|
Chúa Nhật VI Phục
Sinh - Năm A
Cv 8,5-8.14-17 / 1Pr 3,15-18 / Ga
14,15-21
An Phong op :
Cùng Chúa Giêsu Xây Dựng Cuộc Ðời Yêu Thương
Như Hạ op :
Chứng từ Hy vọng
Fr. Jude
Sicilianô, op : Lời Hứa Đấng Phù Trợ
Fr. Jude Sicilianô, op : Dọn lòng đón nhận Thánh
Thần
G. Nguyễn Cao
Luật op : Tuân giữ các lệnh truyền
Giacôbê Phạm
Văn Phượng op : Yêu người là yêu Chúa
Giuse Lê Xuân Hiệp op : Ai yêu mến Thày, sẽ được
Cha Thày yêu mến
Đỗ Lực op : Buồn Ơi, Chào Mi !
Fr. Jude Siciliano, op : Hãy sẵn sàng trả lời về
niềm hy vọng
Fr. Jude Siciliano,
op:
Hãy trở thành "Kitô hữu chính danh"
An Phong op
Cùng Chúa Giêsu Xây Dựng Cuộc Ðời
Yêu Thương
Ga
14,15-21
Một lời tâm sự đôi khi lại là
một đòi hỏi phải được thực hiện vì tình yêu. Lời Chúa Giêsu : "Nếu anh
em yêu mến Thầy, anh em hãy giữ các giới răn của Thầy" là một tâm sự như
thế. Nó còn có nghĩa là "Nếu anh em gắn bó với Thầy, đồng cảm với Thầy,
anh em hãy tin và đón nhận Thầy; đồng thời hãy tin yêu và chấp nhận anh
chị em mình, vì đây là giới răn trọng nhất". "Giới răn của Thầy là anh
em hãy yêu mến nhau" (Ga 13,34). Kitô giáo có hai giới răn quan trọng
nhất là "mến Chúa" và "yêu người", "giới răn Tình Yêu".
Tình yêu ở đây không phải chỉ là
một tình cảm thoáng qua, nhưng là động lực chính yếu chi phối đời sống
Kitô giáo, một lối sống, một cách suy nghĩ mang tính cách Kitô giáo. Lối
cư xử Kitô giáo không gì khác hơn là cư xử với lòng bao dung, với tình
yêu thương.
Tình yêu này hoán cải cuộc đời,
mang lại sức sống và niềm vui, mong muốn điều tốt đẹp cho người khác.
"Ðem yêu thương vào nơi oán thù
Ðem thứ tha vào nơi lăng nhục
Đem
an hòa vào nơi tranh chấp
Ðem chân lý vào chốn lỗi lầm.
Ðem tin kính vào nơi nghi nan
Ðem trông cậy vào nơi thất vọng
Ðem ánh sáng vào nơi tối tăm,
Ðem ủi an đến chốn u sầu".
Giới răn tình yêu chỉ có thể học
được bằng cách thực hành chính giới răn đó, và đó là bằng chứng "anh em
gắn bó với Thầy", là điều kiện "anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh
em".
Phải chăng tôi đang gắn bó với
Chúa Giêsu bằng tình yêu đối với anh chị em mình ? Phải chăng tôi đang
đồng cảm sâu sắc trong suy nghĩ, trong ước muốn với Chúa Giêsu ? Phải
chăng tôi đang xây dựng một xã hội mà luật căn bản chính là yêu thương ?
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa quá biết rồi, yêu thương không phải là dễ.
Chính Chúa đã yêu thương
và Chúa đã chịu "hậu quả" của tình yêu :
Chết treo trên cây thập giá.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa để lại cho
chúng con một giới răn thôi,
giới răn của tình yêu.
Nhưng chỉ một giới răn đó thôi chúng con cũng không làm nổi.
Xin Chúa đổ xuống trên chúng con
tình yêu của Chúa
tình yêu lớn lao trong tấm bánh nhỏ bé này.
Ðể chúng con không sợ yêu,
không lùi bước trước những thách đố của tình yêu
để chúng con được "ở trong Chúa"
và "Chúa ở trong chúng con".
Như Hạ op
CHỨNG TỪ
HI VỌNG
Ga 14:15-21
Hơn lúc nào thế giới cần đến
niềm hi vọng. Nhưng ai có thể đem lại niềm hi vọng cho nhân loại ? Câu
trả lời sẽ được tìm thấy trong lời Chúa hôm nay.
TẠI SAO HI VỌNG ?
Giữa những bấp bênh của cuộc
sống hôm nay, con người trải qua nhiều nỗi thất vọng khác nhau. Càng
thất vọng, con người càng không tìm được lẽ sống và không biết bám víu
vào đâu. Hôm nay, Ðức Giêsu mạc khải lẽ sống chính là sự sống Ba Ngôi
Thiên Chúa trong tâm hồn tín hữu. Ðó là câu "trả lời cho bất cứ ai chất
vấn về niềm hi vọng của anh em." (1 Pr 3:15) Rất huyền nhiệm và rất xác
thực !
Thật vậy, sở dĩ thế gian đầy dẫy
những con người thất vọng vì không có con đường giải thoát. Khắp nơi
tràn ngập những gian trá, lừa đảo. Thế gian : gian là thế ! Chính vì thế,
"Thần Khí sự thật, Ðấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian
không thấy và cũng chẳng biết Người." (Ga 14:17) Thế gian sống trong ảo
vọng. Không thể tìm thấy niềm hi vọng trong những mớ ảo vọng đó.
Trái lại, niềm hi vọng của người
Kitô hữu vững chắc như chính Thần Khí sự thật. Niềm hi vọng đó vô cùng
lớn lao, "vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em." (Ga 14:17)
Người luôn hiện diện giữa cộng đoàn và trong tâm hồn các tín hữu để bảo
vệ họ khỏi nanh vuốt Satan là cha mọi sự dối trá. Bè lũ chúng đang âm
mưu kéo sập các cộng đoàn Dân Chúa và cô lập hóa các Kitô hữu.
Nhưng Ðức Giêsu đã hứa : "Thầy
sẽ không để anh em mồ côi." (Ga 14:18) Cho dù kéo bè kéo cánh, kẻ thù
vẫn không thể áp đảo các Kitô hữu. Dù bị hất hủi hay phản đối, họ vẫn
không cô đơn, vì niềm tin đã khơi lên niềm hi vọng lớn lao trong tâm hồn
và cuộc đời họ. Chính những lúc đau khổ và trống vắng nhất là những lúc
họ đầy ắp ân sủng. Với nguồn ân sủng lớn lao, "Thầy sẽ đến cùng anh em"
(Ga 14:18) để đối phó kịp thời với những âm mưu đen tối. Chính tình yêu
đã thúc đẩy bước chân Người đến với chúng ta.
Chính con mắt đức tin làm cho "anh
em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em sẽ sống" (Ga 14:19) với tất
cả niềm vui và tràn đầy hi vọng. Người môn đệ không thể thể sống mà
không có Thầy. Sự sống Thầy bảo đảm cho tín hữu không phải rơi vào hố
diệt vong. Ai có thể cất mạng sống Thầy ? Ai có thể thể tách lìa họ khỏi
Thầy ? Còn sống là còn hi vọng. Ðó là lý do tại sao họ vẫn giữ được niềm
hi vọng dù phải sống giữa những hoàn cảnh tuyệt vọng. Các thánh tử đạo
là một bằng chứng hùng hồn. Không một lý do tự nhiên nào có thể giải
thích nổi những hành vi gan dạ đó. Không phải nhờ ý chí vững mạnh hơn
người. Cũng không phải vì cuồng tín. Trái lại, từ cảm nghiệm sâu xa của
niềm tin, "anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong
Thầy, và Thầy ở trong anh em." (Ga 14:20) Thế chân vạc đó đủ bảo đảm cho
tín hữu sống vững mạnh giữa những chao đảo trong cuộc sống.
Lọt vào tương quan ba chiều đó,
người tín hữu sẽ vô cùng bình an và hạnh phúc. Từ nguồn mạch tình yêu đó,
Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Ðấng Bảo Trợ khác
đến ở với anh em luôn mãi." (Ga 14:16) Như thế, dưới sự phù trợ của
Thánh Linh, người tín hữu sẽ lao mình vào cuộc chiến để dành phần thắng
cho Nước Chúa. Ðó là lý do tại sao các môn đệ có thể mạnh mẽ "rao giảng
Ðức Kitô" (Cv 8:5) khắp thế giới, bất chấp mọi hiểm nguy.
Nhưng làm sao có thể rao giảng "Ðức
Kitô Giêsu, niềm hi vọng của chúng ta" (1 Tm 1:1), nếu người môn đệ
không được mạc khải về Người ? Làm sao được mạc khải nếu không đi vào
tương quan sâu xa với Ba Ngôi ? Thật vậy, "ai yêu mến Thầy, thì sẽ được
Cha Thầy yêu mến, Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người
ấy." (Ga 14:21) Có cảm nghiệm sâu xa về tình yêu Thiên Chúa như thế, mới
có thể rao giảng Tin Mừng của niềm hi vọng cho muôn dân. Khả năng rao
giảng bắt nguồn từ chính nỗ lực liên kết với Thầy trong tình yêu. Thật
vậy, "ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến
Thầy." (Ga 14:21) Ðiều răn là mối giây ràng buộc môn đệ với Thầy chí
thánh và là chiếc cầu đến với nhân loại. Chính "Thầy đã giữ điều răn của
Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người." (Ga 15:10) Chính vì thế,
"thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khi, Người đã được phục
sinh" (1 Pr 3:18) để đem niềm hi vọng cho toàn thể nhân loại và "để anh
em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn
vẹn." (Ga 15:11) Niềm vui chính là dấu chỉ niềm hi vọng tràn ngập tâm
hồn. Ðó là lý do tại sao người môn đệ có thể đặt hết niềm tin tưởng và
tình yêu nơi Ðức Giêsu Kitô. Quả thực, "lòng tin và lòng mến đó phát
xuất từ niềm trông cậy dành cho anh em trên trời, niềm trông cậy anh em
đã được nghe loan báo khi lời chân lý là Tin Mừng đến với anh em" (Cl
1:5-6a) như một sức mạnh giải thoát.
NIỀM HI VỌNG HÔM NAY.
Nhân loại đang cần sức mạnh giải
thoát đó, vì cơn thất vọng đã tràn ngập khắp nơi. Giáo Hội cũng có trách
nhiệm một phần về cơn thất vọng đó, vì đã tạo ra những gương mù cho nhân
loại, nhất là cho giới trẻ. Việc Giáo Hội xin lỗi nhân loại đã chứng
minh trách nhiệm đó. Vấn đề hôm nay không chỉ dừng lại ở đó. Nhưng Giáo
Hội phải đi xa hơn để đem lại niềm hi vọng lớn lao cho nhân loại bù đắp
lại những lỗi lầm và mở ra một vận hội mới cho hạnh phúc nhân loại.
Vận hội mới chỉ đến khi "Giáo
Hội hết sức góp phần vào việc làm cho gia đình và lịch sử nhân loại ngày
càng nhân bản hơn." (ÐGH Gioan Phaolô II : Zenit 30/04/02) Muốn thế,
Giáo Hội không thể rời xa niềm tin vào Ðức Giêsu như niềm hi vọng duy
nhất của nhân loại và địa vị con người. Quả thực, "rõ ràng vì con người
được ban cho một địa vị khác thường, nên không thể giản lược cuộc sống
vào những điều kiện xã hội, kinh tế, văn hóa hay chính trị thiếu nhân
bản." (ÐGH Gioan Phaolô II : Zenit 30/04/02) Nhân loại càng lâm vào cơn
thất vọng bao nhiêu, Giáo Hội càng cần xác tín sứ mệnh "không những
truyền thông sự sống Thiên Chúa cho dân chúng, nhưng một cách nào đó còn
chiếu giãi ánh sáng phản chiếu đời sống đó trên toàn thể trái đất." (ÐGH
Gioan Phaolô II : Zenit 30/04/02) Ðem lại sự sống đó là trả lại niềm hi
vọng lớn lao cho nhân loại.
Giáo Hội phải là niềm hi vọng
giữa những người mất niêm hi vọng. Giáo Hội "trở nên tiếng nói của những
người không tiếng nói, đồng thời phải cho mọi người thấy rằng nhân phẩm
luôn phải ở trung tâm mọi chương trình địa phương, quốc gia và quốc tế."
(ÐGH Gioan Phaolô II : Zenit 30/04/02) Tiếng nói của Giáo Hội phải là
tiếng nói của niềm hi vọng, phát xuất từ tâm hồn đầy ắp tình yêu Thiên
Chúa Ba Ngôi và từ "những cộng đoàn Kitô hữu đang sống tình liên đới
nhân loại cách sâu xa và chân thành, giàu tính hiệp thông và tình bằng
hữu." (ÐGH Gioan Phaolô II : Zenit 30/04/02) Nhưng "thật đáng tiếc, thay
vì nhìn Giáo Hội như một nơi tự nhiên có thể gặp gỡ Ðức Kitô, nhiều bạn
trẻ thấy Giáo Hội như một thực thể xa lạ, không đáng tin lắm và không có
khả năng nói truyện với người thời đại." (Hội Nghị các giám mục Âu Châu
: Zenit 30/04/02) Muốn cải tiến, Giáo Hội phải gấp rút coi các bạn trẻ
Kitô hữu không phải chỉ như một lãnh vực hay đối tượng đặc biệt của mục
vụ, nhưng phải được nhìn nhận và đón nhận như một hồng ân Ðức Kitô ban
cho Giáo Hội trong tất cả các sứ mệnh đang thực hiện." (Hội Nghị các
giám mục Âu Châu : Zenit 30/04/02)
Fr. Jude Sicilianô, op
Lời Hứa
Đấng Phù Trợ
Ga
14,15-21
Thưa quý vị.
Ở gần nhà tôi là một
đôi vợ chồng trí thức.
