Năm C

 
 

Chúa Nhật XVI Thường Niên - Năm C

St 18:1-10a ; Cl 1:24-28; Lc 10:38-42   

 

An Phong op : Lắng Nghe Lời Chúa

Như Hạ op : Mầu Nhiệm Phong Phú

G. Nguyễn Cao Luật, op : Chỉ Có Một Điều Cần

Fr. Jude Siciliano, op : Hai Mặt Của Mỗi Cuộc Đời

Giacôbê Phạm Văn Phượng op : Biết Nghe

Giuse Trần Ngọc Thiện op : Maria Đã Chọn Phần Tốt Nhất

Fr. Jude Sicilianô, op : Chiêm Niệm Hay Hoạt Động

Đỗ Lực op : Ngàn Năm Một Thuở

Fr. Jude Siciliano, op : Đón nhận Chúa là nghe và thực hiện lời Ngài

Fr. Jude Siciliano, op: Không thể tách rời hoạt động và chiêm niệm

 

 


An Phong op 

Lắng Nghe Lời Chúa
(Lc 10:38-42)

Tin mừng chúa nhật 16 thường niên C là trình thuật Đức Giêsu đến một làng kia và vào thăm nhà của chị em Martha, Maria và Lazarô. Vào lúc này, Đức Giêsu đang lên đường đi Giêrusalem. Thánh Luca đã tập hợp các lời giảng của Đức Giêsu cho các môn đệ về sứ vụ, quyền lợi và trách nhiệm của họ. Trong đoạn Tin mừng hôm nay, thánh Luca muốn nói đến điều quan trọng nhất của người môn đệ đích thực là biết lắng nghe lời của Đức Giêsu. Maria đã tiếp đón Đức Giêsu bằng cách ngồi dưới chân Người, lắng nghe lời Người như một môn đệ trước Thầy của mình. Maria đã đặt toàn tâm toàn ý của mình trước Thầy để học biết cách sống. Như thế, tiếp đón một người tức là để cho người đó nói lên và mở lòng đón nhận những gì được ban phát.

Tương phản với hình ảnh của Maria là Martha. Martha lo lắng, bận rộn với việc tiếp đón Đức Giêsu. Bà muốn lòng hiếu khách của mình phải được đánh giá tốt. Bà muốn được sự giúp đỡ : "Lạy Thầy, em tôi để tôi hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao ? Xin Thầy bảo em tôi giúp tôi với" (c.40). Martha tìm cách để Đức Giêsu và cô em Maria nhìn nhận sự hy sinh của mình. Dường như Martha muốn nói "Thưa Thầy, Thầy không thấy sao, Thầy không nhận ra những gì tôi đã làm cho Thầy sao, Thầy chẳng cảm thông với những lo lắng của tôi sao ?"

Maria là hình ảnh của người lắng nghe lời Chúa. Martha là hình ảnh của người phục vụ Thiên Chúa, nhưng theo cung cách riêng của mình. Và câu kết luận của Đức Giêsu đã làm cho mọi việc được rõ ràng "Maria đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị ai lấy mất" (c.43).

Người môn đệ đích thực là người lắng nghe lời Chúa để học biết cách sống ở đời. Tin mừng không thuật lại Đức Giêsu nói gì với Maria. Trong bối cảnh đơn giản và thân tình như thế, có lẽ Đức Giêsu đã dạy Maria làm thế nào để sống ở đời ? Khi viết lại câu chuyện này, thánh sử Luca đã không lưu tâm đến nội dung cuộc trò chuyện, nhưng sự hiện diện của Đức Giêsu và sự đón tiếp theo cung cách của Maria mới là điều quan trọng. Đức Giêsu hiện diện như một quà tặng của Thiên Chúa, như một ân sủng và lời của Người là một Tin mừng. Người môn đệ đích thực phải nhận ra điều này. Trong khi Maria đón tiếp Đức Giêsu bằng cách ngồi dưới chân và lắng nghe lời Người thì Martha đã đón tiếp Người bằng cách "bận rộn với việc thiết đãi" (c.39). Martha cũng đã làm một điều tốt, nhưng một điều tốt muốn được đánh giá, muốn được nhìn nhận, muốn được gọi tên, thì điều tốt đó sẽ chẳng còn tốt nữa. Những người Pharisêu vào thời Đức Giêsu đã chẳng muốn người khác nhìn nhận sự công chính, cống hiến của mình đó sao ? Phản ứng của Martha cũng là một phản ứng tự nhiên và "hết sức con người". Có lẽ chúng ta cũng thế thôi : Muốn được người khác nhìn nhận, đánh giá những cống hiến của mình. Chúng ta muốn "phần thưởng ngay" và như thế đánh mất phần thưởng mà Cha trên trời hứa ban cho (Mt 6,-13). Dường như trong thái độ của Martha có một chút ghen tương. Bà sợ Maria được Đức Giêsu quan tâm hơn, và Bà muốn Maria phục vụ Đức Giêsu theo cung cách của mình, dưới sự chỉ đạo của mình. Có lẽ chúng ta cũng thế thôi ! Chúng ta khó chấp nhận người khác khi họ không theo cung cách phục vụ của chúng ta. Đây quả là một cám dỗ lớn cho những người muốn phục vụ Thiên Chúa và anh chị em mình.

Như thế, nhận ra sự hiện diện của Đức Giêsu, lắng nghe lời Người, đón tiếp và phục vụ Người là điều người môn đệ đích thực phải làm.

Lạy Chúa,

Lúc nào Chúa cũng hiện diện ở đó, trong cuộc sống con.
Nhưng tiếng ồn ào của những đam mê
khiến con không còn nhận ra lời mời gọi của Chúa.
Xin tha thứ cho con, và xin ban cho con
có đôi tai luôn biết mở rộng
để nghe được tiếng Chúa đang mời gọi.
Xin ban cho con có đôi mắt luôn trong sáng
để nhận ra sự hiện diện của Chúa
trong từng phút giây của cuộc sống. Amen.

 
Như Hạ op

Mầu Nhiệm Phong Phú
Lc 10:38-42     

Ðau khổ là một thực tại đụng tới tất cả mọi người trên trái đất.  Ðau khổ có nghĩa gì không ?  Ðau khổ nằm ngay trong thân phận con người.  Chính vì thế, Ðức Gieesu mới có thể chia sẻ sâu xa với mọi người khi bước lên thập giá.

PHƯƠNG TIỆN CỨU ÐỘ

Có bao giờ đau khổ biến thành niềm vui ?  Vậy mà thánh Phaolô dám nói : "Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em." (Cl 1:24)  Không phải đau khổ nào cũng đem lại niềm vui.  Hầu hết thiên hạ tìm cách tránh né đau khổ.  Một khi đã thấy được mục đích, đau khổ trở thành phương tiện cần thiết.  Vì phục vụ Ðức Kitô mà đau khổ, người môn đệ cảm thấy vô cùng hạnh phúc.  Không phải đau khổ nào cũng có một chiều kích và mức độ như nhau.  Chỉ có người đã từng nằm gai nếm mật như thánh Phaolô mới có thể thốt lên : "Gian nan thử thách Ðức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội thánh." (Cl 1:24) 

Không phải chỉ những đau khổ lớn lao mới có thể đem lại lợi ích đó.  Những đau khổ hằng ngày do công cuộc phục vụ trong gia đình cũng gây những đau khổ và phiền toái không kém.  Chính Mátta đã thốt lên nỗi khổ ấy với Ðức Giêsu : "Thưa Thày, em con để mình con phục vụ, mà Thày không để ý tới sao ?  Xin Thày bảo nó giúp con một tay!" (Lc 10:40)  Lời than thở chứng tỏ cô không có cái nhìn cao sâu như Phaolô.  Nếu được trực tiếp phục vụ Chúa như cô, chắc chắn Phaolô đã không bao giờ cảm thấy phiền lòng như vậy.  Không biết Phaolô đã chìm sâu vào Lời Chúa tới mức nào mới có thể "rao giảng mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa." (Cl 1:26)  Hạnh phúc đó  chính Maria đã trải qua.  Cô đã chìm sâu vào thinh lặng khi "ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy.  Maria đã chọn phần tốt nhất." (Lc 10:39.42)  Vì đó chính là nguồn phát sinh mọi niềm hi vọng và vinh quang (x. Cl 1:27) 

Chính vì hiểu sâu xa lời Chúa nói về Maria hôm nay, Phaolô rất sung sướng xông pha khắp nơi rao giảng Lời Chúa và mầu nhiệm vô cùng phong phú là chính Ðức Kitô.  Nơi Phaolô không còn phân biệt giữa việc chiêm niệm và hoạt động.  Cả hai hình ảnh Maria và Mátta đều tìm thấy nơi Phaolô.  Thật là một hòa điệu tuyệt vời !  Ðể đạt tới hòa điệu đó, Phaolô đã phải trả một giá rất đắt.  Giá đó chính là mạng sống ông đã hi sinh để "phục vụ Hội Thánh." (Cl 1:25)  Sinh thời, ông đã bỏ hết thời giờ để "khuyên bảo mỗi người và dạy dỗ mỗi người với tất cả sự khôn ngoan, để giúp  mỗi người nên hoàn thiện trong Ðức Kitô." (Cl 1:28)  Ông đã giúp mọi người "chọn phần tốt nhất" (Lc 10:42) là lắng nghe lời Chúa.

Tại sao lắng nghe Lời Chúa lại là phần tốt nhất ?  Không lắng nghe, làm sao biết được ý Chúa ?  Ý Chúa là lương thực nuôi sống Ðức Giêsu.  Lời Chúa làm cho ý Chúa hoạt động và thể hiện các mục đích của Thiên Chúa trong trần gian.  Lời Chúa làm cho Chúa hoàn thành những gì Thiên Chúa muốn trong hoàn cảnh đặc biệt.  Tất cả lịch sử Dân Chúa chỉ là đường biểu diễn Lời Chúa ngang qua các thời đại.

Không có Lời Chúa, không thể biết về Thiên Chúa, vũ trụ và con người (2 Sm 7:28; Tv 119:43).  Lời Chúa rất đáng tin cậy, vì tự bản chất Lời Chúa tốt lành và ngay thẳng (Gs 21:45; 23:14-15; 1 V 8:56; Tv 33:4; Is 39:8).  Lời Chúa lột tả hoàn toàn ý Chúa.  Tất cả đều nhằm cứu độ cộng đồng nhân loại.  Thực vậy, ngoài việc đem lại ánh sáng và sự hiểu biết (Tv 119:130), Lời Chúa còn đem lại sự sống cho con người (Ðnl 8:3; 30:11-20; 32:46-47; Tv 119:25, 50, 116, 154)  Nhờ Lời Chúa, dân Chúa được phấn khởi và bảo đảm vì Lời Chúa cho thấy Thiên Chúa muốn cứu độ chứ không hủy diệt nhân loại.  Bởi vậy, nếu sống theo Lời Chúa, con người sẽ tràn đầy niềm vui (Tv 119:161-162; Is 66:2, 5). 

TỰ DO NỘI TÂM 

Lời Chúa sẽ làm vơi nhẹ khổ đau, vì Lời Chúa là "Thần khí và là sự sống."  Lời Chúa sẽ mạc khải cho các tín hữu biết rằng đau khổ là con đường dẫn tới "tự do nội tâm." (Gioan Phaolô II: Zenit 02/06/2004)  Thực vậy, "đau khổ có thể tiềm ẩn một giá trị bí mật và trở thành một con đường thanh luyện, dẫn đến tự do nội tâm, làm phong phú tâm hồn.  Ðau khổ mời gọi con người vượt qua cái nhìn thiển cận, phù phiếm, ích kỷ, tội lỗi và phó thác mãnh liệt vào Thiên Chúa và ý định cứu độ của Người." (Gioan Phaolô II: Zenit 02/06/2004)  Trong chương trình Thiên Chúa quan phòng đầy ắp tình thương, đau khổ giúp ta học biết thánh chỉ Người để sống khiêm cung và lệ thuộc vào Thiên Chúa hơn.  Ðau khổ tạo cơ hội cho con người tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa.

