TRƯỚC NĂM 1500 Lượng giá hoạt động anh em Ða Minh
| |
Sứ vụ truyền giáo Ða Minh đã phát sinh cách tự nhiên từ bản chất của Dòng và được sống động nhờ tinh thần của Ðấng sáng lập. Chính thánh Ða Minh dầu chưa thể thực hiện được trọn vẹn ước muốn nồng cháy của mình loan báo Tin Mừng cho những người chưa tin. Nhưng chính khao khát của ngài, muốn ra đi cảm hóa những người Cumans ở Ðông phương, người Mauro tại Tây Ban Nha và lương dân miền Bắc Âu, đã là ngọn lửa nồng cháy được trao lại cho con cái mình. Các thừa sai Ða Minh được qui tụ từ tất cả mọi tỉnh dòng. Theo nguyên tắc chung, chỉ những ai tình nguyện mới được sai đi. Hơn nữa, họ còn phải là những người có phẩm chất và được huấn luyện cách đặc biệt. Các tài liệu biên niên thường ghi nhận về các thừa sai này : đã "thông thạo về văn chương" hoặc đã được đào luyện kỹ lưỡng về thần học. Như trường hợp cha Phanxicô de Pérouse, đã là phụ khảo thần học trước khi đi truyền giáo tại Ðông phương. Hơn nữa, qua tác phẩm "Những mẩu đời các tu sĩ" (Vitae Fratrum) do cha Gérard de Frachet viết, nhằm mục đích trước tiên để khích lệ anh em tiến bộ trong đời sống thiêng liêng và giúp nhận ra "Chúa quan phòng nhân ái đã săn sóc và lo liệu cho Dòng như thế nào", cuốn sách chứa đựng nhiều mẫu gương tiêu biểu cho tinh thần của thế hệ Ða Minh tiên khởi. Cuốn sách ghi lại nhiều sự kiện lý thú nói lên nhiệt tâm của anh em tiên khởi. Người ta ghi nhận rằng, khi cha Jordano de Saxe hỏi những người dự tổng hội, có lẽ là tổng hội Paris 1230, xem ai tình nguyện đi truyền giáo tại Thánh Ðịa,thì hầu như không ai không đẫm nước mắt van nài cha "xin được phái đến miền đất đã được Máu Chúa Kitô thánh hiến". Bận tâm với việc mở mang sứ vụ truyền giáo, cha Jordano đã lên đường đến tận nơi để tìm hiểu về tỉnh dòng Thánh Ðịa. Ngài qua đời trên đường về, khi chiếc tàu của ngài bị đắm ngoài khơi bờ biển Palestine . Các thư luân lưu của cha Humberto Roman viết năm 1255 và 1256, chứng tỏ rằng nhiệt tâm truyền giáo của vị tổng quyền các nhà thuyết giáo đã trùng hợp với nhiệt tâm của anh em. Lời ngài mời gọi tình nguyện, đã nhận được sự hưởng ứng đông đảo, đến nỗi không thể nhận lời tất cả được. Ngài phải viết lá thư thứ hai năm 1256 để xin anh em kiên nhẫn chờ, do chưa sắp xếp được công tác thích hợp. Dĩ nhiên, nhiệt tình hăng hái như thế không tồn tại mãi được. Cha Humberto đã rất tế nhị khi nhận định rằng dù sao, vẫn có hai trở ngại lớn cho người tình nguyện đi truyền giáo, đó là: "lòng quyến luyến với quê cha đất tổ và sự yếu kém về ngôn ngữ". Ðể cổ võ cho việc truyền giáo, Dòng soạn riêng một quy chế thuận lợi cho hai tỉnh dòng Hy lạp và Thánh Ðịa cũng như Hiệp Hội Anh Em Du Thuyết được thành lập năm 1300, nhằm hoạt động tông đồ tại Ðông Âu và tại Á Châu. Các đơn vị này được miễn đóng góp cho nhu cầu chung của Dòng và được quyền chiêu mộ thừa sai từ bất cứ tỉnh dòng nào. Ngoài ra, không được áp đặt cho anh em ở đây bất cứ trách vụ nào khác. Tuy nhiên, các vị ấy vẫn phải tôn trọng tỉnh dòng gốc mà anh em đã gia nhập. Trong cuốn sách bàn về các chức vụ của Dòng, cha Humberto nhắc các bề trên tổng quyền trách nhiệm cổ võ việc truyền giáo. Ðếm khi làm bề trên tổng quyền, cha Humberto đã để lại một mẫu gương về điều ngài đã yêu cầu trong sách. Không những ngài tìm anh em tình nguyện, mà ngài còn thông tin cho cả Dòng biết về những công việc tốt đẹp anh em thực hiện. Thư luân lưu 1256 là một bản tường trình thắm thiết tình về công trình anh em thực hiện tại Trung Ðông. Bề trên tổng quyền Raymundo Penafort cũng thế, đã biểu lộ nhiệt tình của mình với hoạt động truyền giáo, cả trước và sau nhiệm kỳ của ngài. Khi còn là cha giải tội tại giáo triều, cha đã trả lời tường tận hàng hoạt các thắc mắc do anh em thừa sai