Cả hai đều có nghề nghiệp ổn định. Chồng là luật sư, vợ y
tá. Họ sống với nhau đã hơn 40 năm. Vào những dịp kỷ niệm ngày thành hôn,
họ thường mua tặng nhau những món quà đắt giá : Vàng, ngọc trai, kim
cương ... Ấy là nói lúc sau này khi họ đã giàu có, tài sản rất lớn. Còn
khi trước, nghèo khó, họ mua những thứ rẻ tiền hơn, nồi niêu, xoong chảo,
vải vóc, đồng hồ đeo tay, lắc bạc… Rồi ông luật sư chết. Người vợ mặc
dầu sức khỏe còn rất tốt cũng đột ngột qua đời. Họ là những trí thức,
hơn nữa, luật sư, cho nên tờ di chúc được viết rất cẩn thận, chi tiết rõ
ràng. Tuy nhiên cả hai lại chẳng nói gì về số vật kỷ niệm ngày cưới của
họ, vàng, kim cương, ngọc trai. Một thiếu sót thật đáng tiếc hay họ có
chủ ý để như thế ? Hậu quả là các con tranh cãi nhau, đưa nhau ra tòa,
mất đoàn kết, mất tình nghĩa anh em.
Chúa Giêsu của bài Tin Mừng hôm
nay cũng sắp lìa bỏ thế gian mà về cùng Ðức Chúa Cha. Ngài cũng hết sức
lo lắng cho các kẻ Ngài yêu. Nhưng di chúc của Ngài lại khác hẳn những
điều thế gian thường làm. Ngài dự kiến trước tương lai cho họ khi Ngài
vắng mặt, họ cần được yên ủi, nâng đỡ. Bởi thế gian sẽ ghen ghét họ. Họ
cần được khích lệ, khuyên nhủ, bảo đảm, thúc bách. Bởi khó khăn trước
mắt sẽ rất lớn, đòi hỏi phải hy sinh thật nhiều, gồm cả tính mạng, tài
sản, tương lai, gia đình, họ hàng, cha mẹ… Họ phải gánh chịu những tai
họa ghê gớm, không phải vài ba ngày, một tháng, một năm mà hàng nhiều
thế kỷ. Cho nên di chúc của Ngài phải làm sao bao trùm được tất cả.
Chúng ta, loài người, chẳng thể nghĩ ra được một di chúc thần kỳ như vậy.
Tuy thế, Ngài đã thực hiện một cách dễ dàng như xé một tấm vải.
Bài di chúc của Chúa Giêsu hôm
nay là một phần của diễn từ cuối cùng. Tuần trước chúng ta đã đọc đoạn
đầu. Hôm nay Ngài tỏ lộ ý thức của Ngài về những khó khăn họ sắp phải
gánh chịu. Ngài tiếp tục chăm sóc họ, ngay cả khi vắng mặt. Ðây là lời
hứa cuối cùng Ngài nói với họ trước khi ra đi. Ngài muốn để lại một kỷ
niệm có giá trị thật to lớn. Với kỷ vật này họ không còn phải sợ hãi
chi. Tương lai hoàn toàn được bảo đảm. Kỷ vật đó không phải là vàng bạc
hoặc tài sản hay hư nát, hoặc điều chi có thể gây nên cãi cọ, tranh
giành, mà là một bảo đảm vững chắc cho tương lai. Nó là một kho báu lưu
truyền cho mãi tới ngày hôm nay. Không có nó chẳng ai có thể sống tốt
lành, thánh thiện, chẳng ai có thể đẹp lòng Thiên Chúa. Kho báu đó giống
như một hòn ngọc vô giá. Ai có nó sẽ lung linh sáng ngời, đẹp hơn cả
Thiên cung. Ngài giống như một người cha đầy yêu thương lo lắng cho
tương lai của những đứa con. Ngài ban cho chúng một kỷ vật luôn nhắc nhớ
chúng về sự hiện diện của Ngài, giúp chúng lớn lên và phát triển mặc cho
những khó khăn của không gian và thời gian, mặc cho "cửa hỏa ngục" cũng
không thắng nổi. Nói đúng hơn, bằng kỷ vật này, Ngài hiện diện với họ
một cách khác, cũng chân thực và quyền phép như thời gian hiện tại. Nếu
như Ngài là Ðấng bảo trợ, luật sư thứ nhất thì Ngài hứa sẽ ban cho họ
luật sư thứ hai, ngang bằng với Ngài. Sau này, họ sẽ gọi là Chúa Thánh
Linh.
Nhưng có một điều kiện tối quan
trọng để được Ðức Thánh Linh ấy. Ðó là "giữ các giới răn" của Ngài. Ðức
Thánh Linh không thể được ban nếu người ta không tuân giữ các giới răn.
Theo thói thường, muốn tưởng nhớ đến ai, cái gì, biến cố nào, người ta
dựng đài kỷ niệm. Ðài đó bằng đá hoa cương, gạch ngói, sắt thép hay đơn
giản như viên đá đầu mộ. Chúa truyền cho các môn đệ nhớ đến Ngài không
phải bằng các thứ vật liệu ấy hay ngay cả bằng các thánh đường nguy nga,
mà là tuân giữ các giới răn của Ngài. Một đài kỷ niệm sống động và hùng
hồn để kính nhớ Ngài, để bày tỏ tình yêu của chúng ta đối với Ngài. Từ
đó, Thánh Linh sẽ ngự đến trong linh hồn giúp đỡ chúng ta chu toàn nhiệm
vụ làm con cái Thiên Chúa. Vì vậy Ngài gọi Ðức Thánh Linh là Ðấng bảo
trợ : "Thày sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Ðấng bảo trợ
khác đến ở với anh em luôn mãi. Ðó là thần khí sự thật, Ðấng mà thế gian
không thể đón nhận vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Ngài. Còn
anh em biết Ngài, vì Ngài luôn ở giữa anh em và ở trong anh em (Ga 14,
16). Bởi lý do đó mà Ngài còn gọi Ðức Thánh Linh là "trạng sư"
(advocate).
Trạng sư là người bênh vực, nói
thay, biện hộ cho phạm nhân. Ông ta có nhiệm vụ che chở phạm nhân trước
tòa án. Nếu phạm nhân thực sự có tội, thì ông xin tòa giảm án với những
lý do ông thấy là hợp lý. Tiếng La-tinh gọi là "advocatus", người được
triệu đến để làm chứng cớ, đưa ra những bằng chứng rõ ràng hay đứng bên
tội nhân để biện hộ. Tác giả Raymond Brown còn nói đến một nhiệm vụ khác
của trạng sư là an ủi, nâng đỡ tội nhân. Bởi lẽ lúc ấy tội nhân thường
bị lẻ loi, cô đơn, chịu đựng đau khổ một mình. Phúc âm thánh Gioan nhấn
mạnh khía cạnh này của Ðấng làm trạng sư. Ngài giống như Chúa Giêsu, an
ủi, khích lệ các Tông đồ. Tiếng Hy lạp gọi là paraclete. Khi Chúa Giêsu
vắng mặt thì Ngài thay thế. Tác giả Brown nói Ngài chỉ hiện diện nơi các
Môn đệ khi Chúa Giêsu đã ra đi.
Ða phần tín hữu bình dân giữ một
cái nhìn thô thiển về Thiên Chúa. Họ coi Ngài như một ông thần xa vời,
đầy quyền uy và sợ hãi, điều khiển muôn loài muôn vật từ nơi cao sang.
Thiên Chúa này là nhà lập luật nghiêm khắc đồng thời là Ðấng cầm cân nảy
mực, canh chừng mọi người phải sống đúng những tiêu chuẩn Ngài đã chỉ
định. Nếu không, những hình phạt ghê gớm đang đón đợi ở phía bên kia thế
giới, hoặc ngay cả ở đời tạm này ! Vô tình họ cũng gán cho Chúa Giêsu
một vai trò không mấy đầy đủ : Trạng sư biện hộ cho những lỗi lầm của
chúng ta trước một Thiên Chúa sẵn sàng giận dữ. Như thế Thiên Chúa Ngôi
Cha và Thiên Chúa Ngôi Con giống như một cặp cảnh sát tốt bụng và xấu
bụng. Chúa Giêsu chịu chết và sống lại để cứu chuộc tội nhân là cảnh sát
tốt bụng. Ngài dùng lời ngọt ngào khuyên nhủ chúng ta thay đổi cuộc sống
xấu xa. Nếu không, chúng ta sẽ bị ông cảnh sát xấu bụng là rầy, hò hét,
đập bàn, quăng ghế để ép buộc chúng ta phải sống tốt lành hơn. Với não
trạng như vậy Chúa Giêsu là trạng sư nhân ái trước Ngai tòa Thiên Chúa.
Khi vị trạng sư này vắng mặt, Chúa Thánh Linh là Ðấng bảo trợ thay thế
và Ngài cũng giữ vai trò cảnh sát tốt bụng. Hậu quả là chúng ta sẽ cầu
xin Thiên Chúa, theo kiểu cách chúng ta suy nghĩ về Ngài. Ngay trong
cộng đoàn này, nhiều tín hữu vẫn mường tượng và nguyện cầu theo lối đó.
Cần phải thay đổi cách nhìn.
Theo Phúc âm thánh Gioan, nhất là bài diễn từ cuối cùng, Chúa Giêsu hứa
ban Thánh Thần để đưa chúng ta vào hợp nhất với Thiên Chúa, không phải
bằng sợ hãi, nhưng bằng tình yêu, không phải bằng lề luật, hình phạt,
nhưng bằng ơn thánh, phúc trường sinh. Chúa Giêsu gởi trạng sư của Ngài
đến không phải để giãi bày tình huống của chúng ta trước tôn nhan Thiên
Chúa cho bằng mặc khải chương trình yêu thương của Ngài cho nhân loại,
giúp chúng ta thương yêu người khác, như Ngài đã thương yêu họ. Ðấng bảo
trợ sẽ khuyên nhủ, ban khả năng cho chúng ta để có thể thi hành điều
Chúa Giêsu đã nói với các Môn đệ : "Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hãy
tuân giữ những điều Thày truyền dạy." Ðiều Ngài truyền dạy là chúng ta
phải yêu thương nhau. Ngài làm gương trước bằng hành động rửa chân cho
các Tông đồ và ban chính sự sống của Ngài là giá chuộc tội nhân loại.
Tình yêu này đòi hỏi một tấm lòng bao la, một tâm trí mở rộng vô biên và
một sự dấn thân bền bỉ không mệt mỏi. Nhưng các Tông đồ không luôn có
Chúa Giêsu để chỉ dạy phải sống thế nào bằng tình yêu của Ngài trong
những hoàn cảnh phức tạp, thì Ngài sai Thánh Thần để nhắc nhở đến cách
đối xử của Ngài và những lời Ngài đã dạy bảo. Như vậy họ luôn trung
thành với đường lối thánh thiện của Ngài. Họ không cần phải dựa vào trí
nhớ hạn hẹp của mình, Thánh Thần sẽ đứng bên cạnh họ, chỉ bảo họ trong
những tình huống mới mẻ mà họ phải đối mặt. Nếu họ luôn tuân giữ các
giới răn của Chúa Giêsu, chắc chắn Ðấng bảo trợ chẳng bao giờ rời bỏ,
trái lại bảo đảm với họ là Thiên Chúa luôn lắng nghe, ngay cả khi họ kêu
xin nửa lời vì mệt mỏi, vì tội lỗi.
Ngày nay, nhiều Giáo hội địa
phương đang phải quằn quại vì gương xấu của hàng giáo sĩ thì nhu cầu Ðức
Thánh Linh lại càng rõ nét. Chúng ta cần Ngài để lấy lại lòng tin, lòng
cậy của mình. Chúa Giêsu đã gọi Ðức Thánh Linh là "Thần khí sự thật".
Trong Thần khí này, chúng ta đang vật lộn để tìm ra lối đi, hướng phải
bước tới trong khi thời sự các cộng đoàn là cả một đêm tối mịt mù, mối
bòng bong rắm rối. Nhiều tín hữu đã tuyên bố bỏ đạo, mất tin tưởng vào
Hội Thánh, thì vai trò của Thánh Linh càng cần thiết hơn để cứu vớt
những Giáo hội này, linh hồn này. Chúng ta hãy tha thiết kêu cầu sự hiện
diện của Ngôi Ba Thiên Chúa trên bàn thờ này, trên những lễ vật hôm nay,
để Ngài biến đổi chúng thành bánh rượu hằng sống nuôi dưỡng cộng đoàn ốm
yếu của chúng ta. Chúng ta cũng kêu xin "Thần khí sự thật" xuống trên
hội thánh các địa phương để biến đổi chúng thành thân thể nhiệm mầu và
thánh thiện Chúa Kitô. Mặc dù, chưa hoàn toàn trung thành với các giới
răn Chúa và còn đang đấu tranh để hàn gắn những lỗi lầm quá khứ và hiện
tại, chúng ta can đảm đối mặt với sự thật và quyết định những thay đổi
cần thiết trong các Giáo hội đang cần sự đổi thay.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, hầu
như mọi lời của Chúa Giêsu là không bỏ chúng ta một mình : "Ðấng Phù trợ
khác luôn ở với chúng con luôn mãi, … chúng con ở trong Thày, và Thày ở
trong chúng con, … Ta sẽ tỏ mình ra cho người ấy…" v.v. Ðó là những lời
khích lệ, là căn bản của kẻ sắp ra đi, chúng biểu lộ ý muốn tha thiết
của Chúa Giêsu, không lẽ chúng ta lại chịu mất tin tưởng ? Riêng phần
tôi, tôi hằng tâm niệm rằng dù có thế nào đi nữa, dù vết thương của Giáo
hội có tệ hại mấy đi nữa, thì Chúa Giêsu không bao giờ để chúng ta mồ
côi. Amen. Alleluia.
Fr. Jude Sicilianô, op
Dọn lòng
đón nhận Thánh Thần
Ga 14,15-21
Thưa quý vị,
Sách Tông đồ Công vụ là cuốn Kinh
thánh kể lại hoạt động của các Tông đồ sau khi Chúa Giêsu lên trời. Bài
đọc I hôm nay cho thấy các hoạt động của Phi-líp-phê, Phêrô và Gioan tại
niềm đất Samaria, ngoài ranh giới Giêrusalem và Giuđêa. Như vậy, rõ ràng
cuốn sách mang đúng tên người ta đặt cho. Việc rao giảng Chúa sống lại ở
Samaria có phần khác với trong đất thuần Do thái, bởi Samaria vẫn bị
người Do thái chính thống coi là không bao giờ được dự phần vào ơn cứu
rỗi. Nhưng ba nhà truyền giáo Philípphê, Phêrô và Gioan đã chia sẻ với
họ ơn Chúa sống lại. Bằng lời nói và hành động, các ông đã làm chứng
Chúa Giêsu vẫn còn đang sống và hoạt động cùng với các ông. Thực tế, họ
đang làm công việc mà Chúa đã thực hiện trước khi Người chịu đóng đinh.
