|
|||||
Đối với ca đoàn Cêsilia, cha Gioan B. Trần Mục Đích có vị trí hết sức đặc biệt trong lòng các ca viên. Khi giáo xứ Đaminh mới được thành lập năm 1967, với cha xứ Vinhsơn Mai Cao Hiển OP, thì khi đó trong vai trò Quản đốc Thánh đường, cha Gioan Baotixita đã quy tụ một số chị em thành lập ca đoàn, theo danh xưng vị thánh nữ bổn mạng các ca đoàn : thánh nữ Cêcilia. Sau đó dù còn làm Quản đốc thánh đường hay không, cha vẫn hoạt động mục vụ tại giáo xứ Đaminh, suốt hai mươi năm liền cha vẫn đồng hành với ca đoàn trong mọi biến cố vui buồn, khích lệ, động viên, hướng dẫn ... như một cố vấn tối cao và đích thực là NGƯỜI CHA tinh thần của ca đoàn.
Thưa cha Gioan Baotixita, hôm nay mừng kỷ
niệm 40 năm thành lập. chúng con đặc biệt tưởng nhớ đến cha, đến
tấm lòng hiền phụ của cha, đến giọng
nói trầm ấm và những lời dạy dỗ thân ái của
cha. Xin cha cầu nguyện cho chúng con trước nhan
Thiên Chúa, hôm nay và mãi mãi, để chúng con có thể hoàn thành tâm
nguyện mà cha đã dành cho chúng con.
Cậu Gioan B. Trần Mục Đích sinh ngày 28.11.1914 tại Trần Xá, tỉnh Hưng Yên. Vào nhà Đức Chúa Trời từ hồi 10 tuổi. Sau nhiều năm học tại Tiểu chủng viện Ba Đông và Trường Đệ tử Đaminh Hải Dương, thầy Đích được trao áo dòng và qua năm tập tại tu viện thánh phụ Đaminh Quần Phương, khấn dòng ngày 8.12.1935, thuộc lớp đầu tiên của Đaminh Việt Nam giai đoạn hai. Học hai năm triết cũng tại tu viện Quần Phương, ngày 15.9.1938, thầy Gioan cùng anh em sinh viên sang Hong Kong học tại Học viện Rosaryhill. Cuối tháng 4 năm 1942, vì lý do chiến tranh, thầy cùng các anh em phải trở về nước, hoàn tất năm cuối của thần học tại Giáo hoàng Chủng viện Anbêtô Nam Định, và thụ phong linh mục tại Đền thánh Hải Dương ngày 19.6.1943, được bài sai vào địa phận Thái Bình. Trước hết, cha Đích được cử làm cha phó giáo xứ Ngọc Đồng tỉnh Hưng Yên, rồi chánh xứ Ngọc Châu. Cuối năm 1946 chiến tranh Việt – Pháp bùng nổ, các chủ chăn ở trong vùng chiến trận gặp nhiều bất trắc và khó xử, cha phải lánh ra Hải Phòng và được cử làm phó xứ Xuân Ninh. Tháng 3.1948, cha được bài sai về tu viện thánh Gabriel, Hải Dương, phụ trách việc đi giảng nhiều nơi. Ngày 15.8.1949, cha được cử về làm giáo sư tại Giáo hoàng Chủng viện Nam Định, kiêm phó xứ Khoái Đồng cho tới tháng 3.1951 thì được đặt làm chánh xứ. Sau hiệp định Genève, cha được sai sang Roma tu nghiệp. Sau hai năm học tại Angelicum, cha đậu tiến sĩ triết học. Tháng 7.1956 cha hồi hương, và được bổ nhiệm vào tu xá thánh phụ Đaminh Đà Lạt, ngày 1.11.1957, cha được cử làm Bề trên Tu xá. Trong thời gian ở Đà Lạt, cứ định kỳ cha lại xuống Vĩnh Long giảng dạy tại trường Nhân Vị, nơi tu nghiệp của các công chức. Từ đây, cha đã nổi tiếng là một giảng sư có biệt tài. Tháng 6.1959, Giáo hoàng Chủng viện và Học viện thánh Albertô được thành lập tại Phú Nhuận, cha được bổ nhiệm vào Học Viện nhận chức tu viện phó, kiêm phó viện trưởng, dạy thần học tín lý, và dạy triết học cho trường công lập ; ngày 30.9.1960, cha lên chức Viện trưởng Giáo hoàng Chủng viện. Hết năm học 1961 – 1962, Học viện thánh Albertô tạm ngưng, cha sang Manila chữa bệnh (mổ mắt) và hồi hương ngày 15.3.1965. Từ đấy, cha sống tại tu viện thánh Albertô Phú Nhuận cho tới ngày qua đời. Trên 20 năm còn lại của cuộc đời, cha Trần Mục Đích đã tận tuỵ và hăng say hoạt động truyền giáo bằng giảng thuyết. Cha nắm giữ giảng đài Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn từ năm 1965 đến 1974, và giảng thuyết trên đài phát thanh Công Giáo, trong chương trình "Tiếng Vọng Tình Thương". Dân chúng khó quên được hình ảnh, giọng nói và cử điệu của cha trên tòa giảng trong những ngày đại lễ, những tuần tĩnh tâm cho hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân. Năm 1967, cha được Dòng ban tặng tước hiệu “Tổng Giảng sư”. Sống trong tu viện, cha âm thầm và khiêm tốn giữ chức tu viện phó, thánh quản và phụ tá cha sở. Chính trong chức vụ ấy, cha đã đạt được nguyện vọng giúp ích cho giáo dân xứ Đaminh và từ nhiều nơi kéo đến : giảng dạy và giải tội. Khi đã trên 70 tuổi, lại mang nhiều thứ bệnh, cha vẫn không thôi làm việc, vẫn giữ các giờ chung của tu viện cho tới ngày Chúa gọi về : 18.2.1987, thọ 73 tuổi. Cha Gioan Baotixita là một linh mục rất tận tuỵ với nghĩa vụ, tính tình hòa nhã, bặt thiệp, dễ gây cảm tình với mọi người. Giới trí thức, công chức, sĩ quan, quân nhân, giáo dân đều biết cha Gioan B. là một nhà giảng thuyết tại Vương cung Thánh Đường, tại giảng đài, trên Đài phát thanh, trong những đại lễ và các tuần tĩnh tâm. Linh mục học trò của cha rất đông, gầm 200 linh mục dòng, triều đã tới dâng thánh lễ đồng tế với Đức TGM Phaolô Nguyễn văn Bình tại thánh đường giáo xứ Đaminh. Giáo dân và nam nữ tu sĩ quen biết danh cha đã từ khắp nơi đến thăm viếng và tham dự thánh lễ thật đông đảo. Cha Gioan Baotixita được an táng tại đất thánh giáo xứ Đaminh, Bà Quẹo, Tân Bình.
|