Ða Minh hỏi. Rồi sau khi đã mãn nhiệm trở về Tây Ban Nha, cha Raymundo đã giới thiệu về nếp sống và công tác hàng ngày của các thừa sai, những hoạt động chưa từng ai trình bày, khi cha Gioan Teutonique hỏi ngài về việc truyền giáo ở Tây Ban Nha và Phi Châu. Các tu sĩ Ða Minh đã hoạt động ngay giữa những binh lính đánh thuê cho người Ả Rập, giao hòa những người bỏ đạo và đào tạo cho các kitô hữu nô lệ. Những người này là con cháu các kitô hữu trước khi người Ả Rập đến chiếm đóng Bắc Phi, nhưng nay chỉ còn biết nói ngôn ngữ của kẻ xâm lược thôi. Anh em cũng củng cố đức tin cho những người đang định bỏ đạo vì quá nghèo khổ hoặc vì những lời dụ dỗ của người Mauro. Anh em giúp họ nên vững mạnh trong đức tin Kitô, và đôi khi phải chuộc tiền để họ được tự do. Ngoài ra cũng có một số người Hồi Giáo, thường thuộc tầng lớp quí tộc, nhất là ở Murcie, xin trở lại Kitô giáo. Cuối cùng, anh em còn phải trả lời cho những người Hồi Giáo và những người đã bỏ đạo, họ buộc tội các kitô hữu là thờ ngẫu tượng khi tôn kính tượng ảnh. Cha Raymundo tin chắc rằng vùng đất này đã sẵn sàng cho mùa hoán cải, nếu gửi tới cho họ nhiều thừa sai. Tại Tây ban Nha, thánh Raymundo Penafort là người đầu tiên cổ võ việc truyền giáo. Nhờ sự khuyến khích của cha, tỉnh dòng cha đã mở một trường nghiên cứu tiếng Ả rập tại Tunis năm 1250. Sau đó nhiều trung tâm khác nhằm nghiên cứu ngôn ngữ Ðông Phương đã được mở tại Barcelona , Valencia , Jativa và Murcie. Khoảng giữa thế kỷ sau, các tổng hội đã khuyến khích việc nghiên cứu các ngôn ngữ này, theo tinh thần công đồng chung ở Vienne năm 1312. Tổng hội 1333 yêu cầu vị tổng đại diện các anh em Du Thuyết bổ nhiệm những giáo sư ngôn ngữ tại Kaffa và Pera, gần thành Constantinople, để sẵn sàng cung cấp những tân thừa sai đáp lại lời mời gọi của đức Gioan XXII, khi ngài yêu cầu chuẩn bị 50 người tự nguyện. Tại các trường này, cha Raymundo không chỉ quan tâm đến việc học ngôn ngữ. Như ta thấy chính ngài đã yêu cầu thánh Thomas Aquino viết một khảo luận về giáo lý đức tin, nhằm giúp các thừa sai hoạt động giữa lương dân. Chính vì thế thánh Thomas đã viết cuốn "Trả Lời Lương Dân" (Summa contra gentiles), dĩ nhiên ngài còn có nhiều động lực khác nữa. Có lẽ đa số các thừa sai học ngôn ngữ địa phương ngay tại địa bàn làm việc. Năm 1236, trong thư gửi đức Gregorio IX, cha Philippe, bề trên tỉnh dòng Thánh Ðịa, đã ghi nhận với một chút tự hào rằng anh em trong tỉnh dòng đã học hỏi kỹ các ngôn ngữ Ðông Phương. Ba năm sau, khi đức thánh cha phái hai tu sĩ Ða Minh và hai tu sĩ Phan Sinh làm sứ giả đến gặp hoàng đế Byzantin tại Nicea, thì anh em Ða Minh tại Constantinople đã có thể yểm trợ một thông dịch viên nói lưu loát tiếng Hylạp và đã từng nghiên cứu các Giáo Phụ Hy lạp. Với sự tự hào dễ hiểu, cha Franco Pérousse vị đại diện tiên khởi của các anh em Du Thuyết, đã thuật lại kỳ tích về ngôn ngữ của mình: "Sau khi học ngôn ngữ địa phương một năm, tôi đã có thể dùng để giảng thuyết. Nhờ ơn Chúa, tôi giảng trực tiếp cho quần chúng, giải tội và có thể phiên dịch các văn bản Latinh" Cha Louis de Tabrioz được đặt làm cha sở giáo xứ thánh Antôn tại Pera năm 1403, vì ngài có thể giảng lưu loát bằng tiếng Hylạp, Latinh, Ba Tư, tiếng Mông cổ và Arménie cho cư dân, thương gia, cho các khách hành hương hoặc du lịch có dịp đi ngang qua Constantinople. Dòng đã có một nỗ lực rất đặc biệt trong việc cung cấp sách vở cho các thừa sai. Cha Humberto Roman nhắc nhở các bề trên tổng quyền trách nhiệm cung cấp "các khảo luận trình bày những sai lạc của các dân tộc thế nào, để giúp anh em đọc khi hoạt động". Cũng như những nhà giảng thuyết đã viết sách giúp những người đi giảng, các thừa sai cũng viết sách cho những người sắp lên đường truyền