Xin cho con cùng vác với Ngài

Xin cho con cùng vác với Ngài

Bốn mười ngày của Mùa Chay, sắp kết thúc. Và, khi mùa chay kết thúc, một tuần lễ tiếp theo, được gọi là “tuần thánh” bắt đầu. Tuần thánh bắt đầu bằng một Thánh Lễ gọi là Lễ Lá.

Mở đầu cho Thánh Lễ này là một cuộc “rước lá” long trọng được diễn ra, diễn ra với mục đích tưởng nhớ lại ngày Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem và đã được đông đảo dân chúng đón rước tung hô chúc tụng.

Và, cũng trong thánh lễ này, toàn thể cộng đồng dân Chúa còn tưởng niệm  cuộc-tử-nạn của Đức Giê-su, một cuộc tử nạn để, như lời Ngài đã nói với ông Ni-cô-đê-mô năm xưa, rằng: “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.” (x.Ga 3, 14) 

Thật vậy, Đức Giê-su đã chết trên thập giá tại Golgotha, hơn hai ngàn năm xa trước đó. Thánh Mát-thêu, một nhân chứng lịch sử, đã ghi lại  cái chết bi hùng của Ngài, một cái chết để “cứu muôn người lỗi tội, đưa về trời đẹp tươi.”

**   

Vâng, theo Tin Mừng thánh Mát-thêu ghi lại: Hôm ấy, khi trời đã tối và mọi cảnh vật tại Giê-ru-sa-lem như chìm trong giấc ngủ, thì  “Đức Giê-su đi cùng các (môn đệ) đến một thửa đất gọi là Ghết-sê-ma-ni”.

Ghết-sê-ma-ni, như chúng ta được biết, đó là một khu vườn của những cây Oliu. Đây là nơi Đức Giê-su cùng với các môn đệ thường lui tới để nhóm họp. Và, đặc biệt là Ngài dùng nơi này để cầu nguyện vì tại đây khá yên tĩnh với cả một rừng cây xanh mát.

Khi đã vào Ghết-sê-ma-ni, Đức Giê-su nói với các môn đệ, rằng: “Anh em ngồi lại đây, Thầy đến đàng kia cầu nguyện.” Đức Giê-su đã cầu nguyện. Cầu nguyện trong sự cô đơn, dù rằng có “Phê-rô và hai người con ông Dê-bê-đê đi theo”.

Hôm ấy, trong tâm trạng “buồn rầu xao xuyến”, Ngài nói với các ông rằng: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy.”

Nói xong, “Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng: Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén đắng này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.”

Thời gian… thời gian Đức Giê-su ở bên các môn đệ chỉ còn tính bằng giây, bằng phút. Vâng, “một giây phút thôi là xa nhau rồi.” Ấy thế mà, thế mà khi “Người đến chỗ các môn đệ”, buồn thay! Ngài “thấy các ông đang ngủ”.

Nói về sự kiện các môn đệ “đang ngủ”, một người anh em Tin Lành có lời chia sẻ: “Phải chăng họ buồn ngủ vì cớ không gian xung quanh, hoặc là vì họ quá mỏi mệt sau một ngày bôn ba, vất vả, hay là vì họ chưa có thái độ đúng đắn khi cầu nguyện cách cá nhân? Nhớ lại lúc tôi còn nhỏ, có nhiều lần đến với Chúa trong sự cầu nguyện, nhưng chỉ thưa được vài câu thì tôi đã bị ngủ gục.”

“Ngủ gục”, có lẽ đây là chuyện không của riêng ai. Và, có lẽ không ai trong chúng ta lại không hơn một lần ngủ gục trong thánh lễ!

Trở lại Ghết-se-ma-ni. Khi Đức Giê-su “thấy các ông đang ngủ”, Ngài ôn tồn nói: “Thế ra, anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao?”

Vâng, chỉ một giờ thôi, có là bao! Thánh Lễ hôm nay, chỉ 45 phút thôi, có là bao! Thế nên, hãy luôn nhớ tới lời Đức Giê-su truyền dạy: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say nhưng thể xác lại yếu hèn.” (x.Mt 26, 41)

Hôm ấy, để-khỏi-lâm-vào-cơn-cám-dỗ, Đức Giê-su “lại đi cầu nguyện lần thứ hai”. Lần thứ hai, Ngài đã có lời nguyện rằng: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha.”

Vâng, quả là một lời cầu nguyện chúng ta cần ghi khắc trong con tim mình. Tại sao? Thưa, là bởi, sẽ có lúc chúng ta “cứ phải đi vào Ghết-sê-ma-ni”. Và, thực tế là đã có  không ít người trong chúng ta “cứ phải dương tính với Covid 19”.

