Bước vào năm 1300, ta có thể thấy ngay những dấu báo hiệu chấm dứt tầm vĩ đại của thế kỷ XIII. Vì thế kỷ XIV gồm một chuỗi triền miên những cuộc xung đột, chiến tranh và thiên tai, do đó, sự suy yếu của Dòng cũng trở thành khá hiển nhiên. Biết bao biến cố làm rung chuyển cả một thời đại, từng biến cố một, đều giáng những phát chí tử vào nền tảng và sự sống còn của thế giới Kitô, có thể nói, với tốc độ của ánh sáng.
Thế kỷ XIV, được khởi đầu với những cuộc tranh chấp giữa giáo hoàng Bonifacio VIII và vua Philippe le Bel, tuy chúng đã manh nha trước đó ít năm. Kết thúc thế kỷ XIV là cuộc Ðại Ly Giáo Tây Phương, kéo dài từ 1378 đến 1418, với các vị giáo hoàng đối đầu và tranh dành nhau chiếc ghế của thánh Phêrô. Giữa hai chuỗi sự kiện lớn đó : Dòng Ðền Thờ bị đóng cửa; cuộc đấu tranh giữa giáo triều với vua Louis Bavière (người Ðức) và khởi sự cuộc chiến Trăm Năm (1337). Còn giữa thế kỷ được bổ xung bằng mùa dịch hạch, thường được gọi là Hắc Dịch Tử (La Peste Noire : Cơn Dịch Ðen), chỉ trong hai năm, tàn sát khoảng từ một phần ba đến một nửa dân số Âu Châu. Xã hội, Giáo hội, hàng giáo sĩ và các Dòng tu đều phải đồng gánh chịu những hậu quả của các thảm họa này.
Vào năm 1300, Dòng Ða Minh vẫn đang độ sung sức về nhân lực và tầm ảnh hưởng. Dòng có quyền hy vọng nhìn về một tương lai hứa hẹn với các hoạt động phong phú và sống động. Ðức Gioan XXII đã không tiếc lời ca ngợi năm 1317 rằng : "Dòng Anh Em Thuyết Giáo được thừa hưởng hơn mọi Dòng khác về ân điển sứ vụ các tông đồ, nên chiếu tỏa ra ánh sáng chói chan". Ðến năm 1325, ngài tỏ ra hân hoan vì Dòng Ða Minh đang "chiếu sáng như những vì sao, được tổ chức vững vàng để phục vụ Thiên Chúa". Trước đó hai năm, ngài suy tôn cha Thomas Aquino lên hàng hiển thánh.
Thế nhưng đàng sau những vinh dự này đã có những dấu hiệu suy thoái. Kỷ luật đời tu bớt nghiêm minh, nếp sống nghèo cá nhân và tập thể bị giảm thiểu. Ngoài ra, sứ mạng truyền giáo phải gánh chịu những hậu quả của việc người Sarrasin chiếm Saint Jean-d'Acre, cứ điểm cuối cùng của ki tô giáo tại Palestine .
Các bề trên tổng quyền
Nhiệm kỳ hai vị tổng quyền đầu thế kỷ quả là ngắn ngủi. Cha Alberto Chiavari được bầu năm 1300, chỉ sống được ba tháng ; còn cha Bernard Jusix đắc cử năm 1301, thì qua đời sau đó hai năm. Cũng trong giai đoạn này, đức Bonifacio VIII ban hành sắc lệnh "Super Cathedram" giải quyết cuộc xung đột giữa các giáo sĩ triều và các dòng Hành Khất, buộc các Dòng phải nộp cho địa phận một phần tư hoa lợi, kể cả di sản. Sắc lệnh đó kéo theo nhiều khó khăn khi chấp hành, và gây nguy hiểm cho ý niệm nghèo khó trong Dòng. Kế vị đức Bonifacio VIII là đức Benedicto XI, một tu sĩ Ða Minh, tuyên bố hủy bỏ sắc lệnh này, nhưng đức Clêmentê V lại phục Hồi sắc lệnh như trước.
Nhiệm kỳ hai vị tổng quyền kế tiếp kéo dài từ 1304 đến 1317. Cha Aymeric Plaisance đắc cử năm 1304, nhưng sau phải từ nhiệm, có lẽ như nhiều người nghĩ, vì ngài phản đối việc bãi bỏ Dòng Ðền Thờ. Cha Béranger Landore kế vị từ 1312-1317, rồi đến cha Hervé Nédellec, một nhà thần học nổi tiếng (1318-23), cha Barnabé Cagnoli Verceil (1324-32) và cha Hugues Vaucemain (1333-41). Thời cha Hugues, có những xung đột với đức Benedicto XII, vì Giáo hoàng muốn cải tổ Dòng Ða Minh như ngài đã cải tổ các dòng Xitô, Phanxicô, và các Dòng Kinh Sĩ. Vị giáo hoàng này khởi sự bằng việc gọi cha Tổng quyền và khoảng 20 tu sĩ suất sắc để thảo luận với ngài. Ðó là lý do đình chỉ tổng hội lẽ ra phải họp vào năm 1338. Thế nhưng dự án của đức Benedicto XII đã gặp sức kháng cự mạnh mẽ và dứt khoát của cha Hugues Vaucemain.
Những tư liệu đương thời không cho biết đầy đủ lý do cuộc đối kháng này, và các sử gia hiện nay lại bất đồng quan điểm về cách giải thích. Cha Hugues không hề e ngại việc chống những lạm dụng, và các tổng hội do cha chủ tọa đã làm việc đó. Cuộc đối kháng chắc chắn phải có những lý do sâu xa hơn. Có lẽ, theo một số người đương thời, vì đức Benedicto XII dự định thay đổi những điều cốt yếu trong Hiến Pháp của Dòng. Sử gia Mortier và Mandonnet cho rằng giáo hoàng muốn sửa luật khó nghèo của Dòng, thay vì khó nghèo tuyệt đối không sở hữu, nay được quyền sở hữu những bổng lộc cố định. Tuy nhiên, giả thuyết này không đứng vững.
Ðức Benedicto XII không áp đặt ý mình, ngài kêu mời sự hợp tác của bề trên tổng quyền và các quyền bính trong Dòng. Chính vì những vị này từ chối lời đề nghị đó mới khiến bùng nỗ cuộc xung đột. Việc qua đời của cả hai vị - Cha Hugues năm 1341, đức Benedicto XII vào năm sau - đã giữ cho Hiến Pháp Dòng không bị thay đổi những điều cốt yếu.
Từ sau cha Hugues Vaucemain đến 1379, (tức là năm khởi sự cuộc Ðại ly giáo) là một loạt các bề trên tổng quyền người Pháp. Nhiệm kỳ các vị này khá ngắn ngủi vì qua đời sớm hoặc vì được đề bạt lên chức vị cao hơn. Cha Gérard Daumar de la Garde, đắc cử 18-5-1342, chỉ cai trị trong bốn tháng, vì đức Clêmentê VI, một người bà con, đặt ngài lên chức hồng y ngày 20 tháng 9. Chức vụ mới này ngài cũng chẳng giữ được lâu vì ngài qua đời sau đó 53 tuần.
