Chúa Nhật XI Thường Niên - Năm C 2Sm 12,7-10.13 / Gl 2,16.19-21 / Lc 7,36 – 8,3
An Phong op : Tất Cả Là Yêu Thương Giacôbê Phạm Văn Phượng op : Bí Tích Hòa Giải Lm Đỗ Lực op : Áo Tím Ngày Xưa Laurensô Ninh Tú Toàn op : Bạn Đã Được Tha Thứ, Nhớ Đền Đáp Ơn Ngài Fr. Jude Siciliano, op. : Thành Tâm Sám Hối Chúa Sẽ Thứ Tha Fr. Jude Siciliano, op : Chớ Xét Đoán Anh Em Fr. Jude Siciliano, op: Tất cả được nên công chính nhờ tin vào Đức Kitô
Tất
Cả Là Yêu Thương 1. Yêu mến và được tha thứ Các nhà chú giải Thánh Kinh đã tranh luận nhiều mà không đi đến được một giải thích thoả đáng chung cuộc về mối tương quan giữa tình trạng được tha tội và lòng yêu mến của người phụ nữ. Có ba cách giải thích và cách nào cũng có phần có lý : - vì đã yêu mến nên có công phúc và được tha tội ("người phụ nữ tội lỗi đã được tha thứ vì đã yêu mến Chúa nhiều"; theo công thức : yêu mến - được tha tội); - chính vì được tha tội rồi nên mới yêu mến ("người phụ nữ tội lỗi đã được tha thứ bằng cớ là đã yêu mến Chúa nhiều"; theo công thức : được tha tội - yêu mến). - chính khi yêu mến là được vượt qua được xiềng xích của tội lỗi, vì tội lỗi chẳng qua là bức tường ngăn cách mối tương giao thương yêu giữa các ngôi vị với nhau ("tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, và bà đã yêu mến nhiều"; theo công thức : yêu mến = được tha tội); 2. Tha tội là nối lại tình thân Trong cuộc sống thường ngày, khi có một sự bất công về của cải hoặc danh dự, thì người ta phải dùng luật lệ để tái lập sự công bằng xã hội bằng cách bắt người này phải trả lại cho người kia điều thuộc về họ. Tuy nhiên, có một hậu quả quan trọng hơn mà luật lệ không thể nào làm được, đó là một sự trục trặc về tương quan tình thân mà hậu quả là hai người đó không còn có thể nói chuyện bình thường với nhau. Trong một xã hội "văn minh", một xã hội được điều hành bằng những luật lệ thông nhất, người ta chỉ có thể giải quyết những trục trặc theo luật lệ, và biến mọi hành vi xúc phạm đến nhau thành tội theo nghĩa luật pháp. Nhưng việc giải quyết theo luật chỉ là một cách hoá giải sự trục trặc trong thế giới của khái niệm công bằng; còn thực chất sự trục trặc về tình thân thì không thể nào luật pháp làm được. Để có thể tái lập lại cuộc sống thân tình, cần phải tìm cách nào đó để phá bỏ sự ngăn cách ấy, phá bỏ sự trục trặc về tình thương; điều đó chỉ có thể là tình thương, là thái độ đi bước trước của một bên nào đó... Trong đời sống Kitô hữu, tha tội, thực sự, không phải là tha một món nợ pháp lý nào, nhưng là chấp nhận nối lại mối giây thân tình. Tha tội chính là sự chấp nhận lại người bạn của mình; và được tha tội đó là được chấp nhận trong tình yêu thương. 3. Yêu mến là được tha tội Phải nhìn lại các mối tương quan giữa Thiên Chúa với con người một cách "người" hơn. Tin, được tha và tình yêu... tất cả những trạng thái đó diễn ra và thực hiện cùng một lúc, diễn ra trên con đường tiến tới gần Chúa hơn. Nó không phải là sự đối chiếu hai bản vẽ để sửa đổi những chỗ sai lạc là xong, nhưng nó là một hành trình tiến đến gần Chúa Giêsu. Càng đến gần Ngài thì càng được tha tội nhiều hơn, càng tin yêu Chúa nhiều hơn. Tóm lại là càng gắn bó toàn thể con người của mình với Ngài nhiều hơn. Yêu thương là tất cả ! Lạy Chúa Giêsu, Được "động chạm" đến Chúa, đó đã là sự tha thứ và là tình yêu quảng đại của Chúa dành cho con rồi. Xin cho con biết trân trọng tình yêu và trân trọng ơn tha thứ mà Chúa ban cho con qua bí tích Thánh Thể hôm nay.
Bí tích hòa giải Trong ba năm giảng dạy của Chúa Giê-su, chắc có nhiều phụ nữ được Chúa tha tội, nhưng Tin Mừng chỉ ghi lại hai trường hợp rõ ràng : một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình bị người ta đem đến hỏi Chúa để ném đá; và một phụ nữ được kể lại trong bài Tin Mừng hôm nay. Về người phụ nữ này chúng ta không biết rõ tên tuổi chị là gì, chỉ biết chị là một người tội lỗi. Nhưng có lẽ không tội lỗi ghê gớm như người ta tưởng hay gán cho chị là thứ đàng điếm, trắc nết, nếu là thứ đó thì không dễ gì vào được nhà một người Pha-ri-sêu đạo hạnh. Chị có tội công khai nào đó mà cả thành này đều biết, ngay chính chị cũng nhận mình là người tội lỗi và chỉ còn biết trông cậy vào lòng từ bi tha thứ của Thiên Chúa, nên chị đã mang bình ngọc đựng nước hoa đến tìm Chúa giữa đám thực khách tại nhà ông Si-mon. Chúng ta biết : người Do Thái khi ăn tiệc, họ thường nằm hơi ngả người ra phía sau và chân để trần ra ngoài chiếc phản, vì thế chị này đã dễ dàng xối nước mắt, nước hoa lên chân Chúa. Đó là một lần chị thú tội công khai, chị không xấu hổ thống hối lỗi lầm đời mình giữa một đám tiệc, chị đã khóc và khóc nhiều : khóc cho đời mình, khóc vì mình quá xấu xa, những giọt nước mắt nóng hổi ăn năn rơi trên chân Chúa, chị lấy tóc mình lau đi, rồi đổ nước hoa lên chân Chúa và hôn chân Chúa không ngừng, đó là tâm tình thống hối chân thành. Còn thái độ của Chúa Giê-su thì sao ? Chúa rất yêu thương người tội lỗi, Chúa dành cho người tội lỗi một tình yêu đặc biệt, như Chúa đã tuyên bố : “Tôi đến không phải để gọi người công chính nhưng để gọi người tội lỗi”. Vì thế, suốt đời Chúa, chúng ta thấy Chúa luôn đứng về phía những kẻ yếu đuối để bênh đỡ họ, không bao giờ Chúa đứng về phía người Pha-ri-sêu để kết án kẻ có tội. Thái độ của Chúa trong trường hợp người phụ nữ này chứng tỏ rõ ràng điều đó: Chúa cảm thông hoàn cảnh của chị ta, biết đâu vì chị quá nghèo mà phạm tội như vậy, biết đâu vì chị quá yếu đuối, Chúa hiểu tất cả, nên Chúa không nghiêm khắc, nhưng yêu thương chị ta. Chúa để cho chị ta gục đầu trên bàn chân Chúa và làm tất cả những cử chỉ mà lẽ ra không được để cho làm như vậy, và chính việc Chúa để cho chị ta tới gần Ngài gục khóc trên chân Ngài đã là dấu chứng tỏ rằng : Chúa tha tội cho chị ta, nhưng rồi Chúa cũng nói với chị : “Tội của chị đã được tha rồi”. Đây là lời đầu tiên Chúa trực tiếp nói với chị ta, chúng ta thấy là một lời tuyên bố đầy nhân từ và an ủi, rồi lời thứ hai và cũng là lời cuối cùng Chúa nói với chị ta : “Lòng tin của chị đã cứu chị, chị hãy đi bình an”, lại là một lời đầy khích lệ và xác nhận niềm tin của chị ta. Chúa Giê-su nhân từ và yêu thương người tội lỗi biết bao. Câu chuyện của bài Tin Mừng cho chúng ta thấy rõ ràng, đầy đủ những tiến trình của bí tích hòa giải, của một tội nhân hối lỗi ăn năn, thú nhận tội mình nơi tòa giải tội, nhận được ơn tha thứ và lòng yêu thương của Chúa. Sau khi thú tội xong, chúng ta cũng được nghe lời tha tội giống như lời tha tội mà người phụ nữ kia đã được nghe chính Chúa Giê-su nói với chị sau khi chị đã gục khóc dưới chân Chúa. Câu chuyện này cũng cho chúng ta hiểu sâu xa hơn về bí tích hòa giải. Bí tích này không phải là một thứ máy bán hàng tự động, cứ việc bỏ tiền vào, rồi ấn nút là được nghe lời tha tội, nhưng phải có lòng tin và sám hối chân thành mới có thể được ơn tha tội. Cũng chỉ có lòng tin mới làm cho người xưng tội nhận ra được rằng : lời linh mục nhân danh Chúa Giê-su nói với mình thật là lời Chúa Giê-su tuyên bố tha tội cho mình, giống như Chúa đã tha cho người phụ nữ. Người phụ nữ này chính là kiểu mẫu cho chúng ta khi lãnh nhận bí tích hòa giải, lòng tin, lòng mến, lòng sám hối, lòng khiêm nhường của chị ta là những tâm tình cơ bản chúng ta cần có khi lãnh bí tích này. Đàng khác, chúng ta hãy nhớ rằng : chủ đích của bí tích hòa giải không phải chỉ là kiểm điểm quá khứ nhưng còn hướng về tương lai, tạo nên một cơ hội “làm lại cuộc đời”. Quá khứ dầu sao đã qua, trong quãng đường sắp tới sẽ sống như thế nào mới là điều quan trọng. Cũng vậy, bí tích hòa giải không phải chỉ nhằm xóa tội nhưng còn cải hóa, đổi mới con người, làm chúng ta nên tốt hơn, giúp chúng ta tiến bộ hơn. Bí tích hòa giải quả thực là một ơn huệ lớn lao Thiên Chúa ban cho chúng ta. Vì thế, chúng ta hãy quý mến và gắn bó với bí tích này, siêng năng lãnh nhận để được nhiều hiệu quả (hữu ích).