giáo. Có hai loại tác phẩm : Trước hết là các sách minh giáo, chuẩn bị cho anh em trong việc tranh biện với người lạc giáo, Do thái, Mauro và lương dân. Còn lại là những tác phẩm, hầu hết được viết ngay tại Ðông Phương, kể lại những kinh nghiệm truyền giáo hoặc thuật lại phong tục tập quán và niềm tin người Hồi Giáo. Chúng ta có thể đan cử một vài trường hợp điển hình. Cha Raymundo Martin, thường được coi là vị tiên phong của khoa Ðông-Phương-học, đã viết cuốn "Hàm Thiếc cho người Do thái" (Capistrum Judaeorum) để tranh luận với những người Do Thái, sau đó là cuốn "Thanh Gươm Ðức Tin" (Pugio Fidei), nhắm đến người Do thái lẫn Hồi Giáo. Ngoài ra, cha cò? là tác giả một bộ tự điển tiếng Ả Rập . Cha Ricoldo Montecroce, truyền giáo tại Mésopotamie và Syrie, đã đóng góp cho tư duy Tây Phương hàng loạt kiến thức về nhân học và về tôn giáo của người Mông Cổ, người Kurdistan, người Saba, của anh em Jacobistes, Nestorio và người Hồi Giáo. Cha cũng viết một quyển "Luận phi sách kinh Coran". Năm lá thư cha viết sau khi thành phố Saint Jean-d'Acre thất thủ, quả là một chứng từ quý giá và hùng tráng về lý tưởng truyền giáo của anh em Ða Minh. Tinh thần bao dung hòa giải của cha Guillaume Tripoli, được biểu lộ trong tác phẩm ngài viết về Hồi Giáo, giải thích nhờ đâu cha đã có thể rửa tội được trên một ngàn người Hồi Giáo. Ngoài ra, cuốn sách cha Burchard du Mont-Sion, mô tả về Thánh Ðịa, chứa đựng một kho tàng những thông tin quý giá, trở thành thủ bản cho khoa địa lý về Palestine và vùng Cận Ðông suốt ba thế kỷ sau. Cuối thế kỷ XV, cuốn "Những Cuộc Hành Trình" của Félix Fabri, người đã hai lần hành hương Thánh Ðịa, mô tả về miền đất này, cuốn sách được chính những người địa phương sử dụng nhiều hơn cả những thừa sai. Các tác phẩm "Viết về Binh Thánh Giá" của Guillaume Adam và Raymundo Étienne, không còn là những sách về truyền giáo nữa, mà chỉ nhắm cổ võ vì "động lực Thập Giá". Các tu sĩ đã chọn lựa ưu tiên một số khu vực truyền giáo. Các tu sĩ Pháp và Ý thì thích vùng Cận Ðông và Á Châu hơn. Thế kỷ XIII, tại Palestine , các tu sĩ Pháp chiếm đa số ; sang thế kỷ XIV, nhiều anh em người Ý có mặt tại Ba Tư và Mésopotamie. Họa hiếm mới thấy xuất hiện bên Ðông Phương một tu sĩ Ða Minh người Anh, Ðức hoặc Tây Ban Nha. Thế nhưng, sau năm 1300, nhiều người gia nhập "Các anh em Du Thuyết" vì thú du lịch và mạo hiểm hơn là vì nhiệt tâm. Các tỉnh dòng biên cương như Marches, Scandinavie, Ðức, Ba Lan, Hungari, Hi Lạp và Palestine đã xác định lãnh thổ tỉnh dòng mình như là ưu tiên cho việc truyền giáo. Tuy nhiên nhiều thành viên của họ và các tu sĩ thiện chí của các tỉnh khác, vẫn muốn coi đó như bàn đạp để xông pha đến những lãnh thổ xa xôi hơn. Những nỗ lực truyền giáo của các tỉnh dòng Tây Ban Nha, Scandinavie và Hungari bắt nguồn từ nhiệt tâm truyền giáo của thánh phụ Ða Minh. Chính cha thánh đã cử những anh em đầu tiên đến Tây Ban Nha và Scandinavie. Khi ngài qua đời, một số anh em được tổng hội thứ hai chỉ định, đang trên đường đến Balan và Hungari. Năm 1225, một số nhóm anh em, theo chỉ thị của tổng hội 1221, đã thẳng bước đến Hy lạp và Thánh Ðịa để thiết lập tỉnh dòng tại đây. Các tu sĩ Tây Ban Nha hoạt động ngay tại quê hương mình, giữa những người Do thái và Hồi Giáo tại miền nam và cả ngoài ranh giới của các nước Kitô giáo, đến miền bắc Phi Châu. Họ có mặt tại Marốc năm 1225 và tại Tunisie trước năm 1230. Ðức Alexandro IV đã cổ võ thêm việc truyền giáo cho Tunisie khi kêu mời các tu sĩ tình nguyện vào các năm 1254 và 1258, thuộc dòng Ða Minh và Phan Sinh. Vua thánh Louis trên giường hấp hối, lại chọn André de Longjumeau đã từng truyền giảng tại Tunis, như nhân vật số một để điều hành công cuộc truyền giáo tại Tunisie. Cuộc Binh Thánh