|
|
| |||||||
Như Đức Giêsu, các thành viên đầu tiên của Giáo Hội là người Do Thái, dùng ngôn ngữ Aram. Họ vẫn lui tới đền thờ và giữ luật Maisen. Họ bề ngoài giống như một trong nhiều nhóm Do Thái khác : Pharisiêu, Saducêô, Zêlốt ... Thế nhưng họ không khép kín như những nhóm này. Họ gọi nhau là "anh em' và mở rộng đón mọi người. Tài liệu quí nhất về sinh hoạt cộng đoàn tiên khởi là Công Vụ Tông Đồ của thánh Luca, cho ta thấy niềm tin của tín hữu tiên khởi, và cho thấy những hình ảnh êm ả nhất : "Ngày ngày họ đồng tâm nhất trí đến Đền thờ, bẻ bánh ở nhà, cùng nhau chia sẻ của nuôi thân, lòng hân hoan, dạ đơn thành trong lời ngợi khen Thiên Chúa và sự mến phục của toàn dân". Đón nhận Tin Mừng, mỗi người đều hoán cải, lãnh phép rửa nhân danh Đức Giêsu (2,38), "chuyên cần nghe giáo huấn tông đồ và trung tín với sự hiệp thông, việc bẻ bánh và cầu nguyện"(2,42). Ngoài ra "các kẻ tin hết thảy đều coi mọi sự là của chung : đất đai của cải họ bán đi, phân phát cho mọi người, ai nấy túy theo nhu cầu" (2,44). Họ làm vậy vì tình huynh đệ cộng đoàn, nhưng một phần cũng vì tưởng ngày Chúa quang lâm đã gần kề. Trong chuyện hai vợ chồng Anania và Saphira nộp của cải nhưng giấu đi một phần nên bị phạt cho ta thấy việc góp tài sản này hoàn toàn tự do và tự nguyện. Thánh Phêrô nói : "Có bán đi các người vẫn tự quyền xử định. Hà tất phải bận tâm bày ra chuyện (gian dối) này" (5,4). Ngồi lại với nhau, các tín hữu chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm sống động được gặp Đức Kitô của mình. Họ kể : "Ngày ấy ... Ngài đang nói thì ...". Mađalêna, các môn đệ làng Emmaus vẫn còn đó. Gioan thì nói về Đấng mình đã nghe, đã chứng kiến, cung chiêm, đụng chạm đến ... "để anh em được hiệp thông và được sự sống đời đời" (I Ga 1,1-3). Thánh Phêrô còn cho ta biết thêm bầu khí của cộng đoàn : "cùng nhau thông cảm, mặn nồng tình huynh đệ, đầy lòng xót thương và khiêm nhu" (1Pr 3,8). Kết quả là "số kẻ được cứu rỗi mỗi ngày được ban thêm cho cộng đoàn" (Cv 2,47). Dầu sao, niềm tin Đức Giêsu là Messia cũng gây khó chịu cho những người Do Thái khác. Niềm tin đó như lời phản đối các thượng tế và kỳ lão đã kết án Đức Giêsu, và chống lại lưu truyền về Đấng Messia vinh quang ... Sự đối kháng bùng nổ khi Phêrô và Gioan chữa một người què. Họ bắt hai vị nhưng lại sợ dân chúng nên thả ra. Câu trả lời của hai vị trở thành châm ngôn của nhà truyền giáo : "Chúng tôi không thể im về những gì chúng tôi đã thấy và đã nghe ... Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta". Sự đối kháng đó ngày càng gia tăng. Khi bị bắt lần hai, các vị bị đánh bằng roi. Nhưng Tin Mừng đã tác động cách nào đó ngay trong chính hàng ngũ các Biệt Phái, rabbi Gamalien đã can thiệp để hai vị tự do, vì : "Các ngài không phá nổi đâu, nếu đây là công trình của Thiên Chúa". 