ÁO TÍM NGÀY XƯA
Nữ minh tinh Paris Whitney Hilton nổi tiếng giàu có và tài hoa. Nàng được hưởng gia tài kếch sù của thân phụ. Danh Hiton nổi như cồn khi video tình dục của nàng phát tán trên mạng vào cuối năm 2003. Nàng trở thành thần tượng của nhiều thanh thiếu niên. Mấy ngày nay, giới truyền thông ầm ĩ về vụ nàng bị bắt nhiều lần lái xe đang lúc say rượu. Dư luận xôn xao vì nàng vô tù rồi lại được thả ra trước khi mãn hạn. Có những người lên tiếng bênh vực. Nhưng cũng có người chỉ trích vì hành vi của nàng có thể ảnh hưởng tới giới trẻ. Paris Hilton có khác người phụ nữ tội lỗi trong Tin Mừng Luca hôm nay không ? Cả hai đều là mục tiêu của dư luận. Nếu có mặt trong đám quần chúng đang vây quanh Paris Hilton hôm nay, Chúa Giêsu sẽ có cái nhìn và nhận định ra sao ? Có thể tìm thấy câu trả lời dễ dàng khi nhìn vào người phụ nữ tội lỗi trong bữa tiệc tại nhà ông Simon năm xưa không ? ÁO TÍM BAY BAY Hôm nay, ông Simon, một người thuộc nhóm Pharisêu, mở tiệc khoản đãi Ðức Giêsu. Ngoài dự tính của ông, một bóng áo tím xuất hiện. Nàng nổi tiếng “là người tội lỗi trong thành.” (Lc 7:37) Nàng càng lôi cuốn sự chú ý của mọi người khi tiến sát bên Chúa Giêsu. Mặc dù là nhân vật chính trong câu truyện hôm nay, nàng hoàn toàn thinh lặng từ đầu đến cuối. Khi bước vào nhà ông Simon, nàng mang theo “một bình bạch ngọc đựng dầu thơm,” (Lc 7:37) trị giá 300 quan tiền Rôma, tương đương với lương hàng năm của một công nhân trung bình. Một cảnh vô cùng cảm động và ngoạn mục diễn ra ngay trước mắt thực khách. Nàng “lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Nàng lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên.” (Lc 37:38) Những giọt nước mắt và dầu thơm đắt giá đó không phải là nguyên nhân làm Chúa tha thứ cho nàng, nhưng chúng là những hệ quả và dấu chỉ về ơn tha thứ mà nàng nhận được. Chính sự trần trụi túng thiếu hoàn toàn của nàng và chính việc hoàn toàn tin tưởng vào ơn tha thứ đã làm cho Chúa Giêsu tha tội cho nàng. Nhưng đó chưa phải là điểm chính trong bữa tiệc hôm nay. Dưới mắt ông Simon và đồng bạn, vấn đề nổi cộm liên quan tới tư cách ngôn sứ của Ðức Giêsu (x. Lc 7:39). Theo truyền thống, cũng như mọi người Pharisêu khác, ông được mời gọi tránh xa người tội lỗi, vì sợ “gần mực thì đen” ! Thiên Chúa yêu thương những người tuân giữ Lề Luật như ông. Ngược lại, vì không tuân giữ Lề Luật, hạng tội lỗi không được Chúa yêu thương. Vậy tại sao Ðức Giêsu không xa lánh người phụ nữ tội lỗi này ? Phải chăng Người không được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn ? Rõ ràng đối với người Pharisêu, sự “công chính” là tiêu chuẩn duy nhất phân biệt và đánh giá con người. Sự “công chính” đó không biết gì đến “đức khôn ngoan của Thiên Chúa cũng như thực tại của lòng người.” (1) Trong đường lối quan phòng kỳ diệu, Thiên Chúa muốn con người dần dần cảm nghiệm sâu xa về tình yêu chân chính của Người, một tình yêu chỉ biết cảm thông và tha thứ. Không biết đến thực tại đó là không biết Thiên Chúa. Thực tế, ông Simon cứ tưởng biết hết về Thiên Chúa khi đã nắm vững toàn bộ Lề Luật, bất kể con người. Lề Luật đã làm ông trở nên vô cảm trước những đau khổ và nhức nhối của lương tâm tội nhân. Tình yêu vượt qua tất cả và làm cho con người xích lại gần nhau. Chỉ tình yêu mới giải thích nổi cả hành động của người phụ nữ tội lỗi lẫn việc Chúa Giêsu chấp nhận nàng. Dưới ngòi bút Luca, Ðức Giêsu được đặc tả như biểu tượng lòng trắc ẩn và sự tha thứ của Thiên Chúa. Chắc chắn kinh nghiệm đã cho thánh Luca cảm thấy Ðức Giêsu có một bản chất bao dung. Ðiều duy nhất Chúa quan tâm đó là tình yêu nơi con người được tha thứ. Người phụ nữ tội lỗi không có khả năng tuân giữ các Lề Luật. Nhưng chắc chắn nàng hiểu tầm quan trọng của công việc phục vụ vì tình yêu. Nhưng làm sao nàng có thể diễn tả điều đó cho ông Pharisêu bây giờ ? Nàng có thể bị kết án nặng nề nếu lên mặt dạy dỗ các bậc thày “công chính.” Nàng vẫn thinh lặng. Hành động đủ thay thế lời nói. Nếu đưa một mớ lý lẽ thuyết phục ông Pharisêu, chắc chắn Ðức Giêsu cũng khó thành công, vì ông đã sống lâu trong não trạng và phong tục phân biệt tốt xấu theo Lề Luật rồi. Bởi thế, Chúa đã kể một câu truyện rất thực tế và có sức thuyết phục ghê gớm. Hai con nợ đều được tha, mặc dù số nợ rất khác nhau. Người được tha nhiều sẽ yêu nhiều hơn. Tình yêu là hệ quả tất yếu của ơn tha thứ. (2) Chính vì nhận thức về sự tha thứ đó, người phụ nữ mới dám tỏ tình thương và lòng ngưỡng mộ con người Ðức Giêsu. Tin Mừng đã thay thế lối nhìn và cách tính toán công tội. Tin Mừng chỉ biết giá trị tình yêu và lòng tin tưởng (x. Lc 7:47.50). (3) Nhờ đó, ông Simon biết mình là ai, cần thay đổi não trạng và thái độ như thế nào cho phù hợp với kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Nếu không, ông không thể thấy được sự thật là Ðức Giêsu giải thoát, dù ông đã có nhã ý thiết tiệc Người. Khi tâm hồn không mở rộng tiếp đón Thiên Chúa, làm sao có thể sẵn sàng thông cảm với tha nhân ? Làm sao có thể cảm tạ Thiên Chúa và dễ dàng tha thứ cho người khác ? Mỗi khi tha thứ, chúng ta lớn lên theo chiều kích Thiên Chúa. Người được tha thứ cũng mặc lấy toàn bộ chiều kích ân sủng và tình yêu Thiên Chúa. CHIỀU ÁO TÍM Ðường công chính của người Pharisêu không dẫn tới ơn cứu độ, vì không có bóng dáng tình yêu cảm thông và tha thứ của Tin Mừng. Họ càng nghi ngờ, Chúa càng tỏ hết quyền lực để cứu nàng khỏi nanh vuốt ma quỷ. Chính khi tha tội cho nàng, Chúa tự đặt mình cao hơn bất cứ một ngôn sứ hay tôn sư nào. Người nại đến uy quyền Thiên Chúa. Ðó là điều làm cho ông Simon và các thực khách thấm buồn. Họ đau buồn hơn bao giờ. Dĩ nhiên. Nhưng không vì thế, Chúa không tiếp tục hướng tới con đường phía trước. Ðó là