Xuất bản sách phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô

 

Xuất bản sách phỏng vấn Đức Thánh Cha PhanxicôVATICAN. Hôm 12-1-2015, cuốn sách phỏng vấn ĐTC Phanxicô đã được chính thức xuất bản với tựa đề ”Tên của Thiên Chúa là Lòng Thương Xót”.

Sách được giới thiệu trong cuộc họp báo lúc 11 giờ sáng tại Học viện Augustinianum với sự hiện diện của ĐHY Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Cha Lombardi Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, ký giả Tornielli, và cả nghệ sĩ nổi tiếng của Italia, ông Roberto Benigni..

Tác phẩm này ghi lại cuộc phỏng vấn hồi tháng 7 năm 2015 tại Nhà trọ Thánh Marta ĐTC dành cho ký giả Andrea Tornielli của báo La Stampa, chuyên về các hoạt động của Tòa Thánh. ĐTC đã trả lời 40 câu hỏi do ký giả nêu lên và cuộc nói chuyện được phân thành 9 chương, xoay quanh chủ đề lòng thương xót.

Sách được ấn hành bằng 6 thứ tiếng: Ý, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Bồ đào nha. Ấn bản đầu tiên bằng tiếng Ý được trình lên ĐTC chiều ngày 11-1 vừa qua tại Nhà trọ Thánh Marta. Tựa đề cuốn sách được chính tay ĐTC viết với chữ đỏ bằng các ấn bản sinh ngữ khác nhau.

Những ý tưởng nổi bật

Nội dung tổng quát của cuốn sách này được phổ biến tại 86 nước trên thế giới, với những ý tưởng nổi bật nói lên xác tín và tương quan của ĐTC Phanxicô với Lòng Thương Xót của Chúa. ”Giáo Hoàng là một người cần lòng thương xót của Thiên Chúa”. Ngài cũng xác nhận mối quan hệ đặc biệt của ngài với các tù nhân: ”Mỗi lần tôi bước qua ngưỡng cửa một nhà tù nơi tôi đến để cử hành thánh lễ hoặc viếng thăm, tự nhiên tôi nghĩ: tại sao họ ở đây mà không phải là tôi.. Sự sa ngã của họ có thể là sự sa ngã của tôi, tôi không cảm thấy tốt lành hơn những người đang ở trước mặt tôi đây”.

ĐTC nhìn nhận rằng ”Như thánh Phêrô, cả những người kế nhiệm Người cũng là những người tội lỗi… sự kiện ấy có thể là gương mù, nhưng tôi tự an ủi với thánh Phêrô: thánh nhân đã chối Chúa Giêsu, dầu vậy Người vẫn được Chúa chọn”.

ĐTC cho biết ngài cảm thấy xúc động khi đọc một số văn bản của Đức Phaolô 6 và Gioan Phaolô I – Albino Luciani, Người định nghĩa mình là tro bụi, Người ý thức về những giới hạn, và những bất tài của mình, những khiếm khuyết đó được lấp đầy nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa. Thánh Phêrô đã phản bội Chúa Giêsu.. Và các Phúc Âm mô tả cho chúng ta tội của thánh nhân, tội chối Chúa, và mặc dù tất cả những tội ấy, Chúa Giêsu đã nói với Người: ”Hãy chăn các chiên của Thầy, tôi không nghĩ người ta phải ngạc nhiên khi những người kế nhiệm thánh nhân cũng mô tả mình là người tội lỗi”.

Tầm quan trọng của sự xấu hổ

Trong một nơi khác của cuốn sách, ĐTC quả quyết người ta có thể ”đọc” cuộc đời của ngài qua chương 16 sách ngôn sứ Ezechiel, trong đó tác giả nói về sự xấu hổ.

ĐTC khẳng định rằng xấu hổ là một ”ơn Chúa”: khi một người cảm thấy lòng thương xót của Thiên Chúa, thì họ rất xấu hổ về chính mình, về tội lỗi của mình. Sự xấu hổ làm nổi bật ”một trong những ơn mà thánh Ignatio xin khi xưng thú tội lỗi trước tượng Chúa Kitô chịu đóng đanh”. Trong đoạn 16 ấy, ngôn sứ Ezechiel ”dạy chúng ta biết xấu hổ”, “nhưng trong trọn lịch sử lầm than và tội lỗi của ta, Thiên Chúa vẫn luôn trung tín và nâng ta dậy”.