Giá do vua chủ xướng dã khiến công tác truyền giáo bị tạm ngưng một giai đoạn, nhưng sau đó, những hiệp ước thương mại giữa các thành phố Ý và Tunisie, đã khiến cho việc Phúc Âm hóa gặp nhiều thuận lợi hơn, dĩ nhiên vẫn còn nhiều hạn chế. Dường như do ý kiến của cha Raymundo Penafort, nên vào năm 1242, vua Giacôbê I miền Aragon, đã ra lệnh cho các thần dân, Do thái và Hồi Giáo, đều phải tham dự các buỗi giảng thuyết của các giám mục và các tu sĩ. Một quyết định tương tự được thực hiện theo yêu cầu của một người Do thái trở lại rồi gia nhập Dòng là Paul Christiani. Tại miền nam nước Ý, Dòng đã vận động để được giảng cho người Sarrasins trong đội quân của vua Fréderic II, năm 1233. Tại Scandinavie, các tu sĩ Ða Minh không những đã hoàn tất công cuộc Kitô hóa khu vực này, mà còn tiến sâu về phía Ðông để loan báo Tin Mừng cho lương dân sống quanh vùng biển Baltique. Họ đến vùng đất Phần Lan năm 1239, theo chân những cuộc xâm chiếm của Thụy Ðiển và 10 năm sau, anh em đã xây dựng được một tu viện ở Abo. Ðây là cộng đoàn tu trì duy nhất tại Phần Lan suốt một thế kỷ rưỡi. Ðức thánh cha chỉ định anh em đi rao giảng ở vùng Trung Âu : trao cho anh em trách nhiệm chiêu mộ những người thiện chí và cổ võ tài trợ cho cuộc Thập tự chinh của các hiệp sĩ Teutonique tại Phần Lan. Một văn bản được ký kết với người Phần Lan nhắm đưa họ vào Giáo hội. Thế nhưng, nhiệm vụ phức tạp ấy đòi hỏi sự hợp tác giữa anh em với các giám mục và linh mục triều. Ba trong số bốn địa phận tại Phần Lan được sáng lập trong thời gian này đã được ủy thác cho anh em Ða Minh. Ảnh hưởng của Dòng tại đây mạnh đến nỗi các giáo phận Phần Lan đã du nhập phụng vụ Dòng Ða Minh. Phần các tu sĩ Balan, họ hoạt động trong lòng những người Chính Thống Nga tại Kiev . Tại đây, thánh Gia Thịnh, vị đưa Dòng về Balan, đã lập một tu viện năm 1222. Tiếc rằng chúng ta không biết gì về lịch sử thành lập các tu viện tại Nga vào những năm 1250, khi thánh Gia Thịnh lập một cơ sở tại Gdansk (Dantzig), ngài đã chọn một vị trí chiến lược để giảng truyền Tin Mừng cho người Phổ, người Lituanie và người Lettonie. Các tỉnh dòng Balan và Ðức giữ vai trò then chốt trong việc tổ chức Giáo Hội Lituanie, sau cuộc trở lại của vua Mindowe. Nhưng vì ông vua này sớm thất lộc năm 1235, và có lẽ trước đó đã bỏ đạo, nên nỗ lực truyền giáo này bị đình trệ đến gần một thế kỷ. Anh em Hungarie, sau một số thất bại giai đoạn đầu, đã nhanh chóng thành công trong việc đưa những người Cumans trở lại. Tại đây, Theodore, tu sĩ Ða Minh đầu tiên lãnh chức giám mục năm 1227. Ðến năm 1241, những người Tartares tràn vào xâm chiếm đất đai của người Cumans và của người Hungarie, đã tàn sát 90 tu sĩ Ða Minh và thiêu hủy hai tu viện. Những người Cumans phải tản mác khắp nơi và trở lại khi cuộc xâm lăng đã ổn định. Thế là hoạt động truyền giáo cũng được tái lập. Năm 1256, cha Humberto Romans nói đến "khá đông những người Cumans" trở lại, nhưng rồi đây họ cũng gặp thất bại : năm 1339, tức là gần một thế kỷ sau, đa số những người Cumans vẫn chưa theo đạo. Giám tỉnh Hungarie là cha Gioan Teutonique, cũng đã góp phần vào nỗ lực liên kết dân Bulgarie với Tòa Thánh, dù không thành công. Tài năng và tinh thần của cha được biểu hiện qua khả năng nói năm thứ tiếng, và qua các trách vụ đa dạng cha đảm nhận. Ngài từng được chọn làm giám mục Bosnie nhưng từ nhiệm, sau đó làm giám tỉnh Lombardie và bề trên tổng quyền toàn Dòng. Trong lịch sử tỉnh dòng Hungarie, hoạt động ly kỳ và quả cảm, nhất là công trình tìm kiếm những đồng bào còn sót lại tại một miền hoang dã, gần lưu vực sông Volga, thường được gọi là "Hungarie Lớn". Các tu sĩ đọc trong những bộ niên sử về chuyện một phần bộ lạc đã di tản, còn phần kia vẫn ở lại vùng đất cũ, "vẫn