con đường đức tin dẫn tới ơn cứu độ. Ơn cứu độ mang lại hòa bình. Nói tóm, không tin vào Thiên Chúa, không thể có sự tha thứ và bình an đích thực. Chính vì thế, Ðức Giêsu đã đến trần gian như một Ðấng Cứu thế. Người đi tìm những gì đã mất. Người nong nả săn đón người tội lỗi. Người đàm đạo lâu giờ, mạc khải tình yêu, chữa lành và tha thứ cho họ. Con đường Thiên Chúa dẫn vào lòng người, thấm nhập tư tưởng thâm sâu nhất. Từ đó Ðức Giêsu khơi dậy những gì là chân thiện mỹ và những gì thuộc về Thiên Chúa. Noi gương Chúa, người Kitô hữu chân chính chỉ nhìn thấy điều tốt đẹp nơi những gì xấu xa nhất của con người tội lỗi. Họ không nhìn vào tội lỗi, nhưng chấp nhận mọi người như những người con được Thiên Chúa cứu độ. Người Kitô hữu chân chính nhận mình tội lỗi và quay về với Thiên Chúa để xin ơn tha thứ và cảm nghiệm tình yêu của Người như người phụ nữ tội lỗi. Nàng quả thực là mẫu điển hình cho chúng ta. Nàng ý thức tình trạng tội lỗi. Ðức tin mở mắt cho nàng thấy Chúa đã tha thứ cho nàng nhờ Ðức Giêsu. Bởi đấy, nàng mới có thái độ yêu thương và biết ơn rất khác thường để tỏ lòng tôn kính Chúa. Nhưng không phải chỉ có mình nàng. Nhiều phụ nữ cũng đi theo Chúa. “Các bà lấy của cải mình mà giúp đỡ Ðức Giêsu và các môn đệ.” (Lc 8:3) Tại sao các bà lại dành thời giờ và của cải cho Chúa như thế ? Tất cả đều bắt đầu từ một cảm nghiệm về lòng thương xót của Chúa trong việc Chúa Giêsu trừ quỷ và chữa bệnh cho các bà (x. Lc 8:2). Nhưng chẳng lẽ các ông không đón nhận được những ơn lành đó ? Ngoài Nhóm Mười Hai, sao chẳng thấy ông nào ? Hình như Chúa Giêsu hấp dẫn phụ nữ hơn phái tu mi, vì họ chấp nhận cách Chúa đối xử với những con người yếu đuối. Về nhiều phương diện, các bà khiến phái tu mi phải ghen lên. Ước vọng sâu xa của phụ nữ là được thuộc về ai. Ðối với họ, tất cả hầu như tự nhiên như hơi thở : liên đới, chia sẻ, đón nhận, yêu đương và thánh thiện. Các bà rảo qua các thành phố và làng mạc với Chúa. Càng theo sát gót Chúa, họ càng vui mừng lắng nghe tiếng Chúa mời gọi vào cõi huyền nhiệm sự sống. Bởi đấy, họ càng dễ dàng bắt được mối tương quan sâu xa với Thiên Chúa, Ðấng đã đến để tha thứ và hòa giải với nhân loại. Con người không thể tự mình bước từ thế giới đầy tội lỗi sang vương quốc đầy ân sủng. Tất cả đều do lòng Chúa xót thương mà thôi. Thái độ biết ơn của phụ nữ làm chứng Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta trong Ðức Giêsu Kitô. Cũng như các người phụ nữ trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta cần đến lòng thương xót của Chúa. Chỉ có lòng thương xót của Chúa mới biến cải chúng ta và toàn thể nhân loại. Chính vì xa lìa lòng thương xót của Chúa, con người đã phá hỏng nhiều mối tương quan. Vì thương xót, Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Nếu không cảm nghiệm lòng thương xót trời bể đó, chúng ta không thể tha thứ cho nhau và canh tân cuộc sống. Quả thực, “nếu muốn thực sự yêu thương, chúng ta phải học cách tha thứ.” (4) Sống giữa cuộc đời rất tương đối này, nhiều người không hề biết gì ngoài những đòi hỏi tuyệt đối. Sống chung với họ, chúng ta không thể phát triển, vì họ không biết thông cảm và tha thứ. Tuy thế, dù sống giữa những giới hạn của kiếp người, chúng ta vẫn có thể vươn lên tới mức viên mãn trong Ðức Kitô. Quả thế, thánh Phaolô khuyên : “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại.” (Cl 3:12) RỒNG GẶP MÂY Như thế, vì ơn gọi cao cả, Kitô hữu có bổn phận phải biết thương cảm như Ðức Kitô, lý tưởng tuyệt vời cho mọi người, nhất là giới trẻ hôm nay. Sinh ra trong thân phận con người Việt nam, chúng ta càng cảm thấy có trách nhiệm trước những bất công đang diễn ra tại quê hương và trên thế giới. Chỉ khi nào cảm nghiệm được tình yêu tha thứ của Thiên Chúa, chúng ta mới thấy rõ mình phải làm gì để chống lại những bất công đang hoành hành giữa lòng dân tộc. Thực tế, Kitô hữu Việt nam rất khó thực hiện ơn gọi và sứ mệnh của mình. Tha thứ và hòa giải là những từ mới lạ trong tự điển và hiếm thấy giữa những tương quan xưa nay. Muốn tha thứ và hòa giải, cần phải cởi mở. Tiếc thay, tự bản chất, con người Việt nam rất ích kỷ, khép kín, độc đoán, độc tài. Làm cách nào nâng dân tộc trỗi dậy bây giờ ? Trước hết, phải nâng mức sống công chính của con người Việt nam lên. Bất công lan tràn ngập quê hương. Làm sao có hòa bình nơi đầy bất công như thế. Thực vậy, “hòa bình đích thực là kết quả của công lý … Nhưng vì công lý của con người mong manh và bất toàn, lệ thuộc vào những giới hạn và tính ích kỷ cá nhân và tập thể, nên nó phải bao gồm và được bổ sung bằng sự tha thứ. Sự tha thứ hàn gắn và tái thiết những tương quan rối loạn của con người tận nền tảng. Sự tha thứ không hề đối nghịch với công lý. Ðúng hơn, đó là công lý trọn vẹn, đưa tới sự quân bình trật tự, hơn là chỉ chấm dứt tình trạng thù nghịch, vì chữa trị những vết thương sâu xa đang mưng mủ trong tâm hồn con người. Công lý và sự tha thứ đều tối cần cho việc chữa trị đó.” (5) Làm sao tha thứ cho nhau, nếu không có một tấm lòng bao dung như như Thiên Chúa ? Tính ích kỷ là thủ phạm gây nên cảnh huynh đệ tương tàn. Vỏ ốc bây giờ đã biến thành bức tường dầy đặc. Làm sao chọc thủng nổi bức tường đó, nếu chúng ta không biết tha thứ cho nhau ? Câu trả lời chỉ có thể tìm thấy nơi Ðức Giêsu Kitô. Lạy Chúa, xin cho con cảm nghiệm sâu xa lòng thương xót của Chúa trong cuộc đời của con. Xin cho con có một tấm lòng bao dung như Chúa, hầu con có thể tha thứ và chấp nhận anh em trong công cuộc xây dựng Nước Chúa trên quê hương con hôm nay. Amen
1. Lời Chúa Cho Mọi Người, 2006:1748. 2. xin so sánh c. Lc 7:47 với c. 42. 3. sđd. 4. Mẹ Têrêsa Calcutta. 5. ÐGH Gioan Phaolô II, Sứ Ðiệp Ngày Hòa Bình Thế Giới, 01.01.2002.
