Videos: Giảng lễ bế mạc Tổng hội Dòng Đa Minh 2019

 

Tin mừng theo Thánh Mát-thêu (Mt 5,13-16)

Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng:

13 “Chính anh em là muối cho đời.  Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối cho nó mặn lại?  Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi. 14 Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.  Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được.

15 Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại đặt bên dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và nó soi sáng cho mọi người trong nhà.

16 Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời.”

 

 

Kính thưa anh chị em,

Chúng ta tụ họp nhau đây để mừng đại lễ kính Cha Thánh Đaminh, ánh sáng của Giáo hội, người truyền giảng ân phúc. Chúng ta cùng nhau tạ ơn Chúa vì những phúc lành mà Thiên Chúa đã ban cho Tổng hội Biên Hòa, Việt Nam, và vì muôn phúc lành mà mỗi người chúng ta đã nhận lãnh.

Cách đây ba năm, Tổng hội tại Bologna đã khai mạc với cuộc gặp gỡ các thầy Đa Minh từ khắp nơi trên thế giới trong chuyến hành hương với cha nguyên Tổng quyền Bruno. Lần này, Tổng hội Biên Hòa bế mạc với lễ tuyên khấn trọng thể của 21 thầy, những anh em này thề hứa sẽ trung thành bước đi với chúng tôi theo chân Chúa Kitô – Giảng thuyết.

Các anh em này dám thưa “Vâng” với một tương lai không thuộc về mình, vì anh em tin chắc rằng, tương lai ấy nằm trong vòng tay yêu thương và lòng thương xót của Chúa. Thiên Chúa là Đấng quyền năng và trung thành vì điều Ngài hứa, Ngài sẽ hoàn tất. Quyền năng của Thiên Chúa tỏa sáng trong (cuộc đời) chúng ta khi chúng ta giữ lời đã hứa, khi chúng ta trung thành với lời khấn của mình. Chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho các thầy được kiên trung bền vững.

Tại sao chúng ta cỗ võ ơn gọi cho Dòng? Tại sao chúng ta mời gọi các anh chị em trẻ gia nhập vào Gia đình Đa Minh với chúng ta? Chúng ta có đón nhận họ vì trách nhiệm của chúng ta là phải làm cho đặc sủng của thánh Đa Minh được tiếp tục sống động cho đến các thế hệ mai sau không? Hay là vì chúng ta cần những người cộng tác để loan báo Tin Mừng? Hoặc là vì trong thời đại này, có hàng tỷ người chưa hề được nghe loan báo Lời Chúa, hơn bất cứ lúc nào trong lịch sử, hoặc là vì mọi người thờ ơ với Tin Mừng, hoặc vì có “quá ít thợ gặt trong cánh đồng truyền giáo.”

Tôi tin rằng tất cả đều là những lý do chính đáng để chúng ta đón nhận các anh chị em đến với Dòng. Nhưng theo tôi còn có một lý do chính đáng khác, và có lẽ đó là lý do quan trọng nhất, đó là chúng ta muốn chia sẻ với các anh chị em ấy niềm vui của người rao giảng Tin Mừng, chúng ta muốn san sẻ với họ sự phong phú của đời sống Đa Minh. Mỗi chúng ta đều có kinh nghiệm rằng khi chúng ta gặp một điều gì đó thật tuyệt vời hay ngoạn mục, thì chúng ta thường nhớ ngay đến những người thân yêu của mình và tự nhủ, ước gì họ được ở đây với chúng ta!

Cũng vậy, khi các Nghị huynh của Tổng hội trở về nhà, tôi nghĩ rằng, câu chuyện đầu tiên họ kể sẽ là những điều tuyệt vời mà họ đã mắt thấy tai nghe, đã nếm trải ở đây, tại Việt Nam này! Điều đó gợi cho tôi liên tưởng đến mầu nhiệm các thánh thông công– khi tận hưởng phúc kiến trên trời, các thánh đều nhớ đến chúng ta, và có lẽ các ngài cũng nói: ước gì họ được ở đây với chúng ta! Và về phía mình, chúng ta cũng nói: xin cho chúng con hợp đoàn với các phúc nhân!

Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu nói rằng, chúng ta là muối đất và là ánh sáng trần gian. Chính ánh sáng đức tin mà chúng ta đón nhận trong ngày được Rửa tội cho chúng ta sức mạnh để làm cho thế giới này thêm hương sắc. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc chúng ta trong Thông Điệp Ánh Sáng Đức Tin rằng, “Đức tin không phải là ánh sáng xua tan tất cả mọi bóng tối của chúng ta, nhưng là một ngọn đèn dẫn bước chúng ta trong đêm tối và vừa đủ cho một cuộc hành trình.” (LF, 57) Ngay cả khi đức tin của chúng ta rất vững vàng, thì bóng tối vẫn tồn tại trong thế gian này. Tuy nhiên, chúng ta không có gì phải sợ, vì đức tin chính là ngọn đèn đáng tin cậy sẽ soi sáng bước đường của chúng ta.

Trong tiếng Việt, tên của thánh tổ phụ là Đa Minh, có nghĩa là ánh sáng diệu kỳ! Thánh Đa Minh là ánh sáng của Giáo hội. Là Kitô hữu, cách riêng là những người Đa Minh, chúng ta là ánh sáng của trần gian. Nhưng là ánh sáng, chúng ta là ánh sáng của mặt trăng chứ không phải của mặt trời. Duy mình Đức Giêsu là mặt trời công chính cho trần gian; chúng ta chỉ đơn thuần phản chiếu ánh ánh sáng của Người.

Đây là điều mà các thánh Giáo phụ gọi là sứ vụ mặt trăng, sứ vụ phản chiếu ánh sáng của Chúa Kitô, như mặt trăng phản chiếu ánh sáng của mặt trời. Và chúng ta biết rằng độ sáng của mặt trăng phụ thuộc vào khoảng cách của nó với mặt trời. Là những tu sĩ Đa Minh, ánh sáng của chúng ta cũng tùy thuộc vào tương quan của chúng ta với Chúa Kitô. Một số người trong chúng ta, tỏa sáng như ánh trăng rằm— khi nhìn vào họ, chúng ta ngay lập tức cảm nhận được niềm vui và sự bình an của Chúa Kitô.

Người ta bảo rằng, người đang yêu thì rực rỡtỏa sáng. Một người Đa Minh yêu mến Thiên Chúa thì bình an trong lòng và rực rỡ – tỏa sáng với người khác bằng nhiều cách khác nhau! Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra họ, bởi vì họ rực rỡtỏa sáng, họ tỏa sáng ngay cả trong đêm tối! Tuy nhiên, một số người trong chúng ta lại ở trong giai đoạn trăng khuyết, và hầu như không tỏa sáng, họ gần như bị khuất bóng khỏi Mặt Trời Chúa Kitô.

Khi chúng ta thấy một người Đa Minh u sầu ảm đạm, một người luôn cau có – gắt gỏng, sự hiện diện của họ khiến cho người khác mất hết sinh lực, đó là lúc anh chị em của họ đang phải chịu giai đoạn nguyệt thực! Đó cũng chính là lúc họ cần đến sự chăm sóc và tình huynh đệ của chúng ta, bởi vì ánh sáng của Chúa Kitô đã hoàn toàn bị ngăn cản, vì một lý do nào đó trong lòng họ. Đức Giêsu bảo đảm cho chúng ta rằng, chúng ta là ánh sáng trần gian. Nhưng chúng ta là loại ánh sáng nào? Là trăng rằm, trăng khuyết hay nguyệt thực? (nhắc lại lời của các thánh Giáo phụ) Rao giảng về Chúa Kitô bằng lời nói và việc làm chính là sứ vụ mặt trăng.

Thánh Đa Minh là ánh sáng của Giáo hội, tương tự như điều mà Đức Giêsu nói trong bài Tin mừng hôm nay. Thánh Đa Minh không giữ cho mình sự rực rỡ từ cảm hứng siêu nhiên, ngài đã thành lập Dòng Giảng Thuyết, một hội Dòng gồm có các anh chị em dấn thân truy tìm chân lý và loan truyền ân sủng, để xây dựng cộng đoàn, đặc biệt là xây dựng Giáo hội.

