Back

 

 


DÒNG ÐA MINH TỪ 1789 -1872

Các tỉnh dòng

Tổng quyền Jandel

Áp dụng chương trình cha Jandel

Sứ vụ tông đồ

Sứ vụ truyền giáo

Ðan sĩ và nữ tu

Nhận định  

 


 

Sự bùng nổ của Cách mạng Pháp 1789 đã gây nên cho Dòng cuộc khủng hoảng kéo dài hơn một thế kỷ. Khi cách mạng bùng nổ, Dòng đang dưới quyền lãnh đạo của Bề trên Tổng quyền Quinones, với 52 tỉnh dòng, và khoảng 20.000 thành viên thuộc nhiều Hội Dòng (Congrégations) và đan viện. Cuộc biến động sắp diễn ra. Lần lượt nhiều quốc gia bãi bỏ các Dòng tu, hoặc bằng một sắc lệnh, hoặc đóng cửa dần từng tu viện. Dù chẳng bao lâu sau, các Dòng được quyền tái lập, nhưng sự thiệt hại giai đoạn này quá lớn lao đến độ phải mất gần thế kỷ mới có thể phục hồi nổi.

Tại Pháp, khởi đầu, nhiều tu sĩ Ða Minh ủng hộ những đổi mới của Cách mạng. Họ gửi các thỉnh nguyện lên Quốc hội, cho phép mở một câu lạc bộ chính trị trong thư viện một tu viện, nơi hội họp của nhóm "Jacobins". Nhưng sự ân cần vồn vã ấy đã tan theo mây khói khi Quốc hội ra lệnh đóng cửa các dòng tu năm 1790. Nhiều anh em Ða Minh bị bắt giam, bị lưu đày, đôi khi còn bị hành quyết, và khoảng 100 anh em đã phải rời nước Pháp.

Những sự kiện này được tái diễn khi quân đội Pháp đại thắng Liên quân thứ nhất của Châu Âu, chiếm đóng Hà Lan và vùng tả ngạn sông Rhin. Các ông hoàng người Ðức liền quyết định bù trừ những thiệt hại về đất đai bằng cách trưng thu tài sản của Giáo hội và đóng cửa nhiều tu viện. Năm 1825, các tỉnh dòng vùng Germanie không còn tồn tại nữa. Napoléon I, với danh nghĩa Ðệ nhất Tổng tài, rồi là Hoàng đế, cũng đã đóng cửa nhiều tu viện trong miền Bắc Ý và trong Nước Tòa Thánh.

Bối cảnh trên đã tạo nên cuộc chia rẽ trong nội bộ Dòng. Khi cha Quinones rời Roma về Tây Ban Nha 1798, đã đặt cha Joseph Gaddi làm tổng phụ tá. Ðức Piô VI chấp nhận cha Gaddi và đưa cha Gaddi lên chức Tổng quyền khi cha Quinones chết sau đó ít lâu. Các tu sĩ Ða Minh ở Tây Ban Nha từ chối quyền của cha Gaddi, cho đến khi biết ngài được đức thánh cha bổ nhiệm. Tuy nhiên, một số tu sĩ vẫn âm thầm chống đối cha Gaddi. Bằng chứng là chính quyền Tây Ban Nha sau đó, đã áp lực đức Pio VII thuận cho các tỉnh dòng thuộc ảnh hưởng Tây Ban Nha được độc lập. Ðiều này cũng đã xảy ra đối với các anh em Phan Sinh.

Năm 1804, đức Piô VII cho phép Dòng có hai quyền tài phán. Nhiệm kỳ của Bề trên Tổng quyền được rút lại còn sáu năm và lần lượt bầu người thuộc một trong hai phe, vị đầu tiên không phải là người Tây Ban Nha, phe còn lại sẽ có một tổng đại diện. Như thế, dù xét về mặt pháp lý, sự thống nhất trong Dòng vẫn được bảo vệ, nhưng mỗi bên sẽ đi theo hướng của riêng mình. Vị Tổng đại diện có quyền quản trị 15 tỉnh dòng thuộc vương quốc Tây Ban Nha. Ðức Piô VII đã đặt cha Gaddi lên Bề trên Tổng quyền năm 1806, với quyền tài phán trên các tỉnh Dòng không còn tồn tại hoặc sắp bị ngưng hoạt động, hoặc tỉnh dòng yếu và nhỏ. Khi Napoléon I cưỡng ép đức Piô VII sang Pháp, ông cũng buộc bề trên tổng quyền Gaddi và các bề trên tổng quyền khác phải tháp tùng. Mãi đến khi Napoléon bị thua trận năm 1814, cha Gaddi trở về lại được Roma, nhưng nhiệm kỳ của ngài chấm dứt sau đó ít lâu. Ðức Piô VII đặt ngài làm tổng đại diện. Ngài sẽ quản trị dòng cho tới khi qua đời năm 1819. Sau đó, theo thỏa thuận năm 1804, phía Tây Ban Nha được bầu một bề trên Tổng quyền. Tính tới năm 1832, Ðức Thánh Cha lần lượt đặt bốn vị tổng đại diện thuộc phía còn lại.

