Video: Ai Cập chìm trong biển lửa

 

Video: Ai Cập chìm trong biển lửa

 

 

Video: Ai Cập chìm trong biển lửa1. Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi hòa bình cho Ai Cập

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 18 tháng 8 tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lặp lại những lời kêu gọi hòa bình tại Ai Cập, nơi các cuộc đụng độ dữ dội giữa quân đội và những người ủng hộ tổng thống bị lật đổ Mohammed Morsi tiếp tục làm gia tăng số người chết.

Đức Thánh Cha nói:

“Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình ở Ai Cập cùng với nhau, Lạy Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình cầu cho chúng con.”

Đề cập đến bài Tin Mừng Chúa Nhật 20 Mùa Thường Niên, trong đó, tình cờ cũng đề cập đến hòa bình, Đức Thánh Cha nhận định rằng bạo lực không bao giờ phù hợp với đức tin.

Ngày hôm nay Đức Giêsu đang nói với chúng ta về sự bình an, nhưng không phải loại bình an mà thế gian ban cho chúng ta, không phải bình an theo kiểu bằng mọi giá để đạt được. Không phải thứ bình an giữ chúng ta im lặng trước những bất công trong xã hội.

Ngài nói:

“Chúa Giêsu không mô tả sự trung lập. Hòa bình không phải là một sự thỏa hiệp bằng mọi giá. Theo Chúa Giêsu, có nghĩa là từ bỏ tất cả điều ác và ích kỷ, làm điều thiện, chọn sự thật và công lý. “

Đức Thánh Cha đã tiếp tục lên án mọi hình thức bạo lực. Ngài nói rằng không ai được phép sử dụng bạo lực để truyền bá Tin Mừng.

“Nhưng ngược lại: sức mạnh thật sự của các Kitô hữu là sức mạnh của sự thật và tình yêu, có nghĩa là từ bỏ tất cả các hình thức bạo lực. Đức tin không tương hợp với bạo lực! Đức tin không thể đi đôi với bạo lực! Thay vào đó, đức tin và lòng dũng cảm tay trong tay. Một Kitô hữu không thể hung hăng. “

[youtube]TaK9i87rkuU[/youtube]

2. Đức Thánh Cha Phanxicô cám ơn Đức Hồng Y Raymundo Damasceno Assis về sự tiếp đón tại đền thánh Đức Mẹ Aparecida

Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết thư cho Đức Hồng Y Raymundo Damasceno Assis, Tổng Giám Mục Aparecida kiêm Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Brasil, để bầy tỏ lòng biết ơn đối với sự tiếp đón nồng hậu dành cho ngài trong chuyến hành hương tại đây nhân Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Rio de Janeiro hồi hạ tuần tháng 7 năm 2013.

Trong sứ điệp đề ngày mùng 2-8-2013 Đức Thánh Cha nói ngài giữ gìn trong tâm trí các hình ảnh của buổi cử hành sâu đậm tại đền thánh Đức Mẹ Aparecida. Đó cũng đã là dịp sống lại các kỷ niệm của hội nghị lần thứ V của Liên Hội Đồng Giám Muc châu Mỹ Latinh và vùng Caraibi. Sau khi bầy tỏ lòng yêu mến và sùng mộ đối với Đức Bà Aparecida Đức Thánh Cha xin Đức Hồng Y chuyển lời cám ơn của ngài tới các Giám Mục Brasil cũng như các linh mục và phong trào của Giáo Hội đã lo lắng và nỗ lực tổ chức Ngày Quốc Tế Tế Trẻ rất trôi chảy tốt đẹp. Đức Thánh Cha cầu mong rằng các hạt giống đã gieo vãi nở hoa cho một mùa xuân mới của Giáo Hội và quốc gia Brasil yêu dấu. Ngài xin Đức Mẹ Aparecida bầu cử cho Giáo Hội và dân nước Brasil.

3. Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Raoul Follereau, người dành hết cuộc đời cho các bệnh nhân bệnh phong.

Ngày thứ Bảy, 17 tháng 8, cộng đồng thế giới đã kỷ niệm sinh nhật thứ 110 của Raoul Follereau, người Pháp đã dành cả cuộc đời mình để giúp đỡ các bệnh nhân, đặc biệt là những người được chẩn đoán với bệnh phong.