Cha Pierre Baumes-les-Dames kế vị năm 1343 và qua đời năm 1345. Năm sau, cha Garin de Gy - l'Êvêque lên kế vị và chết trong cơn Dịch Ðen 1348. Mùa xuân năm sau cha Jean de Moulins đắc cử, nhưng lại được chọn lên chức hồng y năm 1350. Những nhiệm kỳ ngắn ngủi này quả là điều đáng tiếc trong giai đoạn đang cần việc điều hành bền vững, bù lại tình trạng sa sút về tinh thần tu trì và kỷ luật. Những giai đoạn cách quãng giữa các nhiệm kỳ càng làm cho các hoạt động bị thiếu liên tục và gia tăng mức độ suy thoái hơn nữa.
Thế nhưng sau đó, có hai nhiệm kỳ tổng quyền khá dài. Cha Simon Langres quản trị 14 năm (1352-66) đã cương quyết nỗ lực giải quyết những vấn đề lớn thời đó và bổ sung lại những tổn thất do Cơn Dịch Ðen gây nên. Sự cương quyết này khiến cha Simon có một vinh dự đáng buồn, trở thành vị tổng quyền duy nhất bị chính Dòng truất phế, dù thủ tục không thành sự (invalide). Cha Simon không đủ thời giờ quán xuyến công việc của Dòng, vì ngài quá bận tâm đến những công tác ngoại giao do giáo triều trao phó, đã gây nên mối bất mãn trong Dòng. Tổng hội 1360 đã truất chức ngài với số phiếu đa số khá khít khao, tám đối với sáu.
Các giám định viên thuộc phe thiểu số, liên kết với những người ủng hộ cha tổng quyền đã khiếu nại lên đức Urbano V, và ngài tuyên bố việc truất chức bất thành. Sáu năm sau đức Urbano V đã cất trách nhiệm của cha Simon với Dòng bằng cách bổ nhiệm ngài làm giám mục ở Nantes . Tài năng của ngài trong 18 năm làm giám mục cho thấy tổn thất Dòng phải chịu, vì sự ra đi của một người đã từng là bề trên tỉnh dòng Pháp, là tôn sư thần học và là một nhà ngoại giao tuyệt vời.
Cũng may, trách vụ của cha Simon được chuyển đến cha Élie Raymond, với một nhiệm kỳ cũng khá dài. Ðắc cử năm 1367, cha Élie quản trị Dòng cho đến cuộc Ðại Ly Giáo Tây Phương. Là người Pháp, cha Simon Langres chọn đứng về phía quê hương mình, ủng hộ ngụy giáo hoàng Clêmentê VII, cư trú tại Avignon, còn cha Élie trở thành bề trên tổng quyền của những tu sĩ ủng hộ Avignon.
Năm 1380, các tỉnh dòng ủng hộ đức Urbano VI, vị giáo hoàng đầu tiên của phía Roma, qui tụ lại quanh cha Raymundo Capua, cha linh hướng cũng là môn sinh của thánh nữ Catharina Sienna. Ngài sống đến năm 1399. Trong thời kỳ đó, phía Avignon có đến ba vị tổng quyền là Nicolas Troia người Napoli , Nicolas Valladolid người Tây Ban Nha và Gioan Puinoix người Pháp. Cả ba vị đều thuộc những vùng ủng hộ giáo hoàng ở Avignon . Nhiệm kỳ cha Gioan từ 1399 cho đến khi kết thúc cuộc ly giáo năm 1418. Kế đó cha từ chức, và công đồng chung Constance đặt ngài lên giám mục.
Dòng đã không thể nào thoát khỏi những nghi lỵ và hoang mang bao trùm khắp thế giới Kitô trong cuộc Ðại Ly Giáo. Vì hầu như không người nào sống kề sát các biến cố, có thể thẩm định về các giáo hoàng đang kình chống nhau, nên các quốc gia nghiêng về phía nào có lợi cho mình hơn hết. Các nước và các miền bị phân chia giữa các giám mục và viện phụ thuộc cả hai phe. Các Dòng tu có cơ cấu quản trị tập trung như Dòng Ða Minh đều chung một số phận đó. Các tỉnh dòng Pháp, Tây Ban Nha và Naples , cùng với các tu sĩ Écosse liên minh với Avignon . Những tỉnh dòng khác thì giữ liên lạc với Roma.
Sau năm 1380, Dòng có hai chuỗi tổng hội và bề trên tổng quyền. Tỉnh dòng Ðức, nằm trong khu vực bị phân hóa về chính trị, cũng có hai giám tỉnh, tuy nhiên đa số các tu viện theo cha Phêrô Eglin vẫn trung thành với Roma. Tình trạng rối ren chung trong Giáo hội bấy giờ được biểu hiện ngay nơi những vị thánh Dòng Ða Minh đương thời. Thánh Catharina và Raymuno Capua ủng hộ đức Urbano VI. Còn thánh Vinh Sơn Ferrier lại vận dụng tất cả tài hùng biện và kiến thức để thuyết phục hàng giáo sĩ, các vị vua và quần chúng ở bán đảo Ibérique liên kết lại sau lưng Clêmentê VII, vị giáo hoàng ở Avignon.
Các tổng hội
Từ năm 1374, dòng đã sửa đổi Hiến Pháp để tổng hội sẽ họp hai hoặc ba năm một lần, thay vì mỗi năm mỗi họp. Việc thay đổi này chắc chắn do tác động những hoàn cảnh khó khăn thời đó, do việc tranh chấp của các giáo hoàng, do cuộc Chiến Tranh Trăm Năm, do Cơn Dịch Ðen và do cuộc Ly Giáo. Nhịp độ họp mới này đem đến một thay đổi tinh tế trong việc quản trị Dòng. Quyền lực và uy thế của vị tổng quyền gia tăng, còn của các tổng hội thì giảm.
Song song với sự gia tăng quyền hành của các vua trong lãnh vực chính trị, sự thay đổi tương ứng này cũng phản ảnh việc kém tin tưởng vào cơ chế đại biểu trong nội bộ Dòng. Thống kê sau cho thấy tầm ảnh hưởng của các tổng hội trong lịch sử : thế kỷ XIII có 75 tổng hội, XIV có 76, thế kỷ XV xuống 47, thế kỷ XVI còn 28, thế kỷ XVII còn 20, thế kỷ XVIII chỉ còn 6 và thế kỷ XIX tăng lên 11 (Xin coi phụ trương).
Dù rằng sau năm 1370 tổng hội ít được nhóm họp hơn, nhưng tổng hội vẫn là phương thế tạo thống nhất. Tổng hội giúp vị tổng quyền đón nhận ý kiến, lời khuyên và thông tin về đời sống của Dòng ; giúp các chương trình hoạt động được tiến hành ; tạo cơ hội cho những vị quản trị cấp tỉnh được gặp gỡ nhau ; cung cấp những phương thức hoạt động nhịp nhàng và biến nó thành luật.
Sử Dòng Ða Minh cho thấy có thể coi các tổng hội như một phong vũ biểu. Khi các tổng hội họp đều và tiến hành tốt đẹp thì kỷ luật Dòng và hoạt động sứ vụ được hoàn thành mỹ mãn. Còn việc nhóm họp thất thường tương ứng hơn với những giai đoạn trì trệ.
Khi các tổng hội họp thưa hơn, thì nhiệm vụ bề trên tổng quyền cũng thêm nặng nề. Dù chúng ta không đủ tư liệu để so sánh, vì chúng ta chỉ có những tư liệu từ các thơ của cha Raymundo Capua. Thoáng nhìn qua bản "công văn lưu" (Registre) của ngài, cũng đủ thấy biết bao trường hợp phức tạp khiếu nại gửi đến ngài. Dường như đa số các trường hợp đã có thể giải quyết được tại cấp địa phương. Việc chạy đến quyền bính tối cao này có thể giải thích được do những biến động của thời Ly Giáo và do mức kỷ luật thấp kém thời bấy giờ.