1,3. Lời Chúa không bị ràng buộc ở Giêrusalem Cũng như dân Do Thái, các tín hữu tiên khởi có hai khuynh hướng : một bên đề cao dân được chọn, bắt tân tòng phải cắt bì khi gia nhập; bên kia đa số ở các cộng đoàn hải ngoại Diaspora) thường được gọi là nhóm Hy-hóa, hiểu giá trị của văn hóa Hy Lạp hơn. Nhân việc các bà góa phe Hy hóa bị lãng quên, các tông đồ đã chọn bảy phó tế để hướng dẫn những người này. Các vị này hăng say truyền bá Tin Mừng ra ngoài Giêrusalem. Họ đều năng động, trẻ tuổi, thông thuộc Cựu-Ước và hiểu biết văn hóa Hy Lạp. Trưởng nhóm bảy người là Stêphanô còn lưu lại một diễn từ gãy gọn khúc chiết (Cv 7). Ông vạch rõ tính tạm bợ của Đền thờ và nói đến việc phượng tự mới của Đức Giêsu trong tinh thần và chân lý. Ông bị dân Do Thái ném đá và trở thành vị tử đạo tiên khởi trong Giáo Hội (năm 34). Cuộc bắt bớ bùng nổ, "các người bị phân tán đi qua đâu, họ rao giảng Lời Tin Mừng đến đó" (Cv 8,4). Phó tế Philíp mạnh dạn đến với dân Samari, vốn bị Do Thái khinh ghét, ông giảng và rửa tội cho viên hoạn quan đang trên đường đi Gaza, rổi lập công đoàn ở Cêsarea. Các tông đồ hưởng ứng công tác này, đã phái Phêrô và Gioan đến Samaria ban phép Thêm Sức và củng cố Đức Tin. Thánh Phaolô, khi đó có tên là Saulô, kẻ từng tham gia cuộc ném đá Stêphanô, đi lùng bắt các tín hữu. Chúa Giêsu đã chinh phục ngài trên đường Damas (Cv 9). Sau ba năm sống trong sa mạc Arabie, thánh nhân được Barnabê giới thiệu với các Tông đồ và đưa đi giảng Tin Mừng tại Antiokia. 1,4. Lời Chúa không dành riêng cho Dân Do Thái Thánh Phêrô nhờ một thị kiến, hiểu ra rằng Tin Mừng được gửi đến cho mọi dân : "Thiên Chúa chẳng thiên tư tây vị, bất cứ thuộc dân tộc nào, ai kính sợ Người và làm lành thì đều được Người chiếu nhận". Thánh nhân đã nói như vậy trước khi ban phép Thánh tẩy cho viên bách quản Cornêlio và gia đình. Ngài đã thấy Thánh Thần đồ xuống trên họ (Cv 10, và 11), nhưng mới chỉ coi là luật trừ cho người có hạnh kiểm tốt. Antiokia là nơi có nhiều tín hữu đến lánh nạn nhất, cũng là nơi đầu tiên họ được gọi là Kitô hữu. Thánh Phêrô đã lập Tòa tại đây (lễ kính 22.02). Tại Antiokia, Phaolô và Barnabê giảng cho dân ngoại mà không buộc họ phải giữ luật Maisen Do Thái, không cần cắt bì. Điều này làm cho nhóm Giacôbê ở Giêrusalem quan ngại, và cho người đi kiểm tra. Hôm ấy Phêrô đang ăn với các tân tòng, e sợ nên tránh mặt, đã bị Phaolô thẳng thắn phê phán (Gl 2,11t). Vấn đề được đưa ra Công đồng Giêrusalem năm 49, và được các Tông đồ giải quyết rõ rệt. Phép cắt bì và luật Maisen không phải Tin Mừng. Không cần đồi văn hóa để tiếp nhận Lời Chúa. Chủ trương của thánh Phaolô đã thắng với một nhượng bộ nhỏ về việc kiêng ăn uống máu huyết (Cv 15).
Roma, một mảnh đất thuộc Italia, được thành lập năm 753 trước Chúa Giáng Sinh. Sau nhiều đợt chinh phục, đế quốc thống lĩnh toàn bộ khu vực quanh Địa Trung Hải. Pompeius chiếm Giêrusalem (năm 63), Cêsar chiếm Galia (năm 50), Octavius chiếm Ai Cập (năm 30). Vị cuối cùng tự xưng là Augusto hoàng đế, khởi sự cho thời đại "hòa bình Roma" (pax Romana) kéo dài đến năm 192. Chính nhờ bối cảnh thống nhất của đế quốc Roma, Giáo Hội dễ dàng lan rộng : việc phát triển đường xá, thương thuyền, một ngôn ngữ chung phổ biến là Hy Lạp (tiếng Latinh đến cuối thế kỷ II mới thông dụng) và các cộng đoàn Do Thái hải ngoại (diaspora) đã sống rải rác khắp nơi. Bối cảnh văn hóa, tôn giáo cũng đem lại nhiều thuận lợi : các triết thuyết khắc kỷ và hoài nghi đã gợi lên ước muốn độc thần, những người bị bỏ rơi trong xã hội như nô lệ, phụ nữ dễ dàng đến với tôn giáo, nhất là việc tiếp xúc với các thần