Nói chính xác hơn, năm 1825, trong thành phần Tây Ban Nha, đức Lêo XII đặt cha Joachim Briz lên chức bề trên Tổng quyền. Nhưng vì các tỉnh dòng Tây Ban Nha lại đang trong tình trạng bất ổn vì quê hương bị Napoléon xâm chiếm từ năm 1808. Dưới ách đô hộ của Pháp, nhiều tu sĩ bị sát hại, nhiều tu viện bị đóng cửa. Riêng tỉnh dòng Aragon, từ 1808 đến 1815, có khoảng 400 anh em và nữ đan sĩ qua đời, lại không được phép nhận thêm tập sinh.

Các tu sĩ Ða Minh vốn là những người bênh vực tín lý và được coi là thành phần ủng hộ chế độ quân chủ, nên bị phe tự do nghi ngờ, nhưng rồi cũng bị cả phe quân chủ từ chối khi vua Ferdinand VII nắm được chính quyền. Vị vua nhu nhược này đã để các thành phần chống tu sĩ được mặc sức tung hoành. Năm 1820, vua ra một chiếu chỉ bãi bỏ tất cả các tu viện dưới 25 thành viên. Ba năm sau, chính quyền thành lập một ban cải tổ dòng tu, là khúc dạo đầu cho việc tận diệt mai sau. Ðó là giai đoạn chính quyền cai trị bằng bạo lực. Nhiều tu sĩ bị tấn công, đánh đập, giết hại, còn các tu viện thì bị xâm chiếm và cướp phá. Ðó là số phận tu viện thánh Thomas ở Madrid, các tu viện Barcelona và Saragossa. Trong bối cảnh đó, cha Joachim Briz nhậm chức Tổng quyền. Cũng trong thời gian này, các phong trào dành độc lập ở Châu Mỹ La Tinh cũng bùng nổ, nên cha mất cả những mối liên hệ với các tỉnh dòng này

Các chính quyền cách mạng ở Châu Mỹ La Tinh thường không ủng hộ Giáo hội. Tại Chili, Achentina, Pérou và Colombia, người ta tịch thu các tài sản thuộc Giáo hội và buộc nhiều nhà dòng phải đóng cửa. Tình trạng xáo trộn ở Mêhicô, nhất là dưới chế độ tự do của Benito Juarez, đã tàn phá tất cả các dòng tu sau năm 1861. Tuy nhiên, anh em Ða Minh vẫn tiếp tục hiện diện âm thầm tại tất cả các quốc gia nói trên.

Khi cha Joachim Briz mãn nhiệm, người ta đã đánh mất một cơ hội tái hiệp nhất dòng. Khi anh em Ða Minh Tây Ban Nha mong ước tìm lại sự thống nhất, nhà vua cũng không tỏ dấu hiệu muốn cản trở, thì đức Grégoriô XV lại quyết định mỗi bên có thể chọn bề trên riêng cho mình. Chính vì thế anh em Ða Minh phía Tây Ban Nha phải bầu một đại diện trong tổng hội 1832 (Tổng hội đã bị cách quãng từ năm 1777). Thế nhưng tình hình Tây Ban Nha vẫn tiếp tục hỗn loạn. Sắc lệnh 1835 tuyên bố tháo lời khấn cho các tu sĩ và Sắc lệnh Cortes năm 1837 tuyên bố bãi bỏ tất cả các dòng tu, điều này cũng ảnh hưởng đến các tu sĩ Ða Minh tại Antilles. Duy chỉ còn tỉnh dòng thánh Rất Thánh Mân Côi tại Philippines vẫn có thể tăng triển. Năm 1834, chính thể tự do tại Bồ Ðào Nha coi các dòng tu là bất hợp pháp.

Về phần phe thuộc Roma, cha Ferdinand Jabalot đắc cử bề trên Tổng quyền năm 1832 bằng lối bầu cử qua thư kín. Ngài qua đời sau đó hai năm, còn hai Tổng quyền được đức giáo hoàng đặt là cha Bênêdictô Olivieri và cha Thomas Cipolletti, đã hoàn tất nhiệm kỳ sáu năm. Trong bối cảnh đó, Dòng có hai tổng hội bầu hai tổng quyền là cha Angelo Ancarani năm 1838 và cha Vinh Sơn Ajello năm 1844. Cha Ancarini tổ chức thêm một tổng hội vào năm 1841.


