|
“ĐẠO” LUÂN LÝ
1. CÁC
THÁNH TRONG GIÁO HỘI
1.1 Nguyên lý nào ?
Cứ như thói quen trong Giáo hội, vào ngày lễ một vị thánh nào đó, ta phải cố tìm cho ra những đức tính đặc biệt của ngài, để ca tụng và để làm gương cho người tín hữu. Quan niệm chung chung vẫn cho rằng các thánh không thể là những con người tầm thường như chúng ta, các thánh phải có điều gì hơn người, phải khác với những người chúng ta nhìn thấy, gặp gỡ hiện nay trong cuộc sống... Nhưng quả thật là khó để tìm ra một đức tính nào trổi vượt nơi hai ông Simon và Giuđa này[1]. Lịch sử không để lại vết tích nào đặc biệt; hai vị được thánh ký kể đến trên mỗi Giuđa phản bội mà thôi; những thứ hạng "rốt bét".
Điều đó làm cho ta bỗng sực tỉnh để nhận ra rằng : không phải chỉ có hai vị này mà hình như cả nhóm 12 tông đồ đều là những người không phải ngon lành gì; nói đúng ra, các vị cũng là những con người khá cù lần. Phêrô, tông đồ trưởng, thì bốc đồng; Giacôbê và Gioan thì nóng nẩy (con của sấm sét) và ham mê quyền lực (x. Mc 10, 35-45); Gioan lại còn nhỏ mọn, không cho những người nhân Danh Chúa mà trừ quỉ (x.Lc 9,49-50); các ông khác thì nhát đảm và ngu dốt.... Điều đó không khỏi làm chúng ta liên tưởng tới Giáo hội hiện nay, trong đó cũng có không ít các vị giám mục "cù lần", những linh mục, tu sĩ đầy những tính xấu...
Và cứ tiếp tục theo lý luận như trên, chắc chúng ta cũng phải tự hỏi : không biết trong khi thức suốt đêm để cầu nguyện, Chúa Giêsu có ngủ gật hay không mà lại chọn "được" 12 vị thế ấy ? Thánh Thần có đi vắng không để Giáo hội chọn lựa những thừa tác viên như vậy ?
Trong tâm thức người Kitô hữu hiện nay, hễ nói đến "thánh" là người ta nghĩ ngay đến ông thánh này bà thánh kia; hễ nói đến các thánh là người ta luôn phải ca tụng nhân đức, sự anh hùng, sự giỏi dang, đạo đức... như thể chính nhờ các đức tính ấy mà các vị ấy đã làm thánh. Người Kitô hữu rất ít để ý, không biết, hoặc biết nhưng chưa thấm sâu vào tâm thức rằng : tính chất "thánh" là của Chúa, và các "vị thánh" chỉ là được thông chia sự thánh thiện của Chúa. Lời kinh Vinh Danh trong thánh lễ tuyên xưng rằng "chỉ có một mình Chúa là Đấng Thánh".
Những điều đó phải chăng phản ảnh một tâm thức chung trong Giáo hội, một tâm thức nặng về luân lý và ít cảm nhận được tính cứu độ ? Đời sống đạo như thế giống như một cuộc leo núi luân lý và ai khỏe mạnh, khéo léo mới có thể lên tới những đỉnh cao. Nhiều khi các thánh được đề cao như thể chính vì các nhân đức mà các ngài được nên thánh, chứ không phải ơn thánh của Chúa đã giúp các ngài sống đức độ; như thể, các thánh đã anh dũng bảo vệ chân lý đức Tin, chứ không phải chính sức mạnh của ân sủng đức Tin đã giúp các ngài vượt qua gian khổ. Bao giờ người Kitô hữu còn nhìn các thánh như những mẫu gương "đạo đức" chứ không phải như chứng tá cho thấy sức mạnh cứu độ của niềm Tin, thì nguyên lý tác động trong sức sống của Giáo hội vẫn còn là nguyên lý luân lý chứ không phải nguyên lý cứu độ.
1.2 Đâu là mầu nhiệm tuyển lựa ?
Nhóm 12 được Chúa Giêsu tuyển chọn, không phải qua một cuộc thi cử, phỏng vấn... để xét duyệt năng lực nhưng chỉ do ý muốn của Ngài; và kết quả của cuộc tuyển chọn ấy không có vẻ thành công. Cũng thế, người ta vẫn có thể thấy Thiên Chúa tuyển chọn nhiều giám mục "cù lần", nhiều linh mục quan liêu, hống hách, nhiều tu sĩ quá lo bảo vệ nếp sống của mình... Sự thật đó thường khiến nhiều người khó chịu, bực dọc; và chắc hẳn cũng có người thầm nghĩ Thiên Chúa đã chọn lầm. Nhiều lần chúng ta có thể thấy, cứ bình thường, đáng lẽ ra Chúa phải chọn người này chứ không phải người kia...
Sự tuyển chọn của Thiên Chúa thật khó hiểu. Có một mầu nhiệm nào trong những việc tuyển lựa ấy? Thiên Chúa tuyển chọn theo Thánh Ý của Ngài, chúng ta cần khám phá ra mầu nhiệm tuyển lựa để nhận ra mầu nhiệm cứu độ lạ lùng của Thiên Chúa...
2. NẺO ĐƯỜNG LUÂN LÝ
2.1. Đặt vấn đề về nẻo đường luân lý
Tu nghĩa là sửa. Trước đây, nói chung, những tu sĩ và những người tín hữu muốn nên thánh đều phải quyết tâm hình thành nên con người trọn hảo của mình bằng một nỗ lực tu sửa, thay đổi tính tình, dẹp bỏ nết xấu, luyện tập nhân đức… Linh mục triều hoặc các chủng sinh, dù không phải là tu sĩ theo giáo luật[2], và tất cả những ai muốn vươn cao trên con đường nên thánh đều phải đi vào con người “tu đức” như thế.
Con đường ấy thật đáng kính trọng, nhưng không phải là không có những chỗ "lủng". Người ta thấy, không phải là hiếm, những người “đạo đức có củ" nhưng lại có những ứng xử thiếu nhân bản; những bậc đáng kính, chức tước đầy mình hoặc chu toàn một nếp sống đạo đức gương mẫu nhưng đôi lúc lại bộc lộ trong lời ăn tiếng nói, trong lập trường của mình, một cái gì khá kỳ dị, biểu lộ một cõi lòng ích kỷ sâu xa mà người ta khó có thể chấp nhận được, trừ khi là bao bọc chúng trong một lớp vỏ thiêng liêng. Đó là những “triệu chứng lâm sàng” của căn bệnh luân lý mà chúng ta có thể dễ dàng ghi nhận.
