HOME

    
 

“ĐẠO” THIÊNG LIÊNG


1. VÀI HIỆN TƯỢNG


1.1 Đức Tin tách rời cuộc sống

Chắc hẳn chúng ta đã từng được nghe những lời phàn nàn của những người trẻ về đời sống đạo của cha mẹ và những người lớn tuổi, phàn nàn về một đời sống đạo đọc kinh, đi lễ nhiều nhưng lại chẳng có chút biến đổi gì trong cuộc sống đời thường. Những lời phàn nàn ấy không phải là không có lý. Đối với những người trẻ, đời sống thực quan trọng hơn những giá trị thiêng liêng và chính chứng tá của đời sống thực mới có sức thuyết phục.

Cùng trong chiều hướng ấy, chúng ta cũng có thể dễ dàng nghe thấy một số người tân tòng, tin đạo cách chân chính, cảm thấy ngạc nhiên về đời sống Đức Tin của những người “đạo gốc”, một đời sống đạo không biểu lộ được một sự an vui, ít thể hiện thành đời sống bác ái yêu thương…

Chúng ta có thể đọc được nơi những triết gia vô thần nhân bản, những nhà văn nặng lòng với cuộc đời rất nhiều lời phê bình tôn giáo ở khía cạnh này. Nhà văn Đức Bertolt Brecht (1896-1956) có lần nói đại khái rằng : khi tôi chết tôi không cần chết một cách lành thánh, nhưng là từ giã một thế giới đã lành thánh hơn. Cũng thế, triết gia Anh Bertrand Russell (1872-1970) không phải là vô lý hoàn toàn khi phê bình tôn giáo, đặc biệt Kitô giáo rằng :

“... Đế quốc La Mã sụp đổ, nhưng các linh mục trong Giáo hội có quan tâm tới cái đó đâu. Họ chỉ lo làm sao phụ nữ giữ được trinh khiết thôi. Cái đó đối với họ mới là quan trọng (...). Ngày nay nhân loại cũng đang sụp đổ và tôi thấy nhiều giáo sĩ địa vị rất cao chỉ nghĩ tới vấn đề làm sao ngăn được sự thụ thai nhân tạo; họ cho việc đó quan trọng hơn nhiều việc ngăn ngừa thế giới nó sẽ tiêu diệt nhân loại không còn lấy một mạng. Theo tôi, họ như thiếu ý thức về cân xứng, cái quan trọng thì cho là tầm thường và ngược lại”[1].

Lời phê bình ấy quả thực có phần bất công hoặc chỉ hoàn toàn đúng với bầu khí Giáo hội trong quá khứ. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy nơi đây có phần sự thật, sự thật về nét “thiếu ý thức về cân xứng”, nhất là tại Giáo hội Việt Nam. Có lẽ Giáo hội Việt Nam cũng cần đối diện với những nhà vô thần nhân bản chân chính…

Dĩ nhiên, chúng ta hiểu rằng cộng đoàn Kitô hữu, chính yếu, không phải là cộng đoàn những người đức độ, nhưng là cộng đoàn những người được cứu độ. Chẳng nên so sánh “trình độ đạo đức” của một người Kitô hữu với một người ngoài Kitô giáo để khẳng định kết luận đạo nào là đúng hơn; chẳng những vì “khởi điểm” của hai người ấy khác nhau, nhưng còn vì hệ thống giá trị trong mỗi tôn giáo cũng có nhiều khác biệt. Tuy thế, một đời sống của những con người được cứu độ chắc chắn không phải chỉ là có một đời sống thiêng liêng, với những sinh hoạt tôn giáo và những giá trị thiêng liêng chỉ dành cho cuộc sống mai sau. Đời sống đức Tin thiết yếu phải sinh hoa trái trước tiên ở đời này, trong đời sống nhân bản và phải góp phần biến đổi cuộc sống nhân sinh. 


1.2 Đức Tin chỉ biểu lộ nơi sinh hoạt phượng tự

Những người Kitô hữu tây phương mới tới Việt Nam chắc hẳn phải trầm trồ khen ngợi về sinh hoạt đạo sầm uất của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Tính chất sầm uất ấy giờ đây cũng lan đến cả những Giáo hội Âu Mỹ, qua những cộng đồng người Việt di tản. Người Công giáo Việt Nam đi đến đâu đều làm cho những sinh hoạt tôn giáo phát triển : lễ lạy, đọc kinh, xưng tội, xây dựng nhà thờ và ơn gọi tu trì đông đảo… Trong khi đó, sinh hoạt đạo nơi những nước Kitô giáo kỳ cựu của Tây phương càng ngày càng trở nên èo uột, trở nên đạo của trẻ con và những ông bà già…

Tuy nhiên với một hướng nhìn khác, chúng ta lại có thể nhận thấy rằng : đời sống đức Tin nơi những người Kitô hữu Việt Nam triển nở phong phú nơi sinh hoạt đạo, thì lại rất ít trổ sinh hoa trái trong đời sống nhân bản, trong đời sống bác ái thường ngày. Ngược lại, “đức Tin” nơi nhiều Kitô hữu tại các nước Âu Mỹ Tây phương, tuy không, hoặc ít triển nở trong sinh hoạt thuần túy tôn giáo, sinh hoạt hoạt phượng tự, nhưng nói chung và với một số người, lại triển nở nhiều hơn trong những giá trị nhân bản.

Nếu phải lựa chọn một trong hai thứ hoa trái ấy, sinh hoạt đạo và những giá trị nhân bản, chúng ta sẽ lựa chọn điều nào ?

Dĩ nhiên, Kitô giáo không thể được coi như một thứ “đạo tại tâm”, nhưng nhất thiết bao hàm sự gặp gỡ, liên đới, gặp gỡ với Đức Giêsu và với anh chị em của mình; và đó sự hiệp trong niềm Tin chứ không phải chỉ ở mức độ những giá trị nhân bản. Ngược lại, đức Tin cũng chẳng phải là một thế giới thuần tuý “thiêng liêng” chẳng dính dáng gì đến trần thế, nhất là trong lãnh vực những giá trị nhân bản chân chính. Tinh thần trần tục hóa tại cái nước tây phương Kitô giáo khiến cho người ta không còn quan tâm đến sinh hoạt tôn giáo. Chúng ta có thể dự đoán tinh thần trần tục, chẳng bao lâu nữa, cũng sẽ lan tràn trên đất nước Việt Nam và sẽ thấm nhiễm sâu xa vào những thế hệ con em chúng ta. Liệu chừng khi ấy, đời sống đức Tin theo kiểu “đạo sinh hoạt“ tại Giáo hội Việt Nam sẽ còn lại những gì ?