Follereau là một nhà báo ở trước Thế chiến II Pháp. Trong một chuyến đi săn ở châu Phi, ông phát hiện ra hoàn cảnh bi đát mà nhiều người mắc bệnh phong phải đối mặt. Khi trở về châu Âu, ông bắt đầu chiến dịch của mình để giúp đỡ họ.

Ông đã thành lập một quỹ dành riêng để giúp những người bị bệnh phong trên thế giới. Ông cũng đã vận động mạnh mẽ để có thể giúp đỡ nhiều hơn cho các cộng đồng bệnh nhân phong. Vận động quan trọng nhất là việc thiết lập ngày Thế giới Bệnh phong tại Liên Hiệp Quốc.

Để đánh dấu sinh nhật thứ 110 của Follereau, Tòa Thánh sẽ phát hành tem đặc biệt để vinh danh ông, bắt đầu phát hành từ tháng Mười Một.

Bộ Phong Thánh đang nghiên cứu tiến trình phong Chân Phước cho ông.

4. Đức Thánh Cha Phanxicô thúc giục người Công Giáo đọc kinh Mân Côi trong cuộc chiến chống lại sự ác

Gần 12.000 khách hành hương đã đứng chật kín quảng trường nhỏ bên ngoài Dinh Thự Castel Gandolfo trong Thánh Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời do Đức Thánh Cha chủ sự.

Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện đằng sau cánh cửa mang tính biểu tượng như là nơi đã khép lại triều đại giáo hoàng vị tiền nhiệm của ngài là Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, ngài tiến đến bàn thờ dã chiến trong chiếc áo lễ đơn giản. Bài giảng của ngài tập trung vào những đóng góp cho Giáo Hội của Đức Mẹ.

Đức Thánh Cha Phanxicô giảng giải: “Qua ánh sáng của biểu tượng xinh đẹp này của Mẹ chúng ta, chúng ta có thể phân tích đoạn Kinh Thánh của bài đọc hôm nay. Chúng ta có thể tập trung vào ba chữ: chiến đấu, phục sinh, và hy vọng”.

Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, chữ đầu tiên đề cập đến cuộc chiến đấu liên tục từ đời này đến đời kia giữa thiện và ác, và Đức Mẹ đóng vai trò quan trọng ra sao trong việc dẫn dắt thế giới dọc theo cuộc chiến này.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Đức Maria hiệp cùng chúng ta, Mẹ chiến đấu bên cạnh chúng ta. Mẹ nâng đỡ các Kitô hữu trong cuộc chiến chống lại sức mạnh của sự ác. Nhất là qua lời cầu nguyện, qua kinh Mân Côi. Hãy nghe tôi nói, kinh Mân Côi … Anh chị em có cầu nguyện kinh Mân Côi mỗi ngày không? Tôi không biết, anh chị em có chắc không? Thế thì chúng ta bắt đầu! “

Đức Thánh Cha tiếp tục nói rằng Đức Mẹ đã dự phần trong cuộc chiến đấu của con Mẹ, là Chúa Giêsu Kitô. Mẹ chịu đau đớn cùng Chúa, và vì thế khi Chúa Giêsu phục sinh, Mẹ nhận được hoa quả đầu mùa của ơn cứu chuộc.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Mẹ của chúng ta, chúng ta có thể nói thêm, là người đại diện cho chúng ta. Mẹ là Chị của chúng ta, Chị Cả của chúng ta được ban ơn cứu độ và được đưa về Thiên Đàng”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng vì sự đau khổ và được cứu chuộc của Mẹ, Đức Mẹ cũng là hình ảnh mang tính biểu tượng nhất của hy vọng. Mẹ gần gũi những người đau khổ trên khắp thế giới, và ngài đem đến cho họ niềm hy vọng để vượt qua cuộc chiến của họ.

Đức Thánh Cha kết thúc Thánh Lễ với kinh Truyền Tin. Ngài ở lại Castel Gandolfo cả ngày. Sau chuyến viếng thăm một giáo xứ địa phương, ngài trở về Vatican.