Đó là chữa lành các bệnh tật, cho kẻ chết sống lại, kẻ què đi được,
người mù thấy được, xua trừ thần ô uế, cho những kẻ phong cùi được sạch.
Tóm lại, các ông thi ân giáng phúc cho những ai bất hạnh trong xã hội
như Chúa Giêsu đã từng làm khi Người còn đi lại trên đất Palestin. Bài
đọc cố tình bỏ qua chi tiết ông Simon phù thuỷ vì lý do phụng vụ. Chi
tiết này quan trọng bởi nó cho thấy tính ngay thẳng, bất vụ lợi trong
việc phục vụ Thiên Chúa : “Tiền bạc của anh tiêu tan luôn với anh cho
rồi, vì anh tưởng có thể lấy tiền bạc mà mua ân huệ của Thiên Chúa chăng
?” (8, 29) Liệu ngày nay chúng ta có được tinh thần thẳng thắn như
Phêrô không ? Hay cũng huờ theo thói tục thế gian, bắt chước Simon phù
thuỷ mà cầu cạnh ân huệ Thiên Chúa bằng bổng lộc tiền tài ? Nếu vậy, xin
cũng noi gương Simon mà ăn năn sám hối : “Xin
hai ông cầu cùng Chúa cho tôi, để không điều nào trong những điều các
ông đã nói giáng xuống trên tôi.”
Tuy nhiên, cuốn sách không nguyên tập
trung vào các Tông đồ. Chủ tâm chính yếu của thánh Luca là bày tỏ sự
hiện diện năng động của Chúa Thánh Thần qua sinh hoạt của các môn đệ
Chúa Giêsu. Chúa Thánh Linh làm tăng trưởng Giáo hội một cách ngoạn mục
qua các Tông đồ. Vì vậy, thánh nhân luôn lưu tâm ghi nhớ số lượng tín
hữu mà Hội thánh gặt hái trong quá trình rao giảng khắp nơi. Sự trở lại
của cư dân Samaria chứng tỏ tính phổ quát của Giáo hội Chúa và sứ vụ mà
Ngài trao cho Tông đồ đang được thực hiện tốt đẹp. Sứ vụ này kéo dài mãi
đến hôm nay và tiếp tục tới tận cùng thời gian. Nó không thuộc về tính
quốc gia, dân tộc, màu da, ngôn ngữ hay cấp bậc xã hội. ngược lại, bài
đọc cho thấy, bất cứ người nào lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa đều
là thành phần của Giáo hội, họ sẽ được Thần khí Chúa Giêsu chấp nhận qua
bí tích Rửa tội và Thêm sức. Họ là thành viên đầy đủ của cộng đoàn mới,
dân tư tế của Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý. Vậy thì, chúng ta
hãnh diện và được an ủi khi tham dự các buổi phụng vụ. Vì chúng ta ôm ấp
những thứ mà trên thế giới là nhân tố chia rẽ : Cấp bậc xã hội, kỳ thị
màu da tiếng nói, giàu nghèo sang hèn, giới tính, tuổi tác, bệnh tật,
tài năng, tiếng tăm, . . .
Cho nên, chúng ta tự hỏi tình hình thực
tế địa phương chúng ta nói lên điều chi ? Có đúng Thần khí Chúa đang tụ
họp tín hữu như thời các Tông đồ không ? Câu trả lời là tính cực, khi
nhìn vào tính đại đồng của cộng đoàn và những bí tích chúng ta nhận lãnh
hằng ngày : Rửa tội, Thêm sức, Chữa lành bệnh nhân, rao giảng, Thánh thể,
. . . Như vậy, sách Tông đồ công vụ là phúc âm của Chúa Thánh Thần và
mỗi tín hữu chân chính là một sách Tin mừng mở ra, nhờ vào các hoạt động
Ngài thực hiện nơi chúng ta. Dân ngoại sẽ nhận biết công việc của Ngài
do đời sống Chúa Giêsu được trình bày nơi các tín hữu nhiệt thành. Họ sẽ
được chào đón, nhập vào cộng đoàn những “kẻ được rửa tội nhân danh
Đức Giêsu Kitô.” Nếu không hoặc cảm thấy như thành viên hạng hai thì
lúc ấy, chúng ta đã rõ ràng thất bại, không hoạt động với Chúa Thánh
Thần giống như Ngài đã thúc đẩy các Tông đồ rao giảng trên đất Samaria.
Chúng ta xấu hổ, có lỗi với Hội thánh toàn cầu, phải thật lòng thống hối
vì không làm tròn phận sự.
Thơ Phêrô được viết để an ủi giáo dân đang chịu bách hại khủng khiếp
thời hoàng đế Domitian. (Thực ra, thánh Phêrô đã lãnh phúc tử đạo ở Rôma
năm 64, thơ này viết khoảng năm 80-90 chỉ lấy danh hiệu và uy tín của
ngài mà thôi). Nội dung thơ cho hay, đây không phải là cuộc bách hại
tổng quát, nhưng chỉ có tính địa phương, do lòng thù ghét riêng tư ; nói
cách khác, do nếp sống thánh thiện của những kẻ tin vào Chúa Kitô, mà
thiên hạ ghanh ghét họ, đưa ra đàm tiếu và loại trừ. Xin nhớ lời hộ giáo
của các thánh giáo phụ : “Nếu mang danh Kitô hữu là một tội, thì họ
lấy chứng cớ nào mà bắt bớ các tín hữu ?” Hay nói như tác giả thư
thánh Phêrô : “Hãy giữ lương tâm ngay thẳng,
khiến những kẻ phỉ báng anh em vì anh em ngay thẳng trong Chúa Kitô thì
chính họ phải xấu hổ vì những điều họ vu khống ?”
Mới
đây, tôi có mặt trong một nhóm học hỏi Kinh thánh. Chúng tôi suy tư về
đoạn Kinh thánh hôm nay, một thành viên buột miệng phát biểu về chữ
“chịu khổ”. Anh nói thao thao bất tận về những thánh giá Chúa gửi
cho chúng ta. Trong khi nghe, tôi trộm nghĩ : “Thiên Chúa ghê gớm
thật, giáng hoạ trên con người, bắt con người phải chịu khổ.” Có
phải đó là những thánh giá mà Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta gánh vác không
? Thơ thánh Phêrô trả lời : “Chúng ta chịu khổ vì việc lành.” Đấy
là thứ thánh giá các tín hữu vác hằng ngày để theo Chúa Giêsu. Mến Chúa
yêu người, chúng ta phải trả giá. Những ai từ chối thánh giá, tìm kiếm
sung sướng xác thịt không chứng minh được mình yêu mến Thiên Chúa. Họ
giữ đạo bằng miệng lưỡi và là kẻ giả hình. Chúa chịu thương khó, bởi vì
mang trong thận phận mình “gánh tội trần gian”. Nói cách khác, là
thành phần nhân loại nên theo pháp lý, Ngài là tội nhân trước mặt Chúa
Cha, do đó phải chịu hình phạt của pháp luật. Trái lại, chúng ta tìm
cách trốn tránh gian khổ thì làm thế nào xứng đáng làm môn đệ Chúa Giêsu
?
Cho nên, chúng ta chịu khổ vì việc lành,
cũng như Chúa Giêsu chịu nạn vì tội lỗi nhân loại. Chúng ta phải sẵn
sàng trả lẽ cho hy vọng của mình. Thay vì đối đầu với những sự dữ kẻ thù
gây nên, chúng ta dồn tâm lực vào Chúa Giêsu, (Hãy tôn Người làm Chúa
ngự trị trong linh hồn anh em) và giãi bày đức tin của mình hiền hoà
cung kính, ngõ hầu thiên hạ nhận ra đức tin đó không phải của loài người
mà là một ân huệ từ trời cao. Thời buổi ngày nay, các tranh cãi về tôn
giáo dễ đưa đến những đổ vỡ, bên trong cũng như bên ngoài, nhiều khi là
bạo lực, chiến tranh. Xem bản đồ thế giới, người ta phải rùng mình vì
chia rẽ tôn giáo. Có lúc, những người cùng ngồi ghế nhà thờ lại là các
đối thủ không đội trời chung vì ý kiến luân lý, đạo đức. Tuy nhiên, thư
thánh Phêrô nhắc nhở : “Đấng công chính đã chết cho kẻ bất lương, hầu
dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa.” Kẻ bất lương đó chính là nhân
loại. Cho nên, chúng ta được hưởng ân huệ hoà giải với Thiên Chúa là do
Đức Giêsu Kitô.
Hôm nay, chúng ta mừng sự kiện hoà giải
trong bí tích Thánh thể. Bí tích đem lại ơn lành đích thực qua hoạt động
phá vỡ mọi bức tướng ngăn cách của Chúa Thánh Thần. Vừa qua, tôi hân
hạnh được một cha xứ lân cận mời giảng tĩnh tâm cho các giáo dân, nhân
dịp mùa chay. Khi chờ đợi, tôi đứng nói chuyện với một người đàn ông ở
phòng mặc áo. Chúng tôi đứng gần một giỏ đựng rác. Trong giỏ, đầy những
tờ rơi dư thừa. Chúng bàn về mọi đề tài tôn giáo và nhiều ít liên quan
đến đức tin. Thí dụ, ngừa thai, phá thai, nghiên cứu tế bào gốc, bệnh
Alzheimer, đồng tính luyến ái, chết êm dịu, án tử hình, v. v. Chúng tôi
bàn bạc sơ qua một vài đề tài. Người đàn ông bốc ra một nắm giấy, đưa
tôi xem và nói : “Thưa cha, thời con còn học ở trung học cơ sở làm
chi có những chuyện như thế này.” Đúng vậy, nhưng bây giờ, chúng ta
phải đối mặt với chúng trong cuộc sống hằng ngày. Người tín hữu không
thể tránh né. Ngược lại, nên chấp nhận và bàn bạc với những người khác,
bất cứ ai, để làm cho vấn đề được sáng tỏ, nhân loại có một tương lai
nhân bản hơn, tươi sáng hơn. Dĩ nhiên, đôi khi có những bế tắc vì bất
đồng ý kiến, thí dụ : tránh thai, ngừa thai nhân tạo. Lúc ấy, chúng ta
cảm thấy cô đơn vì niềm tin của mình.
Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống đã
gần kề. Quý vị có thể đoan chắc như vậy, bởi vì các bài đọc Kinh thánh
năng nhắc đến Thần khí Đức Kitô và các công việc của Ngài giữa lòng Giáo
hội. Tức những việc lạ lùng vượt quá khả năng con người có thể thực hiện.
Bài đọc Phúc âm cho chúng ta hay nỗi lo lắng của Chúa Giêsu về số phận
của các môn đệ. Liệu sau khi Ngài ra đi, họ còn thương yêu đoàn kết với
nhau hay không ? Họ còn can đảm sống những điều Chúa truyền dạy hay
không ? Giống như các bậc cha mẹ tốt lành, Ngài thu xếp để họ ý thức sự
hiện diện thể lý của Ngài không phải là tối quan trọng. Trái lại, sự có
mặt tinh thần, bên trong mỗi tâm hồn, còn quý giá hơn nhiều. Sống thời
Tin mừng là điều may mắn, biết Chúa Giêsu theo phần xác thịt là điều
hạnh phúc. Nhưng sống thân mật với Chúa Giêsu trong tinh thần còn hệ
trọng hơn. Thánh Phaolô cũng phát biểu tương tự : “Vì thế, từ đây
chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người. Và cho dù,
chúng tôi được biết Đức Kitô theo quan điểm loài người, thì giờ đây,
chúng tôi không còn biết Người như vậy nữa.” (2 Cr 5, 16) Cho nên,
Chúa Giêsu hứa ban Thánh thần xuống trên họ : “Thầy sẽ xin Chúa Cha
và Người sẽ ban cho anh em một Đấng bảo trợ khác đến ở với anh em luôn
mãi.” Nhưng điều kiện để họ nhận được Thánh thần là tuân giữ lời
Ngài : “Nếu anh em yêu mến Thầy thì anh em tuân
giữ các điều răn của Thầy.”
Không hiểu ngày nay còn người tín hữu
nào, kể cả tu sĩ, giáo sĩ lưu tâm đến điều kiện của Chúa Giêsu để nhận
được Thánh linh ? Người ta năng nói đến Thánh linh, những hành động của
Ngài một cách độc lập với lệnh truyền của Chúa Giêsu. Đúng là một sai
lầm. Thánh linh chỉ được ban, nếu chúng ta tuân giữ lời Chúa Giêsu.
Ngoài ra là một thứ Thánh linh tưởng tượng. Cộng đoàn chúng ta muốn nhận
được nhiều Thánh linh, thì điều kiện tiên quyết là tuân giữ giới răn
Chúa cho cặn kẽ. Buông lỏng kỷ luật, buông lỏng lệnh Chúa truyền mà mong
ước được nhiều Thánh linh là điều vô lý. Điểm thứ hai cần lưu tâm là
Chúa Giêsu huấn thị cho các môn đệ tuân giữ “các giới răn của Thầy”
chứ không phải của người khác hay giới răn chung chung. Bởi lẽ,
trong Do thái giáo, đã có mười điều răn hướng dẫn con cái Israel ăn ở
phụng thờ Thiên Chúa. Nhưng lúc này, họ đã trở thành môn đệ Chúa Giêsu,
tâm trí họ phải hoàn toàn thuộc về Ngài. Ngài làm chủ tâm trí họ, tức
toàn thể con người, cho nên, Ngài đặt một điều kiện : Nếu anh em yêu mến
Thầy.