Lạy Cha, con đã bị v.v… và v.v… con phải làm gì? Nên chăng là hãy ngước-mặt-lên-thánh-giá-Đức-Ki-tô và cầu nguyện như Đức Giê-su đã cầu nguyện tại vườn Ghết-sê-ma-ni, năm xưa! 

Hôm ấy, Đức Giê-su đã ba lần “đi cầu nguyện”. Ba lần Đức Giê-su đi-cầu-nguyện, phải chăng là để cầu nguyện cho Phê-rô vì đã ba lần “lỡ dại” chối Thầy! Ba lần Đức Giê-su đi-cầu-nguyện, phải chăng là để cầu nguyện cho những ai đã “ba vạn sáu ngàn ngày” lỡ dại bỏ nhà thờ, bỏ Giáo Hội của Chúa!

Nếu xưa kia, tại Ghết-sẽ-ma-ni “giờ Con Người bị nộp vào tay những kẻ tội lỗi” đã xảy ra. Xảy ra để ứng nghiệm điều Đức Giê-su đã ba lần tuyên bố: “Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh Người vào thập giá…” Thì ngày nay, Đức Giê-su: “Người sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết” cũng sẽ là sự thật. Thế nên, đừng lỡ dại bỏ nhà thờ, bỏ Giáo Hội nữa!

Vâng, hôm ấy, Đức Giê-su không quở trách về việc các môn đệ “còn ngủ”. Ngài nhẹ nhàng nói: “Đứng dậy, ta đi nào! Kìa kẻ nộp Thầy đã tới.”

***

Kẻ-nộp-Thầy-đã-tới. Y tên là Giu-đa Itcariot. Được các thượng tế hứa hẹn sẽ “cho… ba mươi đồng bạc”, vì thế cho nên “từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giê-su.” (x.Mt 26, 15-16).

Trong bữa tiệc mừng lễ Vượt Qua, đang bữa ăn, Đức Giê-su vén bức màn bí mật đó, khi Ngài tuyên bố trước nhóm mười hai, rằng: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy”.

Nghe tin đó, các môn đệ  “buồn rầu quá sức”. Để phá tan mối nghi kỵ, các ông tranh nhau lên tiếng hỏi Đức Giê-su: “Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao?”

Không trả lời trực tiếp, Đức Giê-su nhẹ nhàng nói: “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy. Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào đã nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn”.

Vâng, hôm nay, nếu Đức Giê-su hóa thân là một Giám Mục của một địa phận nào đó, có lẽ và có thể Ngài sẽ có lời rằng: “Khốn cho kẻ nào là con cái của Giáo Phận, thế mà nó lại không vâng lời, vu khống, đặt điều, thóa mạ Giám Mục của nó: thà nó đừng sinh ra thì hơn.”

Trở lại với lời tuyên bố của Đức Giê-su (nêu trên). Ơ hay! Nhóm Mười Hai chúng con, ai ai cũng đều “chấm chung một đĩa với Thầy”, thế thì cả mười hai người đều phản bội Thầy sao! Vâng, rất có thể các môn đệ nghĩ như thế. Và, đó là lý do Giu-đa, kẻ-sẽ-nộp-Người, cũng hỏi: “Rap-bi, chẳng lẽ con sao!”

Hôm ấy, Đức Giê-su trả lời Giu-đa rằng: “Chính anh nói đó.” Như vậy là  đã rõ mười mươi ai là kẻ phản bội. Thế nhưng, theo lời thánh Gio-an thì: “không ai hiểu tại sao Người nói với y như thế.” (x.Ga 13, 28)

Vâng, ở bữa tiệc mừng lễ Vượt Qua, các môn đệ không hiểu. Nhưng ở Ghết-sê-ma-ni, các ông hiểu, hiểu rằng: kẻ nộp Thầy Giê-su không là ai khác mà chính là Giu-đa Itcariot.

Vài hôm trước, “các thượng tế và kỳ mục nhóm họp tại dinh của vị thượng tế tên là Caipha, (họ) cùng nhau quyết định dùng mưu bắt Đức Giê-su và giết đi”Và hôm nay,  khi những vệt nắng cuối cùng khuất hẳn bầu trời Giêrusalem. Một nhóm người đã được các thượng tế và kỳ mục sai đi truy bắt Ngài.