Trên đời không ai giúp chúng ta rút bài học hữu ích từ đau khổ bằng Ðức Kitô. "Bởi vậy, hãy cố gắng thấu hiểu  ý nghĩa sự nghèo khổ của Ðức Kitô, nếu bạn muốn giàu có !  Hãy cố gắng thấu hiểu  ý nghĩa sự yếu đuối của Người, nếu bạn muốn được cứu độ !  Hãy thấu hiểu  ý nghĩa cây khổ giá của Người, nếu bạn không muốn xấu hổ vì khổ giá !  Hãy thấu hiểu  ý nghĩa vết thương Người, nếu bạn muốn chữa lành vết thương bạn !  Hãy thấu hiểu  ý nghĩa cái chết của Người, nếu bạn muốn sống đời đời !  Hãy thấu hiểu  ý nghĩa cuộc mai táng Người, nếu bạn muốn thấy ngày phục sinh." (Gioan Phaolô II: Zenit 02/06/2004)  Ðó là những chiều kích đau khổ trong thân phận con người.  Trong thế giới này, không có sinh vật nào đau khổ bằng con người.  Nhưng cũng không có sinh vật nào hạnh phúc và cao cả bằng con người.  Tất cả đều tùy thuộc niềm tin hôm nay vào mầu nhiệm đau khổ nơi Ðức Kitô.  Không tin, đau khổ trở thành điều tồi tệ nhất.  Với niềm tin, đau khổ trở thành con đường cần thiết giúp con người đạt tới đỉnh cao tuyệt đối của kiếp người.  Ðau khổ trở thành con đường mạc khải tình yêu và dẫn tới vinh quang Thiên Chúa cho những ai tin tưởng.


G. Nguyễn Cao Luật, O.P.

Chỉ Có Một Điều Cần
Lc 10:38-42     

Đón tiếp

Trên đường đi Giê-ru-sa-lem, Đức Giêsu ghé vào nhà một người quen. Hai chị em Mácta và Maria đón tiếp Đức Giêsu, nhưng mỗi người một cách. Thái độ của Maria đúng là thái độ của các môn đệ trước Thầy mình (Lc 8,35 ; Cv 22,3 ; Lc 7,38 ; 8,41 ; 17,16). Đó cũng là bổn phận đầu tiên của người môn đệ đích thực (Lc 6,47 ; 8,43 ; 15,21). Trong khi đó, Mácta lăng xăng lo tiếp đón : là chủ nhà, cô muốn tiếp đón Đức Giêsu cách chu đáo, để bày tỏ lòng kính trọng. Cô đã lấy phương tiện làm mục đích : chú ý nhiều đến việc tiếp đón hơn là thái độ tiếp đón. Người khách đến nhà chỉ là cái cớ để cô tỏ hiện, làm nổi lên cách sắp xếp công việc của mình. Ở đây, có thể nói thêm rằng đó chính là cách thế duy nhất mà xã hội nhường cho người phụ nữ để họ tự khẳng định chính mình.

Chính vì ý nghĩ ấy, cô không thể hiểu được thái độ vô vi của cô em, vì cô này không chịu tham gia vào công việc người chị đang quan tâm. Đàng sau phản ứng này, người ta có thể nhìn thấy một thái độ nhằm lôi kéo sự chú ý của người khác. Mácta lên tiếng nhằm hướng sự chú ý của Đức Giêsu vào vũ trụ của mình, vào thế giới đóng kín của mình mà dường như Đức Giêsu không quan tâm. Đức Giêsu đang ở trong nhà của cô, nhưng lại không nói điều gì với cô. Do đó, không hẳn cô chỉ mong muốn cô em đứng dậy, không ngồi bên cạnh Đức Giêsu nữa, mà đứng dậy, lo dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị bữa ăn. Cô quá chắc chắn về phán đoán của mình, đến nỗi đã nói với giọng điệu trách móc, và cô nghĩ rằng Đức Giêsu sẽ ủng hộ ý kiến của mình. Cô đòi một thứ quân bình : cô đang cô độc, và cô mong muốn cô em phải chia sẻ tình trạng ấy của mình.

Đúng ra là được tiếp đón

Nhưng Mácta đã lầm. Đức Giêsu đã không bảo Maria đi giúp Mácta, mà lại còn cho thấy việc làmcủa Maria là đúng : "Mácta, Mácta ơi ! Chị lo lắng và lăng xăng nhiều chuyện quá ! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị lấy đi." Thế đấy, cái vất vả lăng xăng của Mácta từ nãy đến giờ, tưởng rằng có giá trị thì lại thua kém thái độ yên lặng của Maria. Lời nói nhẹ nhàng nhưng đầy trách móc của Đức Giêsu có thể làm Mácta hờn dỗi, buồn phiền. Thật ra, những lời này chỉ có thể hiểu được khi đặt vào trong tương quan mật thiết với chủ đề Tin Mừng Lên Đường - Lên đường đi Giê-ru-sa-lem, lên đường tìm Nước Thiên Chúa, lên đường hướng về Nước Trời.

Khi quở trách Mácta lo lắng xôn xao nhiều chuyện, Đức Giêsu lấy lại đề tài đã được trình bày nhiều lần trong các bài giảng dạy của Người về sự lo lắng : lo lắng bênh vực khi bị bắt (Lc 12,11 ; Mt 10,19), lo lắng về của ăn áo mặc (Lc 12,22-26 ; Mt 6,25-34), lo âu làm chết ngạt hạt giống Lời Chúa (Lc 8,14 ; Mt 13,22 ; Mc 4,19) và lòng trí nặng nề (Lc 21,34). Sự lo lắng ấy bị lên án vì làm tín hữu quên mất điều chính yếu : tuyên xưng đức tin vào Con Người (Lc 12,7-9), tìm kiếm Nước Thiên Chúa (Lc 12,31), đón nhận Lời (Lc 8,11-15), trông đợi ngày của Con Người (Lc 21,34-36).

Tuy thế, điều quan trọng không phải là việc Đức Giêsu quở trách thái độ ghen tị của Mácta, hay kiểu tiếp khách không lịch sự của cô. Không phải vấn đề lịch sự (cách thức), và còn hơn cả sự ân cần (tấm lòng), mà chính là một tương quan cứu độ. Không phải là vấn đề có phục vụ Chúa hết mình không, nhưng là có để cho Chúa phục vụ mình không, có lắng nghe được tiếng Chúa mời mọc, có được đón nhận trong tình yêu thương của Người không. Trong việc tiếp đón này, có một sự trao đổi ý nghĩa, người tiếp đón trở nên được tiếp đón, người phục vụ trở nên được phục vụ, bởi vì "Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và đổ máu ra làm giá cứu chuộc cho muôn người."

Trong việc tiếp đón này, không được tự hào vì mình đã cho điều gì quý giá, nhưng là cảm ơn vì điều mình đã nhận còn quý giá hơn nhiều. Đó có thể là mối liên hệ ngọt ngào giữa con người với nhau, đó có thể là tình yêu bắt đầu từ đôi mắt, đó có thể là ... nhưng nói chung, đó chính là ân sủng tình yêu và cứu độ của Thiên Chúa.

Nói thế, không có nghĩa là Đức Giêsu coi thường việc tiếp đón có tính cách vật chất, nhưng nồng hậu của Mácta, nhưng Người muốn xếp lại giá trị, mà quan trọng nhất là lắng nghe Lời Chúa như Maria đã làm.

Phần tốt nhất

"Maria đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị lấy đi." Phải chăng Đức Giêsu muốn đề cao đời sống chiêm niệm hơn là đời sống hoạt động ? Có người muốn giải thích câu Tin Mừng này theo nghĩa này. Tác giả Tin Mừng không có ý đó, và người đọc cũng không nên phân biệt như thế.

Thánh Tê-rê-xa Hài Đồng giải thích cách đơn giản : "Tôi biết rằng nếu những bông hoa nhỏ muốn trở thành những bông hồng, thì thiên nhiên sẽ chẳng còn vẻ huy hoàng ... Tôi hiểu rằng Thiên Chúa bày tỏ cho người đơn sơ cũng như cho những tâm hồn cao cả."

Trong một thế giới mà đời sống được đồng hóa với sự hiệu năng, làm được coi như vượt lên trên hiện diện. Người ta xét đoán nhau dựa trên việc làm hơn là sự có mặt. Người ta không thể hiểu nổi tại sao có nhiều bạn trẻ ở bên nhau, nói với nhau, lắng nghe nhau. Chuyện gì mà nhiều vậy ?

Như vậy, phần tốt nhất, đích thực nhất là để cho Thiên Chúa đón tiếp, để cho người khác bày tỏ mình. Không hẳn chỉ là làm việc, nhưng còn là đón nhận, là sống với người khác.

Đàng khác, cũng có thể áp dụng bài Tin Mừng vào trong đời sống đạo của chúng ta. Phản ứng tự nhiên của Mácta thường cũng là phản ứng của chúng ta. Chúng ta tìm cách làm tăng giá trị của mình trước mặt người khác bằng cách phô bày những hành động của mình. Một lần nào đó, chúng ta cố gắng làm cho mình nổi bật bằng việc phục vụ Chúa để rồi nghĩ rằng mình hơn người khác và người khác phải noi gương ghen tương trong thái độ cư xử : chúng ta sợ Chúa để ý đến người khác mà quên để ý đến chúng ta: chúng ta muốn kéo Chúa về phía mình. Chúa đâu tầm thường vậy, Người thấy hết và hiểu hết, đồng thời Người yêu thương tất cả mọi người.

Dầu sao, bài Tin Mừng này vẫn muốn cho ta hiểu rằng :chỉ có một điều cần, một điều cấp thiết là : lắng nghe Lời Chúa. Lắng nghe Chúa và để Chúa tiếp đón; đó là phần tuyệt hảo, không có gì sánh bằng.

Lạy Chúa, Chúa yêu thương chúng con

trước khi chúng con yêu mến Chúa.

Buổi sáng, ngay khi thức dậy,

con hướng tâm hồn lên cùng Chúa

và cầu nguyện,

thì Chúa đã có đó

và đã yêu thương con.

Khi con bỏ cuộc vui chơi giải trí

và lắng tâm hồn lại,

để nghĩ đến Chúa,

thì Chúa đã yêu thương con rồi.

Theo S. Kierkegaard.

 
Fr. Jude Siciliano, OP.

Hai Mặt Của Mỗi Cuộc Đời
Lc 10:38-42     

Thưa qúi vị ,

Mặc dầu theo truyền thống thì chúng ta ủng hộ Cô Maria trong câu chuyện tin mừng hôm nay. Cô đã tỏ ra xứng đáng là một môn đồ tốt của Chúa Giêsu. Nhưng điều tôi muốn nói là :?Cám ơn Chúa vì Cô Martha !". Cô Maria ngồi bên chân Chúa Giêsu chăm chú nghe  Ngài giảng dậy. Thánh sử Luca vẽ một quang cảnh thật đẹp ở đây . Cảnh trí  quá ư yên tĩnh và yêu kiều đến nỗi nhiều nghệ sĩ đã lấy nó như nguồn cảm hứng. Một nữ môn đệ lắng nghe Chúa dậy bảo. Còn chi thích hợp hơn cho một đề tài tôn giáo ! Và bạn sẽ vẽ cảnh trí này ra sao ? hay dựng nó thế nào  cho một kiểu  chụp ảnh ? Cô Maria hơi nghiêng đầu về phía trước, toàn tâm toàn trí lắng nghe lời Ngài, lo lắng kẻo bỏ sót một lời nào. Còn Chúa  Giêsu, thoải mái nhưng nghiêm nghị. Ngài ngồi cũng hơi nghiêng về phía Maria, quần áo tươm tất không vết nhăn, tay Ngài chỉ lên trời ở những điểm quan trọng, Ngài cố gắng nói rõ ràng chậm rãi, tiếng Ngài bình tĩnh, trong, vang và vững chải. Ngài không để một điều chi mù mờ khó hiểu.  Ngài thường nhắc đi nhắc lại những ý chính . Maria hớn hở vì được nghe giáo lý tuyệt vời  của Ngài. Xong bức tranh bạn treo lên tường ngắm nghía, mọi sự đều toàn hảo , gọn gàng, không một nét vụng về, lạc lõng. Ánh sáng trong lành từ của sổ chiếu vào, làm cho bức tranh thêm rực rỡ. Ngoài kia bầu trời trong xanh, không một gợn mây !