Các môn đệ sẽ minh chứng tình yêu đối với
Chúa Giêsu bằng một đời sống tuân theo những gì Ngài truyền dạy. Tức
sống như Ngài đã sống : yêu thương kẻ thù, làm ơn cho những người ghen
ghét, chữa lành bệnh nhân, nâng đờ người nghèo khổ, đón nhận anh em
ngoại giáo như bài đọc 1 nói về Philípphê, Phêrô và Gioan đón nhận dân
cư Samaria, rửa chân và tha thứ cho nhau. Trước tình hình thế giới ngày
nay, vấn đề trở nên nhiêu khê, bởi nhân loại không còn đơn sơ, mông muội
như trước nữa. Chúng ta không chỉ làm điều thiện nhân danh Chúa Giêsu,
mà còn phải với ý chí sắt đá, tinh thần luôn canh tân thì mới có khả
năng bền vững trong các giới răn của ngài. Sự sa sút luân lý trên thế
giới đòi hỏi nỗ lực vượt bậc để có thể kiên trì trong đường lối của
Thiên Chúa. Nếp sống tục hoá trong các giáo xứ, tu hội, tu viện cần một
lực đối kháng mạnh mẽ để có thể trở về nguồn, về tinh thần khắc khổ của
Chúa Giêsu, vác thánh giá hằng ngày mà theo Chúa.
Cho nên, chúng ta cần Thánh linh giúp đỡ
để sống trung thành với Chúa Giêsu. Không ai tự nhận sống sai trệnh
đường lối Chúa, nhưng thực tế đa phần tín hữu sống xa hoa, lãng phí,
chạy theo những tiện nghi vật chất của thế gian. Rất ít người giữ được
tinh thần từ bỏ. Chúa Giêsu gọi Thánh linh là Đấng bảo trợ khác. Cũng
như Chúa Giêsu là Đấng bảo trợ thứ nhất, Chúa Thánh Thần sẽ là trạng sư
nâng đỡ, ủi an, ban phát công nghiệp của Đấng cứu thế cho toàn thể nhân
loại, đặc biệt cho Hội thánh và các môn đệ. Mười năm trước đây, nhiều
thanh niên trên đất Hoa kỳ yêu thích đeo băng tay có chữ WWJD = What
would Jesus do ? = Ở hoàn cảnh này, Chúa Giêsu sẽ làm gì ? Chúng ta
chẳng thể sống lại thời các Tông đồ, cũng không cần nuối tiếc những kỷ
niệm họ được cùng Chúa đi lại và hoạt động trên đất Palestine. Chúng ta
sẽ được toại nguyện nếu thực thi nội dung băng chữ WWJD gợi ý. Chúng ta
sẽ là môn đệ đích thực của Chúa. Ngài chẳng để chúng ta mồ côi : Ngài sẽ
sai Thánh thần đến với chúng ta, dạy dỗ, an ủi chúng ta. Vì vậy, xin hãy
dọn lòng sốt sắng đón nhận điều chân thật Chúa hứa trong ngày Lễ ngũ
tuần. Lúc ấy, chúng ta sẽ thấy rõ : “Thầy ở trong Cha, anh em ở trong
Thầy, và Thầy ở trong anh em. Thầy sẽ tỏ mình ra cho anh em.” Như
vậy, niềm vui Phục sinh của chúng ta thật trọn vẹn. Amen. Alleluia.
G. Nguyễn Cao Luật op
Tuân giữ
các lệnh truyền
Ga 14,15-21
Tương giao mới trong Thần
Khí
Những ngày trước lễ Thăng Thiên,
phụng vụ sử dụng một bản văn thuật lại những lời nói của Ðức Giêsu khi
Người loan báo cuộc Khổ Nạn, tức là cuộc Ra đi của Người. Ðiểm kết thúc
của cuộc Ra đi này chính là việc Lên Trời. Nghe những lời loan báo của
Ðức Giêsu, các tông đồ lo sợ vì mất đi người hướng dẫn. Các ông sợ sẽ bị
bỏ lại bơ vơ, không có ai chỉ bảo. Ðức Giêsu biết điều đó và Người đã
trấn an các ông. Người giải thích cho các ông biết rằng mối tương giao
giữa các ông với Người, thay vì bị phá vỡ, sẽ trở thành một thực tại
thiêng liêng. Thực tại này đưa các tông đồ đến sự hiệp thông với Chúa
Cha, với Thần Khí, đồng thời đặt các ông vào trong tương giao mới với
thế gian.
Ðể xác định các mối tương giao
này, Ðức Giêsu mô tả một cách thức mới để nhận định về các sự vật. Thế
gian, hiểu theo nghĩa tiêu cực là kẻ thù của Thiên Chúa, chẳng những
không đón nhận Thần Khí sự thật, lại còn từ chối. Còn các tông đồ là con
cái ánh sáng vì bước đi trong sự thật, nên nhận biết Thần Khí. Như vậy,
điều cốt yếu là đạt tới một cái nhìn khác về sự vật, về biến cố, khác
hẳn với cái nhìn vốn có cách tự phát. Bởi vì thực tại sâu xa và đích
thực không phải là điều mà con người hiểu được theo giác quan, nhưng là
một sự hiện diện thiêng liêng, sự hiện diện đem lại sự sống.
Như thế, cần phải đạt tới thực
tại này. Ðiều này giả thiết rằng chính Thiên Chúa sẽ đến trợ giúp con
người thực hiện sự trao đổi. Ðó là bí mật sau cùng trong thực tại của
chính Ðức Giêsu, tức là ban Thần Khí.
Tuy vậy, ân huệ Thần Khí không
được hiểu theo nghĩa một cuộc đưa ra khỏi trần gian. Trái lại, ân huệ
Thần Khí giúp con người hiểu được con đường của Ðức Giêsu. Con đường này
có những cột mốc tức là những giới răn Ðức Giêsu đã truyền lại. Các cột
mốc này chính là thái độ mở rộng, là lòng quảng đại, là tình yêu thương.
Ai đi trên con đường này sẽ luôn đi đúng hướng, sẽ luôn cảm thấy an toàn.
Trên con đường này, có thể sẽ xảy ra những khó khăn, bước đường sẽ vất
vả. Nhưng không sao, đừng xao xuyến, đó là con đường dẫn đến sự sống.
"Nếu anh em yêu mến Thầy
..."
Có gì là mới lạ, khi cuối cùng,
Ðức Giêsu lại truyền cho các môn đệ phải tuân giữ các giới răn?
Những giới răn đầu tiên do Thiên
Chúa truyền cho con người được ghi lại trong trình thuật sáng tạo. Khi
ấy, cuộc sống mới ở giai đoạn đầu, thế gian vừa ra khỏi cảnh hỗn độn và
hoang vu : các lệnh truyền của Thiên Chúa chính là ánh sáng, là sự hài
hoà và là sự sống. Ðể đạt tới tình trạng này, con người phải tuân giữ
giới răn của Thiên Chúa.
Sau đó, là giai đoạn của Mười
giới răn được trao cho dân Do-thái, khi họ được Thiên Chúa giải thoát
khỏi đất Ai-cập. Các giới răn này là con đường để trở thành những người
tự do, biến dân Do-thái trở thành Dân của Thiên Chúa : nếu muốn bảo vệ
sự tự do đã được trao tặng, dân Do-thái phải tuân giữ các giới răn, bằng
không, họ sẽ trở lại với tình trạng nô lệ.
Ðiều này không chỉ đúng với dân
Do-thái, nhưng cả ngày nay nữa. Những ai từng trải qua kinh nghiệm về tự
do, về sự giải thoát, hay nói đúng hơn, về ơn cứu độ, đều là những con
người đã đi theo con đường do Mười giới răn vạch ra. Các giới răn này
hướng dẫn tự do của con người, biến họ trở thành những con người tự do
thực sự giữa những thăng trầm của cuộc sống.
Và bây giờ, Ðức Giêsu lại đưa ra
các lệnh truyền. Trong các lời giảng, Ðức Giêsu không hề có ý làm cho Lề
Luật ra suy yếu, trái lại Người củng cố Lề Luật : "Hãy yêu thương địch
thù ... Ai xin thì hãy cho ... Ðừng xét đoán ... Hãy tỉnh thức ... Hãy
đi làm hoà ...". Có lẽ nhiều người ngạc nhiên khi đọc Tin Mừng, khi thấy
con số cũng như tính cương quyết trong các lệnh truyền của Ðức Giêsu.
Tại sao thế ? Tiêu chuẩn hình
như quá cao. Các lệnh truyền trong luật cũ cũng đã khó thực hiện. Thế mà
lúc này Ðức Giêsu lại đưa ra những lệnh truyền có vẻ như khó thực hiện
hơn và có vẻ quyết liệt hơn.
Ðúng vậy, bởi vì trong Ðức Giêsu,
con người nhận lãnh không chỉ các lệnh truyền, mà là chính sự sống của
Thiên Chúa. Những giới răn đó không chỉ dành cho con người, nhưng chính
là giới răn, là quy tắc của Ba Ngôi Thiên Chúa. Bởi vì sự sống do Ðức
Giêsu đem lại không chỉ là một trạng thái quân bình về xã hội hay một sự
tự do cần duy trì, nhưng, theo kiểu nói của thánh Phao-lô, đó là được "đưa
vào" trong sự sống của Thiên Chúa. Qua các lệnh truyền, Ðức Giêsu muốn
đưa các môn đệ đi vào trong sự sống của Ba Ngôi, đồng thời mong muốn các
ông có cùng tâm tình của Người : yêu mến, hiệp thông với Chúa Cha ...
Tuân giữ các lệnh truyền
Như thế, nếu muốn tham dự vào sự
sống của Thiên Chúa, nếu muốn được Ðức Giêsu yêu mến như Người đã yêu
mến Chúa Cha, các môn đệ - cũng như chúng ta - hãy trung thành tuân giữ
các lệnh truyền của Người, hãy sống theo mối tương giao vẫn chi phối đời
sống của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Theo khía cạnh con người, đây là
điều khó thực hiện, hay chính xác hơn, là điều không thể. Nhưng, như lời
đã hứa, Ðức Giêsu vẫn ở bên trong chúng ta : Người là vị hướng dẫn nội
tâm, là người mẹ nâng đỡ những bước chân đầu tiên của đứa trẻ. Và trong
mọi hoàn cảnh, lời hứa của Ðức Giêsu với các môn đệ vẫn luôn là một bảo
đảm chắc chắn : "Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một
Ðấng bào chữa khác đến ở với anh em luôn mãi. Ðó là Thánh Thần chân lí."
Tuy vậy, chúng ta sẽ không tuân
giữ các lệnh truyền của Ðức Giêsu do ép buộc hay do sợ hãi. Trái lại,
các lệnh truyền cũng là ân huệ, cũng như Thần Khí là ân huệ. Với ân huệ
của Thiên Chúa, chúng ta không phải là những người bị bỏ lại bơ vơ giữa
cuộc đời, chúng ta không phải là những đứa trẻ mồ côi. Ngược lại, nhờ
việc tuân giữ các lệnh truyền của Ðức Giêsu, chúng ta họp nhau trở thành
một gia đình duy nhất trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Trong gia đình này,
những con người tự do luôn được tái sinh, luôn được hiệp thông trong
tình yêu
Giacôbê Phạm Văn Phượng op
Yêu người là yêu Chúa
(Ga 14,15-21)
Ngày nay có rất nhiều người trên
thế giới, trong đó có chúng ta, biết đến mẹ Tê-rê-xa thành Can-cút-ta và
dành cho mẹ nhiều thiện cảm. Sở dĩ mẹ được nhiều người biết đến và
ngưỡng mộ là do những hoạt động từ thiện bác ái mẹ đã thực hiện cho
những người nghèo khổ bất hạnh ở Ấn Độ cũng như nhiều quốc gia chậm phát
triển khác trên thế giới. Năm 1979 mẹ Tê-rê-xa nhận được giải thưởng
Nobel hòa bình, một phần thưởng cao quý mà rất ít người nhận được, vì đã
có công đóng góp tích cực cho nền hòa bình thế giới và phục vụ cho người
nghèo. Mẹ Tê-rê-xa đã được nhiều người thiện chí khắp nơi sẵn sàng cộng
tác giúp đỡ cả về tinh thần cũng như vật chất. Những ai cộng tác với mẹ,
mẹ luôn đòi hỏi điều kiện quan trọng này là : họ phải có trái tim chứa
chan tình yêu, và tình yêu này phải bắt đầu trước hết từ trong gia đình
ruột thịt của họ.
Có lần Mẹ Tê-rê-xa kể lại như
sau : “Trong số những cộng tác viên của tôi có một đôi vợ chồng lạnh
nhạt với nhau và hay cãi lộn nhau. Một hôm tôi đã nhẹ nhàng trách cả hai
: tôi không thể hiểu làm sao anh chị có thể đem Chúa Giêsu đến cho người
khác, trong khi anh chị đã không thể đem Chúa Giêsu đến cho những người
trong gia đình mình. Làm sao anh chị có thể thấy Chúa Giêsu hiện diện
nơi những người bệnh tật khổ đau trong lúc anh chị không nhìn thấy Chúa
Giêsu đang hiện diện ngay trong người bạn đời của mình”. Nghe lời trách
cứ của tôi, hai vợ chồng đã sửa đổi cách sống, sống hòa thuận với nhau
cho đến bây giờ và họ luôn là cộng tác viên đắc lực của tôi. Quả thực
nếu chúng ta không cảm nghiệm được Chúa Giêsu đang hiên diện trong lòng
chúng ta, và đang ở nơi những người đang sống chung với chúng ta dưới
một mái nhà thì chúng ta không thể đem Chúa Giêsu đến cho người xa lạ
được.
Yêu mến Chúa, đó là bổn phận của
chúng ta. Nhưng thế nào là yêu mến Chúa ? Làm sao chúng ta biết được
mình yêu mến Chúa hay dựa vào điều gì để chính mình hay người khác biết
được chúng ta yêu mến Chúa ? Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu bảo cho
chúng ta biết một nguyên tắc, một bằng chứng, đó là giữ các điều răn của
Chúa : “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy,
người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy”. Chúng ta thấy Chúa Giêsu nhấn mạnh đến
mối liên hê giữa lòng yêu mến Chúa và việc tuân giữ các điều răn : yêu
mến Chúa thì tuân giữ các điều răn, ngược lại, giữ các điều răn là bằng
chứng yêu mến Chúa. Sau đây chúng ta tìm hiểu về mối tương quan hay mối
liên hệ này.