đông phương đã gợi lên trong quần chúng ước vọng kết hiệp với Thượng Đế. 2,2. Giáo hội phát triển với Phaolô và Phêrô Trong hành trình thứ II, thánh Phaolô ở Troas gặp một thị kiến : một người Macêđoan nài xin ông hãy đến giúp (Cv. 16,9). Tin Mừng vượt Tiểu Á sang Châu Âu năm 49. Thánh Phaolô đi giảng ở Philipphê, Thessalônica, Côrintô và Athêna. Thất bại của lý luận về Thần Vô Minh đã biến ngài thành vị rao giảng về sự khôn ngoan của Thập Giá. Hành trình thứ III (năm 53-58), thánh nhân đi thăm từng cộng đoàn cũ, giảng thuyết tùy hoàn cảnh cụ thể, giải quyết những xung đột. Tại mỗi nơi, ngài tìm cộng sự viên và trao giáo đoàn cho họ. Vượt qua mọi gian truân (II.Cr 11 và 12), ngài không ngừng công bố sứ điệp Đức Kitô, loan báo về dân tộc mới (không còn Do Thái hay Hy Lạp) trong đó mọi người là anh em, mỗi người phải thắng chính mình, sống tự do con cái Chúa và sống ơn Phục Sinh qua mầu nhiệm khổ giá. Hành trình thứ IV (năm 60-63) đưa Phaolô đến Roma như một tù nhân. Hai năm bị giam lỏng, ngài vẫn không ngừng rao giảng và viết bốn ngục thư (Philipphê, Ephêsô, Côlôxê, Philêmon). Trở về Tiểu Á, ngài bị bắt về Roma lần thứ hai, bị án trảm quyết thời hoàng đế Nêrô, có lẽ là năm 67, như thánh Phêrô. Sử gia Eusêbio (LSGH 3) cho ta biết thánh Phêrô đã đi giảng Tin Mừng tại Pont, Galata, Cappađôcia, Tiểu Á. Thư 1Cr. 1,12 xác định ngài đến Côrintô trước khi đến Roma. Khi Nêrô bách hại đạo gay gắt, thánh nhân định bỏ trốn để tiếp tục phục vụ giáo đoàn. Nhưng theo lưu truyền, ngài gặp Đức Giêsu vác thập giá đi vào thành (biến cố Quo vadis :Thày đi đâu?), nên ngài quay trở lại thủ đô và xin được đóng đinh ngược. Việc ngài tử đạo ở Roma được Giáo Hoàng Clêmente (+97) nhắc đến, và được các giáo phụ như Ignatio, Origène và Tertulianô xác định, đã khiến Roma trở thành thủ đô của Giáo Hội cho đến nay. 2,3. Hoạt động của các Tông Đồ khác Hai vị Tông đồ ở lại Giêrusalem là thánh Giacôbê Tiền bị chém năm 42 và thánh Giacôbê Hậu bị ném đá năm 62. Thánh Mathêu rong ruổi đến Bắc Phi Châu, thánh Bartôlômêo thì giảng đạo ở Armênie và Ả Rập, hai thánh Simon và Giuđa hoạt động ở Ai Cập và cũng tử đạo ở Mêsôpôtamia. Nếu thánh Mathias đến Ba Tư, thì thánh Thomas qua Ba Tư đến tận Ấn Độ. Khu vực Tiểu Á có thánh Anrê bị xử tử thập giá chữ X, có thánh Philip và đặc biệt là thánh Gioan, vị duy nhất không tử đạo mặc dù đã bị bỏ vào vạc dầu sôi năm 92. Ngoài ra cũng nên biết, Maccô thánh sử, mới đầu là môn đệ thánh Phaolô, nhưng sau cùng làm việc với thánh Phêrô ở Roma. Luca thánh sử người y sĩ đồng hành với Phaolô, cũng là tác giả Công Vụ Tông Đồ đã hoạt động và tử đạo ở Akaia. 1. Cộng đoàn Giêrusalem : là nhóm "anh em" luôn rộng mở mời đón mọi người. Họ nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng Messia, là Chúa. Họ tin, hối cải đón nhận Thánh Thần và loan báo về Ngài, mặc cho mọi chống đối từ phe Đền thờ. Theo Công vụ tông đồ 2,24 họ chuyên cần với giáo huấn các Tông đồ, với việc hiệp thông, bẻ bánh và kinh nguyện ... Họ góp của cải thành tài sản chung để phân phát cho mỗi người tùy theo nhu cầu. 2. Lời gieo ngoài Giêrusalem : Tin Mừng được dần dần lan rộng nhờ các Diaspora Do Thái đã rải rác khắp đế quốc. Các phó tế và thánh