lún sâu trong những lầm lạc thờ ngẫu thần". Họ biết rằng vùng Hungarie-Lớn ở phía đông, nhưng không biết chính xác ở vị trí nào. Từ năm 1232-1237, bốn nhóm tu sĩ đã lên đường để tìm đến Hungarie-Lớn. Nhưng sau muôn vàn gian truân vất vả, một tu sĩ duy nhất là Julien đến được mục đích. Dân chúng ở đây đón tiếp cha rất nồng hậu, thế nhưng khi cha trở lại đó lần thứ hai năm 1237, thì người Tartares đã xâm chiếm tất cả rồi, và vấn đề truyền giáo không thể tiến hành được nữa. Những bản tường thuật của cha Julien kể về công cuộc tìm kiếm này, có âm điệu của những bản anh hùng ca, vì sự quả cảm của các nhân vật trong đó. Hơn nữa, chúng là những tư liệu vô giá về nước Nga và người Tartares, với những thông tin chưa từng có ai nói tới. Dòng cũng hiện diện khá sinh động tại Albanie và đã xây dựng tại đây vài ba tu viện. Còn đối với các miền nam nước Nga, mọi nỗ lực suốt thế kỷ XIII để hoạt động tại đây, hiện vẫn còn bị màn bí mật che khuất. Một tu viện đã được thiết lập tại Tiflis miền Georgia trước năm 1238. Việc dấn thân vào miền Trung Ðông nổi tiếng nhờ hoạt động giảng thuyết và các buỗi tranh luận của cha Ricoldo Montecroce giữa các cộng đoàn kitô giáo Jacobites, Cảnh giáo (Nestoriens), Do thái và người Ả rập tại Mascơva và Bagdad, khi ngài lưu lại vùng Mésopotamie 12 năm. Năm 1289, tại Bagdad, cha cũng gặp một số tu sĩ Ða Minh khác, dù Dòng chưa lập tu viện nào tại đây. Năm 1228, Dòng thành lập hai tỉnh dòng Hi Lạp và Ðất Thánh. Ðây là hai trong số các tỉnh dòng nhỏ nhất, vỏn vẹn tối đa cũng chỉ có sáu hoặc bảy tu viện và ngay khi mới xuất hiện, các nỗ lực truyền giáo của họ đã bị dập tắt dần trước cuộc xâm lăng của đối phương. Các anh em Ða Minh thuộc tỉnh dòng Hi Lạp đã hoạt động cạnh các kitô hữu Tây Phương, thuộc đế quốc Latinh tại Constantinople ; giữa những thuộc địa của Venise và những cộng đoàn chính thống tại Hi Lạp hoặc trên các đảo phụ cận. Tu viện chính ở Constantinople bị chiếm đoạt khi đế quốc Byzantin tái chiếm miền này năm 1261, còn các cộng đoàn khác, chỉ trừ cộng đoàn Candie, đều bị mất dần theo bước tiến quân của dân Thổ Nhĩ Kỳ, và kết thúc bằng việc họ xâm chiếm Constantinople năm 1453. Tỉnh dòng vẫn tiếp tục tồn tại ở Crète cho đến khi đảo này thất trận trước quân Thổ Nhĩ Kỳ năm 1669. Các tu sĩ Ða Minh Ðất Thánh, vẫn rao giảng cho các tín hữu Tây phương và những anh em ly khai với Roma, cho người Dothái và Hồi giáo sống trong ranh giới tỉnh dòng và tiến thêm một chút về hướng Ðông. Sau khi thành phố Saint Jean d'Acre bị thất thủ năm 1291, tỉnh dòng vẫn còn ba tu viện tại Chypre cho đến khi Thổ quân chiếm vùng này năm 1571. Các anh em tỉnh dòng này đã đưa được nhiều vị có chức sắc thuộc các giáo hội ly khai về hiệp nhất với Roma trong nhiệm kỳ cha tổng quyền Jordano de Saxe và giúp cho khá nhiều người Sarrasin trở lại. Chắc chắn đóng góp lâu bền của anh em cho việc hiệp nhất giữa Giáo Hội Latinh và Hi lạp, được thể hiện qua những tác phẩm. Nhiều tu sĩ Ða Minh trực tiếp tiếp xúc với những người Ðông phương, hoặc am tường nhờ các nguồn thông tin khác, đã giúp chúng ta biết nhờ các tác phẩm ấy, về những điểm dị biệt của các Giáo hội Ðông Phương thời trung cổ. Theo lời đề nghị của đức Urbano IV, thánh Thomas Aquino đã tạm ngưng việc viết cuốn "Summa Contra Gentiles" để trước tác cuốn "Contra errores Graecorum" (Về những sai lầm của phía Hilạp), trong đó ngài bàn kỹ lưỡng về việc nhiệm xuất của Chúa Thánh Thần, dựa vào các văn bản của chính các Giáo Phụ Hi lạp. Hai tu sĩ Nicolas de Vincence và Guillaume de Tripoli, hoạt động khá thành công tại Palestine nhưng lại đánh mất một vinh dự lớn trong lịch sử, khi đức Gregorio X trao cho họ những lá thư gửi Thành Cát Tư Hãn ở Trung Á và cử hai vị đồng hành với các anh em nhà Polo. Một người cháu của họ, Marco Polo, sau khi lưu lại Trung Quốc lâu năm, đã chẳng lưu lại danh tiếng chưa hề phai mờ đó sao ? Tiếc rằng, hai tu sĩ này đã nhanh chóng quay về, ngay khi mới khởi hành, vì khiếp sợ trước cuộc hành quân của các Sultans Bibars ở Ai Cập.