1.3 Coi thường giá trị trần thế

Từ cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX, bầu khí trong Giáo hội đã có nhiều quan tâm đến sinh hoạt trần thế và những hiệp hội “Công giáo tiến hành” phát triển mạnh mẽ. Công đồng Vatican II xác nhận hiện tượng ấy bằng việc mở cửa ra với thế giới, can dự vào những vấn đề căn bản của cuộc sống con người; đồng thời cũng khám phá lại nền tảng thần học về phẩm giá và vai trò của người giáo dân, đặc biệt trong sứ mệnh trần thế.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, hình như vấn đề vẫn mới chỉ được triển nở ở phần ngọn. Người giáo dân được đề cao trong những sinh hoạt tông đồ, người giáo dân chủ động hơn trong trách nhiệm đối với giáo xứ. Thế nhưng, trách nhiệm cụ thể trong đời sống gia đình và sứ vụ “làm đẹp bộ mặt trần gian” vẫn là một điều xa lạ. Người giáo dân Việt Nam vẫn không được giúp để nhận ra giá trị của sứ vụ “có tính trần thế”[2] trong ơn gọi của mình, như Công đồng Vatican II xác định. Người giáo dân chỉ được khuyến khích để cộng tác với linh mục và tu sĩ trong những sinh hoạt tôn giáo, và trong lãnh vực này, vai trò người giáo dân vẫn luôn luôn là phụ thuộc, luôn luôn là những người không đủ uy tín, do vị thế giáo dân của mình. Ngay hiện tượng phong phú ơn gọi tu sĩ và linh mục ở Việt Nam, thật ra, cũng là biểu hiện của một quan niệm về bậc thang xã hội hoặc một thứ bậc giá trị, giá trị thiêng liêng cao hơn giá trị trần thế, hơn là sự lựa chọn dâng hiến cuộc đời cho Chúa trong sự liên đới sâu xa với con người và cuộc sống con người.

Lý do có lẽ là não trạng chung của người Kitô hữu Việt Nam chưa thấm nhuần ý nghĩa “giá trị trần thế” trong nhiệm cục cứu độ cánh chung mà Công đồng Vatican II đã xác định. Do đó, việc đề cao vai trò giáo dân mới chỉ là mời gọi giáo dân cộng tác với giáo sĩ và tu sĩ chứ chưa giúp giáo dân nhận ra vị thế của mình trong Giáo hội; mới chỉ là khuyến khích nghề tay trái chứ chưa giúp giáo dân sử dụng chính ngành nghề chuyên môn của mình để góp phần xây dựng Nước Chúa[3]qua chính công việc trần thế của mình. Chiều hướng ấy đưa đến hậu quả là người giáo dân đạo đức vẫn chỉ biết đua nhau tham gia công tác nhà thờ chứ ít nhận ra con đường nên thánh trong trách vụ hằng ngày; người giáo dân sốt sắng chỉ mới nhận ra trách nhiệm của mình đối với sinh hoạt nhà thờ chứ ít nhận ra trách nhiệm của mình đối với thế giới, đối với xã hội, đối với gia đình, đối với những tổ chức và sinh hoạt trần thế chung quanh mình. Trong sinh hoạt đạo, người giáo dân luôn luôn đóng vai trò tuỳ phụ, phục tùng; chính điều này khiến cho Giáo hội Việt Nam không làm sáng lên được nét bình đẳng về phẩm giá và trách nhiệm riêng của mọi người Kitô hữu[4].


1.4 Bầu khí “thiêng liêng”

Hình như, nói chung, trong Giáo hội Công giáo việt Nam, niềm tin vào Chúa và đời sống đạo, vẫn là một gánh nặng cho cuộc sống hơn là một sự nâng đỡ, vẫn là một sự ràng buộc hơn là một ơn giải thoát thực sự. Hình như người Kitô hữu sống đạo theo kiểu phải trích một phần hoa trái của đời sống hiện tại (và do đó cảm thấy mất mát) để góp phần “đóng bảo hiểm” cho một thế giới sau khi chết, một cuộc sống mà bây giờ ta chưa cảm được gì, một gia sản mà hiện tại ta chưa “xài” được. Nói rõ ra, chính vì nỗi sợ hoả ngục, sợ Chúa mà người Kitô hữu phải ráng giữ đạo, chấp nhận những đòi buộc của tôn giáo trong một tâm tình “chịu vậy”. Tôn giáo như thế chẳng qua là một thứ “gia sản thiêng liêng”, thuần túy thiêng liêng để xài cho cuộc sống mai sau chứ không ảnh hưởng gì đến tình tự cuộc sống hôm nay. Cách sống đạo như thế khiến cho người giáo dân rơi vào tình trạng “một cổ hai tròng”.

Chúng ta cũng có thể gặp không ít những vị bề trên rất an ổn lương tâm khi hành xử quyền bính cách nào đó khiến cho người tu sĩ trở nên sợ sệt, nhát đảm, gian dối, và thui chột bao nhiêu năng lực đời người. Chúng ta có thể thấy nhiều tu sĩ cảm thấy tiếc và không dám từ bỏ đời sống tu trì, cho dù thấy mình không thích hợp, cho dù đời sống tu đối với họ không có ý nghĩa, cho dù trong đời tu nhân cách của họ trở nên dúm dó, méo mó đáng thương; chúng ta có thể thấy nhan nhản những linh mục làm khổ giáo dân để đổi lại cho họ một số giá trị thiêng liêng; chúng ta có thể thấy một số người tân tòng cảm thấy nặng nề và sợ hãi sau khi học biết giáo lý; chúng ta cũng có thể gặp thấy không ít những linh mục, tu sĩ rất trung thành tận tụy với những sinh hoạt thiêng liêng và an ổn với những sinh hoạt ấy như một “đời sống tâm linh” vững chắc, thế nhưng lại quá dễ dàng bị buồn tủi vì một xúc phạm nhỏ, hoặc có thái độ hết sức phòng vệ, hết sức chủ quan, biểu hiện rõ một sự thiếu hụt trong mối tương quan thông thoáng và thân tình với Chúa Giêsu, mà một đời sống tâm linh đích thực không thể không có …, tất cả những điều kỳ lạ ấy được bảo vệ, được bao bọc vững chắc, được hóa giải một cách hợp lý và được chấp nhận nhờ một bầu khí của những giá trị thiêng liêng, những ơn ích thiêng liêng.

