| |
Cha Vinh Sơn Jandel đã đem lại một luồng gió mới cho dòng Ða Minh và đã khôi phục được niềm tin cho các thành viên. Công cuộc đổi mới của cha đã khắc họa một dung mạo riêng cho đời tu Ða Minh tồn tại tới công đồng Vaticanô II. Các bề trên tổng quyền sau cha Jandel đều xây dựng Dòng dựa trên những nền tảng ngài đã thiết định. Dĩ nhiên, có một số suy thoái sau khi ngài qua đời, nhưng Dòng đã tìm lại được sức mạnh của mình : số thành viên 3.474 năm 1876 sẽ tăng lên 10.150 vào năm 1963. Tuy nhiên, 10 năm sau, con số này lại tụt xuống còn 8.115. Tình cảnh xáo trộn sau cuộc chiến Pháp-Phổ, sự thất bại của Napoléon III và thành công của chính quyền Ý đã cản trở việc triệu tập tổng hội để bầu người kế vị cha Jandel. Cha Giuse Sanvito, giám tỉnh Roma tạm kiêm nhiệm chức tổng đại diện cho đến năm 1879. Sau đó, qua việc bầu cử bằng thư kín, các cử tri đã chọn bề trên tổng quyền Giuse Larroca (1879-91). Sau nhiệm kỳ ngài là ba vị tổng quyền Tây Ban Nha : cha Bonaventura Garcia de Paredes (1926-29), Emmanuel Suarez (1946-54), và Aniceto Fernandez (1962-74) ; và hai vị người Pháp : cha Jacinto Cormier (1904-16) và Martin Gillet (1929-46). Hai nước Tây Ban nha và Pháp vẫn gần như độc quyền trong chức vụ thủ lãnh Dòng. Tuy nhiên vẫn có ba vị tổng quyền thuộc các tỉnh dòng khác. Ðiều này nói lên phần nào tính quốc tế trong việc điều hành tại trung ương Dòng : một vị người Áo, cha Anrê Frutwirth (1891-1904), một vị người Hà lan, cha Louis Theissling (1916-25), một người Ailen, cha Micheal Browne (1955-62). Ðây là ba vị tổng quyền đầu tiên không thuộc thế giới Latinh kể từ thời cha Gioan Teutonique (+1252) ! Cha Vinh Sơn de Couesnongle thuộc tỉnh dòng Lyon , đắc cử năm 1974 (Sau đó là các cha Damian Byrne (1983-92) người Ấi Nhĩ Lan ; và cha Timothy Radcliffe (1992, đương nhiệm) người Anh). Các vị tổng quyền giai đoạn này đều tương xứng với nhau về tài năng và kinh nghiệm. Hầu hết đều đã là giám tỉnh trước khi đắc cử. Ðức Piô XI đã buộc phải yêu cầu cha Paredes từ chức khi thấy vị này không thể lãnh đạo được nữa. Cha Theissling là vị tổng quyền đầu tiên kinh lý bên kia Ðại tây dương. Kế tiếp là cha Gillet với nhiều thư luân lưu trình bày những điểm cốt yếu trong đời tu Ða Minh. Nhờ sự phát triển của ngành hàng không, các cha Suarez và Fernandez đã có thể kinh lý các cộng đoàn Dòng trên khắp thế giới. Phong thái lãnh đạo của cha Suarez rất cá biệt, nên khi ngài mất vì tai nạn xe hơi năm 1954, ngài đã mang theo nhiều vấn đề và kế hoạch chỉ mình ngài biết. Các vị tổng quyền gần đây quản trị dựa vào nhóm cộng tác viên khá phong phú tại trụ sở (curia) và tận dụng các phương tiện truyền thông mới. Cha Fruhwirth đã đặt thêm vị phụ tá thứ năm và sáng lập tờ công báo của Dòng Analecta. Tổng hội 1964 nâng số phụ tá lên tám vị : trong ba vị mới, một vị đặc trách các tỉnh dòng ở Hoa kỳ, vị thứ hai đặc trách các tỉnh dòng Châu Mỹ Latinh và vị thứ ba đặc trách các tỉnh dòng thuộc vùng Slave. Bên cạnh đó là các chức vụ truyền thống (một tổng đại diện để quan hệ với Tòa thánh, một thỉnh nguyện viên phong thánh, và một Quản thủ công hàm) ; bốn "cổ động viên" đặc trách sứ vụ tông đồ, các hội Mân Côi, các nữ tu và đan sĩ, và huynh đoàn Dòng Ba. Một tổng quản lý chuyên lo các vấn đề kinh tế của Dòng. Cha Cormier đã xây dựng một tu viện trung ương mới trên đường Via San Vitale, thay thế cho tu viện Minerva đã bị chính phủ Ý trưng thu năm 1873. Nhưng từ năm 1936 các vị Tổng quyền và các vị phụ tá cư ngụ tại tu viện Santa-Sabina. Cha Paredes mua lại của chính phủ Ý năm 1929 tu viện này cùng với tu viện Saint-Sixte. Cha Gillet thì thiết lập viện sử học tại Santa-Sabina và mở khóa đào tạo các vị giám sư. Kể từ thời cha Fernandez, báo "Thông tin dòng Ða Minh quốc tế" (IDI : Informations Dominicaines Internationales) bắt đầu xuất hiện : tập san này được phát hành bằng nhiều ngôn ngữ, giúp cho mọi miền trên thế giới biết về hiện trạng một số phương diện sinh hoạt của Dòng và thắt chặt mối hiệp nhất giữa các ngành khác nhau trong gia đình Ða Minh. Cha Larroca chỉ triệu tập tổng hội được một lần vào năm 1885, nhưng từ năm 1891 tổng hội được nhóm họp đều đặn, chỉ trừ hai ngoại lệ : trong Ðệ Nhị thế chiến và năm 1952. Tòa thánh đã đồng ý cho tổng