Tuy nhiên, dù vị thế của bế trên tổng quyền được củng cố vì ít họp tổng hội, thì quyền bính của ngài lại bị hạn chế do việc chọn hồng y bảo trợ, một nét mới trong sinh hoạt Ða Minh. Khác với qui định Tòa Thánh cho các dòng khác, việc quản trị Dòng Ða Minh dựa trên sự liên đới theo hướng đồng trách nhiệm. Vì thế, mãi đến năm 1373, chức hồng y bảo trợ mới xuất hiện với hồng y Guillaume Aigrefeuille do đức Gregorio XI bổ nhiệm.
Trách vụ của hồng y bảo trợ chưa bao giờ được quy định rõ rệt nhưng lại không ngừng gia tăng theo thời gian. Trong hai thế kỷ kế tiếp, các vị này lo việc nội bộ Dòng y như mình là bề trên tổng quyền. Các nguyên nhân hay lời biện minh cho việc gia tăng quyền hạn này, vào thế kỷ XV là vì các tranh chấp giữa các tu sĩ cải tổ hoặc không cải tổ ; còn trong thế kỷ XVI thì vì khuynh hướng tập trung quyền hành, hiện tượng chung trong toàn Giáo hội. Từ năm 1887, đức Lêo XIII tuyên bố chính ngài đảm trách việc bảo trợ Dòng, và các giáo hoàng sau ngài cũng làm như vậy.
Các Tỉnh Dòng
Vào dịp phân chia tỉnh dòng trong khoảng năm 1294-1303 con số các tỉnh dòng là 18. Mãi 75 năm sau, mới tiếp tục có việc phân chia tỉnh dòng mới. Tổng hội 1378 lập tỉnh dòng Sicile và chuẩn bị cho việc lập tỉnh dòng Dalmatie, tỉnh dòng này sẽ khai sinh trong cùng năm đó dưới thời đức Urbano VI khi cuộc Ly Giáo khởi sự. Các tân tỉnh dòng nhỏ hơn các tỉnh dòng cũ giúp cho anh em đoàn kết chặt chẽ hơn và đưa đến việc hợp tác mật thiết giữa các anh em với các giám tỉnh.
Sứ vụ giảng thuyết
Mặc dù phẩm chất đời tu có phần suy thoái, Dòng vẫn tiếp tục cung cấp các nhà giảng thuyết tài ba. Trong tiền bán thế kỷ, cha Giacobê Passavanti đã thực hiện sứ vụ giảng thuyết mang lại nhiều thành quả tại thánh đường tu viện Sainte-Marie-Nouvelle ở Florence . Tại đây, cha là một trong những thành viên suất sắc trong nhiều năm. Ngài cũng là một tác giả có những sách về đời sống thiêng liêng góp phần làm phát triển ngôn ngữ Ý. Ngài biên soạn cuốn "Gương Sám Hối Ðích Thực" vào năm 1354, dùng để giảng trong mùa Chay. Tác phẩm này phản ảnh cách sống động về bầu khí hỗn độn của giai đoạn sau Cơn Dịch Ðen: nhấn mạnh việc kính sợ Chúa, dù cha Passavanti có nói đến niềm vui phát sinh cho kẻ sám hối.
Cha Venturin Bergame, năm 1335 vào thời huy hoàng nhất của đời rao giảng, đã đứng ra tìm cách vãn Hồi hòa bình cho các thành phố Ý đang xâu xé nhau. Ngài thực hiện bằng lời giảng và dẫn đầu đoàn hành hương đến Thành Ðô muôn thuở. Bước chân của những đoàn hành hương khắp nước Ý này đánh dấu một nhiệt tâm lớn lao và đây đó trên hành trình, đã giúp nhiều người hoán cải. Sau vài ngày sống ngay giữa Roma, vấn đề lương thực và chỗ ở cho hàng ngàn người này gặp phải khó khăn. Cha Venturin hoảng hốt, và trong một lúc nản lòng đã bí mật bỏ trốn. Sau khi hoàn hồn, con người không thể cầm mình ấy, đã tụ họp một số người đi sang Avignon , hy vọng thuyết phục được đức Benedicto XII thấy nhu cầu tổ chức thánh chiến. Thế nhưng vị giáo hoàng tỏ ra bất bình, khiển trách cha đến giáo triều không báo trước, bắt buộc cha phải sám hối vì những lời lẽ bất cẩn trong suốt cuộc hành hương và về những xáo trộn cha đã gây ra tại Roma, sau đó ngài bắt cha đi biệt xứ đến một tu viện xa xôi. Năm 1343, đức giáo hoàng kế vị, đức Clementê VI đã phục Hồi cho cha Venturin và cử cha đi rao giảng hô hào thánh chiến tại Lombardie. Sau một năm rao giảng, cha Venturin đi theo đạo binh Thánh Giá đến tận Smyrna . Tại đây cha qua đời năm 1346, sau một tháng miệt mài để rao giảng, để khích lệ các chiến binh bị bao vây và săn sóc những người bị thương tích.
Cha Venturin cũng là tác giả nhiều lá thư và tác phẩm về đời sống thiêng liêng. Cha quan hệ với các nhà thần bí Ða Minh tại Ðức và là bạn của cha Gioan Tauler, một nhà giảng thuyết tài ba khác. Cha Venturino Eckhart, hai cha Henri Suso và Gioan Tauler đều có những quan hệ chặt chẽ với các nữ đan viện vì họ mời các ngài đến giảng hoặc làm linh hướng. Cha Gioan Dominici một nhà giảng thuyết thời danh cuối thế kỷ cũng vậy. Cha thi hành sứ vụ tại Venise, Pise và Florence, cha đã thiết lập nữ đan viện Nhiệm Thể Chúa Kitô tại Venise, và đã gửi cho các đan sĩ tại đây khá nhiều lá thư bàn về đời sống thiêng liêng.
Các nhà giảng thuyết Ða Minh phát hành nhiều tuyển tập bài giảng và các bài chú giải, thí dụ như cha Thomas de Galles với tác phẩm viết về phương pháp giảng thuyết. Cha Gioan Bromyard, một tu sĩ người Anh thì hoàn thành trước năm 1350 cuốn "Tổng luận giúp giảng Thuyết" (Summa Praedicantium), một tác phẩm bách khoa xếp thứ tự theo vần, chứa đựng các kiến thức thần học và mục vụ nhằm giúp các vị đi giảng : họ có thể tìm ở đây nhiều tư liệu quí giá, và các sử gia ngày nay đều công nhận, đây là một văn bản quan trọng để nghiên cứu về việc giảng thuyết và về văn hóa thế kỷ XIV.
Cuối thế kỷ, đức cha Fitzralph, tổng giám mục Dublin, gây nên cuộc công kích mới từ phía các giáo sĩ triều, chống lại hoạt động của các tu sĩ như trong thế kỷ trước. Ngài khiếu nại đến tận giáo hoàng, tuy nhiên, dù là một nhà hùng biện và là một tay viết cừ khôi, đức cha Fritzralph cũng không thay đổi được gì trong mối tương quan giữa các tu sĩ và các giáo sĩ triều.
