Video: ĐTC cầu nguyện cho hòa bình thế giới

 

ĐTC cầu nguyện cho hòa bình thế giới

 

Video: ĐTC cầu nguyện cho hòa bình thế giớiBuổi cầu nguyện đã được tổ chức tại trước tiền đình Đền thờ Thánh Phêrô lúc 19h chiều thứ Bẩy 7 tháng 9 và kéo dài liên tục trong 4 giờ đồng hồ.

Ngay từ lúc 5h chiều hàng trăm ngàn anh chị em tín hữu tại Rôma và các khách hương đã tấp nập kéo đến quảng trường Thánh Phêrô. Nơi đây đã thiết kế 50 tòa giải tội xung quanh hàng cột Bernini và các linh mục đã ngồi toà từ 5h chiều. Xưng tội nghĩa là hòa giải, và đó là lý do tại sao Đức Giáo Hoàng ao ước Bí tích này được thực hiện tại buổi canh thức đêm thứ Bảy 07/09.

Sau khi Đức Thánh Cha và Đức ông Guido Marini, Trưởng ban nghi lễ phủ Giáo hoàng, tiến ra lễ đài từ trong Đền thờ Thánh Phêrô, 4 người lính ngự lâm đã cung kính khiêng kiệu bức ảnh Đức Mẹ là phần rỗi dân Rôma lên lễ đài cùng với 4 trẻ em cầm hoa đi trước và hai người hiến binh Vatican đi sau đoàn kiệu.

Trên khán đài ngang với chỗ Đức Thánh Cha quỳ cầu nguyện là đại sứ của các nước cạnh Tòa Thánh. Đặc biệt, chúng tôi ghi nhận sự hiện diện của phái đoàn Hồi Giáo tại Syria và một số nước Trung Đông.

Buổi cử hành đã được tiếp nối với những lời nguyện và những người tham dự cũng đã cầu nguyện bằng cách lần chuỗi Mân Côi. Trước khi bắt đầu mỗi mầu nhiệm, một chú giải và một bản văn Kinh Thánh ngắn sẽ được đọc bởi các nữ tu dòng Thánh Têrêsa thành Lisieux.

[youtube]OzojpBAezdw[/youtube]

Trong diễn từ, với những lời rất mạnh mẽ, Đức Thánh Cha nói:

“Thiên Chúa thấy mọi sự là tốt đẹp” (St 1:12, 18, 21, 25 ). Các trình thuật Kinh Thánh về sự khởi đầu lịch sử của thế giới và của nhân loại nói cho chúng ta về một Thiên Chúa Đấng đang nhìn những gì Ngài đã tạo ra, suy tư, và tuyên bố: “Thật là tốt đẹp”. Điều này cho phép chúng ta tiến vào con tim của Thiên Chúa và, chính xác từ bên trong Ngài, đón nhận thông điệp của Ngài. Chúng ta có thể tự hỏi: thông điệp này nghĩa là gì? Nó nói gì với tôi, với bạn, với tất cả chúng ta?

Nó chỉ nói với chúng ta đơn giản một điều này thôi, đó là: thế giới của chúng ta, trong trái tim và tâm trí của Thiên Chúa, là “ngôi nhà của sự hòa hợp và hòa bình “, và rằng đó là không gian trong đó tất cả mọi người có thể tìm thấy nơi thích hợp của họ và cảm thấy “đang ở nhà”, bởi vì thế giới này “tốt đẹp”. Tất cả các tạo vật hình thành nên một sự thống nhất hài hòa, và đẹp đẽ, nhưng trên tất cả nhân loại, được tạo nên theo hình ảnh Thiên Chúa, là một gia đình, trong đó các mối quan hệ được đánh dấu bởi một tình huynh đệ thực sự với nhau chứ không chỉ những lời nói đầu môi chót lưỡi: theo đó người khác là anh chị em của chúng ta để chúng ta yêu, trong mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, là lòng trung tín và thiện hảo, Đấng phản ánh tất cả các mối quan hệ con người và mang lại sự hài hòa cho toàn thể thụ tạo. Thế giới của Thiên Chúa là một thế giới mà tất cả mọi người phải cảm thấy có trách nhiệm đối với người khác, với thiện ích của người khác. Tối nay, trong suy tư, chay tịnh và cầu nguyện, mỗi người chúng ta tự thẳm sâu trong lòng nên tự hỏi mình: Đây có thực sự là thế giới mà ta mong muốn? Đây có thực sự là thế giới mà tất cả chúng ta đều mang trong tim mình? Thế giới mà chúng ta mong muốn có thực sự là một thế giới của hòa hợp và hòa bình trong chính con người chúng ta, trong các mối quan hệ của chúng ta với những người khác, trong gia đình, trong các thành phố, trong và giữa các quốc gia với nhau? Và trong thế giới này con người có được tự do lựa chọn những cách thế được hướng dẫn bởi tình yêu hầu mang lại thiện ích cho tất cả không?

