Chúa Nhật XIII Thường Niên - Năm C 1V 19,16b.19-21 / Gl 5,1.13-18 / Lc 9,51-62
Fr Jude Siciliano, op : Khước từ dự phóng đời mình vì sứ vụ G. Nguyễn Cao Luật op : Lên Đường Ngay Giacôbê Phạm Văn Phượng op : Điều Kiện Theo Chúa Fr. Jude Siciliano, op : Tiếng Gọi Và Thái Độ Đáp Trả Phanxicô Mai Thành Long op : Thày đi đâu, Tôi xin theo Thầy Fr. Jude Siciliano, op : Tập quên mình để theo Chúa Fr Jude Siciliano, op: Điều gì xảy ra trên hành trình theo Chúa?
LÊN
GIÊRUSALEM Tin mừng Chúa nhật 13 thường niên năm C là đoạn khởi đầu về cuộc hành trình lên Giêrusalem của Ðức Giêsu. Ðức Giêsu lên đường đi Giêrusalem tức là Người lên đường hướng đến cuộc khổ nạn và thực hiện trọn vẹn ơn cứu độ. Ðoạn Tin mừng này gồm hai phần : * Câu 51 - 56 : Ðức Giêsu không được người Samari đón tiếp và phản ứng của tông đồ Giacôbê và Gioan. * Câu 57 - 62 : Ba lời khuyên của Ðức Giêsu cho những ai muốn đi theo Người. * Lời khuyên thứ nhất là khước từ những bảo đảm thường tình: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có nơi gối đầu". * Lời khuyên thứ hai là việc rao giảng Nước Thiên Chúa phải được đặt trên hết, không được trì hoãn : "Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa". * Lời khuyên thứ ba là hãy quên quá khứ và hướng về tương lai : "Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa". Ðức Giêsu lên đường đi Giêrusalem. Ðây là một giai đoạn mới trong cuộc đời Người. Người bỏ Galilê, nơi Người đã thành công ngay từ những bài giảng đầu tiên, đến độ người ta muốn tôn vinh Người làm thần tượng. Người lên Giêrusalem, nơi Người sẽ phải chịu treo trên thập giá để thực hiện trọn vẹn thánh ý Thiên Chúa Cha, để hoàn tất công trình cứu độ. Vượt qua quá khứ "dễ dãi" và đi đến một tương lai "chẳng chắc chắn gì" theo dự phóng của Thiên Chúa Cha quả là một thách đố. Chính trong thời điểm thách đố đó, Ðức Giêsu đưa ra những lời khuyên cho những ai muốn bước theo Người. Ðời sống kitô hữu là đời sống bước theo Chúa Giêsu, họ được mời gọi để vượt qua những bảo đảm thường tình : tiền bạc, danh lợi, chức quyền... đồng thời nhận lấy Ðức Giêsu như là bảo đảm cho đời sống của mình. Kitô hữu là người cố gắng thể hiện mối phúc thứ nhất trong đời sống mỗi ngày : "phúc cho những ai có tâm hồn nghèo khó". Người có tâm hồn nghèo khó là người "có mà như không"; đó là người có những bảo đảm thường tình, nhưng họ không cho đó là duy nhất. Họ chỉ có một bảo đảm duy nhất là chính Thiên Chúa. Với tâm hồn nghèo khó, không có gì hết, họ mới có khả năng đón nhận Thiên Chúa vào đời sống của mình. Từ đó, trình bày vị Thiên Chúa của đời sống mình cho người khác. Hơn nữa, chúng ta được mời gọi để "bước theo Ðức Giêsu trong công trình cứu độ", nghĩa là cũng được mời gọi để "lên Giêrusalem". Ðức Giêsu mời gọi chúng ta phải rao giảng Tin mừng "lúc thuận lợi cũng như lúc nghịch cảnh", không vì lý do gì mà có thể trì hoãn. Rao giảng Tin mừng bằng chính đời sống bác ái có tính cách thuyết phục hơn là những "ngôn từ đao to búa lớn". Khi những người Samari khước từ Ðức Giêsu, thánh Giacôbê và Gioan đã muốn "khiến lửa bởi trời xuống thiêu hủy những người đó". Ngày nay, hẳn là vẫn còn những người "samari hiện đại" không đón nhận Ðức Giêsu và lời giảng của Người ? Hẳn là không thiếu những thái độ như của Giacôbê và Gioan ? Là người theo Ðức Giêsu trong công trình rao giảng Tin mừng, chúng ta cần "đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem niềm vui đến chốn u sầu" (thánh Phanxicô Assisi). Thật vậy, Tin mừng là giải thoát, là làm cho con người được tự do. Tin mừng cần phải được tiếp nhận trong tự do và tình yêu.
Lạy Chúa,
Xin cho chúng con trở thành
TỰ DO Khát vọng tự do rất mãnh liệt trong tâm hồn con người. Nhưng đâu là tự do đích thực của người môn đệ Chúa Kitô? MÔN ÐỆ ÐÍCH THỰC Làm sao tìm được chân chung đích thực của người môn đệ Chúa Kitô ? Câu trả lời nằm gọn trong Tin Mừng hôm nay. Môn đệ phải phản ánh hình ảnh Thày. Nếu Thày "nhất quyết đi lên Giêrusalem" (Lc 9:51), môn đệ cũng phải có một gương mặt quả cảm như thế. Nhưng làm sao có thể thênh thang trên thiên lộ như vậy, nếu Thày không phải là con người tự do ? Từ tinh thần cho đến lối sống, Thày không bị hoàn cảnh hay con người chi phối. Tận thâm tâm, Thày không bị đam mê khuấy đục. Thất tình không thể lung lạc tinh thần Người. Dù bị dân làng Samari lạnh nhạt, Thày cũng không màng. Khác hẳn các môn đệ, Thày không muốn khiến lửa thiêu hủy dân làng Samari. Trái lại, "Ðức Giêsu quay lại quở mắng" (Lc 9:55). Nhờ đó, các môn đệ mới thấy rõ tất cả giới hạn của lòng mình. Họ không thể bắt chước ngôn sứ Êlia khiến lửa từ trời đốt cháy quân thù (2 V 1:10,12). Người không muốn người môn đệ nuôi mối hận thù hay tìm cách ăn miếng trả miếng. Trái lại phải "yêu thương kẻ thù" (Mt 5:44). Dù bị ghét bỏ và khinh dể, Người cũng như giả điếc làm ngơ. Tim Người không bao giờ sôi sục niềm ân oán. Ðó là một tinh thần tự do tuyệt đối. Tinh thần đó sẽ tạo nên những giá trị lớn lao và siêu vượt những tầm thường cuộc sống. Tinh thần Thày vô cùng siêu thoát ! Làm sao có thể siêu thoát như thế ? Trước hết, lối sống vừa phản ánh vừa góp phần xây dựng tinh thần siêu thoát đó. Người sống khó nghèo đến nỗi "không có chỗ tựa đầu" (Lc 9:58). Một cuộc đời từ bỏ hoàn toàn. Từ một nơi vô cùng cao trọng, Người đã hạ mình xuống đất đen. Cuộc sống không có ngày mai. Theo Thày là dấn thân vào một cuộc mạo hiểm vô cùng thú vị, nhưng cũng đầy thách đố. Cuộc sống không bị lệ thuộc vào bất cứ nhu cầu nào. Có gì ăn nấy. Không đòi hỏi. Sống nay chết mai. Không có gì để mất. Không có gì tồn trữ. Nay đây mai đó. Nếu quá lệ thuộc vào những điều kiện sống vật chất, làm sao có thể chấp nhận lối sống bấp bênh như vậy ? Khó nghèo là điều kiện đầu tiên và tối thiểu một môn đệ phải có trên con đường theo Ðức Kitô. Nhưng để loan báo Tin Mừng, họ còn phải có một tinh thần siêu thoát với những liên hệ tình cảm gia đình nữa. Trước bổn phận báo hiếu đối với thân phụ mới qua đời của người thanh niên, tại sao Ðức Giêsu trả lời : "Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ" (Lc 9:60) ? Phải chăng Chúa là một con người lạnh cảm ? Dĩ nhiên, Người không dạy môn đệ khinh dể hay loại bỏ bổn phận đối với gia đình. Gia đình là một giá trị thiêng liêng cao quí. Nhưng đứng trước giá trị siêu việt của Tin Mừng, gia đình phải nhượng bộ. "Những đường lối của Nước Thiên Chúa không nhất thiết sóng bước với đường lối con người" (The New Jerome Biblical Commentary 1990:701). "Loan báo Triều Ðại Thiên Chúa" (Lc 9:60) là một bổn phận tối thượng. Nước Thiên Chúa phải chiếm địa vị ưu việt. Giá trị tuyệt đối. Thực vậy, "ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa." (Lc 9:62). Ngoái lại đằng sau có thể làm cho luống cày không thẳng đường ngay lối. Làm việc trong cánh đồng truyền giáo cũng đòi môn đệ phải tập trung cao độ mới có thể đem lại kết quả tốt đẹp. Nếu còn để cho những quyến rũ bên đường thu hút, chắc chắn sẽ đánh mất giá trị lớn lao và công việc phục vụ mất hiệu lực. Chính vì thế, một khi hiến trọn đời loan báo Tin Mừng, thánh Phaolô phải "quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước" (Pl 3:13). Người không bao giờ ngoái lại đằng sau với bao nhiêu mối liên hệ tình cảm chằng chịt và địa vị lớn lao trong hàng ngũ Pharisêu. Bởi vì, không giá trị nào có thể vượt trên Nước Thiên Chúa. Chỉ có con người tự do mới có một tinh thần siêu thoát khỏi những nhu cầu tình cảm và vật chất như thế. Ðó mới là tự do đích thực. Tự do đem lại sự giải thoát hoàn toàn. Lên tới cấp độ tự do đó, người môn đệ sẽ thấy rõ mình "được gọi để hưởng tự do" mà "phục vụ lẫn nhau" (Gl 5:13). Họ rất trân trọng giá trị siêu việt của tự do, vì niềm tin mạc khải : "Chính để chúng ta được tự do mà Ðức Kitô đã giải thoát chúng ta" (Gl 5:1) bằng cái chết và sự phục sinh của Người. Chính nhờ Thần Khí, Ðức Giêsu đã hoàn thành sứ mệnh lớn lao đó. Cũng như Ðức Kitô, môn đệ cũng có sứ mạng giải thoát nhân loại để đem họ vào miền tự do làm con cái Thiên Chúa. Nhưng sứ mệnh đó chỉ có thể thực hiện khi người môn đệ "sống theo Thần Khí" (Gl 5:16). Chỉ Thần Khí mới có thể hướng dẫn họ tới miền đất tự do. Họ sẽ phóng mình theo Ðức Kitô để giải thoát nhân loại khỏi vòng nô lệ tội lỗi. TỰ DO HÔM NAY Hôm nay khát vọng tự do vẫn sôi sục trong lòng người. Nhân danh tự do, người ta tranh đấu cho quyền phụ nữ phá thai, bất chấp tiếng nói lương tâm. Thực tế, "mặc dù tất cả chúng ta phải theo tiếng lương tâm, nhưng lương tâm không có nhiệm vụ sáng tạo ra chân lý đạo đức, mà phải nhận thức ra chân lý đó. Có thể một cá nhân nhận thức sai lạc thực tại luân lý của một hoàn cảnh đặc biệt. Họ có thể thành thực, nhưng là sai lầm một cách thành thực" (John Myers TGM Newark : Zenit 6/5/04). Lúc đó, cần phải có những tiêu chuẩn khách quan để hướng dẫn mới có thể xử dụng tự do đúng mức và đạt tới lý tưởng cuộc đời. Thực tế, có những mâu thuẫn. Chẳng hạn, "một số người Công Giáo muốn tin tất cả những gì Giáo Hội tin, nhưng lại muốn để cho người khác tiếp tục trực tiếp giết người vô tội. Ðó là một gương mù lớn" (John Myers TGM Newark : Zenit 6/5/04). Tự do đã đưa con người tới những chủ trương trái nghịch với đạo lý Giáo Hội. Nếu muốn sống theo tự do như thế, họ phải chấp nhận một thực tế. "Những người Công Giáo công khai chống lại giáo huấn Giáo Hội về quyền sống của tất cả các trẻ chưa sinh nên nhận thức rằng qua hành động họ đã tự do muốn tự tách biệt khỏi những điều Giáo Hội tin tưởng và giáo huấn. Một cách nghiêm trọng họ cũng tự tách biệt khỏi cộng đoàn Công Giáo. Tuy nhiên, "họ vẫn còn là người Công Giáo về một phương diện nào đó, nhưng không còn đức tin Công Giáo toàn vẹn nữa. Ðối với người như thế, diễn tả việc hiệp thông với Chúa Kitô và Giáo Hội qua việc chịu lễ là một hành vi thực sự thiếu lương thiện" (John Myers TGM Newark : Zenit 6/5/04). Nhân danh tự do, con người tưởng đạt tới đỉnh cao quyền làm người. Thực tế, "không có quyền nào căn bản hơn quyền được sinh ra và nuôi dưỡng với toàn thể phẩm vị xứng đáng với con người." Do đó, "phá thai là một trong những bất công nghiêm trọng nhất" (John Myers TGM Newark : Zenit 6/5/04). Lý do vì con người không phải là "một hạt bụi vô dụng mất hút trong không gian và thời gian vô nghĩa, nhưng là một phần trong chương trình đầy khôn ngoan phát xuất từ tình yêu Thiên Chúa" (Gioan Phaolô II : Zenit 5/5/2004).