Có một số người ngoại giáo nhìn
đạo Công giáo với nhiều thành kiến. Họ cho rằng đạo Công giáo chỉ là một
lô những điều răn và kinh kệ dài dòng mà phải mất rất nhiều thời gian
mới có thể học thuộc và tuân giữ được. Quả thực, cách sống đạo của một
số người Công giáo có thể đưa đến ngộ nhận trên. Tuy nhiên, thực chất
của đạo Công giáo rất đơn giản. Thiên Chúa là tình yêu, Ngài sai con một
Ngài xuống trần gian để dạy bảo cho con người biết về tình yêu của Ngài
và mời gọi con người hãy sống yêu thương để được hạnh phúc thật. Tất cả
mọi điều răn và lề luật của đạo được tóm gọn trong hai chữ yêu thương.
Chính Chúa Giêsu đã xác định : cái cốt lõi của mọi điều răn, mọi lề luật
là mến Chúa yêu người, và Chúa đặc biệt nhấn mạnh đến điều răn yêu người.
Xin nêu ra một vài thí dụ :
Về điều răn “đi lễ Chúa Nhật”,
có một số người đi lễ, họ thản nhiên, nếu không nói là cố ý, tới nhà thờ
khi linh mục đã giảng xong, hoặc ra về khi linh mục bắt đầu cho rước lễ.
Thế mà họ an tâm là đã làm xong bổn phận đi lễ ngày Chúa Nhật. Nếu có ai
đặt vấn đề thì họ lý luận rằng : chưa mất phần chính, phần quan trọng
của thánh lễ, thì không sao cả. Nhưng họ không ngờ rằng, làm như vậy là
họ đã bớt xén bổn phận đối với Chúa, và đã hạn chế lòng yêu mến Chúa,
nghĩa là họ giữ điều răn đi lễ ngày Chúa Nhật chỉ vì có luật buộc và sợ
mắc tội trọng, chứ không phải vì lòng yêu mến Chúa.
Đối với điều răn “chớ giết người”,
có một số người cho rằng : chỉ khi nào làm đổ máu hay làm thiệt hại đến
thân thể người khác mới là phạm đến điều răn này. Họ đâu có biết rằng :
những lời nói chua cay, những lời hành tỏi, những xét đoán bừa bãi… đều
là những hình thức giết người. Nếu họ cứ thản nhiên vi phạm những điều
này, thì làm sao có thể nói họ có lòng yêu người được ? Đối với những
điều răn khác cũng vậy, nếu chỉ giữ bôi bác, chiếu lệ, hoặc coi thường,
hoặc dễ dàng vi phạm khi biết đó là điều không quan trọng. Những người
giữ các điều răn kiểu đó có thể nói họ không mến Chúa và yêu người thực
sự.
Bởi vì giữ các điều răn là yêu
mến Chúa, giữ các điều răn là thước đo lòng mến cao hay thấp, nhiều hay
ít : giữ nhiều là yêu mến nhiều, giữ ít là yêu mến ít. Đàng khác, hễ
càng yêu ai nhiều, thì càng sợ làm mất lòng người ấy nhiều, và hễ yêu ít,
thì cũng ít sợ mất lòng. Chẳng hạn, có ai áy náy khi thấy kẻ thù nghịch
của mình gặp chuyện rủi ro, bất hạnh không? Nhưng chắc chắn ai cũng rất
sợ làm phiền lòng người mình yêu thương. Cũng vậy, những ai yêu mến Chúa,
thì cũng sợ làm mất lòng Chúa, mà làm mất lòng Chúa là khi không tuân
giữ các điều răn hoặc vi phạm các điều răn Chúa dạy.
Như vậy, người Kitô hữu có nhiều
cách biểu lộ tình yêu của mình đối với Chúa, nhưng cụ thể nhất là giữ
các điều răn Chúa dạy, cách riêng là điều răn mến Chúa yêu người. Hơn
nữa, chỉ cần xét xem, chúng ta có yêu người không là đủ, nghĩa là muốn
biết chúng ta yêu Chúa thế nào, thì chỉ cần xét xem chúng ta đã yêu
người ra sao.
Tóm lại, bài Tin Mừng hôm nay,
Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết một bằng chứng, một dấu hiệu để chứng
tỏ chúng ta yêu mến Chúa là tuân giữ các điều răn của Chúa, nhất là điều
răn yêu người. Đó là điều chúng ta cần ghi nhớ và thực hành. Chúng ta
phải sống thế nào để lòng yêu mến Chúa không chỉ giới hạn trong việc thờ
phượng hay trong những sinh hoạt tôn giáo, mà phải được thể hiện trong
mọi hoàn cảnh bằng đời sống yêu thương của chúng ta. Chúng ta hãy xác
tín rằng : Chỉ bằng cuộc sống yêu thương, chúng ta mới thực sự làm chứng
cho Chúa.
Giuse Lê Xuân Hiệp OP
Ai yêu mến Thày, sẽ
được Cha Thày yêu mến
(Ga 14:15-21)
Giới răn yêu thương là yếu tố
cốt lõi của đạo Công Giáo do Chúa Giêsu thiết lập. Đối với Ngài: “Mến
Chúa và yêu tha nhân” phải song hành với nhau. Ai nói mến Chúa mà không
yêu người khác là nói dối. Do đó, khi Chúa Giêsu nói: “Cứ dấu này người
ta sẽ nhận anh em là môn đệ Thầy” là “anh em hãy yêu thương nhau.” (Ga
15, 12). Yêu nhau là dấu chỉ rõ rệt nhất để nhân loại nhận ra họ là môn
đệ Chúa Giêsu. Đây là tình yêu mến giữa các môn đệ với nhau rồi Chúa
Giêsu lại nói tới lòng yêu mến các môn đệ phải có đối với Ngài.
Chỉ có một cách để trắc nghiệm
tình yêu thương là sự vâng lời. Chúa Giêsu đã chứng minh Ngài yêu Chúa
Cha bằng sự vâng lời. Có nhiều người chỉ yêu thương qua đầu môi chót
lưỡi, đồng thời lại làm cho những người họ yêu phải đau đớn, khổ tâm.
Với Chúa Giêsu, tình yêu thương chân thật không phải là điều dễ dàng,
tình yêu chân thật chỉ có thể chứng minh bằng sự vâng lời chân thật.
Chúa không hứa ban cho ta cơm ăn,
áo mặc, của cải vật chất, giầu sang phú quý, hạnh phúc trần gian … Nhưng
Chúa hứa sẽ cầu xin với Chúa Cha và Chúa Cha sẽ che chở các môn đệ và
mọi người khỏi quyền lực thế gian tội lỗi. Tuy nhiên, để lãnh nhận lời
Chúa Giêsu dạy, các môn đệ và mọi Kitô hữu phải yêu mến Chúa và giữ lời
Ngài.
Giữa những bấp bênh của cuộc
sống hôm nay, con người trải qua nhiều nỗi thất vọng khác nhau. Càng
thất vọng, con người càng không tìm được lẽ sống và không biết bám víu
vào đâu. Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa đã mạc khải cho chúng ta lẽ sống
chính là sự sống Ba Ngôi Thiên Chúa trong tâm hồn tín hữu. Sở dĩ thế
gian đầy dẫy những con người thất vọng vì không có con đường giải thoát.
Khắp nơi tràn ngập những gian trá, lừa đảo. Chính vì thế, "Thần Khí sự
thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và
cũng chẳng biết Người." (Ga 14,17) Thế gian sống trong ảo vọng. Không
thể tìm thấy niềm hy vọng trong những mớ ảo vọng đó.
Trái lại, niềm hy vọng của người
Kitô hữu vững chắc như chính Thần Khí sự thật. Niềm hy vọng đó vô cùng
lớn lao, "vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em." (Ga 14:17)
Người luôn hiện diện giữa cộng đoàn và trong tâm hồn các tín hữu để bảo
vệ họ khỏi nanh vuốt Sa-tan là cha mọi sự dối trá.
Chúa Giêsu đã hứa : "Thầy sẽ
không để anh em mồ côi." (Ga 14, 18) Cho dù kéo bè kéo cánh, kẻ thù vẫn
không thể áp đảo các Kitô hữu. Dù bị hất hủi hay phản đối, họ vẫn không
cô đơn, vì niềm tin đã khơi lên niềm hy vọng lớn lao trong tâm hồn và
cuộc đời họ. Chính những lúc đau khổ và trống vắng nhất là những lúc họ
đầy ắp ân sủng. Với nguồn ân sủng lớn lao, "Thầy sẽ đến cùng anh em" (Ga
14, 18) để đối phó kịp thời với những âm mưu đen tối. Chính tình yêu đã
thúc đẩy bước chân Người đến với chúng ta.
Chính con mắt đức tin làm cho "anh
em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống" (Ga
14,19) với tất cả niềm vui và tràn đầy hy vọng. Người môn đệ không thể
thể sống mà không có Thầy. Sự sống Thầy bảo đảm cho tín hữu không phải
rơi vào hố diệt vong. Ai có thể cất mạng sống Thầy ? Ai có thể thể tách
lìa họ khỏi Thầy ? Còn sống là còn hy vọng. Đó là lý do tại sao họ vẫn
giữ được niềm hy vọng dù phải sống giữa những hoàn cảnh tuyệt vọng. Các
thánh tử đạo là một bằng chứng hùng hồn. Không một lý do tự nhiên nào có
thể giải thích nổi những hành vi gan dạ đó. Không phải nhờ ý chí vững
mạnh hơn người. Cũng không phải vì cuồng tín. Nhưng là từ cảm nghiệm sâu
xa của niềm tin.
Như thế, dưới sự phù trợ của
Thánh Linh, người tín hữu sẽ lao mình vào cuộc chiến để dành phần thắng
cho Nước Chúa. Đó là lý do tại sao các môn đệ có thể mạnh mẽ "rao giảng
Đức Kitô" (Cv 8,5) khắp thế giới, bất chấp mọi hiểm nguy.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin
ban ơn Thánh Thần cho chúng con hầu chúng con có thể nhận ra những giá
trị đích thực của cuộc sống hôm nay, xin giúp chúng con chiến thắng
những cám dỗ của thế gian và không bị đồng hóa với những mặt trái của
đời sống xã hội.
Sau khi trỗi dậy từ cõi chết,
nhiều lần Chúa đã hiện ra với các môn đệ và ban bình an cho các ông. Xin
Chúa cũng ban ơn bình an cho tâm hồn chúng con ngõ hầu chúng con có thể
chia sẻ bình an đó cho những người mà chúng con gặp gỡ.
Các môn đệ đã trung thành làm
chứng cho Chúa dù phải hy sinh cả tính mạng. Xin Chúa ban cho chúng con
luôn trung thành với những đòi hỏi của Tin Mừng, biết quên mình để phục
vụ Chúa, biết tuôn trào tình yêu thương và sẵn lòng trợ giúp những cảnh
đời khốn khổ, bất hạnh bằng những hành động thiết thực chứ không chỉ
dừng lại ở lý thuyết.
Cho đi tình yêu, nơi đồng loại, là phương thế để chúng con thể hiện tình
yêu của chúng con đối với Chúa. Amen./.
Đỗ Lực op
Buồn Ơi, Chào Mi !
(Ga 14:15-21)
Khi nhìn vào xã hội Hoa Kỳ, ÐGH
Bênêđictô XVI thấy “chủ nghĩa thế tục đang đặt ra một vấn đề đặc biệt :
con người đươc quyền tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa và kính trọng
vai trò của tôn giáo và của các Giáo hội trong quần chúng. Nhưng đồng
thời, chủ nghĩa thế tục này có thể âm thầm giản lược niềm tin tôn giáo
vào một sự tin tưởng chung chung đáng sợ nhất. Ðức tin trở thành sự chấp
nhận thụ động một số điều thật là đúng, nhưng lại không có liên quan
cuộc sống thực tế hàng ngày. Kết quả, đức tin ngày càng xa lìa cuộc sống:
sống như thể không có Thiên Chúa. Sự kiện này trở nên nghiêm trọng hơn
khi mỗi người tưởng mình có quyền lựa chọn theo sở thích cá nhân, thay
vì ‘tin tưởng cùng với Giáo Hội.’ Họ duy trì các mối liên hệ xã hội ở
nhà thờ, nhưng lương tâm không nhất thiết cải đổi và quay về với luật
Chúa Kitô. Vì thế, thay vì được đổi mới cách toàn diện, các Kitô
hữu dễ dàng bị cám dỗ chiều theo thời đại này (x. Rm 12:3). Chúng ta
thấy hiện trạng này biểu hiện rõ ràng nơi những người Công giáo làm
gương mù khi ủng hộ ‘quyền’ phá thai.”
Khi tách biệt tôn giáo ra khỏi cuộc sống,
con người sẽ bơ vơ như con tàu mất hướng trên biển cả mênh mông. Trong
cuộc đời, họ như người trầm cảm đang quay cuồng với những bóng hình ma
quái trong xó phòng cô đơn. Nhưng với những ai tin tưởng, Chúa quả quyết
: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi.” (Ga 14:18) Mồ côi sinh buồn sầu và
thất vọng. Thực tế, làm cách nào con người có thể vẫy tay giả biệt :
“Buồn ơi, chào mi !”
HIỆN DIỆN
Trong bữa Tiệc Ly, Chúa nắm bắt nhịp tim
của các môn đệ. Một đàng, các ông lo lắng về số phận Thày. Ðàng khác, họ
biết chắc tương lai sẽ không còn êm ả như lúc Thày còn ở kề bên. Nhìn
thấy trước tương lai, Chúa muốn các ông đừng hoảng sợ, vì “Đấng Bảo Trợ
khác” (Ga 14:16) hay “Thần Khí sự thật luôn ở giữa anh em và ở trong anh
em.(Ga 14:17) Ðó chính là sức mạnh giải thoát họ khỏi mọi ưu phiền, lo
sợ, cô đơn ...
Như vậy, thay Chúa Giêsu, Thần Khí sẽ đến
bảo trợ các môn đệ. Khi còn sống gần Chúa, họ đã sống yên ổn về mọi mặt
vì đã có Chúa bảo vệ trước những tấn công của kẻ thù. Khi Chúa ra đi, họ
vẫn sống giữa những thử thách, vì nanh vuốt kẻ thù còn nguyên đó. Họ cần
có một nơi trú ẩn trước những cơn phong ba bão táp của cuộc đời. Quả
thực, Ðấng Bảo Trợ đã chứng tỏ tất cả sức mạnh vô cùng lớn lao và bền bỉ
của Người trong lịch sử Giáo hội. Nếu có giây phút nào họ cô đơn hay
trống vắng, chắc chắn kẻ thù đã tấn công và phá sập Giáo hội từ lâu rồi.
