|
|
| |||||||
Du Vergier (+1642) đan viện trưởng Saint Cyran tích cực phổ biến học thuyết của bạn trong đan viện của mình và nữ đan viện Port-Royal nơi ông được đặt làm tuyên úy từ năm 1635. Mẹ bề trên ở đây là Angelique Arnauld, từng bỏ rước lễ 6 tháng vì theo giáo lý mới. Cuốn Augustinus bị Roma kết án nhiều lần (1642, 1653, 1656). Du Vergier thì bị tống giam. Thế nhưng tu viện Port Royal vẫn tiếp tục phổ biến tư tưởng của họ. Anton Arnauld xuất bản cuốn "Việc rước lễ thường xuyên", đòi hạn chế việc rước lễ, gây nên nhiều chống đối. Bênh vực cho phái Jansen còn có Blaise Pascal (+1662). Qua 18 "Lettres Provinciales", ông công kích lối hướng dẫn sống đạo "dễ dãi" của các cha dòng Tên. Từ 1668, hai bên tạm thỏa hiệp cho đến năm 1695 cuốn "Suy niệm đạo đức" được Quesnel phát hành (Hội diễn giảng). Từ đây, vua Louis XIV coi phái Jansen như nhóm chống đối chính trị. Vua cho triệt hạ Port Royal năm 1709, bắt giam nhiều người và xin giáo hoàng kết án Quesnel qua tông chiếu Unigenitus (1713). Một số thuộc nhóm này phải trốn qua Hà-Lan, sau tự bầu giám mục và thành lập Giáo hội Utrecht. Tại Pháp, năm 1717, bốn giám mục với sự ủng hộ của tồng giám mục Paris đòi Roma mở công đồng chung ; họ phản đối tông chiếu Unigenitus. Quần chúng Pháp thì chia thành hai phe, hoặc theo hoặc chống Jansennisme kéo dài đến giữa thế kỷ XVIII mới ổn định. Các tín hữu tin tưởng hơn vào Tình Yêu Thiên Chúa. Giáo hội tái xác định lập trường của Trento : Con người có thể và cần thiết phải hợp tác trong ơn cứu độ của chính mình. 1,2. Quietisme, vấn đề thần bí Quietisme bị tố cáo là thuyết chủ trương phó thác tất cả cho Thiên Chúa rồi thụ động đến mức theo phiếm thần, coi thường việc cầu nguyện, bí tích, việc lành nên dẫn đến buông thả về luân lý. Thực ra nhóm Quietisme nhấn mạnh đến việc phó thác hoặc tình yêu đơn thuần. Năm 1675, linh mục Tây Ban Nha Miguel de Molinos (+1696), đã thành công với tác phẩm "Chỉ Nam Thiêng Liêng", theo đó một khi tâm hổn đã kết hiệp mật thiết với Chúa, nó ở trong tình trạng "tĩnh tại" chẳng phải làm gì, không phải cố gắng hoặc chống trả cám dỗ. Ông giảm thiểu vai trò của việc làm cùng việc khổ chế. Ông bị án tù chung thân năm 1687 về tội lạc đạo và vô luân . Tại Pháp, bà Jeanne Guyon (+1717), sau khi chồng qua đời đã hăng say truyền bá việc "phó thác cho Tình Yêu Thiên Chúa", bà xuất bản sách "Cầu nguyện ngắn gọn và dễ dàng" và du thuyết từ Dauphiné, Savoie đến Ý. "Kinh nguyện của tôi không mang hình thức, thể loại hay hình ảnh nào (...) thấm nhuần niềm tin ngọt ngào, mọi phân biệt phải biến mất nhường chỗ cho tình yêu, yêu không cần động lực lẫn lý do". Năm 1688 bà bị giam, nhưng được nữ hoàng Maintenon can thiệp cho tự do, và được giám mục Fénelon ủng hộ. Năm 1695, một ủy ban do giám mục Bossuet cầm đầu kết án những ý tưởng của bà Guyon, bà bị giam thêm 10 năm. Năm 1697, Fénelon tự biện minh trong cuốn "Giải thích ngững châm ngôn của các thánh về đời nội tâm", ngài nhấn mạnh tình yêu đơn thuần đưa đến những hành động vô vị lợi. Cuộc tranh luận giữa hai giám mục Bossuet và Fénelon rất sôi nổi, kết thúc bằng việc Đức Innocentê XII kết án Fénelon năm 1699. Dầu sao, Giáo hội đã tái khẳng định vai trò cần thiết các phương thế giúp con người sống niềm tin. Fénelon để lại mẫu gương tuân phục khá đặc biệt. Xét về bình diện thần học thì Bossuet thắng, nhưng cách giải quyết của nhà thần học này đã làm cản trở truyền thống thần bí nói chung của thế kỷ sau. Hạn từ Pháp giáo (Gallicanisme) có nhiều nghĩa khác nhau. Các thần học gia đề cao công đồng hơn giáo hoàng, các phán quan thì muốn những quyết định của Roma phải đợi họ cho phép mới có giá trị pháp lý trong nước Pháp, Còn các vua, từ thời vua Philippe le Bel xưa, muốn chiếm đoạt tài sản Giáo hội và chỉ đạo về tự do tôn giáo. Kẻ trước người sau, tất cả đều xác quyết Giáo hội Pháp có quyền tự trị đối với Roma. Năm 1610, giám mục Richer, một thần học gia Paris đề ra tổ chức hội đồng Giáo hội tại Pháp (Collégiale). Cuộc xung đột thế kỷ XVII từ chuyện tiền bạc trong cuộc tranh chấp về vương quyền (Régal : nhà vua thu bổng lộc những tòa Giám mục trống ngôi). Vua Louis XIV đòi áp dụng vương quyền trên mọi địa phận, thay vì hạn chế trong các địa phận cổ xưa nhất. Thế nhưng, Đức Innocentê XI không chấp nhận chuyện đã rồi, không chấp nhận các Giám mục do vua chỉ định. Chẳng bao lâu 35 địa phận Pháp không có Giám mục. Đáp lại, vua triệu tập hội nghị giáo sĩ Pháp năm 1681. Giám mục phận Meaux, đã giảng một bài danh tiếng tại hội nghị về sự duy nhất của Giáo hội và soạn thảo bản