Sứ vụ nghiên cứu Thần Học
Sau khi thành lập được tròn một thế kỷ, Dòng đã có quyền tự hào về ảnh hưởng của mình trong giới đại học và về khả năng các nhà thần học của mình. Dòng đã ý thức tầm mức tư tưởng của thánh Thomas Aquino khi ngài còn sống và bênh vực cho đạo lý cũng như bản thân ngài khi ngài đã qua đời. Trong những năm đầu thế kỷ XIV, Dòng khẳng định rõ rệt lập trường ủng hộ hướng thần học thánh Thomas đã khai mở.
Cơ hội thực hiện điều đó đã đến vào niên khóa 1307-1308, khi cha Durand de Saint Pourcain, một trong những thần học gia nổi tiếng nhất của Dòng, đang giữ ghế phụ khảo thần học (Chú giải bộ Sententiae) tại đại học Paris, vị này khai triển những ý kiến khác hẳn với thánh Thomas. Thế là tổng hội 1309 ra yêu cầu từ nay trong Dòng, giáo lý để dạy và học, phải phù hợp với đạo lý của Thánh Thomas. Những ai vi phạm "sẽ bị xử phạt nặng và bị phạt ngay lập tức".
Năm 1312, cha Durand đậu thạc sĩ. Trước mùa chay 1313, đức Clêmentê V bổ nhiệm ngài làm giáo sư đại học tại giáo triều. Nhân dịp này, tổng hội năm đó càng nhấn mạnh hơn việc ủng hộ học thuyết của Thomas, xác định rằng không ai được quyền "dạy điều gì chống lại quan điểm mà người ta cho là của thánh Thomas". Các vị giáo sư phải dạy công khai một số luận đề của ngài. Tổng hội yêu cầu các giám tỉnh phải giám sát các giáo sư xem họ dạy ra sao và không được nhân nhượng cho những kẻ không tuân thủ những quyết định này của tổng hội. Ngoài ra tổng hội cũng lấy lại biện pháp của thế kỷ trước về việc kiểm duyệt các văn bản. Tổng hội năm sau sẽ trao phó cho vị giám học việc kiểm duyệt các tác phẩm của giáo sư sinh viên.
Xác định các biện pháp này, Dòng không chỉ quan tâm đến việc bảo vệ học thuyết của thánh Thomas. Dòng đã cảm thấy các ý kiến cha Durand de Saint-Pourcain trình bày, làm sai lạc giáo huấn Hội Thánh. Công vụ 1313 xác định các vị giáo sư, trong các vấn đề về tín lý và luân lý, không được liều "quả quyết bất cứ điều gì trái ngược với quan điểm của các vị tiến sĩ", nếu không phải là luận phi chính điều ấy. Trong thực tế, do những lời cảnh cáo này, cha Durand sẽ sửa đổi một số quan điểm quá khích nhất của mình.
Khá đông các vị giáo sư tài ba, với nền đạo lý vững chắc và sâu xa, được kể là môn sinh của thánh Thomas, khi chống lại giáo huấn của Durand. Nổi bật nhất là cha Hervé Nédellec, sau làm bề trên tổng quyền năm 1318, đã đấu tranh tư tưởng với Durand gần hai thập niên. Ngoài ra, còn có các vị như cha Gioan de Naples, Phêrô de Palu, Giacôbê de Lausanne, Giacôbê de Viterbe và Armand de Bellevue. Hầu hết tất cả đều tham gia cuộc bút chiến với Durand.
Ngoài ra, Dòng còn đưa ra những biện pháp để việc học hỏi được nâng cao và hiệu quả.Tổng hội 1305 quan tâm đến tổ chức các đại học Dòng nên đưa ra những chỉ thị cho các nhà học. Từ 1313-1315, các tổng hội sẽ phổ biến những chỉ dẫn tỉ mỉ hơn cho các sinh viên cũng như giáo sư. Phải ấn định số sinh viên được gửi đến mỗi nhà học và qui định việc bổ nhiệm giáo sư cũng như trách vụ giảng dạy của họ. Ðể bảo đảm năng suất hơn trong việc tổ chức học hành, nếu có thể dùng lối nói đó, người ta quy định những qui tắc về việc dự giảng khóa ; tái xác định quyền lợi và các đặc quyền của sinh viên ; hạn chế bớt các hoạt động bên ngoài và cung cấp cho anh em sách vở và y phục. Sau cùng tổng hội yêu cầu các tu viện phải thiết lập và trang bị cho các thư viện riêng.
Trong giai đoạn này, các tu sĩ Ða Minh không chỉ tranh luận thần học với cha Durand. Bề trên tổng quyền Barnabé Cagnoli Verceil và nhiều nhà thần học khác đã đứng lên chống lại quan điểm thần học sai lầm của đức Gioan XXII đã phổ biến với tư cách cá nhân. Vị giáo hoàng cho rằng những người chết trong tình trạng ân sủng cũng không được hưởng kiến Chúa trước ngày Chung Thẩm. Cha Thomas de Galles đã mạnh dạn chống đối khi đứng lớp tại đại học ở Avignon, nơi giáo hoàng đang cư ngụ, dù phải thưởng thức ngục tù của giáo hoàng trong nhiều năm.
Ngoài ra, còn có cuộc tranh luận thần học với các môn sinh của Duns Scot. Sống cùng thời với cha Durand, vị tu sĩ Phanxico này cũng đưa ra một hệ thống thần học riêng của mình. Ðóng góp đáng kể nhất của ngài là đã nêu lên nguyên tắc giúp các thần học gia khai triển giáo lý về ơn Vô Nhiễm nguyên tội của Ðức Nữ trinh Maria. Trừ một vài cá nhân họa hiếm, các tu sĩ Ða Minh đã chống lại quan điểm này khi phản đối nhiều điểm khác trong học thuyết của Duns Scot. Các vị chống lại ơn vô nhiễm vì nghĩ rằng thánh Thomas cũng phản đối, nên đã dấn mình vào một cuộc đấu tranh kéo dài nhiều thế kỷ, và đã bị thua trước đa số. Con số các nhà thần học và tín hữu chấp nhận đạo lý này ngày càng tăng. Ngay cả các tỉnh dòng thuộc Tây Ban Nha cũng theo hướng đi đó.
Thế nhưng, lập trường các tu sĩ Ða Minh cũng góp phần quan trọng trong việc đào sâu và làm sáng tỏ nội dung vấn đề. Các tu sĩ Ða Minh đã buộc những người ủng hộ ơn Vô Nhiễm kiên trì phải liên lỉ xét lại lập trường của mình. Những gai góc lý thuyết này vẫn còn được nêu lên trong nhiều thế kỷ, và chỉ được giải quyết cách dứt khoát qua việc định tín năm 1854.
Nhìn tổng quát lại lập trường của Dòng và các của thần học gia Ða Minh trong cuộc tranh luận với cha Durand, về việc hưởng kiến và về ơn Vô Nhiễm nguyên tội, ta thấy ý thức về sứ mạng của Dòng với giáo hội đã khác trước. Dù vẫn giữ vai trò quan trọng về tín lý, đời sống trí thức trong Dòng bắt đầu suy giảm khi học phái kinh viện không còn vững mạnh và kỷ luật tu trì kém chặt chẽ. Trường học và giáo sư còn bị thương tổn qua cơn dịch đen. Và sau này, sinh hoạt đại học còn bị xé lẻ do cuộc đại ly giáo nữa.