5. Đức Giáo Hoàng kêu gọi hòa bình, đối thoại và hòa giải tại Ai Cập

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin tại Castel Gandolfo, Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ lo ngại về tình hình ở Ai Cập, nơi mà các cuộc biểu tình và đụng độ với quân đội đã dẫn đến những thiệt hại nhân mạng trầm trọng, cho đến nay có hơn 600 người thiệt mạng.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Thật không may, tin tức đau đớn đã đến từ Ai Cập. Tôi muốn đảm bảo cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân và gia đình họ, những người bị thương và tất cả những người đang chịu đau đớn. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho hòa bình, đối thoại và hòa giải nơi quốc gia thân yêu đó và cho khắp thế giới. Đức Maria, Nữ Vương Hòa Bình, cầu cho chúng con. Tất cả chúng ta hãy kêu cầu, Đức Maria, Nữ Vương Hòa Bình, cầu cho chúng con”.

Đức Thánh Cha đưa ra nhận xét của ngài trước hàng ngàn người đến tham dự Thánh Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời tại Quảng trường Tự do tại Castel Gandolfo. Đức Giáo Hoàng cũng cho biết đây là thời điểm 25 năm kể từ khi Đức Gioan Phaolô II ban hành Tông Thư Mulieris Dignitatem, về phẩm giá và ơn gọi của người phụ nữ. Ngài thúc giục các tín hữu phân tích vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tài liệu này rất giàu ý tưởng, xứng đáng để được đổi mới và phát triển, và đó là nền tảng cho chúng ta thấy trọn vẹn hình ảnh của Đức Trinh Nữ Maria.”

Đức Thánh Cha cũng cho biết, mỗi tiếng xin vâng với Thiên Chúa, như mẫu gương của Đức Mẹ, là một bước tiến gần hơn đến Thiên Đàng.

6. Một bộ phim trình bày Đức Mẹ đưa con người trở về với Đức Tin như thế nào

Mỗi năm hàng triệu người trên khắp thế giới viếng thăm những đền thánh đã được cung hiến cho Đức Mẹ. Đằng sau mỗi người hành hương là một câu chuyện. Bộ phim “Quê hương Mẹ Maria. Hư cấu hay Thực tại?” chia sẻ chứng tá của những người đã trở về với đức tin Công Giáo, sau khi cảm nghiệm được sự cầu bầu từ Mẹ Chúa Kitô.

“Tôi nghe giọng nói này có vẻ rất ngọt ngào, rất… nặng tình mẫu tử. Mẹ nói với tôi ‘con trai của mẹ, thế là đủ. Con có sẵn sàng để trở về nhà không?’”

Ông Juan Manuel Cotelo, nhà sản xuất bộ phim “Quê hương Mẹ Maria. Hư cấu hay Thực tại?” cho biết: “Bộ phim được dựa trên đó. Con đường dễ nhất và có tác động nhất để trở về với Thiên Chúa là qua Mẹ Maria” (3:16-3:31). “Thật là tuyệt đẹp khi thấy rằng Đức Mẹ không phải là một nhân vật huyền thoại tuyệt đẹp hoặc một câu chuyện cổ Hy Lạp. Mẹ không chỉ là một huyền thoại trong những huyền thoại khác”.

Ông Juan Manuel Cotelo giải thích rằng mục tiêu chính của bộ phim này là để nghiên cứu, tìm hiểu thêm về thực tại của con người, bao gồm cả những người tuyên bố họ đã được trò chuyện với chính Thiên Chúa.

Ông Juan Manuel Cotelo nói: “Nếu ai đó nói rằng họ trò chuyện với Michael Jackson chúng tôi không nghi ngờ. Chúng tôi nghĩ rằng hoặc là họ nói dối, hoặc là tâm thần họ không ổn định, họ cần tìm đến một bác sĩ tâm thần. Nhưng có hàng triệu, không chỉ một mà là hàng triệu người tuyên bố họ đã trò chuyện với Chúa Giêsu Kitô hằng ngày. Họ đang nói dối chăng, điên à? Hay họ nói lên sự thật?”