Phải chăng đó là câu chuyện tin mừng hôm nay ? Tất cả đều hòa hợp toàn hảo, tất cả đều là ánh sáng ? Tất cả đều rõ ràng cho các môn đệ đang lắng nghe lời Chúa và đó cũng là đời bạn, đời tôi ? Không đâu ! Tôi không nghĩ  như vậy ! ít là cuộc đời của tôi. Tôi đã từng phải vật lộn để được chút tâm trí mà lắng nghe lời Chúa. Bức tranh đẹp qúa và xem ra là ở một nơi xa vời nào đó, trên một ngọn đồi, trong một tu viện yên tĩnh nghiêm trang. Có thể là một thầy khổ tu hay một chị đan sĩ có điều kiện hòa điệu hoàn toàn đời mình với lời Chúa và lắng nghe lời Ngài trên ngọn đồi tu viện thơ mộng xa vắng trong một ngày quang đãng không mây ! Còn thì chẳng mấy người có được những cơ hội tốt như vậy. Thực tế tôi đã cất công đi phỏng vấn nhiều tu sĩ nam nữ trên đất nước này và họ đều trả lời : chẳng được . Thì ra không ai trong chúng ta có hạnh phúc nghe lời Chúa ở một vị trí lý tưởng: không ai quấy rầy, hoàn toàn học được những điều cần thiết để đưa ra chính xác những quyết định cho đời mình !Chúng ta bất hạnh hơn Maria chăng ? Thưa không ! Th.Luca chẳng có ý viết tin mừng cho một số ít chọn sống đời chiêm niệm. Ngài viết cho đại đa số dân Chúa bận rộn. Cảnh trí của Maria chỉ có vài dòng, tiếp ngay sau là lời phàn nàn của Martha ! Vì vậy tôi nói ở trên:"Tạ ơn  Chúa vì Cô Martha !" và tôi nghĩ anh chị em trong nhà thờ này cũng đồng tình với tôi khi nghe Martha cất tiếng ! Thực sự thì anh chị em đã đựoc biết trước mọi chi tiết  củ? câu chuyện và anh chị em đã dự đoán sự nhập cuộc của cô ta. Có một lần khi diễn giải  đọan tin mừng này, tôi nói:"Nếu như  mẹ tôi được phép xé rách một câu chuyện nào trong tin mừng và vứt bỏ đi, thì đây là câu chuyện bà làm trước nhất. Cả nhà thờ bật cười tán thưởng. Thành ra họ cũng  chẳng có được hoàn cảnh lý tưởng như cô !

"Lạy Chúa , Ngài không nghĩ đến sao.? Martha cất tiếng phản kháng khi cô nêu ra những khó khăn, nhọc mệt của mình. Chính cô Martha đã đón tiếp Chúa Giêsu vào nhà mình và chính chúng ta cũng tiếp rước Chúa Giêsu vào cuộc đời chúng ta ! Nhưng mà sau cuộc đón tiếp là những hệ  quả lao nhọc liền theo ! Hằng trăm thứ việc phải làm, toàn là công việc nặng nhọc và chúng ta cảm thấy như phải làm một mình ! Chúng ta ở đây không chỉ là cá nhân mà có khi là cả một cộng đoàn giáo xứ. "Lạy Chúa, Ngài không nghĩ đến sao ""? Giáo xứ chúng con phải vật lộn với trăm công nghìn việc để giữ cho giáo xứ đoàn kết an vui ! Bầu khí trong giáo xứ thảnh thơi êm ả . Thánh Luca mô tả cộng việc của Martha là "diakonia"(tiếng Anh là Deacon, và tiếng Việt la phó tế). Ðây là chìa khóa để chúng ta hiểu ý nghĩa của bài tin mùng hôm nay. Martha đang làm cộng việc phục vụ Chúa Giêsu. Vậy thì Maria và Martha là hai mặt của cùng một thực tế, phục vụ Chúa Giêsu, làm môn đệ Ngài. Hai người đàn bà này không phải là hai lực lượng  kình chống nhau, mà là hai chị em, cùng đón tiếp Chúa Giêsu, cùng phục vụ Ngài, mặc dầu Martha không được đánh gía cao ! Nhưng không vì thế mà của cô kém phần quan trọng. Làm môn đệ Chúa Giêsu không có ý nghĩa là chỉ lắng nghe lời Ngài, hoàn toàn thụ động như cô Maria, mà còn là thực hành lời Chúa.

Có học gỉả lưu ý rằng các tông đồ phái nam luôn luôn được mô tả như những người đối thoại với Chúa Giêsu. Vậy thì hai mẫu người đàn bà  môn đệ của Chúa Giêsu, chưa người nào là đầy đủ, họ cần bổ túc cho nhau, và chúng ta tất cả có thể học hỏi ở họ về mặt này hay mặt khác.

Bài tin mừng hôm nay tiếp liền sau bài tin mừng tuần trước về người Samaritanô nhân hậu, như vậy Th.Luca gợi ý rằng những môn đệ ngồi bên chân Chúa Giêsu, lắng nghe lời Ngài thì phải nhận ra lòng thương xót của Chúa trong câu chuyện dụ ngôn, nếu chúng ta không lắng nghe thì làm sao chúng ta có thể trở nên môn đệ đích thực của Ngài ? Chúng ta sẽ ra đi nghĩ rằng mình là môn đệ Chúa, rồi phạm đủ mọi thứ sai lầm như hai thầy tư tế  và lêvi kia. Nghe lời Chúa và phục vụ Hội Thánh cả hai đều cần thiết. Chúng ta cần cả hai trong cuộc sống nếu như muốn làm môn đệ trung thành của Ngài. Các nhà sư Phật giáo cũng có những suy nghĩ giống như vậy. Họ nói:"Sau những giây phút tịnh thiền, là đến các đĩa món ăn". Ngay cả đến những tu viện chiêm niện nghiêm ngặt nhất thì cũng  phải mưu sinh trồng tỉa, lau chùi sàn nhà, nấu ăn, giặt dũ v.v.những công việc thường nhật để có thể nuôi sống lẫn nhau và giúp đỡ những ai đến gõ cổng tu viện. Thực ra, khẩu hiệu của các vị tu sĩ chiêm niệm là :"Cầu nguyện và lao động" (Ora et labora).

Khi chấp nhận môn đệ tốt của Chúa Giêsu phải gồm cả hai mặt lắng nghe và thực hành lời Chúa, tôi chẳng thể tránh một điều gai góc là làm thế nào tôi có thể nuôi dưỡng được vị trí chiêm niệm trong cuộc đời tôi. Nó luôn bị những náo động thế gian đe dọa, lấn át, bổn phận hằng ngày, tiếp khách, soạn bài giảng, nghề nghiệp, con cái, bạn bè, thỏa mãn nhu cầu cuộc sống, ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí. Nếu như Maria và Martha là hai mặt của cuộc đời tôi, thì chính khía cạnh Maria cần phải được chăm sóc, lo lắng nhiều hơn .

Linh mục James Finley trong sách"trái tim chiêm niệm"(The Contemplative heart) đưa ra một giải pháp, đó là:"hãy học làm thức tỉnh tính thần linh của mặt đất dưới chân bạn." Nghe lạ lùng qúa, nhưng bí quyết thì rất đơn giản: hãy thánh hóa giây phút hiện tại mong manh của bạn. Chúng ta có tính hay quên, quên rằng vũ trụ này là do Chúa dựng nên, Ngài còn tiếp tục hiện diện đâu đây trên trái đất, trong vũ trụ, trong muôn loài. Chúng ta chẳng có thể nắm bắt được Ngài, nhưng Ngài vẫn luôn có mặt ở đó, Mỗi buổi sáng, bình minh đẹp lắm, chiếu tỏa muôn hồng nghìn  tía trên những ngọn đồi phía đông xa xa, chúng ta tưởng có Chúa ở đấy, nhưng khi leo lên đỉnh đồi chúng ta chẳng thấy Ngài đâu ! Bông hoa nở trên bờ dậu đàng kia đẹp qúa, long lanh sương mai, chúng ta tưởng có Chúa ở đó, nhưng khi cầm bông hoa trong tay, lại chẳng thấy Ngài đâu ! Nụ cười cô thôn nữ trước ngõ tươi quá, đẹp quá, dịu dàng quá, tưởng như một hạt ngọc làm ngây ngất tâm hồn, nhưng khi đi qua ngõ chỉ được một lời chào trong trẻo, chẳng thấy Chúa đâu.hay nói cách khác Chúa ở khắp mọi nơi, mọi tạo vật của Ngài. Nhưng Ngài không ở đấy để cho bạn nắm bắt được. Ngài vô hình kia mà ! tuy Ngài vẫn có mặt ở bên bạn ,

Lạy Chúa xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe trong khi tiếng của Martha, của thế giới thực tế chen vào nhắc nhở chúng ta về đủ mọi thứ công việc trên đời để phục vụ Chúa trong tha nhân và nuôi sống lấy mình, lấy gia đình mình. Hai mặt của một cuộc đời. Xin Chúa cho chúng ta luôn luôn biết chạy đến bàn tiệc thánh thể để được nuôi dưỡng trên con đường gập ghềnh tiến về Giêrusalem, xứng đáng là những người môn đệ trung thành của Chúa. Amen .


Giacôbê Phạm Văn Phượng op

Biết nghe
(Lc 10,38-42)

Mác-ta, Ma-ri-a và La-da-rô là ba chị em ở Bê-ta-ni-a, đây là một gia đình quen thuộc, thân tình, nghĩa thiết mà mỗi khi lên Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su thường ghé qua nghỉ ngơi như quán trọ. Rồi một hôm, như bài Tin Mừng kể lại, Chúa đến cùng với các môn đệ, cả hai chị em Mác-ta và Ma-ri-a đón tiếp Chúa, nhưng theo hai cách thức khác nhau : Mác-ta cho rằng phải lo tiếp đãi cho khách ăn uống đàng hoàng mới làm hài lòng khách, nhất là đối với Chúa Giê-su, là khách quý của gia đình. Có lẽ nhiều người chúng ta cũng nghĩ như thế. Còn Ma-ri-a thì lại nghĩ khác, cô có một cái nhìn sâu sắc hơn, cao hơn : lâu lâu Chúa mới đến thăm nhà một lần, chắc có nhiều điều muốn nói, và như Chúa đã từng nói : Ngài không đến để được phục vụ mà đến để rao giảng tin mừng nước trời, nên điều quan trọng là phải tiếp chuyện Chúa. Quả thực, Ma-ri-a đã đoán đúng ý Chúa và Chúa đã cho biết Chúa ưng cách tiếp đón của Ma-ri-a hơn : chỉ có một điều cần mà thôi, đó là lắng nghe lời Chúa.

Không phải cô Mác-ta không nghe lời Chúa, nhưng cô đã đặt lộn giá trị, cho việc nghe lời Chúa xuống hàng thứ hai sau việc nội trợ. Còn cô Ma-ri-a cũng không phải là không nghĩ tới chuyện ăn uống cho Chúa và các tông đồ lúc ấy, nhưng cô đã đặt đúng địa vị nghe lời Chúa là ưu tiên. Lời Chúa là lời hằng sống, là ánh sáng, là lời cứu rỗi, là sự sống, linh nghiệm sắc bén hơn gươm hai lưỡi, hơn cả các thực phẩm trần gian : “Người ta sống không chỉ bằng cơm bánh mà còn sống bởi lời Thiên Chúa”. Lời Chúa cao quý và giá trị như thế, nên Chúa bảo : Hãy lắng nghe lời Chúa. Đó cũng là lời Chúa nhắn nhủ chúng ta.

Biết lắng nghe, đó là một nghệ thuật khó hơn người ta tưởng, rất ít người biết lắng nghe thật sự, bởi vì người ta thích nói hơn là thích nghe. Đa số chúng ta đều mắc phải một lầm lẫn lớn là trong mọi việc giao thiệp, thảo luận với mọi người, chúng ta thích nói mà quên mất người đối thoại, chúng ta quên mất một điều là chúng ta có hai tai và một miệng, như vậy, đáng lẽ chúng ta phải nghe nhiều hơn nói. Nhưng sự thực thì phần đông chúng ta đều nói nhiều hơn nghe, nhất là chúng ta không biết nghe. Biết nghe là cả một nghệ thuật, vừa tế nhị vừa khó khăn, mà chỉ những người nào đã từng sống, từng kinh nghiệm mới thấu triệt được.

Ở nước Mỹ, trong nhiều tiểu bang, người ta mở phòng làm việc mệnh danh là “phòng nghe giùm tâm sự” với lời quảng cáo như sau : “Chúng tôi sẽ cung cấp cho thân chủ những người biết nghe chuyện, có khả năng lão luyện để nghe các bạn nói, lâu bao nhiêu tùy ý, mà không làm gián đoạn lời nói của các bạn, số tiền thù lao rất phải chăng”. Ở tiểu bang Phờ-lo-ri-đa, có một bà trở nên triệu phú với cái nghề nghe tâm sự của người khác, và bà tính tiền thù lao rất mắc, thế mà người ta vẫn đổ xô đến để giãi bày nỗi niềm với bà. Người ta nói rằng : ở các tòa soạn báo chí, người nhận được nhiều thư nhất của độc giả là người nghe tâm sự của độc giả, là những người phụ trách mục “gỡ rối tơ lòng” hoặc “tâm tình của bạn”.