tuyên ngôn bốn khoản (19-3-1682) là hiến chương của thuyết pháp giáo : * Nhà vua là thủ lãnh tối cao trong vương quốc. * Công đồng hơn Giáo hoàng (theo CĐ. Constancia) * Các tập tục Giáo hội Pháp phải được tôn trọng. * Sắc lệnh của Giáo hoàng có thể thay đổi. Đức Innocentê XI không kết án bản tuyên ngôn, nhưng ngài phạt vạ các giám mục trực tiếp soạn thảo. Tranh chấp lên cao độ. Năm 1693, nhân dịp đức Innocentê XII lên ngôi và vì phải đối đầu với liên quân các nước, vua Louis XIV nhượng bộ và các giám mục Pháp rút lại bản tuyên ngôn. Đẩy mạnh phong trào Pháp giáo, vua Louis XIV tìm cách giải quyết Jansenisme và Quietisme bằng cách bãi bỏ sắc lệnh Nante (1598 : cho tự do chọn tôn giáo). Vua cố phục hồi sự thống nhất tôn giáo theo nguyên tắc cũ : "Một Thiên Chúa, một đức vua, một luật lệ, một đức tin". Ông nghĩ điều này khiến giáo hoàng chấp nhận cho ông về vương quyền. Ông cưỡng ép những người R.P.R. (Religion Prétendue Réformée : tôn giáo tự nhận là cải cách) phải gia nhập Công giáo. Ông hạn chế việc phụng tự, cấm một số hệ phái Tin Lành. Một ngân quỹ lo việc cải đạo được thành lập. Kị binh nhà vua (Long kỵ binh) đóng quân ngay tại khu vực anh em cải cách làm gia tăng việc cải đạo cưỡng bức. Năm 1685, vua làm ra vẻ tin rằng trong nước Pháp không còn ai theo Tin Lành, tuyên bố hủy bỏ sắc lệnh Nantes làm nhiều giáo sĩ được thỏa mãn. Thế nhưng RPR không biến mất. Khoảng 200.000 đã rời nước Pháp lên vùng Liên Tỉnh (Provinces Unies) đến thành phố Hesse hoặc Brandebourg. Thế hệ tiếp theo của họ sẽ vùng dậy tại Cévennes (nhóm Camisards 1702) hoặc tổ chức "Giáo hội sa mạc" (Antoine Court 1715). 1,4. Chạm trán giữa khoa học và truyền thống Thánh Kinh Do tinh thần chống cải cách và đề phòng lạc giáo, hồng y Bellarmin (SJ +1621) người chủ trì diễn đàn tranh luận ở Roma, đã can thiệp vào hai vụ án tai tiếng là Jordano Bruno và Galilê. Thế kỷ trước Copernic (+1543), một kinh sĩ Ba-lan đã từng làm đảo lộn quan niệm cổ truyền về thế giới trong một tác phẩm đề tặng đức giáo hoàng : ông muốn chứng minh không phải mặt trời quay quanh địa cầu nhưng địa cầu xoay trên chính nó và quay quanh mặt trời. Nửa thế kỷ sau, Roma bị xáo trộn và thuyết mặt-trời-trung-tâm của Copernic được Jordano Bruno và Galilê lặp lại Với các thần học gia Roma (cũng như Tin Lành) hệ thống Copernic đi ngược lại với xác quyết của Kinh Thánh (Gv 1,4; Gs.10,12-13). Giosuê đã không làm mặt trời ngừng chạy đó sao ? Quả thực, từ thuyết Copernic, Bruno rút ra những kết quả quá xa lạ với Kitô Giáo. Sau bảy năm tranh luận, ông bị thiêu sinh tại Roma năm 1600. Vài năm sau, Galilê giải thích rằng trong Kinh Thánh : "Chúa Thánh Thần không có ý cho ta biết trời di chuyển cách nào mà làm thế nào di chuyển lên trời". Năm 1616 học thuyết Copernic bị đưa vào sổ cấm (cho đến 1757). Sách của Galilê cũng bị cấm nếu không sửa đổi (mãi năm 1822 ông mới được phục hổi). Cuộc kết án Galilê lần thứ hai năm 1633 còn trầm trọng hơn : nhà bác học phải sống những ngày cuối đời trong dinh thự có canh gác. a/ Khởi đầu ngành chú giải phê bình Số bản chú giải và phiên dịch Kinh Thánh ngày càng nhiều. Ngoài cách đọc hộ giáo và thiêng liêng, xuất hiện cách đọc "khoa học". Ta thấy những tác phẩm của triết gia do thái Hà Lan Spinoza (Khảo luận về Thần học chính trị 1670) và Richard Simon thuộc hội Diễn Giảng, tác giả hai cuốn "Phê bình lịch sử Cựu ước" (1678) và "Phê bình lịch sử văn bản Tân ước" (1689) Richard Simon là một trong những tổ phụ của khoa chú giải phê bình Kinh Thánh. Ông là người đầu tiên đặt vấn đề bản chất việc linh ứng, và chứng tỏ Maisen không thể là tác giả toàn bộ Ngũ Thư trong Cựu ước. Giám mục Bossuet đảm nhận việc kết án và hủy tác phẩm "Phê bình lịch sử" cũng như việc trục xuất Richard Simon ra khỏi hội Diễn giảng. b/ Tìm lại các nguồn thần học Dầu sao, nhiều học giả trong giáo hội cũng đã hoàn thành được những công trình phong phú trong việc khảo cứu và trình bày chân dung giáo hội chính xác hơn, có tính lịch sử và khoa học. Jean Bolland (+1655) một tu sĩ dòng Tên người Bỉ, đã lưu danh trong hội Bollandiste bằng việc xuất bản có hệ thống sử liệu hạnh các thánh, loại bỏ bớt những điều huyền hoặc. Các tu sĩ Biển Đức ngành Saint Maur (Mauristes) đặt trung tâm tại tu viện Saint Germain des Prés xuất bản nhiều ấn phẩm về giáo phụ. Nổi tiếng nhất trong nhóm là cha Mabillon (+1707) vị sáng lập ngành công văn thư học (khảo cứu các thủ bản). Ngoài ra Tillemont (+1698) thuộc phái Jansen cũng có một công trình sử học đáng kể trong "khảo luận lịch sử Giáo hội sáu thế kỷ đầu".