Phêrô đã đi tiên phong trong việc đem Tin Mừng cho dân ngoại. Cuộc bách hại của Hêrođê và việc Giêrusalem sụp đồ, thúc đẩy Tin Mừng đi nhanh hơn. Công đồng năm 49 tại Giêrusalem như lời tuyên cáo Luật Mới đã thay thế luật Maisen. Thánh Phêrô chọn thủ đô mới cho Giáo Hội là ROMA, ngài giảng đạo và tử đạo tại đó. 3. Nhân sinh quan mới : Dưới góc nhìn lịch sử, thánh Phaolô có vai trò đặc biệt xây dựng hệ thống giáo lý, đề ra phương án thực hiện tổ chức, biến niềm tin thành một cuộc cách mạng tôn giáo : khám phá ra Đức Kitô là đỉnh cao của lịch sử, mở ra một thời đại mới, dân tộc mới (không còn Do Thái hay Hy Lạp). Niềm tin ấy của các tín hữu sơ khai đã kết tinh lại trong ngòi bút của các thánh ký qua 27 tác phẩm Tân Ước. 1. Nội dung chính của Tin Mừng các Tông đồ loan báo ? 2. Mô tả bầu khí cộng đoàn tiên khởi ? 3. Tại sao phe Đền thờ cản trở các Tông đồ rao giảng ? 4. Kể chuyện thánh Stêphanô ? 5. Nội dung công đồng Giêrusalem ? 6. Phương pháp truyền giáo của thánh Phaolô ? 7. Nhân sinh quan mới theo thánh Phaolô ? 8. Tại sao Roma là thủ đô Giáo Hội ? BÀI ĐỌC THÊM KHU VỰC VĂN MINH HY LẠP Hy Lạp có nền văn minh rất cổ đại. Thế kỷ X, Hy Lạp đã nổi tiếng với các anh hùng ca Iliát, Ôdixê của Homère. Hy Lạp đã sinh ra các triết gia như Socrate (339), Platon (349), Aristote (322), các nhà bác học như Pythagore(680), Hippocrate (377), Archimède (212). Alexandre Đại Đế (356-323) lên ngôi ở tuổi đôi mươi chinh phục Ai Cập (lập thành phố Alexandria), rồi viễn chinh về phía Đông, chiếm Batư, Babylon, Pendiab. Ông truyền bá văn minh Hy Lạp ở thành thị, cổ võ cưới dân bản xứ, đào tạo người địa phương ... Sau khi Alexandre qua đời, tuy đế quốc bị chia ba cho Antiochus, Ptolémée, và Celeucus, nhưng văn minh Hy Lạp vẫn được truyền bá sâu rộng đến mãi năm 30, khi vùng Ptolémée bị Roma xâm chiếm. Đó là lý do ngôn ngữ giao dịch thời đầu của Giáo Hội là tiếng Hy Lạp và việc khác biệt Đông-Tây sau này. Kéryma : Loan Báo Tin Mừng về Đức Giêsu, Ngài chính là Đấng Messia mà dân Do Thái mong đợi qua bao thời đại. Có nhiều lối hiểu về Đấng Messia này : phe ái quốc chờ vị giải phóng dân tộc; các Biệt Phái nói đến Đấng ban Lề luật thánh; Dân chúng mong đợi Đấng cho họ sống sung túc no đầy ; Các sách Khải huyền thì nói đến ngày nghĩa nộ. Còn các Tông đồ lại loan báo về người Tôi Trung Đau Khổ trong sách Isaia (Is 42; 49; 50; 52). Métanoia : Hoán cải, từ ngữ này không đơn thuần chỉ là cuộc trở lại rời bỏ con đường tội lỗi, nhưng hàm chứa nội dung :
Diaspora : Cộng đoàn Do Thái hải ngoại. Sau khi Do Thái bị Roma xâm chiếm, người Do Thái tản mác đến nhiều miền khác. Họ sống liên đới thành cộng đoàn và duy trì các sinh hoạt phụng tự chung. Vì sống trên những miền đất khác, họ được gọi là nhóm Hy hoá (héllenistes). Tuy nhiên, trong các dịp lễ truyền thống của dân tộc, họ vẫn kéo nhau về Giêrusalem. CHÂN DUNG THÁNH PHAOLÔ Onésiphore theo đường cái quan dẫn tới Lystra, mải miết tìm kiếm ông Phaolô bằng cách quan sát khuôn mặt tất cả những người qua đường, so sánh với lời chỉ dẫn của anh Titô. Và kìa, ông đã thấy ông Phaolô với thân hình nhỏ bé, trán hói, chân vòng kiềng, bước đi rắn rỏi, đôi chân mày giao nhau, mũi hơi cong trông rất có duyên. Khi