Để chứng minh “biết nghe” là bí quyết quan trọng  đắc nhân tâm và thành công trên đường đời, sau đây là một trường hợp : Ông Al-len, người duy nhất đã liên tiếp làm cố vấn riêng cho hai vị tổng thống thuộc hai đảng đối lập ở Mỹ:  đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ. Ông Al-len không quen biết gì tổng thống Rô-sơ-veo, nhưng ông đã được tổng thống mời làm cố vấn riêng, không phải vì ông đã khoe tài, khoe khôn với tổng thống, nhưng chính vì ông đã biết nghe hơn là biết nói. Khi ông Tru-man, thuộc đảng Dân chủ, kế vị ông Rô-sơ-veo tại tòa bạch ốc, người ta tưởng ông Al-len sẽ phải về vườn, vì thường thường một vị tổng thống bao giờ cũng tìm người thân tín của mình, người “đồng chí” thuộc đảng mình làm cố vấn, chứ không bao giờ chọn một người đã từng làm cố vấn cho vị tổng thống thuộc đảng đối lập. Vậy mà sau 30 phút tiếp chuyện với ông Al-len, tổng thống Tru-man lại mời ông Al-len làm cố vấn. Một phóng viên đã hỏi ông Al-len tại sao tối nào tổng thống cũng mời ông tới bạch cung nói chuyện trong khi các ông tai to mặt lớn khác thì phải chầu chực mà vẫn không được tiếp ? Ông Al-len trả lời : “Tôi biết nghe”. Tóm lại, muốn thành công, muốn chiếm được cảm tình của người khác, chúng ta cần biết nghe hơn là biết nói.

Trong phạm vi siêu nhiên cũng vậy, nhiều khi chúng ta không nhận ra được sự hướng dẫn của Chúa, không nghe được tiếng nói của Chúa, chỉ vì chúng ta thiếu sự yên lặng lắng nghe cần thiết. Chúng ta khó mà nghĩ rằng Thiên Chúa nói với chúng ta, thế mà Ngài vẫn không ngừng nói với chúng ta đấy. Thế thì tại sao chúng ta lại không nghe ra tiếng của Ngài ? Chỉ vì chúng ta không ở trong tư thế sẵn sàng lắng nghe. Nếu cái máy của chúng ta không mở, làm gì chúng ta nghe được chút nhạc nào trong phòng, nhưng căn phòng của chúng ta vẫn đang đầy ắp nhạc, chỉ cần mở máy ra là thu được ngay. Chúng ta phải thu lấy tiếng nói của Chúa, Ngài đang ngỏ lời với chúng ta qua Kinh Thánh và qua cuộc sống. Nhưng để nghe được tiếng Ngài giữa những âm thanh ồn ào đang làm rối tiếng Ngài nói, chúng ta phải lắng nghe theo một làn sóng thuộc về riêng Ngài. Làn sóng ấy Ngài sẽ chỉ cho ai biết xin Ngài và biết lắng nghe Ngài trong sự lặng lẽ âm thầm.

Nói rõ hơn, cuộc sống có quá nhiều bận rộn và ồn ào khiến chúng ta không nghe được tiếng nói và không nhận ra được sự hiện diện của Chúa. Có những ồn ào của những bận tâm thái quá cho danh vọng, cho tiền của, cho tương lai; có những ồn ào của tham lam giành giựt, không đếm xỉa đến người khác; có những ồn ào của sôi sục thù hận. Tuy nhiên, dù hằng ngày phải vật lộn với cuộc sống, chạy lo cơm áo, vất vả với đủ thứ công việc; dù hằng ngày luôn phải sống trong bồn chồn lo lắng và giữa muôn vàn tiếng động, chúng ta vẫn phải cố dành ra ít phút thinh lặng cho riêng mình. Bởi vì có thinh lặng chúng ta mới nghe được tiếng thì thầm mời gọi của Chúa, có thinh lặng chúng ta mới nghe được lời an ủi, đỡ nâng của Ngài, có thinh lặng chúng ta mới nghe được tiếng dội của lương tâm kêu gọi, nhắc nhở, thôi thúc sống có ý nghĩa hơn và sống đúng tính cách một người tín hữu của Chúa hơn.


Giuse Trần Ngọc Thiện
op

Maria Đã Chọn Phần Tốt Nhất
Lc 10,28-42

 LỜI DẪN

Kính thưa cộng đoàn, Cuộc sống chúng ta có rất nhiều chọn lựa. Bởi thời gian chỉ có hạn, nên mỗi người thích tranh thủ thời gian để làm việc, để kiếm tiền, để vui chơi giải trí… Có khi nào chúng ta dành chọn lựa cho việc ưu tiên sống kết hiệp mật thiết với Chúa và siêng năng lắng nghe Lời Ngài, như hình ảnh của Maria ngồi dưới chân Chúa Giêsu trong đoạn Tin Mừng hôm nay ?

Khi đứng trước những khó khăn, chia lìa, thất bại, chúng ta thường tìm đến Chúa để Ngài bênh đỡ, ủi an. Nhưng khi không được như ý, chúng ta dễ chán nản, thất vọng và mất niềm tin. Thế nhưng, chính lúc ấy Thiên Chúa lại yêu thương và ở gần chúng ta nhất.

Trong giờ Chầu Thánh Thể này, chúng ta cùng hướng lên Chúa Giê-su Thánh Thể, xin Ngài cho chúng ta luôn biết đặt niềm tin vào sức mạnh của Thánh Thể Ngài. Xin Chúa ban cho ta biết dành thời gian ưu tiên cho việc gặp gỡ và lắng nghe Lời Ngài hầu để chúng ta có đủ sức mạnh đương đầu với những khó khăn hiện tại của cuộc sống.

SUY NIỆM

Quyền tự do chọn lựa vốn là đặc ân Thiên Chúa ban cho mỗi người. Giữa những điều tốt lành, ai cũng muốn chọn cho mình phần tốt nhất. Mátta và Maria đã chọn cho mình hai cách tiếp đón Thầy Giêsu cách khác nhau. Một người thì lo bận rộn, lăng xăng việc bếp núc để tiếp đãi bữa ăn cho Thầy, còn người kia thì ngồi sát bên Thầy mà nghe Người giảng dạy. Hai cử chỉ khác nhau nhưng cùng một tâm tình. Nhưng Maria đã thắng thế vì chị đã chọn phần làm đẹp lòng Chúa Giêsu hơn cả, bởi người thì muốn nói và người kia lại muốn nghe.

“Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy đi” (Lc 10,42). Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, thái độ tiếp đón của hai chị em Mátta và Maria diễn tả niềm vui của hai người bạn được gặp gỡ và tiếp đón Chúa. Cả hai đều tốt lành, ân cần và sốt sắng vì đó là cơ hội để họ đón tiếp Chúa và bày tỏ tấm lòng, một tấm lòng phục vụ rất chân thành, và một tấm lòng lắng nghe để đáp trả. Nhưng giữa hai thái độ tốt lành đó, Chúa muốn chúng con hãy chọn chính Chúa, hãy ở lại và lắng nghe Lời của Ngài.

Cuộc sống ngày hôm nay có biết bao chọn lựa. Chúng con thích chọn cho mình một lối sống năng động : thích làm việc, thích bận rộn. Đôi lúc chúng chiếm hết thời gian và ưu tiên của chúng con cho việc gặp gỡ Chúa mỗi ngày. Lạy Chúa, những việc ấy sẽ đem lại kết quả gì nếu chúng không là điều đẹp lòng Chúa, không được Chúa chúc lành ? Mỗi ngày chúng con lập ra nhiều kế hoạch, chúng con tính toán mình cần thời gian để mưu sinh, để làm việc, để giải trí… nhưng có khi nào chúng con dành thời gian để gặp gỡ, lắng nghe và sống Lời Ngài ? Giữa những chọn lựa ấy, Chúa muốn chúng con phải chọn lựa phần tốt nhất, nghĩa là phải hy sinh và từ bỏ thời gian cho những ưu tiên chọn lựa khác. Tuy nhiên, của cải vật chất, những đam mê, những thú vui trong công việc, trong giải trí đôi lúc lấn át cuộc sống chúng con. Chúng con cảm thấy mình không thể làm chủ với công việc, với thời gian. Chúng con bị giằng co giữa hai chọn lựa, có lúc cảm thấy mình yếu đuối, muốn buông xuôi vì quá mệt mỏi với cuộc sống hiện tại.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, giá phải trả cho phần tốt nhất là những hy sinh hằng ngày, những từ bỏ từng giây, những cố gắng từng phút… Chúng con không thể cùng lúc có hai chọn lựa ưu tiên cho Chúa và cho cuộc sống. Xin cho chúng con biết chọn phần tốt nhất là ưu tiên cho chính Chúa, biết dành thời giờ trong ngày sống để gặp gỡ, cầu nguyện để kín múc từ Thánh Thể Chúa nguồn tình yêu và nguồn trợ lực cho tâm hồn. Đó là phần thưởng đầu tiên Chúa dành cho chúng con và không ai có thể lấy mất được. Nơi Thánh Thể, mỗi ngày chúng con gặp Chúa, chúng con có thể khám phá ra Chúa là cuộc sống của chúng con. Cuộc đời chúng con có ý nghĩa gì khi không có Chúa đồng hành với chúng con ? Khi chúng con cảm thấy chán chường, cô đơn thất vọng; khi mấy chốc cuộc đời đổi trắng thay đen; khi chúng con không còn biết đặt điểm tựa cuộc đời vào đâu; lạy Chúa, những lúc ấy, ai có thể giúp chúng con ngoài Chúa !

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Giữa những lao đao bận rộn của cuộc sống, xin cho chúng con biết tìm nghỉ ngơi bên Chúa. Giữa những lúc chúng con mệt mỏi chán chường, xin cho chúng con biết tìm nguồn trợ lực nơi Chúa. Giữa những lúc quyết đoán chọn lựa quan trọng, xin cho chúng con biết đến bàn hỏi nơi Chúa. Một khi chúng con gặp Chúa, chúng con khám phá ra rằng chỉ có Chúa là niềm vui, là hạnh phúc cuộc đời chúng con. Phúc cho mỗi người chúng con luôn đặt cuộc đời mình trong sự tín thác vào Chúa. Nơi Ngài, sự chọn lựa cuộc sống chúng con mới thật sự tốt đẹp, vì ở đó luôn có thánh ý Ngài. Amen.


Fr. Jude Sicilianô, OP.

Chiêm Niệm Hay Hoạt Động
(Lc 10, 38-42)

Thưa quí vị,

Chúa Giêsu và các tông đồ tiếp tục đi lên Giêrusalem. Dọc đường, các ngài gặp nhiều nhóm người khác nhau: Đám đông dân chúng vì tò mò hoặc vì nhu cầu cấp thiết như khỏi bệnh, tìm kiếm sự sống đời đời… Nhóm Pharisêu, thượng tế, luật sĩ tranh luận về giáo lý rồi dần dần đối kháng, hận thù; nhóm phong cùi, hành khất; nhóm môn đệ theo Ngài nhưng bối rối về cuộc khổ nạn sắp tới. Chúa nhật tuần trước, chúng ta nghe kể chuyện thầy luật sĩ thắc mắc về thân cận của mình. Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn người Samaritanô nhân lành. Tuần này, hai chị em Mátta và Maria. Chủ ý của phụng vụ là nêu câu hỏi: Liệu ai là kẻ lắng nghe Lời Chúa để được cứu rỗi: Maria hay Mátta, Pharisêu hay các môn đệ? Còn chúng ta, thuộc về hạng người nào?

Truyện hai chị em Mátta và Maria chỉ có trong Phúc Am Luca. Vậy đây là đặc điểm của ông và người ta chờ đợi trong đó nội dung quan trọng hoặc hòan cảnh gương tốt, việc tốt để noi theo. Thí dụ, chúng ta được học về hai mẫu người: phục vụ và lắng nghe Lời Chúa Giêsu nói, nói cách khác, hành động và cầu nguyện. Tác giả Philip Toynbee đưa ra nhận xét: ngày nay trong thế giới Công giáo, cứ 100 cô Mátta mới có một cô Maria. Vậy, câu chuyện chị em Mátta và Maria phải chăng là một lời cảnh tỉnh? Nhất là những linh hồn ưa chăm chỉ việc xác, nhếch nhác việc hồn. Câu chuyện người Samaritanô nhân hậu tóm lược lý tưởng bác ái Kitô giáo. Câu chuyện hai chị em Mátta trình bày cách sống ấy, tức thân tình với Thiên Chúa trước khi với tha nhân. Cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa đến trước việc họat động bên ngòai. Thực tế các họat động bên ngòai đối với người môn đệ đích thực là hiệu quả của cuộc sống nội tâm. Làm ngược lại là mắc mưu ma quỉ, kẻ luôn chủ trương phân tán linh hồn bằng những họat động vô bổ, rỗng tuếch. Liệu Lời Chúa dạy hôm nay có đựơc chúng ta lắng nghe? Liệu lời cầu nguyện kiểu Maria có giúp đỡ chúng ta đừng tránh sang bên kia đường mà đi? Như vậy, câu chuyện người Samaritanô và câu chuyện hai chị em cô Mátta liên kết chặt chẽ với nhau trong giáo lý của Phúc Am. Chúng chỉ có một nội dung: “First things first” (điều quan trọng ưu tiên hơn cái không quan trọng).