2,1. Cuộc khải hoàn của lý trí Dựa vào những tiến bộ khoa học, và khoa lịch sử, các triết gia thế kỷ XVIII muốn đặt lại các nấc thang giá trị dựa vào "ánh sáng" của lý trí thay vì sự tối tăm của mạc khải. Phong trào này quen gọi là "triết học ánh sáng" tiếng Đức là Aufklarung, như một tập thể chiến đấu chống lại Kitô giáo. Dầu sao ý tưởng đòi "hợp lý" này đã giúp nhiều bộ môn khoa học có ngôn ngữ riêng, tách khỏi khoa siêu hình. Nhiều tín hữu chân thành cũng chia sẻ sự ngưỡng mộ lý trí của thời đại. Hội Tam Điểm (Tự do, bình đẳng và huynh đệ), khi sáng lập tại Anh năm 1717 vẫn được coi là Kitô giáo. Ngay cả tác phẩm Kinh điển của nhóm là Bộ Bách Khoa : Tự điển Lý Luận các khoa học, nghệ thuật và nghề nghiệp, (1751-72) vào lúc khởi đầu có nhiều nhà thần học cộng tác biên soạn, và trong số người ký nhận có Đức Pio VII sau này. Sau những tiếp xúc với nền văn minh Trung Hoa, P.Bayle (+1706) chủ trương một xã hội vô thần có thể có nền luân lý hoàn hảo, dù không biết mạc khải. Các triết gia khác thì ủng hộ dạng Thần giáo (Déisme). Hầu hết họ đều thấy cần một Đấng Tối Cao và cần một tôn giáo để bảo đảm trật tự xã hội, nhưng họ đặt nền trên lý trí. Nếu Diderot cố chứng minh luân lý tôn giáo trái với tự nhiên (như luật bát phúc, như tội phạm đến vật thánh nặng hơn phạm đến con người...) thì Voltaire chống lại những cơ chế kỷ luật thiếu khoan dung, đang khi tìm cách phục hổi cho Calas, Sirven ... Ông đòi dẹp bỏ Giáo hội : "Hãy đập tan những điều đê tiện". Montesquieu trong "Vạn Lý Tinh Pháp" (1748) đề ra việc phân quyền (lập pháp, hành pháp, tư pháp) của chính phủ, lại đề nghị coi tôn giáo như một công cụ chính trị. Đó là nguồn gốc chủ trương độc tài sáng suốt sau này. Cuối thế kỷ XVIII, dường như để phản ứng lại thuyết duy lý quá khô khan, ta thấy xuất hiện hai luồng tư tưởng lạ. Ở Đức có Kant (1724-1804) cha đẻ thuyết "duy tâm" nhấn mạnh đến lương tâm chủ quan tuy vẫn coi thường mạc khải. Ở Pháp có Jean Jarques Rousseau (+1778) đã muốn tái lập chỗ đứng tình cảm trong tôn giáo tự nhiên như một nguồn lợi ích, hạnh phúc và thi hứng... Như thế, ông chuẩn bị cho nền văn học lãng mạn của thế kỷ XIX. Nói chung, các chính quyền chịu ảnh hưởng triết học ánh sáng thường chủ trương chống ủng hộ Roma, đề cao quyền hành trong quốc gia, tương tự với Galicanisme hay Richerisme... Giám mục Fébronius (1763) thành Trêves chủ trương giảm thiểu tối đa quyền giáo hoàng trong giáo hội mỗi nước. Tại Áo, vua Joseph II chủ trương can thiệp tỉ mỉ vào nội bộ Giáo hội. Ông cấm các tu sĩ lệ thuộc bề trên nước ngoài. Năm 1783, ông đóng cửa các tu viên chiêm niệm (vì ông cho là vô ích), tịch thu tài sản đó để xây dựng các Giáo xứ mới. Ông chỉ huy chủng viện khiến chủng sinh bất mãn phá phách cơ sở. Ông vua làm thánh quản này còn qui định tỉ mỉ về phụng vụ, chôn cất và cả việc sử dụng chuông nhà thờ nữa. Trước những đả kích, Giáo hội thời này vẫn áp dụng những phương thế cổ truyền như kiểm duyệt sách xấu, yêu cầu chính quyền can thiệp. Một số tác phẩm hộ giáo được phổ biến nhưng không đặc sắc lắm : Linh mục Desfontaine với "Journal Des Savants" chống Voltaire ; Fréron với "Année littéraire" đả kích nhóm Bách Khoa. Tuy nhiên cũng có một số hoạt động tích cực thích nghi trong Giáo hội. Ở Pháp, có nhiều sách phản ảnh tinh thần thời đại như "Phương pháp hạnh phúc đời này và đời sau", "Giáo lư theo triết học", "Giáo lư ḥa hợp lư trí với tôn giáo"... Ở Đức, phong trào chiếu sáng Công giáo đề nghị trở về nguồn và xích lại với anh em Tin Lành, như soạn giáo lư cho hai bên đều dùng được. Tiêu biểu cho phong trào này là J.M.Sailer (1751-1932) linh mục xứ Bavie, giáo sư mục vụ, đă có nhiều đề xuất về linh đạo và thực hành đại kết qua câu lạc bộ Kinh Thánh với sự tham gia của nhiều phái Tin Lành. Cuối thế kỷ, việc thực hành tôn giáo tại nhiều nơi, giảm sút rơ rệt : ít đi lễ, bớt đóng góp, bớt ơn kêu gọi, bàn giao một số công tŕnh bác ái cho chính quyền... Tuy nhiên nhiều người cho rằng đó chỉ là giảm sút thái độ xu thời và thói lệ cũ, trái lại phẩm chất chỉ có phần tăng. Thời này có nhiều vị thánh khá đặc sắc như : Linh mục Louis Monfort (+1716) sáng lập hội linh mục Đức Maria, cổ vơ việc tận hiến và mở rộng nước Chúa của Đức Mẹ. Thánh Alphongsô Liguori Tiến sĩ (1696-1787), với bộ "Thần học Luân Lư" đă cứu Giáo hội khỏi ảnh hưởng Jansenisme, ngài sáng lập Ḍng Chúa Cứu Thế (1749) chuyên tổ chức tĩnh tâm và rao giảng tại thôn quê. Thánh Benedicto Labre (+1783) đề ra đường lối chiêm niệm thực hiện trên đường hành hương, sống nghèo và hành khất. Hậu quả tai hại nhất của chế độ độc tài sáng suốt là việc đức Clêmentê XIV bãi bỏ dòng Tên năm 1773. Vì nhiệt tình trong các tranh luận thần học. Dòng Tên có nhiều đối thủ thuộc phái Jansen, phe Pháp giáo, và các triết gia ánh sáng. Voltaire từng nói : "Phá được dòng Tên là phá được tôn giáo ác ôn này". Bồ Đào Nha trục xuất 600 vị (1759), Pháp trục xuất 4.000 (1764), Tây Ban Nha trục xuất 6.000 (1767), nước Áo cũng lên tiếng đề nghị Giáo hoàng bãi bỏ. Sau khi dòng Tên bị bãi bỏ nhiều tu sĩ trốn sang truyền giáo tại Phổ và Nga chờ ngày tái lập năm 1814.