Chắc hẳn có nhiều người phản đối nhận định ấy. Tuy nhiên tôi vẫn thấy không làm sao có thể nối kết một cách thuyết phục về những “ơn ích thiêng liêng” mà Giáo hội vẫn rao truyền với một đời sống không có sự triển nở thực sự về nhân bản. Có một khoảng cách khá lớn giữa những sinh hoạt đạo đầy dấu chỉ biểu lộ ân sủng, so với cách sống thực tế của những người Kitô hữu, hoặc ngay cả của những linh mục, tu sĩ …, những cách sống còn đầy rẫy tật xấu, và nhất là cách sống đã “an ổn” trong những tật xấu. Khoảng cách đó khiến cho người ta, hoặc chỉ còn có thể nhắm mắt để tin rằng những ân sủng “thiêng liêng” ấy thực sự đang biến đổi tâm hồn con người…, hoặc hóa giải hố thẳm đó bằng cách gán cho những ân phúc thiêng liêng một giá trị duy nhất còn lại, giá trị luật pháp, giá trị làm giảm bớt tội hình cho cuộc sống sau khi chết; một đời sống đạo chỉ còn là để “cứu rỗi các linh hồn”.


2. VÀI NHẬN ĐỊNH


2.1 Đời sống thiêng liêng Kitô giáo
[5]

Những suy tư cũng như cách thức thể hiện đời sống thiêng liêng[6] hay đời sống tâm linh Kitô giáo chịu sự tác động của hai nguồn mạch khác biệt, nếu không muốn nói là đối lập nhau trong nhiều khía cạnh : truyền thống Hy Lạp và truyền thống Sê-mít.

Trong truyền thống triết học Platon, “tinh thần” có nghĩa là đối nghịch với vật chất. Tinh thần không những siêu việt hơn vật chất, nhưng tinh thần còn cần phải được giải thoát khỏi vật chất để có thể trở nên cao cả, siêu thoát và thể hiện nét thuần túy tinh thần. Thân xác được cấu tạo nên từ vật chất và sinh hoạt trong những điều kiện vật chất, nên chẳng những không dự phần chút nào vào lý tưởng cao cả của đời người, mà còn gây phương hại cho đời sống tinh thần đích thực. Đời sống tinh thần như thế được dành riêng cho những người có thể sống vượt trên những lo toan của đời sống vật chất và từ đó mới có thể hoàn toàn dấn thân cho những thế giới tinh thần, cho sinh hoạt của lý trí, cho thái độ chiêm niệm.

Quan điểm này đã ảnh hưởng rất sâu trong Giáo hội và trở nên một linh đạo chính yếu cho đời sống thiêng liêng Kitô giáo. Vượt trên đời sống luân lý như một mức độ tối thiểu của đời sống đức Tin, những ai muốn đi sâu hơn vào đời sống thiêng liêng phải đi vào con đường tu đức [7], con đường siêu thoát, con đường của tránh xa những lo toan trần thế để sống sung mãn hơn đời sống nội tâm. Tuy nhiên, con đường tu đức như thế, những người sống giữa trần gian, những người giáo dân, nhưng người bận bịu với công việc gia đình, những người lãnh trách nhiệm trần thế… sẽ không thể vươn tới được.

Thánh Kinh, theo truyền thống Sê-mít, cho chúng ta thấy có một nguồn mạch khác hẳn về đời sống thiêng liêng. Người tín hữu được kêu gọi sống theo tinh thần của Chúa. Người sống theo tinh thần của Chúa (Thần Khí) sẽ sống dưới tác động của của Thiên Chúa, sống phù hợp với những điều Chúa muốn, họ thuộc về thế giới của Thiên Chúa. Tinh thần của Chúa đến với con người và làm cho con người suy nghĩ, hành động, ứng xử như Thiên Chúa. Ngược lại, người không sống theo tinh thần của Chúa nhưng theo tinh thần của riêng mình, hoặc theo tinh thần thế gian, sẽ suy tính và hành động theo sự độc lập, đóng kín của bản thân, theo những nguyên tắc khôn ngoan của trần thế.

Như thế, tinh thần của Chúa không đối lập với vật chất nhưng đối lập với “xác thịt” [8], tức những gì là thấp hèn của thế gian. Tinh thần của Chúa không đương nhiên phù hợp với tinh thần của con người và chống lại thân xác cũng như sinh hoạt vật chất của con người, nhưng Tinh thần của Chúa có khả năng thúc đẩy tinh thần con người cũng như sử dụng thân xác và những sự vật vật chất để thực hiện chương trình của Ngài. Ở đây không còn vấn đề đương nhiên khinh dễ thân xác và đương nhiên ca tụng tinh thần của con người; nhưng tất cả tinh thần và thân xác con người cần phải hoán cải, cần buông mình theo luồng gió của Thánh Thần. Do đó, đời sống thiêng liêng, theo nghĩa căn bản, không còn có nghĩa là xa lánh thế gian và những bận rộn của cơm áo, gạo tiền, nhưng là sẵn sàng với tiếng nói của Thiên Chúa.

Cách phân biệt của triết học theo đường hướng Platon lấy tiêu chuẩn là bản chất sự vật, là tinh thần hay vật chất; đức tính chính yếu của nẻo đường này là siêu thoát khỏi vật chất. Ngược lại, cách phân biệt của truyền thống Do Thái – Kitô giáo lấy mối tương quan chân thật với Chúa là trung tâm để phân biệt những gì chân chính và những gì giả hình; đây là cặp đối lập giữa những gì thể hiện mối tương quan chân thành giữa Thiên Chúa với con người, so với thái độ chống đối Thiên Chúa hoặc những mối tương quan cứng đọng trong nghi thức, trong lề luật, trong khuôn mẫu hoàn thiện…. Do đó, đức tính chính yếu của đời sống tâm linh Kitô giáo là thái độ trung tín; hoặc diễn tả cách khác, đó là thái độ không ngừng sám hối, tỉnh thức, sẵn sàng, xin vâng trước lời mời gọi của Chúa.


2.2 Đặt vấn đề ở mức độ giá trị

Ngay từ đầu, cộng đoàn Kitô hữu nhỏ bé đầu tiên đã phải đối diện, hoặc đúng hơn phải đấu tranh với những thế lực khổng lồ, trước tiên là đế quốc Roma, nhưng sâu xa hơn đó chính là hệ thống triết học Hy La thời ấy. Trong cuộc đấu tranh này, Giáo hội đã tiếp thu, thích ứng, biến đổi nhiều yếu tố của nền triết học “ngoại giáo”, đồng thời cũng tìm cách tự giải thích mình trong bầu không khí triết học ấy.

Cùng với niềm mong ước cánh chung siêu thoát trong Giáo hội của những thế kỷ đầu bị bách hại, chính học thuyết Platon, nhất là tân-Platon, đã thâm nhập vào Giáo hội và tạo nên bầu khí duy linh. Cho dù tư tưởng của Thánh Thomas đã tạo một nền tảng triết học và thần học theo học thuyết Aristote, vốn tôn trọng trần thế, nhưng tinh thần duy linh và siêu thoát ấy vẫn ảnh hưởng sâu xa trong nhiều lãnh vực, nhất là lãnh vực tu đức. Thời Trung cổ, người ta phân biệt con người thiêng liêng (tu sĩ và giáo sĩ) với con người xác thịt (giáo dân); nỗ lực chính của đời sống đạo là xa lánh ma quỉ, thế gian và xác thịt; thế giới này được nhìn như vũng lầy nước mắt, những nỗ lực xây dựng cuộc sống hiện tại không được trân trọng cho đủ…, tất cả những điều đó vẫn tồn tại cho đến Công Đồng Vatican II, và cho tới hiện nay, nơi đời sống đạo của người Công giáo Việt Nam. Những điều đó làm nên một thứ giá trị thiêng liêng, cao quí hơn và thường khi đối lập với những giá trị nhân sinh trong cuộc sống trần gian[9].