Thật vui thích cho Chúa biết bao khi được Mátta phục vụ chu đáo! (trong Phúc Am Luca, Mátta chỉ xuất hiện lần duy nhất này). Nhưng Chúa Giêsu lại hài lòng hơn khi Maria chỉ ngồi dưới chân mà nghe Lời Ngài giảng. Phong tục thời ấy, ngồi dưới chân ai được coi là môn sinh của người đó. Như vậy chứng tỏ Maria coi Chúa là Thầy, là ngôn sứ rao giảng Lời Thiên Chúa. Ngược lại, Phúc Am mô tả Mátta: “tất bật lo việc phục vụ”. Cô tỏ ra mình là bà chủ, lăng xăng việc tiếp đón. Rõ ràng một bên là môn đệ, một bên là chủ nhân đối với vị khách quí và thân tình. Thái độ của Mátta “tất bật” cho người ta cảm nghĩ Chúa Giêsu đã tới gần thành thánh, cô lo nhiều chuyện quá nên cảm thấy mình bị bỏ rơi! Tác giả Timothy Johnson giải thích thái độ của hai chị em như sau: từ “tất bật” trong ngôn ngữ gốc có nghĩa là “bồn chồn”, tức vướng mắc vào cuộc sống thế tục quá đáng, náo động nếp sống phẳng lặng hàng ngày, cho nên Chúa Giêsu khuyên chỉ cần một điều mà thôi. Nhiều người giải nghĩa điều cần là đĩa thức ăn hoặc chút ít cũng được. Johnson lại cho điều cần là lòng hiếu khách: chú ý đến sự hiện diện của khách là quan trọng, các thứ khác tuỳ tùng. Nếu vậy thì lựa chọn của Maria là chính xác, còn Mátta thì trệch đường. Maria chú ý vào đấng tiên tri trong nhà mình, tức sự tiếp đãi khách tốt hơn cả. Ngoài ra, cô còn “lắng nghe” lời khách nói. Vị khách nói toàn Lời Thiên Chúa. Phải chăng đó là điều cần thiết?

Dầu thế nào đi nữa, chúng ta ngày nay cũng phải tự hỏi: “Tôi đã tiếp đãi Chúa Giêsu ra sao? Liệu tôi mở lòng ra để đón nhận Ngài hay lăng xăng nhiều chuyện khác?” Cuộc sống hàng ngày cho chúng ta nhiều cơ hội gặp “khách”, đủ mọi loại, đủ mọi thứ. Liệu chúng ta lắng nghe họ hay chỉ biết huyên thuyên sự “thông thái” của mình? Bịt tai trước ý kiến khác: “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”. Biết đâu vị khách đó lại từ thiên giới đem bình an và ơn cứu rỗi cho nhân loại! Biết đâu là bất cứ cá nhân nào mà sự hiện diện của họ phá tan những thành kiến, những sai lầm cố hữu của não trạng kiêu căng nơi chúng ta? Hàng ngàn, hàng vạn “khả năng” khác hữu ích cho cuộc sống tẻ nhạt này? Chẳng ai nói trước được? Cho nên thái độ kiêu căng là vô lý. Nhưng xưa nay chúng ta lại thường mắc phải.

Vậy, đúng đắn nhất là đức tin, kính trọng, cậy nhờ vào Thần khí của Chúa Giêsu cư ngụ trong mỗi linh hồn. Chú ý vào những điều chúng ta nghe được, xem thấy và suy tư về chúng. Giống như Maria ngồi dưới chân Chúa Giêsu, nghe Lời Người dạy bảo, bỏ dần độc tài, võ đoán, hoặc chỉ nghe tiếng nói quen thuộc của “phe ta”, cộng đoàn ta. Cái gì cũng hay nhất, đúng nhất. Nhiều khi trên thực tế, chỉ là lố bịch. Biết đâu những điều chúng ta nghe thấy, kinh nghiệm được lại là những kho báu cho cuộc sống riêng ta và cộng đoàn? Biết đâu mình đang tiếp rước, “chuyện trò” với một ngôn sứ Thiên Chúa gởi đến vì lợi ích chúng ta? Vậy trước khi bịt tai, đóng cửa, rút cầu thì hãy mở trái tim ra cho những mới lạ và thực hành lòng hiếu khách đối với tha nhân, người khác chính kiến với mình, với tu viện mình, với phe nhóm mình, và ngay cả tôn giáo mình. Lịch sử đã chứng minh, hàng ngàn hàng vạn lần người ta đã bỏ lỡ cơ hội tốt để canh tân, thăng tiến chỉ vì thái độ đóng cửa, rút cầu để rồi sau này, hối hận cũng vô ích.

Thiên Chúa kêu gọi chúng ta yêu mến và phục vụ Ngài, yêu mến và phục vụ tha nhân. Nhưng yêu mến phải là ưu tiên. Yêu mến Thiên Chúa và tha nhân được diễn tả cách cụ thể bằng lời cầu nguyện. Cầu nguyện là dâng hiến cho Ngài lòng hiếu thảo của mình. Chúa Giêsu dạy bảo chúng ta phải liên lỉ cầu nguyện, chứ không phải liên lỉ phục vụ. Chính vì thế mà Phúc Am mô tả Chúa Giêsu cầu nguyện cùng Cha Ngài không ngừng, ngay cả trong giờ tử nạn. Thánh Thomas tiến sĩ đã đặt đời sống chiêm niệm lên trên đời sống hoạt động (xc Summa Theologica 2a2ae 179). Chẳng lẽ, chân lý đó sai? Hay não trạng ngày nay không còn chấp nhận, cho là cổ hủ, chậm tiến?

Cuộc đời, nhất là của các tu sĩ, linh mục, không có tình yêu thì quả trống rỗng, thê lương buồn thảm, thậm chí tự sát. Nhưng tình yêu trước hết là thi hành kết hiệp với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện. Vì vậy, Chúa Giêsu tuyên bố: “Hỡi những ai khó nhọc và gánh vác nặng nề, hãy đến cùng Ta. Hãy mang lấy ách của Ta, vì Ta khiêm nhường và dịu dàng trong lòng, bởi vì ách của Ta thì êm ái, gánh của  Ta thì nhẹ nhàng”. Chẳng có ách nào, gánh nào lại nhẹ nhàng, êm ái, nếu không phải là ách của tình yêu. Cho nên, ý nghĩa của bài Phúc Am hôm nay thật sâu sắc và thấm thía: người ta phải yếu mến và phục vụ trong đường lối cân bằng. Đừng lấy cớ phục vụ để trốn tránh cầu nguyện, và cũng đừng vì cầu nguyện mà sao lãng phục vụ.

Bài đọc thứ hai, trích thư Côlôsê, chỉ rõ tính cân bằng ấy: “Thưa anh em, giờ đây, tôi vui mừng vì được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội thánh”. Những lời nói thật lạ lùng nếu chúng ta không nhìn theo hướng tình yêu mến Chúa Kitô. Đại ý, thánh nhân tuyên bố ngài phải kết hiệp với Đức Kitô trong đau khổ. Ngài mang lấy đau khổ của Chúa bằng những gian truân, khốn khó hiện tại. Vậy thì làm thế nào chúng ta kết hiệp với Chúa bằng nhung lụa, tiện nghi, vui chơi, ăn sung mặc sướng, nhà lầu xe hơi? Chẳng hoá ra xưa nay chúng ta chỉ là những tay lừa đảo? Rao giảng một đàng, ăn ở một nẻo, rồi đưa ra biện minh: Để phục vụ tốt hơn, hợp thời hơn. Đọc kỹ bài đọc hai, thánh Phaolô không hề nói như vậy: “Đó là tôi phải rao giảng Lời của Người cho trọn vẹn”. Tức rao giảng cả bằng đời sống khổ đau để bày tỏ mầu nhiệm Nước Trời cho thiên hạ. Thánh nhân nhắc nhớ các tín hữu rằng, chúng ta phải kinh nghiệm những khổ đau mà Đức Kitô đã phải chịu trước khi Ngài Phục sinh. Chúng ta nên chịu đựng hy sinh hãm mình vì lợi ích của Hội thánh, vì công cuộc truyền giáo, rao giảng Tin mừng cho dân ngoại. Thánh Phaolô viết rõ: “Vì lợi ích cho thân thể Người”. Tại sao vậy? Cũng thánh nhân trả lời: Ngõ hầu việc rao giảng Lời Chúa được trọn vẹn. Không chi rõ ràng hơn!

Như vậy, chúng ta tự nguyện hy sinh hãm mình, hoặc bất cứ đau khổ, bách hại cỡ nào, đều trở nên việc công bố Tin Mừng bằng đời sống. Do đó, thánh nhân cảm nghiệm vui mừng khi chịu đau đớn. Hơn nữa, thánh Phaolô còn thêm: “Rao giảng mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ”. Nhưng nay đang được tỏ bày qua đời sống của những con cái “thánh thiện” Giáo hội. Nghĩa là qua đời sống hy sinh, đau khổ, nhọc nhằn, khó khăn, vất vả, thiết thốn, các môn đệ mạc khải chính Chúa Kitô. Thánh Phaolô “vui mừng” trong gian nan vì ông thâm tín rằng mình đang phục vụ Đức Kitô trong thân thể Ngài là Hội thánh. Chúng ta cũng phải biết mình làm được như thánh nhân qua những khốn khó bản thân. Nếu không, chẳng có chi làm bằng chứng. Danh từ “impostor” (hàng nhái) ngày nay xuất hiện rất nhiều trong thương mại, chẳng lẽ không có trong các môn đệ rao giảng của Giáo hội? Đặt câu hỏi tức là trả lời rồi. Bởi lẽ, quyền lực ma quỉ vẫn còn đang đè nặng nhân loại, kể cả những linh hồn khao khát thánh thiện. Nếu không tỉnh thức, khắc bị lừa dối dễ dàng, với lý lẽ thật hợp pháp thí dụ: sức khoẻ tinh thần thể xác, truyền giáo hữu hiệu. Nhưng những môn đệ của Chúa Giêsu luôn có khí giới “ánh sáng” cầm sẵn trong tay, tức tinh thần tỉnh thức, ăn chay, cầu nguyện, thi hành bái ái của Đức Kitô. Vậy mà còn phải vất vả lắm mới đứng vững trong đường lối trung thành với ơn Chúa kêu gọi. Làm thế nào Triều đại Đức Kitô được công bố cho toàn thế giới? Chỉ có thể do các môn đệ được Thần khí của Ngài dẫn dắt, ban quyền năng và sự sống.

Bởi lẽ: “Lời Ngài là ngọn đèn soi cho con tiến bước, là ánh sáng dẫn đường con đi”. Chúng ta thường đọc đi đọc lại lời ấy, nhưng có lẽ không hiểu thấu ý nghĩa, vì không đem Lời Chúa ra thực hành. Chỉ khi nào thực hành, mới có thể nắm bắt được được ý nghĩa, vì lúc ấy Lời Chúa mới thấm nhập xương cốt. Giống như thời thánh Phaolô, làm tín hữu lúc này không phải dễ, nhất là trong hoàn cảnh đảo điên hiện nay, với bao nhiêu tiếng nói trái ngược nhau. Người này bảo thế này mới là tinh thần Đức Kitô, kẻ khác nói: không phải, thế kia mới chính xác Phúc Am. Nhưng môn đệ của Chúa chỉ có một tinh thần, một người hướng dẫn: “Anh em không biết rằng Đức Kitô chẳng phải chịu khổ hình như thế rồi mới được vinh hiển sao?” (Ga 16,26). Nguyện xin Thiên Chúa soi sáng chúng ta lượng định đúng đâu là công việc Mátta, đâu là công việc của Maria trong cuộc sống hàng ngày. Amen.