3,1. Trong các Giáo hội cải cách a/ Phái kiên tín Đức (Pietisme) Phản ứng lại khuynh hướng của nhiều phái Tin Lành xây dựng các hệ thống tín lý tỉ mỉ và trở thành tổ chức của chính quyền, nhiều anh em Tin Lành muốn tìm lại những cảm nghiệm cá nhân. Bohme (+1624) bị phái Luther kết án là thần bí phiếm thần. Silesius (+1677) tác giả "Cuộc lữ hành Kérubim" thì bị chống đối, đã xin chuyển sang Công giáo. Nhưng người khởi xướng phong trào kiên tín là mục sư Spener (+1705). Ông qui tụ những nhóm nhỏ đọc Thánh Kinh và cầu nguyện được người khác gọi là nhóm đạo đức (Collegia pietatis). Tác phẩm Pia Desideria (1675) của Spener xác định giáo lý phải kiên tín : đề cao cảm nghiệm hơn thần học, tái hội nhập linh đạo trung cổ, thay đổi cách huấn giáo theo đối tượng. Kinh nghiệm hoán cải được coi là chính yếu mà từng người phải trải qua để tìm được bình an, sau đó được quyền thuật lại nơi công cộng. Đặc biệt phái kiên tín lấy lại vị trí của việc bác ái. Với trung tâm chính là đại học Halle tại Saxe, phái đã tổ chức nhiều công trình từ thiện như trường học, cô nhi viện, cổ võ ơn gọi truyền giáo khắp nơi. Dầu bị nhóm Luther chính thống chống đối, trong thế kỷ XVIII, một phần nước Đức theo chủ trương Pietisme. b/ Mở rộng trên thế giới Bá tước Zinzendorf (+1760), con đỡ đầu của Spener, sau chuyến du khảo các lối tuyên tín ở Âu-châu, đã đón tiếp những anh em Morava hậu duệ nhóm Hussites (Tiệp Khắc) đến lãnh thổ mình tị nạn. Ông tổ chức nhóm theo chủ trương Pietisme mang mầu sắc thần quyền chính trị. Ông chia cộng đoàn theo giới và theo mức tiến bộ thiêng liêng : nhóm các ông, các bà, các cô, các em ... cổ võ hát thánh ca và cầu nguyện ngày đêm. Năm 1738, Zinzendorf bị trục xuất khỏi Saxe và trở thành nhà truyền giáo tại Mỹ Châu cùng với anh em Morava, nhiều nhóm huynh đệ khác ở Âu Châu xin sát nhập. Sau này ông thêm vào cảm hứng Pietisme tinh thần ấu thơ với Đức Giêsu và khai triển việc lễ hội trong phụng tự. Sau khi nhà sáng lập qua đời, nhóm Morava đổi tên thành "Giáo hội hiệp nhất huynh đệ" khi đó đã có 226 thừa sai trên thế giới. c/ Quakers và Methodism Vì Giáo hội Anh giáo quá gắn bó với chính quyền và tài sản ruộng đất, nên nhiều nhóm Ly giáo đã xuất hiện bất chấp việc trừng trị đàn áp. Nhóm Quakers xuất hiện khoảng năm 1645 do người thợ giày Georges Fox (1624-91). Ông đi khắp nơi trên nước Anh rao giảng giáo thuyết về ánh sáng nội tâm, đặc tín điều và hàng giáo phẩm xuống bậc thứ yếu. Ông kêu mời thính giả run lên trước Thiên Chúa, phát sinh tên gọi Quaker, và qui tụ họ thành "Hội thân hữu Thượng Đế". Methodism khởi đầu từ "câu lạc bộ thánh" của các sinh viên Oxford do hai anh em John Wesley (1703-91) và Charles Wesley (+1788). Họ cùng nhau đọc Kinh Thánh, cầu nguyện và làm việc bác ái. Tiếp xúc với phái Morava tại Mỹ và Luân Đôn, John Wesley có được kinh nghiệm "hoán cải". Ông liên kết với Whitefield cũng có kinh nghiệm tương tự. Hai người tìm cách công bố khám phá của mình, nhưng không được phép nói ở nhà thờ, họ đi rao giảng ngoài trời, tại các khu lao động và đến những trại giam. Methodism đề ra cung cách sống đạo đức với tổ chức Giám-lý-hội. Họ chia thành các tổ 12 người đã tái sinh, sống dưới sự hướng dẫn của một trưởng (leader) và các ủy ban địa phương, quận, tỉnh. Trên hết là hội nghị gổm 100 thành viên. Tín đổ Methodism vẫn đến nhà thờ Anh giáo lãnh nhận các bí tích, nhưng Wesley tấn phong nhiều mục sư hoạt động ở Tân Thế giới. Methodism trở thành một trong những hệ phái đầu tiên tại nước Mỹ. Họ nhấn mạnh đến việc hoán cải và nỗ lực thánh hóa thường xuyên. Phục hổi giá trị của việc làm, cảm tình, phụng vụ, Methodism tái hội nhập nhiều yếu tố của giáo hội Công giáo. a/ Pierre Đại Đế (1694-1725) Nga hoàng Pierre Đại Đế mở cửa đón "ánh sáng" Tây phương quyết đưa nước Nga lên hàng cường quốc và độc lập. Sau khi Thượng phụ Adrian qua đời (1700), ông cấm bầu người kế vị. Năm 1721, ông bãi bỏ chức thượng phụ và áp đặt lên giáo hội Nga bản "Qui Luật Thiêng Liêng". Từ nay, đứng đầu Giáo hội là một tập đoàn 11 đến 14 Giám mục và Linh mục mà chủ tịch là một Giám quản do hoàng đế chỉ định. Bản "Qui luật" ấn định tỉ mỉ sinh hoạt các giáo xứ và tu viện. Về sau, nữ hoàng Catherine II (1762-96) quét sạch mọi dấu vết tự trị của tôn giáo. Từ 1772, một phần ba nước Ba Lan thuộc Nga cũng nằm trong sự điều hành này. Giáo hội Ruthen bị cưỡng ép theo Chính Thống chỉ còn khoảng 200 xứ đạo. Đế quyền tôn giáo này tồn tại đến cách mạng 1905. b/ Truyền thống thiêng liêng sống động Mặc cho muôn khó khăn do thể chế, truyền thống thiêng liêng Chính Thống trong thế giới Hy-lạp và Nga vẫn sống động. Núi Athos vẫn là tổ ấm tôn giáo vĩ đại. Năm 1782, đan sĩ Nicodemo Hagiorite xuất bản tại Venise cuốn "Philocalie" (Lòng yêu điều thiện mỹ), đã thâu nhập tất cả các bản văn giáo phụ từ thuở đầu về cầu nguyện. Một đan sĩ Athos khác là Velitchovski dịch sang Nga