KHƯỚC TỪ DỰ PHÓNG ÐỜI MÌNH ÐỂ
PHỤC VỤ SỨ MẠNG Thưa quý vị. Xin đừng quá vội vàng lướt qua bài đọc 1, bởi lẽ nó có một tiềm năng to lớn giải thích Thiên Chúa luôn can thiệp vào cuộc sống nhân loại; Ngài luôn quan tâm, giáo dục và ban phát hạnh phúc cho từng người. Câu chuyện của bài đọc 1 là về các tiên tri cũng như việc kế thừa ơn ngôn sứ. Ơn này tỏ hiện rõ ràng khi tuyển dân lâm vào các khủng hoảng: Chính trị, luân lý, tôn giáo. Thế giới luôn có khủng hoảng; Hội Thánh, từng gia đình cũng không tránh khỏi thông lệ đó. Ví dụ Irắc vào ngày 30/6 tới đây. Giáo Hội luôn phải vật lộn về vấn đề giáo lý, thần học, giáo sĩ và giáo dân. Gia đình thì về kinh tế, giáo dục và tình yêu hôn nhân. Cho nên chúng ta cần tiếng nói ngôn sứ hướng dẫn. Tác giả Diane Bergan trong cuốn Preaching the new lectionary (thuyết giảng về sách các bài đọc mới) cho hay hai tiên tri Êlia và Êlisa có liên hệ trực tiếp với nhau. Êlia có nghĩa: Thiên Chúa của tôi là Ðức Chúa. EL = Thiên Chúa, Jah = Ðức Chúa. Còn Êlisa nghĩa là Thiên Chúa cứu vớt. Eli =Thiên Chúa, Sha = Cứu vớt. Như vậy căn cước của Êlia nói lên sứ mệnh của ông là kêu gọi dân Israel trung thành với Thiên Chúa khi họ bị các ngẫu tượng dân tộc chung quanh cám dỗ, lìa bỏ Thiên Chúa chân thật mà thờ các tà thần (Idaven, vợ vua Akhát khuyên chồng bắt dân Do Thái thờ thần Baan - Xem 1V18). Vai trò của tiên tri Êlisa là củng cố lòng tin của tuyển dân để Thiên Chúa ra tay cứu chữa (Xem chuyện Êlisa làm mù đạo binh Aram và dẫn chúng đi như dẫn đàn cừu tới thành Samari, cứu Israel thoát nạn - Xem 2V6). Cứ như sứ vụ của hai ngôn sứ này thì chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, dẫn đưa và cứu vớt chúng ta, thờ phượng ngẫu tượng là một điều sai trái, sẽ dẫn đất nước đến tai hoạ khủng khiếp. Hệ quả về đường thiêng liêng cũng không thể lường được, tuy nhiên chúng ta thường xuyên coi nhẹ. Ngẫu tượng vật chất vẫn có sức mạnh hấp dẫn nhất. Kể cả đối với những linh hồn tận hiến nhưng thiếu hy sinh. Câu chuyện Êlia và Êlisa là về việc kế thừa ơn tiên tri. Hiện thời dân tộc Do Thái vẫn khao khát được xem thấy ngôn sứ Êlia trở lại, bởi đó là tiền hô của Ðấng Thiên Sai, thời kỳ tự do và an bình. Khi cử hành nghi lễ xuất hành ra khỏi Ai Cập (lễ Seder) người Do Thái kết thúc bữa ăn vượt qua bằng cách mở cửa nhà để tiếp đón Thần Khí ngôn sứ Êlia. Họ cầu nguyện để ông trở lại với ơn huệ bình an và tự do cho thế giới mới. Vào thời tiên tri Êlia (khoảng thế kỷ 9 trước công nguyên), dân Do Thái có rất nhiều ngôn sứ giả, chỉ một mình Êlia là chân thật, trung thành rao giảng sứ điệp mà ông lãnh nhận từ Thiên Chúa. Tuy nhiên sứ mạng của vị tiên tri sắp chấm dứt. Dân Do Thái sẽ thiếu vắng đại diện của Thiên Chúa trong kiếp sống khó nhọc của mình; họ không còn dấu hiệu khả thị Thiên Chúa vẫn hiện diện và che chở đất nước. Chắc chắn dân Israel sẽ rơi vào khủng hoảng lớn nếu tiên tri Êlia không tìm được người kế vị. Ông đã chọn Êlisa, một nông dân giàu có, chất phác, quê mùa, có phần thô kệch đang cày ruộng với mười hai cặp bò và Êlisa đã mau mắn chấp nhận. Dòng chảy ơn tiên tri không bị bế tắc trong tuyển dân; Thiên Chúa luôn quan tâm và săn sóc dân Ngài. Ðây là điều chúng ta nên để tâm suy nghĩ. Ðừng bao giờ thất vọng nghĩ mình bị Thiên Chúa bỏ rơi, nhất là trong những gian nan, thử thách nặng nề; trái lại phải luôn đầy lòng tin tưởng và cậy trông. Êlia đặt áo choàng lên mình Êlisa, một cử chỉ tượng trưng: Êlisa sẽ là kẻ kế vị Êlia, ông sẽ thi hành sứ mạng ngôn sứ trong dân Israel. Tuy nhiên quyền kế vị này không phải cha truyền con nối, hay tự động do huyết thống, mà là sự lựa chọn của Thiên Chúa. Êlisa cũng không nhận sứ mạng vì lợi lộc riêng tư, nhưng ngược lại ông phải hy sinh. Ðiều đó được chứng minh từ việc ông giết cặp bò tốt nhất để làm lễ tế. Sau đó ông đãi dân làng, bạn bè một bữa tiệc thịnh soạn, rồi từ bỏ cha mẹ và tài sản mà đi theo Êlia. Ông phải huỷ bỏ dự phóng đời mình để phục vụ sứ mạng. Phía trước là bất định, hy sinh và bắt bớ. Nhưng Êlisa không do dự. Nói chung, những kẻ theo Chúa phải chấp nhận thái độ hy sinh của một vị tiên tri, một ơn kêu gọi đầy đau đớn và bấp bênh. Bài Phúc Âm sẽ nói rõ hơn về tinh thần đó. Cho nên các từ "theo" và "phục vụ" trong Kinh Thánh có nghĩa đặc biệt, không theo kiểu người ta hiểu thông thường. Nghĩa Thánh Kinh của các từ này bao gồm một sự dấn thân cá nhân, cụ thể, một liên minh trung thành và triệt để với Thiên Chúa. Chúng ta theo Chúa và phục vụ Chúa có nghĩa một tương giao thắm thiết với Ngài, không tháo lui, không chia sẻ, sẵn sàng thi hành ý muốn của Ngài. Chúng ta không theo một mớ lý thuyết nhưng theo con người của Ðức Kitô. Êlisa hôm nay đã nói với Êlia: "Con sẽ đi theo thầy" và ông đã làm đúng điều mình nói. Xin lưu ý ơn gọi của Êlisa đến trong lúc ông đang cầy ruộng, tức giữa những công việc hàng ngày. Ơn gọi của Phêrô xảy đến khi ông đang thả lưới, của Môsê khi ông đang chăn chiên cho bố vợ, của Mathêu khi ông đang ngồi bàn thu thuế. Ơn gọi tiêu biểu của mỗi cá nhân là ở trong bổn phận của mình. Chúng ta được Thiên Chúa kêu gọi đơn giản hoá cuộc sống, thánh hoá môi trường, theo đuổi các lý tưởng cao đẹp, từ bỏ các tính mê nết xấu, xì ke, ma tuý, rượu chè, đĩ điếm. Nước Mỹ sắp cử hành ngày độc lập (4/7), mọi công dân được kêu mời rũ bỏ các hình thức nô lệ, áp bức, bóc lột và tiến đến tự do hạnh phúc. Ngày nay khắp thế giới nơi nào cũng xảy ra chiến tranh và bạo lực, cho nên ơn gọi của Giáo Hội địa phương cũng như toàn cầu là hoà giải và bình an. Từ chối ơn gọi này thì không còn là người môn đệ của Chúa Kitô. Từ thế hệ này đến thế hệ khác, Thiên Chúa luôn gởi các ngôn sứ đến cho xã hội loài người. Họ can đảm là phát ngôn viên cho Ngài, bỏ qua những tư lợi, họ cổ võ thiện ích chung để phục vụ Thiên Chúa và nhân loại. Chúng ta nên ủng hộ tiếng nói ngôn sứ đó, nhưng phải lưu ý điều kiện Kinh Thánh đặt ra, kẻo rơi vào chính trị, phe phái mà phục vụ lợi ích riêng tư. Tôi vừa kết thúc một vòng thuyết giảng bán niên. Tôi đã đi qua nhiều giáo xứ trên đất Mỹ và tôi đã sống với những người thuộc tầng lớp xã hội khác nhau. Ngoài những linh mục, giám mục nhiệt thành, tôi còn gặp những tu sĩ nam nữ và giáo dân. Tôi rất có ấn tượng về công việc tông đồ của họ, nhất là các anh chị em tín hữu không có chức thánh. Giữa những bổn phận của mình, họ còn là những ngôn sứ, các tiên tri, sứ giả của Thiên Chúa và mang chứng tích của Ngài bày tỏ cho những ai lắng tai nghe. Họ chỉ cho chúng ta những suy nghĩ đúng đắn về Thiên Chúa và thái độ yêu thương đối với người khác. Tôi đã gặp được vô số những người bênh vực công lý và hoà bình, những người tình nguyện săn sóc cô nhi quả phụ, già cả, bệnh tật hay di dân, bơ vơ. Thật đáng mừng, chiếc áo choàng tiên tri vẫn còn được liên tục trao tay xuống cho đến thế hệ chúng ta. Kể từ thời tôi còn là con trẻ, giáo xứ ngày nay đã thay đổi nhiều. Lúc ấy ban phục vụ chỉ gồm có cha xứ, một thư ký, một bà bếp và một nhân viên chạy việc vặt. Ngày nay con số này khá đông, lên đến vài chục người. Họ là những giáo dân làm việc tình nguyện nhiều giờ một tuần, một vài người có lương nhưng đa số thì không. Họ cống hiến những thời gian nghỉ ngơi để phục vụ giáo xứ như săn sóc bệnh nhân, dạy giáo lý tân tòng, hôn nhân, thăm viếng gia đình khó nghèo và neo đơn. Các thánh lễ được tổ chức quy củ hơn và những cuộc hội họp đông đủ hơn. Hội đoàn được thành lập và sinh hoạt đều đặn. Bộ mặt nhiều giáo xứ khởi sắc. Công tác bác ái cũng được giữ vững. "Hãy theo Ta" Chúa kêu gọi và họ đã nghe theo, họ kiểm tra lại nếp sống và sẵn sàng trả giá cho việc theo Chúa của mình. Tuy nhiên chúng ta không thể bằng lòng với số giáo dân tích cực, nhiệt thành ít ỏi, giả tỉ 10%. Cứ như bài Phúc Âm hôm nay thì Chúa Giêsu mong đợi toàn thể chúng ta, mọi tín hữu phải lắng nghe lời Ngài kêu mời và mau mắn trả lời: "Khi đã tới ngày Ðức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết lên Giêrusalem. Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường vào một làng Samari để chuẩn bị cho Người đến". Nhưng khác với thái độ của Êlisa, ở đây có ba trường hợp xảy ra: 1. Cần đắn đo kỹ lưỡng. 2. Chần chừ vì những lý do xác thịt. 3. Bịn rịn gia đình. Chúa Giêsu trả lời cho cả ba trường hợp là hãy theo Ta và đặt giá trị thiêng liêng lên trên mọi vật chất. Nói cách khác là liều thân vì Nước trời. Theo Ngài lên Giêrusalem là đánh đổi cuộc đời quá khứ để lấy một tương lai mới, tuy vô định, đầy gian nan, bất trắc nhưng tươi sáng và chân thật hơn. Vì có Chúa dẫn đường. Câu chuyện không phải chỉ cho những nhân vật trong Phúc Âm mà cho hết mọi người tín hữu, chúng ta đều được mời gọi theo Chúa; giây phút quyết định là giây phút quan trọng khi nắm bắt được ý nghĩa cuộc sống mỗi người. Công việc tông đồ của tôi phần lớn được thực hiện trong các cộng đồng giáo xứ. Tôi cũng là thành phần của một cơ chế, nhưng chúng ta đừng để cho những cơ chế ấy trói buộc; chúng ta phải được tự do thi hành sứ mạng như Chúa Giêsu đã trả lời cho trường hợp thứ nhất. Ngài không bị ràng buộc bởi bất cứ giới hạn nào. Công tác mục vụ của chúng ta phải uyển chuyển đủ để đáp ứng mọi nhu cầu. Phục vụ trước hết là thờ phụng Thiên Chúa, những điều khác là thứ yếu và có thể thay đổi. Người giáo dân tìm vinh quang Chúa giữa cuộc hành trình lữ thứ: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu". Chúng ta phải được tự do làm chứng cho Chúa Giêsu bất cứ nơi đâu có nhu cầu. Phục vụ người nghèo, cô đơn, ngoài lề, nhưng cũng không loại bỏ những kẻ giàu sang, ương gàn và lãnh đạm. Hôm nay là ngày quyết định và uyển chuyển bởi Chúa Giêsu đã nói: "Hãy theo Ta". Tiếng gọi của Ngài không chỉ rõ sẽ được Ngài đem đến nơi đâu với những bổn phận nào! Nhưng chắc chắn là đến với những nhu cầu bác ái. Trong cuộc hội thảo mới đây, một nhân viên đã đưa cho tôi xem bản danh sách những công tác cần làm. Ðiều này khiến tôi vui mừng vì thấy rõ mục tiêu sắp tới và những phương tiện dẫn chúng ta đến đó. Khi nói: "Hãy theo Ta", Chúa Giêsu chẳng hề có ý tưởng lừa dối ai, Ngài lo liệu để cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa. Những ai theo Ngài không cần quan tâm đến nhu cầu điều khiển cuộc đời mình. Chính Thiên Chúa sẽ cho nó những cơ hội. Chúng ta nhập cuộc với Ngài trên con đường tiến về Giêrusalem và chúng ta tin chắc Ngài sẽ dẫn chúng ta tới thành công. Chúng ta không được thối lui, bỏ cuộc hay ngoảnh mặt nhìn lại phía sau và hối tiếc những vinh quang vật chất chóng qua. Dù thế nào đi nữa, thánh lễ hôm nay bảo đảm Chúa Giêsu không bỏ rơi các tín hữu trên đường đời. Ngài luôn hiện diện để nâng đỡ mọi người. Chúng ta vừa mừng lễ Chúa Thánh Thần ngự đến, các chúa nhật tiếp theo đươc gọi là sau lễ hiện xuống. Nghĩa là Thần Khí Chúa Giêsu không bỏ mặc giáo dân mồ côi. Nhưng luôn giúp sức để chúng ta luôn can đảm để đáp lời mời gọi: "Hãy theo Ta". Ước chi mọi tín hữu đều nghe rõ và mau mắn vâng theo, giống như Êlisa trút bỏ mọi sự mà theo Êlia trên con đường ngôn sứ, bất chấp khó khăn gian khổ và tương lai bấp bênh. Vì đã có Thiên Chúa luôn ở với chúng ta. Amen.