Ðể có thể bền vững, Giáo hội cần phải
hiệp nhất. Muốn hiệp nhất, Giáo hội phải được giải thoát. Chẳng ai có
thể giải thoát Giáo hội ngoài Thần Khí Sự Thật. Thần Khí Sự Thật như một
chất keo nối kết các môn đệ với nhau thành một cộng đoàn. Không có Thần
Khí Sự Thật ở giữa các ông, cộng đoàn không bao giờ trở thành nhiệm thể
Chúa Kitô. Ðó là ý nghĩa lời Chúa hứa “Thần Khí Sự Thật luôn ở giữa anh
em.”
Không dễ gì nhận ra đượcThần Khí đang nối
kết các thành phần khác biệt để làm thành Giáo hội duy nhất. Càng khó
hơn nữa nếu muốn nhận ra Người đang hiện diện thực sự trong anh em. Có
hiện diện thực sự trong tâm hồn môn đệ, Thần Khí mới có thể canh tân và
điều khiển mọi ước vọng của họ. Nhờ đó, họ mới có thể được công chính
hóa và đưa vào chân lý toàn vẹn. Có được giải thoát và tự do, họ mới có
đủ khả năng chống lại các cơ chế bất công. Nhờ Ðấng Bảo Trợ, họ không sợ
nguy hiểm khi phải đương đầu với lực lượng sự ác.
Hơn thế, Thần Khí còn làm cho Chúa Giêsu
hiện diện sống động trong các chi thể của Người là các Kitô hữu. Ðó là
điều kỳ diệu nhất. Chính nhờ Thần Khí, Ðức Giêsu không bao giờ trở thành
một nhân vật lịch sử. Trái lại, Thần Khí làm cho Người sống giữa và
trong Giáo Hội. Nhờ đó, Giáo Hội mới có thể đứng vững tới ngày nay. Trên
đà tồn tại và phát triển, Giáo Hội có rất nhiều kẻ thù đang ẩn núp trong
đêm tối. Ðể bảo trợ Giáo Hội, Thần Khí cần phải dùng ánh sáng. Ánh sáng
có sức phá tan màn đêm và đem lại sự sống.
Ngoài nhiệm vụ bảo trợ, Thần Khí còn được
sai đến như Thần Khí Sự Thật để ở giữa và ở trong Giáo Hội. Nhờ Thần Khí
Sự Thật, Giáo hội cống hiến cho nhân loại một nền tảng và sức mạnh tranh
đấu cho nhân quyền. Cuối cùng, nhiệm vụ chủ yếu của Thần Khí Sự Thật trả
lại giá trị đích thực con người.
SỰ THẬT VÀ NHÂN QUYỀN
Nhờ Thần Khí Sự Thật, con người có thể
biết địa vị cao cả của mình. Quả thực, Người “sẽ dẫn anh em tới sự thật
toàn vẹn” (Ga 16:13) về con người là hình ảnh Thiên Chúa. Ðó là nền tảng
và lý do tại sao con người có nhân phẩm và nhân quyền phải được tôn
trọng. Nhưng không có đức tin, làm sao có thể nhìn thấy căn nguyên đó ?
Chỉ khi nào đụng chạm những khó khăn thực
tế, may ra con người mới nhận biết: “Cổ suý cho nhân quyền là phương
sách hữu hiệu nhất để tăng cường an ninh, và xoá bỏ tình trạng bất bình
đẳng giữa các nước và các nhóm trong xã hội." (1) Yếu tố quyết định cho
cuộc sống bình an và hạnh phúc không phải là những phương tiện vật chất
hay vũ khí, nhưng là chính con người. Khi không công nhận quyền con
người, chính quyền không còn lý do hiện hữu và đống vũ khí trở thành vô
nghĩa. Không gì tệ hại hơn khi dối gạt lương tâm để phủ nhận nhân quyền.
Ðó là nguyên nhân sinh ra mọi bất hạnh trên đời.
Trong dịp thăm viếng Hoa Kỳ vừa qua, “vị
chủ chăn của 1,1 tỉ tín đồ Công Giáo trên thế giới bác bỏ lập luận của
một số nhà cầm quyền cho rằng nhân quyền thay đổi tùy theo quan điểm của
mỗi quốc gia, bởi vì điều kiện sinh hoạt và tình hình xã hội, chính trị
của mỗi nước khác nhau.” (2) Các nhà cầm quyền đó chỉ nói quan điểm về
nhân quyền thay đổi tùy hoàn cảnh, nhưng không cho biết thay đổi như thế
nào. Họ không đưa ra một định nghĩa đích xác về nhân quyền, vì họ sợ sự
thật.
Nhưng Thần Khí Sự Thật vẫn không ngừng
soi sáng cho những tâm hồn chân chính thấy rằng “các quyền của con người,
đặc biệt là quyền tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng, là ngôn ngữ chung và
là nền tảng căn bản về đạo đức của các mối quan hệ, bang giao quốc tế.”
(3) Chắc chỉ có những nhà độc tài mới tạo nổi những ngôn ngữ riêng về
nhân quyền. Vậy tại sao họ còn tham gia vào những tổ chức quốc tế và ký
vào những bản tuyên ngôn nhân quyền ? Rõ ràng mâu thuẫn không thể hiểu
được !
Chỉ những ai nghe theo sự thật mới có thể
nhận ra “nhân quyền có những đặc tính phổ quát, bất phân và tương thuộc.
Tất cả những đặc tính này đều bảo đảm cho nhân phẩm. Rõ ràng những quyền
đó đã được nhìn nhận và giải thích trong Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và áp
dụng cho mọi người vì đều có chung một nguồn gốc nhân vị, cao điểm trong
chương trình Thiên Chúa tạo dựng thế giới và lịch sử. Các quyền đó có
nền tảng trong luật thiên nhiên và hiện diện trong các nền văn hóa và
văn minh khác nhau. Loại bỏ nhân quyền ra khỏi khung cảnh này sẽ giới
hạn phạm vi nhân quyền và chiều theo thuyết tương đối với chủ trương :
việc giải thích và ý nghĩa các quyền có thể thay đổi. Họ phủ nhận đặc
tính phổ quát của các quyền ấy nhân danh những quan điểm khác biệt về
văn hóa, chính trị, xã hội, và cả tôn giáo nữa. Sự khác biệt lớn lao này
không thể làm chúng ta không còn nhận ra rằng những quyền ấy và cả nhân
vị, chủ thể các quyền ấy, cũng có tính phổ quát trong thực tế.” (4) Chỉ
vì những quyền lợi hẹp hòi và nhất thời của đảng phái, các nhà cầm quyền
độc tài đã mù tối không còn nhận ra ý nghĩa đích thực của nhân quyền.
Nhưng dù sao, họ cũng cần hiểu rằng bao
lâu còn là người, con người không thể bị ép buộc phủ nhận chính mình.
Quả thực, “phải tôn trọng những quyền của con người vì đó là một lối
diễn tả công lý, chứ không phải các nhà lập pháp muốn là được.” (5)
Không tôn trọng công lý, làm sao hiểu được ý nghĩa nhân quyền ? Dù có
hiểu cũng không đủ can đảm nói lên sự thật. Nếu nói lên sự thật, làm sao
biện minh cho những hành vi đàn áp ?
Ðó là ý nghĩa lời tuyên bố của ÐGH
Bênêđictô XVI trước Hội đồng Liên Hiệp Quốc nhân dịp kỷ niệm 60 năm Bản
Tuyên Ngôn Nhân Quyền. Trong dịp thăm Hoa Kỳ năm 2008 vừa qua, những
hoạt động của ÐGH tại trụ sở Liên Hiệp Quốc chỉ nhằm thực hiện những
việc Công Ðồng Vatican II ủy thác cho Giáo Hội. Quả thế, Tuyên Ngôn
về Nhân Phẩm có ý công bố về “quyền tự do về mặt xã hội và dân sự
của nhân vị và cộng đoàn trong những vấn đề tôn giáo.” Tuyên Ngôn giải
thích : “Phải thi hành quyền tự do này, vì Thiên Chúa đã muốn và in sâu
trong bản tính con người quyền tự do ấy. Không nên đặt trở ngại nào trên
bước đường thực thi nhân quyền, vì ‘sự thật chỉ có thể bị áp đặt do
chính sức mạnh của mình.’” (6)
Dựa vào đâu Giáo Hội có thể quả quyết như
thế, nếu không phải Thần Khí Sự Thật ? Nếu không có Thần Khí Sự Thật,
Giáo Hội không thể thấy rõ bản chất nhân quyền. Hơn nữa, Giáo Hội còn
nhận xét : “Một nền dân chủ thực sự không phải chỉ là kết quả từ việc
tuân giữ chính thức một số luật lệ, nhưng là hệ quả việc cương quyết
chấp nhận những giá trị thôi thúc tiến trình dân chủ như: phẩm giá của
mỗi nhân vị, tôn trọng các quyền làm người, sự cam kết nhắm công ích như
mục đích và tiêu chuẩn hướng dẫn đời sống chính trị. Nếu không có sự
đồng thuận về những giá trị này, thì ý nghĩa sâu xa nhất của nền dân chủ
cũng tiêu trầm và khó bền vững.” (7)
Như thế đã quá đủ cho chúng ta nhận xét
và đánh giá một chế độ.
GIỚI TRẺ ÐỨNG TRƯỚC SỰ THẬT
Lịch sử cho thấy, sở dĩ những chế độ độc
tài thành công vì họ giấu diếm sự thật. Kinh nghiệm về ngày 30/04/1975
là một chứng minh hùng hồn. Sống mấy chục năm trong bầu khí hoàn toàn
bưng bít ở Miền Bắc, biết bao người đã hăng say chiến đấu để giải phóng
Miền Nam khỏi “ách thống trị của Mỹ Ngụy.” Sau cuộc chiến, họ đã bàng
hoàng trước thực tế của dân tộc. Dương Thu Hương đã cay đắng nói lên :
“Ngày 30 tháng Tư là một ngày mà tôi nhìn thấy sự trớ trêu của số phận
đất nước Việt Nam. Ngày 30 tháng Tư là một kỷ niệm nặng nhọc và buồn
phiền bởi vì ngày ấy tôi hiểu rằng chẳng có gì vinh dự gì, vì một nửa
nước làm tay sai cho phe xã hội chủ nghĩa, và nửa nước làm tay sai cho
tư bản chủ nghĩa, hai bên đánh nhau và cuối cùng thì một nửa nước chiến
thắng vênh váo. Tôi nghĩ rằng sau này lịch sử sẽ nhìn lại ngày 30 tháng
Tư. Ðó là một ngày đau khổ và cuộc chiến tranh bấy giờ là một cuộc chiến
tranh tồi tệ nhất của người dân Việt Nam. Những người Việt Nam có lương
tri, dù là chống cộng hay dù là cộng sản, sau này họ chết đi, họ cũng
nên lội qua vạc dầu một lần để hiểu thế nào là chân lý.” (8)
Không cần đợi tới khi sang bên kia thế
giới mới biết được sự thật. Ngày nay, ngành tin học đã chọc thủng tất cả
các bức màn sắt màn tre, liệu chế độ độc tài có thể thành công như xưa
nữa không ? Dù có trong tay khoảng 600 tờ báo và các phương tiện truyền
thông, Nhà Nước cũng không thể bắt mọi người đi vào “lề đường bên phải.”
Giới trẻ Việt Nam đã nhanh chóng lợi dụng những phương tiện tin học để
nắm bắt sự thật bên ngoài nhờ các trang blogs, emails, websites v.v. Nhờ
đó mới nổi lên các vụ dân oan, đình công, biểu tình phản đối Trung Quốc
về Hoàng Sa và Trường Sa cũng như về cuộc rước đuốc Thế Vận Olympics
ngày 29/04/2008 sắp tới tại Sài Gòn.
Các bạn trẻ đã phóng một cái nhìn về
tương lai dân tộc : “Chúng ta cùng giòng máu Lạc Việt, ngày nay đất nước
chúng ta còn thiếu thốn những vấn đề căn nguyên của một người dân. Để
lên tiếng vấn đề này thì mình thấy chỉ có giới trẻ có thể làm được. Và
thành phần này rất đông. Giới trẻ phải có trách nhiệm này, không chỉ ở
trong nước mà còn ở hải ngoại nữa. Chúng ta phải đóng góp với nhau để
những phong trào sắp tới của chúng ta có thắng lợi, mà lớn nhất là quyền
căn bản của người dân sẽ được như các nước đã phát triển” (9)
Nhưng tại sao cho tới nay dân tộc ta chưa
đạt được quyền căn bản đó ? Dương Thu Hương trả lời : “Thói quen tuân
lệnh, tuân lệnh và tuân lệnh đã tẩm nhiễm vào tâm hồn họ rồi cho nên họ
chỉ trở thành những người lính trong thời bình, nghĩa là những kẻ hèn,
chỉ biết cúi đầu tuân lệnh mà thôi. Những người lính này sẽ lại ra lệnh
cho con cái của họ, hoặc những kẻ yếu thế hơn họ. Nói cách khác, tâm lý
đó là, hoặc là làm xếp của những người bên dưới, hoặc là làm con ở, đầy
tớ cho những thằng bên trên. Một dân tộc mà mang cái tâm lý song trùng
đó thì rất là khó trở thành một dân tộc có tự do dân chủ, bởi vì muốn có
tự do dân chủ thì xã hội phải hình thành được những người công dân tự
do, biết quyền của mình, biết mình được được hưởng những gì và như thế
họ phải có ý thức về quyền công dân đã. Và lúc đó họ mới khao khát làm
công dân.” (10)
Ý thức và khát vọng đó chỉ có thể kiếm
thấy nơi Thần Khí Sự Thật. Ðó là niềm tin của chúng ta. Càng tin tưởng
càng cần gia tăng cầu nguyện và hiệp nhất để có thể mở một chiều hướng
mới cho dân tộc. Khi Thần Khí Sự Thật đã tới, quê hương sẽ được giải
thoát và dân tộc sẽ được làm người !