Có thể tất cả những điều đó giải thích tại sao các môn đệ thánh Thomas, từng mạnh mẽ phản ứng chống Durand và các đối thủ khác, lại không nhận ra mối nguy hiểm của phái Duy Danh. Tiêu biểu của trường phái này là Guillaume d'Ockham. Chính Giáo hội cũng không có lời kết án nào cả. Thế nên cuối thế kỷ, phái duy danh đã biến đại học Paris thành trung tâm của mình, và bước sang thế kỷ XV, lại chiếm thêm một vài cứ điểm mới tại Ðức. Hai tu sĩ Ða Minh người Anh : Cha Thomas Holkot, không tránh khỏi ảnh hưởng của thuyết này, còn cha Thomas Crathorn lại hoàn toàn theo thuyết mới. Môn sinh đầu tiên thuộc phái Thomas chống lại thuyết duy danh là cha Gioan Capreolus, phải chờ đến đầu thế kỷ sau mới xuất hiện.
Các nhà thần bí Ða Minh tại Ðức
Suốt thế kỷ XIV, cũng như trong mọi giai đoạn xáo trộn và thử thách, con người thường tìm về các bậc thầy tâm linh để nuôi dưỡng niềm hy vọng và tìm những lời hướng dẫn. Cũng vậy, việc chia rẽ, tranh chấp và chiến tranh, hậu quả của việc đối đầu giữa các giáo hoàng và hoàng đế, đã khiến nhiều người thiện chí nghĩ đến việc hãm mình và cầu nguyện là phương thế duy nhất để giải quyết những vấn đề nóng bỏng của thời đại. Phong trào thần bí phát triển khắp miền lưu vực sông Rhin. Ở Hà Lan, cha Ruysbroek (Thuộc Dòng Augustin) là thủ lãnh của phong trào ; còn tại Ðức, vai trò đó được các tu sĩ Ða Minh đảm nhiệm.
Ðời sống chiêm niệm của Dòng nhắm đến việc kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, tự bản chất đã mang mầm thần bí. Về phương diện lịch sử, việc giảng thuyết Ða Minh vốn được đan dệt bằng những sợi chỉ vàng, giữa các tu sĩ và những người khát khao sống kết hiệp với Chúa : các linh mục, nữ đan sĩ, giáo hữu và cả các tín hữu nhóm Béguines (những phụ nữ độc thân sống đời tu không lời khấn, sống riêng rẽ hay hợp thành cộng đoàn).
Thánh Ða Minh và cha Jordano thuở trước đã tạo nên những mối giây này để liên kết các anh chị em với nhau. Các cha Henri Cologne, Siger de Lille, Walter Strasbourg thi hành sứ vụ bên cạnh các phụ nữ đạo đức ở Gand, ở Lille và tại Ðức. Thánh nữ Julienne thành Liège các được các tu sĩ Ða Minh hỗ trợ nhiều, khi cổ động việc thiết lập lễ kính Mình Thánh Chúa (Fête de Dieu). Cha Henri de Halle và nhiều anh em khác, rất thân cận với thánh nữ Gertrude và hai thánh nữ Mechtilde, tại nữ đan viện Xi-tô ở Helfta, nơi phát xuất việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa.
Các nhà thần bí Ðức thế kỷ XIV đã thừa kế truyền thống hợp tác giữa các tu sĩ này. Tuy phong trào thần bí Ðức mở rộng đến nhiều người, nhưng các tu sĩ Ðaninh tại đây vốn giữ một vai trò trỗi vượt. Và ta có thể thấy điều đó đã bắt đầu từ thời thánh Albêtô Cả, đến các đồ đệ của ngài.
Tôn sư Eckhart (+1327) một nhà thần học, Gioan Tauler (+1361), một nhà giảng thuyết và Henri Suso (+1366), một thi sĩ. Một hiệp hội đông đảo gồm giáo sĩ và tín hữu, được gọi là nhóm "Thân hữu Thiên Chúa", hoạt động và cầu nguyện cho cuộc canh tân thiêng liêng của Giáo hội, đã quy tụ lại quanh ba vị. Phong trào thần bí này có thể coi như khá lý thuyết, vì cố gắng thăm dò và diễn tả những chiều kích sâu thẳm nhất giúp con người nên thánh và kết hiệp với Thiên Chúa.
Ðiều này đúng cách đặc biệt trong các tài liệu của tôn sư Eckhart, cùng với những bản viết của các cha Suso và Tauler, hợp thành những kiệt tác về thần bí tại Ðức. Cuốn "Sách nhỏ về sự khôn ngoan vĩnh cửu" (Livret de l'Éternelle Sagesse) của cha Suso, là một trong những bản văn được yêu chuộng nhất trong thời Trung Cổ, và nay vẫn còn là sách giáo khoa. Hàng loạt khá nhiều những bản tiểu sử và biên niên, được viết trong bảy nữ đan viện, chứng tỏ đời sống thần bí của các nữ đan sĩ Ða Minh thời này mãnh liệt đến mức nào.
Năm 1329, khoảng một năm sau khi tôn sư Eckhart qua đời, đức Gioan XXII kết án 17 mệnh đề trích từ trong các tác phẩm của ngài là lạc giáo, và xác định 11 mệnh đề khác bị nghi là táo bạo và có màu sắc lạc giáo. Cha Eckhart đã bị tố cáo từ năm 1326, nhưng vì xác tín mình vô tội và thiện chí, cha bị mất nhiều thời gian để minh oan cho tính cách chính thống của mình, nên không lưu tâm đủ đến việc trả lời những vấn nạn nêu lên từ tác phẩm. Lời biện hộ thiếu chuẩn bị này, cộng với thói quen rõ ràng thiếu tính khoa học của thời đại, (tức là phê phán các mệnh đề mà không xét đến mạch văn), đã giải thích tại sao các thần học gia có thể nghi ngờ và lãng quên giáo huấn của một tác giả không có chút mảy may ý đổ theo lạc thuyết.
Cha Eckhart khi bàn về những ý niệm phức tạp, với ngôn ngữ bình dân, lại muốn quảng bá trọn vẹn những trực giác của mình. Ngài đã viết một áng văn xuôi (thể tản văn) với giọng văn mãnh liệt theo tinh thần của ngôn ngữ Ðức, một văn phẩm độc nhất vô nhị của thời đó, góp phần trong cuộc tiến hóa ngôn ngữ Ðức. Nói chính xác hơn, ngôn ngữ Ðức đang trên đà phát triển, không đủ để truyền tải những nội dung sâu xa khi cha Eckhart trình bày về Thiên Chúa và về linh hồn, mà ta biết rằng dù diễn tả bằng bất cứ ngôn ngữ nào cũng thấy khó khăn.
Thường cha Eckhart đặt thêm những từ vựng riêng hay mô phỏng theo gốc La ngữ để viết, hơn nữa thỉnh thoảng ngài lại dùng thể văn đối chọi hoặc ẩn dụ. Ngoài ra, thính giả của ngài còn thêm thắt vào khi giải thích, và chính bản thân ngài cũng có lúc sử dụng từ không đủ chính xác. Vì thế không lạ gì một số văn bản của ngài bị coi là giải thích theo phiếm thần hoặc theo thuyết tĩnh tại (Quiétisme). Một độc giả thận trọng, xử dụng văn bản kèm theo những ghi chú, sẽ thu thập được rất nhiều khi đọc những tác phẩm của ngài.