LÊN ÐƯỜNG NGAY Những cuộc giải phóng Với một vài câu ngắn ngủi, thánh Lu-ca đã mô tả diễn tiến cuộc giải phóng giúp sinh ra con người mới. - Trước hết là cuộc giải phóng khỏi chủ nghĩa chủng tộc đặt nền tảng trên một yếu tố tôn giáo. Dân Sa-ma-ri không đón tiếp Ðức Giê-su và các môn đệ đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem. Ðức Giê-su đã không để mình bị đóng kín trong vòng xung đột, Người vẫn tiến về phía trước. Sau khi Phục Sinh, Ðức Giê-su sẽ sai các môn đệ đi loan báo Tin Mừng cho những dân đã không đón tiếp Người (x. Cv 1,8). - Giải phóng khỏi cám dôỵ về quyền hành và bạo lực. Khi thấy những người Sa-ma-ri không muốn để Ðức Giê-su đi qua làng của họ, hai môn đệ Gia-cô-bê và Gio-an thưa với Ðức Giê-su : "Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không ?" Chẳng những Ðức Giê-su không đổng ý, Người còn quở mắng các ông. Thiên Chúa không phải là Ðấng mà người ta kêu cầu để áp đặt quyền của mình bằng cách tiêu diệt kẻ thù. - Giải phóng khỏi thời gian. Một người bằng lòng đi theo Ðức Giê-su, nhưng anh xin với Ðức Giê-su : "Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã." Trong viễn tượng của Nước Thiên Chúa, không có vấn đề trước sau, chỉ có một điều cần, một điều duy nhất, đó là "hãy đi loan báo triều đại Thiên Chúa." - Giải phóng khỏi những thực tại sinh học - xã hội. Còn gì tự nhiên hơn khi một người con chôn cất cha mình ? Nhưng với Ðức Giê-su, người cha đích thực đang ở phía trước, chứ không phải ở phía sau. Quá khứ không được ngăn cản tương lai, trái lại phải hướng về tương lai ! - Và còn gì tự nhiên hơn việc từ biệt những người thân trước khi lên đường đi xa ? Tuy nhiên, theo Ðức Giê-su, gia đình đích thực không phải là những người có mối liên hệ huyết thống, nhưng là những người được sinh ra do Thần Khí. Những đòi hỏi Ðức Giê-su đưa ra quả là triệt để, nhưng không có gì là tiêu cực. Người không chối bỏ quá khứ, nhưng mở ra tương lai, hướng về sự sống. Người không phải là nhà cách mạng theo kiểu cứ xoá sạch thế giới cũ đi đã, trong khi chưa biết mình phải xây dựng gì trong tương lai. Người biết rõ sức mạnh tiềm ẩn của Triều Ðại Thiên Chúa. Do đó, Người kêu gọi những ai muốn theo Người hãy tiến tới trình độ mới. Trình độ này cho phép người ta đi vào thực tại mới và biến họ thành những người sống mãi mãi. Lên đường ngay, hướng đến cái chết Trong quãng đời rao giảng công khai của Ðức Giê-su, có lần Mẹ Người và các anh em đến tìm Người, nhưng Người lại nói về chuyện khác. Người ta có cảm tưởng dường như Ðức Giê-su không phải là một người con thảo hiếu ! Hôm nay, có người đến xin Ðức Giê-su để về từ biệt người thân, để chôn cất người cha vừa quá cố, Người không đổng ý. Người đòi hỏi phải lên đường, không cần từ biệt người thân, không cần chôn cất người cha quá cố. Phải lên đường. Mọi công việc khác phải ngưng lại. Nhưng là để đi đâu ? Ði Giê-ru-sa-lem, mà là đi đến cái chết đang chờ sẵn, cái chết tủi nhục. Tại sao cuộc ra đi hướng đến thập giá lại quan trọng hơn bỗn phận báo hiếu ? Và tại sao cái chết lại quan trọng hơn những điều khác ? Ðòi hỏi của Ðức Giê-su thật lạ lùng : đòi người ta hướng đến cái chết, và phải đi ngay, không chần chừ. Thật ra, cái chết là điều không thể chịu nỗi. Nó đến phá vỡ mọi mối liên hệ vừa mới chớm nở, cắt đứt tình yêu đang độ tươi đẹp. Cái chết phá tan mọi hy vọng : người chết đã vậy, cả người sống cũng cảm thấy mình là kẻ bị bỏ rơi. Thật là hạnh phúc nếu người ta tin rằng sau cái chết người quá cố vẫn yêu mến những gì ở lại trần gian và vẫn cần được yêu mến. Phải hiểu cái chết mà Ðức Giê-su nói đến theo hướng này. Người biết rõ cái chết của Người cũng như của những ai tin theo Người là cửa ngõ đi đến một tương giao mới, bền vững hơn và tốt đẹp hơn. Chính vì vậy mà Người đòi hỏi và nhấn mạnh phải lên đường ngay. Người thối thúc các môn đệ của Người hướng đến thập giá, đến Giê-ru-sa-lem, không phải vì cái chết tại đây không nặng nề, ít gây đau buổn, nhưng vì Người biết rằng cái chết đó trở thành lời hứa và làm cho sự sống được hiện diện. Như thế, những ai đi theo Ðức Giê-su hướng đến cái chết cũng là hướng đến sự sống. Họ không phải là những người chán nản hay dửng dưng trước cuộc sống ; trái lại, họ là những người rất yêu mến và khát khao được sống, sống mãnh liệt. Do đó, người môn đệ Ðức Giê-su đi đến cái chết mà không cảm thấy bị choáng váng, không cảm thấy mình bị bỏ rơi. Quả thực, đối với họ, cái chết là một người bạn quen thuộc, vì môỵi ngày qua đi, một cách nào đó, họ cảm thấy cái chết nơi mình qua những việc từ bỏ, qua những nôỵ lực sống tốt hơn. Và ngay bây giờ, người môn đệ Ðức Giê-su không đứng bất động bên nấm mổ, nhưng họ nói năng và hành động như một người tự do, đổng thời không ngừng khám phá cuộc sống trong cuộc vượt qua môỵi ngày. Ðể được nâng lên Sắp đến ngày Ðức Giê-su được "rước đi". Chắc chắn những biến cố trong giai đoạn này không chỉ có mục đích nói lên việc Người sắp chịu chết và các môn đệ không còn gặp Người nữa. Chúng ta biết rằng tất cả những biến cố liên quan đến cái chết và cuộc phục sinh của Ðức Giê-su là những biến cố để Ðức Giê-su được nâng lên trong vinh quang. Ðối với chúng ta, làm thế nào để việc Ðức Giê-su được nâng lên cũng là của chúng ta ? Ðức Giê-su đã nêu lên những đòi hỏi, những liên hệ mới : phải cắt đứt những liên hệ cũ, phải từ bỏ và phải yêu mến. Trước hết, Người đòi chúng ta không được đặt đức tin trên nền tảng là những an toàn vật chất hay thể lý : Ðiều này có nghĩa là phải từ bỏ những gì chúng ta xây dựng để trốn tránh sự khắc nghiệt của cuộc lên đường. Sau đó, Người đòi chúng ta đừng tin tưởng vào quá khứ đã sụp đỗ. Nếu chúng ta cậy dựa vào những chuyện đã qua, chúng ta có nguy cơ sẽ bị sụp đỗ theo. Sau cùng, Người mời gọi chúng ta hướng về phía trước, nhìn vào cánh đổng đang cầy xới. Khi khước từ bước vào tương lai, chúng ta thu hẹp lòng trung tín của mình, và để mình lún sâu một chôỵ. Vậy, theo Ðức Giê-su là bước đi môỵi ngày trên đường, bỏ lại phía sau những gì đã qua. Nói cách khác, là sống ngày hôm nay cách mãnh liệt. Hay hơn nữa, với sự hiện diện của Ðức Giê-su, chúng ta sống và khám phá cuộc sống cách tự do, vì chúng ta được hướng dẫn, được "nâng lên" nhờ Thần Khí. * * * Chúng ta không thể dừng lại, và chúng ta chỉ có thể lớn lên nhờ tình yêu. ... Con người là một thụ tạo khốn khỗ luôn cần được nghỉ ngơi, nhưng quy tắc về sự tiến triển luôn đòi họ trẻ trung, mãi trẻ trung để lên đường ... phỏng theo D. Barsotti
Điều
kiện theo Chúa Bài Tin Mừng hôm nay là đoạn mở đầu của phần hai trong Tin Mừng thánh Lu-ca. Phần thứ hai này kể lại cuộc hành trình của Chúa Giê-su đi lên Giê-ru-sa-lem để hoàn tất công cuộc cứu thế bằng thập giá. Mở đầu cuộc hành trình này, thánh Lu-ca kể lại câu chuyện xảy ra nhân lúc Chúa đi ngang qua Sa-ma-ri để lên Giê-ru-sa-lem và ba mẩu đối thoại giữa Chúa với ba người về điều kiện đi theo Chúa. Trước hết, về câu chuyện mở đầu cuộc hành trình, đó là việc Chúa bảo hai môn đệ Gia-cô-bê và Gio-an đi trước vào một làng Sa-ma-ri để chuẩn bị chỗ cho Chúa và những người cùng đi có nơi nghỉ chân. Nhưng những người trong làng này nhất định từ chối, họ từ chối bất cứ người Do Thái nào, vì họ là người Sa-ma-ri, mà giữa người Sa-ma-ri và người Do Thái đã kình địch nhau từ lâu. Sự từ chối của họ làm cho hai ông Gia-cô-bê và Gio-an hết sức nóng giận. Trở về, các ông nhớ lại trước kia có lần ngôn sứ Ê-li-a đã xin lửa từ trời xuống thiêu hủy dân chúng cứng đầu cứng cổ cố chấp không muốn nghe lời Chúa. Nhớ lại chuyện ấy, các ông xin Chúa để cho các ông khiến lửa bởi trời xuống đốt tan cả đám dân làng đã dám từ chối không tiếp đón Chúa. Nhưng Chúa khiển trách các ông, và Ngài tuyên bố rõ mục đích của Ngài: Ngài đến không phải để tiêu diệt nhưng để cứu vớt, đề nghị của các ông mâu thuẫn với sứ mạng của Chúa, nên Chúa không chấp nhận, rồi Chúa và các môn đệ đi tới một làng khác. Sau