Ngược lại, nhận ra những chỗ lủng của nẻo đường luân lý, ngày này người ta lại đề cao một thứ “làm người trước khi làm thánh”. Giới trẻ ngày nay, nói chung, không mấy bận tâm đến nỗ lực tu sửa và tập luyện nhân đức; họ để thả trôi cuộc đời theo nhịp sống và thường lý sự để bào chữa cho thái độ bản thân, xuê xoa cho tính xấu hoặc những sai sót của mình. Đôi khi, người trẻ học hỏi được một vài lý thuyết “nhân bản” để củng cố lập trường, thái độ, phản ứng của mình với những người đi trước và cho thế là đủ. Họ mạnh dạn phê bình người khác, phê phán xã hội… mà ít nhận ra sai sót của chính mình. Không đủ can đảm thể hiện những nỗ lực của ý chí trong việc luyện tập nhân đức như người xưa, người ta lại tìm cách moi móc những khiếm khuyết để phê bình; không tin vào những bài học luân lý cổ xưa, người ta lại quá tin vào một vài tư tưởng, vài nguyên lý thời thượng của xã hội… Nhưng rồi, trong những lập trường đầy tính thần học hoặc triết-lý-sống như thế, người ta lại rất dễ bắt gặp một sự phê phán bất công, một lối sống dễ dãi; gặp thấy nhiều phong cách, thái độ chỉ biểu lộ nhu cầu khẳng định cái tôi của mình nhiều hơn là do một tinh thần sứ vụ hoặc xuất phát từ một cảm nhận giá trị nhân bản chân chính. Những thái độ ấy biểu lộ mối bận tâm bảo vệ cái tôi của mình nhiều hơn là sống trong chân lý hoặc mưu tìm lợi ích chung.
Thật ra, làm gì có chuyện “làm người trước khi làm thánh” ! Nếu tự mình làm người được thì có lẽ chúng ta cũng chẳng cần làm thánh; vì ơn cứu độ của đức Giêsu, trước tiên, là để giúp con người sống trọn vẹn vận mạng cuộc đời. Nói cách khác, chính vì không thể “làm người” cho ra người được mà người kitô hữu cần “làm thánh”, nghĩa là nhờ sự thánh thiện của Chúa để có thể tiến bước trên hành trình làm người.
Cả con đường tu luyện luân lý cũng như đường lối lý sự đều tỏ không thành công. Đường lối xưa thì đầy tính duy ý chí. Con đường của thế hệ ngày nay lại tỏ ra tính cách “duy lý”. Cả hai đường lối đó đều không đủ trầm lắng để nhận ra và khởi đi từ chính con người thật của mình. Nếu vết rạn nứt trong đường lối cũ là sự xung khắc giữa bản tính sâu xa và nỗ lực luân lý, thì vết rạn nứt của con đường lý sự lại là sự tách biệt giữa lý trí và tấm lòng, giữa "lập trường" và một trạng thái tinh thần không thấm nhuần giá trị nhân bản đích thực. Từ vết nứt ấy, thỉnh thoảng người ta lại thấy "lòi ra" cái ngu-đột-xuất, cái "bậy bạ" xuất hiện lúc không ngờ, cái sai trái mà ta không thể kiểm soát được…
Hai con đường ấy đối lập nhau, một bên thì thái quá, một bên lại bấp cập. Tình trạng ấy khiến cho những người "trẻ" chẳng phục người "già", mà người "già" lại càng không thể chấp nhận được "đám trẻ". Có lẽ chính vì thế mà cả những giá trị nhân bản cũng như những giá trị siêu nhiên đều không đủ sức mạnh chứng tá để tạo nên một tâm thức chung, một giá trị chung trong Giáo hội Việt Nam hiện nay. Phản ứng với giới trẻ, người già cũng không chân nhận được những giá trị thời đại; không thấy nét đẹp của đời sống “luân lý” những người già, đám trẻ lại càng coi thường việc sống “nhân đức”.
2.2 Thực trạng nẻo đường luân lý
2.2.1 Nẻo đường của cái tôi
Nẻo đường luân lý trước tiên là nẻo đường của “cái tôi”. Tất cả mấu chốt để giải quyết vấn đề đều qui lại trong cái tôi : chính tôi quyết định, chính tôi nỗ lực, và chính tôi thành công hay thất bại. Chính tôi phải chịu trách nhiệm hoặc tìm thấy niềm tự hào cho bản thân tôi :
“Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác : tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc 18,11-12).
Nẻo đường của cái tôi lù lù ra đó, thật ra, luôn là con đường cô độc và làm gia tăng thêm nỗi cô đơn trong phận người. Chính nẻo đường luân lý trở thành một gánh nặng và làm cho con người phải chịu đựng nỗi xao xuyến của phận người hơn hết, vì tự mình phải chịu trách nhiệm về vận mạng của mình.
Cô đơn trước gánh nặng của bản thân, người đi theo nẻo đường luân lý thường rất dễ bám vào những những “hành vi” cụ thể, hành vi thể xác hoặc tâm hồn, như một tiêu chuẩn đánh giá cụ thể để an tâm. Con đường luân lý đòi buộc người ta phải làm hoặc trách những điều cụ thể nào đó; rồi dần dần đồng hoá mình với những hành vi cụ thể ấy. Do đó, nẻo đường luân lý thường cũng đóng khung giá trị đạo đức trong những nghĩa vụ rõ ràng. Với những hành vi luân lý cụ thể, người ta có thể dễ dàng đo đếm, so sánh và xếp hạng. Trên nẻo đường ấy, thật khó có thể gạt bỏ khỏi tâm trí một sự đánh giá bản thân mình và đánh giá người khác. Mác-ta với tư cách là chủ nhà, đã chu toàn trách nhiệm tiếp khách một cách chu đáo, quá chu đáo ! Điều đó khiến cô an tâm về bản thân mình và sẵn sàng “sửa lỗi” cho Chúa:
“Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói : Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao ? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay !” (Lc 10, 40).
Thật ra, nẻo đường luân lý như thế không có khả năng đụng đến cái tôi chân thật mà chỉ là một nỗ lực tô vẽ, trang điểm cho cái tôi của mình. Người đi vào nẻo đường luân lý thường không khám phá ra được nét độc đáo riêng của bản thân mình. Tiêu chuẩn luân lý là những tiêu chuẩn chung mà mọi người phải tuân theo. Người ta tìm cách đáp ứng những đòi hỏi bên ngoài của lề luật, bận tâm so sánh mình với người khác và khó có thể dừng bước, trầm lắng để nghe chính bản thân, trân trọng với cá tính, khuynh hướng riêng và hoàn cảnh riêng của mình. Trên nẻo đường luân lý, người ta không có khả năng tự sáng tạo cuộc đời dựa trên chính sự thật của bản thân mình.
Sống theo nẻo đường luân lý, con người giống như một kẻ đứng dưới nước sâu; chân không đụng đến mặt đất được mà đầu muốn vươn lên khỏi mặt nước, nên tay chân cứ phải quờ đạp. Con đường luân lý là con đường không muốn thua sút ai, nhưng không hoà giải được với chính mình và luôn trong tư thế sẵn sàng chống đỡ, phê phán, "đạp" người khác để bảo vệ cho đầu mình được vươn lên cao trước mặt người khác. Con đường luân lý ấy luôn luôn bấp bênh; người khác chỉ cần kéo nhẹ đôi chân quờ quạng, hỏng giò ấy là có thể làm sụp đổ tất cả công trình tu luyện. Con đường luân lý ấy luôn luôn phải so sánh, hoặc đấu đá với người khác để bảo vệ vị thế của mình.