Không thể phủ nhận những nỗ lực và những thành công của Giáo hội Việt Nam. Tuy nhiên, theo tôi, những nỗ lực ấy chưa đụng đến nhiều tầng sâu của nhân cách chân chính của con người : mức độ giá trị. Nhiều người tín hữu Kitô giáo Việt Nam là những người thành tâm thiện chí, nhưng đã không được giúp để thấy những giá trị Tin Mừng, nhưng giá trị có tầm mức Cánh Chung của sứ điệp Kitô giáo và đã sống đời sống luân lý Kitô giáo với “nhân đức chịu vậy”[10]. Cũng thế, ảnh hưởng của Công Đồng Vatican II tại Giáo hội Việt Nam chưa được triển khai đến mức độ tạo nên những giá trị căn bản cho đời sống Đức Tin, nhưng mới dừng lại ở những bài học kiến thức và trong việc đổi mới hoạt động. Do đó, ngoài những bài học và những hoạt động mới, chúng ta lại thấy nhan nhản những hành vi, những thái cử, những bài giáo huấn … đầy tính cách tiền-công-đồng.

Có lẽ cần làm sáng lên khía cạnh “giá trị trần thế” mà Công Đồng Vatican II đã nêu lên, đặc biệt trong Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng. Lời khẳng định mở đầu của Hiến Chế có thể toát lược toàn bộ giá trị này :

“Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai sầu khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (MV 1).

Sau một thời gian dài Giáo hội chống lại trào lưu trần tục hóa và chống lại Duy tân thuyết với những lời kết án, Công Đồng Vatican II muốn mở cánh cửa để cho căn phòng Giáo hội thêm thoáng khí và để đón nhận, yêu thương, phục vụ con người.

Công đồng nhìn nhận tính độc lập hợp pháp của thực tại trần thế : “Nếu sự độc lập của các thực tại trần thế có nghĩa là các tạo vật và các xã hội đều có những định luật và những giá trị riêng mà con người phải khám phá dần dần, xử dụng và điều hòa, thì đòi hỏi một sự độc lập như thế là một việc hoàn toàn chính đáng : đó là điều không những người đương thời đòi hỏi mà còn phù hợp với ý muốn của Tạo Hóa” (MV. 36 b), tuy vẫn không quên nhắc nhở rằng “quên mất Thiên Chúa, mọi tạo vật đều trở nên mờ tối” (MV 36c). Hơn nữa, chính việc làm đẹp bộ mặt trần gian thuộc về trách nhiệm của niềm Tin :

“Chúng ta được cảnh giác là lời lãi cả thế gian mà chính mình hư mất nào ích lợi gì. Nhưng sự trông đợi trời mới đất mới không được làm giảm suy, trái lại phải kích thích nỗ lực phát triển trái đất này, nơi mà Thân thể gia đình nhân loại mới đang tăng trưởng và tiên báo một vài hình ảnh của thời đại mới” (MV 39b).

Những điều đó không phải chỉ là những lời khuyên đạo đức nhất thời, hoặc một cách ứng xử trong một hoàn cảnh đặc thù, nhưng là một não trạng mới, một giá trị của thời đại mà người Kitô hữu hậu Công đồng không thể bỏ qua hay từ chối.


2.3 Nguy cơ tách lìa đức Tin và đời sống thường ngày

Hiến chế Mục Vụ nhận định rằng một trong những nguy cơ lớn nhất của thời đại chính là thái độ tách lìa đức Tin và đời sống thường ngày :

Sự trợ giúp mà Giáo hội cố gắng nhờ các Kitô hữu mang đến cho sinh hoạt nhân loại 47*. Công Đồng khuyến khích các Kitô hữu, công dân của cả hai đô thị, hãy nỗ lực và trung thành chu toàn những bổn phận trần thế của họ dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm. Thực sai lầm cho những ai biết rằng chúng ta không có một quê hương trường tồn ở trần thế nhưng phải kiếm tìm một quê hương hậu lai, mà lại tưởng rằng mình có thể xao lãng các bổn phận trần gian 13, như thế là không nhận thấy chính đức tin buộc phải chu toàn các bổn phận đó hoàn hảo hơn, mỗi người tùy theo ơn gọi của mình 14. Ngược lại, cũng sai lầm không kém đối với những ai nghĩ rằng có thể dấn thân hoàn toàn vào các sinh hoạt trần thế như thể các sinh hoạt ấy hoàn toàn xa lạ với đời sống tôn giáo, vì cho rằng đời sống tôn giáo chỉ hệ tại những hành vi phụng tự và một vài bổn phận luân lý phải chu toàn. Sự phân ly giữa đức tin mà họ tuyên xưng và cuộc sống thường nhật của nhiều người phải kể vào số những sai lầm trầm trọng nhất của thời đại chúng ta. Và gương mù này ngay trong Cựu Ước các Tiên Tri đã mạnh mẽ tố cáo 15 và trong Tân Ước chính Chúa Giêsu Kitô còn ngăm đe nhiều hơn nữa bằng những hình phạt nặng nề 16. Vậy, không được tạo đối nghịch giả tạo giữa sinh hoạt nghề nghiệp và xã hội với đời sống tôn giáo. Đối với Kitô hữu, xao lãng bổn phận trần thế tức là xao lãng bổn phận đối với tha nhân và hơn nữa đối với chính Thiên Chúa, khiến phần rỗi đời đời của mình bị đe dọa. Theo gương Chúa Giêsu đã sống như một người thợ, các Kitô hữu hãy vui mừng vì có thể thi hành mọi sinh hoạt trần thế mà đồng thời có thể liên kết trong một tổng hợp sống động duy nhất: các cố gắng nhân loại, gia đình, nghề nghiệp, khoa học hay kỹ thuật với các giá trị tôn giáo. Dưới sự điều hướng tối cao của các giá trị tôn giáo này, mọi sự được qui hướng về vinh quang Thiên Chúa. (MV 43a).