Các tu sĩ Ða Minh Ðức không phải là những người độc quyền về các tác phẩm thiêng liêng hay thần bí trong thời đại này, vì tại Ý, cũng có khá nhiều tác giả tương tự. Chúng ta đã nói đến các cha Giacôbê Passavanti và Venturin Bergame. Thế nhưng thánh nữ Catharina Sienna, thuộc Dòng Ba, mới là người giữ vị trí số một về thể tài này. Xét theo cái nhìn trần gian, thì thánh nữ đã vượt xa những nhà thần bí Ðức về đời sống thánh thiện và vượt xa những tác giả đồng hương về nội dung các tác phẩm : cuốn "Ðối thoại về Chúa quan phòng", các lời nguyện và thư từ của ngài, tất cả đều xúc tích các nội dung thần học.
Là nữ tử đích thực của cha Ða Minh, thánh Catharina ước mong chu toàn những công trình từ thiện, đặc biệt là việc chăm sóc các bệnh nhân. Ngài trở thành vị lãnh đạo một "gia đình" với số môn sinh ngày càng gia tăng, và không ngừng nỗ lực kiến tạo hòa bình giữa các gia tộc hiếu chiến tại Toscane. Quan tâm sâu xa phục vụ lợi ích và việc canh tân giáo hội, thánh nữ đảm nhận trách vụ hòa giải thành phố Florence với đức Grêgorio XI. Thánh nữ cũng góp phần vào việc các giáo hoàng dứt khoát trở về Roma (bỏ Avignon) và làm tất cả những gì có thể theo khả năng để vượt qua cuộc Ðại Ly Giáo, đã khởi sự được hai năm trước khi thánh nữ qua đời.
Khắc khoải vì những khổ đau của giáo hội, thánh nữ tự dâng mình làm hiến tế cho giáo hội và qua đời tại Roma ngày 29-4-1380, giữa các đồ đệ đang đứng vây quanh ngài. Cuốn "Cuộc đời thánh nữ Catharina" do vị giải tội của ngài là cha Raymundo Capua viết, cùng nhiều tác phẩm ngắn ngủi khác đã ghi nhớ các hoạt động tông đồ và những kinh nghiệm thần bí của thánh nữ. Ðức Piô II, cũng là người Sienna đã suy tôn ngài lên bậc hiển thánh. Ðức Piô XII đã đặt thánh nữ cùng với thánh Phanxicô Assisi làm bổn mạng nước Ý, và đức Phaolô VI tuyên phong ngài lên hàng tiến sĩ hội thánh.
Sự suy thoái về đời sống thiêng liêng và đời tu
Cũng vào thời điểm vừa tròn trăm tuổi, Dòng bị rơi vào một cơn khủng hoảng thoái hóa và suy tàn, dẫn đến cực điểm là việc coi thường kỷ luật thiêng liêng và đời tu. Các nguyên nhân sâu xa của cơn khủng hoảng này bắt nguồn từ những phức tạp của thời đại, một vết thương chung cho Giáo Hội cũng như tất cả các cộng đoàn tu trì khác. Hơn nữa, vào giữa thế kỷ (1342-52), bốn vị bề trên tổng quyền lại có nhiệm kỳ quá ngắn, nên Dòng thiếu hẳn việc tổ chức quản trị vững chắc trong một giai đoạn rất tế nhị này.
Ngay cả lý tưởng Dòng nhắm đến, giờ đây cũng góp phần làm gia tăng cuộc khủng hoảng. Vì kỷ luật nghiêm ngặt, đời sống khó nghèo và việc miệt mài đèn sách để chuẩn bị cho việc giảng thuyết vốn đòi phải có lòng nhiệt thành được đổi mới không ngừng. Ðiều các thế hệ đầu tiên từng thực hiện nhờ lòng quảng đại thì nay các anh em của họ không thể duy trì nổi. Những căng thẳng của nếp sống vừa chiêm niệm vừa hoạt động bỗng trở nên nguy hại khi không được những người nhiệt thành hăng hái, muốn thực hiện đời tu cách đầy đủ đảm nhiệm.
Những dấu hiệu suy tàn bắt đầu xuất hiện vào khoảng năm 1290 ; trở nên rõ nét hơn vào khoảng 1325 và đi đến vực thẳm sau cơn dịch đen 1348-49. Tình hình hỗn độn tràn lan trong giáo hội khoảng ba mươi năm sau đó trong cuộc Ðại Ly Giáo sẽ gây thêm khó khăn hơn cho việc giải quyết vấn đề.
Dòng đã can đảm cố gắng để đối phó. Những thư luân lưu của các bề trên tổng quyền, những chỉ thị và khuyên nhủ của tổng hội đã nhắm thẳng đến những lạm dụng rõ rệt nhất này. Con số những tư liệu trên không ngớt gia tăng sau năm 1325. Ðến giữa thế kỷ chúng đã trở thành một pho sách dầy với nỗ lực vãn Hồi kỷ luật đời tu, việc học hành và sứ vụ.
Ta có thể thấy mức độ phát triển những suy thoái này khi đối chiếu các thư luân lưu của cha Munio Zamora với cha Hervé de Nédellec. Năm 1285, cha Munio yêu cầu anh em quan tâm hơn đến việc thực hành đức thanh bần, giữ thinh lặng hơn và hãy yêu chuộng việc cầu nguyện cũng như học hành tại phòng riêng. Trong một thư khác, ngài nhấn mạnh đến những tác hại của việc lười biếng và nhắc nhở phải siêng năng học hỏi nhiều hơn.
Khoảng 40 năm sau (1323), Cha Hervé de Nédellac, khi bàn về các nhân đức trong đời sống chung là lòng bác ái, tính hòa thuận, đức khiêm nhượng, sống nghèo khó tự nguyện và khiết tịnh, một lần nữa ngài cổ động việc học hành và giảng thuyết và yêu cầu các bề trên sửa phạt những kẻ phá rối sống vô trật tự, lại còn ngạo mạn không chu toàn bổn phận người tu sĩ. Chính ngài muốn đích thân xử lý những kẻ tự tiện cởi bỏ những bó buộc của đời tu, rồi nhờ vả người ngoài giúp đỡ để tìm cách kiếm địa vị vọng. Giọng văn của cha Hervé và các nội dung ngài nhấn mạnh cho thấy rõ sự xuống cấp trầm trọng so với thời cha Munio.
Mức độ suy thoái khá đậm nét khi cha Hervé viết như trên, khoảng 25 năm sau trở thành một cuộc suy tàn thực sự sau cuộc tàn phá của thời dịch đen. Các bản thống kê diễn tả hùng hồn hơn là lời nói. Tại Florence, 80 anh em Ða Minh đã trở thành nạn nhân của dịch hạch, 40 tại Pise, 11 ở Bâle. Ðan viện thánh Giacôbê ở Ripoli đã mất 100 nữ đan sĩ. Tỉnh dòng Provence mất đi 378 phần tử. Sau khi chôn cất toàn bộ các tu sĩ dòng Phanxicô và anh em nhà tại Carcassonne, chính cha Guillaume de Garric cũng thành nạn nhân của bệnh dịch.
Bắt chước dân thành phố bỏ đô thị về nông thôn, nhiều anh em bỏ hoang những tu viện đã có người lây bệnh. Cơn dịch còn tái phát nhiều lần, đặc biệt vào năm 1401, trong số những người ủng hộ Avignon, 1100 tu sĩ Ða Minh đã nằm xuống.