Tóm lại, trước một tương lai không còn
Chúa bên cạnh, các môn đệ run sợ. Nhưng Chúa đã bảo đảm cho họ một cuộc
sống bình an dưới sự bảo trợ của Thần Khí. Hơn nữa, Thần Khí Sự Thật sẽ
giải thoát để họ có thể lớn lên trong chân lý và tình yêu của Thày và
Chúa Cha. Vì Thần Khí “luôn ở giữa và ở trong anh em,” nên họ sẽ làm
thành một cộng đoàn làm chứng cho mọi người biết “Thày sống và anh em
cũng sẽ sống” giữa một thế gian không còn thấy bóng Thày nữa.
Lạy Chúa, xin sai Thần Khí Sự Thật đến
giải thoát chúng con khỏi cảnh đêm tối trần gian. Xin cho chúng con luôn
sống trong bình an và lớn lên trong một cuộc sống tự do đích thực của
con người và con Chúa. Amen.
1.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/pope_benedict_emphasizes_human_rights_
in_UN_speech_NTran-04232008095524.html
2. ibid.
3.
http://wcbstv.com/local/pope.benedict.speech.2.703107.html
4. ibid.
5. ibid.
6. Toát Yếu Học
Thuyết Xã Hội của Giáo Hội, 421.
7. ibid., 407.
8.
http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/y2vienam/viet6.htm
9.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnam/chinhtri/VNese_students_in_and_outside_the
_country_react_on_the_relay_route_of_the
_Olympic_Beijing2008_HVy-04242008103641.html
10.
http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/y2vienam/viet6.htm
Lm. Jude Siciliano, OP
Anh Em Nhà Học Đa Minh Chuyển Ngữ.
Hãy sẵn sàng trả lời về niềm hy vọng
Ga 14,15-21
Kính thưa Quý vị !
Điều tôi khiến tôi ngỡ
ngàng trong bài đọc Công vụ Tông đồ hôm nay là việc những người Samari
đón nhận lời giảng của ông Philipphê và sau đó tiếp đón ông Phêrô và ông
Gioan khi các Người đến để xem chuyện gì đang xảy ra tại Samari. Người
Samari và người Dothái là những cừu địch không đội trời chung; vậy mà,
người Samari chấp nhận những nhà giảng thuyết đến từ Giê-ru-sa-lem và cả
Đức Giêsu mà các ông rao giảng.
Hãy hình dung xem cộng
đoàn Kitô hữu gốc Dothái buổi đầu đã phải làm sao để thích nghi với
những Kitô hữu gốc Samari ở giữa họ! Chẳng phải Gioan (cùng với Giacôbê)
là những người đã muốn Đức Giêsu gọi lửa từ trời thiêu cháy làng Samari
đã dám từ chối đón tiếp các ông hay sao (Lc 9,4)? Tin mừng trong câu
chuyện này là việc thù địch cũ nay được hiệp nhất nhờ tin vào Đức Kitô.
Sự khoan dung và hòa giải là hoa trái của sự hiện diện của Thần Khí ở
giữa các Kitô hữu tiên khởi–nhưng, hãy hy vọng, không chỉ “người xưa”,
mà cho cả chúng ta nữa!
Theo lối nhìn cực đoan
của người Dothái, người Samari là người ngoại giáo; nhưng Thiên Chúa
nhất định tặng ban ân sủng nhưng không cho những người trước đây đã bị
loại trừ. Những người xa lạ giờ đây thành thân thiết. Tất cả đều được
Thiên Chúa chọn để nhận lãnh ân ban của Chúa và trở thành anh chị em với
nhau qua phép rửa họ lãnh nhận. Điều Đức Giêsu hứa trong bài Tin Mừng
hôm nay đã được ứng nghiệm - Đấng Bảo Trợ, Thần khí Sự thật đã được ban
cho chúng ta. Bây giờ tất cả chúng ta là anh chị em trong Đức Kitô -
không còn là trẻ mồ côi nữa nhưng là con cái Thiên Chúa. Trong cộng đoàn
chúng ta không có ai là “người ngoài”; không ai là “người đến sau”, hay
giáo dân hạng hai nữa..
Khi nhìn xung quanh
cộng đoàn sáng nay, có ai bị chúng ta hay giáo dân trong xứ đã xem là
người Samari, những người ít tham gia cầu nguyện với chúng ta nhất?
Nhưng họ đang ở ngay đây! Chúng ta không thể coi như không có, đặc biệt
nếu họ, giống như những người Samari, tỏ cho thấy dấu chỉ của một đời
sống của Thần khí. Chúng ta phải hoan nghênh và trân trọng lẫn nhau;
không ai là hèn kém hơn trong mắt Thiên Chúa, trong cộng đoàn của chúng
ta cũng vậy. Thánh Phêrô hôm nay mời gọi chúng ta “hãy sống ngay chính
trong Đức Kitô”. Chúng ta có thể làm gì để sống tốt hơn trong vai trò là
một Kitô hữu, với những khác biệt của quá khứ và hiện tại, nếu như đó
không phải là được hiệp nhất như một cộng đoàn các môn đệ Đức Kitô?
Một “vấn đề”
trong bài đọc sách Công vụ Tông đồ hôm nay sẽ làm cho những người giữ
đạo cách sốt sắng phải bối rối. Vấn đề này xuất hiện trong phần thứ hai
(8,14-17); nói về phép rửa và ân huệ của Thánh Thần. Các Kitô hữu chính
thống hơn yêu cầu một Phép rửa của Thánh Thần để hoàn tất Phép rửa. Các
Kitô hữu sơ khai đã thấy Thần Khí đang hoạt động qua những dấu chỉ rất
rõ bên ngoài (nói tiếng lạ, xuất thần,…) Vì vậy, họ đòi được thấy những
dấu chỉ này như là chứng thực cho sự hiện diện của Thánh Thần.
Thánh Phaolô đã phải đắn đo về việc làm sao để nói
về những kiểu diễn tả Thần Khí của cộng đoàn Côrintô. Trong khi khen
ngợi những ân huệ này, Người cũng cho thấy họ gây ra ganh đua, bè phái
và chia rẽ Hội thánh thế nào. Hãy nhớ Người đã nhấn mạnh trong thư gửi
tín hữu Côrintô: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại,
nhưng cao trọng hơn cả là đức mến (1Cr 13,13)”. Trong truyền thống Giáo
hội, chúng ta có thể nhận thấy việc các tông đồ đặt tay trên những người
Samari và cầu nguyện để Thần Khí xuống trên họ là hình ảnh tiên trưng
của việc cử hành Bí tích Thêm sức.
Bài Tin Mừng hôm nay chọn lọc từ “Diễn từ
ly biệt” của Đức Giêsu nói với các môn đệ trong đêm trước khi Người
chết. Người chuẩn bị cho cuộc ra đi của mình. Người nói với họ: nếu yêu
mến Người thì họ hãy giữ các điều răn của Người. Đó là điều bạn mong
muốn một lãnh đạo tôn giáo nói trước lúc ra đi: “Đây là nguyện ước và
lời chúc cuối cùng của tôi”. Hoặc “Đây là những lời cuối tôi nói với anh
chị em – xin đừng quên!” Nhưng tôi muốn hỏi, “Đâu là sách những điều răn
mà Đức Giêsu để lại? Hãy lật ra và kiểm tra xem chúng ta đã thực hiện
thế nào”.
Thật sai lầm khi nghĩ rằng, chỉ trước lúc
rời khỏi các môn đệ, Đức Giêsu mới đưa ra những giáo huấn cho các tông
đồ. Đó không phải là cách Người đã sống cả đời với các ông. Chúng ta
không có một quyển cẩm nang để nhớ về Người và để chỉ dẫn chúng ta.
Chúng ta có danh sách các lối ứng xử của thích hợp của học sinh khi còn
ở tiểu học. Có lẽ bây giờ, trong công việc, chúng ta có một danh mục
những quy định và hướng dẫn mà nhân viên phải tuân theo nếu họ muốn tiếp
tục làm việc. Nhưng chúng ta không có thứ sách luật về Đức Giêsu. Chúng
ta biết Người muốn chúng ta yêu thương người khác như Người yêu thương
chúng ta; tha thứ và hy sinh cho những người cần chúng ta — ngay cả khi
họ không xứng đáng — như thế là Người ở với chúng ta. Làm sao quý vị có
thể viết điều đó vào quyển sách cẩm nang hoặc viết điều đó vào danh sách
các điều răn? Đức Giêsu mời gọi chúng ta làm hơn những gì luật đòi hỏi.
Luật quy định những điều tối thiểu chúng ta phải giữ. Nhưng tình yêu của
Đức Giêsu phá đổ những luật lệ trói buộc và cho chúng ta được tự do yêu
thương - ngay cả kẻ thù của chúng ta.
Lúc tôi viết những điều này thì người dân
Hoa Kỳ đang mừng vui vì cái chết của Osama bin Laden. Ông là một người
dễ sợ, đã gây đau khổ cho hàng chục ngàn sinh mạng - đó là những nạn
nhân của ông, người thân yêu của các nạn nhân và những người phải chịu
đựng các cuộc xung đột chiến tranh, những hành động bạo lực là hậu quả
từ những hành động ông gây ra. Tôi ở New York vào ngày 11-09 và từ phía
bên kia thành phố quý vị có thể thấy và cảm nhận được những toà nhà đang
cháy cùng với con người và những gì bên trong toà nhà ấy. Giáo xứ tôi đã
tổ chức 25 thánh lễ an táng trong những tuần lễ đó.
Trong một blog gần đây dành cho tạp chí
“America”, (đăng ngày 02-05-2011) Jame Martin, S.J. đã chia sẻ ký
ức của ông về việc mục vụ cho những người sống sót, các gia đình của nạn
nhân, nhân viên cứu hộ và nhân viên y tế bên cạnh Trung tâm Thương mại
Thế giới. Ông nói điều đó trong khi ông “không mù quáng đối với cái chết
và lời tuyên bố do Osama bin Laden gây nên”, chúng ta là người Kitô hữu
đang mừng mùa Phục Sinh khi Đức Kitô, một nạn nhân vô tội của bạo lực,
đã trỗi dậy từ cõi chết. Đức Giêsu mời gọi chúng ta tha thứ, “không phải
chỉ bảy lần…. nhưng bảy mươi lần bảy.” Nói cách khác, sự tha thứ không
đòi hỏi số lần và thời gian. Cũng không chỉ dành cho một ít người nhưng
cho tất cả mọi người.
Sự tha thứ là đức tính khó nhất, nhưng là
trách nhiệm quan trọng đối với tất cả Kitô hữu. Bin Laden đã bị giết vào
ngày Đức Gioan Phaolô II được tôn phong chân phước. Lúc đức Thánh Cha
xuất viện sau khi bị ám sát, ngài đã đến nhà tù thăm Mehmet Ali Agca,
một thành viên thuộc nhóm quá khích Thổ Nhĩ Kỳ đã cố ý ám sát Người, để
gửi đến anh sự tha thứ. Hình ảnh Đức Gioan Phaolô II nói chuyện với
Mehmet trong nhà tù trở thành biểu tượng của của lòng khoan dung cho mọi
người thuộc mọi niềm tin.
Chúng ta an tâm rằng Bin Laden không còn
là mối đe doạ cho những người vô tội khác, nhưng Martin nhắc nhớ rằng:
là Kitô hữu chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho ông và cuối cùng là tha
thứ cho ông ta. Thật không dễ mà làm theo lời dạy đó. Chính Đức Giêsu đã
không vô cảm trước bạo lực; nhưng Người đã tha thứ cho những người gây
đau khổ cho Người. Đức Giêsu biết những gì Người đòi hỏi nơi các môn đệ.
Tự sức mình, chúng ta không bao có thể thực thi những lời dạy của Đức
Giêsu – nhất là giáo huấn về việc tha thứ.
Nhưng hôm nay, Người cho biết là Người
không rời bỏ chúng ta và một ngày nào đó sẽ trở lại để xem chúng ta sống
những lời dạy của Người như thế nào. Thay vì thế, Người nói với các môn
đệ “Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em”. Người hứa ban
cho họ “Đấng Bảo Trợ khác”. Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu là Đấng Bảo
Trợ đầu tiên được Thiên Chúa gửi đến. Bây giờ, Người nói với chúng ta
Đấng tiếp theo là Đấng Bảo Trợ khác sẽ được trao ban, “Thần Khí Sự thật”,
-- là Thánh Thần. Thần Khí sẽ là sự hiện diện của Đức Giêsu giữa chúng
ta. Soi sáng cho chúng ta hiểu những lời của Đức Giêsu; nói cho chúng ta
biết và giúp ta có thể sống như Người đã sống - như là những con cái của
Thiên Chúa Tình Yêu mà Đức Giêsu đã mạc khải cho chúng ta.
Tình yêu mời gọi và giúp chúng ta bước
theo con đường của Đức Giêsu. Thần Khí mà Đức Giêsu gửi đến cho chúng ta,
đã đổ tràn trên chúng ta ý thức về tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta
và lan tràn đến những anh chị em xung quanh - cả những kẻ thù của chúng
ta. Người khác sẽ nhận biết từ cuộc của chúng ta những dấu chỉ về sự
hiện diện của Thần Khí. Làm thế nào những dấu chỉ ấy có thể diễn tả rõ
ràng hơn con đường tình yêu và tha thứ mà chúng ta sống?
Tuần sau là Lễ Đức Giêsu Về Trời. Cuộc ra
đi Người đã chuẩn bị cho các môn đệ đến lúc diễn ra. Trước tiên, các ông
sẽ thấy thiếu vắng Người. Sau khi Người ra đi, họ sẽ phải tất bật và
phải sống cuộc đời Người đã chỉ dạy; nhưng không phải trước khi nhận
lãnh món quà Đấng Bảo Trợ mà Người đã hứa ban. Trong Tin Mừng Gioan, sự
việc này diễn ra lúc Người hiện đến với họ trong phòng tiệc ly sau cuộc
phục sinh. Mỗi người biết chúng ta cần đến Thần Khí ấy biết bao, khi
chúng ta sẽ diễn tả sự sống phục sinh của Đức Giêsu cho thế giới này. Vì
vậy, đang khi mong chờ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta hãy cầu
nguyện với tư cách cá nhân và Giáo hội rằng: “Lạy Thánh Thần, xin ngự
đến !”