2.2.2 Nẻo đường duy ý chí
Cách thức tập luyện nhân đức trên nẻo đường luân lý như thế thường dựa trên một nền tảng chung là "nhân đức chịu vậy"; nghĩa là người ta đã không tìm thấy giá trị nội tại, giá trị tích cực, giá trị "hữu thể", không cảm nhận được nét đẹp của hành vi luân lý mà chỉ “nhắm mắt” dùng nỗ lực của ý chí để thực hiện một khuôn khổ đã có sẵn; ráng gồng lên để chu toàn giới luật như một tiêu chuẩn bên ngoài chứ không tìm thấy niềm vui tự chính bản thân mình.…
Những nhân đức của nền “luân lý chịu vậy” chẳng những không hoá giải được những đam mê, những uẩn ức sâu xa trong lòng, nhưng chúng còn tạo điều kiện để người ta trốn vào một thứ an tâm giả tạo. Đàng khác, cách thức tập luyện nhân đức như thế để lại nhiều dồn nén khá nguy hiểm. Chúng ta có thể thấy những người “đạo đức” quá dễ dàng kết án người khác mà không thấu hiểu được những khó khăn của người khác trong sự cảm thông. Chúng ta cũng có thể thấy một số người, suốt cuộc đời, đã từng cẩn thận, chăm chút, lo lắng để thực hành một đời sống luân lý nghiêm cẩn. Thế mà, khi rơi vào một hoàn cảnh đau thương nào đó, một cơn bệnh, tuổi già, một sự thất bại lớn ... thì các vị ấy lại trở thành những xì-căng-đan lớn về chính những điều mà mình đã từng lên án.
Thật ra những cố gắng tập luyện nhân đức theo đường lối luân lý thường không có khả năng hoá giải, nhưng chỉ bao bọc và dồn nén những đam mê sâu ẩn trong tâm hồn; những nỗ lực tu sửa chỉ là những lớp hành vi hoặc của ý thức, hoặc của ý chí, nhằm bao bọc và xi mạ cho con người thật vốn còn đầy những khiếm khuyết, han rỉ ở bên trong. Con đường luân lý có nhiều nguy cơ rơi vào thái độ của những người Biệt phái và kinh sư mà Chúa Giêsu đã tố cáo, “Dân này tôn kính ta bằng môi bằng miệng” (Mc 7, 6); và Ngài khẳng định :
“Người nói : Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu : tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc aác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng… Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế”(Mc 7,20-28).
2.2.3 Thái độ luân lý trong đời sống đức Tin
Thái độ luân lý không phải chỉ có trong đời sống của những người dâng hiến, tu sĩ và chủng sinh, linh mục triều và dòng, nhưng còn trong lối sống đạo phổ biến của người tín hữu. Phần lớn người kitô hữu sống đạo dựa trên “bộ xương sống” là Mười Điều Răn : xét mình xưng tội, chu toàn nghĩa vụ, phân biệt điều được phép và điều không được phép. Khá hơn một chút, người Kitô hữu cũng chỉ biết nỗ lực từ bỏ tội lỗi và lập công phúc cho cuộc sống mai sau.
Lý tưởng Kitô giáo thường bị giản lược vào một mô hình chuẩn, một khuôn khổ vô ngã, thật tròn trịa, thật chuẩn mực, thật hoàn hảo; hoàn hảo đến mức trở thành một khuôn khổ “siêu hình” bất biến. Theo quan điểm luân lý ấy, sống đạo không là gì khác hơn so chiếu đời sống vào mô hình chuẩn ấy để xác định đâu là tội và đâu là nhân đức, để cắt xén, để uốn nắn những chỗ lồi lõm của đời sống.
Lời giảng của các linh mục cũng như các sách bài giảng hàng tuần rất thường rơi vào thái độ “giảng luân lý”. Thay vì nhận ra sứ điệp lời Chúa như một lời công bố Tin Mừng, công bố việc Chúa làm, thì người ta lại chỉ rút tỉa những đòi hỏi con người phải làm; thay vì mở lòng để đón nhận sức sống và tình yêu của Chúa, thì người ta lại chỉ chú ý đến những quyết tâm của con người. Không nhận ra tính chất “mục vụ”[3] của các mầu nhiệm cứu độ, người linh mục lại chỉ lượm lặt những “bài học”, triển khai theo lối so sánh hoặc trong tinh thần hiếu kính để nhấn mạnh tới đòi hỏi luân lý đối với người Kitô hữu. Những thứ đòi hỏi và quyết tâm ấy được “sản xuất” liên tục, hết tuần này đến tuần khác, hết mùa này đến mùa khác, mà chẳng mấy lưu tâm đến thực trạng của từng cá nhân, khiến cho Kitô giáo trở thành nặng nề, không còn diễn tả được ý nghĩa tích cực và nét đẹp Kitô giáo. “Mệnh đề” căn bản của thái độ luân lý là “tôi phải…”. Quả thật có quá nhiều cái “phải” trong đời sống đức Tin Công Giáo tại Việt Nam.
Những quyết lệnh luân lý như thế trở thành những “biện pháp” đối phó, ngăn chận và cắt xén đời sống nhiều hơn là hướng dẫn và thông ban sinh lực sống. Khi bị qui định trong một lô các biện pháp như thế, cuộc sống trở thành rách nát, vụn vặt và không còn hình hài riêng; hành trình cuộc sống bị muôn ngàn “biển báo” cảnh giác, cấm đoán và người ta chỉ còn biết bước đi dò dẫm, luồn lách chứ không có được một sức sống hồn nhiên, mãnh liệt của Thần Khí.
Cách thức theo đuổi một đời sống đạo như thế trở thành như một cuộc thi tuyển, trong đó, việc công bố Tin Mừng Cứu Độ chỉ còn là “đề bài”, Tin Mừng trở thành “tài liệu học tập”, nỗ lực sống đạo giống như việc làm bài thi, với những giấy thi đã được rọc phách, để hy vọng một số điểm vượt qua mức trung bình….
Lời loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu Đức Giêsu không phải chỉ là một bài học, một bài học luân lý thuần túy mà những người nghèo có ước muốn cũng chẳng thể sờ tới được. Tin Mừng ấy không phải là sự thách đố những nỗ lực luân lý của con người. Đạo Chúa không thể nào là con đường khó khăn mà chỉ những người được thừa hưởng một nề nếp giáo dục hoàn hảo, hoặc những người có tư chất tốt mới có thể đi theo được. Nếu người nghèo, nghèo hèn vốn sinh đạo tặc, mà không thể sống đạo Tin Mừng được, thì rất có thể đó không còn là đạo của Chúa Giêsu.
Lối sống đạo luân lý, một cách nào đó, biến Kitô giáo thành một trong các thứ đạo dạy "ăn ngay ở lành". Trong khi đó, nét đặc trưng của Tin Mừng cứu độ, có thể tóm lại, là “đạo cùng với Chúa Giêsu để đi con đường hoàn thiện như Cha trên trời”.
Tình trạng ấy, có thể nói, chính là tình trạng một Kitô giáo mất căn tính.
2.3 Giới hạn của nẻo đường luân lý
Khoa tâm lý ngày nay cho chúng ta biết rằng con người đã hình thành phần lớn nhân cách của mình rất sớm… thời gian còn lại dành cho con người lựa chọn, với tất cả một tâm hồn sáng suốt, thời gian ấy chẳng được bao nhiêu. Rồi những gì còn dành lại cho tự do của con người trước hoàn cảnh cũng chẳng dễ dàng gì…
Do vậy, trong quá trình sống, mỗi một con người đều mang theo mình cả một lịch sử : từ khi trong bào thai, hoàn cảnh gia đình, ảnh hưởng của môi trường, của trường lớp, của bạn bè…. Những điều ấy, khi con người bắt đầu biết ý thức và có thiện chí muốn tu sửa, thì đã trở thành những vết hằn sâu trong nhân cách, trong tâm hồn của con người rồi. Con người là mình, trước tiên, trong chính lịch sử của đời mình. Lịch sử ấy là những gì đã hiện thực, đã xẩy ra, đã tác động, đã được gieo vào đời; và người ta hầu như không bao giờ có thể gạt bỏ chúng đi được nữa. Con người không thể chối bỏ lịch sử của chính mình được.