Hậu quả của cơn dịch đen là nhiều tu viện bị bỏ trống và nhiều tỉnh dòng quá thiếu về nhân sự. Ðể tái lập đời sống cộng đoàn, cần phải có những nỗ lực phi thường và các biện pháp khôn ngoan. Tất cả các dòng tu thời bấy giờ đều phạm phải hai lầm lỗi chính sau : Trước tiên là tìm cách chiếm lại tất cả các tu viện và vì thế phải phân tán số nhân sự vốn đã ít ỏi. Thứ đến các dòng chiêu mộ nhiều ứng sinh còn quá trẻ lại thiếu giáo dục và chưa đủ trưởng thành ; vì thế phải chuẩn miễn chung cho họ về kỷ luật đời tu. Những tu sĩ trẻ con này khi lớn lên, do quá quen với nếp sống thoải mái nên không thể thuyết phục họ vào đời sống nghiệm ngặt được nữa.
Những khó khăn trong việc tôn trọng và thực hành sự nghèo khó của Dòng, tức là luật cấm sở hữu hay nhận những khoản bổng lộc cố định, đôi khi cũng là một trong những nguyên nhân gia tăng mức suy tàn. Việc sống khó nghèo tuyệt đối xưa được áp dụng cho một nhóm nhỏ những nhà giảng thuyết đầy xác tín, chín chắn và lão luyện, nay sẽ tạo nên nhiều khó khăn lớn khi nhân sự của Dòng đã lên đến hàng ngàn người.
Vào thế kỷ XIV các tu viện bắt đầu có sở hữu riêng, thêm hoa lợi và những khoản thu nhập định kỳ. Họ bắt đầu nhận những máy xay lúa, những kho lẫm, các cơ sở và cả những quỹ từ thiện nữa. Mới đầu công việc được tiến hành cách trong sáng, khi vào thế kỷ XIII, lòng hảo tâm của thiện nam tín nữ không đủ chu cấp theo nhịp độ phát triển nhân sự của Dòng, cũng như những nhu cầu cho việc đào tạo. Cần phải có những cơ sở rộng lớn hơn, cần mua sách, cần những thu nhập dổi dào hơn nhiều để đào tạo những chàng trai bấy lâu thiếu học hành này nữa. Tại một số nơi anh em biểu lộ sự suy thoái tinh thần qua việc chỉ lo xây dựng những nhà thờ rộng lớn và tốn kém, xây dựng những hành lang hoặc công trình khác, nhờ vả vào sự giúp đỡ của những ân nhân giàu có.
Tại các thành phố, việc nhận thêm nhiều sở hữu này cũng gặp phải khá nhiều khó khăn từ bên ngoài. Các hội đồng thị chính và dân cư tại các thành phố không muốn mất đi những tài sản mà họ có thể có nhờ đánh thuế hay truyền lại làm thừa kế. Ðôi lúc người ta tìm cách chế tài anh em, hoặc phong tỏa các tu viện. Tại Strasbourg và Cologne, người ta còn trục xuất các tu sĩ cho đến khi đạt được một giải pháp ổn thỏa.
Các cuộc xung đột chính trị càng khiến cho việc thực hành khó nghèo trở thành gánh nặng. Khi các tu sĩ trung thành với Ðức Thánh Cha, trên giảng đài ủng hộ việc ngài ra vạ tuyệt thông hoàng đế Louis de Bavière, thì các thành phố trung thành với ông liền cấm các dân cư của họ không được tiếp tế cho các tu sĩ, hoặc trục xuất họ đi nơi khác. Ðó là trường hợp những cộng đoàn ở Constance và ở Strasbourg, nơi các cha Suso và Tauler cư ngụ.
Vì Dòng gặp nhiều khó khăn để kiếm sống, nên các tu sĩ tự xoay xở để tìm những nguồn trợ cấp khác. Anh em nhờ vả gia đình và bè bạn để mua sắm sách vở, quần áo và các nhu yếu phẩm. Dần dần các lạm dụng nảy sinh, khi anh em tìm kiếm các tiện nghi và bảo đảm cho tương lai bằng cách nhận những di sản, quà cáp và các khoản hoa lợi khác. Ta có thể thấy dấu vết sự sa sút qua cách ăn mặc của họ : quần áo được may bằng những thứ vải tốt nhất hoặc may rộng rãi, thường được trang điểm thêm một hàng nút đẹp với tay áo rộng, áo có nếp và đôi khi kéo dài chấm đất.
Các tu sĩ có hoa lợi thì có thể dành những phòng tốt nhất. Họ biến phòng riêng thành các phòng khách sang trọng. Họ xây dựng những cư xá với lối ra vào riêng để người giúp việc, bè bạn và phụ nữ dễ đi lại. Những phòng riêng khác được trang hoàng lộng lẫy và trở thành tụ điểm giải trí mất thời giờ và không có nội dung.
Các tu sĩ có tài thì tranh dành nhau các chức vụ như tổng giảng sư hoặc tôn sư thần học, để được hưởng danh dự và các đặc quyền. Thế là nếp sống tiện nghi, kéo theo việc thờ ơ với kỷ luật và sao lãng việc học, đã lẻn vào các tu viện Ða Minh.
Sau năm 1350, cung nguyện, phòng ăn và các phòng học, trước mọi người năng lui tới, nay hoàn toàn vắng vẻ. Chỉ những tu sĩ nghèo không ai giúp đỡ mới đi ăn chung. Ðến thời kỳ mạt vận nhất, con buôn còn được phép đẩy xe lương thực đến bán cạnh nhà cơm tu viện, vì các tu sĩ được phép mua hàng của họ. Việc giữ chay và hãm mình trở thành những kỷ niệm đạo đức, luật miễn trừ đã thay thế mọi luật lệ. Nếp sống cộng đoàn biến mất nhường cho nếp sống cá nhân. Ðó là tình trạng chung trong nhiều tu viện Ða Minh sau năm 1350, nhưng các phóng túng ấy đã khởi sự từ lâu rồi.
Lời phát biểu của một tu sĩ lười biếng, được cha Gioan Bromyard diễn tả trong một bài giảng, cho ta thấy sự suy thoái về đời sống thiêng liêng trong Dòng đã chặn đứng các sứ vụ đến mức nào : "Ðiều tôi muốn, là được sống yên ổn trong tu viện, để đọc và hát thần vụ. Tôi chẳng ham xông pha vào đời vì điều đó làm tôi quá mệt mỏi: nào là phải ngồi tòa và mọi thứ trách vụ trong công tác, nào là sự tủi hỗ vì phải hành khất tìm của nuôi thân."
Cha Gioan Dominici, viết trong giai đoạn tệ hại nhất và có lẽ cũng phóng đại một chút để dễ đánh động lòng người, cha đã lật tung bức màn che dấu những lạm dụng và đưa ra phương dược chữa trị : "Chớ gì người ta đừng xây những cơ sở vô ích nữa, hãy tái lập nếp sống chung, hãy chặn đứng những cảnh sa hoa phù phiếm, đừng bao giờ dùng tiền bạc để xin xỏ ân huệ, lợi lộc tại giáo triều, rồi sau đó, theo gương thánh Ða Minh, hãy phái anh em đi từng hai người một để truyền giảng vả khất thực".
Những nỗ lực cải tổ đầu tiên
Ngay sau năm 1300, các tu sĩ tại Toscane đã có những thử nghiệm đầu tiên để tái lập lại kỷ luật. Anh em được gọi là nhóm "tinh thần" (Spirituales) vì giống với nhóm tương tự thuộc Dòng Phanxicô, mong muốn tuân giữ nghiêm ngặt Kỷ Luật và di chúc của thánh phụ. Anh em trở thành đối tượng tranh luận trong tổng hội 1312 và tại các tỉnh hội tỉnh dòng Roma. Dầu họ không đề cao đức thanh bần thái quá, nhưng vì họ chọn những lập trường không thể chấp nhận được nên phong trào của họ đã lụi tàn.