Khi đó chúng ta băn khoăn: Đây có phải là thế giới mà chúng ta đang sống? Thụ tạo vẫn giữ được vẻ đẹp khiến chúng ta ngạc nhiên và đó vẫn là một kỳ công tốt đẹp. Nhưng cũng có “bạo lực, chia rẽ, bất đồng, và chiến tranh “. Điều này xảy ra khi con người, là đỉnh cao của thụ tạo, thôi không chiêm ngưỡng vẻ đẹp và sự tốt lành, nhưng lui vào trong sự ích kỷ của mình.

Khi con người chỉ nghĩ đến mình, đến những lợi ích riêng mình và đặt mình ở vị trí trung tâm, khi con người cho phép mình bị mê hoặc bởi các ngẫu tượng của sự thống trị và quyền lực, khi con người đặt mình vào vị trí của Thiên Chúa, thì tất cả các mối quan hệ bị phá vỡ và tất cả mọi thứ bị hủy hoại, khi đó mở tung ra những cánh cửa cho bạo lực, thờ ơ, và xung đột. Đây là chính xác những gì trình thuật Sáng Thế ký muốn dạy chúng ta trong câu chuyện về sự Sa Ngã của con người: người đàn ông xung đột với chính mình, ông nhận ra mình trần truồng và ông ẩn mình đi vì sợ (x. St 3: 10 ), ông sợ cái nhìn của Thiên Chúa, ông cáo buộc cho người phụ nữ, là thịt bởi thịt của chính mình ( xem câu 12) ; ông phá vỡ sự hài hòa với sự sáng tạo, ông bắt đầu giơ cao tay mình lên chống lại em trai của mình và giết đi. Chúng ta có nên nói rằng từ sự hài hòa, con người đi đến “bất hòa” hay không? Không, chẳng có thứ gì là “bất hòa”, chỉ có hoặc là hài hòa hoặc là chúng ta đang rơi vào hỗn loạn, nơi có bạo lực, bất đồng, xung đột, sợ hãi và vân vân.

Chính trong sự hỗn loạn này mà Thiên Chúa chất vấn lương tâm con người: “Em trai Abel của ngươi ở đâu?” Cain trả lời: “Tôi không biết, tôi là người trông giữ em tôi sao? ” (St 4:9). Chúng ta cũng được chất vấn với câu hỏi này, sẽ là tốt nếu chúng ta tự hỏi: Chúng ta thực sự có phải là người trông giữ anh em chúng ta không? Đúng thế, anh chị em là những người trông giữ anh chị em mình! Là con người nghĩa là phải chăm sóc cho nhau! Nhưng khi sự hài hòa bị băng hoại, khi biến thái xảy ra: người anh em lẽ ra phải được chăm sóc và yêu thương lại trở thành một kẻ thù phải chiến đấu, phải giết đi. Bạo lực xảy ra vào thời điểm đó, bao nhiêu những xung đột, bao nhiêu những cuộc chiến tranh đã đánh dấu lịch sử của chúng ta! Chúng ta chỉ cần nhìn vào sự đau khổ của rất nhiều anh chị em. Đây không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng là sự thật: chúng ta hồi sinh tội ác Cain trong tất cả các hành vi bạo lực và trong tất cả các cuộc chiến tranh. Tất cả chúng ta ! Và thậm chí ngày nay chúng ta tiếp tục lịch sử xung đột giữa anh em, thậm chí hôm nay chúng ta giơ cao tay của chúng ta đối với anh em chúng ta. Thậm chí ngày nay, chúng ta để cho mình được hướng dẫn bởi những ngẫu tượng, bởi sự ích kỷ, bởi những lợi ích của chúng ta, và thái độ này vẫn còn. Chúng ta đã hoàn thiện vũ khí của chúng ta, lương tâm của chúng ta đã chìm vào giấc ngủ, và chúng ta đã mài sắc những ý tưởng của chúng ta để biện minh cho mình. Như thể đó là bình thường khi chúng ta tiếp tục gieo rắc sự hủy diệt, đau khổ, và chết chóc! Bạo lực và chiến tranh chỉ dẫn đến tử vong, chúng réo gọi cái chết! Bạo lực và chiến tranh là ngôn ngữ của cái chết!