“Hãy nói về những người sống mà không có Thiên Chúa trong nhiều năm, và bây giờ họ sống với Ngài. Họ có quyền nói, tôi đã kiểm nghiệm với cả hai lối sống, và lối sống này tốt hơn. Được, chúng ta hãy xem họ đã chán ngấy, hay họ có tâm thần không ổn định, hay là họ đang trình bày một số sự thật”

Một trong những điều gây ngạc nhiên cho những người không Công Giáo là lòng sùng mộ đặc biệt mà người Công Giáo bộc lộ đối với Đức Trinh Nữ Maria. Lịch của họ là đầy những ngày dành cho ngài, và các đền Đức Mẹ luôn đầy ắp khách hành hương. Cuốn phim “Hư cấu hay Thực tại” giúp người xem hiểu rõ vai trò Đức Mẹ trong Giáo Hội Công Giáo.

7. Hồi Giáo Mã Lai Á đe doạ biểu tình nếu tòa án cho người Công Giáo gọi Thiên Chúa là Allah.

Nếu bây giờ một tòa án ở Việt Nam ra một phán quyết cấm người Công Giáo không được gọi Thiên Chúa bằng danh từ “Chúa” như chúng ta vẫn thường dùng hàng mấy trăm năm nay, bắt phải dùng một từ khác đi thì chúng ta nghĩ như thế nào?

Đó là hoàn cảnh vô lý mà những người Công Giáo tại Mã Lai Á đang phải đối diện. Nếu như hàng mấy trăm năm nay người Việt dùng danh từ “Chúa”, thì người Công Giáo Mã Lai dùng danh từ “Allah”.

Tuy nhiên, vì người Hồi Giáo cũng dùng từ “Allah” nên họ cấm không cho người Công Giáo dùng từ ấy mà phải sửa trong tất cả các kinh sách. Ngày 22 tháng 8, Đức Tổng Giám Mục Murphy Nicholas Xavier Pakiam của Kuala Lampur sẽ phải ra trước toà án để nghe phán quyết.

Trong tuần qua, các quan tòa tại Mã Lai cũng thấy sự vô lý và ngang ngược của người Hồi Giáo nên đã có những dấu chỉ thăm dò quần chúng là họ không thể ra một phán quyết vô lý như thế.

Để gây áp lực với nền tư pháp Mã Lai, Perkasa, một tổ chức chủ trương bạo động và có khuynh hướng dân tộc hẹp hòi, đã kêu gọi người Hồi giáo biểu tình phản đối “với số lượng lớn” nếu quan tòa không cấm người Công Giáo sử dụng từ “Allah” để chỉ Thiên Chúa.

Từ “Allah” đã được người Công Giáo sử dụng từ thế kỷ thứ 17 nhưng cách đây 4 năm chính phủ Malaysia đã cấm một tờ báo Công Giáo không được sử dụng thuật ngữ này làm dấy lên một cuộc chiến pháp lý kéo dài đến bốn năm qua.

Đầu tháng 7 vừa qua, sứ thần Tòa Thánh tại Mã Lai là Đức Tổng Giám Mục Joseph Marino đã nhận xét rằng việc người Công Giáo dùng từ “Allah” là “hợp lý và chấp nhận được”.

Một số lãnh đạo Hồi giáo và báo chí tại nước này đã kêu gọi chính phủ trục xuất Đức Tổng Giám Mục cho rằng tuyên bố của ngài là một sự xúc phạm đến Hồi giáo. Tình hình căng thẳng đến mức Đức Tổng Giám Mục đã phải gặp Bộ trưởng Ngoại giao Mã Lai là ông Datuk Seri Anifah Aman, trong một nỗ lực để giảm bớt căng thẳng. Ngày 16 tháng 7, ngài phải ra một tuyên bố có tính hòa giải với những người Hồi Giáo.

Mã Lai có 29.2 triệu dân trong đó 60% theo Hồi giáo, Phật giáo 19%, 6% theo đạo Hindu, 6% Tin Lành, và 3% theo Công Giáo.