Cuộc cải tổ chính thức được phát động năm 1369 do cha Stêphanô Lacombe, giám tỉnh Roma và là đại diện bề trên tổng quyền tại Ý. Nhưng vì cha lại chọn ủng hộ giáo triều Avignon, nên những nỗ lực của cha trở thành vô hiệu.
Phong trào cải tổ đích thực đã đem lại hoa trái, phát sinh nhờ ảnh hưởng của thánh nữ Catharina và các môn sinh của thánh nữ. Cơ hội của cuộc cải tổ đã đến vào năm 1380, khi cha Raymundo Capua đắc cử bề trên tổng quyền của những người ủng hộ giáo triều Roma. Trong các dịp kinh lý, cha Raymundo thấy khắp nơi, các tu sĩ đều thành tâm tha thiết muốn phục vụ Lời Thiên Chúa và ước ao sống kỷ luật tu trì theo như Hiến Pháp đã dự trù. Bên Ðức, cha Conrad de Prusse trở thành người lãnh đạo của những người muốn cải cách dù không được ủy nhiệm. Năm 1358, khi cha Raymundo kinh lý tỉnh dòng này, ngài yêu cầu cha Conrad, khởi sự việc cải tổ từ tu viện Colmar.
Sau đó ngài phổ biến công cuộc cải tổ tại mọi nơi như đã làm tại Ðức. Ðược tổng hội 1388 chấp thuận, cha Raymundo gửi thư luân lưu kêu gọi tất cả các tỉnh dòng thiết lập một tu viện nghiêm ngặt về kỷ luật và sống khó nghèo khất thực. Chủ tâm của ngài là khi đã có nhân sự được đào tạo trong những tu viện này, ngài sẽ cử họ đến các tu viện khác, để từng bước một, hoàn thành việc cải tổ toàn Dòng.
Khoảng tháng sáu năm sau, cha Raymundo đặt cha Conrad làm đại diện bề trên tổng quyền tại tu viện Colmar và phụ trách hai nữ đan viện. Khi đó cha Conrad phụ trách khoảng 30 anh em và công cuộc cải tổ tiến hành tốt đẹp. Năm 1475, công cuộc cải tổ trong tỉnh dòng Ðức bước qua giai đoạn mới, vì số anh em chấp nhận cải tổ đã đạt tới con số khá đông để điều hành tỉnh hội và bầu giám tỉnh. Như thế, đây là tỉnh dòng đầu tiên có thể tự cải tổ. Nhóm tu viện không cải tổ, từ nay sẽ có một đại diện bề trên tổng quyền riêng cho mình. Cha Gioan Dominici khởi sự cuộc cải tổ tại Ý. Ngài vãn Hồi kỷ luật tại các tu viện Venise, Chioggia và Città di Castello. Ngài sáng lập nữ đan viện Mình Thánh Chúa Kitô (Corpus Christi), và gửi các nữ tu Clara Gambacorta và Maria Mancini đến nữ đan viện ở Pise.
Các tu viện cải tổ và các vị đại diện của họ vẫn trực thuộc quyền kiểm soát của tỉnh dòng, nhưng về một số vấn đề, cha Raymundo cho họ được miễn trừ khỏi quyền hành của giám tỉnh và được quyền tự định đoạt. Dần dần một số tu viện cải tổ liên kết lại để lập những ngành (Congregatio) mới, điều này nằm ngoài dự tính của cha Raymundo, nhưng đã trở thành cần thiết vì những anh em không cải tổ đã khước từ, thậm chí còn chống đối việc cải tổ. Bất chấp những phản đối này, công cuộc cải tổ ngày càng vững chắc hơn. Năm mươi năm sau khi thánh Raymundo qua đời, số tu viện cải tổ ước lượng đã lên đến 200, trong các tỉnh dòng Roma, Lombardie, Tây ban Nha, Aragon, Ðức và tỉnh dòng Saxe.
Phương án cải tổ của cha Raymundo đã hữu hiệu hơn các kế hoạch trước đây. Vì cho đến nay, nói đến việc vãn Hồi kỷ luật, người ta liền nghĩ đến hãm mình đền tội, hoặc gia tăng thên luật lệ phải giữ khi thấy tình hình suy thoái gia tăng. Thế nhưng các tu sĩ chẳng quan tâm đến việc gia tăng các lệnh cấm, những lời đe dọa và các hình phạt chất đầy trong các công vụ tổng hội. Nếu họ thực sự quan tâm, ắt hẳn những nội dung ấy đã chẳng phải lặp đi lặp lại mỗi năm mỗi nhiều hơn như thế.
Vào đầu thế kỷ, cha Hugues Vaucemain và vào giữa thế kỷ, cha Gioan Moulins, ít nhiều cũng tiếp nối tuyến đường cải cách của cha Raymundo. Cha Hugues quyết định tụ họp các tập sinh tại các nhà dành riêng để đào tạo kỹ hơn. Cha Gioan lại tìm cách biến Paris thành trung tâm đào tạo trí thức và nơi thi hành khít khao kỷ luật đời tu. Các anh em tại đây được chuẩn bị sẵn để trở về tu viện mình, sẽ trở thành men trong bột. Tuy nhiên cả hai dự án trên đều không thành công. Dù các dự án đó có vẻ tuyệt diệu, chúng đã trao cho thế hệ trẻ một trọng trách quá nặng nề và không thể ngăn chặn được những đối kháng mà các thành viên muốn cải tổ sẽ phải gánh chịu sau này.
Phàn nào ý tưởng của thánh Raymundo, cũng mang tính ảo tưởng. Dựa vào sự cộng tác của tất cả mọi người, nó đã không được tiến hành cách êm thắm và đúng đắn như đã dự liệu. Thế nhưng với một trực giác chính xác và với xác tín rằng : không thể chỉ dựa vào luật lệ để tiến hành việc cải tổ được. Cần phải dựa vào những con người hoàn toàn tự nguyện sống hòa hợp theo kỷ luật và hiến pháp. Cha Raymundo tìm cách tái khẳng định tầm quan trọng của đời tu trì và khôi phục lại nền tảng chiêm niệm của tác vụ giảng thuyết.
Lượng giá
Tóm lại, Dòng đã trải qua thế kỷ XIV cách rất con người, với những thành tựu đích thực cũng như những yếu đuối tệ hại. Chính nhiệt tâm và đời sống thánh thiện mới có thể ngăn cản những suy thoái, canh tân đời tu Ða Minh và bù đắp lại những tiêu cực. Lời cầu nguyện của những nhà thần bí, các tác phẩm của những nhà thần học, các bài giảng của những nhà thuyết giáo và việc khởi công cải tổ đã ghi lại những nét chấm phá diễn tả sứ mạng và lý tưởng cao cả của Dòng.
Chính nhờ các nhà thần bí tại Ðức, nhờ sự thánh đức của các chị em như thánh Catharina Sienna, Clara Gambacorta, Maria Mancini và các nữ đan sĩ tại Ðức, cộng với sự thánh hạnh của những anh em như Henri Suso, Raymundo Capua và Gioan Dominici, Dòng đã chứng tỏ sức sống và nguồn sinh lực thiêng liêng dổi dào mà mọi người vẫn có thể kín múc được, ngay cả trong những giai đoạn hỗn độn và suy đồi.