câu chuyện mở đầu trên, thánh Lu-ca kể lại ba mẩu đối thoại về điều kiện để đi theo Chúa, đây là ba trường hợp của ba người khác nhau. Chúa Giê-su đang đi, một người chạy lại bày tỏ thiện chí tối đa : “Thưa Thầy, Thầy đi đâu tôi cũng xin đi theo”. Chúa Giê-su không vồn vã cũng không từ chối, nhưng Ngài cho biết thân phận của Ngài và cũng là điều kiện để đi theo Ngài : “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người thì không có chỗ tựa đầu”, Ngài nghèo khó như vậy đó, anh có dám chấp nhận sống như thế khi đi theo Ngài không ? Một người khác được chính Chúa ngỏ lời trước : “Anh hãy theo tôi”, anh bằng lòng nhưng anh xin phép trở về nhà mai táng cha mình trước đã. Chúa Giê-su không nhượng bộ, Ngài nói hãy để kẻ chết chôn kẻ chết, còn anh hãy đi loan báo Nước Thiên Chúa. Chúa có ý nói rằng : người đã được gọi phục vụ nước trời thì hãy lo bổn phận chính của mình trước hết và trên hết, không được trì hoãn vì bất cứ lý do gì. Việc báo hiếu cha mẹ là việc quan trọng theo quan niệm thông thường của người đời cũng không thể làm trì hoãn việc rao giảng nước Thiên Chúa. Người thứ ba đến xin theo Chúa, nhưng vừa xin đi theo vừa đặt điều kiện : “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã”. Chúa Giê-su nói thẳng cho anh ta biết thái độ ấy không xứng đáng với nước Thiên Chúa. Muốn đi theo Chúa mà còn quyến luyến cha mẹ hơn Chúa thì khác nào kẻ đã cầm cày mà còn ngoái cổ lại đàng sau. Cầm cày thì phải nhìn về phía trước mới cày được, muốn theo Chúa thì không được quyến luyến bất cứ cái gì khác, kể cả cha mẹ. Thánh Lu-ca không cho biết hồi kết của ba người trên đây như thế nào, họ có đi theo Chúa không, bởi vì ngài chỉ cố ý trình bày những đòi hỏi của việc đi theo Chúa mà thôi, và để cho mỗi người tự quyết định. Ba mẩu đối thoại này cho chúng ta biết : muốn theo Chúa Giê-su thì phải chấp nhận đồng số phận với Ngài, không có gì bảo đảm cho mình ở trần gian, phải coi nhiệm vụ rao giảng nước trời hơn cả việc chôn táng cha mẹ cũng như việc tỏ lòng quyến luyến cha mẹ. Chúa Giê-su đòi hỏi như vậy có nghịch lý không ? Muốn đi theo Chúa, phải từ bỏ hết, phải từ bỏ tất cả, nghĩa là phải coi Chúa hơn hết tất cả mọi người, hơn hết tất cả mọi sự và tin vào một mình Chúa thôi. Điều kiện này có khó quá không ? Dĩ nhiên là khó, nhưng không phải là không thực hiện được, bằng chứng là các tông đồ Chúa đã kêu gọi, các ông đã mau mắn dứt khoát đi theo Chúa, dù phải bỏ gia đình, cha mẹ, vợ con, nghề nghiệp, của cải. Tiếp theo các tông đồ, từ xưa cho đến nay, biết bao người đã sống đời tận hiến, bước đi theo Chúa trong ơn gọi linh mục, tu sĩ, dâng hiến cả cuộc đời cho Chúa và tha nhân. Có biết bao người đã sẵn sàng chịu đau khổ, thử thách và hy sinh cả mạng sống vì danh Chúa như các vị tử đạo. Có lẽ có người cho rằng : những điều trên đây Chúa chỉ dạy riêng cho những người đi tu mà thôi. Nghĩ thế cũng đúng, nhưng những lời Chúa dạy đây không phải là không áp dụng được cho mọi người. Bởi vì với mỗi người, Chúa cũng đòi hỏi phải từ bỏ. Không phải từ bỏ để đi theo Chúa theo nghĩa là bỏ gia đình, bỏ mọi sự để đi làm tông đồ cho Chúa, tức là phải từ bỏ của cải, cha mẹ, gia đình, nghề nghiệp, nhưng trong cuộc sống, chúng ta cũng có nhiều cái, nhiều thứ, và nhiều lần phải từ bỏ. Chúng ta hãy suy nghĩ : hiện giờ chúng ta phải từ bỏ những gì ? Từ bỏ đời sống tội lỗi, từ bỏ những hành động gương mù gương xấu, từ bỏ những giao du bất chính, từ bỏ những bạn bè nguy hiểm, từ bỏ rượu chè, cờ bạc, một thói quen, một đam mê xấu, từ bỏ những ý nghĩ sai trái, từ bỏ những lời nói chua cay, ác độc, tục tĩu, từ bỏ những việc làm lỗi công bằng và yêu thương… có nhiều điều chúng ta phải từ bỏ. Tóm lại, trong đời sống thường ngày, người Ki-tô bị giằng co giữa một bên là tình cảm gia đình, bên kia là đòi hỏi của Thiên Chúa; hoặc một bên là quyến rũ của tiền tài danh vọng, sống buông thả, một bên là sự trung thành với lý tưởng Ki-tô giáo. Trong những trường hợp giằng co như vậy, chúng ta sẽ chọn thế nào và phải làm gì ? Bài Tin Mừng hôm nay soi sáng và hướng dẫn chúng ta hãy chọn đúng và thực hành đúng.
Tiếng Gọi Và Thái Độ Đáp
Trả Thưa quí vị, Khi đọc trình thuật Êlisa đáp lại tiếng gọi của tiên tri Elia, tôi cảm thấy xấu hổ và lúng túng về trường hợp của mình. Elisa sẵn sàng từ bỏ hết mọi sự và lập tức vâng theo ơn gọi làm môn đệ Elia và kế vị thầy mình trong sứ mệnh làm tiên tri cho Thiên Chúa. Ông từ giã cha mẹ, giết bò cày, đốt dụng cụ lao động và thiết đãi dân làng để từ giã họ mà đi theo Elia. Cứ như văn bản thì ông là người giàu có, ruộng đất, trâu bò dư thừa. Ông đang cày bằng cặp thứ mười hai (có bản dịch là sào đất thứ mười hai). Nhưng ông sẵn sàng bỏ hết mọi sự để đi theo Chúa, nghĩa là ông để lại đàng sau, cha mẹ, vợ con, tài sản, hàng xóm láng giềng. Ông đã đốt cầu sau lưng để không có phương tiện trở lại khi hối tiếc. Người Trung Hoa gọi là đóng cửa, rút cầu, dứt khoát với quá khứ. Tôi nhớ lại lúc rời gia đình để nhập dòng Đa Minh. Tôi đã chần chừ trì hoãn cho tới khi lấy xong bằng “cử nhân” để phòng thân cho tương lai trong trường hợp “nếu”. Tôi phải trù tính một chương trình thay thế. Tôi cũng có những dự tính “bên trong” cho bản thân mình. Tôi đã lên kế hoạch cho chữ “nếu” bằng cẩn trọng, dè dặt, tính toán, hay dùng hình ảnh của Chúa Giêsu: “tra tay vào cày, nhưng còn ngoảnh lại phía sau”. Vậy thì làm thế nào dồn được tâm trí vào luống cày cho ngay thẳng? Cày xiên xẹo, vòng vèo là điều chắc chắn, nói cách khác, không đạt mục tiêu, không hoàn thành bổn phận. Sự thật tâm lý này áp dụng cho hầu hết những người tự phong là môn đệ Chúa Kitô, hôm nay cũng như đã qua và ngay cả ngày mai, nếu không triệt để nghe và làm theo Lời Chúa. Theo bản văn thì không buộc Elisa phải từ bỏ cha mẹ, vợ con, ruộng vườn. Nhưng ông đã tự nguyện và dứt khoát làm như vậy để được tự do theo Elia mà thi hành sứ mệnh. Chúng ta cũng vậy, nhưng trong Tin Mừng Luca, Chúa mời gọi những ai đi theo Ngài phải làm những hy sinh: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ cọn, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được”. (14,25). Và nếu như thực sự chúng ta chọn Chúa thì phải làm theo lời Thánh vịnh đáp ca: “Lạy Đức Chúa, Ngài là Chúa của con, là gia nghiệp, là phần chén của con”. Đáp ca chỉ có ý nghĩa khi chúng ta đáp Lời Chúa bằng hành động chứ không chỉ miệng lưỡi suông. Đặt bất cứ điều gì lên trước Thiên Chúa đều là thờ phượng ngẫu tượng, kể luôn cả sự sống mình. Tuy nhiên, thực tế không thật như vậy. Thiếu gì tu sĩ, linh mục, giáo sĩ đặt xác thịt mình, lợi nhuận mình lên trên Thiên Chúa. Cụ thể như tiền tài, danh vọng, tiếng tăm, nhà cửa, xe hơi, Tivi, tủ lạnh, điện thoại di động… với những biện minh hết sức phù phiếm. Có tu sĩ còn thẳng thắn tuyên bố: lúc này mà nói đến khó nghèo là lỗi thời, cổ hủ. Chẳng hiểu ông được giáo dục ở đâu, chứ lề luật không bao giờ nói như vậy. Căn cứ theo tính triệt để của Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu kêu gọi từng cá nhân dõi bước theo chân Ngài đi lên Giêrusalem. Trong thành phố ấy, Ngài sẽ phải hy sinh, ngay cả tính mạng để chu toàn ý định của Thiên Chúa Cha: “Ai đã tra tay vào cày mà còn ngoái lại đằng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa”. Trước đó, Ngài đưa ra những điều kiện hết sức ngặt nghèo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết. Còn anh, anh hãy đi loan báo Nước Trời…” và “con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”. Tức trắng tay, hoàn toàn vô sản và tuyệt đối tin cậy vào Thiên Chúa. Vậy thì bất cứ ơn gọi của chúng ta dẫu thế nào đi nữa: làm cha, làm mẹ, luật sự, bác sĩ, tu sĩ, linh mục… thì tiếng gọi ấy trước hết là cá nhân và cho hoàn cảnh đặc thù của chúng ta. Hai người không được Chúa kêu gọi giống nhau, vậy sự đáp trả cũng không thể rập khuôn. Tuy nhiên, tính triệt để vẫn phải rõ ràng. Xin đơn cử một thí dụ: Ở thế chiến thứ hai (1939-1945) một bác sĩ Do Thái tên là Viktor Frankl bị quân Đức quốc xã bắt vào trại tập trung Auschwitz rồi chuyển sang Dachau. Ông có nhiệm vụ săn sóc các bệnh nhân và người sắp chết. Khi chiến tranh gần kết thúc, vài người trong các tù nhân lập kế hoạch trốn trại mà bác sĩ là chìa khoá. Bác sĩ đã sửa soạn xong hành trang, chút quần áo, thuốc men, mũ nón, giầy dép. Ông nhìn lại lần cuối các bệnh nhân và bắt gặp một đồng hương đang hấp hối. Bác sĩ cố giấu ý định của mình để có thể trốn thoát. Nhưng người bệnh đoán ra, thều thào nói: “Thế là bác sĩ bỏ em chết một mình !” Frankl cố gắng nói dối, nhưng không thể làm được. Câu nói của bệnh nhân như con dao nhọn đâm vào tim ông. Ông không đành nói dối một người sắp chết. Ông không thể phản bội linh hồn đó. Đột nhiên ông đổi ý và chạy ra ngoài nói với các bạn trốn đi, còn ông ở lại. Ông hy sinh cuộc đời cho bệnh nhân. Lập tức, linh hồn ông được bình an. Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, người ta cho ông được tự do. Trình thuật hôm nay Chúa Giêsu cương quyết đi lên Giêrusalem chu toàn tôn ý Đức Chúa Trời, mặc dù Ngài biết rõ những gì đang chờ đón Ngài ở đó. Nếu Chúa Giêsu phản bội chương trình của Đức Chúa Cha, chúng ta chẳng thể tưởng tượng hậu quả sẽ ra sao? Chắc chắn, hy vọng và mơ ước của nhân loại không bao giờ trở thành hiện thực. Nếu chúng ta từ chối Chúa kêu gọi, phần rỗi nhiều linh hồn có thể sẽ thành mây khói. Vậy mà chúng ta vẫn chưa nghiêm chỉnh trong nếp sống, nhởn nhơ đùa cợt với ơn gọi. Tình trạng không thể kéo dài mãi. Bởi vì tiếng Chúa gọi luôn luôn mới mẻ, luôn luôn thúc giục. Ngày nào đó chúng ta sẽ nhận ra mình đã đáp ứng ra sao trong cuộc đời! Vậy thì ngay bây giờ xin gỡ bỏ hết mọi trở ngại, so đo, toan tính, dè dặt. Hãy bắt chước Elisa đốt cày, giết bò bê để theo Chúa. Tiếng gọi được liên tục vang lên trong nghề nghiệp, sinh hoạt, công ăn việc làm hàng ngày, nếp sống gia đình, xã hội, quốc gia, quốc tế trong những vấn đề nhiêu khê: “Hãy theo ta”. Xin nhớ là ở thì hiện tại chứ không phải quá khứ hay tương lai. Theo Chúa Giêsu trong tất cả các quyết định của mình. Lựa chọn giữa cái xấu và điều tốt thì quá dễ, nhưng lựa chọn giữa hai điều tốt thì quả là khó khăn. Nhưng bao giờ cũng có cái tốt vừa và cái tốt hơn như trường hợp của Elisa hôm nay. Có ai ép buộc ông bỏ cha mẹ, vợ con, tài sản đâu? Nhưng ông đã tình nguyện khước từ để thi hành sứ vụ Thiên Chúa trao là điều tốt hơn. Cho nên tôi nói là rất hổ thẹn về bản thân. Chẳng hiểu thiên hạ nghĩ sao? Những người trưởng thành như chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm sống, từng trải, chứng kiến nhiều sự kiện, đã từng biết đến thành công và thất bại, trung tín và phản bội, vinh hiển và vỡ mộng. Tuy nhiên, nếu có một tâm hồn ngay thẳng, không giả hình thì vẫn cảm nghiệm được chút tin cậy như con trẻ vào Đấng nhất quyết đi lên Giêrusalem và phó mặc cho Ngài dẫn dắt. Tiếng gọi không phải xưa cũ mà luôn mới mẻ cho đến hôm nay, mời mọc sự đáp trả của các tôi tớ trung thành mà cuộc đời đã dạy cho họ rằng không phải lúc nào cũng thuận lợi. Nhiều khi chúng ta chẳng biết mình được dẫn dắt đến đâu, nhưng biết chắc Đấng dẫn dắt thông tuệ vô cùng, tốt lành vô biên, tính tóan khôn ngoan hơn bản thân chúng ta gấp bội. Xin đưa ra một trường hợp cụ thể để minh chứng. Hai con ông Giêbêđê là Giacôbê và Gioan, tức giận đề nghị Thầy khiến lửa bởi trời xuống thiêu đốt dân thành Samaria để trả thù cho các xúc phạm. Thay vì đồng ý, Chúa Giêsu quở trách họ: “Các ngươi không biết thần khí nào sai khiến mình?” Chắc chắn không phải là Thần Khí Đức Kitô, vậy chỉ có thể là thần khí Satan. Thật là buồn, vì bấy nhiêu năm Ngài dạy dỗ họ về tinh thần yêu thương, bác ái, tha thứ và khoan dung. Lúc này họ trả bài như vậy? Vào trường hợp quí vị dạy con cái trong gia đình và chúng “ăn lời” kiểu đó, phản ứng của quí vị ra sao? Giacôbê và Gioan tưởng mình làm hài lòng Thầy, nhưng thực chất là họ mù tịt về giáo huấn của Ngài. Tuy nhiên, xin đừng chê cười Gioan và Giacôbê, mà hãy nhắm vào bản thân của quí vị, bản thân tôi, bản thân chúng ta! Liệu chúng ta đã học được chi trong ngôi trường của Ngài suốt bấy nhiêu năm? Thái độ và cách cư xử hàng ngày của chúng ta là câu trả lời cụ thể. Cho nên, trao bản thân cho Thiên Chúa dẫn dắt là điều tối cần thiết cho nếp sống tín hữu, nếp sống làm môn đệ đích thật của Chúa Giêsu. Chúng ta đến thánh đường mỗi Chúa Nhật, là để bồi dưỡng tinh thần bằng sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Chúng ta hy vọng và cầu khẩn Thiên Chúa trong Thánh Thể là lương thực hằng sống nuôi dưỡng và mở lòng mở trí cho mình đỗ đạt trong học đường Phúc âm, biết rộng lòng và quảng đại với thiên hạ, vui vẻ từ bỏ để Thiên Chúa được vinh quang trong nếp sống mình. Không có tội nào mà Chúa Giêsu gớm ghét và đả kích cho bằng giả hình, lừa đảo, cứng cổ, kiêu căng nơi các Pharisêu, tư tế, luật gia, ký lục. Chúng ta không nên bắt chước họ. Nhưng than ôi! Có lẽ đây là tội “cố hữu” của nhân lọai, ngày xưa cũng như hôm nay. Và vì thế, lòai người luôn cần các “ngôn sứ”. Dầu sao Thiên Chúa hằng rộng lượng đối với mọi linh hồn. Khi chúng ta thành tâm kêu cầu. Ngài luôn đáp trả lời ban Con của Ngài làm quà tặng cho nhân lọai, đồng hành với mọi linh hồn trong từng bước hướng về Giêrusalem. Đúng vậy, bài đáp ca hôm nay cho thấy rõ tư tưởng đó trong Thánh vịnh 16. Thánh vịnh thuộc loại “tin cậy”: “Xin bảo tòan tôi, lạy Chúa, vì tôi tìm nương tựa Chúa, tôi thưa cùng Chúa, Ngài là Chúa Tể tôi, Ngài là phần gia nghiệp, là phần chén của tôi…”. Tòan bộ linh hồn và thân xác tác giả đặt ở trong tay Đức Chúa. Khi thuận tiện, ông lạc quan vui mừng, lúc khó khăn, ông ngửa mặt trông cậy Chúa “Tôi luôn đặt Chúa trước mặt, không nao núng bao giờ vì Chúa chẳng bỏ rơi linh hồn tôi trong âm phủ”. Chúng ta không biết hòan cảnh của ông. Nhưng lòng trông cậy của ông thật rõ ràng. Chúng ta có những yếu đuối, điều đó chẳng ai dám phủ nhận. Nhưng liệu chúng ta có đủ can đảm và khiêm nhường để sửa chữa? Không phải do sức riêng, nhưng nhờ ơn Thánh Thể mỗi người lãnh nhận hàng ngày. Lời Chúa nói thẳng với mỗi linh hồn trong bí tích Thánh Thể, Đấng bảo đảm rằng chẳng bỏ mặc chúng ta cô đơn. Nhưng trợ giúp trong bất cứ hòan cảnh nào: tốt lành hay bất hạnh. Luca trong Công vụ Tông đồ (2,25-28) nhắc đến Thánh vịnh này để nâng đỡ đức tin các tín hữu vào sự sống lại của Chúa Giêsu trong cơn bách hại họ đang chịu đựng. Elisa từ bỏ gia đình, tài sản để được tự do đáp trả Lời Chúa kêu gọi nhưng điều chi đang chờ đợi ông trong tương lai ? Ông không biết! Thánh vịnh 16 gợi ý ông đã chọn Thiên Chúa làm sản nghiệp và phần chén của mình. Hôm nay trong Thánh lễ chúng ta cũng đọc Thánh vịnh ấy. Liệu có phải là tâm tình thật của chúng ta? Xin cật vấn lương tâm trước mặt Thiên Chúa. Liệu chúng ta có nói dối? Bằng không thì dồn hết nghị lực tài trí, khả năng vào ơn Chúa kêu mời. Chẳng thần thánh nào, nhân vật nào, sự việc nào có thể đòi hỏi chúng ta hơn Thiên Chúa! Như vậy với Đức Kitô, chúng ta “quay mặt hướng về Giêrusalem mà nhất quyết tiến bước”. Đau khổ và cái chết chờ đợi Ngài, thì cũng chờ đón chúng ta và chúng ta cũng phải trả giá để làm môn đệ Ngài. Cầu xin Thánh Thể để Ngài ban cho chúng ta tinh thần và nghị lực theo Ngài đến cùng, lúc ấy Ngài mới thực sự là gia nghiệp và phần chén của mỗi người. Amen.
Thày đi đâu, Tôi xin theo
Thầy LỜI DẪN Con đường theo Đức Giêsu không phải là con đường thênh thang nhưng là con đường hẹp. Chỉ có qua cửa hẹp mới bước vào sự sống vĩnh hằng. Vì thế, theo chân thầy Giêsu đòi hỏi mỗi người phải cố gắng, nỗ lực vác thập giá theo chân Thầy chí thánh. Xin Chúa ban cho chúng ta một niềm tin tưởng và phó thác vào con đường Ngài đã đi qua. Xin Ngài ban ơn trợ lực để khi mỗi lần vấp ngã trên đường đời, chúng ta dám can đảm vác thập giá đến cùng để “Thầy đi đâu ? Tôi xin theo Thầy”.