Một số tư tưởng triết học cũng cho chúng ta thấy rằng, khi người ta đã gieo một điều gì vào trong thế giới, điều đó trở thành vĩnh cửu, và con người sẽ phải chịu trách nhiệm về nó trong vĩnh cửu. Điều đó không chỉ có nghĩa là một sự xét xử, ban thưởng hay hình phạt của một Thượng Đế tối cao, nhưng còn có nghĩa như một qui luật của cuộc sống, một qui luật có sức mạnh của nó để phục hồi sự cân bằng của vũ trụ…
Anaximandre nói tới sự "bất chính đối với nhau" và đòi "bồi thường và thoả mãn lẫn nhau". Empédocle nói tới hai nguyên lý chính yếu trong vũ trụ, "hận thù" là nguyên lý ly tán và "tình yêu" là nguyên lý kết hợp; đó là những nguyên lý mang tầm mức vũ trụ; Nietzsche thì vẽ nên một hình ảnh vũ trụ diễn tiến theo qui luật "qui hồi vĩnh cửu"…
Những cái nhìn như thế có thể cho chúng ta thấy phần nào một sự thực : những điều ta đã gieo vào trong cuộc đời thì không rơi vào quên lãng; và chúng ta cũng không thể đơn giản xoá bỏ, sửa đổi chúng cách dễ dàng, bằng một thái độ luân lý cá nhân hay sám hối "nội tâm"; nhưng còn phải chấp nhận qui luật nhân quả trong diễn biến của nó. "Gieo gió gặt bão" hay "gậy ông lại đập lưng ông"…
Quả thật, đối diện với những tầng sâu trong bản chất con người, đối diện với những qui luật mang tầm mức vũ trụ như thế, những nỗ lực có tính cách duy ý chí hoặc duy lý đều tỏ ra quá nhỏ bé và hời hợt. Những dữ kiện nói trên cho thấy tầm vóc của con đường tu sửa quả thật là chưa động được đến tầng sâu của nhân cách con người cũng như chưa hoá giải được những xung đột thâm sâu trong thế giới con người.
Trong cuộc sống bình thường, chúng ta cũng có thể nghiệm thấy rằng con người không dễ gì có thể sửa đổi tính tình, không dễ gì có thể gạt bỏ một cơn giận hay một sự thù hằn chỉ bằng quyết tâm của ý chí hay chỉ bằng một suy tư hay ho nào. Mặt khác, một sự nỗ lực sửa đổi như thế luôn bao hàm tâm trạng không chấp nhận chính mình. Chính điều này lại là nguồn gốc của biết bao nhiêu lệch lạc, xung đột trong cuộc sống con người.
Có lẽ con đường đích thực phải là : nhờ sự thánh thiện của Chúa (siêu nhiên) để có thể nên người hơn (nhân bản); theo đường hướng của thánh Thomas : "Ân sủngkhông phá hủy nhưng kiện toàn tự nhiên"[4]. Lập trường đó cho thấy : để con người có thể sống nhân bản, cần tới sự trợ lực của đời sống siêu nhiên; và một đời sống siêu nhiên đích thực phải thực sự làm tăng triển đời sống nhân bản của con người.
3. NHÌN TỪ GÓC ĐỘ NHÂN HỌC KITÔ
GIÁO
3.1 Mạc khải về con người
Mười một đoạn đầu sách Sáng Thế có thể hiểu được là chính khoa "siêu hình học" của Thánh Kinh, trong đó, những vấn đề cơ bản của con người mọi nơi mọi thời được diễn tả bằng những câu chuyện thật ý nghĩa. Ta có thể tìm thấy một vài ý nghĩa cơ bản như sau :
Con người được sáng tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Do ảnh hưởng của triết học Hy Lạp, có giáo phụ đã giải thích con người giống hình ảnh Thiên Chúa ở chỗ con người có lý trí khôn ngoan. Quả thật, nhờ lý trí con người có khả năng tham dự vào chương trình sáng tạo của Thiên Chúa (Adong đặt tên cho muôn vật, St 2,19b). Tuy nhiên, đó không phải là điều chính trong ơn gọi và sứ vụ làm người; bởi vì, trước hết, việc đề cao lý trí khôn ngoan không hợp với não trạng của người sê-mít vốn coi trọng tương quan ngôi vị nhiều hơn. Ta còn thấy trong truyền thống Do Thái một sự úy kỵ sâu xa với kiểu khôn ngoan của các nền văn minh xung quanh (con rắn là loài xảo quyệt, cây cho biết điều thiện điều ác, Cain là kẻ định cư khôn ngoan… xc. 1Cr 117-31). Mặt khác, ta thấy ông Adong, khi đã phát huy hết khả năng lý trí của mình để thống trị muôn loài, lại cảm thấy cô đơn vì "không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng" (St 2, 20b). Chỉ khi gặp Evà, Adong mới cất lên tiếng reo vui biểu hiện sự thành đạt của phận người: "Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi" (St 2,23). Như thế, ta có thể hiểu rằng, lý trí khôn ngoan chỉ là một điều kiện cần thiết để con người được tự do đi vào tình yêu thương.
Ma quỉ là kẻ chống lại Thiên Chúa, thì cũng chống lại tình thương. Chính ma quỉ đã gieo vào thế gian một yếu tố hủy hoại, yếu tố chống lại Chúa yêu thương. Ta tạm gọi yếu tố ấy là sự ích kỷ. Một cách tổng quát và căn bản, ta có thể nói được rằng : tất cả mọi tội lỗi đều là ích kỷ; và tất cả mọi nhân đức đều là yêu thương :
"Tất cả luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy" (Mt 22,40).
Tựu trung, con người được sáng tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa, nghĩa là con người thiết yếu được mời gọi sống với Thiên Chúa; nghĩa là con người có vận mạng "siêu nhiên" và chỉ có thể hoàn thành cuộc đời mình khi trở về với Thiên Chúa, khi thực hiện bản chất yêu thương đã được Thiên Chúa ghi khắc trong hữu thể của mình. Trong hiện trạng cuộc sống, tất cả vấn đề của con người có thể gồm tóm trong một cuộc đấu tranh giữa tình yêu và ích kỷ[5]. Như thế, ta cũng hiểu ra rằng sức mạnh, nguyên lý để con người sống cuộc sống này, sống bản chất và hoàn thành vận mạng của mình, không là gì khác hơn tình yêu thương.
3.2 Con người nên đẹp nhờ tấm lòng
Nếu người ta không thể từ chối được cái gì đã hoàn thành, thì người ta lại có thể "hoá giải" tính chất tệ hại của thực tại ấy bằng cách thêm vào đó những yếu tố mới. Thật ra, hoàn cảnh nào, tâm tính nào cũng có thể trở nên đẹp, khi ta biết đưa vào đó một tình yêu hoặc "một chút tấm lòng".
"Tấm lòng", đó là khả năng đón nhận người khác; hội nhập những vấn đề của người khác trong sự an hoà, bao dung, quảng đại, từ bi… Người có tấm lòng là người có khả năng "chạnh lòng thương" trước vấn đề của người khác. Hơn nữa, người có tấm lòng là người có thể "ở trong" tha nhân[6], có khả năng cảm nhận một vấn đề trong bối cảnh của cuộc sống, trong lịch sử của một con người, trong niềm liên đới và cảm thương đối với con người.