Tại thời điểm này tôi tự hỏi: Liệu chúng ta có thể thay đổi chiều hướng này không? Chúng ta liệu có thể thoát ra được cái vòng xoáy trôn ốc này của đau khổ và chết chóc không? Chúng ta có thể học lại một lần nữa để có thể tiến bước và sống trong những cách thế hòa bình không? Khi khẩn cầu sự giúp đỡ của Thiên Chúa, dưới cái nhìn từ mẫu của Đức Mẹ là phần rỗi của dân Rôma, Nữ Vương Hòa Bình, tôi nói: Vâng, đó là điều có thể cho tất cả mọi người! Từ mọi nơi trên thế giới đêm nay, tôi muốn được nghe chúng ta kêu lên: Vâng, đó là điều có thể cho tất cả mọi người ! Hoặc thậm chí tốt hơn, tôi xin cho mỗi người chúng ta, từ người thấp cổ bé họng nhất đến những bậc cao trọng nhất, bao gồm cả những người được kêu gọi để lãnh đạo các quốc gia, hãy đáp lại: Vâng, chúng ta muốn điều đó! Đức tin Kitô giáo của ta thúc giục ta tìm đến Thánh Giá. Tôi ao ước biết bao cho mọi người nam nữ thiện chí sẽ tìm đến với Thánh Giá dù chỉ trong giây lát! Ở đó, chúng ta có thể thấy câu trả lời của Thiên Chúa: bạo lực đã không được đáp trả bằng bạo lực, cái chết không được đáp trả bằng ngôn ngữ của cái chết. Trong sự im lặng của Thánh Giá, tiếng ồn ào của vũ khí chấm dứt và ngôn ngữ của hòa giải, tha thứ, đối thoại và hòa bình vang lên.

Tối nay, tôi xin Chúa cho những người Kitô hữu chúng ta, và anh chị em của chúng ta trong các tôn giáo khác, và mỗi người nam nữ thiện chí, hãy dõng dạc kêu lên: bạo lực và chiến tranh không bao giờ là phương thế cho hòa bình! Hãy để mọi người được rung động khi nhìn vào sâu thẳm lương tâm của mình và lắng nghe từ đó những lời này: Hãy để lại đằng sau những lợi ích đã làm chai cứng con tim của bạn, hãy vượt qua sự thờ ơ đã làm cho trái tim của bạn dửng dưng với người khác, hãy khuất phục cái luận lý chết người của bạn, và hãy mở cửa cho những cuộc đối thoại và hòa giải. Hãy nhìn vào nỗi buồn của anh chị em mình và đừng cộng thêm vào đó những sầu muộn khác, hãy dùng đôi tay của bạn trong việc xây dựng lại sự hài hòa đã bị tan vỡ, và tất cả điều này đạt được không phải do xung đột nhưng bởi các cuộc gặp gỡ !

Xin cho những tiếng ồn của vũ khí hãy lụi tàn! Chiến tranh luôn luôn đánh dấu sự thất bại của hòa bình, nó luôn luôn là một đại bại của nhân loại. Hãy để những lời của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI vang lên một lần nữa: “Đừng có ai chống lại người khác nữa, đừng, đừng bao giờ nữa!… chiến tranh đừng bao giờ xảy ra, đừng bao giờ chiến tranh một lần nữa!” (Diễn từ tại Liên Hiệp Quốc, 1965). ” Hòa Bình chỉ thể hiện chính mình trong hòa bình, một nền hòa bình không tách rời khỏi những đòi hỏi của công lý nhưng được nuôi dưỡng bởi sự hy sinh cá nhân, khoan dung, lòng thương xót và tình yêu” ( thông điệp ngày thế giới hoà bình, 1975). Tha thứ, đối thoại, hòa giải – đó là những lời của hòa bình, nơi đất nước Syria thân yêu, ở Trung Đông, trên tất cả thế giới! Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa giải và hòa bình, chúng ta hãy làm việc cho hòa giải và hòa bình, và hãy để cho tất cả chúng ta trở thành, ở mọi nơi, những người nam nữ của hòa giải và hòa bình! Amen.

Sau đó là Chầu Thánh Thể. Bằng một cử chỉ đầy biểu tượng, năm người từ Syria, Ai Cập, Israel, Hoa Kỳ và Nga đã dâng hương trước bàn thờ.

Bài trình thuật Tin Mừng theo Thánh Gioan đã được tuyên đọc trong đó đề cập đến biến cố Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra với các môn đệ của Ngài và ban cho họ tràn đầy bình an và niềm vui.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha đã ban phép lành cho tất cả những người tham dự. Buổi canh thức kết thúc lúc 11 giờ đêm, sau bốn giờ cầu nguyện sốt sắng.

(vietcatholic)

 

 

Trả lời