Trình thuật Tin Mừng hôm nay được xem là phần bắt đầu của giai đoạn mới trong hành trình theo Chúa Giêsu. Nếu trong giai đoạn thứ nhất các môn đệ được mời gọi rong ruổi theo Đức Giêsu trên khắp nẻo đường Galilê. Trên hành trình đó họ được sống với Đức Giêsu, được cảm nghiện khoảnh khắc hạnh phúc, mãn nguyện và đáng ước ao. Thì trong giai đoạn này, họ lại được mời gọi cùng đi với Ngài trên con đường lên Giêrusalem với viễn cảnh chịu tử nạn thập giá cùng Ngài. Có thể nói, thời gian đã điểm và Chúa Giêsu bắt đầu hướng các môn đệ đến mầu nhiệm khổ nạn của Ngài và chuẩn bị cho họ những điều sắp xảy ra. Họ phải quyết định, muốn ở lại hay sẵn lòng tiếp bước theo Ngài lên Giêrusalem để đau khổ và bị loại trừ. “Thầy đi đâu, tôi cũng xin theo Thầy”. Đó là tâm tình đáng quý của các môn đệ. Nhưng Đức Giêsu muốn mặc khải cho các ông những đòi hỏi trong trách vụ của một người môn đệ đich thật, vượt lên trên những suy nghĩ của các ông là phải từ bỏ chính mình và chấp nhận sự vấp phạm của thập giá. Lời tuyên xưng của Phêrô về phẩm vị Mêsia nơi Đức Giêsu chưa đủ để trở nên một người môn đệ đích thật khi các ông chưa thể chấp nhận sự vấp phạm của thập giá. Theo Đức Giêsu đồng nghĩa với việc phải từ bỏ mọi sự. Từ bỏ về cả thể lý và tinh thần. Từ bỏ vể thể lý là thái độ sẵn sáng từ bỏ sự an toàn của vất chất để có thể hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa và phục vụ người khác vì “Con chồn có hang, chim trời có tổ nhưng con người không có chỗ tựa đầu”. Từ bỏ về tinh thần là thái độ từ khước sự bám víu vào bản ngã để có thể đưa vai gánh lấy thập giá của đời mình và chia sẻ gánh nặng thập giá với người khác vì “Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ chính mình vác thập giá mình mà theo”. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, trở thành một người Kitô hữu đích thật đồng nghĩa với việc bước vào hành trình cải biến đời mình để trở nên giống Chúa ngày một hơn. Trên hành trình đó, chúng con được mời gọi hãy bước theo Ngài. Hãy đặt bước chân vào dấu chân Ngài với tất cả lòng tín thác và cậy trông. Nhưng Chúa cũng đòi buộc chúng con một thái độ sẵn sàng từ bỏ chính mình, sẵn sàng từ bỏ sự an toàn của vật chất để hoàn toàn tín thác vào Chúa. Lạy Chúa Giêsu, chúng con vẫn luôn bị cám dỗ bởi những đòi hỏi của vật chất. Cuộc sống hôm nay luôn có những nhu cầu: nhu cầu hưởng thụ và thăng tiến bản thân, nhu cầu đảm bảo sự an toàn vật chất và tiên nghi cho cá nhân, gia đình, xã hội…và đôi lúc, chúng con xem vật chất là giá trị duy nhất có thể thỏa mãn những nhu cầu đó mà quên mất lòng tín thác vào sự quan phòng của Chúa. Xin ban cho con một thái độ từ bỏ triệt để, một ý chí vững mạnh để từ khước những cám dỗ của vật chất mà đôi khi chúng con xem như ngẫu tượng để tìm kiếm, một mục đích để hướng đến. Xin cho con biết đặt để hoàn toàn cuộc đời mình trong sự quan phòng của Chúa với tất cả lòng tín thác và cậy trông hầu sẵn sàng bước theo Ngài trong những cảnh huống của cuộc sống, sẵn sàng đón nhận những thử thách và đau khổ như phương thế tuyệt hảo để thông phần vào mầu nhiệm khổ nạn của Chúa. đó cũng chính là đòi hỏi thiết yếu của một người môn đệ Chúa Kitô “Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ chính mình vác thập giá mình mà theo”. Lạy Chúa Giêsu, với bản tính yếu đuối chúng con thường tìm sự dễ dãi bản thân, xa tránh hay đặt để những khó khăn, những trái ý lên người khác hầu mong tìm kiếm sự bình an cho chính mình. Chúng con cũng giống như những môn đệ xưa kia đã vấp ngã trong thử thách đầu tiên để trở nên người môn đệ của Chúa. Các môn đệ đã bỏ Ngài mà chạy trốn. Họ không thể đứng vững trước sự vấp phạm của đau khổ và thập giá. Xin cho con biết đón nhận thập giá đời mình với tất cả lòng tín thác và tinh thần trách nhiệm để nhận ra được giá trị cao quý của đau khổ trong cuộc sống là thanh luyện bản thân và là phương thế giúp con biết nhạy cảm hơn trước những nhu cầu của người khác bằng cách đưa vai gánh lấy thập giá của nhau trên hành trình trở nên người mộn đệ đích thật của Chúa. Amen.§
Lộ
Trình Hòa Bình Bước đường trần thế có bao nhiêu đoạn gập ghềnh, khúc khuỷu ? Không thử thách, con người không thể lớn lên. Không thách đố, không dễ tìm ra sự thật. Con đường lên Giêrusalem cũng đầy trắc trở. Bước theo Ðức Kitô, chúng ta sẽ khám phá cả một lộ trình hòa bình. Mục tiêu xác định ý nghĩa và giá trị của lộ trình đó. Mục tiêu là Giêrusalem, một “kinh thành hòa bình.” NHẬN DIỆN MÔN ÐỆ Thày cương quyết hướng về Giêrusalem, để hy sinh chính mình cho công cuộc hòa giải giữa Thiên Chúa và con người. Người hướng lên Giêrusalem để vạch trần những giáo lý, ý thức hệ, hay những mưu đồ đang làm lu mờ kế hoạch tình thương của Chúa Cha ở Giêusalem, trung tâm quy tụ mọi sinh hoạt quần chúng. Thiên Chúa muốn dùng Israel chứng tỏ cho muôn dân biết lòng thương xót và sự công chính của Người. Theo các ngôn sứ, chính tại Giêrusalem sẽ thiết lập ngai vàng vua Ðavít, sẽ có việc thờ phượng đích thực, và mọi người sẽ học trọn vẹn kinh Tôra, để chuẩn bị nghênh đón một ngôn sứ như Môsê. Bởi thế Giêrusalem phải là nơi hoạt động của Chúa Giêsu, cho tới khi mọi sự được hoàn thành. Từ Galilê lên Giêrusalem phải băng qua Samaria. Khởi điểm chưa gặp thách đố. Nhưng bắt đầu từ Samaria, sóng gió nổi lên. Thách đố lớn nhất không phải là Samaria, nhưng là chính các môn đệ. Bước chân môn đệ không cùng nhịp với Thày. Trái lại, họ như khựng lại vì tảng đá hận thù bên đường. Dù đã theo Chúa bao năm, ông Giacôbê và Gioan cũng không thoát khỏi tinh thần thế tục. Họ đề nghị trả thù dân làng Samaria. Nếu Chúa chiều theo, cuộc hành trình hòa bình đã biến thành bạo lực ngay từ đầu. Tin Mừng đánh mất bản chất. Sứ mệnh cứu độ của Chúa bị chính môn đệ thân tín phá hỏng. Cuộc quy tụ quanh Ðức Giêsu trở thành vô nghĩa. Bởi đấy, để giữ vững mục tiêu cuộc hành trình hòa bình, “Ðức Giêsu quay lại quở trách các ông.” (Lc 9:56) Chúa thà hy sinh chính mình còn hơn thấy dân chúng phải đau khổ và chết chóc. Chúa không đi tìm danh vọng nơi người Samaria hay bất cứ ai. Bởi thế, khi thấy không được họ đón tiếp, Chúa vẫn bình tĩnh, chứ không rối loạn như các môn đệ. Các ông mất bình tĩnh vì các ông không có mục tiêu rõ rệt và còn mê mải tìm danh vọng trần thế, mặc dù vẫn theo sát gót Chúa Giêsu. Chẳng gì có thể cản bước chân Chúa. Người cương quyết không nhượng bộ bất cứ môn đệ nào. Không thể nhân danh Thày mà làm những điều hại tới quần chúng. Càng làm môn đệ, càng phải biết tôn trọng mạng sống và quyền lợi của người khác. Những khác biệt về tư tưởng, lối sống, phong tục, tôn giáo v.v. không phải là những yếu tố làm cho con người xa nhau và bị đánh giá thấp. Vấn đề thứ nhất đã vượt qua. Tiếp theo là những vấn đề đặt ra với ba hạng người khác nhau trên lộ trình gian khổ đó. Người thứ nhất sẵn sàng theo Chúa đi khắp nơi. Hẳn Chúa phải vui lòng khi nhìn đến tấm lòng quý hiếm của anh. Có thể thấy mẫu người thứ nhất nơi thánh Phêrô. Lúc nào ông sẵn sàng theo Chúa, nhưng khi cơn khốn cùng ập tới, không biết anh còn can đảm không ? Cũng có lẽ anh chàng ấy cũng tốt lành như người thanh niên giàu có. Nhưng liệu anh có dám từ bỏ nếp sống êm ả để lao vào cảnh “đầu đường xó chợ” với Chúa không ? Câu trả lời hoàn toàn tùy thuộc vào quyền tự do lựa chọn của anh. Có tháo gỡ chính mình khỏi những ma lực vật chất, anh mới có thể thấy rõ bản chất “Lời Chúa là thần khí và là sự sống.” Người thứ hai cũng tốt lành như người thanh niên giàu có. Có lẽ anh đã giữ Mười Ðiều Răn ngay từ thuở nhỏ. Bằng chứng anh là người con rất hiếu thảo. Nhưng muốn theo Ðức Kitô để “loan báo Triều Ðại Thiên Chúa,” (Lc 9:60) anh còn phải tiến xa hơn nữa. Ở đây, anh phải đứng trước sự lựa chọn rất lớn, một là cha mẹ, hai là “Triều Ðại Thiên Chúa.” Ðây là một quyết định rất khó khăn. “Thế nhưng, đối với Chúa Giêsu thì chẳng thể có môn đệ, cũng chẳng có đường vào Nước Thiên Chúa, nếu đã không qua một kinh nghiệm về tự do ; và nếu một ai đó chưa hề dám đi ngược lại với cách suy nghĩ và tiếp nhận của môi trường mình sống, thì khó mà nghĩ được rằng người đó thật sự tự do.” (1) Tự do đích thực phải đem lại sự giải thoát hoàn toàn tại Giêrusalem. Chỉ khi nào nhắm hướng tới Nước Thiên Chúa, người ta mới có thể bước ra khỏi nhà. Môn đệ Chúa Kitô không phải là cậu ấm suốt ngày cứ quanh quẩn với mẹ.
Không đi
khắp bốn phương Trời Người thứ ba cũng tương tự như người thứ hai. Anh là người có nhiều tương quan tốt đẹp với mọi người thân quen. Trước khi bước theo Thày, anh chỉ xin một cơ hội từ giã, chứ không phải thi hành một bổn phận nặng nề như người thứ hai. Nếu đột ngột dứt bỏ những tương quan đó, anh có thể làm cho mọi người thất vọng. Những mối liên hệ tình cảm đó chứng tỏ anh là một người hào hiệp và hoàn toàn trưởng thành. Giá trị nhân bản đó không có gì trái ngược với điều kiện theo Chúa. Nhưng mối liên hệ cũ có thể làm xáo trộn tâm hồn và cộng đoàn môn đệ, bởi đó có thể gây trở ngại bước tiến của Nước Thiên Chúa. Sống giữa các mối liên hệ chồng chéo nhau, tâm hồn người môn đệ dễ bị xé rách và có thể không đầu tư hữu hiệu cho công cuộc lớn lao. Như thế, trên bước đường lên Giêrusalem, Ðức Giêsu đã đụng bốn hạng người khác nhau. Tất cả đều phải hy sinh vì một giá trị cao cả là Nước Thiên Chúa. Nhưng trong cả bốn hạng người đó, không ai hy sinh bằng Chúa. Dù phải đi vòng quanh Samaria để tới nơi đang có những người chờ bách hại và giết chết mình, Chúa vẫn thẳng hướng Giêrusalem. Chỉ vì vâng phục Chúa Cha và yêu thương chúng ta, Chúa đã chịu một điều kiện khắt khe hơn ai hết. Nhờ thế, Người đã để lại một gương mẫu tuyệt vời cho người môn đệ. THEO ÐỨC KITÔ Suốt cuộc hành trình, một tiếng gọi duy nhất vang lên trong lòng môn đệ : “Anh hãy theo tôi !” (Lc 9:59) “ Theo Chúa Kitô là nền tảng cốt yếu và căn bản của nền đạo đức của Kitô hữu.” (2) Theo Chúa, người môn đệ bị đòi hỏi gắt gao đến nỗi, “ai không từ bỏ chính mình, thì không thể làm môn đệ Thày.” “Theo Chúa Kitô không phải là bắt chước bên ngoài, vì việc theo Chúa đụng chạm tới chiều kích sâu thẳm nhất của bản chất con người. Làm môn đệ Chúa Kitô có nghĩa là sống phù hợp với Ðức Kitô, người tôi tớ đã hiến chính mạng sống mình trên thập giá (x. Pl 2:5-8).” (3) Chúa Kitô là ai mà có quyền đòi hỏi và lên tiếng kêu gọi như thế ? Sau khi Chúa Phục Sinh, nhờ Thánh Linh, các môn đệ mới hoàn toàn tin tưởng vào Chúa Giêsu. Chúa nằm ở trung