Tình trạng các tỉnh dòng

Các tỉnh dòng Ða Minh bắt đầu phục hưng ngay khi hoàng đế Napoléon I sụp đổ. Nếu các tu sĩ Ða Minh người Ý phải chịu nhiều gian khỗ, thì vùng Sardaigne và Sicille được an toàn hơn. Năm 1838, tỉnh dòng Sicille đủ điều kiện để thành lập tỉnh dòng Malte và phân chia phần còn lại thành ba tỉnh dòng nhỏ. Các tỉnh dòng khác không may mắn như thế. Tỉnh dòng thánh Phêrô Tử Ðạo bị đóng cửa từ 1802 đến 1814. Thời kỳ này tỉnh dòng Lombardie sáp nhập thêm các nhà còn lại của tỉnh dòng thánh Ða Minh cũ và Hiệp hội của chân phước Jacques Salomoni. Ðến năm 1822, tỉnh dòng Naples chỉ còn 25 trong số 250 nhà. Tỉnh dòng Roma vẫn tồn tại nhưng trong tình trạng yếu kém.

Tại Bắc Âu, anh em Ða Minh Hà Lan đã triệu tập tỉnh hội và bầu cử vị giám tỉnh năm 1804. Tỉnh dòng được Ðức Piô IX cho phép đào tạo tập sinh ngay tại các xứ đạo, cho mở một trường thần học năm 1824, rồi mở học viện năm 1844. Tại Bỉ, tám tu sĩ sống sót đã tái lập đời tu vào năm 1835. Tỉnh dòng Ái Nhĩ Lan được tự do từ năm 1829, tập họp được 50 tu sĩ với sinh hoạt bình thường ; còn tỉnh dòng Anh Quốc, dù từ nay họ hoàn toàn tự do hoạt động, lại trở thành rất yếu.

Tại Ðông Âu, tất cả các tỉnh dòng vẫn tồn tại ngoại trừ tỉnh dòng Áo. Phải đến năm 1839, các tu sĩ Áo mới có thể mở lại tu viện Vienne. Năm 1821, tỉnh dòng Dalmatie chỉ còn 21 tu sĩ. Tình trạng tỉnh dòng Bohême thì tốt hơn : năm 1850 có 42 tu sĩ với 7 nhà. Các tỉnh dòng Ba Lan, Russie, Galicie và Lituanie vẫn đứng vững cho tới năm 1830. Sau đó, trừ tỉnh dòng Galicie thuộc lãnh Thổ nước Áo, còn các tỉnh dòng khác phải chịu nhiều thử thách và bị tịch thu tài sản khi đế quốc Nga đàn áp các cuộc khởi nghĩa của Ba Lan từ 1830-1836. Năm 1839, phần còn lại của Dòng tại Lituanie và Russie được liên kết thành một tỉnh dòng. Sau năm 1844, vì nhiều thành viên vẫn tiếp tục bị sát hại nên cuối cùng tỉnh dòng này cũng tan rã. Tu viện Saint-Petersbourg (Leningrad) còn tồn tại cho tới năm 1914.

Trong thời gian này có ba biến cố quan trọng tiên báo một tương lai tốt đẹp hơn. Trước tiên là sự dấn thân của bốn tu sĩ người Anh đến Hoa Kỳ năm 1804 dưới sự điều hành của cha Edward Dominic Fenwick. Mới đầu bốn vị dự định ở Maryland, nhưng sau, theo lời mời của giám mục John Carroll, các vị đã đến Kentucky. Năm 1805, cha Gaddi thành lập tỉnh dòng thánh Giuse, Hoa Kỳ. Hoạt động tại vùng đất truyền giáo này, các vị gặp nhiều khó khăn trong việc chiêu sinh, nên 70 sau tỉnh dòng mới có được 80 tu sĩ. Chỉ sang thế kỷ XX, tỉnh dòng này mới phát triển cách sinh động.

Niềm hy vọng thứ hai là việc cha Henri Lacordaire, nhà giảng thuyết lừng danh của nhà thờ Ðức Bà Paris xin lãnh tu phục Ða Minh. Ngài nổi tiếng khắp Châu Âu là một nhà tư tưởng mạnh dạn và độc đáo, xuất sắc trong việc giảng thuyết, và là một nhân vật có tầm cỡ Giáo hội. Sau khi hoàn tất năm tập tại Viterbe, ngài trở về Pháp năm 1840 và liên kết với các tu sĩ Pháp khác cũng vừa mới khấn tại Ý. Cha Lacordaire tiếp tục việc giảng thuyết tại nhà thờ Ðức Bà Paris và thu hút được nhiều ơn gọi. Ngài mở một tập viện và được đặt làm giám tỉnh tiên khởi của tỉnh dòng France ngày 15-9-1850.


Cha Vinh Sơn Jandel

Ðức Piô IX cho dòng cơ hội hy vọng thứ ba khi đặt cha Vinh Sơn Jandel, một trong những bạn đồng hành đầu tiên của cha Lacordaire làm đại diện bề trên tổng quyền ngày 1-10-1850. Năm năm sau, Ðức Piô IX chỉ định ngài làm bề trên tổng quyền và Dòng đã bầu cử ngài lần thứ hai trong nhiệm kỳ 12 năm kể từ 1862. Ngài thi hành chức vụ được mười năm thì qua đời năm 1872.