Với tấm lòng, con người vẫn luôn là mình trong chính lịch sử của mình. Nhưng nhờ tấm lòng, những tâm tính đã ăn sâu vào con người được định hướng, được thu gom trong tình yêu để hướng tới sự cảm thông và chia sẻ lẫn nhau. Với tấm lòng người ta có khả năng chấp nhận bản thân, chấp nhận cuộc đời, chấp nhận tha nhân. Tấm lòng có thể làm cho những điều giới hạn, sai sót, những tâm tính không sửa được lại có một nét độc đáo và dễ thương riêng. Nó làm cho con người tôi là tôi, và con người của tôi được hoàn trọn trong tình yêu. Với tấm lòng, người ta có còn thể chấp nhận tha nhân dễ dàng hơn; chấp nhận được cả khuyết điểm của tha nhân, chấp nhận và hướng tới một tình yêu thương vô điều kiện. Thái độ đó biểu lộ một cái nhìn minh triết : không cắt cuộc đời thành những mảnh vụn và nỗ lực uốn nắn hoặc phê phán, nhưng cảm được sự "liên lụy" và "hiệp thông" sâu xa.
Ở đây, điều quan trọng nhất không còn là nỗ lực sửa chữa theo kiểu uốn nắn, cắt tỉa, rèn luyện… nhưng là đón nhận, là chân nhận tất cả và qui hướng chung vào nguồn mạch chung, "nhuộm" chúng trong một mầu sắc chung của tình yêu thương. Hãy bỏ vào “nồi cháo” đời mình một chút “lòng”, nồi cháo ấy sẽ trở nên “ngọt”.
4. CỨU ĐỘ BẰNG TÌNH THƯƠNG
Chính vì thế, Thiên Chúa đã muốn cứu độ con người bằng cách ban cho con người một tình thương lớn lao hết hết mọi tình thương, tình thương của Đấng dám hy sinh mạng sống cho bạn hữu của mình :
"Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu"(Ga 15,13).
Tình thương lớn lao ấy có năng lực giải thoát, có khả năng cứu độ con người :
"Vì bản thân Người đã trải qua
thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách" (1 Pr 2,18).
4.1 Khởi từ việc chấp nhận chính mình
Cái "vết nứt" căn bản bên trong của những con đường tu đức chính là tâm trạng không chấp nhận chính bản thân mình; và đồng thời cũng không chấp nhận tha nhân trong những giới hạn và sai sót của tha nhân.
Chính vì không chấp nhận cuộc đời mình, nên mỗi người thường phải sáng tạo nên biết bao nhiêu chiếc mặt nạ cho mình, những chiếc mặt nạ để dùng cho những hoàn cảnh khác nhau : người ta phải tỏ ra trí thức với người trí thức và rồi cố để đừng lòi ra cái dốt của mình; người ta phải tỏ ra nghiêm túc trong công việc trước mặt người khác do vị thế “cao cả” của mình v.v... Thế là người ta phải gồng lên để che mặt nạ, để giữ mặt nạ khỏi rớt xuống để tô vẽ thêm cho mặt nạ của mình. Những chiếc mặt nạ ấy sẽ dần dần trở nên những gánh nặng nề khủng khiếp đối với tâm hồn.
Chính việc hoà giải được mình với mình, nghĩa là chấp nhận thực tại của cuộc sống, chấp nhận giới hạn và khiếm khuyết của bản thân mình, có thể thực sự mang lại sự giải thoát khỏi những gánh nặng lớn lao của cuộc đời. Khi mối bận tâm lớn của ta không còn là đeo mặt nạ, khi ta bình thản được trước những khiếm khuyết của bản thân, khi ta không bị áp lực nhiều của những lời người khác khen chê, khi ấy, ta có thể bình an và vững vàng đảm nhận chính cuộc đời mình.
Nhu cầu khẳng định chính mình là một nhu cầu căn bản và chân chính của mọi người. Tuy nhiên, bình thường người ta thường chọn cách thức khẳng định mình bằng con đường vươn lên; xác định mình bằng vị thế trong xã hội, trong cộng đoàn, trang bị cho mình thêm những kiến thức, những tài năng; và thường vui mừng khi được người khác công nhận vị thế và tài năng của mình. Con đường ấy cũng khá bình thường. Tuy nhiên, cũng rất thường, nó lại kéo theo thái độ không dám thẳng thắn nhìn vào con người thật của mình. Người ta mập mờ về khuyết điểm và thói xấu của mình; người ta đau và giận khi bị người ta khui ra khuyết điểm và thói xấu; người ta lừa dối chính mình khi luôn luôn phải bận tâm bảo vệ “hũ mắm” trong bản thân mình.
Mặt khác, chính thái độ dòm ngó nhau, đánh giá nhau dựa trên bậc thang của luân lý khiến cho người ta lại càng bảo vệ và che chắn những khuyết điểm, thói xấu của mình nhiều hơn. Trong nhiều cộng đoàn tu trì, những người có trách nhiệm và anh chị em trong cộng đoàn không thể hiện đủ một sự cảm thông và đồng hành với anh chị em của mình ngay trong chính khuyết điểm và tật xấu, nhưng lại chỉ biết đánh giá nhau trong bậc thang của sự thăng tiến như thế. Điều ấy khiến cho mỗi thành viên đều sợ, sợ người khác và sợ chính bản thân mình; và điều ấy, dĩ nhiên, lại càng thúc đẩy bản năng phòng vệ của mỗi người thêm mạnh mẽ, thêm kiên cố. Cộng đoàn như thế không thể hiện được chiều hướng của nhiệm cục cứu độ
“Ai tiếp đón một em nhỏ như em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy” (Mt 18, 5)
Như thế, thay vì tu sửa để được chấp nhận và bắt người khác phải sửa đổi để được ta chấp nhận, có lẽ ta nên chọn con đường khởi đầu từ sự chấp nhận chính bản thân mình, chấp nhận lịch sử, chấp nhận tính tình, chấp nhận chính nết xấu của mình trước đã.
Không phải ngẫu nhiên mà Thalès đã nói điều khó nhất là "biết mình"[7]; không phải vô lý mà Socrate chọn cho mình câu châm ngôn "hãy biết chính mình". Cái khó nhất ấy và cái cần thiết ấy, khi chưa làm được, người ta dễ vạy vò trong tâm hồn và gây nên bao nhiêu điều trục trặc trong cuộc sống.
Cuộc đời của mỗi người là một tấm vải. Nếu tấm vải ấy đã được may thành chiếc quần đùi thì ta hãy an vui với chiếc quần đùi đẹp của mình. Ngược lại, nếu nhìn thấy chiếc áo sơ mi của người khác đẹp hơn, ta gỡ chiếc quần đùi của ta ra để may áo; rồi lại thấy chiếc áo đầm của người kia đẹp hơn nữa, ta lại bắt đầu tháo gỡ, cắt xén và may lại cuộc đời mình theo khuôn mẫu mới. Cuối cùng cuộc đời ấy chỉ còn là chiếc giẻ rách !