8. Tuyên ngôn của Giáo Hội Công Giáo Ai Cập

Thượng Phụ Alexandria của Giáo Hội Công Giáo Coptic Ai Cập, Ibrahim Isaac, vừa cho công bố một tuyên ngôn liên quan tới tình hình chính trị đang diễn ra tại Đất Nước ngài, sau khi những người ủng hộ Huynh Đệ Hồi Giáo chém giết và đốt phá các nhà thờ, trường học và nhiều cơ sở khác. Thượng Phụ Isaac cũng là Chủ Tịch Hội Đồng Các Thượng Phụ và Giám Mục Công Giáo Ai Cập. Sau đây là nguyên văn bản tuyên bố, “nhân danh tình yêu quê hương và tình liên đới với mọi người yêu thương Ai Cập, bất luận là Kitô hữu hay người Hồi Giáo”:

Với nỗi đau buồn nhưng cũng hy vọng, Giáo Hội Công Giáo tại Ai Cập đang theo dõi những gì quê hương chúng tôi đang trải nghiệm: các tấn kích, giết chóc và thiêu đốt nhà thờ, trường học và các định chế nhà nước do người khủng bố. Bởi thế, nhân danh tình yêu quê hương và tình liên đới với mọi người yêu thương Ai Cập, bất luận là Kitô hữu hay người Hồi Giáo, chúng tôi cố gắng hết sức để truyền thông cho các tổ chức thân hữu khắp thế giới ngõ hầu làm sáng tỏ cho họ sự thực của các biến cố đang diễn ra tại quê hương chúng tôi. Chúng tôi muốn được phát biểu những điều sau đây:

Chúng tôi hỗ trợ một cách tự do, mạnh mẽ và đầy ý thức mọi định chế quốc gia, đặc biệt là Quân Đội và cảnh sát, trong tất cả các cố gắng của họ nhằm bảo vệ quê hương.

Chúng tôi đánh giá việc các quốc gia thành thật đã am hiểu bản chất các biến cố và thẳng thừng bác bỏ bất cứ mưu toan can thiệp nào vào nội tình Ai Cập hoặc ảnh hưởng tới các quyết định tối cao của Ai Cập bất kể định hướng của nó có ra sao.

Chúng tôi cám ơn mọi cơ sở truyền thông của Ai Cập và của quốc tế đã tường trình các tin tức và các biến cố một cách khách quan và vô tư, trong khi lên án những cơ sở truyền thông nào cổ vũ dối trá và làm sai lạc sự thật hòng lừa dối công luận thế giới.

Chúng tôi cám ơn các đồng bào Hồi Giáo đáng kính của chúng tôi, những người luôn đứng bên cạnh chúng tôi, bao nhiêu có thể, để bảo vệ các thánh đường và các định chế của chúng tôi.

Sau cùng, chúng tôi xin ngỏ lời cùng các nhà lãnh đạo quốc tế có ý thức và mọi nhà lãnh đạo quốc gia, xin họ hiểu và tin rằng những gì đang diễn ra tại Ai Cập hiện nay không phải là cuộc đấu tranh chính trị giữa các phe phái khác nhau, mà là một cuộc chiến chống khủng bố.

Để kết luận, chúng tôi tỏ lời chia buồn với mọi gia đình và thân nhân của các nạn nhân. Chúng tôi xin Chúa chữa lành mọi vết thương.

+ Ibrahim Isaac
Thượng Phụ Alexandria của Người Công Giáo Coptic
Chủ tịch Hội Đồng Các Thượng Phụ và Giám Mục Công Giáo Ai Cập

9. Đức Thánh Cha cắt ngắn những ngày nghỉ hè để gặp gỡ các bạn trẻ Nhật Bản

Cuộc tiếp kiến giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và 200 bạn trẻ Nhật Bản tại Vườn Damasus hôm thứ Tư 21 tháng 8 đã diễn ra rất vui vẻ, thân mật và tự nhiên.

Đây cũng là một sự kiện bất thường bởi các vị Giáo Hoàng hiếm khi chào đón du khách trong tháng Tám. Nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô đã không ngần ngại gặp gỡ cá nhân với nhóm bạn trẻ. Trong buổi gặp gỡ, ngài đã làm nổi bật tầm quan trọng của đối thoại.

Đức Thánh Cha nói:

“Đối thoại là rất quan trọng đối với sự trưởng thành cá nhân, bởi vì trong việc làm quen với những người khác và các nền văn hóa, trong việc làm quen với các tôn giáo khác, chúng ta phát triển và trưởng thành.”

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói thêm rằng để xây dựng sự hiểu biết và hòa bình giữa các nền văn hóa, điều quan trọng là phải có một thái độ cởi mở.