Những cuộc tiếp xúc giữa các tu sĩ Ða Minh và dân Tartares ở Châu Á được củng cố do ý muốn và chương trình của đức Innocentê IV. Tin rằng có thể cầm chân được người Hồi giáo và thậm chí có thể đưa họ gia nhập Kitô giáo, ngài đã thảo kế hoạch liên minh với người Tartares ở Á Châu, và chuẩn bị cả việc đưa họ trở lại đạo. Năm 1245, ngài gửi đến vùng Trung và Nam Châu Á bốn đoàn sứ giả, hai thuộc dòng Ða Minh và hai thuộc dòng Phanxicô . Các tu sĩ Phan Sinh, dưới sự hướng dẫn của cha Gioan Plano Carpini, đã gặp Thành Cát Tư Hãn tại Karakorum : ta đã biết những câu chuyện sống động do cha Gioan thuật lại về hoạt động của mình. Các anh em Ða Minh có lẽ đã tiếp xúc với các thủ lãnh Tartares tại Mésopotamie. Simon de Saint-Quentin đã kể lại cuộc hành trình của một trong hai nhóm, được chép lại trong cuốn "Toàn Cảnh" của Vincent de Beauvais, nhưng không thể so sánh được với bản tường thuật của anh em Phan Sinh. Cha Anrê Longjumeau, người chỉ huy một trong hai nhóm vừa trở về, liền được vua Louis IX phái một lần nữa đến với dân Tartares. Cha đã đến triều đình Karakorum , thế nhưng kế hoạch to lớn của đức Innocentê IV không thành đạt. Vì kế hoạch của ngài tuy nhân danh nhiệt tâm truyền giáo, nhưng lại hàm chứa tham vọng chính trị trên vùng Châu Á, với quyền thống trị như tại Châu Âu. Cứ giả định rằng người Tartares cũng nhắm những mục tiêu như đức thánh cha, thì những khó khăn cụ thể khi thi hành kế hoạch, quả không thể vượt qua. Bản "Tường Thuật" của Saint Quentin cho thấy, một trong số các sứ giả đã thiếu sự tinh tế tối thiểu trong ngành ngoại giao, khi ông nói với vị thủ lãnh của dân Tartares, như thể ông ta là thần dân của giáo hoàng. Các vị sứ giả Ða Minh khi đó thoát chết cũng là may. Tuy nhiên cơn giận của người Tartares rồi cũng nguôi, và anh em ở với họ cũng khá lâu. Cuộc lưu trú kết thúc cách ôn hòa. Công cuộc truyền giáo cho Á Châu còn có các vị thừa sai khác. Năm 1254, Guillaume Rubruk thuộc dòng Phanxicô, từ Trung Hoa trở về, đã gặp hai nhóm anh em Ða Minh đang tìm cách hội nhập vào môi trường dân Tartares. Vào năm 1274, ta thấy xuất hiện hai tu sĩ Ða Minh khác, có lẽ với vai trò thông ngôn, đã đồng hành với sứ giả người Tartares đến công đồng Lyon II. Sang thế kỷ XV, một tổng giám mục Ða Minh ở Arménie thuộc Ðông Phương là Gioan de Sulthanyeh, đã gặp Tamerlan, một đại hãn của dân Tartares, và nhân danh ông, dẫn đường cho một sứ giả sang Châu Âu. Công cuộc truyền giáo Ða Minh phải tạm ngưng một giai đoạn sau khi Hồi Giáo đã chiếm được Saint-Jean-d'Acre năm 1291, chặn đứng các tuyến đường thương mại với Palestine . Các anh em không thể xâm nhập vào Ðông Phương như trước nữa, nên phải tập trung lại ở đảo Chypre. Tuy nhiên, một tổ chức truyền giáo mới nhằm nối kết những tu sĩ Ða Minh ở Ðông Phương lại đã được thành lập. Trong khoảng từ 1300 đến 1304, "Hiệp Hội Các Anh Em Lữ Hành vì Chúa Kitô đến giữa lương dân" (Societas Peregrinantium propter Christum) được sáng lập, sau đổi tên thành "Hiệp Hội Các Anh Em Du Thuyết" (Congregatio fratrum peregrinantium). Cộng đoàn này đã khởi sự tiến hành đến những tiền trạm tại các biên cương co giãn giữa thế giới Kitô giáo, Hồi Giáo và lương dân. Dưới quyền một đại diện Bề trên tổng quyền, chiếu theo những khoản luật do cha tổng quyền Béranger Landore ban hành, tổ chức Anh Em Du Thuyết khá linh động so với cơ cấu các tỉnh dòng. Họ không có biên giới nhất định và được quyền chiêu mộ thành viên trong toàn