thì ông xuất hiện như một người phàm; khi ông lại xuất hiện như một thiên thần. Khi thấy Onésiphore Phaolô mỉm cười. Onésiphore nói : "Kính chào vị tôi trung Thiên Chúa đáng kính". Ông Phaolô đáp lại : "Ơn Chúa ở với anh và gia quyến" (Trích F.Amiot, Evangiles apocryphes, tr.228, JC. Để đọc LSGH I, tr 18) Truyền thống đã nối kết Phêrô và Phaolô ở Roma. Vai trò Giáo Hoàng phổ quát dựa trên sự kiện giám mục Rôma là người kế vị thánh Phêrô. Cái chết của hai vị đã được thánh Clémentê nói đến khoảng năm 95. Không cần nhắc lại những tấm gương xưa, chúng ta hãy nhìn các lực sĩ, những tấm gương quảng đại thuộc thế hệ chúng ta. Chính do hậu quả của lòng ghen tương và thèm khát mà những người rường cột nhất, công chính nhất, cao thượng nhất, những người đấu tranh cho đến chết vì bách hại. Chúng ta hãy nhìn đến hai vị tông đồ tuyệt hảo của chúng ta. Thánh Phêrô do hậu quả của lòng ghen tương bất chính đã chịu đau khổ, không phải bởi một hay hai mà là nhiều hình khổ, và sau khi đã làm chứng cho đức tin, thánh nhân đã đi vào chôn vinh quang. Cũng vì sự ghen tương và bất đồng ý kiến, th. Phaolô đã cho thấy thế nào là phần thưởng của lòng kiên vững. Bảy lần mang xiềng xích, bị biệt xứ, bị ném đá, ngài đã thành người rao giảng ở Đông và Tây Phương. Vì đức tin, th. Phaolô đã lãnh nhận vinh quang sáng chói. (Clémentê, Thư gửi người Corintô, JC. Để đọc LSGH I, tr 22) ĐẾ QUỐC ROMA CHUẨN BỊ CHO PHÚC ÂM Triết học của chúng tôi, trước phát sinh nơi các dân Barbares, nhưng đã nảy nở trong dân của ngài, dưới triều đại Augustô tổ tiên ngài, và đã trở thành di sản có lợi cho đế quốc của ngài. Vì từ thời đó, uy quyền đế quốc được gia tăng nhanh chóng và hiển nhiên. Ngài đã trở thành người kế vị như lòng mong muốn, và ngài sẽ vẫn như thế qua con cái ngài, khi duy trì triết học đó, là triết học cùng được nuôi dưỡng và cùng bắt đầu với Augustô đại đế. Chính tổ tiên các ngài tôn kính nó bên cạnh các tôn giáo khác. Và đây là bằng chứng về sự tuyệt hảo của nó : Giáo thuyết chúng tôi đã triển nở đồng thời với sự khởi đầu thành công của đế quốc ... (Trích Eusebio, LSGH IV, 26,7-8,) PASCAL : Đẹp biết bao, qua con mắt đức tin, ta thấy Darius và Cyrus, Alexandria, những người Rôma, Pompea và Hêrôđê hành động cho vinh quang Phúc Âm, dù họ không biết (Pensée, 701) CHARLES PÉGUY Những bước chân của César đã tiến bước vì Người, Từ biên thùy xứ Gaule tới những con sông miền Memphis Mọi người tiến đến dưới chân Con Thiên Chúa Đấng đã đến như kẻ trộm ban đêm ... Người đến thừa hưởng trường phái Khắc kỷ Người đến thừa hưởng người thừa kế Roma Người đến thừa hưởng vòng nguyệt quế anh hùng Người đến thừa hưởng mọi nỗ lực của con người. Người đến thừa hưởng một thế giới đã hình thành nhưng Người sẽ làm lại tất cả Người đến thừa hưởng một thế giới đã hình thành nhưng Người tái tạo nó cho hoàn toàn trẻ trung (Eva. JC. Để đọc LSGH I, tr 25) Việc rao giảng Kitô giáo gặp phải những hệ thống tôn giáo khác nhau trong đế quốc. Những tôn giáo này có thể đối lập với sứ điệp của Tin mừng, nhưng cũng có thể là "viên đá chờ đợi" mạc khải Kitô giáo. Các tôn giáo truyền thống : Gồm các việc phượng tự tôn thờ những sức mạnh thiên nhiên huyền bí, những vị thần bảo