hội 1952 được hoãn, để có thể duyệt lại bản văn Hiến pháp kỹ lưỡng hơn. Từ năm 1949, các tỉnh dòng ngoài Âu Châu bắt đầu đón tiếp các tổng hội : khởi sự là Washington . Sau đó có các tổng hội Bogota (1965), River Forest ( Chicago 1968) và Tallaght ( Dublin 1971). [Thêm vào đó là Tổng hội Oakland (1989) và Tổng hội Mehicô (1992)] Việc thiết lập các tỉnh dòng trên những miền đất mới đã làm cho Dòng ngày càng có tầm vóc quốc tế hơn. Các tỉnh dòng này làm cho sinh hoạt của Dòng thêm phong phú, gia tăng số đại biểu theo khu vực tại các tỉnh hội, chấm dứt thế độc quyền của các tu sĩ Tây Ban Nha, Ý và Pháp từ thế kỷ XVI. Các tỉnh dòng mới ở Canada (1911), ở California (1912), Úc và New Zeland (1950), ở Braxin (1952) và Việt Nam (18-3-1967, với tước hiệu "Nữ Vương Các Thánh Tử Ðạo", lễ kính 15-09). Tỉnh dòng Việt Nam đã được cha Suarez chuẩn bị bằng việc lập các tập viện. Sự hiện diện của các tu sĩ Ða Minh tại miền nam Việt Nam đã phát triển sau hiệp định Genève 1954 nay đã đủ sức để thành tỉnh dòng độc lập. Hơn nữa, tại các miền đất cũ số lượng tỉnh dòng cũng có gia tăng. Tỉnh dòng thánh Albertô ở Hoa Kỳ (Chicago), và tỉnh dòng cùng tên, gồm các tu viện miền nam nước Ðức và tại nước Áo được thiết lập năm 1939. Sau khi tách rời khỏi tỉnh dòng Áo, tỉnh dòng Hungari sinh hoạt độc lập. Dòng đã lập thêm tỉnh dòng thánh Thomas tại một phần thuộc xứ Wallonne (Bỉ) năm 1958, phục hồi tỉnh dòng Mêhicô năm 1961 và tỉnh dòng Bồ Ðào Nha năm 1962. Tỉnh dòng Philippines được độc lập, tách khỏi tỉnh dòng Mân Côi năm 1971. Nhiều tỉnh dòng cũ được sinh hoạt trở lại : Côlômbia 1881, Ðức 1895, Péru, Achentina và Bétique (nam Tây Ban Nha) 1879, Bohême 1905, Sicile 1906, Aragon 1912, thánh Marcô ( Florence ) và Sardaigne 1934, cuối cùng là Naples 1937. Các miền đại diện được thiết lập để chờ đợi ngày thành lập tỉnh dòng gồm : Trung phi, Zaire (với các tập viện : Viadana năm 1953, thánh Hippolyto 1971 và tập viện Nam Phi 1968). Nếu như hầu hết các tỉnh dòng đều phát triển đều đặn sau những khó khăn của ba phần tư đầu thế kỷ XIX, thì một số tỉnh dòng đã tăng trưởng mau lẹ hơn. Như tỉnh dòng Hà Lan hoặc tỉnh dòng Anh nhờ sự lãnh đạo vững chắc của cha Bede Jarett, đã tạo nên những nhân vật có ảnh hưởng lớn như Hugh Pope, Vinh Sơn McNabb hoặc Gerald Vann. Hoa Kỳ phá kỷ lục về việc phát triển nhân sự. Vào năm 1880 mới chỉ có 80 tu sĩ thuộc tỉnh dòng thánh Giuse và 30 tu sĩ tại California, đến năm 1938, tỉnh dòng thánh Giuse đã có tới 732 thành viên, sau khi được tách ra để lập tỉnh dòng thánh Alberto năm 1939, tỉnh dòng thánh Giuse vẫn còn 545 tu sĩ. Sự tăng triển này vẫn tiếp tục cho mãi đến năm 1974 ba tỉnh dòng tại đây mới có dấu hiệu chậm phát triển. Một số tỉnh dòng đã phải trải qua những giai đoạn gian truân. Các tu sĩ Ða Minh Ðức chẳng hạn, vừa mới bắt đầu khôi phục thì đã bị chính sách Kulturkampf của Bismarsk trong thập niên 1870 đóng cửa hai nhà. Anh em Ða Minh Pháp thì bị chính phủ Ðệ Tam Cộng hòa trục xuất hai lần vào năm 1880 và 1901. Họ phải phân tán sang các nước lân cận như Bỉ và Hà Lan và xây dựng một số nhà tại đó. Sau Thế chiến thứ nhất, khi bầu khí chống-giáo-sĩ bớt căng thẳng, họ mới có thể trở về. Tại Phippinnes, tỉnh dòng Mân Côi tạm thời bị tê liệt khi quân Mỹ chiếm đóng và vào giai đoạn khởi nghĩa 1899. Các tu sĩ Ða Minh Mêhicô và Tây Ban Nha chịu tổn thất nặng nề. Vì sau khi Tây Ban Nha thông qua Hiến pháp 1917 theo chính thể có thể nói là độc tài, một cuộc bách hại Giáo hội dữ dội đã bùng nổ, cản trở các linh mục thi hành sứ vụ và trục xuất các thừa sai ngoại quốc. Hầu như tất cả các nhà của anh em Ða Minh Tây Ban Nha đều bị bỏ hoang. Trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha, khởi phát năm 1931, phe Cộng hòa đã giết hại đến 245 tu sĩ Ða Minh. Việc nắm quyền của đảng cộng sản Hunggari và Tiệp Khắc thì hủy diệt các tỉnh dòng Ða Minh tại đây, trong khi đó tại Nam Tư hoạt động của anh em từ nay phải lén lút và thận trọng bên trong các tu viện. Tỉnh dòng Ba Lan, có bảy tu sĩ và một tín hữu dòng ba bị giết hại năm 1941, nhưng ơn gọi vẫn dổi dào và sinh hoạt khá sôi nổi. Tại Trung Hoa, ba cha Giacôbê Devine thuộc tỉnh dòng thánh Giuse Hoa Kỳ ; Ludwig Paly, người Ðức và Urbano Martin thuộc tỉnh