Thái độ tách rời này không là gì khác hơn hệ quả của một lối nhìn theo quan điểm duy linh, trong đó, chỉ những gì thiêng liêng mới có giá trị. Ngược lại, thái độ gắn liền đức Tin và cuộc sống thường ngày chính là nhìn nhận chủ quyền của Thiên Chúa trên tất cả mọi sự; và nhận rằng trách nhiệm của con người trong công cuộc trần thế cũng chính là trách nhiệm do đức Tin đòi hỏi.


2.4 Nhìn lại một chút về nguồn mạch luân lý

Truyền thống Do thái Kitô giáo luôn luôn lấy Chúa là nguồn mạch của luân lý. Dân Chúa đã tuân giữ luật lệ, Mười Điều Răn chẳng hạn, không phải vì luật lệ đó hoàn hảo, nhưng trước tiên là vì trung tín với Chúa. Cũng thế nền luân lý Kitô giáo, trước tiên, tìm sự bảo đảm nơi những chân lý mạc khải. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là luân lý Kitô giáo có thể bao hàm những điều trái nghịch với tự nhiên. Ngược lại, niềm tin cho chúng ta biết rằng chính mạc khải là con đường được hướng dẫn để sống trọn vẹn phẩm chất người; những chân lý của Chúa giúp cho hành trình đời người được ngay chính[11].

Một quan niệm tội chỉ là và chỉ vì trái ý Chúa sẽ tạo nên một lô các “tội vô duyên” và cả những “nhân đức vô duyên”; những thứ “tội” chẳng có gì là ngược với tình yêu thương, chẳng có gì là xấu theo cảm quan tự nhiên, trong sáng, bình thường; và những nhân đức chẳng thể hiện được một chút yêu thương bác ái nào cả. Thánh Thomas nói :

"Kẻ nào tránh điều ác không phải bởi vì đó là điều ác mà bởi vì đó là lệnh Chúa cấm làm, kẻ đó không tự do”[12].

 Nhiều người Kitô hữu chỉ còn thấy tội là điều gì thuần túy thiêng liêng chứ không thấy sự giằng xé của tội trong cuộc sống hôm nay; ơn phúc cũng là những thực tại thuần túy thiêng liêng chứ không phải là những yếu tố góp phần xây dựng Nước Trời ngay từ hôm nay. Việc Thiên Chúa tha tội chỉ còn có nghĩa là Thiên Chúa thôi tính sổ ở đời sau chứ không thấy rằng Thiên Chúa muốn liên đới với tội nhân để sửa chữa những đổ vỡ do tội lỗi gây nên. Đây là một mối nguy không nhỏ[13]! Chính những loại “tội - phúc” như thế làm cho đời sống đạo mất đất sống, mất dần ý nghĩa chân chính và cũng làm méo mó khuôn mặt đích thực của một Thiên Chúa yêu thương.

 Ở đây chúng ta lại có thể thấy tính cách can đảm của thánh Thomas khi Ngài bàn về vấn đề luân lý khởi từ hạnh phúc của con người chứ không phải khởi từ thiên luật.


3. TÌM LẠI Ý NGHĨA ĐỨC TIN


3.1 Xương sống của lịch sử cứu độ chính là cuộc sống

Khởi đầu của kinh nghiệm Do Thái - Kitô giáo là cuộc sống, chính vì trăn trở với những đau khổ trong cuộc sống mà các thánh ký nhận ra được nguồn gốc của nó là tội; và cũng chính vì tha thiết với cuộc sống mà con người được kêu gọi mong chờ Đấng Cứu Tinh. Ơn cứu độ của Thiên Chúa trong Đức Giêsu, một cách chính yếu, cũng chẳng phải là nhằm giải thoát khỏi cuộc sống nhưng, ngược lại, chính là dẫn dắt toàn thể lịch sử vũ trụ và con người đến ngày hoàn tất chung cuộc.

Ơn cứu độ của Đức Giêsu không phải là cái chết lơ lửng, chỉ có một giá trị pháp lý trước mặt Chúa Cha, nhưng chính là một cuộc đời hết lòng yêu thương, đón nhận con người nhất là những người bị bỏ rơi, một thái độ yêu thương cho đến cùng, cho dù chính vì sự liên đới yêu thương đó mà Ngài bị giết chết. Cái chết của Ngài gắn liền với cuộc đời, sứ vụ công khai và bộc lộ ý nghĩa trọn vẹn của sứ vụ ấy. Tin Mừng Đức Giêsu rao giảng không phải chỉ là những nhân đức để đổi lấy sự giải thoát khỏi cuộc đời, nhưng chính là hạt men, hại cải để biến trần gian thành Nước Trời. Cũng thế, việc Phục Sinh của Ngài không phải chỉ là để khẳng định vị thế Con Thiên Chúa mà là để tiếp tục thực hiện những điều Ngài đã làm trong cuộc đời công khai của Ngài[14].

Khi Đức Kitô tách rời bệnh tật ra khỏi tội lỗi cá nhân trực tiếp của người bệnh tật[15], thì không có nghĩa là tội lỗi không dính dáng gì tới những tai họa trong cuộc sống. Chính tội lỗi chung của nhân loại đang lây lan, tội từ chối chương trình của Thiên Chúa đã đưa con người vào tình cảnh bi đát hiện tại, những điều đó không dễ dàng phân tách rạch ròi trong từng trường hợp để qui gán tội cho một ai; và ở đây, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh tới ơn cứu độ hơn là ngồi suy tính để đổ tội cho một người nào. Cũng thế, khi Chúa Giêsu khẳng định “thế thì của César trả về César; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mt 22,21), thì điều ấy không có nghĩa là Đức Giêsu thiết lập một thế giới riêng, một thế giới tôn giáo tách biệt khỏi cuộc sống, một thế giới thiêng liêng không dính tới những nhu cầu của cuộc sống thật. Nhưng đó là Chúa Giêsu khẳng định một cách thức giải quyết căn bản cho cuộc đời, cách thức đặc trưng của Do Thái Kitô giáo, cách thức tìm về nguồn cội sâu xa nhất của ơn cứu độ, “trả về cho Thiên Chúa”.

Khi tội không còn dính dáng tới cuộc sống khổ đau thường ngày và khi ơn phúc cũng chẳng giải quyết gì cho cuộc sống ấy, thì tất cả đời sống đức Tin Kitô giáo trở thành nhạt nhẽo, xa lạ và đánh mất chiều kích cánh chung chân chính. Niềm hy vọng Cánh Chung chính là mong chờ Thiên Chúa hoàn tất lịch sử nhân loại trong một thế giới đại đồng, “tứ hải giai huynh đệ”. Ta có thể nói rằng, hơn tất cả mọi tôn giáo và học thuyết khác, Do Thái Kitô giáo là đạo gắn liền với cuộc đời.