Ngài nói:

“Hiền lành, khả năng gặp gỡ con người, gặp gỡ các nền văn hóa một cách an bình, khả năng đặt câu hỏi thông minh: tại sao họ lại suy nghĩ như thế? Tại sao nền văn hóa này thực hiện điều này? Lắng nghe người khác và sau đó hãy nói. Đầu tiên là lắng nghe và sau đó mới nói. Đây là sự khiêm nhường. “

Đức Thánh Cha Phanxicô đã thể hiện một tình cảm đặc biệt với Nhật Bản, và nhiều lần ngài giải thích rằng khi còn nhỏ ngài đã muốn trở thành một nhà truyền giáo ở Nhật Bản. Kết thúc buổi triều yết chung, một trong số những bạn trẻ đã cám ơn Đức Giáo Hoàng, và tất cả đều hát vang một bài tặng Đức Thánh Cha.

10. Hơn 60 nhà thờ bị đốt phá tại Ai Cập.

Hôm 14 tháng 8, một ngày trước Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Giáo Hội tại Ai Cập đã phát đi lời kêu cứu khẩn cấp trước cơn cuồng nộ của người Hồi Giáo khi 23 nhà thờ bị đồng loạt tấn công và đốt phá ngay tại thủ đô Cairo.

Sáng thứ Hai 20 tháng 8, cha Rafic Greiche, phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục Công Giáo Ai Cập, nói với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng rằng ít nhất 60 nhà thờ đã bị đốt phá trong đó có 14 nhà thờ Công Giáo, 1 nhà thờ Tin Lành, số còn lại thuộc Giáo Hội Chính Thống Coptic.

Theo nhận xét của cha Rafic Greiche, những nơi bị tấn công mạnh là những nơi có đông những chiến binh Hồi Giáo thuộc phong trào Huynh Đệ Hồi Giáo, một tổ chức thường được phương Tây mô tả là tổ chức khủng bố có những quan hệ gần gũi với Al Qaeda của Bin Laden.

Cha Rafic Greiche nhấn mạnh “Đây không phải là một cuộc chiến giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo. Nó không phải là một cuộc nội chiến quốc gia nhưng là một cuộc chiến tranh chống khủng bố.”

11. Các nữ tu bị tấn công tình dục, bị bắt du hành thị chúng

Trong khi đó, hãng tin AP đã mô tả chi tiết vụ tấn công nhắm vào một trường học do dòng Phanxicô điều hành tại Beni Suef, một thành phố ở trung tâm miền bắc Ai Cập, nơi có 230,000 dân.

Nữ tu Manal, hiệu trưởng của trường cho biết chị cùng với hai nữ tu khác bị người Hồi Giáo bắt được. “Họ đưa chúng tôi đi diễu hành như những tù binh chiến tranh và ném đủ thứ vào chúng tôi trong khi họ dẫn chúng tôi từ ngõ này sang ngõ khác mà không nói cho chúng tôi biết họ sẽ đưa chúng tôi đi đâu.”

“Chúng tôi là người tu hành. Chúng tôi dựa vào Thiên Chúa và các thiên thần bảo vệ chúng tôi”

Chị Manal cho biết một phụ nữ Hồi giáo trước đây làm việc tại các trường học có con rể là cảnh sát đã can thiệp và giải thoát cho ba nữ tu.

Chị Manal nói thêm là chị nhìn thấy hai chị khác của nhà trường bị đám đông Hồi Giáo cuồng nộ tấn công tình dục. Vẫn chưa có tin gì thêm về hai chị này.

12. Những mốc thời gian quan trọng

Tưởng cũng nên nói thêm về những diễn biến mới đây tại Ai Cập.

Ai Cập có 85,300,000 dân trong đó 90% là người Hồi Giáo, chủ yếu là Hồi Giáo Sunny, 9% là tín hữu Chính Thống Giáo Coptic. Người Công Giáo Coptic hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh chỉ chiếm 163,700 tín hữu trong số 1% còn lại.

Trong cao trào cuộc nổi dậy Ai Cập, các cuộc biểu tình khổng lồ từ 25 tháng Giêng Năm 2011 đến ngày 11 tháng Hai năm đó đã lật đổ tổng thống Hosni Mubarak sau gần 30 năm cầm quyền của ông này. Cựu tổng thống Hosni Mubarak, năm nay 85 tuổi, đang bị giam giữ và quân đội nước này hôm thứ Hai 19 tháng 8 đã có ý muốn trả tự do cho ông ta.