Chúng ta những Kitô hữu, nhất là người
Công Giáo, có dường như né tránh dùng từ ngữ “rao giảng Tin Mừng”, “làm
chứng”, “chứng tá”,… Chúng có vẻ như hiện “ngay trên mặt.” Đó là điều
chúng ta trông mong vào các nhóm tôn giáo chính thống nào đó. Ấy thế mà,
hoa trái về sự hiện diện của Thần Khí sẽ biến đổi chúng ta thành chứng
nhân về cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu. Hôm nay tôi
thấy lời khuyên của thánh Phêrô gửi các Giáo hội gốc Dân ngoại thật hữu
ích khi ngài chỉ dạy họ: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai
chất vấn về niềm hy vọng của anh em, nhưng phải trả lời với sự hiền hoà
và với sự kính trọng…”
Thánh Phêrô biết Đức Giêsu thực hiện lời
hứa ban Thánh Thần bởi vì Người có thể biết về sự hiện diện của Thần Khí
nơi các Kitô hữu gốc Dân ngoại mà Người viết thư cho. Lời chỉ bảo của
Người dành cho họ và cho cả chúng ta là sống sao cho khiến người khác
phải thắc mắc về niềm tin của chúng ta. Giả định rằng cuộc sống của
chúng ta phải đủ khác biệt để khơi lên những thắc mắc. Cách trả lời của
chúng ta phải là sự trân trọng hoà nhã dành cho những người chất vấn.
Vì vậy, khi Osama bin Laden bị giết và
chúng ta được hỏi về điều đó, chúng ta trả lời ra sao ? Hôm nay, tôi
nghe một phụ nữ được phỏng vấn từ London. Cô có trong vụ đánh bom Xe
điện ngầm London vào năm 2005 làm 50 người thiệt mạng. Cô nói cô vui
mừng vì những người khác có thể tha thứ cho những điều khủng khiếp tương
tự như sự việc cô đã trải qua. Tuy nhiên, cô nói thêm rằng, tất cả sống
là hy sinh, ngay cả ông ta (Osama bin Laden). Vì vậy, cô nói sẽ không
bao giờ vui mừng vì cái chết của một người khác, ngay cả cái chết của
Osama bin Laden. Đây quả là một câu trả lời đầy thách thức. Đó là tiếng
nói của Thần Khí Sự Thật. Thần Khí Đức Giêsu hứa gửi đến dẫn dắt chúng
ta !
Lm.
Jude Siciliano, O.P.
Hãy trở thành “kitô hữu
chính danh”
Cv
8,5-8.14-17; Tv 66 ; 1 Pr 3,15-18; Ga 14,15-21
Kính thưa quý vị,
Nào hãy bắt đầu phần suy niệm của chúng
ta. Xem ra không có gì để chia sẻ về bài Tin Mừng hôm nay cả. Tuy nhiên,
ngẫm nghĩ kỹ hơn, bài Tin Mừng có thể mở ra cho chúng ta vài điểm suy tư.
Làm thế nào trở thành một “người hâm mộ bóng chày cuồng nhiệt” nhỉ? Có
người sẽ nói rằng, “người hâm mộ cuồng nhiệt” là người đều đặn theo dõi
các buổi phát sóng các trận đấu trên TV; họ cố gắng sắp xếp để đi xem
những trận đấu của đội mà họ yêu thích, thậm chí họ còn mua vé cả mùa
luôn. Và dù khi không đi xem được, họ cũng sẽ đội mũ, mặc áo đồng phục
của đội họ hâm mộ; lúc theo dõi trận đấu, một số người còn vẽ lên mặt
những màu sắc đặc trưng của đội tuyển. Một “người hâm mộ cuồng nhiệt” sẽ
nhào ngay lên mạng internet hoặc các trang tin tức thể thao hằng ngày để
xem tình hình đội tuyển, rồi kiểm tra kết quả đánh trúng bóng của những
cầu thủ mà họ yêu thích. Có người thậm chí còn lấy tên đội tuyển đặt cho
thú cưng của mình, ví dụ như: “Lại đây nào Dodger!”, “Lộn vòng đi
Ranger!” Phải chăng những đặc điểm trên đây là phẩm chất đặc trưng của
một “người hâm mộ cuồng nhiệt?”
Chúng ta thử áp dụng một câu hỏi tương tự
cho niềm tin của chúng ta. Điều gì giúp cho một người có thể trở thành
một “Kitô hữu chính danh?” Đâu là những thực hành hằng ngày họ phải tuân
giữ? Họ buộc phải có hiểu biết căn bản nào? Những câu hỏi này cùng nhiều
câu hỏi tương tự khác, sẽ tạo nên những chủ đề thảo luận thú vị cho một
lớp thông tin hay một nhóm các thành viên mới, những người đang khởi đầu
năm RCIA[1] (nghi thức khai
tâm Kitô giáo dành cho người lớn) của họ. Tất nhiên, có những tiêu chuẩn
và niềm tin nền tảng mà những người Kitô hữu chúng ta buộc phải có. Tuy
vậy, có một dấu hiệu phân biệt mà mỗi Kitô hữu phải có để trở thành một
“Kitô hữu chính danh”, dấu hiệu đó đã được Đức Giêsu chỉ ra trong bài
Tin Mừng hôm nay, đó là: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các
điều răn của Thầy.”
Đó là niềm tin của chúng ta, niềm tin đã
được Đức Giêsu tóm kết ngắn gọn để bất kỳ ai cũng có thể sử dụng và noi
theo. Thế nào là một “Kitô hữu chính danh”? Thưa rằng, đó là người yêu
mến Đức Giêsu, yêu mến cách thức Đức Giêsu dạy bảo để sống trong trần
thế, đồng thời sẵn sàng đem ra thực hành những gì mà Người truyền dạy.
Rất nhiều người ngưỡng mộ Đức Giêsu,
nhưng họ chưa bao giờ cùng chúng ta tôn thờ Người. Chúng ta biết rõ về
họ, vài người trong số đó là những người thân trong gia đình và bạn bè
của chúng ta. Họ ngưỡng mộ Đức Giêsu, thậm chí còn tổ chức kỷ niệm những
biến cố quan trọng trong cuộc đời của Người như lễ Giáng Sinh và lễ Phục
Sinh. Tuy nhiên, ngưỡng mộ một người không có nghĩa là yêu mến người ấy
và làm cho đời sống của mình phản chiếu tình yêu đó. Và việc “tuân theo”
mà Đức Giêsu đòi hỏi nơi chúng ta được tóm kết thế này: đó là chúng ta
tuân giữ những điều răn của Người. Từ mẫu gương và lời nói của Đức
Giêsu, chúng ta biết được rằng, “những điều răn” của Người chính là
những điều răn yêu thương.
Đức Giêsu không nói cách thức chúng ta
cảm nhận về người khác. Làm sao Người có thể đòi buộc chúng ta “cảm
thấy” yêu mến người khác? Làm sao chúng ta có thể duy trì một thứ cảm
giác như thế với những người mà chúng ta không biết hoặc biết quá ít,
những người không phải là người thân của mình? Với những người mà chúng
ta thực sự yêu quý, luôn luôn yêu thương trong mọi hành động đã là cả
một nỗ lực xuyên suốt cuộc đời. Vậy thì, làm sao chúng ta có thể có cảm
xúc và thể hiện những cảm xúc đó với những người không quen biết, thậm
chí là kẻ thù nữa? Giáo huấn của Đức Giêsu không chỉ đơn thuần là việc
ưa thích một người nào đó. Đúng hơn, Người muốn chúng ta phải thực hiện
một hành động của ý chí và thực hiện những việc có ích cho người khác.
Giáo huấn của Đức Giêsu cũng không phải là việc yêu thích mọi người, bởi
vì tôi không biết gì về anh, nên tôi không ưa thích anh!
Vốn chỉ là những con người bình thường
với một bản danh sách trong đầu về những người mà chúng ta yêu thương,
quý mến, cùng những người mà chúng ta không ưa, làm thế nào chúng ta có
thể sống xứng đáng với điều răn yêu thương của Đức Giêsu? Chúng ta hoàn
toàn biết câu trả lời cho câu hỏi này rồi: chỉ bởi sức mình, chúng ta
không thể. Tuy nhiên, hôm nay Đức Giêsu đã hứa với chúng ta nhiều điều
rằng, Người sẽ ban những ơn cần thiết để chúng ta có thể thực hiện điều
đó.
Trong Tin Mừng thánh Gioan, Lễ Ngũ tuần
diễn ra khi Đức Giêsu Phục Sinh thổi Thần Khí vào cộng đoàn những kẻ tin
đang ẩn núp sau những cánh cửa khóa kín (20,19-23). Thánh Thần mà Đức
Giêsu hứa ban sẽ lo liệu những ơn cần thiết để người môn đệ tiếp tục sứ
mệnh của Đức Giêsu, cách đặc biệt là sứ vụ yêu thương trần thế như Đức
Giêsu đã yêu thương. Thánh Thần sẽ đến từ Thiên Chúa nhờ lời thỉnh cầu
của Đức Giêsu (“Thầy sẽ xin Chúa Cha”) và Người sẽ thay thế Đức Giêsu
như một “Đấng Bào Chữa khác.” Đấng Bào Chữa này, Đấng thay thế cho Đức
Giêsu, sẽ làm những gì mà Đức Giêsu đã làm cho các môn đệ, Người sẽ là
bạn đồng hành, an ủi và trợ giúp họ. Đức Giêsu sẽ sớm ra đi, nhưng Thánh
Thần mà Người gởi đến sẽ không bao giờ rời bỏ chúng ta, bởi lẽ: “Thầy sẽ
không để anh em mồ côi.”
Thánh Gioan không phân định rạch ròi sự
khác biệt giữa giáng lâm của Thánh Thần với quang lâm lần thứ hai của
Đức Kitô. Điều rõ ràng ở đây là Đức Giêsu đã ban Thánh Thần cho chúng
ta. Vì thế, Thánh Thần ở cùng chúng ta, và Đức Giêsu cũng vậy, và sau
đó, Người sẽ nói cho chúng ta biết, chính Người và Chúa Cha sẽ đến và
ngự trong tâm hồn những ai yêu mến Người (c.23).
Khi bước vào một ngôi nhà cảm thấy vắng
vẻ, chúng ta có thể kêu lên rằng: “Có ai ở nhà không?” Thỉnh thoảng
chúng ta cảm thấy rất cô đơn trong một ngôi nhà rộng lớn và trống rỗng,
nhất là khi trải qua một giai đoạn khó khăn. Trong sự tuyệt vọng và
thiếu thốn đó, chúng ta có thể sẽ gào lên rằng: “Có ai ở đây với tôi
không?” Theo lời hứa của Đức Giêsu hôm nay, nếu chúng ta biết chăm chú
lắng nghe, chúng ta có thể nghe được tiếng của Chúa Cha và Người Con
cùng Thánh Thần đáp lại: “Đừng sợ, chúng ta đang ở đây với con.”
Chúa Nhật trước, chúng ta đã được nghe
lời than phiền của “các tín hữu Do Thái theo văn hoá Hy Lạp” (những
người Do Thái nói tiếng Hy Lạp) rằng, các bà goá của họ bị “các tín hữu
Do Thái bản xứ” (những người Do Thái nói tiếng Aram) bỏ quên trong việc
phân phát lương thực hằng ngày. Nhóm Mười Hai đã yêu cầu cộng đoàn chọn
ra bảy người có tiếng tốt để thi hành bổn phận phân phát lương thực.
Hôm nay, ông Philipphê, một trong bảy
người “có tiếng tốt” đã được chọn ấy, là một mẫu gương của thánh Luca về
cách thức mà thông điệp của Đức Kitô được nhanh chóng lan truyền ra khỏi
miền Giuđê tới tận miền Samari, nơi người Do Thái xem là vùng đất của
lạc giáo. Đức Giêsu đã hứa rằng, chính Người cùng với Chúa Cha và Chúa
Thánh Thần sẽ cư ngụ trong cộng đoàn các tín hữu. Nhưng những môn đệ
khác đã không có mặt sau những cánh cửa đóng kín, an toàn và thoải mái
ấy. Thay vào đó, sau cuộc tử đạo của ông Stêphanô, Giáo hội đã phải trải
qua “cơn bách hại dữ dội” (Cv 8,11) và đã bị tản mác khắp nơi. Ông
Philipphê, một trong những người bị trục xuất khỏi thành Giêrusalem, đã
đi tới Samari và rao giảng Tin Mừng cho dân cư ở đó. Ngày nay, chúng ta
đều biết đến sự thành công của ông. Bởi lẽ, “trong thành, người ta rất
vui mừng.” Ông Philipphê là một chứng nhân cho lời hứa của Đức
Giêsu:“Thầy sẽ không để anh em mồ côi, Thầy đến cùng anh em.” Đó là kinh
nghiệm những nhà giảng thuyết tiên khởi có được; họ không cậy dựa sức
mình khi đi rao giảng ở những vùng đất xa lạ.
Vì được toàn thể cộng đoàn Kitô hữu Do
Thái đáp lại, nên những lời rao giảng của ông Philipphê như là một dấu
chỉ cho thấy họ là những “Kitô hữu chính danh.” Họ yêu mến Đức Giêsu và
giữ các điều răn của Người là yêu thương tha nhân, khi gác sang một bên
sự chia rẽ và đối đầu kéo dài suốt bao thế hệ, vốn đã chia cắt người Do
Thái và người Samari. Ông Philipphê đích thực là người rao giảng Tin
Mừng. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở chúng ta rằng, mỗi người Kitô
hữu được rửa tội phải là một người rao giảng Tin Mừng trong chính các
tác vụ của mình.
“Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn phải nhận
ra con đường mà Chúa chỉ dẫn, nhưng tất cả chúng ta phải vâng theo tiếng
gọi của Người là ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi
người ở những vùng ‘ngoại vi’ đang cần ánh sáng Tin Mừng.” (Niềm vui của
Tin Mừng, số 20).
Hôm nay, thánh Phêrô trao cho chúng ta,
những người rao giảng Tin Mừng, lệnh truyền lên đường rằng: “Hãy luôn
luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em.
Nhưng phải trả lời cách hiền hoà và với sự kính trọng...”
|