Trong cuốn sách, ĐTC Phanxicô cũng nhắc đến Cha Carlos Duarte Ibarra, vị giải tội mà ngài gặp trong giáo xứ ngày 21-9 năm 1953, ngày mà Giáo Hội kính thánh Mathêu. Ngài kể: ”Tôi cảm thấy được lòng thương xót của Chúa đón nhân khi xưng tội với cha Duarte”. Đó là một kinh nghiệm mạnh mẽ đến độ nhiều năm sau, ơn gọi thánh Mathêu được mô tả trong các bài giảng của thánh Beda tiến sĩ trở thành khẩu hiệu giám mục của ngài: ”Miserando atque eligendo”, Chúa chạnh lòng thương và chọn ông.

 Sứ mạng của Giáo Hội

Khi trả lời phỏng vấn, ĐTC Phanxicô đào sâu sứ mạng của Giáo Hội trên thế giới. Trước tiên, ngài nhấn mạnh rằng ”Giáo Hội lên án tội lỗi vì Giáo Hội phải nói sự thật”. Nhưng đồng thời ”Giáo Hội ôm lấy người tội lỗi biết nhận tội của mình, xích lại và nói với người ấy về lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu đã tha thứ ”cả những người đã đóng đinh Người trên thập giá và khinh rẻ Người”.

ĐTC cũng nhắc đến dụ ngôn người Cha thương xót và đứa con trai hoang đàng, và nói rằng ”khi theo Chúa Giêsu, Giáo Hội được mời gọi phổ biến lòng thương xót của Chúa trên tất cả những người nhìn nhận mình là người tội lỗi, là người chịu trách nhiệm về sự ác đã làm, và cảm thấy cần được tha thứ.. Giáo Hội không ở trong trần thế để lên án, nhưng để tạo ra cuộc gặp gỡ với tình yêu sâu đậm là lòng thương xót của Thiên Chúa”.

ĐTC xác tín rằng để loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa, ‘cần phải đi ra ngoài’.. ”Ra khỏi các thánh đường và các giáo xứ, đi ra ngoài và tìm kiếm con người tại nơi họ đang sống, chịu đau khổ và hy vọng”. Ngài trở lại hình ảnh Giáo Hội ”như một bệnh viện dã chiến” và nhận xét rằng ”Giáo Hội đi ra ngoài có đặc tính là trổi lên tại nơi có chiến đấu: Giáo Hội không phải là một cơ cấu vững chắc, có đầy đủ mọi sự, nơi mà người ta đến để chữa trị những bệnh tật nhỏ và lớn”: ”đó là nơi người ta thực hành thứ y khoa cứu cấp, chứ không phải đi tái khám chuyên môn”. Vì thế, ĐTC mong muốn rằng ”Năm Thánh đặc biệt Lòng Thương Xót ngày càng làm nổi bật khuôn mặt của một Giáo Hội tái khám phá lòng từ mẫu thương xót, và đi gặp bao nhiêu những người bị thương đang cần được lắng nghe, cảm thông, tha thứ và yêu thương”.

Tầm quan trọng của sự thống hối

 Trong cuốn sách, ĐTC trở lại suy tư về sự phân biệt giữa peccato và corruzione, tội lỗi và hư hỏng, băng hoại. Ngài nhận xét rằng: ”Hư hỏng hay băng hoại là tội mà, thay vì người ta nhìn nhận nó và trở nên khiêm tốn, thì lại nâng nó lên hàng chế độ, trở thành một tập quán tâm trí, một lối sống”. ”Tội nhân tái phạm rồi tái phạm vì yếu đuối, thì lại được tha thứ, nếu nhìn nhận mình cần lòng thương xót. Trái lại kẻ hư hỏng là kẻ phạm tội mà không hối hận, kẻ phạm tội mà giả bộ mình là Kitô hữu, với cuộc sống hai mặt, gây gương mù”. ”không cần phải chấp nhận tình trạng hư hỏng như thể đó là một thứ tội thêm, cho dù nhiều khi người ta đồng hóa hư hỏng với tội lỗi, trong thực tế đó là hai thực tại khác biệt, như có liên hệ với nhau”.

ĐTC nhận xét: ”Một người có thể là một đại tội nhân, nhưng không thể rơi vào tình trạng hư hỏng”. Ví dụ như ông Giakêu, Mathêu, người phụ nữ xứ Samaria, ông Nicodemo, người trộm lành. ”Trong tâm hồn của họ, tất cả đã có một cái gì đó cứu họ khỏi sự hư hỏng. Họ đã cởi mở đối với tội lỗi, tâm hồn họ cảm thấy sự yếu đuối của mình, và sự kiện này là điều làm cho sức mạnh của Thiên Chúa đi vào tâm hồn họ”. (SD 12-1-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

 

Trả lời