năm 1793. Tác phẩm này được phổ biến rộng rãi trong các vùng Slaves. Truyền thống đan sĩ còn có nhiều nhân vật nổi danh khác như Giám mục Tykhon tại Zadonsk (+1783). Thế kỷ XVII được ghi đậm nét bằng những cuộc xung đột lương tâm về cách thế sống đạo. Jansenism chủ trương sống nghiêm ngặt, đưa đến lối nhìn bi quan về sự hư hoại của con người. Quietism quá nhấn mạnh việc phó thác trong tình yêu Chúa đến độ coi thường những nỗ lực nên thánh của nhân loại. Những xung đột giáo lý ấy gây nên xáo trộn vì nằm trong bối cảnh một nước Pháp chủ trương Pháp giáo, và vua Louis XIV đang đấu tranh đòi dành quyền tối cao trong vương quốc. Suốt một thế kỷ, các vua Pháp cưỡng ép Tin Lành trở về với Công giáo (1689-1787). Trong khoa học, Galilê cương quyết bênh vực thuyết mặt trời trung tâm của Copernic dù bị quản chế đến chết; Richard Simon chấp nhận chịu kết án vì muốn đọc lại Kinh Thánh theo khoa học sử; nhiều vị khác như Bolland, Mabillon kiên trì trong việc khảo cứu các nguồn lịch sử và văn học của Giáo hội. Bước sang thế kỷ XVIII, Giáo hội chịu sự tấn công của các triết gia ánh sáng, nổi bật là phong trào Aufklarung ở Đức, nhóm Tam Điểm và nhóm Bách khoa ở Pháp. Họ phê phán các tín điều và tổ chức Giáo hội là phi lý. Ảnh hưởng rõ rệt nhất của họ là chế độ độc tài sáng suốt, như Josephisme ở Áo, đòi chỉ đạo tỉ mỉ mọi sinh hoạt tôn giáo ; ngoài ra Dòng Tên bị ngưng hoạt động 42 năm (1773-1814). Dầu sao các triết gia này vẫn còn tin Thượng Đế, nên quần chúng vẫn vững chãi trong đức tin. Đến cuối thế kỷ, việc thực hành tôn giáo có phần giảm, nhưng giáo lý được canh tân cách trình bày sao cho hợp lý hơn. Trong khi đó, xuất hiện các nhóm Tin Lành mới như Kiên Tín ở Đức và Giám Lý Hội ở Anh, tái hội nhập nhiều yếu tố Công giáo như giá trị của việc làm, vai trò của nghi lễ và phong trào truyền giáo. Riêng phía Đông, chính sách của Nga hoàng Pierre I đã tổ chức Giáo hội Nga theo tổ chức "đế quyền tôn giáo", nhưng Chính Thống giáo vẫn không ngừng phát huy truyền thống tâm linh rất sống động của mình. BÀI ĐỌC THÊM Tội, ân sủng, tiền định đó là những chủ đề lớn của Jansénisme. Tu viện St. Cyral nói về tiền định khá giống với Calvin. Tiền định không là gì khác hơn tình yêu vĩnh cửu của Chúa với một số con cái Adam, sau khi thấy tất cả họ rơi vào án phạt do tội tổ tông, bỏ rơi những kẻ mà hỏa ngục muốn cho họ, trong khi tình yêu hoàn toàn tự do được dành cho những kẻ ngài đã định sẵn từ đời đời được hưởng phúc thiên đàng như con cái và bạn hữu ngài. Vì thế với những kẻ được cứu, các bạn thấy Chúa tách biệt họ từ khi họ chưa sinh ra, khỏi tất cả những người khác mà lẽ ra họ cũng bị một án như vậy. Những người gia nhập Giáo hội sau khi nghe giảng lời Chúa và nhận phép rửa tội, là hai phương tiện đầu tiên giúp ta nên thánh, dù không biết mình có thuộc vào số những người được Chúa yêu thương tự đời đời không, họ không nên cực lòng về điều đó, nhưng chỉ cần thực thi đúng những gì Thiên Chúa đã truyền cho họ qua đức Giêsu Kitô (...) (Theo Yean Orcibal St. Cyran et le Jansénisme, Seuil 1961) Kết án 101 mệnh đề của Quesnel, tông chiếu Unigenitus của đức Clément XI kết án luôn việc đọc Kinh Thánh Những mệnh đề sau của Quesnel đã bị kết án : 80. Việc đọc Kinh Thánh được dành cho tất cả mọi người. 81. Sự bí ẩn thánh của Lời Chúa không phải là lý do chuẩn miễn cho lương dân đọc Lời Chúa. 82. Các Kitô hữu phải thánh hóa ngày của Chúa bằng cách đọc sách đạo đức, đặc biệt là Sách Thánh. Đáng kết án việc muốn họ không được đọc. 83. Thật là sai lầm khi quả quyết sự hiểu biết các mầu nhiệm tôn giáo không được truyền thông cho phụ nữ qua việc đọc Sách Thánh. Sự lạm dụng Kinh Thánh, việc phát sinh lạc giáo không do sự đơn sơ của phụ nữ mà do khoa học kiêu ngạo của con người. 85. Tước đoạt Tân Ước khỏi tay của các Kitô hữu, hoặc đóng sách lại khi trình bày cho họ cách hiểu Tân Ước, đó chính là khóa miệng Đức Kitô với họ. Chúng tôi tuyên bố, kết án và hủy bỏ các mệnh đề nêu trên vì chúng sai lầm, xảo trá, bất nhã, chói tai người đạo đức, xì căng đan (...) chúng lấy lại nhiều lạc thuyết khác nhau và đặc biệt lạc thuyết chứa đựng trong các mệnh đề nổi tiếng của Jansen. Tình trạng thụ động các vị thánh thần bí thường đề cập đến không phải là thụ động như trong lúc chiêm niệm, nghĩa là nó không loại bỏ những hành vi bình an vô vụ lợi mà chỉ bỏ các sinh hoạt hay hành động bất an, vội vã nhằm lợi ích riêng của ta thôi. Tình trạng thụ động là tình trạng một tâm hồn, không yêu Chúa bằng tình yêu pha trộn, thực hiện mọi hành vi với ý muốn sung mãn và hiệu quả nhưng vẫn bình an và không vị lợi. Khi thì nó thực hiện những hành vi đơn giản và không rõ rệt được người ta gọi là tĩnh tại (quiétude) hoặc chiêm niệm ; khi thì nó thực hiện những hành vi rõ ràng của những nhân đức thích hợp với tình trạng của nó. Nhưng nó thực hiện cả hai loại trên một cách thụ động như nhau, nghĩa là bình an và vô vị lợi (...) Fénélon, Explication des Maximes des Saints sur la vie intérieure 1697