Bạn Đã Được Tha Thứ, Nhớ
Đền Đáp Ơn Ngài Kính thưa cộng đoàn, Tha thứ là một trong sứ điệp quan trọng của Tin Mừng. Tha thứ chính là sợi dây nối kết tình yêu. Ơn tha thứ mà chúng ta nhận được từ Thiên Chúa là một hồng ân. Ngài luôn cho chúng ta thời gian để quay về, để nhận ra những lầm lỡ và từ đó chọn một hướng đi dứt khoát. Một khi chúng ta càng ý thức chúng ta là những con người yếu đuối và Chúa là Đấng mà chúng ta cần đến, thì lúc ấy chúng ta đạt tới tình yêu chân chính. Vậy giờ đây, kính mời cộng đoàn quy hướng về Thánh Thể và hứng lấy lương thực tình yêu nhưng không này. Tin Mừng hôm nay là một câu chuyện về hai thái độ của hai con người : người phụ nữ tội lỗi và người công chính Pharisêu. Đối với người phụ nữ tội lỗi, chị yêu Chúa Giêsu bằng cả tấm lòng của chị. Chị biết chị là con người tội lỗi, không xứng với tình thương mà Chúa dành cho chị. Nhưng bằng thái độ khiếm tốn và ăn năn, chị đã hiện thể thái độ yêu mến Đức Giêsu bằng việc cúi xuống, dùng nước mắt ăn năn để lau chân Chúa, dùng dầu Ô-liu để xức lên chân Ngài. Hành động đó được chị làm một cách cẩn thận và kính trọng. Ngược lại, đối với ông Pharisêu, ông là người rất thông đạo lý, ông đã mời Chúa Giêsu vào dùng bữa tối tại nhà ông. Việc ông mời Chúa vào dùng cơm tối, một cách sâu xa, cũng là để ông khám phá thêm về Chúa. Cách nào đó, ông thể hiện một thái độ hiếu khách và cởi mở, nhưng ông chỉ dừng lại ở một số người mà ông cho là công chính, đạo đức, hay ngôn sứ. Còn đối với người tội lỗi, ông có một thái độ xa lánh và tách biệt. Lạy chúa Giêsu Thánh Thể, Thường chúng con dễ tự cho mình là người công chính, thánh thiện, đạo đức. Do đó, chúng con hay nhìn người xung quanh bằng cặp mắt “tách biệt”, nghĩa là hễ thấy ai phạm tội, dù đó chỉ là một lỗi lầm nhỏ, chúng con đã vội vàng kết án và gán cho họ những “danh xưng” vốn có thể loại trừ họ ra khỏi cộng đồng, gia đình, và xã hội. Chúng con không có một cái nhìn khoan dung, độ lượng với những người lầm lỡ ; chúng con thường xa lánh họ, và sợ cái xấu của họ làm ỗ nhiễm “thanh danh” của chúng con. Xin Chúa dạy con cách yêu thương tha nhân như chính Ngài yêu mến họ. Xin cho chúng con một cái nhìn cảm thông : cảm thông với nỗi đau của phận người ; cảm thông với nỗi mất mát, chia ly của những người phải chịu cảnh ly tán ; cảm thông với những nỗi đau của bệnh nhân ; cảm thông với những người lỡ lầm. Lạy Chúa Giêsu, Với Ngài, Ngài không nhìn những người tội lỗi chúng con bằng cặp mắt hẹp hòi, trách móc, kết án… nhưng trái lại Ngài sẵn sàng thứ tha tất cả miễn là chúng con có được thái độ giống như người phụ nữ lỗi tội kia. Bằng thái độ khiêm tốn, ăn năn, người phụ nữ ấy đã nhận được điều mà chị muốn : đó là lòng khoan dung của Ngài. Chính lòng khoan dung này đã mang lại cho chị một sức sống mới mà không có thứ gì có thể lấy đi được. Sức sống ấy chính là bình an trong tâm hồn : “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an” ( Lc 7,50). Xin Chúa Giêsu sai Chúa Thánh Linh ngự xuống tâm hồn chúng con, mở lòng chúng con ngõ hầu chúng con ý thức được rằng ơn tha thứ mà chúng con nhận được từ nơi Ngài là một hồng ân nhưng không. Do đó, càng ý thức mình được Thiên Chúa tha thứ, chúng con càng phải yêu mến nhiều. Yêu mến bằng tất cả tâm hồn, bằng cả trí lực, và không so đo tính toán theo công và tội. Đó mới là thái độ đáp trả đúng đắn.
