình suốt bao nhiêu năm, một trái tim luôn chan chứa những tình cảm thân thương, trìu mến nhất. Ta đã quá là may mắn rồi, còn muốn gì nữa nào!

 

 

Thiều San Ly

 

 

 

 

Trả lời