4.2 Trở nên bé mọn để hoà giải mình với mình
Con đường tu sửa chân chính phải khởi đầu bằng việc nhận thức rõ những khuyết điểm của mình. Rồi nhờ xác tín Chúa chấp nhận mình, ngay khi mình còn là tội nhân, để có thể hoà giải mình với mình. Nói khác đi, nếu biết nhìn nhận cách chân thực bản thân của mình, mỗi người đều có thể nhận ra cái nghèo của mình. Như thế, tất cả mọi người đều được mời gọi phó dâng gánh nặng đời mình cho Chúa để tìm thấy được “tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” :
“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi em ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11, 25-30)
Từ đó, người ta mới có thể hoà giải với tha nhân và tìm được một mặt bằng vững chắc để, nhờ Chúa và nhờ anh em, mà vươn lên trong tình yêu, trong tu đức, trong nhân đức…. Con đường này cần được khởi đầu vững chắc bằng thái độ dám chơi đùa với chính khuyết điểm của mình. Cần chân nhận bản thân mình trong giới hạn thật của mình để thoát được thái độ né tránh hoặc "ngụy tín" (J.P. Sartre); cần thâm cảm khuyết điểm của mình để không trút sự bực dọc lên tha nhân; và hơn hết, cần "mỉa mai" với chính bản thân mình (Kierkegaard) để không dồn hết năng lực cho những lời bào chữa, những phản ứng phòng vệ vớ vẩn. Phải chăng đó cũng chính là con đường của Thánh nữ Catarina khi Ngài chủ trương rằng điểm khởi đầu của đời sống tâm linh là biết mình trong ánh sáng đức Tin ?
4.3 Nhờ Chúa Giêsu để hoà giải với chính mình
Bình thường, phương cách để hoà giải mình với mình chính là tìm được một tâm hồn trong sáng, bản lãnh, trưởng thành. Tuy nhiên, điều ấy không phải là dễ ! Chỉ có những con người cao cả, những bậc đức độ anh hùng mới có thể thực hiện được (?).
Mặt khác, hầu hết những gánh nặng cuộc đời không phải là do những thách thức “bên ngoài”, mà là gánh nặng phải mang vác chính cuộc đời mình. Những thứ gánh nặng của cuộc đời luôn bao hàm hay dính liền với gánh nặng phải mang vác chính bản thân mình, vì phải chịu trách nhiệm, vì cô đơn trong trách nhiệm, hoặc vì phản kháng lại cuộc đời… Con người ta thường trốn tránh nỗi "xao xuyến" về bản thân mình, để qui tất cả những khó khăn trong đời mình thành những nỗi “sợ hãi" về những trục trặc bên ngoài mình; và người ta phải đổ tội cho đủ thứ yếu tố xung quanh. Chính cái gánh nặng của bản thân như thế lại là yếu tố làm gia tăng gấp nhiều lần những gánh nặng bên ngoài của cuộc đời.
Nhưng nếu người ta không thể dễ dàng chấp nhận được cuộc đời mình, thì người tín hữu lại được kêu gọi để cho Thiên Chúa chấp nhận chính mình. Khi Chúa Giêsu kêu gọi những người bé mọn, “những người vất vả mang gánh nặng nề hãy đến cùng tôi”, Chúa Giêsu kêu mời mọi người sống huyền nhiệm “người nghèo của Giavê”. Đó không phải là một sự hoà giải với chính mình bằng thái độ anh hùng và sáng suốt của bản thân, nhưng là sự hoà giải nhờ nhận ra tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho mình, nhận ra thánh ý nhiệm mầu “Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn”, để cũng tìm thấy được niềm hân hoan lạ lùng như Đức Giêsu “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha”. Đây là con đường hoà giải với chính mình nhờ tương quan yêu thương, nhờ được chấp nhận.
4.4 Những mảnh đời tuyệt điệu
Có khi, đúng hơn là thường khi, một con người, chẳng mấy tốt lành hơn ai, những lại luôn buồn bực vì những thái độ của người khác. Trong khi chính mình bị phê bình, người ta vẫn không ngừng phê bình người khác; trong khi, thật ra, mình cũng chẳng hay ho gì hơn ai, người ta lại cứ luôn luôn có thể chê bai hay ít là khó chịu về những điều không hay của người khác. Ngẫm nghĩ ra ta thấy cuộc đời thật cũng lạ ! Mỗi người chúng ta đều có lúc thật "hồn nhiên" kêu ca người khác (người dưới với người trên); chửi rủa người khác (những người ngang hàng với nhau), quở mắng người khác (người trên với người dưới); có biết bao người vẫn luôn cằn nhằn, trách móc, than phiền, bực tức... về người khác, mà lại là bực tức về những chuyện mà chính mình đang vướng mắc và cũng đang làm bao người khác phải khổ tâm.
Hình như bài học "khó nhất" của cuộc đời là bài học chấp nhận người khác như là họ, một sự chấp nhận "vô điều kiện". Hình như thái độ của con người với nhau, bình thường, là thái độ đòi hỏi người khác. Mỗi người chúng ta vẫn thường làm một cuộc thi tuyển để "tuyển chọn" ra "người thân cận" của mình[8]. Cuộc thi tuyển ấy quả thật gắt gao hơn bất cứ một cuộc thi tuyển nào khác. Không dễ ai có thể vượt qua; càng không dễ có ai có thể giữ vững trình độ, giữ vững phong độ để ở lại mãi trong "trường học người thân cận" của tôi. Và có thể lắm, chính sự tuyển lựa gắt gao và cao cấp của "trường đại học người thân cận" này là nguyên nhân chính khiến cho người ta luôn thiếu "nhân sự", khiến cho đời người luôn cô đơn, khiến cho cuộc sống luôn khó chịu, khiến cho tâm hồn con người bị dằn vặt vì những nỗi khổ từ đủ phía, do mọi người. Làm sao ta có thể vừa lòng với người khác, khi mà "bệnh tật" là chuyện của con người; "cù lần" là thực chất của mọi người; mỗi người đều có cái lẩm cẩm của mình.
Nói thế, không có nghĩa là cuộc đời này không có "người thân cận" đích thực. Chúng ta vẫn có thể nhìn thấy những mối tình vượt qua "sự đòi hỏi" của lẽ thường tình để biết chấp nhận nhau, nhất là chúng ta nhận ra có một mảnh đời thật là tuyệt diệu về vấn đề này : nơi gia đình, người ta có thể học được bài học mà không dễ ở nơi đâu có được, bài học chấp nhận nhau vô điều kiện. Trong gia đình, người ta được kêu mời chấp nhận nhau vì chính con người của nhau; chấp nhận nhau vì là chồng là vợ của mình, vì là anh em một nhà. Nhất là trong trường hợp cha mẹ với con cái : cha mẹ chấp nhận đứa con của mình bất cứ giá nào. Cha mẹ muốn con giỏi, muốn con ngoan, muốn con khỏe mạnh... Nhưng nếu con yếu đau, dốt nát và khó dạy, thì chúng vẫn là con, và cha mẹ vẫn thương con của mình như một con người không thể thay thế.
Tình yêu thương vô điều kiện không phải là lòng thương hại; vì thương hại là tình thương chỉ dành cho những người đau khổ, những người nghèo hèn. Người ta thường không dễ chia vui với người khác, nhưng lại dễ chia buồn với người khác, đó là lòng thương hại. Tình yêu vô điều kiện là yêu thương người khác như là họ; họ tốt, họ gặp may lành thì ta mừng; nhưng nếu họ có cù lần, họ bê bối thì ta cũng vẫn chấp nhận họ như là người thân của mình. Nhiều người cha, người mẹ quở mắng con cái và kêu lên rằng : mong cho chúng mày đi đâu khuất mắt... nhưng khi con bị tai nạn, ngã bệnh, hoặc bị giam trong tù, thì chính cha mẹ, bình thường, là những người đau đớn hơn ai hết, tìm đến chăm sóc, xách giỏ thăm nuôi. Đây là tình yêu vô điều kiện.