THÀNH TÂM SÁM HỐI, CHÚA SẼ
THỨ THA Thưa quý vị, Mùa hè thời tiết nóng bức, các hồ chứa thiếu nước nên hay bị cúp điện. Một người đàn ông đang hì hục làm việc, bỗng mất điện, ông chạy vào nhà kho lôi ra một chiếc đèn dầu cũ, bám đầy bụi bặm, bóng đèn mờ, bấc đèn bị mục, nhưng ông cố thắp lên để lấy chút ánh sáng cho công việc. Ngọn đèn có cháy nhưng không đủ sáng. Ong bực mình ném nó vào sọt rác và nghỉ làm. Vài ngày sau lại xảy ra mất điện, ông sai vợ đi mua chiếc đèn mới. Người vợ vào kho mang ra chiếc đèn cũ thắp lên, đèn sáng đủ cho ông làm việc. “Mình mới mua chiếc đèn này hả? Tốt quá”, người chồng hỏi. “không, chiếc cũ em lau chùi lại”, người vợ trả lời. “Thế là đỡ tốn tiền, bữa trước anh ném nó vào sọt rác.” Người vợ nói: “Khi mang rác đi đổ, em thấy nó còn tốt, lại quý vì là đèn cổ, bằng đồng, chỉ cần lau chùi, thay bóng và bấc là đủ.” “Vậy mà anh cứ nghĩ nó vô dụng, bỏ đi.” “Dĩ nhiên em phải mất thì giờ kỳ cọ đau cả tay.” Câu truyện tương tự người phụ nữ trong bài Tin Mừng hôm nay, não trạng Pharisêu và xã hội bấy giờ coi chị ta như “đồ bỏ”. Nhưng Chúa Giêsu không làm thế, mà lại tha thứ cho chị, kiểu như người vợ lau chùi chiếc đèn. Và ngày nay chị trở nên mẫu mực cho tất cả nhân loại. Chị là một vị thánh cho thời đại chúng ta. Cái khốn khổ của thời đại này là người ta phạm tội, rồi nhẫn tâm chối bỏ sự gian ác của mình trước Thiên Chúa, giống như Cain, cho nên cái ác ngày càng chồng chất trong xã hội. Người ta không đủ lương thiện để thú nhận các hành vi gian ác. Tâm lý chung là như vậy. Những bẩn thỉu thối tha người phụ nữ mang đến cho Chúa Giêsu không phải của riêng chị, mà là của tất cả nhân loại, kể cả chúng ta, những kẻ tự phong mình là thanh sạch, là mô phạm dạy bảo thiên hạ. Bút mực đã bàn tán nhiều về chị. Nhiều học giả gắn cho chị cái tên danh tiếng là Maria Macdala. Nhưng đọc kỹ Luca thì không phải. Maria Macdala là người nữ tông đồ của các tông đồ kia, Luca sẽ nói tới sau. Ơ đây, ông chỉ đơn giản nói: “Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành”, ông không gọi chị là Maria Macdala! Luca cũng không nói rõ chị là gái điếm như người ta vẫn gán cho chị xưa nay. Tội lỗi chưa hẳn là gái điếm. Thiên hạ quá ư ức đoán, gán cho nhau những tội chưa chắc đã có. Luca chỉ cho độc giả hay chị là người “tội lỗi” vậy thôi. Trong bối cảnh ngày nay, trước nhiều nhân vật” chối bỏ tội lỗi của mình thì chị quả là gương sáng về lòng thống hối chân thật, một luồng gió mát thổi vào bầu không khí nặng nề của công chính giả hiệu, ý thức hoặc vô thức. Chị đứng đấy trong nhà ông Pharisêu đạo mạo, với trái tim tan nát vì lầm lỗi, không chối bỏ, không biện minh. Chị khóc lóc và chờ đợi cơ hội tốt nhất cho ý định của mình. Chúa nhận ra lòng chân thành của chị, tuy nhiên không đồng loã, làm ngơ tội lỗi của chị. Ngài chỉ giải thích tội của chị đã được tha rồi: “Vì thế tôi nói cho các ông hay: tội của chị ấy rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều.” Người ta thường dựa vào câu này để hiểu sai lời Chúa Giêsu, tức yêu mến nhiều để được tha thứ nhiều, nghĩa là mua tha thứ nhờ yêu mến. Chúa không nói như vậy, ngược lại Ngài nói: Bằng cớ là chị đã tỏ lòng yêu mến Ngài, lấy nước rửa chân, lấy dầu thơm sức trên đầu Ngài. Tình yêu của chị theo sau việc tha thứ của Chúa, là hậu quả của lòng xót thương. Câu truyện dụ ngôn ngụ ý như vậy: yêu mến là kinh nghiệm và nhận thức về việc mình được Thiên Chúa thứ tha. Học thuyết này rất quan trọng cho đời sống thiêng liêng của chúng ta. Cách ăn ở, đối xử của chúng ta có thể hiện mình được tha thứ chưa? Yêu mến bằng môi miệng không đủ. Chị đàn bà đã hành xử ra sao khi biết mình được tha thứ? Tha thứ thuộc thẩm quyền của Đức Chúa Trời, không ai bắt ép được Ngài cả, Ngài làm như vậy chỉ do Ngài xót thương. Chúng ta ăn ở tốt lành, đầy lòng yêu mến để đáp trả. Đúng như vậy, phần này của tin mừng Luca quan tâm đến căn cước thực sự của Chúa Giêsu. Ngài là ai? Phải chăng là một ngôn sứ? Đó là ý kiến của đám đông. Thế lực của đền thờ coi Ngài như một tội nhân hay tệ hơn, nhóm biệt phái coi ngài là một tay bợm nhậu, giao du ăn uống với phường tội lỗi. Nhưng chị đàn bà có ý kiến khác hẳn. Chị nhận ra Ngài là Đấng tha thứ, hằng giàu lòng xót thương, nên chị chạy đến với Ngài bằng Đức tin và yêu mến. Chị cảm thấy mình khốn khổ, bất lực, vô tích sự, vong thân hay tuyệt vọng cần được Ngài cứu vớt. Đây là điểm chúng ta cần lưu ý. Các tội nhân thường tìm cách xa lánh Chúa, với lý do là không xứng đáng, là tội lỗi, nhưng lý do thực sự là thiếu đức tin. Nếu người ta tin vào quyền năng Thiên Chúa thì thay vì xa lánh, phải chạy đến với Ngài mang theo “gánh nặng” của mình, mà xin Chúa thương xót thứ tha. Lúc ấy từ “trở lại” (conversion) mới có ý nghĩa. Hỡi ôi, xưa nay người ta giả hình nhiều quá, nhởn nhơ với tội lỗi và kiêu căng. Dụ ngôn hôm nay chỉ cho thiên hạ hay sự khôn ngoan của Thiên Chúa được biện minh bằng con cái mình (c 35). Chị đàn bà đã nhận ra Chúa Giêsu như sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời và hành động theo sự thúc dục của niềm xác tín ấy. Còn ông biệt phái Simon thì không, ông không có phản ứng nào cả, ông không tin vào Chúa Giêsu . Ông mời Chúa đến dự tiệc, nhưng không tiếp đón Ngài theo nghi lễ đương thời, Luca kể: “Tôi vào nhà ông, nước lã ông cũng không đổ lên chân tôi, ông đã chẵng hôn tôi một cái, dầu ôliu ông cũng không đổ lên đầu tôi”. Nghĩa là ông ta bỏ qua tất cả thói quen tiếp đãi bình thường theo tục lệ người Do thái. Chúng ta được phép so sánh ông Simon với ác vương Hêrôđê, mời Ngài đến nhà chỉ để thoả tò mò, muốn biết Chúa Giêsu là ai mà thiên hạ đồn thổi nhiều chuyện quá. Ông nghi ngờ Chúa Giêsu từ Thiên Chúa mà đến, tệ hơn, ông gán cho vị khách mời là một tên lừa đảo, nên muốn xác minh ý nghĩ của mình. ngược lại chị đàn bà tội lỗi đã không hành động như ông Simon. Việc làm của chị tỏ rõ chị nhận ra mình đã được tha thứ và xót thương. Chị tin thật Chúa Giêsu là dụng cụ Thiên Chúa dùng để ban ơn cho chị và chị biểu lộ lòng biết ơn ấy bằng những cử chỉ yêu mến. Thái độ nghênh ngang của ông biệt phái chứng tỏ ông ta không cho mình là tội nhân, cũng chẵng cần lòng thống hối. Au đó cũng là thái độ của đa phần chúng ta ngày nay! Bởi lẽ, nếu đức tin của chúng ta giống như chị phụ nữ, thì chúng ta đã ăn ở khác đi rồi, không đầy ấp những kiêu ngạo như hiện trạng. Vậy thì chúng ta được chứng kiến trong nhà