Dòng. Hiệp hội hoạt động thành công nhất vào khoảng năm 1330, khi họ thi hành sứ vụ tại Trébizonde, Chios, hai địa điểm bên Thổ Nhĩ Kỳ, Georgia, Tuskestan, Ba Tư và Ấn Ðộ. Các anh em Du Thuyết đã gắng công nhưng thất bại trong việc vào Trung Hoa. Trước khi Hiệp Hội được thành lập, Nicolas de Pistoia đã đi cùng với cha Gioan Montecorvino (Ofm) để đến Trung Hoa, nhưng đã qua đời trong thời gian giảng đạo tại Ấn Ðộ. Cha Montecorvino sau đã tới Bắc Kinh và hoạt động của ngài khá thành công. Một tu sĩ thuộc Các anh em Du Thuyết là Jordano Cathala đã khởi sự công cuộc truyền giáo ở Quilon, thuộc Ấn Ðộ và trở thành vị giám mục tiên khởi vùng này. Sau khi nước Balan chiếm được vùng Galacie và Podolie năm 1349, các tu sĩ Balan đã xây dựng các tu viện tại vùng đó, nhưng sau đó khoảng 25 năm, họ nhường các tu viện này lại cho Các anh em Du Thuyết. Cơn Dịch Ðen đã hủy hoại hầu hết các hoạt động truyền giáo của Hiệp Hội, chỉ trừ ba địa chỉ là Pera, Kaffa và Trébizonde. Tổng hội 1363 phải sát nhập họ vào tỉnh dòng Hi Lạp. Năm 1373, hiệp hội Các anh em Du Thuyết được tái lập và loan báo Tin Mừng tại Nga, Balan, Lituanie, trong các công quốc Ða-nuýp ở Moldavie, Valachie và Ruthénie. Hiệp hội bị hủy bỏ lần thứ hai sau khi thành phố Constantinople thất thủ trong khoảng năm 1456 đến 1464. Sau đó lại được tái lập và tồn tại đến năm 1857, (từ năm 1603 được đổi tên là Hiệp Hội Ðông Phương và Constantinople ). Từ đó, các tu viện còn lại được sát nhập vào tỉnh dòng Piémont. Hiện nay, tại tu xá Pera Galata, ở ngoại ô thành phố Istanbul, các anh em Ða Minh thuộc tỉnh dòng Piémont đang chuyên chú nghiên cứu và học hỏi về Hồi Giáo.
Vương quốc Arménie, nằm trên bờ Hắc Hải, thuộc Iran, là một trong những miền ghi đậm dấu chân Các Anh Em Du Thuyết đến thi hành sứ vụ. Các anh em đã cung cấp nhiều giám mục cho giáo tỉnh Sulthanyeh, ở phía tây Ba Tư do đức Gioan XXII thiết lập năm 1381. Thành quả tốt đẹp nhất các tu sĩ Ða Minh thực hiện được tại đây là cuộc trở lại của các tu sĩ Ðông Phương tại Qrna năm 1330. Dưới thời viện phụ Gioan, Qrna đã du nhập nghi thức phụng vụ Ða Minh và hiến pháp Dòng, chỉ trừ luật giữ chay trường, luật khó nghèo triệt để và việc phân biệt y phục các trợ sĩ, nghĩa là áo dài trắng với áo phép màu đen. Nhiều đan viện khác cũng theo mẫu gương của Qrna. Viện phụ Gioan đã sáng lập Dòng Anh Em Hiệp Nhất (L'Ordre des frères uniteurs) Thánh-Gregorio, liên kết chặt chẽ với anh em Ða Minh. Mục đích của họ nhắm là việc giảng thuyết, dạy học và viết sách. Với sự trợ giúp của các tu sĩ Ða Minh, nhất là cha Giacobê "Targman", (nghĩa là "dịch giả"), các tu sĩ Arménie đã dịch sang ngôn ngữ của mình sách Hiến pháp, các bản văn Phụng vụ, khá nhiều các tác phẩm thần học La ngữ và đặc biệt là toàn bộ các tác phẩm của thánh Thomas. Dòng Anh Em Hiệp Nhất được đức Innocentê phê chuẩn năm 1356, ngài đặt họ dưới quyền bảo trợ và quyền tài phán của bề trên tổng quyền Dòng Ða Minh. Các đan viện của anh em rải rác trong vùng Arménie, Georgie và Crimée. Người ta quả quyết rằng trong 25 năm cuối thế kỷ, số anh em Hiệp Nhất đã lên đến 700 người, sống tại 50 đan viện. Nếu số liệu này chính xác, thì nhân sự của họ đã sút giảm nhanh sau năm 1381, vì phong trào quốc gia quá khích tìm các loại trừ họ và vì những cuộc xâm lăng mới của người Tartares. Khi Dòng Ða Minh điều chỉnh lại các khoản luật về việc giữ chay trường và khó nghèo tuyệt đối, thì sự khác biệt của anh em Hiệp Nhất với Dòng được giảm dần. Mọi người đều quen gọi các anh Hiệp Nhất là "Các tu sĩ Ða Minh". Và cuối cùng, từ năm 1583, Dòng sát nhập anh em thành tỉnh dòng Nakhitchevan. Các phần tử của Anh Em Hiệp Nhất vẫn tiếp tục làm việc tại Arménie cho đến những cuộc chiến tranh bùng nỗ từ năm 1750 xua đuỗi họ. Tu sĩ cuối cùng của Anh Em Hiệp Nhất qua đời tại Smyrna năm 1813. Anh em Hiệp Nhất Thánh Gregorio là một điển hình khá đặc biệt nói lên ý muốn nối lại nhịp cầu giữa Giáo hội Roma và Armênie, và đã cung cấp một hàng giáo sĩ bản xứ được đào tạo cách nghiêm túc. Họ hoàn toàn không có lỗi gì khi chiến tranh, những cuộc bách hại và não trạng ngờ vực của các anh em ly khai đã khiến những nỗ lực của họ không sinh hoa kết trái.