Khởi đầu nhiệm kỳ của ngài, Dòng chỉ có 4.562 thành viên với một số dấu hiệu tiến bộ của thời trùng hưng và canh tân. Cha Jandel làm cho dòng tiến triển trên con đường mới tràn đầy sinh lực. Năng lực, các dự án và sự chú tâm thường xuyên của ngài đến nền tảng chiêm niệm trong đời tu Ða Minh, cùng với ý hướng khoan dung khi áp dụng hiến pháp, đã chứng tỏ ngài có những đức tính cần thiết để quản trị cách hữu hiệu. Dòng Ða Minh đang cần một người như thế, và đã bao thời gian dài chờ đợi một thủ lãnh như ngài để tái tạo sứ vụ của mình một cách vững bền.

Khi thấy tình trạng Dòng Ða Minh năm 1846, hồng y John Henry Newman đã tỏ vẻ khá bi quan. Nhưng đó không phải là suy nghĩ của cha Lacordaire. Sáu năm trước khi hồng y Newman tỏ thái độ bi quan, cha đã thấy những vấn đề thâm sâu hơn và nhận thức được các tiềm năng to lớn của Dòng. Trong tập "Kỷ Niệm việc tái lập dòng anh em thuyết giáo tại Pháp", cha Lacordaire viết

Nếu Thiên Chúa muốn chúng ta sáng lập một dòng tu mới, tôi khẳng định sau những suy tư lâu dài rằng, chúng ta chẳng tìm được gì mới hơn, thích hợp hơn cho thời đại chúng ta và cho nhu cầu của thời đại ấy so với Bản lề luật của thánh Ða Minh (chương II)

Sau khi đã nghiên cứu về lý tưởng Ða Minh và sử dòng, cha xác tín rằng nhựa sống ấy vẫn có thể nuôi sống các cành và đổi mới toàn bộ thân cây.

Khi cha Jandel bắt đầu việc điều hành, đời sống tinh thần của Dòng đang lúc khô cằn và hoạt động tông đồ hầu như mất dạng. Trong hai tháng, ngài đã phác thảo một chương trình của mình. Trở về với trực giác của cha Raymundo Capoua, ngài yêu cầu mỗi tỉnh dòng thành lập một tu viện, nơi các tu sĩ tuân thủ Hiến pháp, đọc kinh thần vụ đều đặn, ăn cơm chung, sống hãm mình, mặc áo len, giữ công hội thú tội hàng tuần và tất cả các đòi hỏi của đời sống chung. Ðể thể hiện chương trình này, ngài đã gởi thư đến các tỉnh dòng và thực hiện hai cuộc kinh lý, ngài đến cả Anh và Ái Nhĩ Lan. Ngài phái các vị đại diện đến Hoa Kỳ, Achentina và Chilê.

Cha Jandel tổ chức lại các tỉnh dòng, xác định ranh giới mới giữa các tỉnh và khôi phục quyền bính của các giám tỉnh. Năm 1853, ngài liên kết các tỉnh dòng cũ Apulie, Naples và Calabre ; năm 1854, đến lượt ba tỉnh dòng ở Sicile ; năm 1856, các tỉnh dòng Áo, Hungari và Bohême liên kết thành tỉnh dòng Áo. Ngài tái lập tỉnh dòng Bỉ năm 1860, thiết lập các tỉnh dòng Hà lan, Chilê và Lyon vào 1862, rồi đến tỉnh dòng Toulouse 1865. Ngài vun đắp các mối quan hệ với các tu sĩ phía Tây Ban Nha và đã có thể khôi phục sự thống nhất trọn vẹn vào năm 1872, năm tháng trước khi ngài qua đời.

Nhờ sự khích lệ của ngài, các tu sĩ Ða Minh Ðức được đào tạo tại Pháp đã lập các tu viện tại Dusseldorf vào 1860, rồi tại Berlin bảy năm sau. Nhưng chính sách "Văn Hoá" (Kulturkampf của Bismark) sẽ làm công trình gián đoạn vào năm 1870. Ngoài ra, tổng hội 1868 đã châu phê một ngành mới của dòng, "Hiệp hội thánh Ða Minh" (Congrégation de St. Dominique) chuyên lo giáo dục thanh thiếu niên do cha Lacordaire thành lập 1852 : khởi sự Hiệp hội là các linh mục dòng ba, sau đó được sát nhập vào Dòng năm 1923 và hiệp nhất với các tỉnh dòng Pháp 1967.

Việc điều hành của cha Jandel còn tiếp tục gặp khó khăn. Khi nước Ý thống nhất, chính quyền Ý đã ra lệnh đóng cửa các nhà dòng vào những năm 1854, 1866 và 1873. Tất cả các tỉnh dòng, trừ hai tỉnh Lombardie và Roma, đều mất quyền tuyển cử. Trong sổ niên giám toàn Dòng năm 1876, chỉ còn 114 nhà thuộc dòng Ða Minh tại Ý, nghĩa là mất khoảng 300 cơ sở so với cuối thế kỷ XVII. Và như chúng ta đã nói, một số tỉnh dòng thuộc Châu Mỹ La tinh bị tàn lụi trong thời này. Chính vì thế, số tu sĩ Ða Minh giảm từ 4.562 người vào năm 1844 xuống còn 3.474 vào năm 1876, con số thấp nhất kể từ thế kỷ XIII.