ông Simon 2 loại tội nhân: Người phụ nữ ăn năn và được Chúa thứ tha. Ong biệt phái không nhận tội mình chẳng cần ơn tha thứ, trái lại còn khinh bỉ người phụ nữ, chúng ta thuộc hạng nào? Xin tuỳ mỗi người trả lời câu hỏi! Nhưng xin loại trừ giả hình và gian dối. Lòng hiếu khách là một nội dung quan trọng trong phúc âm Luca. Ơ miền trung đông nó là một nhân đức. Nhưng trong Tin Mừng, Chúa Giêsu là hiện thân của lòng hiếu khách Thiên Chúa biểu lộ cho tội nhân. Những ai bị xã hội bỏ rơi, khinh bỉ, tẩy chay, loại trừ, các bệnh nhân, tội phạm, nghèo khó, thấp cổ bé miệng đều được Chúa Giêsu đón tiếp. Bữa tiệc cưới hoàng tử là một dụ ngôn rõ nét về điểm này. Ong sai đầy tớ ra khắp nẻo đường thu gom người ta vào dự tiệc cho đầy nhà. Bữa tiệc nhân bánh ra nhiều là một ví dụ điển hình tuần trước. Nhưng đôi khi Chúa Giêsu cũng là khách được mời như câu chuyện hôm nay. Và thường khi Ngài ngồi bàn, thì Ngài thách thức các vị vọng đồng bàn hoặc ban cho họ những giáo huấn, đặc biệt đối với chủ nhà. Ngài cố gắng mở lòng tin cho họ nắm chân lý Ngài muốn truyền đạt, tức cho họ xem thấy thế giới mà họ cần biết: thế giới của bác ái yêu thương chân thật, thế giới công chính của Đức Chúa Trời. Ngài cũng làm như vậy trong bữa tiệc tại nhà ông biệt phái Simon và hàng ngày trong Thánh Thể, khi tín hữu tham dự phụng vụ thánh. Tôi thường liên lạc với độc giả qua mạng, đôi khi cũng nhận được những ý kiến rất độc đáo. Sau đây là ý kiến của độc giả Micae Frost, hữu ích cho bài suy niệm hôm nay: độc giả Micae Frost giải thích rằng theo tục lệ phổ thông ở Palestin và khắp đế quốc Rôma thời Chúa Giêsu lúc các khách mời lần lượt tới nhà thì những kẻ ăn xin, đói rách, đĩ điếm, vô gia cư, cũng có thể lẻn vào để kiếm miếng ăn. Chủ nhà buộc phải cho họ chút gì. Frost gọi những khách không mời mà đến này là “cái bóng” của khách. Có lẽ người phụ nữ tội lỗi trong câu chuyện hôm nay cũng là một “cái bóng” không mời mà đến. Frost còn thêm chính Chúa Giêsu nhiều lần là khách mời, nhưng nhiều lần khác không thấy nói đến được mời, vì có thể Ngài chỉ là bóng của khách lẻn vào nhà. Trong nhiều đoạn của Phúc Am, chúng ta ngạc nhiên khi thấy Chúa “xuất hiện” giữa bữa ăn mà không thấy nói đến việc đón tiếp. Ông Simon không có nghi lễ đón tiếp đối với Chúa Giêsu hôm nay có thể khẳng định Chúa Giêsu cũng chỉ là ‘cái bóng của khách”, buộc lòng chủ nhà phải mời ăn, mặc dù Luca nói là Simon đã “mời” Chúa Giêsu . Nếu đúng như vậy thì Chúa cũng bị xã hội lúc ấy coi là kẻ thấp hèn, một tay “bợm nhậu”. Vì thế độc giả Frost tiếp tục đưa ra nhận xét Chúa Giêsu thông cảm với những kẻ thấp hèn và tỏ lòng thương xót họ, đúng như câu châm ngôn similis, similem quaerit: Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Chúng ta có thể được phép áp dụng tư tưởng này vào hoàn cảnh các giáo đường ngày nay: Chúa là “cái bóng” của khách trong những kẻ nghèo hèn không mời mà đến, xuất hiện ngoài ý muốn của cộng đồng, nhất là của cha xứ, ban hành giáo, những người có trách nhiệm sắp xếp trật tự. Ngay cả trong xã hội phàm tục, ngài rất có thể là “bóng của khách” không ai muốn mà vẫn tồn tại bên cạnh các công dân xứng đáng khác. Chúa tỏ lòng xót thương với chị phụ nữ tội lỗi. Chẳng phải nguyên chỉ là Ngài quan tâm đến kẻ yếu hèn, mà còn vì Ngài thấu hiểu thân phận bị loại trừ, tẩy chay, là nhục nhã thế nào! Ong Frost nhấn mạnh Chúa Giêsu kêu gọi môn đệ Ngài phục vụ tha nhân là kêu gọi người ta trông thấy mình trong các kẻ bên lề xã hội. Ngài hiện diện nơi những cái bóng khách người ta gặp hằng ngày nơi đường phố, chợ búa, bến xe, vv. Tin mừng hôm nay chỉ rõ, chúng ta chẳng cần bày tỏ lòng yêu mến Thiên Chúa bằng những hành động anh hùng để mua lấy sự thứ tha. Nhưng như thánh Phaolô viết trong bài đọc 2 : “Không phải nhờ làm những gì lề luật dạy, nhưng nhờ lòng tin vào đức Giêsu Kitô mà người ta được nên công chính”. Niềm xác tín dẫn chúng ta tin rằng mình đã được Chúa thứ tha mọi tội lỗi, giống như chị phụ nữ trong nhà ông Simon biệt phái. Sau đó thì làm chi? Chúng ta chẳng thể rửa chân bằng nước mắt, xức dầu thơm để tỏ lòng yêu mến biết ơn, đơn giản vì Ngài không có trước mắt chúng ta như chị phụ nữ xem thấy. Nhưng Ngài luôn hiện diện trong mọi tình huống như khách “bóng” trong cuộc sống hằng ngày. Những cái bóng đó lẻn vào ý thức mỗi người qua những nhu cầu của tha nhân: kẻ đói cần thức ăn, người khát cần nước uống, người tan nát tâm can cần sự an ủi, kẻ bệnh tật cần thuốc thang, vô gia cư cần nhà ở, thất nghiệp cần việc làm, sầu khổ cần nâng đỡ, hoạn nạn cần cầu nguyện. Thôi thì vô số ! Chúng ta đừng xua đuổi như người đàn ông ném chiếc đèn cũ vào sọt rác, nhưng như người vợ lau chùi đánh bóng, thay bấc mới và đèn lại sáng rực. Đó mới là thái độ đứng đắn của người môn đệ Chúa Giêsu. Mong lắm thay. Amen.
CHỚ XÉT ĐOÁN ANH EM Trong bài đọc I hôm nay, chúng ta nên nhắc đến chuyện Na-than nói với vua Đa-Vít: Vua Đa-Vít đã ngoại tình với Bát Se-va và làm cho bà ấy mang thai. Để trừ khử chồng bà ấy, vua David đưa U-ri-gia ra trận để bị quân Am-mon giết (2S 11). để hiểu rõ câu chuyện đầy tội lổi của Đa-Vít. Ngôn sứ Na-than nói ngay trước mặt vua Đa-Vít, và dùng ngụ ngôn để vạch tội ông ta (2S 13:1-6). Trong bài đọc hôm nay, Na-than nhân danh Chúa nói với Đa-Vít về những điều Chúa đã làm cho ông “Nếu bấy nhiêu mà còn quá ít, thì Ta sẽ ban thêm cho ngươi gấp mấy lần như thế nữa.”. (như khuôn mẫu của những bài đọc trong những ngày chủ nhật. Đầu tiên là để chuẩn bị cho chúng ta để nghe bài phúc âm, nên dẫn đưa chúng ta đến những mẫu chuyện nói về sự chấp nhận tội lỗi của chúng ta và được ơn tha thứ). Phản ứng của Đa-Vít rất đơn sơ, Ông không chờ chỉ ra những chi tiết của tội lỗi mình, nhưng thành thật nhận tội: “Tôi đắc tội với ĐỨC CHÚA”. Và lời tha thứ của Đức Chúa đến ngay sau đó. Đức Chúa không làm khó khăn cho chúng ta để chờ xin được ơn tha thứ. Các bạn có để ý đến lúc bắt đầu thánh lễ hôm nay không?; Chúng ta bắt đầu tuyên xưng tội lỗi mình và xin ơn tha thứ. Chỉ Thiên Chúa mới biết những gương xấu tội lỗi của Giáo hội sẽ xảy ra thế nào. Chúng ta đã biết những gương xấu của các bậc lãnh đạo đã tệ hại thế nào rồi. nếu có sự cố gắng che đậy, hay đổi các người đó đi chỗ khác cũng không giúp ích gì đâu. Có vài vị lãnh đạo trong giáo hội và một số giáo dân, các phương tiện truyền thông và cá hệ thống luật pháp, đã theo gương của Na-than là dùng sự thật