Các nhà truyền giáo Ða Minh thời Trung cổ cũng bộc lộ những khuyết điểm và phần lớn những sai lầm của thời đại. Thí dụ những sai lầm về não trạng như ý muốn rửa tội hàng loạt, hoặc việc cưỡng bức trở lại tại Phổ, nơi các hiệp sĩ Teutonique đã cưỡng ép thổ dân rửa tội và mời anh em Ða Minh đến ban bí tích. Cũng thế, các ông hoàng Tây Ban Nha đã ép buộc những người Do thái và Hồi Giáo phải đi nghe thuyết giảng. Ngoài ra các hoạt động thời này chưa quan tâm đến tính cách liên tục và những kế hoạch dài hạn. Cha Ricoldo de Montecroce trong suốt thời kỳ truyền giáo lâu dài tại Mésopotamie, đã đưa ra những nguyên tắc đúng đắn trong việc tông đồ với những anh em ly khai, nhưng sau khi giúp họ hoán cải, cha lại vội vã đi chinh phục những miền đất mới. Các nhà truyền giáo đã trải qua các thử thách do những cuộc hành trình xa xôi và trắc trở. Chỉ cần một thiên tai cũng có thể làm tê liệt mọi nỗ lực hoạt động. Như cơn Dịch Ðen 1348 đã làm thiệt mạng hàng loạt Anh Em Hiệp Hội Du Thuyết. Ðôi khi hoàn cảnh chính trị làm gián đoạn hoặc kết thúc những sinh hoạt vừa mới khởi sự đầy hứa hẹn. Như cuộc xâm lăng của người Tartares năm 1241, đã dứt điểm công trình của anh em Ða Minh Hungari giữa những người Cumans. Những cuộc xung kích của Tamerlan (Mông Cổ) vào thế kỷ XV, đã phá hủy nhiều nhà thờ và tu viện ở Georgie. Ðến khi ông ta trở về Châu Á, anh em phải khởi sự lại từ đầu. Các mối hiểu lầm và việc thiếu hiểu biết của các nhà truyền giáo Latinh về anh em Ðông Phương, đã cản trở họ thuyết phục hàng giáo sĩ và các tín hữu ở đây. Tại các miền thuộc Hồi Giáo, luật lệ trong nước cũng như qui luật xã hội càng khiến cho việc hoán cải thêm khó khăn. Vì thế, việc truyền bá Tin Mừng phải thực hiện trong âm thầm không để lại dấu tích gì. Nhiều anh em Ða Minh đã hy sinh mạng sống mình vì đức tin. Người Tartares đã tàn sát 94 anh em do chân phước Sadoc cầm đầu. Họ đã phá hủy năm tu viện ở Balan và hai ở Hungarie. Một tập thể tử đạo khác đã hiến dâng mạng sống tại Sandomir cũng thuộc Balan, nhưng không rõ vào thời gian và hoàn cảnh nào. Khi thành phố Saint-Jean-d'Acre thất thủ năm 1291, tu viện Ða Minh cuối cùng ở Palestine đã hiệp dâng 30 anh em làm hy tế. Ricoldo Montecroce đã thấy trong số chiến lợi phẩm của Acre được đưa về Bagdad, có những vật dụng của anh em Ða Minh, gồm sách vở, chén lễ, sách kinh nhật khóa và cả những áo dòng còn loang máu đào và bị đâm thủng lỗ chỗ bằng gươm (Bản tiếng Anh : Một nữ tu Ða Minh người Anh duy nhất sống sót, đã cung cấp những chi tiết về cuộc thảm sát cha Ricoldo). Chân phước Antôn Neyrot tử đạo trong trường hợp khá ly kỳ. Ngài bị những người Hồi Giáo bắt và dẫn về Tunis, ngài chối đạo rồi sau đó hối hận và tiếp tục rao giảng về Chúa Kitô. Một viên chức người Thổ đã ra lệnh ném đá ngài năm 1460. Cho dù sử gia chỉ có thể cho thấy những kết quả nhỏ bé từ những hi sinh anh dũng của các thừa sai Ða Minh thời Trung cổ, thì lịch sử cũng vẫn phải nói đến ánh sáng của các vị đã chiếu soi trong Giáo Hội, nói đến chứng từ của các vị về sức sống của Dòng, và đến mẫu gương các vị đã để lại cho những ai muốn tiếp bước theo sau, đi truyền giáo tại những miền xa xôi. Ngoài ra các vị cũng nhắc nhở chúng ta tầm quan trọng của việc tìm kiếm không ngừng những phương thức tốt nhất để loan báo Tin Mừng. |