Bất chấp những mất mát trên, hoàn cảnh được cải thiện nhanh chóng dưới sự điều khiển vững chắc của cha Jandel. Ba tổng hội được triệu tập dưới quyền chủ tọa của cha vào các năm 1862, 1868 và 1871. Tổng hội đầu đã khởi xướng việc tu chính Hiến pháp; tổng hội thứ hai châu phê văn bản đã chuẩn bị và đưa ra các chỉ dẫn cho ấn bản mới. Tổng hội thứ ba, với ơn chuẩn miễn của Tòa thánh, sửa đổi hiến pháp để hòa hợp với nếp sống hiện đại. Cha Jandel công bố ấn bản chung cuộc vào năm 1872. Hai mươi năm về trước, ngài đã công bố bản học qui mới. Khắp nơi, ngài cổ võ thành lập các học viện, tập viện và các tu viện sống kỷ luật tu trì. Ngài đã cho nhà xuất bản "Lo Cicero" thực hiện, sau khi đã duyệt lại, cuốn "Hiến pháp, khuyến cáo và chỉ thị" (Constitutiones, déclarationes et ordinationes) của Fontana, từ nay trở thành thủ bản không thể thiếu đối với việc quản trị thường xuyên trong Dòng, ngoài ra ngài đã bảo trợ cho việc soạn thảo và phát hành các sách kinh lễ, sách kinh khi rước và sách các Tiền xướng.

Năm 1870, dường như trời cao cũng can thiệp để nhắc nhở Dòng nhu cầu phải theo đuổi sứ vụ của mình. Suốt năm ngày trời, nhiều đám dân Ý tại Roma được chứng kiến pho tượng thánh Ða Minh bằng gỗ ở Sorianô cử động như một nhà thuyết giáo đang giảng cho các tín hữu. Phép lạ này đã gợi hứng cho cha Jandel gởi một thư luân lưu nhấn mạnh sứ vụ riêng biệt của Dòng. Trước khi qua đời, ngài đã phó thác dòng cho Thánh Tâm. Lễ Thánh Tâm Chúa được ghi thêm vào niên lịch phụng vụ Dòng .

Chương trình thực tiễn và minh bạch của cha Jandel đã phục hồi được đời sống đạo đức của nhiều tu sĩ Ða Minh. Có ba cuốn sách đã góp phần trong công việc đó : Ðể làm nổi bật lên lý tưởng của Dòng, cha Lacordaire đã viết cuốn "Kỷ Niệm việc tái lập dòng anh em thuyết giáo tại Pháp", cho thấy một thiên tài của Dòng và sự nghiệp của cha ; rồi cuốn "Cuộc đời thánh Ða Minh", trong tác phẩm này, cha Lacordaire đã thành công cách đáng thán phục trong việc làm sống lại tinh thần và nhân cách của Thánh phụ. Tác phẩm "Năm phụng vụ Ða Minh" (L'Année dominicaine) là bộ sưu tập về cuộc đời các hiển thánh và chân phước của Dòng, được anh em Ða Minh Pháp phát hành, giúp chúng ta nhớ đến vinh quang của các tiền bối và khôi phục lại niềm tự hào vào truyền thống.


Áp dụng chương trình của cha Jandel

Chương trình của cha Jandel không phải không gặp phản kháng. Ngay từ lúc nhập dòng, cha Jandel đã khác lập trường với cha Lacordaire về đường hướng khôi phục Dòng. Hòa nhịp hơn với thế giới hiện đại, cha Lacordaire chủ trương tuân thủ Hiến pháp, nhưng thích nghi chúng với hoàn cảnh đương đại. Còn cha Jandel tin vào sự trung thành sát với luật lệ và hiến pháp, cũng như những thay đổi do các tổng hội.

Cha Lacordaire xác định rằng mục đích của dòng là giảng thuyết để cứu rỗi các linh hổn, và sứ vụ tông đồ không thể bị cản trở vì quá nhấn mạnh đến nề nếp tu trì. Hiến pháp phải được rà lại toàn bộ, nhưng trong khi chờ đợi sửa đổi, vì một số điểm rõ ràng không còn hợp nữa, người ta có thể sử dụng luật chuẩn miễn để giảm bớt tính nghiêm ngặt của luật cũ, tạo thuận tiện cho việc học hành và sứ vụ. Cha khẳng định chương trình của cha Jandel thiếu linh động và việc cố tuân thủ khít khao hiến pháp thay vì canh tân, sẽ đưa tới việc suy sụp. Cũng là người hiểu biết về Sử Dòng, cha Jandel lại cho rằng chính việc áp dụng rộng rãi luật chuẩn miễn đã dẫn đến lạm dụng và suy tàn. Tại Pháp, những khác biệt trên đã dẫn đến việc áp dụng kỷ luật nghiêm ngặt tại Lyon và đưa đến việc thiết lập tỉnh dòng Lyon năm 1862.