tâm của niềm tin vì là Con Thiên Chúa đã hoàn thành công cuộc hòa giải nhân loại với Chúa Cha qua những đau khổ và cái chết của Người trên thập giá. Chúa Kitô đúng là một vĩ lãnh đạo đầy bản lãnh. Chúa có thể vượt trên mọi tranh chấp và chấp nhận hy sinh tới cùng. Ðó không phải là con đường dẫn tới bế tắc, nhưng đưa con người vào một bầu trời tự do rực rỡ. Muốn làm môn đệ Chúa Kitô, “phải bám chặt con người Ðức Giêsu, tham dự vào sự sống và thân phận của Người, cùng Người vâng phục thánh ý Chúa Cha một cách tự do và trìu mến.” (4) Nói khác, điều kiện tiên quyết và duy nhất là tin vào Ðức Giêsu Kitô. Nhờ niềm tin này, người môn đệ mới thấy tại sao Chúa đòi hỏi quyết liệt như thế. Nếu không, họ sẽ thấy toàn những đòi hỏi vô lý và không tưởng. Gặp hoàn cảnh khó khăn, họ sẽ dễ dàng nhượng bộ và hòa giải. Ðức tin chính là ánh sáng và sức mạnh đưa người môn đệ ra khỏi vòng lý lẽ thường tình. Không bắt đầu từ niềm tin vào Ðức Giêsu Kitô, không thể có diễn trình hòa bình. Diễn trình hòa bình biến thành cuộc hành trình đức tin. Ðức tin là một ân sủng và cũng là động lực cho mọi dấn thân theo Chúa. Không đặt hết tin tưởng nơi Chúa Cha, Ðức Giêsu cũng không thể hướng tới Giêrusalem. Cụ thể, niềm tin biến thành ơn gọi cho người môn đệ. Có ơn gọi mới có thể lắng nghe tiếng Chúa và hiểu được Lời Chúa. Không được gọi, con người chỉ thấy phiến diện và lợi dụng Lời Chúa cho những mục tiêu trần tục, nhất là chính trị. Không bao giờ Lời Chúa phục vụ những quyền lợi đảng phái và đứng về phía kẻ mạnh để đàn áp con người. Trái lại, Lời Chúa luôn giải thoát con người khỏi những ràng buộc tình cảm và tư lợi. Những gì đề cao con người đều có thể tìm thấy nền tảng và sức mạnh trong Lời Chúa. ÐƯỜNG CHÚNG TA ÐI Sau khi tái sinh trong Ðức Kitô, chúng ta đón nhận ân huệ Thánh Linh vào tâm hồn. Người hướng tâm hồn chúng ta theo lẽ công chính. Chúng ta hy vọng hoàn thành cuộc hành trình trên đời. Nhờ lửa Thánh Linh thánh hóa, chúng ta hy vọng hưởng niềm vui và bình an vĩnh hằng trong Giêrusalem Thiên Quốc. Cuộc hành trình đức tin vui như ngày hội vì Nước Chúa đã đến. Tin Mừng đang được loan báo giữa muôn dân. Mở đầu Tin Mừng, Chúa Giêsu kêu gọi mọi người sám hối và sống công chính. Trong muôn vàn lo toan trên đời, “trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người.” (Mt 6:33) Ðó là trọng tâm của Tin Mừng. Ðó cũng là nguyên tắc hướng dẫn mọi sinh hoạt của người môn đệ Ðức Kitô. Không theo nguyên tắc đó, nhiều người đang đánh mất bản chất và sứ mệnh ngôn sứ của mình. Tin Mừng trở thành trò chơi chữ nghĩa và bị lạm dụng vào những mục tiêu phàm tục. Không thể rao giảng Lời Chúa với bất cứ giá nào hay bất cứ cách nào. Lời Chúa không lót đường cho bất cứ quyền lợi nào, dù là quyền lợi của Giáo hội. Chẳng hạn, không thể vì muốn rao giảng Tin mừng cho ai đó, để có nhiều thuận lợi hơn trong sinh hoạt, mà chúng ta đánh mất cả sứ mệnh và bản chất Lời Chúa. Chúa Giêsu đã từ chối những phương tiện tối thiểu và đòi hỏi môn đệ noi theo để Tin Mừng có khả năng giải thoát và đem lại hòa bình cho muôn dân. Chỉ nhằm mục đích đạt đến những thuận lợi vật chất hay những an ủi trần tục, Tin Mừng sẽ mất hết sức mạnh cứu độ. Dĩ nhiên, phải lợi dụng mọi cơ hội thuận nghịch để rao giảng. Nhưng không thể uốn Lời Chúa theo mà chiều theo thị hiếu, quyền lợi hay những đam mê cuồng nhiệt của tuổi trẻ hay bạo quyền. Lời Chúa bao giờ cũng là “chân lý và là sự sống.” Không thể ngả theo thời đại dối trá để trình bày Tin Mừng. Cũng không thể đầu hàng tử thần để có cơ may rao giảng Tin Mừng sự sống. Có những người đã giải thích và rao giảng Tin Mừng theo chiều hướng chính trị. Họ lấy những quyền lợi kinh tế của tổ quốc và toàn dân để khỏa lấp công lý. Nhưng con người không phải chỉ có cái bụng. Con người còn có đầu óc, con tim và linh hồn nữa ! Họ cho rằng không thể tìm thấy Nước Chúa ở trần gian, vì Chúa quả quyết : "Nước ta không ở dưới trần gian nầy..." Giả sử tìm Nước Chúa ở trần gian, tại sao lại không thấy ? Nếu tự hào thông suốt Kinh thánh, tại sao lại quên lời thánh Phaolô : “Nước Thiên Chúa là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14:17) ? Nơi đâu có công lý, Nước Thiên Chúa xuất hiện. Tranh đấu cho công lý là đi tìm Nước Chúa. Bao lâu còn bất công, vẫn cần đến những con người bước vào lộ trình hòa bình với Ðức Kitô. Lộ trình ấy đang mở ra . . . Lạy Chúa, trong cuộc lữ hành trần gian hôm nay, xin cho con luôn hướng về Giêrusalem Thiên Quốc là kinh thành hòa bình. Xin cho con biết hy sinh chính bản thân để công lý chiếm ngự trên quê hương. Amen.
1. Lời Chúa Cho Mọi Người, 2005:329. 2. Veritatis Splendor, số 19. 3. ibid, số 21. 4. ibid, số 19.
TẬP QUÊN MÌNH ĐỂ THEO
CHÚA Chúa Giêsu làm một cử chỉ mở đầu cho bài phúc âm hôm nay là Ngài đã liên tiếp chữa nhiều người bệnh sau sứ vụ rao giảng. Tuần vừa qua, Chúa Giêsu nói “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bởi các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư chối từ, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ chỗi dậy”. Chúa Giêsu đã đi khắp các nơi với các môn đệ, và sự chống đối Ngài ngày càng gia tăng. Nếu Ngài cứ tiếp tục hành động như vậy, Ngài sẽ thấy là sứ vụ của Ngài sẽ đưa Ngài đến những khổ hình và chịu chết. Tuần vừa qua Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đồng hành với Ngài; từ bỏ chính mình để vác thánh giá và theo chân Ngài. Điều đó sẽ dẫn chúng ta đến hành vi khai mở của Chúa Giêsu làm cho chúng ta hiểu rõ sứ vụ của Ngài. Thánh Luca viết: “…Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem”. (môt cách dịch khác là “Người đanh nét mặt”) Nói cách khác nữa là Chúa Giêsu “môi miệng Ngài là tiền bạc”. Nói khác hơn nữa là, Chúa Giêsu quyết định” đi đến nơi Ngài sẽ chịu khổ hình và sẽ bị giết. Điều Chúa Giêsu muốn các môn đệ làm gì thì chính Ngài làm trước. Chúa Giêsu quên mình, và vác thánh giá hang ngày. Từ đó Chúa Giêsu sẽ lặp đi lặp lại quyết tâm lên Giêrusalem hàng ngày như Ngài đã mời gọi nơi mỗi người chúng ta. Lên Giêru-salem là việc làm nghiêm túc và dứt khoát, và chúng ta được mời gọi theo Ngài. Hành trình là một chủ đề phổ biến của nhiều tôn giáo. Theo tryền thống, trong cuộc hành trình, các tôn giáo thường đòi hỏi các tín hữu hãy bỏ lại những thói quen thế tục với những ảo tưởng an toàn vật chất trong các hỗi trợ đời sống trong từng thời điểm đổi thay. Vì sao phải thay đổi như thế, vì sao phải đến nơi xa lạ và vì sao phải chịu khó từ bỏ các đã quen để lãnh lấy cái chưa quen? Tại sao phải đi vào một con đường xa lạ đầy bấp bênh, trong khi những lối mòn quen thuộc đang ở trước mắt mình? Bởi vì chúng ta thấy được ở cuối cuộc hành trình sẽ có ánh sáng mới và đem lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta. Thật vậy, trong cuộc hành trình chúng ta sẽ biết thêm được những điều sẽ làm cho chúng ta cảm thấy việc chúng ta đã chọn đều đúng. Chúa Giêsu, người hướng dẫn tinh thần chúng ta, mời gọi các môn đệ Ngài cùng đi với Ngài trên cuộc hành trình này. Khi đồng hành, Ngài sẽ tiếp tục dạy dỗ, và chỉ cho chúng ta thấy việc theo Ngài sẽ đưa về đâu. Chúa Giêsu không hứa hẹn là Ngài sẽ trả lời tất cả các câu hỏi của họ, hãy đưa một giải pháp cho những điều họ nghi ngờ. Chúa Giêsu khuyên bảo họ là hàng ngày họ phải hy sinh. Trong lúc các môn đệ không hiểu những việc gì sẽ xảy đến, họ sẽ luôn có Chúa Giêsu cùng đồng hành. Ngài sẽ sửa đổi mỗi khi họ sai đường, sẽ tha thứ khi họ lầm lỗi. Ngài sẽ giúp họ bỏ lại những tiện nghi vật chất để hành trang được nhẹ nhàng hơn. Vì thế khi họ thành công, không do kinh nghiệm mà họ có, cũng không bởi hành trang mà họ mang theo, nhưng là bởi ân huệ Chúa Giêsu ban cho những ai có tâm hồn nghèo khổ. Ngày bắt đầu cuộc hành trình, chúng ta gặp ngay những đòi hỏi để theo chân làm môn đệ Chúa Giêsu. Sau câu chuyện ngày hôm nay, các môn đệ sẽ bắt đầu hỏi Chúa Giêsu là cần điều kiện gì để trở nên môn đệ Ngài. Bài phúc âm hôm nay nói rõ sự thật là họ còn phải học nhiều. Chúa Giêsu sẽ nói cho Gioan và Giacôbê từ bỏ những đòi hỏi tâng bốc các ông, từ bỏ sự nóng giận vì các ông bị dân Samaritano từ chối các ông và đuổi các ông đi “đến các làng mạc khác”. Đó có phải là một chuyện đáng bực tức vì bị ruồng bỏ trong đời mình không? Đấng đã dẫn dắt chúng ta trên đường đời sẽ giúp chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta trông thấy rõ ràng là theo Chúa Giêsu không phải là chỉ dấn thân một chút thôi. Nhưng Ngài đòi hỏi chúng ta dâng hiến trọn đời, kể các việc phải từ bỏ các mối liên hệ quan trọng. Trong phúc âm thánh Luca có những câu chuyện nhẹ nhàng về Chúa Giêsu trong lúc bệnh, tiếp người xa lạ, ăn uống với người tội lỗi. Nhưng, hôm nay Chúa Giêsu đòi chúng ta: Hãy dấn thân hoàn toàn. Nếu những điều Chúa Giêsu nói với các môn đệ về tương lai của họ làm chúng ta khó chịu thì hãy giữ đó. Chúng ta hãy suy niệm lời Chúa Giêsu và suy gẫm thử xem chúng ta đang ở vào thời kỳ nào trong cuộc đồng hành với Chúa Giêsu. Phải từ bỏ những gì, phải đánh giá lại những điều gì để đáp lại lời mời gọi đầy hứa hẹn của Chúa Giêsu “Hãy theo Ta”? Tất cả những cuộc hành trình tôi đã đi qua đều đưa tôi trở về quê nhà. Mặc dù tôi rất vui khi đến những nơi xa lạ, gặp những người chưa quen, nhưng vẫn mong đựơc trở về chốn quen thuộc, nơi phòng tôi sống, nơi có láng giềng và có cộng đoàn quen thuộc hàng ngày. Nhưng khi đi theo Chúa GIêsu không có nghĩa là sẽ trở về lại quê nhà quen thuộc, Đi theo Chúa Giêsu là đi không trở lại, về một nơi xa lạ. Còn tệ hơn nữa là không có bản đồ để giúp chúng ta khi đến ngã ba. Tôi đã rất ngạc nhiên gặp những khúc quanh co trên con đường đời của tôi. Nhiều lần tôi đã phải nói “Tôi không ngờ tôi lại làm việc như thế này!”, hay “Tại sao tôi lại đến đây?”