Kinh nguyện của tôi như tôi đã nói, là ngay từ đầu không mang bất cứ hình thức, thể loại hay hình ảnh nào (...) Đó là kinh nguyện của lòng tin, loại bỏ mọi phân biệt, bởi vì tôi chưa từng thấy đức Giêsu Kitô, cũng như các ưu phẩm của Thiên Chúa : tất cả được thấm nhuần vào lòng tin ngọt ngào, trong đó mọi phân biệt phải tự biến mất nhường chỗ cho tình yêu, yêu nhiều hơn nữa, yêu không cần động lực lẫn lý do (...) Không có gì cả trong đầu óc tôi mà cả trong nơi thâm sâu nhất của tôi. Nếu người ta hỏi tại sao tôi yêu mến Chúa ? Phải chăng do lòng thương xót hay lòng nhân hậu của ngài, tôi không biết người ta nói gì với tôi cả. Tôi chỉ biết rõ rằng ngài tốt lành, đầy lòng xót thương, những thiện hảo của ngài làm tôi vui thích, nhưng tôi không hề nghĩ đến tôi để yêu ngài. Tôi muốn yêu mến ngài và lòng tôi cháy lửa sốt mến chỉ bởi vì tôi yêu mến ngài. Và tôi yêu ngài đến nỗi tôi chỉ có thể yêu mình ngài, mà tôi yêu ngài không hề vì động lực nào khác ngoài chính ngài. Tất cả những gì gọi là quyền lợi, là phần thưởng đều cực lòng tôi. Ôi lạy Chúa ! Làm sao con có thể thông đạt tình yêu mà Chúa đã chiếm đoạt con ngay từ thuở ban đầu (...) La vie de Madame Guyon tự thuật, Ed. Dervy-Livres 1983 Tuyên ngôn bốn khoản 1682 (trích) 1. (...) Các vua các quốc vương không phải tuân phục bất cứ quyền nào của Giáo Hội 2. (...) Những sắc lệnh công đồng Constancia (quyền công đồng vượt trên tất cả mọi quyền khác kể cả giáo hoàng) đã được Tòa Thánh châu phê và được Giáo Hội Pháp tuân giữ, vẫn còn hiệu lực thi hành... 3. (...) Các luật lệ, phong tục và định chế đã được nhìn nhận trong vương quốc và giáo hội Pháp, phải được coi là có hiệu lực thi hành, và các tập tục của cha ông chúng tôi phải không hề lay chuyển... 4. (...) Giáo hoàng có vai trò chính trong những vấn đề đức tin và những sắc lệnh của ngài liên quan đến toàn thể giáo hội. Tuy nhiên phán quyết của ngài không phải là bất khả thay đổi, trừ phi được cả giáo hội đồng ý. Dù chối ơn vô ngộ tín lý, nhiều người đương thời nhận giáo hoàng vô ngộ trong sự kiện. Xin đọc thư của Nicole phái Jansénisme gởi linh mục Quesnel. Thưa Ông, cần phải lưu ý đến tình hình giáo hội công giáo mà chúng ta đang sống và muốn chết trong giáo hội. Giáo hội này có giáo hoàng là thủ lãnh và giáo hoàng theo luật là vị có quyền nhất về giáo lý. Tôi không tin ngài vô ngộ, ông lại càng không tin nữa, nhưng ngài có một thứ ơn vô ngộ trong sự kiện, do sự tuân phục của các dân tộc và do uy tín của ngài trong khắp giáo hội. Nên nếu ngài kết án học thuyết nào, dù bất công và vô lý, thì không gì khó hơn là xóa bỏ án đó mà không bị đè bẹp dưới quyền lực của ngài (Khoảng năm 1692) (Trích H.BREMOND, Histoire littéraire Sự thuyết phục và trợ cấp tài chánh chỉ đem lại kết quả giới hạn cho việc cải đạo. Các vị hầu cận đức vua từ 1681, nhất là năm 1685 đã đưa quân đến đóng nơi anh em Tin Lành : đó là đoàn long kỵ binh. Vô số anh em Tin Lành trở lại công giáo làm dư luận thỏa mãn. Sự hài lòng của Gm Grenoble, Étienne le Camus Chúng tôi đã thấy hầu như hết thảy những kẻ tự xưng là cải cách ở Dauphiné trở lại công giáo cách nhẹ nhàng và mau lẹ, đến nỗi dù có thể cho rằng họ sợ tội bất tuân phục đức vua và họ sợ ngài nổi giận, thì dầu sao cũng phải công nhận có phần của Chúa, rằng bàn tay quyền năng của Ngài đã nâng đỡ cách kỳ diệu những ý hướng tốt lành của Đức Hoàng Thượng. Sau cùng, ngót 50.000 người Hugnenots ở Dauphiné đã cải đạo trong vòng một tháng... Rốt cuộc Montpellier, Lunel, Nimes và phần lớn các thành khác ở Languedoc cũng tuyên thệ (bỏ cải cách). Không có gì trên thế gian làm vinh dự hơn cho Đức Vua vĩ đại, cũng không có gì xứng đáng hơn cho Giáo Hội và Tòa Thánh, vì chỉ trong ba tháng, chẳng còn việc hành đạo nào của Huguenots lẫn tôn giáo Calvin trên đất Pháp. (J.Comby II, p 51) Trích sắc lệnh Fontainebleau (10-1685) (...) Trẫm, cùng với lòng tri ân chính đáng với Thiên Chúa, hiện thấy rằng những quan tâm của trẫm đã đạt được mục đích được đề ra vì phần lớn những dân của trẫm đã theo RPR và phần tốt nhất, đã trở lại Công Giáo ; Vì thế, việc thi hành sắc lệnh Nantes và tất cả các lệnh truyền có lợi cho RPR nay thành vô hiệu, trẫm xét rằng không thể làm gì tốt hơn để xóa sạch những kỷ niệm gây xáo trộn, hiểu lầm và tang thương do việc phát triển ngụy giáo này gây ra trong vương quốc trẫm và đã khiến sắc lệnh trên ra đời (...) ngoài cách bãi bỏ hoàn toàn cái được gọi là sắc lệnh Nantes (...) Điều 2 : Nghiêm cấm các thần dân thuộc RPR tụ tập để thực hành cái gọi là tôn giáo tại bất cứ nơi nào và tư gia. Điều 8 : Đối với những trẻ em được sinh ra do cha mẹ theo RPR, Trẫm muốn rằng chúng được rửa tội do các cha sở họ đạo. Trẫm ra lệnh cha mẹ phải đem con đến nhà thờ để làm việc này, nếu không sẽ nộp 500 lia tiền phạt.