Ngày 11 tháng Hai năm 2011, Hosni Mubarak thoái vị, quân đội giải tán quốc hội, hoãn việc thi hành hiến pháp và trực tiếp lãnh đạo đất nước.

Sau những tranh cãi liên tục từ tháng 11 năm 2011 đến ngày 15 tháng Hai năm 2012, quốc hội lập hiến đã được bầu ra trong đó tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo chiếm gần một nửa số ghế tại Hạ Viện và 90% số ghế tại Thượng Viện.

Trong cuộc bầu cử tổng thống kéo dài trong hai ngày 16 và 17 tháng Sáu năm 2012, Mohammed Morsi thành viên của tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo được 51.7% phiếu thắng khít khao ông Ahmed Shafiq, người đã từng là thủ tướng cuối cùng dưới thời tổng thống Hosni Mubarak.

Các cuộc biểu tình khổng lồ đã liên tục nổ ra sau đó vì Mohammed Morsi tự ban cho mình quá nhiều quyền hành, lãnh đạo đất nước tồi tệ, lạm phát gia tăng và dung dưỡng tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo tấn công vào các tôn giáo khác, kể cả Hồi Giáo Shiite.

Một vài chi tiết sau đây có thể minh hoạ cho đường lối dung dưỡng tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo của Mohammed Morsi.

Ngày 7 tháng Tư năm nay 2013, tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo tấn công vào Vương Cung Thánh Đường Cairo giết chết 4 tín hữu Chính Thống Giáo trong khi những người này tổ chức đám tang cho một tín hữu khác đã bị tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo giết chết trong một cuộc biểu tình của người Chính Thống Giáo Coptic chống lại chính sách phân biệt đối xử dựa trên niềm tin của Mohammed Morsi.

Đức Giáo Chủ Tawadros đệ Nhị đã cực lực lên án chính sách của Mohammed Morsi trước khi có cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 10 tháng Năm để bày tỏ mối âu lo của ngài về tương lai của các Giáo Hội Kitô tại Ai Cập.

Trong khuôn khổ các cuộc thanh trừng tôn giáo, không chỉ có các Kitô hữu bị tấn công, hôm 23 tháng 6, bốn người Hồi Giáo Shiite đã bị đánh chết tại một làng ở ngoại ô thủ đô Cairo. Làn sóng bất bình dâng cao.

Ngày 30 tháng 6, hàng triệu người xuống đường biểu tình kêu gọi Mohammed Morsi từ chức.

Sáng ngày 1 tháng 7, trước sự hỗn loạn của đất nước, quân đội ra tối hậu thư cho Mohammed Morsi phải giải quyết tình hình trong vòng 48 giờ.

Tối ngày 2 tháng 7, Mohammed Morsi phát đi tuyên bố cuối cùng nhất quyết không thoái vị cũng không đáp ứng các yêu cầu của quân đội và phe đối lập.

Ngày 3 tháng 7, hết hạn tối hậu thư, quân đội bắt giữ Mohammed Morsi, lật đổ chế độ và đưa ông Adly Mansour, chánh án Tối Cao Pháp Viện lên làm tổng thống lâm thời.

Tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo lập tức huy động tổng biểu tình chống lại quân đội.

Hôm 5 tháng 7, đụng độ dữ dội giữa quân đội, cảnh sát và người biểu tình tại Alexandria khiến 36 người chết. Ba ngày sau đó, 50 người nữa bị giết trong các cuộc đụng độ tại Cairo. Hàng loạt các vụ đụng độ sau đó tại hai thành phố này đã nâng tổng số người chết lên đến hơn 300 người chỉ trong vòng một tuần.

Tại thủ đô Cairo, tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo tiếp tục huy động những cuộc biểu tình khổng lồ làm tê liệt đời sống quốc gia.

Sau những trì hoãn và cân nhắc, sáng ngày 14 tháng 8, cảnh sát dưới sự yểm trợ của xe thiết giáp và xe ủi đất đã tấn công vào hai địa điểm biểu tình của những người Hồi Giáo ủng hộ tổng thống Mohammed Morsi đã bị quân đội lật đổ. Cuộc tắm máu bắt đầu xảy ra. Tại hai địa điểm này 638 người bị giết chết.