3.2 Tin Mừng làm cho người ta được sống dồi dào

Trong những cuộc tranh luận cuối cùng với người Do Thái, Chúa Giêsu kêu mời người Do Thái hãy tin vào những việc làm của Ngài nhân danh Chúa Cha, và công việc đó được minh chứng cụ thể bằng chính đời sống của đoàn chiên :

“Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời…” (Ga 10, 27-28).

Đức Giêsu, là Mục Tử nhân lành, chọn lấy mục tiêu của sứ vụ là làm cho đoàn chiên được sống sung mãn, trọn vẹn, dồi dào : “Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10).

Và cũng chính vì sự sống dồi dào phong phú của đàn chiên mà Chúa hy sinh mạng sống mình :

“Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào. Tôi chính là Mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho chiên”(Ga 10, 10-11).

 Ưu tư lớn trong tâm hồn của Chúa Giêsu là làm cho con người được sống chứ không phải là bảo vệ vinh quang Thiên Chúa. Chúng ta có thể thấy hết sức rõ ràng cả cuộc đời Đức Giêsu là một cuộc đấu tranh cho con người, nhất là những người bé mọn. Chúa Giêsu luôn luôn đứng về phía con người, nhất là những người bé mọn, để chống lại những người Do Thái muốn nhân danh sự cao cả của Thiên Chúa để bóp nghẹt đời sống con người. Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabát (xc. Ga 5,16), Chúa Giêsu tán đồng việc người đói có thể “ăn bánh trưng hiến”, và các môn đệ của Ngài có quyền lao động trong ngày Sabát để mưu sinh (xc. Mt 12,1-8); Chúa Giêsu đã dám tuyên bố một điều hết sức táo bạo, một tuyên ngôn “vô tiền khoáng hậu“ trong lịch sử nhân loại : “Ngày Sabát được làm ra vì con người chứ không phải con người vì ngày Sabát” (Mc 2, 27).

Tin Mừng của Chúa Giêsu như thế chính là một tuyên ngôn nhân bản trọn vẹn nhất, nơi đây con người được là mình, được sống phẩm vị cao quí của mình, và được đáp ứng những nhu cầu thâm sâu nhất của phận người, chứ không phải một đời sống đạo dúm dó, sợ sệt; một nhân cách ấu trĩ, so đo tính toán; biểu lộ trong tinh thần nệ luật, lách luật, hoặc thu gom công phúc một cách máy móc cho đời sống mai sau. Chính trong ánh sáng Tin Mừng ấy, con người được lớn lên trong mọi chiều kích, nhân bản và tâm linh.


3.3 Giá trị thiêng liêng trong việc trần tục

Não trạng của người Hy Lạp vốn phân biệt tinh thần khác với vật chất và thiết lập một bậc thang giá trị theo tiêu chuẩn những gì càng ít dính vào vật chất càng cao quí. Ngược lại, Thánh Kinh cho chúng ta một quan niệm khác, theo đó, mọi vật Chúa làm nên đều tốt đẹp, và sự thiện hảo ấy vẫn luôn có trong mọi vật, bao lâu sự vật vẫn sống đúng theo bản chất “thuộc về Chúa“ của chúng. Đó là một quan niệm lạc quan và trân trọng trần gian :

“Quả thế, Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, và không ghê tởm một loài nào Chúa đã làm ra; vì giả như Chúa ghét loài nào, thì Chúa đã chẳng dựng nên” (Kn 11,25).

 Như thế, trần gian tự nó là tốt đẹp, và trần gian ấy không cần phải bị mạt sát để làm nổt bật danh giá của Chúa, nhưng cần phải được đề cao để làm nổi bật tác động sáng tạo và cứu độ của Ngài, đúng như lời thánh Irênê : Vinh quang Thiên Chúa là con người được sống.

 Hơn nữa, trong “Dụ ngôn về sự trần tục hóa” (Mt 25, 31-46), chúng ta thấy Thiên Chúa phân loại chiên và dê không dựa theo việc nhận ra hay không nhận ra sự hiện diện của Chúa, nhưng theo tiêu chuẩn của những công việc trần thế. Rõ ràng Chúa Giêsu đặt tầm quan trọng của cuộc sống nơi sinh hoạt đời thường, đồng thời Ngài thánh hóa công việc đời thường ấy bằng cách cho nó một giá trị có tính quyết định đối với vận mang siêu nhiên của con người :

“Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40).

Quả thật, tự căn bản của truyền thống Do Thái Kitô giáo, chúng ta đã thấy mầm mống của một cuộc cách mạng. Thay vì một thế giới đầy thần thánh của các tôn giáo cổ xưa, thế giới sáng tạo của Thánh Kinh đã tách biệt Thiên Chúa khỏi thế giới, quan niệm ấy đã góp một phần quan trọng vào tiến trình trần tục hóa của nhân loại[16]. Đồng thời, thay vì đặt vũ trụ trên con người, Thánh Kinh đã cho thấy Thiên Chúa trao vũ trụ đã được tước bỏ mọi tính tính thần thiêng ấy cho con người để con người “đặt tên” cho chúng. Con người không còn là một tiểu vũ trụ, phải noi theo qui luật của đại vũ trụ, nhưng con người được trao trách nhiệm đưa dẫn toàn thể vũ trụ này về cùng đích của chúng là Thiên Chúa. Trong bối cảnh chung ấy, ta hiểu được ý nghĩa của cuộc sống trần thế và trách nhiệm của con người với thế giới ấy : con người có trách nhiệm nhân văn hóa thế giới bằng những giá trị nhân bản, và thiêng liêng hóa thế giới bằng chính niềm tin của mình.

Dĩ nhiên không được bám vào dụ ngôn này để loại trừ tất cả mọi sinh hoạt tôn giáo và phượng tự. Tuy vậy, chúng ta cũng có thể khẳng định chắc chắn rằng một đời sống tôn giáo mà không trổ sinh hoa trái trong một đời sống yêu thương cụ thể thì không thể là một đời sống của những người được cứu độ. Thánh Thomas nói : “Ân sủng không phá hủy nhưng kiện toàn tự nhiên”(St I, q.1, a.9, ad 2).


3.4 Thiên Chúa đứng về phe sự thiện

Qua đoạn Tin Mừng Mc 3, 1-5, Chúa Giêsu cho chúng ta một tiêu chuẩn nhận định về hành vi luân lý, không phải dựa trên lối phân biệt thánh thiêng và trần tục, nhưng trên tiêu chuẩn thiện ác :

“Ngày Sabát, được làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi” (Mc 3,1-5)

Khi lo lắng bảo vệ ngày Sabát, những người Do Thái muốn đặt lằn ranh giữa thánh thiêng và trần tục, giữa Thiên Chúa và cuộc sống đời thường. Cách phân chia đó làm cho cuộc sống trần gian đương nhiên phải cam chịu, những nỗ lực của con người đương nhiên phải dừng bước trước biên giới của thời gian và không gian thánh thiêng. Trong khi đó, Chúa Giêsu lại đặt lằn ranh phân chia theo một quan điểm khác, phân chia giữa thiện và ác, giữa cứu người hay giết người. Cách nhìn đó cho thấy Thiên Chúa đứng về phe sự thiện, Thiên Chúa ủng hộ những thiện hảo trong cuộc sống con người. Đức Giêsu không phân biệt Thiên Chúa một bên, trần gian một bên, theo kiểu người Hy Lạp; nhưng Ngài phân biệt Chúa cùng những sự thiện một bên, bên kia là satan và những sự dữ. Lối phân chia của Đức Giêsu thúc bách con người dấn thân trên nẻo đường sứ vụ, nẻo đường nhân hóa và thánh hóa trần gian.