Vừa trở thành tổng đại diện, cha Jandel đã nhanh chóng tiến hành chương trình của mình. Cha lập một tập viện ở Santa Sabina và kêu gọi các tỉnh dòng gửi tập sinh tới đây để đào tạo. Lập tức, những chỉ trích và phản kháng xuất hiện. Các tu sĩ Ý trong cộng đoàn này chưa sẵn sàng đón nhận kỷ luật nhiệm ngặt. Ðể giải quyết cuộc xung đột, năm 1852 người ta chia vấn đề thành hai vấn đề nhỏ. Những người chống đối cha Jandel chấp nhận giữ chay trường nhưng không muốn nguyện kinh vào nửa đêm. Sau cùng đức Piô IX đã quyết định : tu viện Santa-Sabina sẽ đọc kinh nhật tụng vào nửa đêm, còn ở các nơi khác bề trên sẽ qui định về giờ giấc. Cũng năm đó, Hiệp hội giám mục và tu sĩ đã quyết định rằng việc nguyện kinh nửa đêm không phải là điều kiện thiết yếu để các ứng sinh được lãnh tu phục Ða Minh. Một số linh mục tỉnh dòng Naples còn tuyên bố mạnh dạn rằng việc cưỡng bách sống chung là sáng kiến của các ông Tây (Pháp) và người ta còn phỏng đoán là chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản.

Tổng hội 1868 kêu gọi tất cả các tu viện khôi phục nếp sống chung ; tổng hội 1871 đề ra những nguyên tắc kỷ luật cho toàn Dòng, các nguyên tắc này sẽ được đưa vào Hiến pháp. Từ nay, nhiều tu viện bắt đầu cử hành chung hàng ngày thánh lễ tu viện, kinh chiều và giờ kinh tối. Việc tuân thủ được hoàn toàn giữ vững tại các tu viện Santa-Sabina, Viterbe, Riete, tại tập viện Woodchester ở Anh và trong tỉnh dòng Lyon. Tỉnh dòng Pháp và các tu viện mới của Ðức cũng tuân thủ với đôi chút linh động.

Suy nghĩ về chuyện cách đây hơn một thế kỷ theo những hướng dẫn của Vatican II, ta có thể thấy tư tưởng của cha Lacordaire mang tính sáng tạo hơn. Ði trước thời đại, cha tìm trở về hứng khởi nền tảng của thánh Ða Minh trong hướng thích nghi với nhu cầu của thế kỷ XIX. Trước Vatican II khá lâu, nhiều tỉnh dòng đã không thể áp dụng việc giữ chay trường, việc nguyện kinh nửa đêm, việc dùng áo len và các tập quán cổ xưa khác.

Chúng ta không thể phê phán cha Jandel. Vào năm 1850, trừ một vài tu viện, Dòng không còn gì vẻ Dòng tu nữa. Nhiều tu viện hoàn toàn lơ là với đời sống chung, và lối sống riêng tư được phổ biến rộng rãi. Cần phải có một chọn lựa quả cảm nếu muốn khôi phục tinh thần tu trì. Và dù cha Jandel có nhấn mạnh một vài yếu tố không cốt thiết, ngài đã dùng chúng như rào chắn để bảo vệ các điều nền tảng. Nếu nề nếp tu trì không được khôi phục, sứ vụ tông đồ không thể thành tựu. Cha Lacordaire và cha Jandel vẫn cùng chung những mục đích căn bản. Cả hai đều quan tâm đến hứng khởi nền tảng và các tập quán đáng ca tụng của Dòng. Nhưng các vị khác nhau trong việc xác định những gì còn hiệu lực và những gì không thích hợp nữa.


Sứ vụ tông đồ của Dòng

Thời kỳ cách mạng và những năm sau đó không phải là thời thành công trong sứ vụ Ða Minh. Nhiều tu viện và học viện đã bị đóng cửa ; không còn đủ thừa sai gửi để đến các vùng xa xôi, còn các giáo sư thì đã bị phân tán. Người ta không thể tiếp tục việc phát hành sách, cũng không thể hoàn thành những bộ sách đã khởi sự. Tuy nhiên, sau năm 1814, sứ vụ tông đồ Ða Minh đã có thể sống động trở lại.

Năm 1817, cha Philippe Puigserver, tỉnh dòng Aragon, đã phát hành một bộ ba cuốn "Nhập môn triết học thánh Thomas". Trong các tác phẩm của mình, cha Louis Vidal đã bàn về những vấn đề xã hội và chính trị. Giám mục Minorque là Antôn Diaz cho ra đời từ 1829 đến 1839, tất cả 29 cuốn minh giáo, bênh vực tôn giáo và Giáo hội. Cha Louis Brittain và cha Piô Brunquell cũng là những nhà hộ giáo. Trong số các sử gia, cha Vinh Sơn di Poggio chuyên về lịch sử tổng quát, cha Hyacinthe de Ferrai chuyên về sử dòng, còn cha Raymundo Guarini với môn"minh văn học" (Khảo cứu phân tích các bản khắc cổ : Epigraphie) và môn khảo cổ học. Sau nhiều năm nghiên cứu trong các văn khố và thư viện Tây Ban Nha, cha J. Villanueva đã phát hành bộ "Viaje Literario", lịch sử về nghi lễ phụng tự của Giáo hội Tây Ban Nha với 22 cuốn.