. Các bạn đã có lần nào nói như vậy chưa? Và có lẽ còn nói nhiều nữa là khác khi các bạn đã cùng đồng hành với Chúa Giêsu? Các bạn đã bao giờ bị lạc trong một thành phố lạ, và phải nhờ người lạ chỉ đường cho bạn. Và đáng lẽ họ chỉ đường thì họ lại nói “theo tôi, tôi sẽ chỉ cho bạn” chưa? Bạn có đặt tin tưởng vào người đó khi đi theo họ một đoạn đường. Sự tin tưởng bạn đặt vào người đó đã giúp ích cho bạn. Bạn không còn lạc đường nữa, và đã đến nơi bằng an. Thật nghe giống như trong bài phúc âm hôm nay. Ngoại trừ chúng ta đang trên cuộc hành trình, tin tưởng và nhìn theo Đấng đã nói “Hãy theo Ta” và sẽ đưa chúng ta đến nơi chúng ta muốn. Còn chuyện vô gia cư mà Chúa Giêsu đã nói trước cho những người theo Ngài? (… Con Người không có chỗ tựa đâu”) Phần đông ít ai bán tất cả của cải rồi lên đường dấn thân hoàn toàn hay làm lại cuộc đời để theo Chúa Giêsu. Nhưng, điều đó không có nghĩa là họ chưa có kinh nghiệm sống vô gia cư trong đời họ như từ bỏ những tiện nghi vật chất để sống một đời đơn sơ. Hay họ chọn lối sống Kitô Hữu khác hơn lối sống thường của những người quen thuộc. Hoặc bỏ ý định xây thêm phòng, mà dùng tiền và thời giờ giúp xây cất nhà cho những người vô gia cư. Phục vụ vì danh Chúa Giêsu có thể làm cho chúng ta ra khỏi nhà một hay nhiều lần trong tuần (hình thức vô gia cư) như đi thăm kẻ tù tội, giúp việc nhà xứ; gia sư cho người nhập cư, hay giúp nâng cao tay nghề cho những họ sinh nơi trường học địa phương. Để đi theo Chúa Giêsu, có thể đòi hỏi nơi chúng ta nhiều hy sinh hơn nữa, và gặp sự chống đối, chịu khó nhọc vì đức tin. Đức tin giúp chúng ta làm môn đệ Chúa Giêsu chứ không dành cho kẻ yếu đuối. Nhưng, ngay cả những người mạnh mẽ trong chúng ta chưa chắc có thể sống đúng với những yêu cầu của Chúa Giêsu đòi hỏi nơi chúng ta? Các môn đệ đầu tiên đi theo Chúa Giêsu lên Giê-ru-sa-lem biết Ngài, cùng đi với Ngài nhưng rồi thất vọng nặng nề. Nếu chúng ta muốn đi hết cuộc hành trình thì chúng ta phải tin tưởng vào Chúa Giêsu. Chúng ta không thể tự đi một mình, vì nếu không có Chúa Giêsu nâng đỡ, chúng ta có thể đi lạc hướng. Theo Chúa Giêsu vài ngày có thể không đến nơi được và mệt nhọc, nhưng chúng ta cần nhiều nghị lực để tiếp tục cuộc hành trình cho đến cuối. Bài đọc hôm nay và bí tích Thánh Thể giúp chúng ta lãnh nhận lương thực đi đường. Những gì chúng ta không tự mình làm được, hãy cùng làm với Chúa Giêsu. Hôm nay chúng ta lại nghe lần nữa lời mời gọi của Chúa Giêsu “Hãy theo Ta”, ngay cả ở chặng đường mới này của cuộc sống chúng ta với bao nhiêu thử thách và ngăn trở đức tin. Khi chúng ta rước lễ, chúng ta đáp lại lời mời gọi của Đấng sẽ đồng hành với chúng ta trong hành trình trước mắt. Lm. Jude Siciliano, OP. (Học viện Đaminh chuyển ngữ)
Điều gì xảy ra trên hành trình theo Chúa? 1V 19, 16. 19-21; Tv 16; Gl 5, 1.13-18; Lc 9, 51-62
Kính thưa quý vị, Những ai chú ý đến các bài đọc hôm nay có thể tự nhủ rằng: “Điều gì đang xảy ra ở đây vậy?” Ông Êlisa đang giết bò và Chúa Giêsu đang từ chối những ứng cử viên tiềm năng làm môn đệ. Chúng ta biết rằng những tác giả soạn thảo Sách bài đọc đã chọn bài đọc thứ nhất dưới ánh sáng Tin Mừng. Vì vậy, các bài đọc có liên quan với nhau, chúng ta hãy nhìn vào đó và cố gắng trả lời câu hỏi đầu tiên rằng: “Điều gì đang xảy ra ở đây vậy?” Sách các vua quyển thứ I bao gồm phần lịch sử của dân tộc Israel, sau khi vua Đavít băng hà, quyền lực được chuyển giao cho vua Solomon. Sách các vua I cho ta trình thuật về triều đại của vua Solomon và công trình Đền Thờ của ngài. Về sau, nền quân chủ được chia ra các vương quốc miền Nam và miền Bắc. Sự phân chia này dẫn đến triều đại Ahab, lúc đó ông Êlia (nhân vật nổi bật trong bài đọc một) là hình ảnh ngôn sứ lớn. Nhiều biến cố trong cuộc đời của ông Môsê được tóm kết nơi ông Êlia, ví dụ: ông Êlia có thị kiến về Thiên Chúa trong sa mạc và rẽ nước làm hai tại sông Jordan, đồng thời vượt qua con sông đó, tựa như ông Môsê đã vượt qua Biển Đỏ vậy. Ông Êlia phải trốn vào sa mạc để thoát khỏi những mối đe dọa của ông Jezebel. Ông Êlia đã lưu lạc trong vùng hoang vắng suốt “bốn mười ngày và bốn mươi đêm” (gợi nhớ hành trình 40 năm trong sa mạc của ông Môsê). Ông Êlia thường được mô tả như một người hành hương, nhưng thực ra ông được cảnh báo nhờ mối đe dọa của ông Jezebel. Ông lưu lạc trong hoang địa mà không có đồ ăn thức uống gì, và ở đó Thiên Chúa đã nuôi sống ông. Giống như ông Môsê trên núi Sinai, thì trong một hang động, ông Êlia đã nhìn thấy Thiên Chúa đi qua. Nơi đó, Lời của Người đến với ông trong một “âm thanh rất khẽ khàng.” Thiên Chúa không xuất hiện trước một ngôn sứ sợ sệt trong thần hiện uy nghi của Người, nhưng Người xuất hiện theo cách thức mà chúng ta cũng có kinh nghiệm gặp Người là trong một “âm thanh rất khẽ khàng.” Những điều bắt đầu như một tai ương cho ông Êlia đã cuốn thành một hành trình đối với Thiên Chúa. Trong thời gian lẫn trốn, sợ hãi, mệt mõi, thao thức của ông Êlia, hoang địa đã làm ám ảnh ông. Nhưng Thiên Chúa lại kêu gọi ông. Ông Êlia có thể trốn chạy ơn kêu gọi trong nỗi sợ hãi, nhưng thực ra hành trình của ông là một cuộc hành hương nhờ Thiên Chúa dẫn dắt. Thiên Chúa bắt gặp ông Êlia chạy trốn và trợ lực cho ông nên ông có thể hoàn thành lời kêu gọi mà Thiên Chúa đã dành cho ông. Vậy ông có còn sợ hãi nữa chăng, hoặc liệu ông có đáp lại lời kêu gọi của Thiên Chúa hay không? Ông Êlia khảng khái đáp lại lời kêu gọi của Thiên Chúa, vì như chúng ta, ông muốn làm những điều ngay chính, mặc dù còn đó bao khó khăn, sợ hãi và cám dỗ. Sau những thử thách này, Thiên Chúa đã cho ông Êlia một người bạn đồng hành là ông Êlisa, ông này sẽ là người thừa kế của ông Êlia. Ông Êlia yêu cầu người đồng nghiệp mới dẹp bỏ tất cả sang một bên, thậm chí bỏ cả công việc và gia đình để theo ông và khám phá ý định của Thiên Chúa cho chính cuộc đời mình. Từ đây, vị ngôn sứ mới này cũng nuôi sống người khác bằng Lời Thiên Chúa. Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh một bước ngoặt nơi thánh sử Luca. Đó chính là phần mở đầu của tường thuật về hành trình lên Giêrusalem của Đức Giêsu. Không giống như ông Êlia, Đức Giêsu không do dự và cũng chẳng yếu hèn trong quyết định của mình để hoàn thành sứ vụ. Người không chạy trốn vào sa mạc, nhưng trong sa mạc, sứ vụ và căn tính của Người được xác định rõ ràng và trở nên mạnh mẽ hơn (Lc 4,1-13). Nơi Đức Giêsu, chẳng có nghi ngờ gì về căn tính cũng như sứ vụ của Người, vì Người “nhất quyết đi lên Giêrusalem.” Mặc dù Đức Giêsu bị các giới tôn giáo gán cho cái biệt danh là tay ăn nhậu, phường say sưa, kẻ lộng ngôn hoặc một người vi phạm lề luật, nhưng Người nhất quyết đi lên Giêrusalem, nơi đó Người sẽ đón nhận sự chống đối gay gắt – đây là một loại hình độc nhất về việc hành hương lên Thành Thánh (Giêrusalem). Đức Giêsu ra đi không dựa vào sức riêng của mình, nhưng nhờ vào Chúa Thánh Thần hướng dẫn, Đấng ở cùng Người từ khi bắt đầu sứ vụ. Giống như ông Êlia, Đức Giêsu có người bạn đồng hành trên hành trình của mình nhờ Người cùng đi với những đồng nghiệp mới, các môn đệ, những người này đã sống với nhau như một cộng đoàn. Ngay từ ban đầu, Đức Giêsu đã nói rất rõ với các môn đệ về những hy sinh mà các ông sẽ phải gánh chịu để bước theo Người. Không lâu sau đó thì họ nhận được một phản ứng điển hình dành cho các ngôn sứ: những người họ gặp gỡ trên đường đã loại trừ họ. Người Samari không loại trừ các môn đệ vì họ là người Galilê và có mối hận thù trong quá khứ, nhưng vì các ông “đang đi về hướng Giêrusalem.” Đức Giêsu chống lại phản ứng bạo lực đối với người Samari. Trong thực tế, theo sách Công vụ Tông đồ, thánh Luca có tường thuật lại sự kiện người Samari sau cùng cũng đón nhận Tin mừng (8,5-25). Không giống như ông Elia, Đức Giêsu không hề do dự hay hèn yếu trong quyết định của Người để hoàn trọn sứ vụ. Người sẽ không dừng lại hay trì hoãn, thậm chí ngay cả khi người Samari từ chối tiếp đón Người. Trên con đường ấy, các môn đệ chẳng thể thoát khỏi cảnh trái ngang đó, mà còn được cảnh báo rằng: cái giá của việc theo Thầy Giêsu là sẽ bị khước từ. Lời đáp trả của Đức Giêsu đối với những người muốn theo làm môn đệ có vẻ là khắc nghiệt. Liệu có điều gì sai chăng khi có người xin phép về chôn cất cha của mình trước khi đi theo Đức Kitô? Thật ra, người thanh niên ấy muốn ở nhà cho tới khi cha mẹ anh ta qua đời. Ai mà biết được đến bao giờ thì sự việc ấy mới xảy ra? Nếu xét theo thời gian tính toán của chúng ta, thì Đức Giêsu không tạo điều kiện thuận lợi cho các môn đệ. Thậm chí Đức Giêsu còn từ chối một người muốn trở về nhà để từ biệt gia đình. Người môn đệ không phải chỉ làm một điều quan trọng trong vô vàn những điều quan trọng khác. Bởi lẽ, nếu chúng ta chấp nhận lời mời gọi theo Đức Kitô thì chính Người và các sứ vụ mà Người ban cho chúng ta phải là ưu tiên hàng đầu. Trong cuộc sống, chúng ta luôn luôn chẳng có sự lựa chọn nào trước đau khổ xảy đến với mình. Ta không thể tránh được bệnh tật, những giới hạn, và cuối cùng là cái chết. Đó là lẽ thường tình. Nhưng có những hy sinh, gánh nặng và khó khăn thì chúng ta lại có thể chọn lựa hay bỏ qua. Các thứ ấy xảy đến khi ta phải gánh chịu những hậu quả kèm theo sự lựa chọn của người Kitô giáo chúng ta. Chúng ta chọn hạnh phúc của người bạn hàng xóm đang cần sự giúp đỡ. Ta muốn giúp đỡ những người nghèo, ngay cả khi phải chia sẻ những nhu cầu của mình. Chúng ta không thinh lặng khi một người bị đàn áp hay bị đối xử cách bất công. Bạn đồng hành trên hành trình gian nan đến với Giêrusalem của chúng ta là chính Đức Giêsu, Người đã ban tặng cho ta cùng một Thánh Thần đã làm cho Người “nhất quyết… đi lên Giêrusalem.” Nếu tôi thấy thoải mái trong tôn giáo của mình và đã yên ổn trong việc phụng thờ ngày Chúa nhật như thường lệ, cùng với công tác tình nguyện trong giáo xứ, thì tôi có thể cảm thấy trình thuật Tin mừng hôm nay là dành cho một ai khác trong cộng đoàn. Có thể Đức Giêsu đang nói với những người đang chia rẽ và họ cần phải ngưng ngay việc chia rẽ đó. Họ phải chọn lựa và bắt đầu thực hành điều Người dạy. Còn với tôi thì vô can. Thế nhưng, chúng ta không thể giới hạn những điều Đức Giêsu nói vào những Kitô hữu bị khai trừ hay những người sao lãng đạo nghĩa trong giáo xứ. Đức Giêsu đang nói với mỗi người chúng ta là những môn đệ đang đồng hành với Người. Và đó là một con đường, không phải là một cái ghế dài cố định và thoải mái trong ngôi thánh đường. Chúng ta có thể gọi đó là một cuộc hành trình hay một cuộc hành hương, nhưng bất kể ta đặt tên cho nó là gì thì nó cũng sẽ đòi hỏi sự sẵn sàng gạt qua một bên những gì ta yêu mến nhất. Thậm chí chúng ta có thể phải chia tay với những người không đón nhận lời Đức Giêsu, nhưng chúng ta thì lại đang vâng nghe lời ấy. Ta có thể giải thích rõ ràng hoặc thương lượng các điều khoản trong cương vị của người môn đệ, nhưng ta chưa làm được, trừ phi chúng ta đang đồng hành với Đức Giêsu trên con đường. Chúng ta không thể tự mình đưa ra bất kỳ một điều kiện tiên quyết nào để trở thành người môn đệ.
|