Lời Ngỏ ...
Tôi nghe kể : có một người kia, rất giầu có và có những 18 bà vợ. Mỗi bà đều có cơ ngơi riêng, cuộc sống tương đối an nhàn. Khi gần qua đời, ông ta tin vào Chúa, theo đạo Công giáo và được rửa tội...
Khi nghe câu chuyện ấy, một người Công giáo đã thốt lên ngay : ông này hên thật ! được cả đời này lẫn đời sau !
Những nhận định kiểu như thế chúng ta có thể thấy khá nhiều. Nếu chúng ta thêm vào nhận định ấy một vế thứ hai, hoàn toàn hợp lý, chúng ta sẽ phải nói: những người Công giáo “đạo gốc” đã không được “hên” như thế, vì họ phải biết đạo sớm, phải lo giữ đạo cả một cuộc đời mà chẳng chắc có được lên thiên đàng hay không.
Điều ấy cho thấy khá rõ hiện trạng đời sống đức Tin của người Kitô hữu Việt Nam : đạo không phải là một hồng phúc, nhưng là một gánh nặng, một gánh nặng phải mang vác để đổi lấy cuộc sống thiên đàng mai sau.
Quả thật, nói chung, những cộng đoàn Kitô giáo vẫn chưa có mấy dấu hiệu khá lên về đời sống bác ái; tổ chức quản trị trong Giáo hội ít biểu lộ một thái độ tôn trọng tín hữu, nhất là những người bé mọn; sinh hoạt trong Giáo hội ít triển nở thành thái độ có tâm huyết với cuộc đời …
Trong nhân cách Kitô hữu, nói chung, chúng ta cũng ít thấy biểu lộ một sự trưởng thành và triển nở phong phú vì được làm con cái Chúa; tâm hồn người Kitô hữu ít có sự bình an và hạnh phúc; thái độ người Kitô hữu ít diễn tả được sự tự do của con cái Chúa, nhưng thường là một thái độ dúm dó, sợ hãi, nệ luật, lách luật, hình thức, ấu trĩ …
Tóm lại, người ta không thấy dấu hiệu một đời sống sung mãn của một người được Chúa kêu gọi : “Phần Tôi, Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10);
Và ta cũng không thấy rõ dấu chứng mà Đức Giêsu nêu lên như nét đặc trưng của cộng đoàn môn đệ Chúa : “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy : là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).
Từ những triệu chứng “lâm sàng” như thế, chúng ta còn có thể khám phá ra nhiều căn bệnh trong đời sống đức Tin Kitô giáo, và đó là những căn bệnh rất nặng. Tôi tạm dùng từ “đạo” để diễn tả tính cách “trầm kha” của những căn bệnh ấy; nhưng căn bệnh không chỉ bộc lộ trong một thái độ hay trong một lãnh vực nào đó, nhưng đã trở nên như một thứ nguyên lý chi phối toàn bộ đời sống đức Tin, ảnh hưởng trên tất cả hay hầu hết các lãnh vực của đời sống người Kitô hữu.
Theo tôi, hiện nay, đời sống đức Tin trong Giáo hội Công giáo Việt Nam, ít nhất, có những căn bệnh trầm kha như : “đạo” sinh hoạt, “đạo” kính sợ, “đạo” luân lý, “đạo” thiêng liêng và “đạo” thực dụng. Ngoài ra, chúng ta còn có thể kể đến những căn bệnh “nhẹ” khác : bệnh sáo ngữ, bệnh hình thức, bệnh đoàn lũ, bệnh chủ quan nơi tầng lớp giáo sĩ…
[1]
Làm thế nào để người Kitô hữu có được sự gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu nhiều hơn, chứ không chỉ tham dự sinh hoạt tôn giáo ?
Làm thế nào để người Kitô hữu nhận ra một Đức Giêsu là Bạn và là người Anh, là Đấng có thể chia sẻ cả những yếu đuối và tội lỗi của mình ?
Làm thế nào để người Kitô hữu tìm thấy niềm vui chân thật chứ không phải chỉ còng lưng “đóng thuế” cho một thế giới thiêng liêng nào đó ?
Làm thế nào để người Kitô hữu nhận được tình thương cứu độ của Chúa Giêsu chứ không phải chỉ là nỗ lực luân lý nhằm tu sửa một cách khó nhọc?
Làm thế nào để người Kitô hữu gặp gỡ được chính Chúa và được biến đổi chứ không phải chỉ xoay sở và thu gom những công phúc cho cá nhân ?
Làm thế nào để thái độ trung tín với một Đức Giêsu Kitô chịu chết và Phục sinh cũng chính là lời loan báo Tin Mừng như một giải pháp cho cuộc sống nhân sinh hôm nay ?
Những câu hỏi ấy thực sự là một thách đố cho Giáo hội Việt Nam, hiện tại và trong những năm sắp tới
***
Điều chắc chắn là mọi cái nhìn “vơ đũa cả nắm” đều không trung thực. Liệu chừng những hiện tượng tiêu cực được trình bày trong những suy tư dưới đây đúng được bao nhiêu phần trăm ? Câu trả lời chắc chắn sẽ rất khác biệt tùy theo từng người và tùy vào từng não trạng.
Dù sao, xin được một lần nói lên...
Tư Cù |