Cái mảnh đời tuyệt diệu ấy khiến cho đời người bôn ba trăm nẻo vẫn còn có chốn để trở về, có nơi để tâm hồn được nương tựa; khiến cho tình mẫu tử trở nên tình cảm sâu sắc nhất của con người; khiến cho ca dao về mẹ luôn là những áng văn chương phong phú và tuyệt diệu nhất của nhân loại.
Chính kinh nghiệm được chấp nhận trong đời sống gia đình giúp con người có thể sống thật với mình, bớt thái độ phòng thủ, bớt mặc cảm, bớt “đeo mặt nạ”.... Chính kinh nghiệm được chấp nhận “vô điều kiện” như thế giúp con người thoát khỏi nỗi sợ sâu xa, nỗi sợ về bản thân mình, nỗi sợ về những mối tương quan xung quanh mình. Những nỗi sợ như thế mang dáng dấp nỗi sợ của ông Adong và bà Evà trong vườn địa đàng, và nó là căn nguyên của biết bao trục trặc trong đời sống con người.
Hình như "bí quyết" để có thể chấp nhận người khác vô điều kiện, đó là coi người khác như là "của mình"! Cha mẹ không phải là những người luôn có thể chấp nhận người hàng xóm vô điều kiện, vì người ấy chưa phải là "của mình". Nhưng dù sao, trong gia đình, đó cũng là “những mảnh đời tuyệt diệu”.
4.5 Thiên Chúa chấp nhận ta "vô điều kiện"
Nhưng mảnh đời tuyệt diệu ấy, theo thánh Phaolô, lại mới chỉ là phản ảnh, là hoa trái của tình yêu của Thiên Chúa : “Vì lý do đó, tôi quì gối trước mặt Chúa Cha, là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất” (Ep 3,14); và nếu thực sự con người cần tới tình yêu thương vô điều kiện như thế; nếu thực sự tình yêu như thế là điều quí trọng nhất trong tâm khảm con người, trong cuộc đời con người, thì chúng ta cũng có thể nghĩ rằng Thiên Chúa yêu thương và chấp nhận ta cách cao thượng, quảng đại, "vô điều kiện" hơn rất nhiều.
Chương trình giải phóng và cứu độ của Thiên Chúa, trước hết, lại chính là sự chấp nhận vô điều kiện của Thiên Chúa đối với con người, để nhờ sự chấp nhận của Thiên Chúa mà con người có thể hoà giải mình với mình; và nhờ đó mà hoà giải được với anh chị em của mình. Con đường đó chỉ có thể là con đường của tình yêu thương "vô điều kiện", qua đó Thiên Chúa chấp nhận ta, ngay trong tình trạng tội lỗi của ta.
“Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì, vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Hầu như không ai chết vì người công chính, họa may có ai dám hết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Phương chi bây giờ, chúng ta đã được nên công chính nhờ máu Đức Kitô đổ ra, hẳn chúng ta sẽ được Người cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hòa giải với Người, phương chi bây giờ, chúng ta đã được hòa giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy. Nhưng không phải chỉ có thế, chúng ta còn có Thiên Chúa là niềm tự hào, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng nay đã hòa giải chúng ta với Thiên Chúa” (Rm 5, 6-11; xc. Rm 8,31-39; 1Ga 4, 9-10;hoặcGa 15, 1-15).
Thiên Chúa yêu thương và chấp nhận ta vô điều kiện, đó là chân lý có thể mang lại sức mạnh giải thoát cho con người. Tình yêu thương như thế không có nghĩa là mù quáng, không phải là nguyên nhân của thói ỷ lại, nhưng là tình yêu thương có thể thực sự giúp con người vươn lên.
Trước hết, tình yêu thương đó làm cho con người tìm thấy bình an. Khi tôi được quí mến và được khen ngợi vì tài năng hay đức tính của mình, tôi biết rằng thế nào cũng có lúc tôi bị chê bai; vì tôi không thể nào giữ mãi được "phong độ" của mình, như một cầu thủ, như một đội bóng không thể nào mãi mãi ở đỉnh cao của tài năng. Nhưng nếu tôi được chấp nhận ngay khi tôi cù lần, ngay khi tôi ở trong vũng lầy, tôi biết rằng tôi được chấp nhận "vô điều kiện". Khi đó, không phải đức tính của tôi được chấp nhận, nhưng là chính con người của tôi.
Sự chấp nhận của Thiên Chúa như thế còn mang lại sự giải thoát cho con người khỏi nỗi cô đơn, thứ cô đơn đã tạo nên biết bao hậu quả tai hại trong cuộc sống con người, thứ cô đơn làm cho con người đeo mặt nạ, luôn phải gồng mình "tỏ ra" mình thế này thế kia; luôn phải cố gắng "chọn một lập trường" khác với người khác, thứ cô đơn làm cho con người phải lo lắng để có thể được người khác chấp nhận.
Hơn nữa, sự chấp nhận của Thiên Chúa có thể giúp người ta vượt qua được một thứ cô đơn mang tầm mức "siêu hình", vốn là "gia sản" của thân phận của con người bị cắt đứt khỏi tình yêu, bị thống trị trong tình trạng tội lỗi. Đây không phải chỉ là một sự cô đơn tâm lý, do thiếu sự hiện diện của người khác, nhưng là thứ "cô đơn" vì phải một mình chịu trách nhiệm về vận mạng đời mình.
Con người phải làm chủ chính mình và phải đảm nhận cuộc đời mình, phải chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình, phải bước đi bằng đôi chân của mình... Không ai có thể sống dùm, chịu trách nhiệm dùm cho "cái tôi" này cả. Điều đó là thật ! Quá thật ! hết sức đúng với thân phận con người ! Nhưng đó cũng là giới hạn căn bản của con người, giới hạn "siêu hình" của con người, giới hạn làm nên nguồn gốc mọi trục trặc trong đời sống của con người. Bởi vì con người, tự bản chất, là tình yêu, là tương quan; và con người luôn "nghe" trong căn cốt của mình lời kêu gọi thống thiết : sống tương quan với người khác, trở nên một với chính Thiên Chúa, là hình ảnh Thiên Chúa Ba ngôi đã được ghi khắc trong tâm hồn của mình.
Trong tình trạng cô đơn, nếu con người có cố gắng hết sức, thì cũng chỉ có thể thể hiện được hình ảnh một người anh hùng cô đơn theo kiểu "chủ nghĩa anh hùng"; đó là thái độ can đảm chấp nhận căn bản chính "thân phận dở dang" của kiếp người. Điều đó, phải chăng, là nét cao cả nhất của "chủ nghĩa nhân bản"? Nhưng, nét cao cả đó, đồng thời, cũng là nét bi tráng nhất của thân phận con người.
Những lời của Thánh Phaolô cho thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa đâu phải chỉ là sự trợ giúp bên ngoài, đâu phải chỉ là xuê xoa tình trạng khốn khổ của con người, những còn là một sự liên đới trách nhiệm ngay trong ngôi vị của con người; đó là hồng ân mà chúng ta đã được lãnh nhận trong bí tích Thánh Tẩy.