dòng Mân Côi đã bỏ mạng trong các cuộc chiến trước khi chế độ Cộng hòa nhân dân ra đời. Hoạt động sứ vụ của anh em Ða Minh bị ngưng vì cuộc bách hại Giáo hội tại Trung Hoa năm 1946. Cha Ða Minh Chang thuộc tỉnh dòng thánh Giuse bị chết trong tù năm 1967. Trong cuộc tàn sát ở Congo năm 1964, có 26 anh chị em Ða Minh gồm linh mục, tu sĩ và nữ tu bị sát hại. Các nữ đan sĩ và các nữ tu cũng góp phần trong cuộc phục hưng toàn Dòng trong thế kỷ XIX và XX. Tân Hiến Pháp của nữ đan sĩ được công bố năm 1929 để phù hợp với Giáo luật 1917. Bản Hiến pháp mới nhất của họ được cha Fernandez công bố năm 1971, hòa nhập với những đòi hỏi và nguyên tắc của Công đồng Vatican II : đây là dịp đầu tiên các nữ đan sĩ có vai trò tích cực trong việc soạn thảo hiến luật riêng của mình. Nét đặc biệt của thời hiện đại là các đan sĩ ngày càng hiệp thông hơn trong gia đình Ða Minh và việc thông tin thường xuyên giữa các đan viện. Gần đây các nữ đan sĩ đã mở rộng đến những vùng đất mới : 10 đan viện được thiết lập tại Nhật, Châu Phi, đảo Réunions ở Ấn Ðộ Dương, Pakistan, Hy lạp và Na-Uy. Trước cuộc cách mạng Pháp, Dòng có khoảng 180 đan viện; nhưng đến năm 1895, chỉ còn 150 đan viện nếu kể cả các đan viện theo Quy chế Dòng Ba. Thống kê gần đây, năm 1966, con số đã lên đến 216 đan viện, riêng Tây-ban-nha có 91; với khoảng 5.700 đan sĩ, họp thành chín Liên Hiệp gồm 132 đan viện, trong đó có 22 đan viện với 1043 chị em theo Quy chế Dòng Ba. Trong một trăm năm gần đây, các nữ tu Dòng Ba Ða Minh, không phải là nữ đan sĩ Dòng Nhì, trở thành một ngành đông đảo nhất trong Dòng, vượt hơn hẳn ngành nam theo tỷ lệ 8/1. Năm 1895, có khoảng 20.000 chị em trong 55 Hội Dòng. Năm 1966 người ta thấy có 136 Hội Dòng, với trên 46.000 chị em. Ngoài nhiệm vụ dạy học, chị em Ða Minh còn tổ chức các cô nhi viện, bệnh viện, viện dưỡng lão, các trung tâm ung bướu .... Các chị em còn đến chăm sóc những người cùng khỗ ngay tại gia đình. Sang thế kỷ XX, chị em bắt đầu tham gia sứ vụ truyền giáo tại các vùng xa xôi hẻo lánh. Kể từ công đông Vaticanô II đến nay, chị em đã hiện diện tích cực trong nhiều tác vụ, đặc biệt trong lãnh vực huấn giáo, tham gia công tác quản trị và giảng thuyết. Tại Hoa kỳ, từ năm 1940, để thắt chặt mối liên hệ giữa chị em và yểm trợ nhau trong sứ vụ, các bề trên Tổng quyền của các Hội Dòng nữ họp nhau hằng năm. Từ 1972, các giám tỉnh và đại diện anh em cũng tham gia những phiên họp này. Những buổi gặp gỡ gia đình như thế hiện vẫn tồn tại. Một dạng sống đời thánh hiến cách mới mẻ đã phát xuất từ Marseille năm 1937, đó là hội "Bác Ái Chúa Kitô" (Caritas Christi) do cha Perrin sáng lập "để huấn luyện và cung cấp cho Giáo hội những tín hữu sống chiêm niệm và hoạt động tông đồ trong mọi lãnh vực của xã hội" : rõ ràng là theo đường hướng của Ða Minh. Hội Dòng Ba có một bước tiến mới trong thời gian kỷ niệm 700 năm Dòng Ða Minh được thành lập (1916) và ngày thánh Ða Minh được Chúa gọi về (1921). Quy chế Dòng Ba được cập nhật hóa, trước tiên vào năm 1923, rồi đến bản văn 1964 và 1968 (Văn bản mới nhất do Hội nghị Giáo Dân Ða Minh quốc tế Canada 1985). Nhờ các hội nghị quốc tế và cách tổ chức được thay đổi với hướng hoạt động tích cực hơn, số người tham gia Huynh Ðoàn ngày càng tăng. Năm 1936, người ta ước tính con số khoảng 100.000 thành viên, đến năm 1966 đã là 130.000. Ðức Bênêdicto XV, bà Sigrid Undset, nữ tiểu thuyết gia Na Uy, ông Martin Grabmann, một chuyên viên danh tiếng về thời Trung cổ và đức cha Giacôbê A. Walsh, vị sáng lập hội dòng Maryknoll tại Hoa kỳ là những thành viên Dòng Ba Ða Minh. Tu Hội Lời Chúa, do Arnold Janssen sáng lập năm 1875 cũng đã áp dụng luật Dòng Ba cho đến năm 1884. Ðời sống và sứ vụ của Dòng ngày càng được đào sâu hơn dưới sự lãnh đạo của các vị tổng quyền và các chỉ thị của tổng hội, cùng với sự hỗ trợ của những huấn thị Tòa thánh. Năm 1891, đức Leo XIII bó buộc các tu sĩ Dòng phải bỏ nếp sống "riêng tư" (vie privée), để khôi phục đời sống chung cách toàn vẹn tại mọi nơi. Mặc dù nhiều lần Dòng đã cố gắng để đạt được điều đó, nhưng lại gặp những ngăn trở khiến không thực hiện được. Thế nhưng, khoảng năm 1907, gần như khắp nơi đều tìm cách giải quyết "đời sống riêng tư" này, nhờ đó đời sống cộng đoàn trở nên