Đỗ Lực op

Ngàn Năm Một Thuở
(Lc 10:38-42)

Phụ nữ luôn là đề tài “ăn khách” khắp nơi. Từ ngoài đời đến trong đạo, không bao giờ vắng bóng phụ nữ. Văn học Việt nam có Thúy Kiều và Thúy Vân. Tương tự, Tin Mừng cũng trình bày Martha và Maria như hai mẫu điển hình cho những ai theo Chúa. Nhưng có lẽ hoàn cảnh đã khiến cho những phụ nữ đó khác nhau khá sâu xa.

Tương tự Thúy Kiều, Martha rất đảm đang và linh hoạt. Từa tựa Thúy Vân, Maria không hề lên tiếng và hầu như bất động. Mặc dù hai chị em rất thương yêu nhau, nhưng vẫn có những khác biệt. Những khác biệt đó nổi cộm lên trong tiếng kêu oan của Martha hôm nay. Chúa rất tài tình khi đứng ra bênh vực cho Maria, nhưng vẫn không làm phật lòng Martha

NỖI LÒNG BIẾT NGỎ CÙNG AI

Cơ hội bằng vàng đã đến với gia đình Bêtania. Cả hai chị em Martha và Maria đều yêu mến Chúa Giêsu. Cả hai đều tiếp đón Chúa Giêsu vào nhà. Cả hai đều phục vụ Chúa hết tình. Nhưng cả hai đều không hiểu nhau. Martha nghĩ lối phục vụ của Maria thấp kém hơn mình. Trong ý chí phục vụ, nàng không nhận ra mình đã không thực sự quan tâm tới vị thượng khách. Cái khó không phải là nhận ra điểm xung khắc giữa việc Martha tất bật phục vụ và việc Maria thảnh thơi lắng nghe Lời Chúa ! Bên ngoài có vẻ như đối kháng và không thể hòa giải. Nhưng thực ra đó là khả năng cho đi và đón nhận.

Theo thứ hạng ưu tiên, Martha thấy việc “ăn không ngồi rồi” của Maria quả thực là một bất công so với việc việc tất bật phục vụ Chúa của nàng. Khi cảm thấy áp lực bất công đã dâng lên tới cổ, Martha không thể chịu đựng nổi nữa. Nàng tranh đấu. Nàng muốn nhờ Chúa giải quyết vấn đề. Chắc chắn Chúa sẽ đứng về phe mình và làm cho Maria thấy rõ sự bất công đó. Nàng nghĩ thế và lên tiếng xin Chúa xử kiện (Lc 10:40).

Nhưng thực tế không xảy ra như Martha tưởng. Chúa đã đứng về phía Maria. Lý lẽ Chúa đưa ra sâu xa và vững chắc đến nỗi Martha chỉ còn biết im lặng tiếp tục công việc phục vụ. Martha đành để cho Maria ngồi yên. Có lẽ Martha thấm thía vì nhớ lại Lời Chúa : “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra." (Mt 4:4; Ðnl 8:3) Lời Chúa đem lại sự sống đời đời, nên phải cao trọng hơn bữa ăn chỉ cung cấp sự sống tạm thời. Maria đã thấy được tất cả giá trị cao cả đó. Cô dành trọn thời giờ cho Chúa. Cô say mê uống từng Lời Chúa.

Chúa Giêsu không trách Martha chỉ vì lo công việc bếp núc. Người chỉ đòi hỏi nàng phải biết sắp đặt lại thứ tự ưu tiên trong bậc thang giá trị. Việc phục vụ Chúa Kitô có thể chỉ làm mất thời giờ mà chẳng có chút gì hiến dâng cho Chúa. Ưu tiên số một phải là sống với Chúa, chứ không phải làm gì cho Chúa. Bởi thế, không những Maria không làm gì bất công, nhưng còn phải được xếp hạng ưu tiên nữa. Có lẽ Martha đã thấy rõ điều đó và vui vẻ tiếp tục phục vụ theo cung cách riêng của mình.

Chắc chắn Chúa Giêsu quả quyết Martha có lòng quảng đại khi đáp ứng nhu cầu ẩm thực của con người. Nàng đã thực hiện mối phúc lớn lao : “Cho thì có phúc hơn là nhận.” (Cv 20:35) Không phải vô tình thánh Luca đặt đoạn Tin Mừng hôm nay ngay sau dụ ngôn người Samari nhân hậu. Làm môn đệ Chúa Giêsu có nghĩa là quảng đại đáp ứng nhu cầu sinh sống căn bản nhất của những người cùng khổ. Ðó là điều chính Chúa Giêsu đã làm. Người Samari nhân hậu vẫn còn là một phần giáo lý cốt yếu.

Từ nhận xét về dụ ngôn người Samari nhân hậụ, đáng lý chúng ta phải ca ngợi Martha vì thực tế nàng đã phục vụ Chúa. Thực ra, hành động của nàng không được ca tụng cũng chẳng bị lên án. Nhưng nàng bị đặt trước thách đố phải lưu ý đến thứ hạng ưu tiên trong quan điểm của mình. Toàn thể Tin Mừng không chỉ giới hạn trong việc phục vụ tha nhân, bất kể việc đó quan trọng tới mức nào. Làm môn đệ Chúa Kitô trước hết và trên hết là gắn bó thân tình với Chúa Giêsu. Phải có thời gian lắng nghe “Lời” (c. 39 : số ít trong tiếng Hy lạp). Hiến dâng cho Chúa là “điều cần thiết duy nhất.” Mối tương quan này nằm trong việc phục vụ đầy yêu thương. Thế nhưng, nếu không đi đôi với cầu nguyện, việc quan tâm đến nhu cầu tha nhân không phải là tình yêu đích thực.

Ðó là lý do tại sao Chúa muốn Martha thấy được sự thật về em mình: “Maria đã chọn phần tốt nhất.” (Lc 10:42) Phần tốt nhất đó chính là sự hiện diện của Chúa Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể. Người là Con Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa. Thấy Người là thấy Chúa Cha (Ga 12:45; 14:9). Ðó là một hồng ân vĩ đại. Rõ ràng, nàng phải nhường bước cho em.

Thực ra, cả hai chị em đều hiếu khách. Mỗi người một cách. Nếu cả hai đều bận bịu cơm nước, lấy ai tiếp chuyện với Chúa ? Cả hai thái độ bổ túc cho nhau để tạo nên một toàn thể, một sự khôn ngoan thâu tóm trong vài chữ của thánh Bênêđictô : cầu nguyện và lao động. Từ bao đời, rõ ràng đời sống Kitô hữu thống nhất nhờ sự hiện hữu và hành động, lời nói và thực hành.

Trong Kinh thánh, các giới răn và mối phúc minh xác đời sống tín hữu xây dựng trên thái độ và sự lựa chọn hiện tại. Chúa Giêsu dạy ta phân biệt điều thiết yếu không phải là lăn xả vào hành động và tự mãn với những hoạt động đó. Ðó chỉ là thứ phục vụ chính mình. Hạnh phúc là phục vụ anh em và lắng nghe Lời Thiên Chúa. Không có đối kháng và mâu thuẫn.

GẶP GỠ ÐỨC KITÔ

Nếu Martha cứ lo phục vụ, có lẽ không bao giờ có vấn đề. Tại sao nàng phải nhìn sang Maria và nhờ Chúa hòa giải làm gì ? Chính mối bận tâm này đã làm cho nàng đứng ngồi không yên. Dù Chúa đem cả một nguồn hồng ân vô cùng lớn lao đến nhà Bêtania, nhưng tâm hồn nàng vẫn hoàn toàn trống rỗng. Dù rất gần Chúa, nàng vẫn không gặp được Chúa ngay trong công việc hàng ngày của mình. (1) Khi không gặp gỡ Chúa, dĩ nhiên vấn đề sẽ nổi cộm trong tương quan và sinh hoạt với tha nhân.

Khi nào mọi khát vọng lắng xuống, chúng ta mới có thể dành hết thời giờ và tâm trí tập trung vào Chúa đang hiện diện trong sâu thẳm của lòng mình. Lúc đó, chúng ta mới có thể lắng nghe và thấy tất cả chiều kích sâu thẳm nhất của Lời Chúa. Ðạt tới mức độ này, chúng ta mới thực sự trân quý tất cả giá trị lớn lao trong việc sống với Chúa. Không có sự sống đích thực này, tất cả đều là những quay cuồng và bận tâm phi lý và vô ích. Chỉ cần sự hiện diện đầy ắp tình thương và ân sủng của Chúa, chúng ta sẽ thấy tất cả sự thật giải thoát và cảnh trời mới đất mới.

Tìm thấy Chúa là tìm được sự bình an trong tâm hồn. Khi đã chiêm ngắm Chúa, Maria không còn biết đến gì xảy ra chung quanh nữa. Những bận bịu và tiếng động thường ngày không tác động đến tâm hồn nàng, vì Lời Hằng Sống đã chiếm trọn con người nàng rồi. Nàng dùng trực giác nhạy bén để thấu cảm sâu xa sự thật tuyệt vời về Thiên Chúa tình yêu. Bước vào thế giới Thiên Chúa, nàng quên hết những thực tại trần gian, kể cả tương quan gia đình. Ðó là lý do tại sao nàng trở thành khó hiểu đối với Martha. Thánh Nữ Têrêsa Avila giải thích : “Khi bất ngờ cảm thấy Thiên Chúa hiện diện, tôi có thể chắc chắn Người đang ngự trong tôi hay tôi hoàn toàn chìm ngập trong Người.” (2) Rõ ràng kinh nghiệm này đã minh họa lời Chúa khẳng định với Martha về điều cần thiết duy nhất. Ðiều cần thiết duy nhất đó là bản tính Thiên Chúa. Chính vì muốn chúng ta tham dự vào bản tính Thiên Chúa, Con Thiên Chúa đã mặc xác phàm trong lòng Trinh Nữ Maria để hiện diện giữa chúng ta. Người đã phải hy sinh trên Thánh giá và lưu lại trong Bí tích Thánh Thể để gặp gỡ chúng ta hằng ngày.

CƠ HỘI BẰNG VÀNG

Không một cuộc gặp gỡ đích thực nào với Chúa không đưa con người nhập cuộc với anh em. Qua gương Martha và Maria, Chúa Giêsu đòi chúng ta phải học cách sống với Chúa trước khi hành động.

Nhờ kinh nghiệm riêng Chúa Giêsu biết những nhu cầu cơ bản của con người. Do truyền thống hiếu khách, Martha đã quảng đại đáp ứng nhu cầu đó đúng lúc. Tuy nhiên, Chúa cũng biết con người còn có một nhu cầu sâu xa hơn mà thực phẩm, nhà cửa, sức khỏe không thể thỏa mãn được. Nhu cầu đó là khát mong gặp gỡ con người. Con người khát khao hiệp thông với tha nhân và xả thân cho anh em. Khát vọng sâu xa nhất của con người phần nào được thỏa mãn trong tình bằng hữu giữa con người với nhau. Cuối cùng, chỉ trong mối thân tình với Thiên Chúa, con người mới thỏa lòng ước mong đó. Thánh Augustine cầu nguyện : “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa và tâm hồn chúng con khắc khoải bồn chồn cho tới khi nghỉ yên trong Chúa.”

Làm sao hiểu được tấm lòng quảng đại của Martha bổ túc cho tâm hồn Maria ao ước đích thân gặp gỡ Chúa ? Muốn trả lời vấn nạn này, chúng ta cần phải theo đường lối Chúa Giêsu. Ðể diễn tả tình yêu, Chúa nuôi sống người đói khát, cứu chữa bệnh nhân và xua đuổi mọi loài ma quỷ. Cũng thế, tình yêu chúng ta phải nhập thể trong bất cứ vấn đề gì để đáp ứng nhu cầu tha nhân. Bởi vậy, những việc tốt chúng ta làm, như nấu nướng hay tranh đấu cho nhân quyền, trở thành một bí tích hay một dấu chỉ tình yêu hiến thân cho tha nhân một cách hữu hiệu.

Ai cũng biết Chúa Giêsu đã nhập thể và nhập thế. Nhưng hình như các môn đệ Chúa vẫn đang sống ngoài trần thế và chưa chịu nhập cuộc ! Nhìn vào các dinh thự, người ta thấy những bóng áo đỏ, tím, đen đang loay hoay với trò chơi chữ nghĩa và những chương trình bác ái xã hội lớn nhỏ. Chúa Giêsu không bao giờ nhập cuộc nửa vời như vậy. Trái lại, Chúa trực diện với những người nắm quyền thời đó. Nhiều lần Người thách đố và lên án những bất công của bọn Pharisêu, Hêrôđê và quân thu thuế, dù biết họ sẽ giết chết mình. Có lẽ các quan chức GHVN còn ngại thò chân xuống đường để dấn thân với mọi người tranh đấu cho công bình xã hội. Có làm cả ngàn công cuộc bác ái cũng không bằng một lần tranh đấu chống lại bất công !