trấn áp quyền uy. Một nạn nhân bị áp bức gần đây có nói giống như Na-than nói với vua Đa-Vít: “Tôi chỉ muốn họ chấp nhận tội lỗi và họ “xin lỗi””. Trong khi Na-than đối đáp ngay với Đa-Vít để buộc vua Đa-Vít chấp nhận tội lỗi mình, thì, trong phúc âm, lời Chúa Giêsu nói với Si-mon người Pha-ri-sêu như nước đổ lá môn. Chúa Giêsu muốn Simon hiểu là cả ông và người phụ nữ đều là kẻ có tội, và cần được ơn tha thứ. Từ khi bắt đầu câu chuyện, người Pha-ri-sêu đã có thái độ chống đối Chúa Giêsu. Khi Chúa vào nhà ông, ông ta cũng không đổ nước để rửa chân cho Chúa như tục lệ tiếp khách vào nhà. Simon có vẻ như muốn mời Chúa Giêsu vào nhà để thử thách Chúa Giêsu, và chính hành động của người phụ nữ làm cho các ông có dịp thấy được sự thử thách đó. Na-than dùng ngụ ngôn để đối đáp với vua Đa-Vít, và giúp Đa-Vít mở mắt để nhận ơn tha thứ. Chúa Giêsu cũng dùng ngụ ngôn, hy vọng mở mắt người Pha-ri-sêu: ơn Thiên Chúa dồi dào sẵn sàng đổ xuống nếu có đức tin vào Chúa Giêsu. Chúng ta hãy cẩn thận nếu chúng ta muốn áp dụng câu chuyện phúc âm hôm nay vào vấn đề làm việc. Theo ánh sáng phúc âm hôm nay thì đề tài luân lý áp dụng vào việc làm như sau: “nếu tôi cố gắng thật nhiều để làm việc chứng tỏ lòng tôi thương yêu Chúa nhiều chừng nào thì tôi sẽ được ơn tha thứ nhiều chừng ấy”. Đó không phải là điều Chúa Giêsu muốn giải thích cho người Pha-ri-sêu. Không phải vì người phụ nữ tỏ vẻ thương yêu Chúa Giêsu nhiều mà người phụ nữ đó được ơn tha thứ đâu. Đó chỉ là một dấu chỉ mà thôi. Và chính người phụ nữ ấy cảm nhận đã được Thiên Chúa tha thứ nhiều cho chị ta rồi. Và hiểu được là những người nhiều tội lỗi cũng được ơn tha thứ. Người Pha-ri-sêu, giới người đạo đức nên ít tội, nhưng vẫn là người có tội, vì không hiểu gì về điều vua Đa-Vít và người phụ nữ kia lãnh nhận; đó là ơn tha thứ của Thiên Chúa một khi họ chấp nhận tội lỗi của họ. Chúa Giêsu hỏi ông Simon “Ông thấy người phụ nữ này chứ?”. Trong phúc âm thánh Luca từ “thấy” không có ý nghĩa vật lý là trông thấy. Nó dùng để chỉ con mắt đức tin. Có người trông thấy Chúa Giêsu nhưng với con mắt đức tin của họ không thấy được ý nghĩa Chúa Giêsu trong đời sống của họ. Có người khác, như người phụ nữ kia, thấy được Chúa Giêsu là gì đối với họ và họ đã tin nhận Chúa Giêsu. Ông Simon trông thấy người phụ nữ là một người đàn bà tội lỗi. Simon trông thấy chị ta đối đãi với Chúa Giêsu như với người khách, mặc dù đó là việc Simon phải làm, nhưng ông ta vẫn không thay đổi thái độ của mình đối với người phụ nữ đó. Trước mắt ông chị ta vẫn là người đàn bà tội lỗi. Còn Chúa Giêsu thấy được sự hoán cải nơi chị ta. Nên Ngài đã đã ban ơn tha thứ để thay đổi đời sống của chị ta. Tôi nghĩ rằng, đôi khi xét đoán người khác (hay một tổ chức nào đó) dựa vào chút kinh nghiệm trong quá khứ. Chúng ta nghĩ rằng người đó sẽ hành động như thế nào do thái độ, hay hành vi của người ấy trong quá khứ. Thí dụ như khi chúng ta gán cho ai đó, hay nhóm nào đó trong giáo hội là “cấp tiến” hay “bảo thủ”, và chúng ta tiên đoán là học sẽ ứng phó với những tình huốn giả định như thế tnào. Câu chuyện trong phúc âm cũng gần giống như khi chúng ta đi thử mắt. Khi chúng ta phải đọc hàng chữ chiếu lên tường, đọc xong thì bác sĩ đổi kính và bảo phải đọc lại thì chúng ta mới nhận ra là trước kia chúng ta tưởng là chữ “P” nhưng thật sự là chữ “F”. Và như vậy giúp bác sĩ tìm đúng độ mắt kính chúng ta cần. Đó là điều Chúa Giêsu giúp chúng ta ngày hôm nay, Ngài giúp chúng ta nhìn lại người phụ nữ “tội lỗi”. Chúa Giêsu hỏi: “bạn thấy người phụ nữ này chứ?” Chúng ta lại nhìn lại một lần nữa. và với sự giúp đỡ của bài phúc âm, chúng ta thay đổi nhãn quan: chúng ta không những trông thấy người phụ nữ ấy rõ hơn, nhưng chúng ta còn trông thấy chúng ta trước mặt Thiên Chúa với cặp mắt chân thật hơn. Bài phúc âm giúp chúng ta đo mắt kính chính xác hơn, và bây giờ chúng ta thấy lòng từ bi của Thiên Chúa rõ ràng hơn. Một lần nữa, chúng ta lại ngồi vào bàn tiệc với Chúa Giêsu. Chúng ta thấy: Chúa Giêsu chấp nhận một người ăn năn, và Chúa chỉ trích người Pha-ri-sêu tự coi mình là người đạo đức. những người sám hối và ngồi vào bàn tiệc với Chúa Giêsu được lòng tin là nhờ đức tin vào Chúa Giêsu mà họ được ơn tha thứ. Chúa Giêsu nói:tội lỗi của người phụ nữ đã được tha. Chúng ta cũng đã được ơn tha thứ như người phụ nữ, và bây giờ tình yêu thương của chúng ta đối với Chúa Giêsu được thể hiện qua việc phục vụ của chúng ta. Tôi muốn cẩn thận không gọi “người phụ nữ tội lỗi” ấy là một gái điếm. Tại sao lại buộc tội ấy cho chị ta? Vì khi Chúa Giêsu gọi Phêrô thì ông ta tự xưng mình là “kẻ có tội”, chúng ta lại không buộc tội ấy cho Phêrô? Người phụ nữ ấy bị xem là người tội lỗi, có thể vì chị ta là nữ tỳ của một gia đình ngoại đạo, hay chị ta có liên hệ với một nghề mà các lãnh đạo tôn giáo cho là không trong sạch như việc chôn cất người chết. nếu chị ta bị bệnh hay bị tật nguyền thì người ta coi chị ấy là người bị Chúa phạt vì tội lỗi của chị ta. Chúng ta muốn tránh những thành kiến về những người phụ nữ gọi là “tội lỗi” trong Thánh Kinh. Hôm nay chúng ta đến dự bàn tiệc với Chúa Giêsu, Ngài muốn chúng ta “nhìn thấy người phụ nữ” trong giáo hội chúng ta hiện nay. Các phụ nữ nơi bàn tiệc trong cộng đoàn Kitô Hữu có địa vị gì? Họ có tiếng nói trong cộng đoàn hay không? Có ai để ý đến tiếng nói của họ không? Có những phần việc nào mà họ không được làm hay không? Tại sao? Ai là những người được có trách nhiệm phục vụ? có những việc gì mà chỉ dành riêng cho một số người thôi? Tại sao? Bài phúc âm hôm nay có thể là kính mắt mới rõ ràng hơn để giúp chúng ta suy gẫm câu hỏi của Chúa Giêsu “Các con thấy người phụ nữ này chứ?” Lm. Jude Siciliano, OP (Anh em Học viện Đaminh chuyển ngữ) Tất cả được nên công chính nhờ tin vào Đức Kitô 2 Samuen 12: 7-10, 13; Tvịnh 32; Galát 2: 16, 19-21; Luca 7: 36-8:3 Tuần này chúng ta chắc chắn không muốn bỏ qua bản văn của thánh Phaolô vì hôm nay ngài đã đưa ra bản tóm kết giáo huấn về đức tin và việc làm. Thánh Phaolô đã phê bình ông Phêrô và Banaba (2,11-14) vì hai ông đã dùng bữa với Dân ngoại nhưng khi những người Kitô hữu Dothái khắt khe, không chấp nhận Dân ngoại chưa cắt bì trở lại Kitô giáo cách trọn vẹn, thì ông Phêrô đã rút lui và từ chối dùng bữa với Dân ngoại. Phải chăng những Kitô hữu gốc Dothái “tốt hơn” bởi họ đã tuân giữ truyền thống của tiền nhân thì làm những việc “chính