Hơn nữa, chứng ta còn nhận ra sứ mạng của Chúa Giêsu là tìm cách giải thoát con người, đặc biệt là những người nghèo khổ, khỏi những ràng buộc theo bậc thang giá trị luân lý của những người Do Thái, một thứ bậc thang giá trị quá đề cao sự thánh thiêng và đóng kín cửa Nước Trời trước những kẻ bé mọn.

Về điều này, Thánh Thomas cũng có một lập trường tuyệt diệu : “Tình yêu của Thiên Chúa chính là nguyên nhân phú ban và tác tạo nên sự thiện hảo trong các sự vật” (ST. I pars., q. 20; a. 2, resp.)


KẾT

Có một làng kia làm nghề may mũ. Những tay thợ lành nghề trong ngôi làng ấy vẫn luôn ganh đua nhau để trình bày những chiếc mũ tốt nhất, đẹp nhất, độc đáo nhất. Đó là một ngôi làng “đầy sức sống”. Tuy thế, những người thợ may mũ ấy lại không biết đội mũ và khi ra đường, họ vẫn cầm chiếc mũ đẹp của mình trong tay để khẳng định tay nghề của mình là độc đáo. Những người thợ ấy luôn luôn đau ốm vì nắng mưa …

Ta có thể nói rằng nhiều sinh hoạt đạo của Giáo hội Việt Nam giống như làng nghề mũ ấy. Thay vì để đức Tin và những sinh hoạt phượng tự, sinh họat đạo đức, mang lại một sự che chở trên hành trình cuộc đời, các sinh hoạt ấy lại tự tìm lý do hiện hữu trong một thế giới nào khác; thay vì tìm thấy niềm vui và sự bình an của Chúa trên bước đường đời, nhiều Kitô hữu lại chỉ biết tô vẽ mãi một thứ “đạo thiêng liêng” để dùng trong một thế giới khác.


 

[1] Bertrand Russell, Thế giới Ngày nay và Tương lai Nhân loại, bản dịch của Nguyễn Hiến Lê, Văn Hóa 1996, trang 46-47.

[2] Xc. GH 31 b : “Tính cách trần thế là tính cách riêng biệt và đặc thù của giáo dân. Thực vậy, các phần tử trong hàng giáo sĩ đôi khi có thể lo những việc trần thế, hoặc hơn nữa, hành nghề giữa đời, nhưng vì ơn kêu gọi đặc biệt, sứ mệnh chính yếu và rõ rệt của họ vẫn là tác vụ thánh. Phần các tu sĩ, do bậc sống của họ, làm chứng cách hùng hồn và cao quí rằng người ta không thể cải tạo thế giới và cung hiến nó cho Thiên Chúa được, nếu không có tinh thần các mối phúc thật. Vì ơn gọi riêng, giáo dân có bổn phận tìm kiếm nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế, xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần gian, nghĩa là giữa tất cả cũng như từng công việc và bổn phận trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngoài xã hội; tất cả những điều đó như dệt thành cuộc sống của họ. Đó là nơi Thiên Chúa gọi họ, để dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm, như men từ bên trong, họ thánh hóa thế giới bằng việc thi hành những nhiệm vụ của mình; và như thế, với lòng tin cậy mến sáng ngời, và nhất là với bằng chứng đời sống, họ tỏ lộ Chúa Kitô cho kẻ khác, vì thế, họ có nhiệm vụ đặc biệt soi sáng và xếp đặt những thực tại trần gian có liên hệ mật thiết với họ, để chúng không ngừng phát triển và bành trướng theo thánh ý Chúa Kitô, hầu ca tụng Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Độ”.

[3] Xc. TĐGD số 13 : “Người giáo dân chu toàn sứ mệnh này của Giáo hội nơi trần gian : trước tiên bằng đời sống hòa hợp với đức Tin, để nhờ đó họ trở thành ánh sáng thế gian; bằng đời sống lương thiện trong bất cứ công ăn việc làm nào để làm cho mọi người yêu mến sự thật, sự thiện và cuối cùng đưa họ tới Chúa Kitô và Giáo hội; bằng đời sống bác ái huynh đệ qua việc họ thực sự chia sẻ với anh em trong hoàn cảnh sống, trong đau khổ cũng như trong mọi ước vọng, và như thế họ âm thầm chuẩn bị cho ơn cứu rỗi hoạt động trong tâm hồn mọi người; bằng cuộc sống ý thức đầy đủ về vai trò của mình trong việc xây dựng xã hội, họ cố gắng chu toàn hoạt động nơi gia đình, ngoài xã hội, trong nghề nghiệp với lòng quảng đại của Kitô giáo; như thế phương thức hành động của họ dần dần thấm nhập vào môi trường sống và cả môi trường làm việc”.

Ta có thể đọc thêm lời giới thiệu của A. Palacios S.J về Sắc Lệnh Tông Đồ Giáo Dân, trong bản văn công Đồng Vatican II như sau : “… Sau đó, Công đồng giải quyết một vấn nạn được đặt ra từ đầu : đó là việc phân biệt hoạt động tông đồ ra “tông đồ trực tiếp và gián tiếp”; hoặc, theo nhiều người, phân biệt ra “tông đồ chuyên biệt và không chuyên biệt”. Lúc ấy người ta quan niệm rằng hoạt động tông đồ trực tiếp là tất cả những phương cách truyền bá Phúc Âm và thánh hóa các Kitô hữu hay những người ngoài Kitô hữu bằng sự loan báo Chúa Kitô, loan báo Phúc Âm hay bằng chính đời sống. Hoạt động tông đồ gián tiếp, trái lại, được cho rằng đó là những hoạt động hệ tại sự bảo đảm làm hoàn hảo trật tự trần thế, cho thấm nhuần tinh thần Phúc Âm và nhờ vậy tạo nên bầu khí thích hợp cho việc rao giảng Phúc Âm và thánh hóa con người. Như vậy, theo các quan niệm này, tất cả những hoạt động tông đồ có tính cách xã hội chỉ được coi là tông đồ gián tiếp. Rất nhiều nghị phụ không đồng ý quan niệm này. Về sau, ủy ban liên hệ bàn cãi lại và quyết định không dùng những từ ngữ phân biệt đó ở trong Sắc lệnh”.