hấp dẫn hơn, tình huynh đệ sâu đậm hơn, và việc tông đồ được phong phú hơn. Từ năm 1885, các tổng hội chuyển việc "nghĩa tử hóa" (Affiliation) các tu sĩ vào tỉnh dòng thay vì vào tu viện : sẽ được đức Piô X châu phê vào năm 1913. Sự thay đổi trên cho phép các giám tỉnh linh động hơn trong việc phân phối nhân sự theo nhu cầu hoàn cảnh mới. Việc xuất bản Bộ Giáo Luật 1917 đòi buộc việc tu chính hiến pháp. Các ủy ban chuẩn bị soạn bản văn dự thảo hiến pháp và đã được tổng hội 1924 và 1926 thông qua. Thế nhưng, tổng hội bầu cử 1929, sau khi cha Paredes từ chức, không bàn đến việc này, làm gián đoạn việc quyết định bản văn chung cuộc, theo luật phải có ba tổng hội liên tiếp chấp thuận. Ðể giải quyết vấn đề, tòa Thánh quyết định bản văn do Tổng hội 1932 có hiệu lực của luật. Bản Hiến pháp 1932 đánh dấu những thay đổi căn bản so với các bản văn trước. Nó được chia làm năm phần tương ứng với bộ Giáo luật, thay vì chia thành hai phần như truyền thống. Những gì đã lỗi thời được bãi bỏ hoàn toàn, còn những điều nào cần giữ được ghi lại nguyên văn. Như vậy, sự phân biệt giữa "bản văn lớn" các khoản Hiến pháp và "bản văn nhỏ" các chỉ thị đã được bãi bỏ. Một lần nữa Dòng được thống nhất về luật lệ . Hiến pháp 1968, dựa theo giáo huấn của công đồng Vatican II, đưa ra những sửa đổi quan trọng hơn và canh tân đời sống tận căn hơn, để Dòng có thể thích nghi với nhu cầu thời đại và thích ứng với tinh thần của thế kỷ XX. Trở về với nguyên tắc tập thể và tương trợ của Dòng từ thuở ban đầu, trân trọng những khám phá mới của khoa tâm lý cũng như tinh thần dân chủ đương thời, các khoản Hiến pháp mới dành cho mỗi phần tử tinh thần trách nhiệm, với sinh hoạt và công ích của Dòng. Cũng theo tinh thần của công đồng, công cuộc đổi mới này được tiến hành bằng các bản câu hỏi được gửi đến khắp nơi trong Dòng, bằng một hội nghị các giám tỉnh, một ủy ban có đại diện của nhiều tỉnh dòng và một Tổng hội họp tại Chicago, một trong những thành phố tân thời và có tiếng là dân chủ nhất thế giới. Hiến pháp mới đã được châu phê dứt khoát tại tổng hội 1974 . Dòng luôn luôn coi đời sống Phụng vụ như một trong những yếu tố nền tảng thể hiện ơn gọi chiêm niệm : nên các vị lãnh đạo trong Dòng vẫn luôn quan tâm đến vấn đề này. Vào thế kỷ XIX, khi thấy có nhu cầu về các sách Phụng vụ, bề trên tổng quyền đã đứng ra lo liệu tất cả, ngài phát hành sách lễ, sách nguyện và các sách thánh ca khác. Ðời sống phụng vụ thêm phong phú nhờ các bài tiền xướng trong lễ thánh Ða Minh và thánh Thomas. Ở thế kỷ XIX và XX, Dòng đã thêm vào sách nguyện nhiều thánh Dòng dựa vào lịch sử. Tuy như thế Dòng có khá nhiều lễ, nhưng cũng đáng mừng khi có thêm bản kinh nguyện riêng cho các lễ thánh Albertô, thánh nữ Magarita nước Hung và thánh Martinô Porrès. Các giáo hoàng đã suy tôn thánh Albertô và thánh nữ Catharina thành Sienna lên hàng tiến sĩ Hội Thánh. Những thay đổi trong phụng vụ Roma do đức Pio X và đức Pio XII thực hiện, đưa đến những thay đổi trong phụng vụ Dòng. Việc thích nghi phụng vụ Dòng theo các khoản chữ đỏ của đức Pio X là công trình của cha Brunô Hespers, được Thánh bộ lễ nghi chấp thuận năm 1923. Cần lưu ý rằng đức Pio X đã thay thế các thánh thi của các đan viện cổ, và bãi bỏ luật buộc nguyện thần vụ kính Ðức Mẹ hàng tuần. Ðiều này cho thấy, việc duy trì thần vụ cầu cho những người quá cố là do hiến pháp, chứ giáo luật không bắt buộc, ngoại trừ bốn lễ giỗ hằng năm. Từ năm 1968, luật không còn buộc điều này nữa, khi một anh em qua đời, chính tu viện sở tại làm lễ cầu cho người anh em đó. Việc phục hồi lễ vọng Phục Sinh và thay đổi lễ nghi Tuần Thánh được áp dụng trong Dòng có hiệu lực cổ võ. Những sửa đổi của phụng vụ Rôma năm 1960, được du nhập vào phụng vụ Dòng dưới thời cha Michael Browne. Những sửa đổi về phụng vụ sau Vatican II quá nhiều ; nên xét vì nhu cầu mục vụ và vì không thể phổ biến các sách phụng vụ riêng bằng nhiều ngôn ngữ địa phương, Dòng quyết định giữ theo phụng vụ Roma, kể từ nay chấm dứt phụng vụ riêng Ða Minh. Có những biến cố khác đánh dấu sâu sắc trong nếp sống của Dòng. Việc cha Fruhwirth tái hiến dâng Dòng cho Thánh Tâm Chúa và cha Suarez hiến dâng Dòng cho Trái Tim Vẹn Sạch Ðức Mẹ tại tổng hội Washington 1949, cổ võ thêm lòng