đáng”? Hay, tất cả mọi Kitô hữu, bất kể những xuất thân khác nhau, đều được tháp nhập vào Đức kitô cách tròn đầy như nhau? Thánh Phaolô đưa ra điểm cốt yếu này: tất cả được đón nhận và được làm cho nên công chính nhờ tin vào Đức Kitô. Tất cả chúng ta cùng nhau bước vào vương quốc Thiên Chúa nhờ việc tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu Kitô. Trong Nước Chúa, không có công dân hạng nhất hay hạng hai. Chúng ta có thể xuất thân khác nhau, đến với Đức Kitô bằng những nẻo đường khác nhau, diễn tả đức tin bằng những nền văn hóa khác nhau – nhưng tất cả đều bình đẳng trong cộng đoàn những người tin. Hôm nay thánh Phaolô thách thức chúng ta. Liệu chúng ta có thể tiếp tục tín thác nơi Đức Giêsu và tiếp tục đặt lòng tin nơi Người ngay cả sau khi ta đã phạm tội? Nếu chấp nhận những gì thánh Phaolô nói, chúng ta không phải cố gắng đoạt cho được sự tha thứ bằng nghi thức thanh tẩy tỉ mỉ; cũng chẳng phải thân hành đi lên núi thánh hay tắm trong những dòng sông cụ thể nào đó. Chúng ta được mời gọi trở về vì ta “không nên công chính nhờ làm những gì Luật dạy”, nhưng nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô cũng như sự tha thứ chúng ta được nhận từ nơi Người. Trong phần thư Galat này, khi nói về “việc làm những gì Luật dạy”, thánh Phaolô muốn đề cập cụ thể đến sự khác biệt giữa dân Dothái và Dân ngoại – cắt bì, luật giữ chay và kiêng thịt. Thánh Phaolô nói “con người không phải được nên công chính nhờ những gì luật dạy, nhưng nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô…” Những từ như công chính, tốt lành xuất phát từ hê thống tòa án. Cũng một cách như thế, khi người tội lỗi đến trước “tòa” của Chúa, dù họ đang trong tình trạng tội lỗi, họ cũng có thể nhận được sự thương xót của Thiên Chúa, không phải vì họ tự sức đã làm được việc gì để khiến cho mình nên công chính trước nhan Chúa, nhưng là nhờ ân huệ của lòng Chúa xót thương. Từ thư của thánh Phaolô chúng ta rút ra được rằng qua đời sống, cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu, Thiên Chúa đã mạc khải một cách thức mới mẻ để làm cho chúng ta nên công chính. Chúng ta không tìm được thế đứng mới trước nhan Chúa nhờ năng cầu nguyện hay các thực hành mang tính đạo đức và hãm mình – những việc này chỉ đến sau khi chúng ta nhận được ân sủng. Ân sủng làm cho ta nên công chính trước nhan Chúa, được ban cho ta qua Đức Giêsu Kitô. Đây không chỉ là ân ban cho từng người nhưng cho cả cộng đoàn những người tin được mời gọi vào trong sự sống của Thiên Chúa ngay ở đây, vào lúc này. Sau khi thánh Phaolô nói đến việc được làm cho “công chính” với Chúa, không phải do việc làm của ta nhưng nhờ tin vào Đức Kitô, thì phải chăng thông điệp của bài Tin mừng đi ngược lại? Một phụ nữ, được cho là “một người phụ nữ tội lỗi trong thành”, bước vào nhà ông Simon, người Pharisêu, và thực hiện một hành vi khiêm nhường, thống hối bằng cách lấy nước mắt của mình mà rửa chân cho Đức Giêsu, lấy tóc mà lau rồi xức dầu thơm. Đó có vẻ như là một việc tốt cô làm để “được” Đức Giêsu tha cho cô “vô vàn tội lỗi”. Chính bản dịch có vẻ xác nhận rằng cô nhận được sự tha thứ nhờ hành vi thống hối của mình. Đức Giêsu nói: “tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều”. Có vẻ như chính việc bày tỏ “lòng yêu mến nhiều” – những việc thiện – đã mang lại cho cô sự tha thứ. Chắc hẳn chúng ta đã từng được nghe giảng về câu Kinh thánh này rằng hãy làm việc thiện và thống hối để được tha thứ tội lỗi. Khi kiểm tra các bản dịch khác, nhà giảng thuyết cũng như độc giả có thể thấy được giúp đỡ vì đôi khi đọc bản gốc sẽ tìm thấy nhiều ý nghĩa tốt hơn. Ví dụ, Bản Chuẩn Mới Chỉnh Sửa (NRSV) sẽ cho thấy cái nhìn tốt hơn về câu mà Đức Giêsu nói với ông Simon: “Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều”. Đức Giêsu muốn ám chỉ rằng điều gì đó đã xảy ra trước trong cuộc đời người phụ nữ này khiến cô nhận ra cô có thể được tha thứ nhờ những gì cô làm. Cảm nghiệm được sự tha thứ ấy, cô đã làm cả hai việc: dù không được mời vẫn vào nhà của người Pharisêu thuộc tầng lớp cao hơn, nơi Đức Giêsu được mời dự tiệc, để bày tỏ lòng biết ơn và tình yêu mến đối với Đức Giêsu, nguồn ơn tha thứ của cô. Hành vi của người phụ nữ và lời đáp của Đức Giêsu làm nảy sinh một thắc mắc quan trọng, những người đồng bàn thốt lên “Người này là ai mà có thể tha tội?” Khi Đức Giêsu tiếp tục làm những việc cả thể, thì danh tiếng Người đến tai Hêrôđê và ông này cũng không khỏi thắc mắc: “vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?” (Lc 9,9) Những kẻ chưa tin cũng thắc mắc như thế, nhưng họ sẽ không ngừng bị chất vấn qua chính cuộc sống của chúng ta khi ta: phải đưa ra quyết định quan trọng; khi phải đối diện với sự thành thật của mình; chọn cách thế sử dụng tài nguyên của bản thân; quyết định chọn bạn; cân nhắc các sử dụng thời giờ nhàn rỗi; có đi lễ không và đi ở đâu… Cách nào đó, chúng ta cần phải trả lời cho thắc mắc: “Người này là ai mà có thể tha tội?”, “ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?” Những chọn lựa hàng ngày và cách chúng ta sống bộc lộ, hơn bất kỳ từ ngữ nào, về cách chúng ta trả lời cho câu hỏi này ra sao. Hôm nay, thánh Phaolô giúp chúng ta trả lời những thắc này theo cách riêng của ngài. Trước đây ngài sống như một người Pharisêu đạo đức, xác tín rằng ngài đã làm tất cả những gì Thiên Chúa muốn. Sau khi gặp được Đức Giêsu, ngài chuyển hướng cuộc đời 180o. Đức Giêsu trở thành chính cuộc sống của ngài, “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi”. Ngài nói, ngà đã được “cùng đóng đinh với Đức Kitô” – ngài đã chết đối với luật. Nên một với Đức Kitô nghĩa là chết cho luật vì ngài nhận ra rằng ân sủng của Thiên Chúa đã bày tỏ cho ngài qua Đức Kitô. Nghĩa là một lối sống hoàn toàn mới. Đức Kitô phục sinh đang sống trong ngài và hướng dẫn ngài nhờ đó cuộc sống của ngài được hoàn toàn thay đổi. Nếu như Hêrôđê muốn hỏi Phaolô: “ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?” Thánh nhân sẽ trả lời rằng: “Đức Giêsu là Đấng làm cho tôi nên công chính trước mặt Thiên Chúa. Nay không gì có thể chia cắt tôi khỏi tình yêu của Thiên Chúa”. Nếu chúng ta hỏi thánh Phaolô: “Niềm tin vào Đức Giêsu đã biến đổi cuộc sống ngài ra sao?” Tôi nghĩ ngài sẽ trả lời rằng: “Hiện nay, tôi không chỉ biết cách sống cuộc đời này, nhưng còn có ý chí và sức mạnh để sống như Đức Giêsu đã sống”. Rồi ngài nói: “Tạ ơn Chúa!”.
|