Lạy Chúa, xin sai Thần Khí đến GHVN ! Amen.

đỗ lực 22.07.2007

------

1. x. Lời Chúa Cho Mọi Người 2006:1761.

2. The Life, 10:1.


Lm. Jude Siciliano, OP
(
Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP)

ĐÓN NHẬN CHÚA BẰNG CÁCH
NGHE VÀ THỰC HIỆN LỜI CHÚA
Luca 10: 38-42

Phúc âm theo thánh Luca hôm nay được trích ở phần thứ 4 trong lược đồ, có tên “Hành trình lên Jêrusalem” (9:51-19:28). Đoạn phúc âm về phần thứ 4 được trình bày từ chủ nhật thứ 13, khi Luca cho chúng ta biết là Chúa Giêsu “Quyết định lên Jêrusalem (9:51). Những câu chuyện trong phần thứ 4 này được trình bày trên đường đi; trong khi ấy những thánh sử khác không nói đến diễn trình này. Nhưng, việc đi lên Jêrusalem vẫn là tiêu chí chính của câu chuyện. Theo đó ngày hôm nay Chúa Giêsu nghỉ chân tại nhà bà Maria và Matta.

Trong khi soạn bài giảng này, có những vấn đề tôi phải thận trọng. Đây là câu chuyện chúng ta thường nghe, và nhiều người nghĩ rằng sẽ dể có những kết luận tức khắc. Chúng ta hãy thử nghe lại bài phúc âm này với một cảm nhận mới xem. Thử ví dụ  chúng ta hãy đặt mình vào hoàn cảnh của bà Matta trong khung cảnh đang quá lo lắng đủ mọi thứ, bực mình vì làm quá nhiều việc, nên không có thì giờ nghĩ đến Chúa Giêsu. Ai cũng nghĩ câu chuyện ấy hẳn sẽ làm cho họ cảm thấy mình có lỗi, vì trong văn hoá chúng ta, nhiều người trong chúng ta tự coi mình giống như Matta, quá lo lắng công việc làm ăn. Nhưng, có thể là chúng ta không thể làm gì được vì đời sống quá bận rộn, tất bật với gia đình. Có cách nào để bà Matta nói lại cho chúng ta hiểu là làm sao sống được đời Kitô Hữu trong thế giới bận rộn này? Chúng ta sẽ cố gắng trong việc rao giảng thì dễ dàng hơn là làm cho người khác nhận biết mình có lỗi vì làm việc quá nhiều và lo lắng nhiều cho gia đình và bạn hữu.

Hãy tưởng tượng, một bà mẹ sống một mình nuôi con, hay một cặp vợ chồng trong một gia đình không khá giả, phải lo lắng bận rộn nuôi nấng gia đình. Khi họ nghe bài phúc âm hôm nay họ ao ước được có một đời sống khá giả, để ngồi dưới chân Chúa Giêsu nghe lời Chúa dạy. Chúng ta cũng không muốn loại những người làm ăn khó nhọc ra khỏi câu chuyện tin mừng ngày hôm nay. Các cha giảng nên trình bày hình ảnh bà Matta với sự cảm thông dành cho những chị em phụ nữ đang phải bận rộn việc nhà hay bận rộn về kế sinh nhai ngoài chợ. Các phụ nữ ấy hy sinh đời sống họ vì con cái hay các cháu. Có người là goá phụ, bà Matta có goá phụ hay không nhỉ?

Theo những con số thống kê hiện nay thì phụ nữ vẫn không có thu nhập cao bằng phái nam trong cùng một việc làm. Ngoài những việc làm ăn hàng ngày, phụ nữ còn làm việc tình nguyện trong nhà thờ để giúp những người khác trong cộng đoàn. Họ là những “người Samaritano tốt”, như Matta và Maria, đã nghe lời Chúa Giêsu giảng dạy và sống theo lời Chúa: Chúng ta đón nhận Chúa Giêsu, nghe lời Ngài dạy và chứng tỏ sự giúp đỡ của Kitô Hữu từng chỗ, và luôn cố gắng sống trở nên người thân cận như được mô tả trong dụ ngôn.

Nói về từ ngữ: có bản dịch tiếng Anh trình bày là bà Matta “đón tiếp” Chúa Giêsu vào nhà bà. Chính Chúa Giêsu và bà Matta là tâm điểm của câu chuyện. Trong câu chuyện này, bà Maria thực sự không nói gì. Bà Matta theo phong tục của những gia đình miền Trung đông đón tiếp người lữ khách. Chúng ta cũng thấy câu chuyện tương tự trong sách Sáng Thế về chuyện ông Abraham và bà Sara đón ba người lữ khách. Hãy để ý xem, chúng ta thấy ông Abraham hối hả bảo bà Sara làm bánh và nhanh nhẹn chạy ra tìm con bê cho người giúp việc làm thịt. Trong bài đọc thứ nhất có nhiều tất bật trong việc đón khách, và Abraham đâu có lợi lộc gì trong việc này. Ông chỉ làm theo phong tục của người Trung Đông thương làm để đón lữ khách. Bà Matta cũng theo thói quen đó. Cả hai câu chuyện đều có một điểm chung là tiếp đón lữ khách xa lạ như người bạn. Sự đón tiếp của Abraham và Sara đã được chúc phúc, vì Chúa đã thực hiện lời hứa là con cháu họ sẽ trở nên một dân tộc lớn lao (St 12:1-4).

Ráp hai câu chuyện trong sách Sáng Thế và trong phúc âm Luca với nhau như hai câu chuyện song song. Chúng ta hãy nhìn vào câu chuyện hai gia đình. Abraham và Sara sẽ được lời hứa có nhiều con cháu, nhưng sự thật con cháu họ là những con cháu thiêng liêng tin tưởng vào Thiên Chúa của Abraham và Sara, Thiên Chúa của lời giao ước, Thiên Chúa sẽ cùng đi với dân tộc Ngài trên con đường đức tin. Đối với Maria và Matta cũng vậy; chúng ta là những con cháu của họ chúng ta cũng cố gắng mở lòng, mở trí để nghe và chào đón họ vào trong đời sống chúng ta. Thường những lữ khách đó là người dân bình thường được chúng ta đưa lên để trở nên người ngang hàng với chúng ta. Thay vào đó, hàng tuần chúng ta được nghe những đoạn phúc âm của thánh Luca như chuyện bà Maria ngồi “dưới chân Chúa”; để nghe lời Chúa dạy dỗ. Đó chính là cách để “tiếp đón” Chúa vào trong đời sống chúng ta.

Chủ Nhật vừa qua chúng ta nghe câu chuyện về người Samaritano giúp người bị nạn (10:25-37). Trong câu chuyện đó chúng ta nên như bà Maria ngồi dưới chân Chúa Giêsu nghe Ngài dạy là phải đón tiếp người lữ khách là người cần được giúp đỡ. Thánh Luca không phải ngẫu nhiên mà đặt câu chuyện hôm nay liền kề theo câu chuyện tuần trước. Ông muốn chúng ta hãy tiếp tục nghe lời Chúa Giêsu dạy. Chúa Giêsu có những điều dạy chúng ta về sự sống để chúng ta cũng như người thông luật, hỏi Chúa Giêsu “Thưa Thầy tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (10:25). Thánh Luca dẫn đưa câu chuyện bà Maria và Matta để giúp chúng ta biết “đón tiếp Chúa Giêsu vào trong đời sống, lắng nghe lời Ngài dạy dỗ để biết thương yêu người thân cận và như thế chúng ta sẽ biết đi đến sự sống đời đời.”

Trả lời câu hỏi “Trong luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?”của Chúa Giêsu. Người thông luật nói làm hai phần:- Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, - và yêu mến người thân cận như chính mình. Dụ ngôn “Người Samaritano nhân hậu” đã trả lời phần yêu mến người thân cận. Còn câu chuyện hôm nay nói về yêu mến Đức Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và trí khôn, là chăm chú nghe lời Thiên Chúa dạy. Cả hau câu chuyện đều tiếp dẫn nhau. Trong dụ ngôn người “Samaritano” thấy người bị nạn vì kẻ cướp; còn bà Maria là người ngồi nghe Chúa dạy. Trong xã hội Do Thái vị thế nười phụ nữ không quan trọng và người Samaritano cũng thế, đối với người Do Thái họ là người ngoại. Hai giới người thấp hèn, một người Samaritano và một phụ nữ. Đây chính là hình ảnh cụ thể về những người mà Chúa Giêsu khen là họ nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành (8:21).

Bài phúc âm hôm nay gọi Đức Giêsu là Chúa đó là dấu hiệu sau ngày sống lại. Thánh Luca dùng từ “Chúa” để đặt bài phúc âm hôm nay vào hoàn cảnh các giáo hội tiên khởi. Đây là một câu chuyện về việc đón tiếp và lắng nghe lời Chúa sống lại giữa chúng ta. Cũng nên chú trọng đến từ “phục vụ” (diakonia) trong câu 40 để chỉ việc phục vụ trong giáo hội. Có sự bàn tán việc địa vị phụ nữ trong giáo hội tiên khởi. Và có thể có sự bàn tán “việc phụ nữ phục vụ” trong cộng đoàn như trong giáo hội chúng ta hôm nay. Trong thời thánh Luca, phụ nữ phục vụ nhiều việc, như việc giảng dạy, việc lãnh đạo, việc đọc phúc âm v.v… (Rm 16:1,3-5; 12:1; ICr 16:19; Phl 4:3).

Nhưng, các thơ thánh Phao-lo và các bài sách đọc hôm nay chúng ta có điều bất đồng ý kiến về địa vị của phụ nữ. Hình như có người muốn phụ nữ giữ địa vị phục tùng và ý kiến đó đi đôi với ý Chúa Giêsu nói về bà Maria. Luca trong câu chuyện diễn tả người phụ nữ yên lặng được “phần tốt hơn”. Vậy thánh Luca có ý muốn phụ nữ giữ địa vị yên lặng phải không? Tôi nghĩ quý cha có thể nhắc đến công việc các phụ nữ đã làm để đối chiếu với địa vị yên lặng của phụ nữ trong phúc âm. Chúng ta cũng nên để ý trong câu chuyện thánh Luca bà Maria ngồi dưới chân thầy, đó là nơi chỉ có phải nam. Chúa Giêsu không để phong tục tập quán thời đó hẹp hòi với những người muốn nghe lời Chúa dạy và muốn trở nên môn đệ của Ngài. 

Địa vị của Matta là đón tiếp và phục vụ là việc rất quan trọng trong giáo hội như chúng ta đón tiếp Chúa là lữ khách và người cần được giúp đỡ. Trong giáo hội tiên khởi có rất nhiều tài năng cho các phụ nữ: có người như Maria, là đệ tử yên lặng lắng nghe lời Chúa Kitô dạy bảo; có người hoạt động. Cả hai người Maria và Matta, đều đón tiếp Chúa Kitô, mọi người đều nghe lời Chúa dạy và đều chứng tỏ tình yêu mến Thiên Chúa và phục vụ người thân cận.

Tôi nghĩ quý cha khi giảng nên khôn ngoan chỉ rõ cả phái nam và phái nữ đều có tài năng riêng để phục vụ kẻ khác. Tất cả Kitô Hữu đều được mời gọi để lắng nghe lời Chúa, và làm việc gì cho tất cả cộng đoàn cùng đến dự phụng vụ thánh thể hôm nay để nghe lời giảng dạy. Chúng ta cũng được gọi phục vụ người thân cận sau khi chúng ta nghe lời Chúa và trở về với đời sống bận rộn hàng ngày.

Lm. Jude Siciliano, OP. (Anh em Học viện Đaminh chuyển ngữ)

 

Không thể tách rời hoạt động và chiêm niệm

St 18,1-10a; Tv 15,2-5; Cl 1,24-28; Lc 10,38-42

 

Quý vị thân mến,

Mẹ tôi sinh ra trong một gia đình có chín người con. Ông ngoại tôi là một người lao động chân tay; bà ngoại tôi thì làm việc quần quật suốt cả ngày và kiêm luôn việc nhà. Còn mẹ tôi, mẹ đã nuôi nấng chúng tôi mà không hề có máy giặt, máy sấy hay máy rửa chén. Mẹ phải làm việc quần quật suốt cả ngày như thế. Tôi không nhớ là mẹ có bao giờ đi tĩnh tâm hay không. Mẹ tôi không đọc Kinh thánh nhiều lắm, nhưng một Chúa nhật nọ, sau khi nghe câu chuyện về cô Mácta và Maria như hôm nay tại nhà thờ, thì mẹ về nhà và nói: “Nếu mẹ xé đi một trang Kinh thánh thì Maria và Mácta sẽ thế nào nhỉ!” Với lịch làm việc rất bận rộn, mẹ sẽ đứng về phía Mácta và cho rằng Maria là một đứa em gái hư hỏng.