tôn kính Chúa Kitô và Mẹ Người. Năm 1916, nhân dịp mừng 700 năm thành lập Dòng, nhưng vì giữa thế chiến thứ nhất nên việc tổ chức các buổi lễ bị hạn chế, bù vào đó đức Bênedicto XV đã phổ biến một tông thư nhấn mạnh đến sứ vụ loan báo Tin Mừng và sứ vụ giáo lý của Dòng đồng thời khen ngợi những công trình Dòng đã thực hiện. Năm 1921, ngài phổ biến bức tông thư thứ hai, trong dịp kỷ niệm 700 năm ngày thánh Ða Minh qua đời, để tán dương thiên tài của Thánh Phụ. Ngoài ra còn có các dịp mừng Bách chu niên đáng kể khác như, thánh Thomas vào năm 1874 và 1974, được ghi dấu bằng những nỗ lực nghiên cứu mới, thánh Alberto (1880), thánh Catarina thành Sienna (1947), thánh Antonino (1950), và thánh Ða Minh (1970). Chương trình truyền giáo do cha Jandel phát động được các tỉnh dòng hưởng ứng và triển khai dần. Năm 1876, chỉ có chín tỉnh dòng cử thừa sai đến các miền truyền giáo, trong số đó tỉnh dòng Mân Côi đã đưa hầu hết số tu sĩ, khoảng 355 người đến các nước ở Châu Á. Về sau hầu hết các tỉnh dòng đều khởi sự hoặc tái phục hồi sứ vụ truyền giáo của mình. Năm 1922, dòng có mặt tại 20 miền truyền giáo, thì năm 1947 tại 33 miền, và năm 1958 tại 40 miền. Số anh em Ða Minh tham gia sứ vụ truyền giáo từ 470 người vào năm 1930 lên đến 1.175 anh em vào năm 1966, trong đó có 15 Giám mục. Thí dụ như các tỉnh dòng Hoa Kỳ, năm 1923 đã thành lập các miền truyền giáo tại Fou-kiên, Trung Hoa, cho đến khi bị đóng cửa năm 1949, nhưng vẫn còn hoạt động ở Pakistan, Pêru, Nigéria và Bolovie. Người ta cũng đã kêu mời các nữ đan sĩ và các nữ tu tham gia trong lãnh vực này. Ðể cổ võ cho phong trào truyền giáo trên, Dòng thỉnh thoảng có phổ biến những bản Quy chế truyền giáo, đặc biệt vào năm 1958. Và kể từ 1946, một trong các phụ tá tổng quyền được đặc cử để cổ võ việc truyền giáo. Các vị tổng quyền gần đây đặc biệt quan tâm đi thăm những miền truyền giáo trong các chuyến kinh lý. Dòng tham gia vào các cuộc triển lãm về truyền giáo tại Vatican vào những năm 1924-1925, và tại Barcelôna vào năm 1929. Dòng cũng tổ chức một hội nghị về truyền giáo tại Madrid năm 1973. Những tỉnh dòng đã tổ chức việc truyền giáo cách sinh động phổ biến các tạp chí định kỳ để thông tin về đất nước và con người tại các miền truyền giáo. Trước tiên là tỉnh dòng Mân Côi với báo "Correo sino-annamita" từ năm 1863. Tuy nhiên, hoạt động truyền giáo tại Trung Hoa đã bị ngưng lại cách bất ngờ khi chính phủ Cộng hòa nhân dân cấm cản tất cả mọi hoạt động thừa sai trên đất nước của họ. Hoạt động trí thức và đại học của Dòng sau những ngăn trở do các biến cố trong thế kỷ XIX, đã được khôi phục khi cha Jandel ra đi. Năm 1852, bản Học Quy luật được ban hành để chỉnh đốn lại chương trình tại các học viện được cải tổ hoặc mới thành lập của các tỉnh dòng. Năm 1935, cha Gillet phổ biến bản Học Quy khác, để chương trình đào tạo thích hợp với tông huấn "Deus scientiarum" của đức Pio XI, ngài muốn tổ chức lại việc học tại chủng viện và đại học. Ðể thích nghi với những khuynh hướng mới trong thần học, cha Fernandez công bố bản Học Quy mới vào năm 1965, sẽ được tổng hội 1974 châu phê dứt khoát, với yêu cầu các tỉnh dòng bổ xung tùy theo nhu cầu riêng của địa phương mình. Khá nhiều sáng kiến đã được anh em Ða Minh thực hiện trong lãnh vực Ðại học. Sau 400 năm đóng cửa, các tu sĩ Ða Minh Anh thiết lập một phân khoa thần học tại Oxford, rồi sau đó 10 năm lập một trung tâm mới tại tu viện Cambridge. Các Tỉnh dòng Hoa Kỳ đã thành lập các nhà học tại Washington 1905, River Forest 1925, Oakland thuộc bang Califonia 1932 và ở Dubuque (lowa) 1956. Phân khoa thần học Washington trở thành giáo hoàng học viện năm 1941, cũng như đại học Salamanca tại Tây Ban Nha. Học viện thánh Thomas ở Roma được cha Cormier cải tổ năm 1909, dời đến đường San Vitale, và trở thành học viện Angelicum. Năm 1932 học viện được dời đến vị trí hiện thời tại Esquilin. Năm 1963 đức Gioan XXIII nâng Học viện lên hàng Ðại học, vì đã có nhiều phân khoa : phân khoa triết học được lập năm 1882 ; phân khoa Giáo luật được lập năm 1896. Từ năm 1950, thêm nhiều phân hiệu về môn Linh Ðạo và các môn Khoa học xã hội. Các vị chưởng ấn Ðại học như cha Thomas Zigliara, cha Anbeto Lepidi và cha Sadoc Szabo đã giúp đại học tiến