đảm cho mùa màng và gia súc ... Thêm vào đó là những vị thần của các thành phố Hy Lạp hoặc Rôma (Zeus -Jupiter / Hermès - Mercure / Poséidon - Neptune). Dầu não trạng quần chúng vốn là "Tôi cúng thần để thần ban ơn" (Do ut des), nhưng người ta coi đó là tập tục kế thừa từ tổ tiên. Triết học Khuynh hướng Triết học tiến dần đến độc thần giáo, một vị thần duy nhất và siêu việt, hướng đến một tôn giáo có những trách phải chu toàn. Đặc biệt là thuyết khắc kỷ, đòi con người phải tùng phục trật tự vũ trụ, giải thích các vị thần khác tên nhưng vẫn là một, tuy trung thành với nghi lễ, các nhà khắc kỷ vẫn nhấn mạnh đến việc thanh luyện đời sống luân lý. Ngày thứ 11 trước ngày sóc tháng bảy (21.6.70, lịch Rôma) là ngày đẹp trời, khu vực dành cho đền thờ đã được bao quanh bằng vải nhỏ và các vòng hoa. Trước tiên, các quân nhân, nhân danh điềm lành, tay cầm ngành lá mang ý nghĩa thuận lợi ; tiếp đến là các trinh nữ được cung tiến, theo sau là thanh niên thiếu nữ trẻ đi với cha mẹ mình, họ lấy nước từ các dòng sông con suối, rảy lên mặt đất. Lúc bấy giờ mới đến lượt quan án Helvidius. Sau khi thanh tẩy thánh địa bằng hiến tế gồm : một heo nái, một con chiên và một bò rừng, ông đặt các bộ lòng của chúng trên bàn thờ là một mô đất phủ cỏ, ông khẩn cầu với thần Jupiter, Junon, Minerva và các vị thần bảo trợ đế quốc, xin phù trì cho việc xây cất nơi các thần cư ngụ do lòng sùng mộ của con người ; ông cầm vào sợi dây cuốn băng vải đã được cột chặt vào khối đá, và thế là các quan, các tư tế, các nghị viên và kỵ sĩ cùng với đa số quần chúng vui vẻ và hiệp lực nhau bắt đầu di chuyển khối đá khổng lổ này. Người ta ném xuống chân móng đền thờ những đồng vàng, đồng bạc và những mảnh kim loại ở dạng tự nhiên mà họ thấy ở đó. Các thày bói khuyên họ đừng ném những viên đá hay vàng bạc đã dùng vào việc khác rồi, sợ làm nhơ bẩn đền thờ. Chiều cao đền thờ được nâng lên, vì người ta nghĩ rằng đó là cách thức duy nhất tôn giáo cho phép làm, và việc nâng cao này sẽ làm tăng thêm vẻ đẹp của đền thờ cũ. (Tacite, Histoire IV, 53.JC Để đọc LSGH I, tr 29) CON NGƯỜI PHẢI CA TỤNG THƯỢNG ĐẾ Vì đa số các người mù lòa, nên chăng phải có người nào đó để thay các người, nhân danh toàn thể, để hát bài tụng ca Thượng Đế ? Còn tôi, một kẻ già nua, tàn tật, tôi còn làm được gì khác ngoài việc ca tụng Ngài ? Nếu tôi là chim sơn ca, tôi sẽ hót như sơn ca, Nếu tôi là thiên nga, tôi sẽ hoạt động như thiên nga, nhưng vì tôi là hữu thể có lý trí, nên tôi phải ca tụng Thượng đế : đó là việc của tôi. Tôi sẽ chu toàn công việc đó, không bao giờ sao lãng, bao lâu còn có thể, và tôi kêu mời các người cùng hát lên bài ca chúc tụng Thượng Đế. Lời Epictète do Arrien môn sinh ghi lại KINH TIN KÍNH CỦA MARC AURÈLE Trong mọi lúc, bạn hãy nghiêm túc nghĩ mình là công dân Rôma và là nam nhi, để thi hành những việc bạn đang làm cách đơn giản và đúng đắn, với tình yêu sự độc lập và công bằng, loại bỏ mọi ý tưởng khác. Trong mỗi việc, bạn hãy thực hành nó như thể đó là công việc cuối đời của mình (...) Tất cả mọi việc đều quyện chặt lại với nhau, một mối tương quan thần thánh, đến nỗi hầu như không có việc nào xa lạ với việc khác, vì chúng đã được xếp đặt để ăn khớp với nhau