CN 15 TNB: Huấn từ truyền giáo


Huấn từ truyền giáo

(Mc 6,7-13)

Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP

CN 15 TNB: Huấn từ truyền giáoChúa Giê-su đến trần gian rao giảng Tin Mừng và chịu nạn, chịu chết để cứu chuộc loài người, nhưng nếu loài người không biết đến ơn cứu độ thì có ích lợi gì ? Chúa biết điều đó và Chúa biết chương trình của Ngài ở trần gian, nên trong ba năm giảng dạy công khai, Ngài đã kêu gọi một số môn đệ, cho họ sống ngày đêm bên cạnh Ngài, để họ biết Ngài sống thế nào, trực tiếp ghi nhận những lời Ngài giảng dạy và học kinh nghiệm về cách thức truyền giảng của Ngài. Nhưng học phải đi đôi với hành, vì thế, có một vài lần, Ngài đã sai họ đi thực hành việc giảng dạy.

Trước khi sai họ đi, Chúa đã căn dặn họ nhiều điều, bài Tin Mừng hôm nay cho biết Chúa căn dặn họ hai điều : về đức tính và về cách đối xử. Trước hết về đức tính, Chúa khuyên các môn đệ khi ra đi truyền giảng phải có tấm lòng từ bỏ tất cả, phải thoát ly ra ngoài vòng cương tỏa đối với tiền của vật chất, cụ thể, Chúa bảo họ đừng mang gì cả. Lời khuyên này thật là khó hiểu, có thể nói là nghịch lý. Được sai đến môt nới xa lạ, chẳng ai biết để chuẩn bị tiếp đón, thế mà họ phải ra đi với hai bàn tay trắng : không bị gậy, không quần áo, không lương thực, ngay cả một chút tiền nhỏ bỏ túi phòng thân cũng không. Tuy nghịch lý, nhưng Chúa muốn các môn đệ của Ngài phải sống như thế. Ngài muốn họ phải có phong cách bề ngoài đơn giản khi đi truyền giáo, Ngài muốn họ sống trong sự khó nghèo, để rồi họ sẽ khám phá ra đâu là sự giàu có đích thực.

Người môn đệ của Chúa sống nghéo khó, không phải vì họ không có khả năng làm giàu, cũng không phải vì họ không được phép hưởng dùng sự giàu sang, nhưng sống khó nghèo sẽ giúp họ cảm nghiệm được tình yêu quan phòng của Thiên Chúa. Lo lắng đến cái ăn cái mặc, đến sự an vui cho bản thân, ai mà chẳng có. Thế nhưng khi ra đi rao giảng không chút dự phòng, sẽ cho người môn đệ cảm nghiệm được sự quan tâm săn sóc của Chúa, Chúa sẽ lo liệu cho họ tất cả. Đàng khác, Chúa muốn các môn đệ dồn hết nỗ lực cho bổn phận họ thi hành. Công việc họ được trao phó là rao giảng Tin Mừng cứu rỗi, mang bình an đến cho người khác, chứ đừng lẩn quẩn trong cái vòng lo lắng cơm áo, gạo tiền. Họ sẽ bị phân tâm, như thế công việc rao giảng sẽ không có hiệu quả hoặc hiệu quả không cao.

Sau khi đã căn dặn phải tín thác vào Chúa quan phòng, Chúa dạy bảo các môn đệ về cách đối xử. Khi đến đâu, gặp được nhà nào tốt lành, chính đáng, thì hãy ở lại cho đến lúc ra đi. Nếu gặp nơi nào không tiếp nhận hay bị ngược đãi, Chúa cho phép họ bỏ nơi đó đi sang nơi khác và giũ bụi chân lại cho họ biết lỗi lầm bất kính của họ. Người Do Thái có thói quen làm như thế khi họ đi từ vùng dân ngoại vào vùng đất của mình, để minh chứng họ dứt bỏ mọi liên hệ với dân ngoại. Vậy người môn đệ làm thế là để đánh thức những ai từ chối họ và cho những người ấy biết: cư xử với họ như vậy là đã trở thành người ngoại giáo, theo quan niệm của Do Thái giáo.

Đối với chúng ta hôm nay, những điều trên đây nhắc nhở chúng ta hai điều : dĩ nhiên Chúa không đòi chúng ta phải sống khó nghèo như các tông đồ. Đừng quá lệ thuộc vào tiền bạc, đừng coi tiền bạc là trên hết, hơn cả nhân phẩm và danh dự của mình, tiền bạc là tên đầy tớ tốt nhưng là ông chủ xấu. Chúng ta hãy luôn tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngài là một người cha yêu thương chúng ta, mọi sự xảy ra trong đời chúng ta Chúa đều biết hết, chúng ta hãy phó thác mọi biến cố lớn nhỏ xảy đến trong cuộc sống chúng ta cho Chúa, xin Chúa trợ giúp, xin Chúa cho đức tin chúng ta luôn can trường không bị lung lay trước những thử thách. Đàng khác, mỗi người chúng ta cũng được sai đi rao giảng Tin Mừng, bằng chính đời sống tốt đẹp của chúng ta: sống đơn sơ giản dị, thanh thoát trong cách ăn mặc, tiêu xài và các phương tiện sử dụng hàng ngày, nhất là sống hòa nhã, cởi mở, quảng đại, bao dung và yêu thương là cách rao giảng tốt nhất và có hiệu quả nhất. Xin Chúa cho tất cả chúng ta đều sống được như thế.

 

Trả lời