triển đáng kể. Vào năm 1960, Ðại Học Angelicum đón nhận khoản 1000 sinh viên. Ðại học thánh Thomas ở Manila, với nhiều phân khoa, tính vào 1956 có đến 24.000 sinh viên. Từ năm 1877, các linh mục tỉnh dòng Pháp được phụ trách chủng viện thánh Gioan dạy tiếng syro-chaldéen, ở Mossaul tại Irak (Bản Pháp : Sau 1890, Dòng Ða Minh đã cung cấp một số giáo sư vào phân khoa thần học, dù không nhiều, cũng như phân khoa triết học tại Fribourg Thụy Sĩ : trong số những nhân vật nổi bật có thể kể cha Gioankim Berthier ; sử gia chuyên về Trung cổ cha Phêro Mandonnet, triết gia cha Marcus Gallus Manser và nhà Kinh Thánh Vinh Sơn Zapletal). Cha Maria Giuse Lagrange, một trong những nhà tiên phong trong việc nghiên cứu Thánh kinh hiện đại trong thế giới Công Giáo, cũng là người thành lập trường Thánh Kinh Stephano ở Giêrusalem năm 1890. Cha đã thành công tạo uy tín cho khoa chú giải, và hầu như nhờ mình ngài, đã giúp cho việc chú giải Kinh Thánh trở thành giá trị hơn. Trường Thánh Kinh đã phát hành "Tạp chí Kinh thánh" (Revue Biblique) và tủ sách "Nghiên cứu Thánh kinh" (Etudes Biblique) và đào tạo hàng loạt các nhà chú giải, nổi tiếng có Louis Vinh Sơn, Félix Abel và Roland de Vaux, với những đóng góp đặc biệt cho sự hiểu biết Thánh kinh và khoa khảo cổ của vùng Trung Ðông. Từ năm 1920, trường Khảo cổ của Pháp được thiết lập ngay tại trường thánh Stêphanô. Trong một lãnh vực liên hệ, cha Vinh Sơn Scheil, là người hướng dẫn môn cổ-học-Assyri của trường, đã hoàn tất những công trình nghiên cứu vĩ đại tại Paris từ 1895-1933, thường được mọi người biết đến như một chuyên gia Ðông phương, vì các hoạt động của cha tại Ai cập và Irak. Ngài đã xuất bản 16 tác phẩm liên quan đến công việc nghiên cứu của Pháp tại Suse : cuốn thứ tư trong những sách này là bản công bố đầu tiên của Code d' Hammurabi (A.J. Festugière là một bậc thày trong những nghiên cứu tại Hy-lạp). Tỉnh dòng Pháp đã góp phần đáng kể cho công việc nghiên cứu đại kết, khi thiết lập tại Istina viện nghiên cứu về nước Nga, và viện nghiên cứu Ðông-phương [IDEO] tại Le Caire. Cha Henri St. Johns tại Anh, và cha Yves Congar tại Pháp, đã phát hành bộ tuyển tập "Unam Sanctam", là những người tiên phong của phong trào đại kết. Trong thập niên 1940, cha Felix Morlion, thuộc tỉnh dòng Bỉ, đã thiết lập đại học "Pro Deo" tại Roma, quan tâm đặc biệt đến khoa học kỹ thuật tân tiến, đặc biệt những gì liên quan đến các phương tiện truyền thông xã hội. Khoảng 50 tu sĩ Ða Minh đã góp phần trong công đồng Vatican II với danh nghĩa là giám mục, hoặc chuyên viên thần học. Những đóng góp của các cha M - D. Chenu, Yves Congar và Edouard Schillebeeckx tại Công đồng được nhiều người biết đến. Các giáo hoàng, từ đức Lêo XIII tới đức Gioan XXIII thường xuyên ca tụng thánh Thomas Aquinô và giáo lý của thánh nhân, đồng thời cổ võ các tu sĩ Ða Minh theo gương ngài và giảng dạy giáo huấn của ngài. Ðức Lêo XIII cho rằng tác phẩm của thánh Thôma có thể tạo nên cuộc canh tân trong đời sống kitô hữu, ngài công bố thông điệp "Aeternis Patris", tái lập hàn lâm viện Saint Thomas và thiết lập một Ủy ban mang danh ngài (léonine) nhằm xuất bản những ấn bản phê bình các bản văn. Sau khi nói đến dòng thác khôn ngoan tinh tuyền không ngừng tuôn chảy từ nguồn suối của Vị Tiến sĩ Thiên thần, thông điệp đưa ra lời kêu mời canh tân tư duy triết học trong Giáo hội, dựa trên thánh Thomas, để tìm ra bài thuộc hiệu nghiệm trước chủ thuyết duy tự do của thế kỷ XIX. Năm 1880, đức Lêo XIII đặt thánh Thomas làm Bổn Mạng các trường Công giáo. Ðức Bênedictô XV, khen ngợi Dòng Ða Minh đã cống hiến cho giáo hội Vị Tiến sĩ Thiên thần và không bao giờ đi trệch hướng giáo lý của ngài. Ủy ban léonine chẳng bao lâu được ủy thác cho Dòng. Công việc này thật tế nhị và phức tạp, vì có đến hàng ngàn thủ bản các tác phẩm của thánh Thomas, nhưng ủy ban đến nay cũng đã xuất bản được khá nhiều sách và hy vọng ủy ban sẽ hoàn tất mỹ mãn trách vụ của mình. Sau khi bộ Tổng luận Thần học được in bằng tiếng Tây Ban Nha năm 1880, các bản dịch tương tự dần dần xuất hiện bằng nhiều ngôn ngữ khác : Ðức, Anh, Pháp, Nhật Bản ... (Các cha A-D Sertilanges et R. Garrigou-Lagrange là những thần học gia nổi danh của Tân-thomisme) Giai đoạn từ 1789 đến 