góp phần vào trật tự chung của thế giới. Thật vậy, chỉ có một thế giới bao trùm tất cả, chỉ một Thượng đế ở khắp mọi nơi, chỉ có một bản thể, một luật lệ và một lý luận chung cho mọi hữu thể có lý trí ; và cũng chỉ có một chân lý (...). HỌ ĐÃ SỐNG NHƯ THẾ (12 THÁNH TÔNG ĐỒ) THÁNH ANRÊ : Vị tông đồ giàu tình bạn Vì ba lần thánh nhân xuất hiện trong Tin Mừng, là ba lần ngài giới thiệu một ai đó với Đức Giêsu : Đưa Simon Phêrô đến gặp Chúa (Ga 1,41-42) Đưa em bé có 5 chiếc bánh và 2 con cá (Ga 6,9) Dẫn đoàn người Hy Lạp (Ga 12,20) Thánh nhân giảng đạo tại Akaia, Tiểu Á, bị tự hình thập giá hình chữ X THÁNH PHILIPPHÊ : Vị tông đồ thực tiễn Ngay lần đầu gặp Đức Giêsu, Philipphê đã có bản lý lịch trích ngang khá chi tiết : Chúng tôi đã gặp / Ngài tên là Giêsu / đã được Môisen và các tiên tri nói đến / tên cha là Giuse / sinh quán Nagiarét (Ga 1,43-44). Khi Chúa nói các tông đồ lo cho dân chúng ăn, ông đã làm nhanh bài toán 5.000 người mất 200 đồng (Ga 6,7). Đám người Hy Lạp xin gặp Chúa thì ông ngần ngừ (Ga 12,21). Khi Chúa nói về Chúa Cha, ông hỏi liền "xin thày chỉ cho con biết Cha" (Ga 14,9). Chúa Giêsu xử với ông theo tính khí của ông : Hãy đến mà xem (Ga 1,46); "Ai thấy Thày là thấy Cha", "Nếu anh không tin Lời Thày thì hãy tin vào việc Thày làm". THÁNH BARTÔLÔMÊO : Nhà nghệ sĩ mơ mộng Người nghệ sĩ Nathanael, không quan tâm đến bản lý lịch Philipphê cung cấp " Ở Nagiarét nào có gì đáng nói " (Ga 1,45-51). Nhưng ngay khi gặp Chúa, Đấng đã thấy ông từ khi ngổi dưới gốc cây Vả, và khen ông là người chân chính; ông đã nhanh chóng tuyên xưng " Lạy Thày, Thày là Con Thiên Chúa". Người nghệ sĩ là thế đó, họ nhận định bằng trực giác cách nhanh chóng, ít lý luận và hổ nghi. Và Chúa nói với ông : "Rồi anh sẽ thấy trời mở ra, và thiên thần lên xuống trên Con Người" THÁNH MATHÊU thánh sử : Nhà Thần học hệ thống Từ cảm nghiệm được cứu vớt của Lêvi người thu thuế, thánh Matthêu giới thiệu Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai. Câu"để ứng nghiệm lời tiên tri ..." được ông nói đến 51 lần Các thông tin về Đức Giêsu, ông sắp xếp có hệ thống thành năm phần theo chủ đề rõ rệt.Thánh nhân giảng và tử đạo tại Ethiopie THÁNH GIOAN thánh sử : Nhà chiêm niệm thần bí Gioan thường được sánh với chim phượng hoàng, vì phần Tự ngôn Phúc Âm Gioan là kết quả của những giờ khắc chiêm niệm sâu xa, và đưa độc giả vào huyền nhiệm Ngôi Lời. Người "môn đệ Chúa yêu" ấy đã đi vào bí nhiệm sâu thẳm của Tình Yêu là chính Thiên Chúa : "Cứ dấu này ... ". Các chủ đề của Gioan khởi từ những sự kiện rất gần gũi trong cuộc sống, nhưng mang một ý nghĩa mới. Đó là : ánh sáng, sự sống, mục tử, chuồng chiên, nước, chân lý, đường đi ... Phúc âm của thánh nhân nói đến đức tin 98 lần ... "Người ấy nói thật để anh em tin và nhờ tin mà được sống đời đời". THÁNH SIMON : Vị tông đồ nhiệt thành Một mình ông sinh tại Canaan, thuộc phái Zélôt, chủ trương giải phóng dân tộc. Sự hiện diện của ông bên Matthêu chứng tỏ tính đa dạng của các Tông đồ. Có lẽ các câu ông thích là :"Ta đến để đem gươm giáo ... để chia rẽ cha mẹ, anh chị em ..." (Mt 10,34t) Nhưng đức Giêsu đã chuyển nhiệt thành của ông thành nhiệt tâm phục vụ cho chân lý. Trả cho Cêsar nhưng gì