Ánh đuốc bập bùng phá tan màn đêm vườn “Ghết”, nơi họ được Giu-đa Itcariot cho biết rằng, Đức Giêsu cùng các môn đệ của Ngài đang ở đó. Tiếng vó ngựa, tiếng gươm giáo khua vang đến rợn người. Ghết-sê-ma-ni như nổ tung lên khi tên phản bội, xuất hiện. Nụ hôn của y,  chính là ám hiệu ai sẽ là người cần bắt. Hôm trước, hắn đã nói với đồng bọn: “Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy.” (x.Mt 26, 48)

Sự trang nghiêm của nguyện cầu bị phá vỡ khi tên phản bội xuất hiện. Giu-đa xuất hiện, một sự hiện diện lạnh lùng, sự lạnh lùng thường thấy trên khuôn mặt của những kẻ phản bội. Hắn “tiến lại gần Đức Giê-su và nói: ‘Ráp-bi, xin chào Thầy!’, rồi hôn Người.”

Thật ra, đây không phải lần đầu tiên các thượng tế và kỳ mục tìm bắt Đức Giêsu. Đã nhiều lần họ tìm cách giết Ngài, đe dọa và ném đá Ngài. Đức Giêsu đều tìm cách lánh đi. (Ga 8,59). Nhưng hôm nay, tại Ghết-sê-ma-ni, Giêsu người Nazareth  vẫn đứng lặng, mặc cho  “địch thù gào thét”, mặc cho “ác nhân hà hiếp”.(Tv 55).

Hôm ấy, sau khi Giu-đa hôn Đức Giê-su. Thánh sử Mát-thêu thuật lại rằng: “Ngài bảo hắn: Này bạn, bạn đến đây làm gì thì cứ làm đi!” Toán quân và viên chỉ huy cùng đám thuộc hạ người Do Thái, đã làm. “Họ tiến đến tra tay bắt Đức Giêsu.”

Ghết-sê-ma-ni trở thành nhân chứng của bạo lực. Suốt dòng lịch sử con người, “cái hôn” của Giu-đa trở thành “biểu tượng” của bất trung, của bội giáo, của lường gạt.

“Các anh tìm ai? – Tìm Giê-su người Nadaret. – Chính tôi đây.” Tại Ghết-sê-ma-ni, Đức Giê-su chỉ cần một lời nói, “Chính tôi đây”, thế mà những người tìm bắt Ngài đã sợ hãi “lùi lại và ngã xuống đất”. (x.Ga 18, 6)

Quyền năng là thế, nhưng Giê-su người Nadaret không muốn các môn đệ của mình sẵn sàng “tuốt gươm”. Ngài không tán đồng công thức “si vis pacem, para bellum – muốn có hòa bình, phải sửa soạn chiến tranh”

Và, đó là lý do, khi “một trong những kẻ theo Ngài… vung tay tuốt gươm ra, chém phải tên đầy tớ của thượng tế làm nó đứt tai”, Đức Giê-su đã bảo người ấy: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm” (Mt 26, 52)

Hôm ấy, Ghết sê-ma-ni còn là nhân chứng về một Giê-su “hiền hậu và khiêm nhường” qua lời tuyên bố với kẻ đã “tuốt gươm ra chém tên đầy tớ”, rằng: “Hay anh tưởng là Thầy không thể kêu cứu với Cha Thầy sao? Người sẽ cấp ngay cho Thầy hơn mười hai đạo binh thiên thần!”

Không, không phải “mười hai đạo binh thiên thần” bị cô lập hóa. Chằng qua là Đức Giê-su không muốn “Hiến Chương Nước Trời” bị hoen ố bởi bạo lực.  Nói với người môn đệ của mình “hãy xỏ gươm vào vỏ” , Đức Giê-su muốn đưa ra một thông điệp, thông điệp rằng: đừng phản ứng lại sự ác bằng một sự ác khác, đừng dùng bạo lực để trấn áp bạo lực.

“Còn Thầy!” Đức Giê-su nói: “Thầy bảo anh em: hãy yêu thương kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ anh em” (Mt 6, 43) Ghết-sê-ma-ni, ngày hôm ấy đã chứng kiến một Giê-su “yêu thương kẻ thù”, Ngài đã chữa lành tên đầy tớ bị chém đứt tai. Tin Mừng thánh Luca thuật rằng: “Người sờ vào tai tên đầy tớ mà chữa lành” 

Chúng ta hãy để tâm hồn mình một phút trong thinh lặng và tự hỏi: “nụ hôn của Giu-đa – nụ hôn của thần chết” có là nụ hôn mà chúng ta thường thực hiện trong cuộc sống của mình!