Thủ bản triết học của cha Thomas Zigliara đã góp phần rất lớn vào việc canh tân học thuyết Thomas trong thế kỷ XIX. Các giáo sư Ða Minh giảng dạy tại các đại học ở Roma, Naples, Turin, Cagliari thuộc Sardaigne và Macerata. Ở Hoa Kỳ, tỉnh dòng thánh Giuse tiếp nối công trình của cha Joseph Fenwich, thiết lập trong xứ sở này một nền giáo dục công giáo, điều khiển suốt một thời gian ba trường trung học Kentucky, Ohio, và Wisconsin. Cũng vào giai đoạn này, tỉnh dòng Ái Nhĩ Lan mở được một trường ở Newbridge.

Trong ba phần tư đầu thế kỷ XIX, hai hồng y Ða Minh và nhiều giám mục đã được giáo hội chọn : như tỉnh dòng thánh Giuse vào thời điểm khó khăn, cũng đã đóng góp được 5 giám mục. Dòng góp phần trong công đồng Vatican I qua các giám mục và các chuyên viên thần học. Trong lãnh vực mục vụ, các bài giảng của hai nhà giảng thuyết trứ danh, cha Lacordaire ở Pháp và cha Thomas Burke ở Ái Nhĩ Lan đã thu hút thính giả đến chật ních các nhà thờ. Với mức độ âm thầm hơn, cha Augustino Chardon đã phục hưng lại hội Mân Côi ở Lyon năm 1858 : chẳng bao lâu Hội có hơn 100.000 thành viên với giao ước đọc kinh Mân côi hàng ngày. Chị Pauline Jaricot đã cổ võ việc đọc kinh Mân Côi hàng ngày và đã sáng lập hội kinh Mân côi sống năm 1826, sau này, đức Piô IX sẽ đặt hội dưới quyền điều hành của anh em Ða Minh năm 1871.

Việc tuyên bố tín điều Vô nhiễm Nguyên tội và việc Ðức Mẹ hiện ra ở Lộ đức đã mang lại sự cổ vũ lớn lao cho các nhà giảng thuyết về kinh Mân Côi và việc phổ biến trong tín hữu. Năm 1860, tỉnh dòng Lyon phát hành tập san "Vương miện Ðức Maria" (La couronne de Marie) khởi sự cho mười tập san định kỳ dành riêng viết về Kinh Mân côi. Một tu sĩ Ða Minh và bốn thành viên dòng ba, trong số đó có Louis Captier, một nhà giáo dục đặc biệt, đã làm chứng cho Ðức Kitô bằng máu đào trong cuộc biến loạn của công xã Paris năm 1871.


Sứ vụ truyền giáo

Việc truyền giáo miền xa của Dòng không những gặp khó khăn do cách mạng ở Âu Châu mà còn vì những biến chuyển tại địa phương. Những xung đột của dân Mossoul ở Irắc, đã buộc các tu sĩ Ða Minh Ý phải rời bỏ thành phố năm 1815, nhưng họ có thể trở lại vào năm 1841. Năm 1859, cha Jandel ủy nhiệm việc truyền giáo tại đây cho tỉnh dòng Pháp. Các cuộc bách hại tại Việt Nam năm 1825 và 1838 đã làm gián đoạn sứ vụ tại đây, nhưng đến năm 1848, tình hình lắng dịu hơn đã cho phép thiết lập địa phận mới, địa phận Trung Ðàng Ngoài, tách khỏi địa phận Ðông Ðàng Ngoài. Trong các cuộc bách hại từ 1854 đến 1862, bốn vị giám mục Ða Minh, nhiều linh mục, nhiều anh em dòng ba và các tín hữu đã lãnh phúc tử đạo. Nhiều vị trong số đó đã được suy tôn hiển thánh và được ghi danh cho tỉnh dòng Việt Nam (Như chúng ta đã biết, 38 tử đạo thuộc gia đình Ða Minh được suy tôn hiển thánh năm 1988. Gồm 6 giám mục, 19 linh mục (5 TBN, 3 dòng ba), 6 thày giảng và 7 tín hữu dòng ba.).

Tại Trung Hoa, dù hoàng đế đã ra chiếu chỉ cấm đạo vào năm 1811, nhiều người Hoa ở Phúc kiến đã gia nhập Công giáo. Các cuộc bách hại mới bùng nổ ở Trung Hoa vào 1837 và 1838. Cũng vào thời kỳ này, việc xóa sổ tỉnh dòng Bồ Ðào Nha đã chấm dứt sứ vụ truyền giáo ở Phi Châu cũng như tại các đảo Timor và Solar.