của Cêsar (Mt 22,21), và Ai muốn theo Ta hãy vác Thánh giá mà theo (Mt 10,28) THÁNH GIACÔBÊ HẬU : Nhà luân lý thực hành Cứ đọc thư thánh nhân thì rõ. Đó là giáo lý hành động : Hãy mau nghe, chậm nói khoan giận (Gc 1,19-26). Hãy thi hành Lời Chúa chứ đứng nghe suông mà lừa dối chính mình (Gc 1,22). "Hãy chứng tỏ đức tin của anh, còn tôi, tôi dùng việc làm để anh thấy"... Đừng nói " chúc anh chị đi bình an mà chẳng cho họ những gì cần thiết (Gc 2,15-18) GIUĐA : Kẻ phản bội Giuđa có nơi mỗi người chúng ta. Ông vốn có tài nên được giao làm thủ quỹ. Đức Giêsu đã ba lần loan báo về việc phản bội (Ga 6,71 ; Mc 14,10 và Mc 26,25). Nhóm 12 cũng có phần trách nhiệm ... Th. Gioan cho ta thấy lý do việc sa ngã, chính vì Giuđa khinh xuất trong việc nhỏ : hay trích quỹ xài riêng (Ga 6,71) THÁNH GIUĐA : Vị tông đồ trung kiên Lá thư của Giuđa đặc biệt cổ võ và củng cố đức tin : Đừng lạc đường, hãy trung kiên với niềm tin, Đấng quyền phép sẽ gìn giữ để anh em khỏi sa ngã. (Gđ 24-25) Trong Phúc Âm ông hỏi : Sao thày lại chỉ tỏ mình cho chúng con chứ không cho thế gian ? Chúa đáp : Ai yêu Thày thì sẽ giữ Lời Thày... Chúng ta sẽ đến và ở trong người đó (Ga 14,22). THÁNH THOMAS : Nhà khoa học đa nghi Nghe tin Lagiarô chết, Đức Giêsu muốn đi thăm. Thomas nói: Chúng ta cùng đi để chết với Người. (Ga 11,16) "Thày đi đâu, xin chỉ cho chúng con biết đường" Chúa nói : "Thày là đường là sự thật và là sự sống" (Ga 14,5-6). Thomas nhất quyết đòi xỏ tay vào các vết thương của Chúa, nhưng khi gặp, ông đã nhanh chóng tuyên xưng niềm tin (Ga 20,25) THÁNH GIACÔBÊ TIỀN : Vị tông đồ nhiều cao vọng Ông thuộc nhóm ba người được ưu đãi (với Giaon và Phêrô) Ông xin Chúa cho lửa đốt một làng Samarie (Lc 9,54). Ông xin được ngổi bên tả bên hữu Chúa (Mt 20,21). Lại còn nhờ mẹ, bà Giêbêđê đến xin (Mc 10,37-38) Nhân dịp đó, Chúa nói đến chức vị trong Giáo hội, vấn đế không phải là ngồi đâu mà là "có uống được chén Thày uống không ?", vì Con người đến không phải để được kẻ hầu người hạ ... Muốn làm đầu phải hầu thiên hạ, muốn làm lãnh tụ phải phục vụ anh em" THÁNH PHÊRÔ : Vị Thủ lãnh khiêm nhường Là người hăng hái, năng nổ, Phêrô luôn tiến lên phía trước : khi Chúa cho bắt mẻ cá lạ (Lc 5,4-8), nhảy xuống biển đến với Chúa (Mt 14,27-30), đại diện anh em tuyên xưng niềm tin...(Mt 16,16t), chém tai anh Mancô trong vườn cây dầu... Chúa cũng giáo dục ông cách đặc biệt : Sao kém tin thế ? Xéo ra sau lưng ta hỡi Satan, ai dùng gươm sẽ chết vì gươm. Chúa báo trước việc ông chối ngài ba lần và "nhìn ông" để giúp ông thống hối. Trên bờ biển ba lần Chúa hỏi ông về "lòng yêu mến", như điều kiện chính để ngài trao đoàn chiên giáo hội. Và Phêrô đã thực sự trở thành con người khác. Ông tựu anh em bỏ thăm khi chọn Matthias, để giải quyết việc buộc cắt bì hay không tại Giêrusalem và sẵn sàng nghe Phaolô góp ý (Gl 5). Đặc biệt trong chuyện "Quo Vadis?", ông đã hoàn toàn bỏ lối lý luận nhân phàm để theo ý Chúa, chịu đóng đinh ngược... THÁNH MATTHIAS : Vị tông đồ giờ thứ 11 Như những người thợ làm vườn nho, sớm muộn gì cũng được một đồng, Matthias là biểu trưng cho tất cả chúng ta : những vị tông đồ hôm nay, vẫn đang được chính Chúa kêu gọi làm vườn nho Ngài. | ||||||||