Thiên Chúa chấp nhận con người cách “vô điều kiện”, không có nghĩa là Ngài bằng lòng với tình trạng tội lỗi của con người. Ngược lại, chính kinh nghiệm được chấp nhận lại là một sức mạnh căn bản để con người sống theo đường lối và giới răn của Chúa, và chắc chắn cũng là nền tảng "nhân học" để thực hiện vận mệnh đời người. Thói ỉ lại xuất hiện do một thứ "tự do" phóng túng, coi thường và lạm dụng tình yêu của tha nhân, chứ không thể nào là hoa trái của tình yêu.
KẾT
Có lẽ chính vì phải "chọn lựa" những con người cù lần cho nên Chúa phải thức suốt đêm. Nếu cần chọn lựa những người ngon lành, thì Chúa chỉ cần một giờ là đủ. Nhưng trong mầu nhiệm tuyển chọn này, Chúa Giêsu đã cầu nguyện suốt đêm, vì tuyển chọn tức là chấp nhận, là chấp nhận vô điều kiện, tức là yêu thương cả những gì cù lần nơi các ông ấy; và đó mới là mầu nhiệm tuyển chọn trong tình yêu thương đích thực. Trong nhiệm cục cứu độ, Đức Giêsu không chỉ nêu lên những giá trị mới, Ngài còn thay đổi chính nguyên lý cứu độ.
Tội lỗi không thể làm cho người ta bị Thiên Chúa ghét, nhưng lại càng trở nên đối tượng được Thiên Chúa quan tâm hơn. Người chăn chiên dám bỏ chín mươi chín con khác để đi tìm con chiên lạc cơ mà. Chỉ có những đứa con “hoang đàng” không muốn trở về nhà, trốn chạy việc tìm kiếm của Thiên Chúa mới bị loại trừ.
Như thế, xác tín mầu nhiệm tuyển lựa của Thiên Chúa, chúng ta cũng nhận được sức mạnh để biết chấp nhận tha nhân nhiều hơn. Sống mầu nhiệm tuyển chọn của Thiên Chúa trong cuộc đời nghĩa là cảm thông cuộc đời, cả trong tính cách cù lần cù lèo của nó; cảm thương cho cuộc đời con người, cũng như cảm thương cho chính cuộc đời mình.
Nhận ra sự bất lực của con người không có nghĩa là rơi vào tuyệt vọng. Việc nhận ra sự bất lực ấy, đối với người Kitô hữu, là cánh cửa mở ra với ơn cứu độ của Thiên Chúa, là bước đường để đón nhận với hết lòng trân trọng sự chấp nhận vô điều kiện của Thiên Chúa một cách sung mãn. Có thể nói được rằng, nét đặc trưng của kinh nghiệm cứu độ Kitô giáo là : "Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh" (2 Cr 12,10b).
Chúng ta có thể thấy trong kinh nghiệm của Têrêsa Hài Đồng Giêsu, qua sự trình bầy của cha Bernard Bro, một lời chứng hùng hồn về “huyền nhiệm” chấp nhận mình nhờ được Thiên Chúa chấp nhận :
“Sự say mê khao khát Đấng-Là-Tất-Cả, giữ mình không vương tội nhơ, hy sinh tuổi thanh xuân trong dòng tu chiêm niệm, trải qua một cuộc đời khắc khổ để rồi chìm vào đêm tối của hư vô ! Thử hỏi ai có thể kham nổi một lộ trình như thế ?
Đối với Têrêsa, giờ của sự thật đã điểm để chị đảo ngược tất cả :
“Chúa chỉ cho tôi được nhìn thấy chân lý“ (C.J., 4.8.3). “Than ôi, tôi vẫn đứng nguyên tại chỗ như trước kia, không tiến lên được chút nào. Tuy nhiên, tự nhủ như vậy mà lòng tôi vẫn hòa dịu, không phiền muộn. Nhận thấy mình yếu đuối hèn mọn là điều êm ái biết bao” (C.J., 5.7.1).
Tê-rê-xa đã khám phá ra khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa trong con người Đức Giêsu Kitô, Người đến với ta trong dáng vẻ yếu đuối, và như một kẻ hành khất, chờ mong được chúng ta tin cậy. Chị biết đã đến lúc phải cậy trông một cách toàn diện. Không phải để làm điều gì tốt, mà là để chấp nhận mình bị vượt qua mãi mãi bởi tình yêu vô biên đang ở trước mặt chị.
Đối với chị cũng như đối với người trộm lành, đối với thánh Phêrô, người phụ nữ Sa-ma-ri, cũng như đối với lớp người nghèo hèn và những kẻ tội lỗi, bước tiến vạn nan đã trở thành bước tiến dễ dàng (le pas de l' impossible est possible). Chính niềm tin đã kéo những cái tưởng là quá xa vời vào trong tầm tay của chúng ta.
Thái độ chấp nhận đau khổ mà lòng không chua xót, chấp nhận bị đè bẹp bởi mệt mỏi, bất tài, bất lực, và có lẽ bởi tội lỗi nữa, thái độ ấy là con đường dẫn đến tinh thần khó nghèo được Thiên Chúa ban cho mọi sự.
Trong một lúc Tê-rê-xa phá vỡ khá nhiều uy hiếp từ bao thế kỷ đã bóp nghẹt Kitô giáo trên đường phát triển, chúng từng đè nặng trên chúng ta từ thời Giáo hội nguyên thủy.
Nhiều thế hệ đã ngộ nhân rằng : hễ là tín đồ Đức Kitô thì bắt buộc phải oai hùng, phải thiện hảo, phải luyện cho mình lòng sắt đá giống bậc thần linh, noi gương trường phái khắc kỷ Hy Lạp hay Rô-ma... phải thiện hảo mới đến gần được Thiên Chúa. Mẫu người đó tất nhiên là cao quý, nhưng không đúng với tôn chỉ Tin Mừng.
Tê-rê-xa lớn tiếng cải chính ngộ nhận đó. Con đường nhỏ hẹp của thánh nữ mở ra, đón mời tất cả mọi người, từ người khao khát hy vọng cho đến kẻ tuyệt vọng. Thử thách của số mệnh có thể trở nên con đường băng qua đêm dài đen tối tiến ra ánh sáng, con đường của niềm tin, con đường tìm thấy Thiên Chúa.
Những đặc ân xưa kia xem như dành riêng cho tầng lớp được ưu đãi, cho những nhà thần bí được người đời trọng vọng, nay chị Têrêsa cho chúng ta thấy những diễm phúc đó được Thiên Chúa đề nghị ban phát cho khắp cả mọi người. Chính thế, lo âu, sợ hãi, cám dỗ, mệt mỏi của anh chị em, tất cả gánh nặng đó có thể trở nên con đường của Thiên Chúa.
Ở đây, Têrêsa gặp những kẻ nghèo khó nhất, tay trắng nhất, sa đọa nhất trong chúng ta, những kẻ mất hết điểm tựa. Đồng thời chị cũng gặp những người làm cách mạng lớn nhất, nhưng kẻ nổi loạn lớn nhất, những người chỉ muốn trông cậy vào sức riêng họ mà thôi”
Bernard Bro O.P. Niềm Cậy Trông Bất Khuất; bản dịch của An-tôn Lê Văn Lộc, trang 170-172.
|