Các đồn bót lẻ tẻ của cảnh sát, các nhà thờ Kitô Giáo lập tức bị tấn công đồng loạt. Nhiều đồn cảnh sát được ghi nhận là không còn cảnh sát viên nào sống sót. Các dinh thự của chính phủ bị đốt phá. Cảnh sát chết la liệt trên nhiều con đường của Cairo khiến cho bộ trưởng nội vụ ban hành lệnh khẩn cấp cho phép các cảnh sát viên được nổ súng tự vệ bằng mọi giá.

Trong ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, tất cả các nhà thờ phải đóng cửa. Chỉ nội trong ngày 15 tháng 8, 36 nhà thờ nữa bị đốt phá.

Ngày 16 tháng 8, súng nổ liên tục tại Cairo. Quân đội và cảnh sát giao tranh với tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo tại nhiều nơi trong thành phố, đặc biệt là tại một ngôi đền Hồi Giáo nơi hàng trăm người Hồi Giáo cố thủ bên trong. Hàng trăm người bị bắt giữ sau khi lực lượng an ninh chiếm được ngôi đền. 173 người được ghi nhận là thiệt mạng.

Ngày 17 tháng 8, quân đội cho biết họ có ý định đặt tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo ra ngoài vòng pháp luật.

Sáng sớm thứ Ba 20 tháng 8, quân đội Ai Cập đã bắt được lãnh tụ Huynh Đệ Hồi Giáo Mohamed Badie đang trốn tại một căn chung cư ở thành phố Nasr, phía đông bắc Cairo.

Mohamed Badie đã bỏ trốn từ hôm 3 tháng 7, sau khi quân đội bắt giam cựu tổng thống Mohamed Morsi. Hầu hết các cấp lãnh đạo của Huynh Đệ Hồi Giáo đã bị bắt ngay đầu tháng 7. Tuy nhiên, Badie nhanh chân trốn thoát và đạo diễn những vụ tấn công vào các đồn bót cảnh sát, các nhà thờ Kitô Giáo và các dinh thự chính phủ. Con trai ông này là Ammar Badie, 38 tuổi, đã bị giết chết hôm thứ Sáu trong cuộc nổi loạn gọi là “ngày cuồng nộ”.

Trong một diễn biến mới nhất tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo bị cáo buộc là đã phục kích một đoàn xe cảnh sát tại khu vực núi Sinai giết chết 25 binh sĩ.

Hôm 19 tháng 8, cảnh sát đã di chuyển 612 người bị bắt, phần lớn là các thành viên của tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo, từ Cairo đến nhà tù Abu Zaabal. Dọc đường đoàn xe chở tù đã bị phục kích trong một mưu toan giải thoát các tù nhân. 35 tù nhân đã bị chết ngộp.

Với việc bắt giữ Mohamed Badie, hầu hết các lãnh tụ Huynh Đệ Hồi Giáo đã bị bắt giữ. Tuy nhiên, làn sóng bạo động có vẻ vẫn chưa lắng dịu vì những thày giảng Kinh Koran vẫn tiếp tục tung ra những Fatwa kêu gọi tổ chức những “ngày cuồng nộ” tại quảng trường Rames. Những lãnh tụ tinh thần này cách nào đó là bất khả xâm phạm.

Từ hôm thứ Tư 14 tháng 8 đến nay, theo báo cáo chính thức đã có 830 người thiệt mạng trong đó có 95 cảnh sát và binh sĩ Ai Cập.

Phần lớn các cảnh sát viên bị thiệt mạng vào ngày 14 và 15 tháng 8 khi tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo tấn công vào các đồn bót cảnh sát lẻ tẻ không có khả năng tự vệ. Những băng ghi hình cho thấy nhiều đồn cảnh sát đã bị tàn sát tập thể không còn người nào sống sót.

Tại Alexandria, nhiều người cả thường dân lẫn cảnh sát bị tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo ném đá đến chết hay bị bắt đưa lên các tòa nhà cao rồi xô xuống cho bể sọ chết.

(Vietcatholic)

 

 

Trả lời