Câu chuyện Phúc âm này chỉ có trong Tin mừng theo thánh Luca, và được dùng để so sánh đời sống hoạt động của người Kitô hữu (Mácta) với đời sống chiêm niệm (Maria). Như thế, hình thức của đời sống Kitô hữu này được đặt tương phản với hình thức kia. (Thêm nữa, dường như dùng một phụ nữ để đem ra so sánh với người khác, hoặc hai chị em tranh cãi với nhau về công việc nhà, không phải là một hình ảnh lấy làm hãnh diện về người phụ nữ trong Tin mừng). Cách hiểu vội vàng có lẽ sẽ cho rằng việc lắng nghe Lời Chúa thì có giá trị hơn là hoạt động. Tuy nhiên, trong toàn bộ Tin mừng, các môn đệ đều hội tụ cả việc lắng nghe lẫn hành động (6,47; 11,28).

Cũng như trình thuật Tin mừng này đã từng chọc giận mẹ tôi, thì nó cũng xảy ra tương tự như thế với những phụ nữ hiện đại nữa, những người coi vai trò của cô Mácta như một ví dụ điển hình về các yêu cầu đưa ra cho họ khi cố gắng để cân bằng trách nhiệm giữa công việc trong gia đình với việc bên ngoài. Có vẻ Đức Giêsu không khen ngợi những người “băn khoăn lo lắng về nhiều chuyện”, vì họ muốn phải được trở thành như thế này như thế nọ.  

Nguyên nhân nào dẫn đến người ta chỉ trích Đức Giêsu? Có phải là do thái độ phục vụ của cô Mácta không? Đó có phải là một lời phê bình các Kitô hữu trong cộng đoàn của thánh Luca, và xa hơn nữa, là những người đang phục vụ người khác ở bên ngoài, nhưng lại không làm việc với cả tấm lòng hay không? Hoặc chỉ đơn giản là do cô Mácta đã chuẩn bị bữa ăn với nhiều món quá thịnh soạn cầu kỳ, trong khi đó, nếu một bữa ăn đạm bạc hơn sẽ giúp cô có cơ hội cùng với em gái của mình, giống như một người môn đệ, ngồi dưới chân Chúa mà lắng nghe lời Người?

Một số nhà chú giải cho rằng câu chuyện về Mácta và Maria không phản ánh được thái độ của Đức Giêsu, nhưng đã có một cuộc xung đột xảy ra sau đó trong Hội thánh tiên khởi về vai trò của phụ nữ trong công tác tông đồ. Ủng hộ cho quan điểm này, chúng tôi lưu ý rằng Mácta đã gọi Đức Giêsu là “Chúa”, tước hiệu này chỉ có sau ngày Đức Giêsu phục sinh. Điều này cho thấy đây là một bối cảnh và tranh luận diễn ra sau này. Ngoài ra, hạn từ “diakonia” cũng được dùng để nói về việc phục vụ của cô Mácta và ám chỉ đến công tác tông đồ.  

Trong nhiều bối cảnh Tân ước, phụ nữ đóng nhiều vai trò quan trọng như: giảng dạy, truyền giáo, và lãnh đạo. Chẳng hạn như Hội thánh ở Kenkhơrê có chị Phêrê là một “nữ trợ tá” (Rm 16,1). Nhưng trong Giáo hội tiên khởi, không phải tất cả mọi người đều đồng ý về vai trò của phụ nữ. Trong khi đó, thánh Phaolô đã tán thành vai trò hỗ tương của người nam và người nữ trong cuộc hội họp phụng vụ (1 Cr 11,3-4), chèn vào tiếp sau đó là bản văn hướng dẫn người phụ nữ phải biết giữ thinh lặng  (1 Cr 14,3-4). Dường như tình tiết trong câu chuyện về cô Mácta và Maria cho thấy một cuộc xung đột tương tự đang diễn ra trong cộng đoàn của tác giả Luca. Liệu câu chuyện về cô Mácta và Maria có phản ánh nỗ lực của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi đang muốn bịt miệng phụ nữ lại hay không? 

Cũng nên lưu ý: có một quan niệm khác về cô Maria và Mácta trong Tin mừng theo thánh Gioan. Khi em trai của hai cô này là Ladarô qua đời, cô Mácta đã nổi bật như một trọng tâm và đã thốt lên cùng một lời tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu (11,25-27) như ông Phêrô đã tuyên xưng trong ba Tin mừng nhất lãm [Mátthêu, Máccô và Luca]. Người ta cũng có thể tìm thấy luận cứ để chứng tỏ rằng những phụ nữ trong Tin mừng theo thánh Gioan thì mạnh mẽ và nổi bật hơn trong Tin mừng theo thánh Luca.

Phần mở đầu tình tiết câu chuyện hôm nay cho thấy Đức Giêsu đang đi trên hành trình. Từ (9,51), Người đã lên đường đi Giêrusalem. Thánh Luca cũng đã nói cho chúng ta những sự cố xảy ra trên đường đi; mỗi câu chuyện là một lời nhắc nhở về những đòi hỏi đối với những người trung thành bước theo Đức Giêsu. Hôm nay, chúng ta được nhắc nhở về những khó khăn phải chịu hầu giữ được cân bằng trong cuộc sống giữa hành động và sự suy tư, lắng nghe Lời Chúa và đem Lời ấy ra thực hành. Đối với người môn đệ thì sự cân bằng giữa chiêm niệm và hoạt động là điều cần thiết khi chúng ta diễn tả việc phục vụ tha nhân.

Đoạn mở đầu câu chuyện chính là kiểu mẫu cho một đời sống phát triển không ngừng của Giáo hội. Chúng ta nghe nói rằng cô Mácta đã đón tiếp Đức Giêsu. Cô đang thực hiện một nhiệm vụ quan trọng ở vùng Trung Đông, nơi có nhiều lễ nghi; nhiều nghi thức tẩy rửa tay chân; có dầu dùng để xức trên đầu và dùng trong chế biến thực phẩm. Nhưng trổi vượt hơn phong tục ấy, cô Mácta đang “phục vụ” Chúa, đây cũng là nhiệm vụ của mỗi người Kitô hữu. “Phục vụ” là một từ ngữ thiêng liêng đối với các Kitô hữu; từ này diễn tả ơn gọi của chúng ta như những thừa tác viên của Tin mừng, chúng ta “phục vụ” Chúa qua việc phục vụ tha nhân.

Trong câu chuyện cô Mácta và Maria, chúng ta có được sự hướng dẫn để làm một người Kitô hữu. Hãy lưu ý đến bối cảnh của câu chuyện, câu chuyện không xảy ra trong Đền thờ. Đức Giêsu đến thăm và giảng dạy ngay trong một gia đình. Thật ra, hầu hết những hoạt động và việc giảng dạy của Đức Giêsu đều diễn ra ở bên ngoài Đền thờ. Đó là cuộc sống thường nhật của chúng ta, nơi đó ta tìm thấy, học hỏi và có thể phục vụ Thiên Chúa. Chúng ta có xu hướng tạo ra sự phân chia rạch ròi giữa “nơi thánh thiêng” và “chốn thế tục”. Đức Giêsu giảng dạy ngay trong nhà cô Mácta và Maria, và đó cũng là nơi hai người phụ nữ này tìm thấy những nghĩa vụ của người môn đệ phải thực thi, đó là: phục vụ và lắng nghe Lời. Việc Đức Giêsu sửa lỗi cho cô Mácta không phải là một bản án, nhưng là một lời mời gọi: trong lúc phục vụ, chúng ta cần được bén rễ trong Lời của Người.

Cũng như cô Mácta, chúng ta có những mối bận tâm chính đáng thúc bách hằng ngày. Chúng ta sẽ giống như cô Mácta nếu lo tiếp đón và phục vụ Chúa trong nhà mình và những nơi khác nữa. Ta lại sẽ bắt chước như cô Maria một khi chăm chú lắng nghe và tìm kiếm sự hướng dẫn phát ra từ môi miệng Thiên Chúa.

Chính Đức Giêsu cũng bận rộn trăm bề. Bối cảnh câu chuyện hôm nay rất quan trọng. Tình tiết câu chuyện về cô Maria và Mácta diễn ra sau dụ ngôn người Samari Nhân hậu, câu chuyện nói về những việc tốt lành mà Đức Giêsu đã dạy bảo với lời kết: “Hãy đi và làm như vậy.” Tiếp sau đó là phần lắng nghe và học hỏi hôm nay. Ngay sau bối cảnh này, Đức Giêsu cầu nguyện và đáp ứng yêu cầu của các môn đệ khi dạy các ông cầu nguyện với “Kinh Lạy Cha”. Hãy lưu ý tới trình tự của những câu chuyện này: trước tiên là hướng dẫn cho việc phục vụ để đáp ứng nhu cầu của người thân cận, và tiếp sau đó là việc dạy cầu nguyện. Chèn vào giữa hai câu chuyện này là câu chuyện hôm nay nhằm kết nối tầm quan trọng của việc phục vụ được nuôi dưỡng qua việc lắng nghe Lời.

Đức Giêsu cũng có thừa tác vụ hoạt động của mình, nhưng Người vẫn dành thời gian để cầu nguyện và Người hằng kỳ vọng các môn đệ cũng làm như vậy. Trong Tin mừng theo thánh Luca, Đức Giêsu thường xuyên cầu nguyện để xin ơn Chúa Thánh Thần trước khi làm việc. Chúng ta không phải chỉ đơn thuần được kêu gọi để trở nên như cô Mácta không ngớt lo việc phục vụ, hay nên như cô Maria chỉ biết ở yên một chỗ để lắng nghe Lời, nhưng phải là cả hai. Chúng ta được kêu gọi lắng nghe Lời Chúa và tiếp sau đó là đem ra thực hành trong những hoạt động tích cực.

Chúng ta nhớ đến thánh Catarina Siena (1347-1380), người chị em Đaminh của chúng ta. Thánh nữ sống trong thời hỗn loạn xảy ra bệnh dịch hạch và chiến tranh do các đoàn quân đánh thuê đánh chiếm nhiều nơi. Đức giáo hoàng đã để lại sự hỗn loạn cho Rôma và đi đến Avignon, Pháp. Những viên giám quản triều đình thì lại bỏ mặc cho Rôma điều khiển Giáo hội.

Thánh nữ Catarina đã dâng hiến chính mình cho Chúa Kitô và đón nhận tu phục người giáo dân Đaminh (“Dòng ba”). Thánh nhân bắt đầu sống đời chiêm niệm ngay trong nhà mình, dành ra ba năm cầu nguyện và chiêm niệm chuyên chăm trong một căn phòng nhỏ bé dưới gầm cầu thang. Sau đó, thánh nữ nghe Đức Kitô mời gọi ra khỏi căn phòng kín ấy để đi phục vụ tha nhân. Ngài dành ra một năm sau đó để phục vụ bệnh nhân, bố thí cho người nghèo, thăm viếng các tù nhân và nạn nhân của bệnh dịch hạch. Ngài cũng phục vụ trong vai trò một sứ giả hòa bình giữa các gia đình thù hằn với nhau ở Siena và các tiểu bang thành phố dọc khắp Italia. Thánh Catarina Siena đến Avignon, gặp Giáo hoàng Gregory XI đang phải sống lưu vong, và thuyết phục ngài trở về Rôma. Năm 1970, thánh Catarina Siena đã được tuyên phong tiến sĩ Hội thánh.

Mặc dù thánh nữ Catarina khởi đầu “phục vụ” Thiên Chúa qua việc dành ra ba năm sống trong cô tịch, và tiếp sau đó là hoạt động với lòng tràn đầy nhiệt huyết. Thậm chí trong những thời gian bận rộn nhất, thánh nữ vẫn cầu nguyện và tìm kiếm sự hướng dẫn của Chúa. Cũng giống như cả những Kitô hữu lừng danh hay bình dị, thánh Catarina đã kết hợp tài tình giữa Maria và Mácta trong cuộc sống. Chúng ta, những người Đaminh, có một phương châm kết hợp cả hai khía cạnh minh họa cho trình thuật Tin mừng hôm nay: “Chia sẻ cho tha nhân những thành quả chiêm niệm của mình.”