Tuy nhiên việc truyền giáo vẫn tiến triển, Hiệp hội Ðông Phương, gồm các phần tử của tỉnh dòng Piêmont, được củng cố lại từ năm 1829. Hiệp hội đã xây dựng một nhà thờ mới tại Pera, ở Constantinople vào 1843. Cha Raymundo Griffin, một tu sĩ người Anh, đã bị sát hại ở Nam phi khi ngài đến đó với tư cách Ðại diện Tông tòa. Trong nhiệm kỳ của cha Jandel, các tu sĩ Ða Minh Ái Nhĩ Lan đã đến Úc Châu và Trinidad. Các anh em Hà Lan bắt đầu hoạt động trên các đảo Antilles và vùng Nam phi.


Các nữ đan sĩ và các nữ tu

Cơn bão cách mạng giáng xuống Dòng đã buộc hầu hết các đan viện tại Âu Châu phải đóng cửa. Tuy nhiên, một số đan viện vẫn tồn tại, như đan viện Saint-Sixte ở Roma hay đan viện Ratisbonne. Ðan viện "Nay" tại Pháp không những tồn tại lại còn mở trường từ năm 1807-1857. Ở Spire nước Ðức, một số nữ tu bắt đầu bằng việc dạy học, sau đó chọn sống theo Quy Luật Dòng Ba, đó là nguồn gốc của một trong các Hội dòng nữ lớn nhất tại Ðức. Năm 1806, các nữ đan sĩ ở Langres đã thiết lập một trường học ở Postdam đã thu hút được nhiều học sinh từ Ðức, Thụy Sĩ và Pháp. Một người đồng thời với cha Lacordaire và cha Jandel, dù không biết các ngài, là Mẹ Dominique Clara Moes, mẹ đã là vị sáng lập đan viện Limpertberg ở Luxembourg, và đã hiến trọn đời chịu đau khỗ để cầu nguyện cho việc khôi phục của Dòng.

Việc thành lập của nhiều Hội Dòng Nữ Dòng Ba, những người hiến thân cho công tác giáo dục hoặc từ thiện đã mang lại một tia hy vọng trong bầu khí chung của Dòng sau cuộc cách mạng. Các Hội Dòng xuất hiện ngày càng nhiều tại khắp nơi, tại Âu Châu, Nam phi và tại Hoa kỳ (cộng đoàn đầu tiên được thành lập tại Kentucky năm 1822). Khi cha Jandel qua đời, đã có tới 14 Hội Dòng Nữ trong lãnh Thổ Hoa kỳ : Ba trong số các cộng đoàn này do bốn nữ tu đến từ Ratisbonne năm 1853 và đã mở ngay tại đây một trường học.


Nhận định

Sử Dòng Ða Minh trong khoảng từ 1789 đến 1872 là một cuộc khủng hoảng hầu như không dứt. Cách mạng Pháp và cuộc chiến của Napoléon I đã khiến Dòng như bị cô lập thực sự. Từ năm 1814, Dòng khởi sự công cuộc phục hưng, tuy còn gặp nhiều trở ngại, nhưng đã đứng vững với những chuyển biến lớn báo hiệu một cuộc phục hưng thực sự. Khi được đắc cử vào năm 1850, cha Jandel đã đem lại cho Dòng nguồn hy vọng nhờ vào đường lối lãnh đạo và chương trình ngài đề ra. Thời gian lãnh đạo của cha cũng khá lâu để những cơ sở mới lập được vững chắc và phục hồi những cơ sở cũ. Trên nền tảng đó, các vị kế nghiệp ngài có thể tiếp tục kiến thiết dòng với một số thay đổi. Ðặc biệt các tỉnh dòng tại Pháp vẫn lưu giữ được cả tinh thần nhiệm nhặt của cha Jandel và lẫn tinh thần nhạy bén trước những tiến bộ và sinh hoạt trí thức của cha Lacordaire.

Trong 22 năm dưới sự lãnh đạo của cha Jandel, Dòng đã thực sự thống nhất, canh tân được tinh thần, đã tổ chức lại các tỉnh dòng, khôi phục sức mạnh điều hành và mở rộng các biên cương sứ vụ. Số nữ đan sĩ tuy giảm về số thống kê nhưng vẫn tiếp tục sứ vụ qua bao thế kỷ, làm chứng tá bằng lời cầu nguyện ; các nữ tu hoạt động, một ngành mới của Dòng đã triển khai sứ vụ tông đồ qua công tác giáo dục, và cứu tế xã hội. Khi cha Jandel mất năm 1872, Dòng đã vượt qua được hàng loạt những khủng hoảng trầm trọng nhất trong suốt tiến trình lịch sử của mình : dù tình hình chưa sáng sủa lắm, nhưng Dòng vẫn tiếp tục sống động và vẫn có thể nhìn về tương lai với niềm tin tưởng .