Môisen không thể là tác giả của toàn bộ Ngũ Thư. (...) Quả là dễ dàng để đưa ra chứng cứ việc Môisen không phải là tác giả duy nhất Bộ Ngũ Thư theo cách vẫn hiểu hiện nay (...) Chẳng hạn người ta nói Môisen là tác giả chương cuối sách Thứ Luật, chương mô tả cái chết và việc chôn táng ông ? Tôi biết trong việc này, Josèphe và Philon đã nại đến ơn tiên tri : nhưng ta không buộc phải tin điều đó, càng không tin về những gì dân Do Thái gán toàn bộ lề luật cho Moisen để Luật được thêm giá trị (...) Trong bộ ngũ thư có vô số điều được lặp lại rõ ràng không do Môisen, nhưng đúng hơn, do những người đã sưu tập các sách thánh, họ nối kết tổng hợp các bài học và giải thích các chữ giống nhau (...) Chúng tôi có thể liệt kê những điều lặp đi lặp lại khi tả trận Hồng Thủy (...) Sách Xuất Hành và Lêvi cũng có nhiều điều lặp lại như sách Sáng Thế (...) Rồi sự khác biệt về văn phong trong các sách của Môisen cũng là một bằng cớ chứng tỏ rằng cùng một văn sĩ không thể là tác giả của chúng được (...) Richard SIMON, Histoire Critique du Vieux Testament,1678
P.Bayle (1647-1706) thuộc phái Calvin, qua Công giáo vài năm, lại trở về với phái Calvin. Giáo sư triết và sử tại Sedam, rồi Rotterdam. Ông phê phán mọi nhóm tuyên tín kể cả Calvin và suốt đời nói về khoan dung Một xã hội vô thần vẫn có các hoạt động dân sự và luân lý hoàn chỉnh khác, miễn là nó trừng trị nghiêm khắc các tội ác và trong một số việc, nó khen thưởng và khiển trách cho đúng. Bởi vì dù không biết Đấng Tạo Hóa và Điều lãnh thế giới, các thành viên xã hội này vẫn có thể nhạy cảm với vinh dự và khinh bỉ, với phần thưởng và hình phạt, với mọi dục vọng nơi người khác. Sự vô tri đó không che phủ ánh sáng lý trí, người ta thấy trong họ, có những người tín nghĩa khi buôn bán, giúp người nghèo, chống bất công và trung tín với bạn hữu ...Với ai tự xác tín rằng một dân tộc không biết Chúa sẽ phải tạo ra những luật lệ danh dự đòi phải tinh tế lắm mới giữ nổi, chỉ cần kẻ ấy nhớ rằng, ngay giữa Kitô hữu cũng có thứ vinh dự thế gian hoàn toàn ngược với Phúc Âm (...) Hãy so sánh một chút trong các quốc gia tuyên xưng đạo Chúa Kitô, tôi nói bạn so sánh đi, so sánh nước này với nước khác, bạn sẽ thấy điều được coi là bất chính ở vùng này, chưa hẳn là vậy tại nơi khác. Điều đó có nghĩa là những ý tưởng về lương thiện nơi Kitô hữu không xuất phát từ tôn giáo mà họ tuyên xưng. (P.Bayle, Pensée sur la Comète, 1682) * Luân lý tự nhiên và mạc khải không thể hợp nhau Kẻ sùng đạo thì khô khan, không nhân từ, khó chịu, là người chồng tồi, công dân xấu ... Vì các bổn phận này quá phụ so với các bổn phận khác. Một trong những hậu quả xấu nhất của các bổn phận tôn giáo là hạ giá các bổn phận tự nhiên, là đặt bậc thang bổn phận ảo tưởng đặt trên các bổn phận thực sự. Thử hỏi một linh mục xem tiểu vào một chén thánh và vu khống một phụ nữ lương thiện cái nào xấu hơn? Ông sẽ nói với bạn là "tội tiểu vào chén thánh, tội phạm thánh". Thế là tội vu khống không bị trừng phạt công khai. Tội phạm thánh thì có giàn lửa. Và như vậy cuối cùng đã đảo lộn sự phân biệt chính xác về tội ác trong xã hội (...) Trong Phúc Âm, cuốn sách phải nại đến, có hai loại luân lý. Một luân lý chung cho mọi dân. Một luân lý đích thực của Kitô giáo. Còn thứ luân lý sau như tôi biết lại là thứ luân lý phản xã hội. Bạn chịu khó đọc lại Bài Giảng trên núi coi. Hãy đọc lại trọn bộ Tin Mừng và thu thập các mệnh lệnh riêng của Kitô giáo, rồi sau đó bạn nói cho tôi hay, dù bản chất của nó là gì đi nữa, có cái gì hơn chúng để hủy bỏ các tương quan nhân loại chăng ? Diderot, theo DESNÉ, Paris 1964 p 105 * Thư gửi Voltaire 11.6.1749 Tôi tin Thiên Chúa, cho dù tôi chung sống với anh em vô thần ... Điều rất quan trọng là đừng coi cây độc cần như cây mùi tây, chứ không phải tin hoặc không tin Thiên Chúa.
Người ta thấy rằng nếu các tín hữu muốn giữ lệnh truyền này của Đức Giêsu Kitô, thì chẳng bao lâu xã hội sẽ bị đảo lộn; người tốt trở thành mồi bạo lực cho kẻ ác, người tin sẽ chết đói vì không chịu dành dụm lúc dư dật để có cái ăn cái mặc khi gặp nghịch cảnh : tắt một lời mọi người phải thú nhận rằng các mệnh lệnh của Chúa chúng ta không am hợp với những bảo đảm và an toàn chung : đó là diều buộc các nhà chú giải phải dựa vào những hạn chế, những thay đổi và những lời hiểu ngầm ; nhưng tất cả chẳng có gì cần thiết, và quá ư kiểu cách với chúng ta [...] Điều đã khiến các nhà chú giải sai lầm, là vì họ tưởng các mệnh lệnh của Chúa trong ba chương này liên hệ đến tất cả mọi tín hữu, có nhiều điều dành riêng cho các tông đồ của Chúa thôi, nhằm giúp họ thi hành tác vụ được Chúa trao phó [...] Kể từ khi đưa ra ngyuên tắc là bài giảng trên núi nhắm đến các tông đồ, sẽ chẳng còn gì là khó khăn nữa cả. (Encyclopédie, Xem "Sermon de Jésus Christ" của Jaucourt) Đối lại thuyết duy lý của triết học Ánh Sáng, J.J.Rousseau phục hồi tình cảm tôn giáo không theo hướng chính thống, nó dọn đường cho tôn giáo lãng mạn thế kỷ XIX. * Lời tuyên xưng đức tin của vị đại diện xứ Savoie [...] Tôi cũng xin thú nhận với các bạn rằng sự uy nghi của Thánh Kinh làm tôi kinh ngạc, và sự thánh thiện của Phúc Âm lên tiếng trong thâm tâm tôi. Hãy xem các sách triết lý dù lộng lẫy khoa trương, cũng nhỏ bé biết bao so với Phúc Âm ! Lẽ nào Đấng được sách ấy nói tới lại chỉ là một con người thôi sao ? [...] Socrate chết khi bình thản nói triết lý với các bạn hữu, là cái chết êm ái nhất người ta có thể