1891 là thời kỳ số lượng các ấn bản trí thức của anh em Ða Minh bị giảm sút. Nhưng số ấn phẩm ấy ngày càng gia tăng về phẩm cũng như về lượng từ khi Dòng bắt đầu tổ chức lại sinh hoạt đại học. Trước năm 1891, chủ yếu chỉ có các bản văn (textes), còn sau đó là các bộ sách viết cho giới trí thức hoặc bình dân. Người ta không thể nào đếm nổi có bao nhiêu tác giả Ða Minh. Nhưng người ta có thể thấy sức sống của sinh hoạt trí thức trong các tuyển tập (revue) định kỳ hay các tạp chí do các tu sĩ Ða Minh phổ biến, với con số trên 300 loại. Cả trong giai đoạn khó khăn nhất sau biến cố 1789, các tu sĩ Ða Minh vẫn luôn trung thành với những dạng sứ vụ truyền thống của dòng, đặc biệt là sứ vụ giảng thuyết. Nhưng từ thời cha Jandel và Lacordaire, sứ vụ này được thể hiện với một sức sống mới. Các tu sĩ Ða Minh thường giảng tại các nhà thờ riêng, đi giảng từ làng này sang làng khác, giảng các dịp tĩnh tâm và trong các cuộc linh thao. Mỗi tỉnh dòng đều có những nhà giảng thuyết nổi tiếng. Một số anh em phụ trách giảng tại các Vương cung Tháng đường, như Paris, Cologne và Munich rồi sau đó giảng trên đài phát thanh. Tại Hoa Kỳ, phải kể đến cha Hyacinthe McKenna chuyên giảng về Thánh Danh Chúa Giêsu và kinh Mân Côi, đã mở rộng Hội Thánh Danh đến nhiều quốc gia (Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Hungarie, đảo Malte, Australie ...) .[ Tại Pháp M. Didon vào cuối thế kỷ XIX và cha M-A Janvier (+1939) là những nhả giảng thuyết nổi tiếng ] Các thông điệp của đức Lêo XIII và các đấng kế vị ngài về Kinh Mân Côi cũng như những lần hiện ra của Mẹ ở Fatima đã tạo nên phong trào mới cho việc sùng kính này. Những cuốn sách viết về Kinh Mân Côi của anh em Ða Minh phát hành từ năm 1885 đến năm 1925 được tăng lên gấp ba. Kinh Mân Côi được phổ biến rộng rãi tại Pháp và nhiều nơi khác vào những năm 30 và 40, nhất trong thời đệ nhị thế chiến. Cha Micheal Browne đã thiết lập một Trung tâm phổ biến Kinh Mân Côi tại Fatima năm 1957 và tổng hội đã quyết định mỗi tỉnh dòng phải có một cổ động viên Kinh Mân Côi. Các hội nghị Kinh Mân Côi được tổ chức tại Fatima 1954 và Toulouse 1959. Ðỉnh cao của sứ vụ này là hội nghị Roma năm 1957, vào dịp kỷ niệm bách chu niên ngày sinh của thánh Gia Thịnh. Dòng cũng góp phần trong phẩm trật của Giáo hội - hồng y, tổng giám mục, giám mục. Các tu sĩ Ða Minh cũng tham gia công tác tại các Thánh Bộ và nhận các sứ vụ của Tòa Thánh với danh nghĩa Sứ thần hoặc đại diện tông tòa. Ðức cha John T. McNicholas, tổng giámmục Cincinnati từ 1925-1950 là một trong những nhân vật hàng đầu của hàng giáo phẩm Hoa Kỳ. Trong các cuộc thế chiến, các anh em Ða Minh là tuyên úy hoặc chỉ là quân nhân bình thường. Nhiều anh em đã bị giết hoặc bị bắt làm tù binh. Chúng ta cần phải kể đến cha Franz Stratman (+1971), một sứ giả hòa bình. Trong đệ nhất thế chiến, ngài xác tín rằng đối với người kitô hữu, chiến tranh không thể giải quyết được những vấn đề của thế giới, ngài đã đứng lên chống lại các phe chủ chiến và những tàn bạo của chiến tranh. Các tài liệu do cha phổ biến được gợi hứng từ Tin Mừng Bình an, như cuốn : "Giáo Hội và chiến tranh" (1928) ; "Chiến tranh và kitô giáo hôm nay" (1956), đã tạo nên một phong trào công giáo đáng kể tại Ðức. Ngài đã chịu nhiều đau khỗ vì xác tín đó, và bị trục xuất dưới thời Hitler. Khởi từ năm 1919, sứ vụ tông đồ của Ða Minh ngày càng thêm phong phú. Người ta thấy các tu sĩ Ða Minh trong ngành sinh hoạt khác như kịch nghệ, điện ảnh, truyền thanh và truyền hình : tại Pháp, chúng ta chỉ kể đến cha Stanislas Gillet và cha A. M. Carré, các vị hoạt động rất thân cận với các diễn viên. Tổng hội 1901 yêu cầu anh em phải quan tâm tới nhu vật chất cũng như tinh thần của người đương thời. Chính vì thế các tu sĩ Ða Minh tham gia vào một số hoạt động xã hội. Năm 1928, cha Ambrose Croft tổ chức tuần công tác xã hội đầu tiên ở Ai-Len. Ở Tây Ban Nha, anh em Ða Minh tìm mọi phương thức để cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của giới công nhân, cha José Gafo đã bị hành quyết trong nội chiến 1936 vì các hoạt động này. Cha Dominique Pire (+1968) thuộc tỉnh dòng Bỉ, đã nhận giải thưởng Nobel hòa bình năm 1958 vì các hoạt động bảo vệ nhân quyền, qua việc thiết lập các trại tị