Vâng, câu trả lời là của mỗi chúng ta. Tuy nhiên, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã biết rằng, nụ hôn của Giu-đa chẳng đem lại cho anh ta điều gì tốt đẹp ngoài cái chết bi thảm nhất của con người: thắt cổ tự vẫn.

****  

Giu-đa Itcariot thắt cổ chết. Các môn đệ thì “bỏ Người mà chạy trốn hết”. Còn Đức Giê-su? Thưa, “họ bắt Ngài rồi điệu đến dinh thượng tế Caipha.”

Tất cả thành viên Hội Đồng Công Tọa quá đỗi vui mừng trước chiến tích của Guida Iscariot. Một “toà án nhân dân” được vội vàng dựng lên. Họ “tìm chứng gian buộc tội Đức Giê-su để lên án tử hình”. Oái ăm thay! họ không tìm ra, “mặc dù có nhiều kẻ đã đứng ra làm chứng gian” (Mt 26, 59)

Có hai người bước ra khai rằng: “Tên này đã nói: tôi có thể phá Đền Thờ Thiên Chúa và nội trong ba ngày , sẽ xây cất lại.”

Đúng, đúng là một lời cáo gian. Đức Giê-su chưa bao giờ nói như thế. Nếu có nói, Ngài đã nói rằng: “Các ông, cứ phá hủy Đền Thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại.”

“Các Ông” chứ không phải là “Tôi có thể”, thưa các bố thượng tế!

Đó là lý do Đức Giê-su “vẫn làm thinh”. Thế là, một cái bẫy đã được thượng hội đồng dàn dựng, đúng như lời Kinh Thánh có chép: “Không gì nham hiểm và bất trị như lòng người”(Gr 17, 9). 

Một vị thượng  tế cất tiếng hỏi Đức Giê-su: “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, tôi truyền cho ông phải nói cho chúng tôi biết: ông có phải là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa không?”

Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa ư! Vâng, đó là điều Đức Giê-su đã “cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết” vì giờ-Ngài-chưa-đến. Nhưng  hôm nay thì “Giờ đã đến” –  “đã đến giờ Con Người được tôn vinh”.  Hôm đó, tại dinh thượng hội đồng, Đức Giê-su dõng dạc lên tiếng: “Chính ngài vừa nói”.

“Chính ngài vừa nói” cũng chính là chứng cứ để cho các vị thượng tế kết án Đức Giê-su.  Họ cho rằng, đó là “lời nói phạm thượng”. Rồi tất cả đều đồng thanh nói: “Hắn đáng chết”

Giê-su, thẩm phán của cả thế gian này, sẽ đến lần thứ hai, để phán xét tất cả chúng ta, mỉa mai thay lại bị sỉ nhục, bị “khạc nhổ và đấm đánh. Có kẻ (còn) tát Người và nói: Ông Ki-tô ơi! Hãy nói tiên tri cho chúng tôi nghe đi: ai đánh ông đó?”

*****

Dù đã có chứng cứ, nhưng các thượng tế không đủ thẩm quyền tuyên án tử Ngài. Chính vì thế, “họ trói Người lại và giải đi nộp cho tổng trấn Phi-la-tô” (x. Mt 27, 2).

Tại dinh quan tổng trấn, Philatô xuất hiện, ông ta đã lặng người khi nhìn thấy thân thể rã rời của Đức Giêsu sau một đêm bị những trận đòn tra tấn. Hình hài của Ngài, thật đúng là “Thân sâu bọ chứ người đâu phải…” (Tv 22, 7).

Qua cuộc thẩm vấn chóng vánh giữa Philatô và Đức Giêsu đã đưa đến một kết luận, Ngài “chẳng can tội gì đáng chết” (Lc 23,14).

Tổng trấn Philatô, đã đưa ra một kế sách để có thể tha Đức Giê-su. Đó là, “vào mỗi dịp lễ lớn, tổng trấn có lệ phóng thích một người tù, tùy ý (dân chúng) muốn.”

Hôm ấy, Phi-la-tô “đem một người tù khét tiếng , tên là Baraba.” Rồi trước mặt đám đông, Philato hỏi: “Các người muốn ta phóng thích ai cho các ngươi đây? Baraba hay Giê-su, cũng gọi là Ki-tô?”