ao ước. Đức Giêsu chết trong cực hình, chửi rủa, nhạo báng, bị cả một dân tộc chúc dữ, quả là một cái chết dữ dằn mà người ta phải kinh sợ. Socrate cầm chén độc dược, chúc lành cho kẻ trao chén và cho kẻ khóc ông; còn Đức Giêsu giữa hình khổ ghê sợ, cầu nguyện cho lý hình độc ác. Phải, nếu cuộc sống cái chết của Socrate là của bậc hiền triết, thì cuộc sống cái chết của Đức Giêsu là của một vị Thiên Chúa. Ngoài ra, chính Phúc Âm này đầy dẫy những điều không thể tin nổi, những điều lý trí khinh ghét mà mọi người biết phải trái không thể nào chấp nhận hay nghĩ ra nổi. Vậy phải làm gì giữa toàn bộ những nghịch lý này ? Con ta ơi, hãy khiêm tốn và biết nhìn xa trông rộng; hãy kính trọng trong thinh lặng điều không thể loại bỏ lẫn không thể hiểu nổi. Hãy khiêm tốn hạ mình trước Đấng Cao Cả, chỉ có Ngài biết chân lý. J.J Rousseau, Emile au de l'éducation Những đoản thi song cú của Scheffler, thuộc phái Luther, được phổ biến sau khi trở lại Công Giáo. - Dù Đức Kitô giáng sinh ngàn lần tại Bêlem - Than ôi, chúng ta những con người, - Bông hồng không hỏi tại sao, - Nếu Thiên Đàng trước hết không có trong bạn - Hỡi tinh thần thanh cao, - Hãy nở hoa, này người Kitô hữu nguội lạnh, (Angelus Silésius, Pèlerin chérubinique). Mục sư Spener muốn hội nhập cảm tình vào tôn giáo nhưng vẫn là Tin Lành. Đạo Kitô không hệ tại nhận biết và phân tích tỉ mỉ các vấn đề vô ích như người ta quen làm cách thái quá hiện nay ; Đạo hệ tại việc học biết Chúa Cứu Thế, Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật như phải biết, nhờ vào Lời Ngài, học kính sợ Ngài trong lòng, học yêu mến và kêu cầu ngài, theo động lực đức tin trong chân thật, để vâng lời Ngài trên Thập Giá và trong cuộc sống, để yêu mến tha nhân tận đáy lòng và giúp đỡ họ với lòng xót thương. Còn đối với chính chúng ta trong cuộc sống, trước hiểm nguy của sự chết, biết từ bỏ chính mình với lòng tín thác không lay chuyển vào ân sủng Đức Kitô ban cho chúng ta và mong đợi cuộc sống vĩnh cửu với Thiên Chúa. (Philippe SPENER, Pia desideria) Luôn luôn hạnh phúc của tôi là cảm thấy Cứu Chúa thường xuyên ngự trong lòng tôi ... Tôi đã sống nhiều năm theo cung cách bé thơ, tôi chuyện vãn hàng giờ với Ngài như người bạn nói với bạn mình (...) Trong những lúc tâm sự với Chúa, tôi rất sung sướng thưa với Ngài lòng tri ân về muôn ơn lành Chúa thực hiện qua việc nhập thể (...) Tôi làm những gì có thể để được hạnh phúc, cho đến một ngày tuyệt vời kia, hôm đó tôi xúc động mãnh liệt vì thấy Đấng Sáng Tạo nên tôi lại chịu đau khổ cho tôi, đến nỗi tôi đã đổ ra ngàn giọt nước mắt và tôi càng gắn bó với Ngài khắn khít hơn, tôi kết hiệp với Ngài cách trìu mến. Tôi tiếp tục trò chuyện với Chúa khi tôi ở một mình, và tôi tin trong lòng rằng Ngài sát cạnh bên tôi (...) Thế đó hơn 50 năm tôi sống với Cứu Chúa của tôi và càng ngày tôi càng thấy hạnh phúc hơn. Zinzendorf, Discours aux Enfants 20g45 tối 25-5-1738, trong buổi lễ tại Luân Đôn, Wesley nghe bài dẫn nhập thư Rôma của Luther và "hoán cải". Tôi cảm thấy lòng mình rực nóng cách lạ lùng, và tôi hoàn toàn tín thác vào Chúa Kitô và chỉ nơi Đức Kitô thôi về ơn cứu độ của tôi. Rồi tôi được ơn bảo đảm an toàn rằng Ngài đã cất lấy tội của tôi, đúng vậy, của chính tôi, và Ngài đã cứu tôi khỏi lề luật của tội và sự chết. * Khởi sự chuyến rao giảng khắp nước Anh Thứ năm 26-4-1739, khi tôi giảng tại Newgate về những lời này : "Ai tin thì có sự sống đời đời". Thật bất ngờ không chuẩn bị trước, bỗng nhiên tôi tuyên xưng mãnh liệt và rõ rệt rằng Thiên Chúa muốn cứu độ hết thảy mọi người ; và tôi khẩn nài Chúa đừng chịu để cho "kẻ mù phải lạc lối, trái lại, nếu đúng như vậy, xin Ngài thương ban bằng chứng cho lời của Ngài". Tức thì hai thính giả rồi người thứ ba ngã quị xuống đất. Họ ngã gục như bị sét đánh. Một người trong đám kêu la lớn tiếng. Chúng tôi cầu nguyện cho người ấy, và ông ta thay đổi cơn mê sảng thành niềm vui. Đến người thứ hai cũng lâm cơn hấp hối như thế, chúng tôi cũng khẩn nài Thiên Chúa cho ông ta. Và Chúa đã ban lại cho ông bình an trong tâm hồn.
Dù đi bộ hay đi xe, không bao giờ ngài quên mang theo cuốn thánh vịnh ngài luôn để trong vạt áo dòng, vì cuốn sách đó nhỏ thôi. Nhưng cuối cùng ngài đã thuộc lòng cả cuốn. Ngài cầm sách đó chúc lành cho tôi. Trên đường đi, ngài lớn tiếng đọc sách thánh vịnh ; thỉnh thoảng lại cao giọng hát vài đoạn (...) Mỗi ngày ngài đều dự Thánh Lễ và hát ở cung nguyện ; ít khi ngài hát mà lại không khóc. Tại tu viện, vào nửa đêm, ngài đi dạo quanh giáo đường, rồi quỳ trước từng cánh cửa cầu nguyện mắt nhỏ lệ sốt sắng. Điều này tôi xin làm chứng. Đôi khi tôi cố lắng tai và nghe ngài nói : "Vinh Danh Thiên Chúa vượt trên các tầng trời" và đọc các thánh vịnh. Trước cánh cửa phía Tây, ngài cầu nguyện hơn nửa giờ và nhanh chân trở về phòng. Tại đây ngài làm việc miệt mài, đôi khi ngài bỗ củi (...) Ngài quen nhắc chúng tôi : "Ai ở không sẽ phạm tội hoài". Chính ngài chẳng bao giờ ở không. Buổi sáng, trước thánh lễ ngài viết sách giáo dục mà nay ta còn thấy và nhiều người vẫn đọc nếu muốn được cứu độ. Ngài nuôi trẻ mồ côi và kẻ cơ cùng, và yêu thương mọi kẻ nghèo khổ. Ngài cho đi mọi thứ mình có ... Các quý tộc và phú thương tặng ngài nhiều khoản tiền lớn. Nhưng ngài phân phát hết cho người nghèo, ngài tặng cả quần áo riêng, chỉ giữ lại một bộ mặc trên người (...) (Trích Nicolas ARSENIEW, la piété Russe - Delachaux et Niestlé, 1963) | ||||||||