[4] Xc. GH 32 “… nhưng giữa tất cả mọi người vẫn có bình đẳng thực sự, bình đẳng về phương diện phẩm giá và hoạt động chung của mọi tín hữu để xây dựng thân thể Chúa Kitô”.

[5] Xc. Nguyễn Trọng Viễn, Gặp Gỡ Chính Chúa, bài “Đời sống Tâm linh Kitô giáo”.

[6] Từ “spiritus” [hơi thở, gió, tinh thần, linh hồn…) trong tiếng la tinh được chuyển sang tiếng pháp là esprit và tĩnh từ là spirituel. Tĩnh từ spirituel vừa có nghĩa là thuộc về tinh thần, vừa có nghĩa là “thiêng liêng”, thuộc về Chúa.

[7] Việc tách biệt “luân lý” và “tu đức” đã phản ảnh quan niệm ấy. Những người bình thường chỉ phải giữ luân lý như là những điều tối thiểu; chỉ có những người đặc biệt mới được mời gọi để đi vào lãnh vực tu đức.

[8] Trong Thánh Kinh, từ “xác thịt” lại thường được hiểu theo nghĩa tiêu cực, không đồng nghĩa với thân xác hay vật chất.

[9] Chẳng hạn Thánh Odon de Cluny (879-940) nói : “Thân thể đẹp là nhờ làn da. Nay nếu nhìn qua làn da mà thấy được tất cả bên trong – như tục truyền rằng giống mèo rừng ở Bêôxi với đôi mắt sắc, chúng có thể nhìn thông suốt mọi vật – thì nhìn một người phụ nữ mà tởm thay ! Thử xem trong lỗ mũi, trong cuống họng, trong bụng của họ chứa những gì ? Toàn là máu mủ dơ bẩn cả. Vậy mà ta há lại nên ham ôm vào mình cái bọc ô uế đó ru ?” (Calaxion). (Trích lại trong Lương Duy Trung, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Văn Chính, Văn Học Phương Tây, tập một, Giáo Dục, 1990, trang123)

[10] Xc. Nguyễn Trọng Viễn, Gặp Gỡ Chính Chúa, bài “Nhiệm cục Cánh Chung”.

47*Xin trich dẫn cả các chú thích theo số của bản văn Công Đồng :

– Sống trong thế giới tín hữu phải tránh hai thái độ sai lầm: 1) bỏ sót công việc trần thế để chỉ lo cho việc đạo đức; 2) chìm đắm trong công việc trần thế và coi công việc này như không có liên quan gì đến việc đạo đức.

Qua cả hai sự sai lầm trên, người ta tách biệt đời sống tôn giáo và đời sống nghề nghiệp hay đời sống trần thế nếu nói rộng hơn (cuộc giải trí, văn hóa…) và lại hành động theo luân lý cá nhân (số 30).

Đức tin phải ảnh hưởng trên cả đời sống và ta phải đem tinh nhần Phúc Âm vào công việc trần thế: vào nghề nghiệp, vào giao thiệp với người khác, vào văn hóa, vào cuộc giải trí v.v… “Đối với người Kitô hữu, xao lãng bổn phận trần thế tức là xao lãng bổn phận đối với những người lân cận và hơn nữa đối với chính Thiên Chúa, khiến phần rỗi đời đời của mình bị đe dọa”: vì bổn phận trần thế là phương tiện để thực hành đức mến đối với anh em và đối với Thiên Chúa. Không thực hành đức mến tức là phạm đến toàn thể bộ luật (x. Gal 5,14). Cho nên kẻ nào xao lãng bổn phận trần thế hay là tách rời nó khỏi ảnh hưởng của tinh thần Phúc Âm tức là người không sống đạo, họ không phải là người Công giáo.

13 Xem Dth 13, 14.

14 Xem 2Th. 3, 6-13 ; Eph 4, 28.

15 Xem Is 58, 1-12.

16 Xem Mt 23, 3-33 ; Mc 7, 10-13.

[11] Trong nền triết học luân lý, người ta có thể phân biệt ba nguồn mạch của luân lý : Những nền Luân lý Siêu việt [morales du Transcendant), tức những nền luân lý dựa trên một trật tự siêu việt, có tính tôn giáo hoặc có tính triết học; những nền Luân lý Tự nhiên [morales naturalistes), tức những nền luân lý triển khai theo bản tính tự nhiên của con người, nhất là dựa vào tâm lý học; và những nền Luân lý Tích cực [morales activistes), tức những nền luân lý được thích ứng, được phát triển theo trạng huống của con người. Nền luân lý tích cực này không chối từ những nguyện tắc trật tự siêu việt hoặc sự hợp lý của lý trí, nhưng nhấn mạnh khía cạnh giá trị, tức việc con người đón nhận như một chủ thể và tự do để sáng tạo ý nghĩa từ những nguyên lý ấy. Xc. Francois Grégoire, Les Grandes Doctrines Morales, Presses Universitaires de France, “Que Sais-Je ?”.

Sự trung tín với mạc khải của Chúa [nền luân lý siêu việt tôn giáo), nếu được hiểu một cách máy móc, cứng nhắc, hoặc chỉ thuần túy vì danh dự của Chúa, sẽ dễ có tính cách áp đặt và dễ làm méo mó nhân cách con người.

[12] Xc. Mai Văn Hùng, Khám phá lại Luân lý Kitô giáo, Tài liệu Tham khảo, Uỷ Ban Đoàn Kết Công giáo TP Hồ Chí Minh, 1991, trang 112-114 tt.

[13] Tình trạng sa sút của một tập thể, trước tiên và chính yếu nhất, thể hiện ở chỗ có sự chênh lệch giữa “căn bản siêu hình” và luân lý. Đối với Kitô giáo, có thể nói “căn bản siêu hình” chính là tình yêu thương; và luân lý, theo quan điểm thuần túy thiêng liêng, lại chỉ là những qui định cụ thể ít dính dáng tới tình yêu thương. Đó là sự “chênh lệch” tố cáo sự rạn nứt từ bên trong.

[14] Đức Gioan Phaolô II thật có lý khi thêm vào các mầu nhiệm Kinh Mân Côi các biến cố trong cuộc đời sống khai của Chúa Giêsu, các mầu nhiệm sự Sáng.

[15] Xc. Ga 9,3 : “Không phải anh ta, cũng không phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng chuyện đó xảy ra là để các việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh”.

[16] Xc. Albert Dondeyne, Tục Hóa và Đức tin, Vũ Dư Khánh chuyển ý, trong Tuyển Tập Thần Học số 15 (tháng 12-1973), trang 75-86.