Nhưng tiếc thay! “Các thượng tế và kỳ mục lại xúi đám đông đòi tha tên Baraba mà giết Đức Giê-su”.  Ba lần muốn phóng thích Ngài, nhưng cả ba lần Philato đều được đáp lại bằng những tiếng gào thét man rợ của nhóm kỳ mục và đám đông dân chúng: “Tha Baraba. Tha Baraba”

“Còn Giê-su, ta sẽ làm gì đây?” – “Đóng đinh nó vào thập giá”. Philatô… vâng, ông ta “thấy đã chẳng được ích gì mà còn thêm náo động, nên lấy nước rửa tay trước mặt đám động mà nói: Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các ngươi liệu lấy.”

 Mặc-các-ngươi-liệu-lấy.  Có thể nói, đó là một tiếng búa lệnh của vị quan toà chấm dứt phiên xử. Vâng, phiên tòa xét xử Đức Giê-su đã chấm dứt. Philato “phóng thích tên Baraba… còn Đức Giê-su thì ông truyền đánh đòn, rồi trao cho họ đóng đinh vào thập giá.” (Mt 27, 26)

******   

Như đã nói ở trên, cuộc xử án Đức Giê-su đã được thánh Mát-thêu ghi lại. Ngài tông đồ đã ghi lại “dài và rất chi tiết”. Vâng, “dài” như mười bốn chặng đàng Thánh Giá mà, theo truyền thống, chúng ta sẽ nguyện ngắm vào thứ sáu Tuần Thánh.  Và, rất chi tiết”, rất-chi-tiết đủ để chúng ta có thể nhìn thấy chính mình và tự hỏi: tôi là ai trong số những người đã hiện diện, đã tham gia trong cuộc xử án Ngài!

Là Giu-đa ư! Là tiếp tục sử dụng nụ-hôn-của-thần-chết! Là sẽ thực hiện những “nụ hôn”, nói theo ngôn ngữ ngày nay, đó là những “cái  bắt tay” để tạo ra những liên minh ma quỷ, để gây hận thù, bất hòa, bè phái, tranh chấp, chia rẽ v.v… trong gia đình, ngoài xã hội, “khủng” hơn nữa là trong Giáo Hội, là trên toàn thế giới!

Tất nhiên, không ai trong chúng ta muốn mình là nhân vật đầy tai tiếng  này. Tuy nhiên, trước một xã hội ngày một tục hóa, một xã hội ngày càng cổ vũ cho một nền văn hóa sự chết, một nền văn hóa tự do luyến ái, tự do phá thai, tự do hôn nhân đồng tính, một nền văn hóa đánh giá con người không trên đạo đức mà là trên quyền lực, tiền bạc, danh vọng v.v… thì sự “cám dỗ” để trở thành Giu-da Itcariot là điều rất, rất lôi cuốn.

Vâng, đừng để mắt chúng ta “nặng trĩu” trước sự cám dỗ này. Hãy nhớ lời Đức Giê-su đã truyền dạy: “Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì ích gì”

Là Phê-rô ư! Là chúng ta sẽ “chối bỏ” quyền làm con Thiên Chúa! Là chúng ta sẽ chối bỏ “tác quyền của Thiên Chúa” về hôn nhân gia đình, rằng: “người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình” (x.St 2, 24)

Là Simon người Kyrene, người bị bắt buộc phải vác cây thập tự thay cho tên tử tội dở sống dở chết là Giê-su ư!

Vâng, dù chúng ta là ai, thì Thiên Chúa vẫn luôn rình rập chờ đợi chúng ta trên khắp mọi nẻo đường. Dù chúng ta là Phê-rô, Đức Giê-su cũng vẫn quay lại nhìn chúng ta, như Ngài đã “quay lại nhìn ông”, năm xưa.

Và, nếu chúng ta là Simon người Kyrene. Vâng, tạ ơn Chúa, chúng ta chính là biểu tượng cho mọi hành vi liên đới  với những ai đang lao nhọc vất vả, mệt mỏi và gánh nặng, trên thế gian này.

Ánh mắt Đức Giê-su với sự “rình rập” của Ngài trên khắp mọi nẻo đường chúng ta đi, sẽ không còn làm cho chúng ta cảm thấy nặng nề khi phải thực hiện lời kêu gọi của Ngài, rằng: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình. Vác thập giá mình hằng ngày mà theo”.

Còn, còn đâu là nặng nề nữa, Chúa Giê-su “vác phụ” chúng ta rồi.  Thế nên, chẳng có lý do gì mà chúng ta không cất tiếng lên thưa với Đức Giê-su, rằng: “Xin cho con bước đi với Ngài. Xin cho con cùng vác với Ngài. Thập Gíá trên đường đời con đi”

Vâng, chúng ta hãy “Xin cho con cùng vác với Ngài.”

Petrus.tran