nạn. Sự hăng say hoạt động của các anh em Ða Minh trong những vấn đề xã hội được rõ trong phong trào của cha Giuse Lebret, "Kinh Tế và Nhân Vị" (Economie et Humanisme), với những tài liệu xuất bản của phong trào ; qua việc thiết lập Viện Khoa học Xã hội của cha F.Utz tại đại học Fribourg và qua việc dấn thân của các anh em Ða Minh Pháp trong phong trào linh mục thợ [Bị Tòa Thánh cấm từ 1954 cho đến Vatican II ] Sau một thế kỷ từ 1872 tới 1974, Dòng đã tìm lại được sức sống mãnh liệt của mình sau những thảm họa của thế kỷ XIX, với hoạt động được mở rộng đến nhiều lãnh vực hơn. Từ cảnh điêu tàn của năm 1850, Dòng đã dần dần phục hồi được sinh lực, nhờ vào việc tuyển mộ kỹ lưỡng hơn và việc ôn lại bài học của quá khứ. Cuộc khủng hoảng sau cách mạng Pháp là cuộc khủng hoảng nặng nhất trong lịch sử của mình, nhưng Dòng đã vượt qua được nó như những cuộc khủng hoảng khác. Như đã bao lần sống lại từ tro tàn, ta có thể nghĩ rằng chính Ðấng Quan Phòng vẫn muốn họ tiếp tục giảng dạy Lời Chúa và có thể thấy rằng Dòng Ða Minh vẫn còn nhiều nhiệm vụ phải hoàn thành trong giai đoạn mới đã được Vaticanô II khai mở. Viễn cảnh ấy quả là rộng lớn khi ta thấy những tiến triển trong lĩnh vực Kinh Thánh và thần học và trong các phương tiện truyền thông. Những chuyển biến này càng làm cho tình thế trở nên cấp bách hơn, thúc đẩy những người con của cha Ða Minh, nữ cũng như nam, phải gắn bó với hứng khởi nền tảng của cha, phát huy được truyền thống của mình và có thể thích ứng với thế giới hôm nay. Ðó là lý do họ phải là những người vừa chiêm niệm vừa hoạt động, được thánh hiến để sống Tin Mừng và cho sứ vụ tông đồ. Những sự cố gắng nhằm áp dụng các chỉ dẫn của công đồng Vaticanô II như : đáp ứng nhu cầu thời đại, đổi mới và canh tân đời sống tu trì và cuối cùng là hiện đại hóa việc tông đồ... đã tạo nên một cuộc khủng hoảng mới trong Dòng. Cuộc khủng hoảng này khác và chắc chắn là trầm trọng hơn tất cả những cuộc khủng hoảng trướ c đây. Dòng phải được tái tạo nhưng không được đánh mất căn tính theo lịch sử của mình. Dòng vẫn phải là chính mình, vững chắc trên những nền tảng riêng, củng cố những yếu tố chính, đàng khác phải có một tinh thần mới đang khi vẫn khai mở thêm những hoạt động mới ... Những người thiếu kiên nhẫn như muốn kêu lên : hãy hủy bỏ (cái cũ) và xây dựng lại (cái mới). Còn những người khôn ngoan thì nhắc lại điều cha Lacordaire đã viết khi thời đại của chúng ta hôm nay bắt đầu xuất hiện : Chúng tôi xác tín rằng chúng ta không thể tìm được điều gì mới hơn, thích hợp hơn với thời đại cũng như những nhu cầu thời đại, ngoài Quy tắc của thánh Ða Minh. Quy tắc đó không bao giờ lỗi thời trong lịch sử và chúng ta sẽ không thấy cần phải tự dằn vặt mình bằng cách biến nó thành của quá khứ. Những ngôi nhà cổ kính có một vẻ đẹp vô giá và một tinh thần mà những căn nhà mới không thể có. Những kỷ niệm và tinh thần của một dòng tộc ở đàng sau những bức tường, từng viên gạch nhắc cho ta các hành vi của những người đã sống trong đó : dường như nó cùng nhịp bước và cùng hành động với những người đang cư trú, để chuyển trao cho họ niềm vui và nghị lực. Có nhiều công việc đã được thực hiện sau công đồng Vaticano II, đặc biệt là cuộc canh tân Hiến Pháp năm 1968, sử dụng kèm với các bản qui chế tỉnh dòng. Vẫn còn nhiều việc phải làm, vì cuộc khủng hoảng vẫn còn tồn tại, và vì Dòng cũng như Giáo hội, vẫn đang là lữ khách trên hành tinh này. Trong quá khứ, chỉ có thể thực hiện được công cuộc canh tân, khi các tu sĩ Ða Minh nhiệt thành thấu đáo được về căn tính của Dòng, về sứ vụ chiêm niệm và về những nhu cầu của Giáo hội mà Dòng đang phụng sự. Ðó chính là những người nam và nữ, hăng say cầu nguyện, chung sống hòa hợp, được đào luyện tương xứng về văn hóa và trí thức. Ðó là những người can đảm dám sống ngay giữa những khó khăn thử thách. Lịch sử đã chứng minh, khi Dòng dũng cảm tiến lên phía trước, Thiên Chúa sẽ chúc phúc cho họ, ngay cả trong những giai đoạn thăng trầm lẫn những lúc điêu tàn, và như thế họ mãi mãi là chứng nhân kỳ diệu của việc sống theo Tin mừng. Những lời cầu nguyện của cha Ða Minh dâng lên trong những đêm thức trắng vẫn luôn hiệu lực khi chuyển cầu xin cho con cái của ngài trước Tòa Chúa, hôm nay và mãi mãi.
|