Một trong những câu hỏi khiến tôi tò mò từ khi còn là tập sinh là tại sao vị sáng lập Dòng Giảng Thuyết chẳng để lại bài giảng nào? Có lẽ không phải vì thời đó thiếu giấy bút, bởi vì chúng ta có thể được đọc những bài giảng tuyệt vời của thánh Augustinô, người đã sống trước thánh Đa Minh nhiều thế kỷ. Ấy vậy mà, tất cả những gì chúng ta có, chỉ là ba lá thư ngắn ngủi của thánh Đa Minh: một lá thư gửi cho các nữ đan sĩ, và hai lá thư viết về những người lạc giáo trở lại.

Tôi nghĩ rằng phải có một lý do chính đáng nào đó về sự vắng bóng các bài thuyết giảng của thánh Đa Minh. Cha Timothy đã từng nói về việc dùng trí tưởng tưởng, nên tôi mời gọi anh chị em dùng trí tưởng tượng và giả định rằng, sự vắng bóng ấy nhằm làm sáng lên một mầu nhiệm, mà đối với thánh Đa Minh, hội Dòng ngài sáng lập chính là một bài giảng kéo dài. Ngài đã không gọi các tu viện đầu tiên là những ngôi nhà cho những anh em giảng thuyết, nhưng chính là Thánh Thuyết Cuộc.

Tất cả chúng ta là bài giảng của Thánh Đa Minh cho thế giới hôm nay. Chúng ta là một phần bản văn trong bài giảng của ngài. Từ bản văn có nguồn gốc từ tiếng Latin, texere, có nghĩa là đan kết. Bản văn trong bài giảng của thánh Đa Minh chính là sự đan kết giữa cuộc sống và lời chứng của những người say mê tinh thần của ngài, của niềm đam mê chân lý, và lòng trắc ẩn với đồng loại.

Và nếu anh chị em có thể tưởng tượng được rằng, anh chị em là một phần trong bài giảng của thánh Đa Minh, thì tôi mời anh chị em hãy xét xem, anh chị em đang ở khúc nào trong bài giảng của Thánh Đa Minh. Anh chị em có ở ngay giữa bản văn không? có được in đậm lên không? Hay anh chị em là một cước chú nhỏ buồn tẻ ở cuối trang? Nhưng ngay cả khi anh chị em là một chú thích ít người đọc tới, nhưng thực sự là nên đọc, bởi vì nếu đọc, người ta sẽ phát hiện ra nhiều điều bổ ích (giống như một chú thích trong bản Kinh thánh Giêrusalem). Chú thích này giúp họ hiểu rõ ràng hơn về bản văn, điều đó đưa họ đến hướng đi sâu sắc và mới mẻ? Hay anh chị em là một cước chú bên lề trang giấy, làm nhiệm vụ ghi chú, phản ánh về nội dung của bản văn?

Có thể anh chị em đang ở bên lề, chỉ đơn giản ở đó thôi, nhưng chính cái lề của trang giấy lại đánh dấu phạm vi của văn bản, và cho mọi người biết rằng có một bản văn tồn tại. Vậy bản văn này nói gì? Về phần mình, anh chị em phải nói gì? Chúng ta là bài giảng duy nhất nhưng kéo dài của Cha thánh Đa Minh cho thế giới hôm nay. Những quyết định mà chúng ta đưa ra trong Tổng hội của Dòng vừa qua, tự chúng là một sự đan – kết giữa những ước mơ và xác tín của chúng ta, là làm cho lời giảng của thánh Đa Minh sống động, hùng hồn hơn trong thế giới hôm nay.

Các Nghị huynh chúng tôi từ khắp nơi trên thế giới, đến đây để bày tỏ sự hiệp thông như những người Đa Minh. Chúng tôi đã cùng nhau bước đi với Chúa trong bốn tuần lễ. Rồi đây, chúng tôi sẽ trở về với cộng đoàn của mình. Có vẻ như nghịch lý, nhưng ngay cả khi chúng ta chia tay nhau, và ra đi mỗi người một ngả, chúng ta vẫn tiếp tục đồng hành cùng nhau, vì chúng ta thuộc về gia đình của Thánh Đaminh, ánh sáng của Giáo hội, và chúng ta có chung một mục tiêu là: Chiếu tỏa ánh sáng của Chúa Kitô, Ngôi Lời – Nhập thể, cho thế giới hôm nay.

Gerard Francisco Timoner III

 

 

 

Trả lời