Vì có Chúa ở cùng…

 

Vì có Chúa ở cùng…Một ngày nọ, ngày mà Đức Giê-su cùng với các môn đệ đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-lip-phê. Hôm ấy, Người (đã) hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” Theo lời tường thuật của thánh sử Mát-thêu, thì, các môn đệ trả lời rằng: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ”.  Và khi Đức Giê-su hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Ông Si-mon Phê-rô thưa, rằng: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

Câu trả lời của ông Phê-rô đã được Đức Giê-su tặng cho một lời khen, khen rằng, “anh thật là người có phúc”. Thế nhưng, trong suốt thời gian còn tại thế, Đức Giê-su chưa bao giờ khuyến khích  môn đệ của mình công bố cho mọi người, rằng Ngài là Đấng Ki-tô.

Đức Giê-su muốn công bố về mình như thế nào? Thưa, Ngài muốn nói về mình là một người Mục Tử, một người mục tử được ví như “là cửa cho chiên ra vào”.

“Tôi là cửa cho chiên ra vào”. Vâng, đó chính là điều Đức Giê-su muốn công bố cho mọi người biết. Lời tuyên bố này không có gì xa lạ với dân chúng sống trong xã hội thời đó, một xã hội mà chăn chiên là một nghề phổ biến và không thể thiếu trong đời sống thường nhật. Trong ba năm ra đi rao giảng Tin Mừng, người dân Do Thái, dưới cái nhìn của Đức Giê-su, họ bơ vơ chẳng khác nào như “đàn chiên không người chăn dắt”.

Có cái nhìn như thế, là bởi, người Do Thái thời đó, về mặt xã hội, họ đã phải sống dưới ách thống trị của bạo quyền Roma. Còn về mặt tôn giáo, họ phải oằn vai gánh nặng về những lề luật do những ông kẹ kinh sư và Pha-ri-sêu đặt ra.

Vâng, hãy nhìn xem, có phi lý không kia chứ, khi quý ông kinh sư và Pha-ri-sêu: “Khóa cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào!  (Quý ông) đã không vào , mà những kẻ muốn vào… cũng không để họ vào”.

Hãy nhìn xem, quý ông “… ngồi trên tòa Môse giảng dạy… rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo, nhưng khi họ theo rồi, lại làm cho họ đáng xuống hỏa ngục…”. v.v…

Với tình trạng như thế, Đức Giê-su không thể không xem những kinh sư và Pha-ri-sêu là những kẻ “chăn thuê”. Còn về những người Do Thái, Ngài đã xem họ chẳng khác nào những con chiên lạc của nhà Israel…

Với một dụ ngôn rất đời thường, Hôm ấy, Đức Giê-su đã nói lên tính chính danh của người mục tử. Tính chính danh của người mục  tử, đó là:  “đi qua cửa mà vào ràn chiên”. Ai không đi-qua-cửa, Đức Giê-su nói: “nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp”. (x.Ga 10, 1)

Khi tính chính danh của người mục tử được xác định qua việc  người giữ cửa “mở cho anh ta vào”, khi ấy “chiên nghe tiếng của anh, anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra.” Và, người mục tử chính danh đó còn phải như là một kẻ dẫn đường, một kẻ bảo vệ, “đi trước và chiên đi theo sau.”

Cuối cùng, bất chấp những căng thẳng vốn đã xảy ra giữa Đức Giê-su với nhóm kinh sư và Pharisieu, hôm ấy, Ngài vẫn không ngần ngại mà tuyên bố rằng, “Tôi là cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước tôi đều là tên trộm cướp” .

Mà, như Đức Giê-su đã nói: “Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy”. Còn với Ngài, Ngài khẳng định: “Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”(x.Ga 10, 10)

“Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”. Đây chính là lời Đức Giê-su tuyên bố. Và, có một số ít… một số ít người ghét Ki-tô giáo đã phê phán rằng: Giê-su đã hạ giá con người xuống thành con vật.(sic!). Lối suy nghĩ như thế, là một lối suy nghĩ thiển cận, một lối suy nghĩ của những người “mù”, mù ngôn ngữ Kinh Thánh.

Kinh Thánh thường dùng hình ảnh con chiên để nói về con người. Này, hỡi những người mù ngôn ngữ Kinh Thánh, có gì là hạ giá con người khi Thánh Vịnh (100, 3) có chép rằng: “Chính Người đã dựng nên ta, ta thuộc về Người, ta thuộc dân Người, là đoàn chiên Người dẫn dắt”! “Ta thuộc dân Người, là đoàn chiên Người dẫn dắt” đó không phải là một hồng ân sao!

Skip Heittzig trong bài viết mang tựa đề “The good sherperd and his happy sheep” đã diễn tả hồng ân đó như sau: “Chúa gọi chúng ta là chiên vì Ngài biết bản chất của con người. Với bản năng thích hùa theo đám đông, sự sợ hãi và nhút nhát của chúng ta, sự bướng bỉnh và ngu dại của chúng ta và bản chất chống nghịch của chúng ta, chúng ta rất giống những con chiên, hơn nữa chiên không thể tự mình sống còn. Chúng đòi hỏi sự quan tâm thường trực, sự giải cứu và sự chăm sóc của người chăn, nếu không chúng sẽ chết”.

Ông ta nói tiếp: “Dù vậy, điểm quan trọng ở đây không phải chúng ta giống như những con chiên, nhưng đúng hơn, chúng ta có một người chăn tuyệt vời. Đó là ý nghĩ của David trong Thánh Vịnh 23: CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ”.

Skip Heittzig kết luận, “Đó là điều để khoe khoang, hãy nhìn xem Đấng chăn giữ tôi là ai? Hãy xem ai là người kiểm soát cuộc đời của tôi?”

Chúa Nhật hôm nay, theo lịch Phụng Vụ, toàn thể Giáo Hội mừng lễ “Chúa Chiên Lành”. Nói tới Chúa Chiên Lành, hẳn rằng không ai trong chúng ta lại không hơn một lần cất tiếng hát, hát một bài thánh ca, được Lm. Kim Long dùng Thánh Vịnh 22, phổ lên thành một bài thánh ca tràn đầy tâm tình phó thác, rằng : “Chúa chiên lành Người thương dắt tôi đi. Tôi không sợ chi, tôi không thiếu gì. Trên đồng cỏ non Người cho tôi được nghỉ ngơi, bên dòng suối mát Người tăng sức cho tâm hồn”.

Vâng, hát nơi môi miệng là vậy, thế nhưng nơi sâu thẳm tâm hồn, chúng ta có thật sự đón nhận lời mời gọi của Đức Giê-su – vị Mục Tử nhân lành, mời gọi rằng: “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ”, và xem đó như là hành trang cho cuộc sống của mình?

Hay, chúng ta lại đón nhận những lời mời gọi của Satan, của thế gian, bước vào những cánh cửa dẫn đến sự gian tà, những cánh cửa dẫn đến tham-sân-si, những cánh cửa đem lại cho chúng ta quyền lực, danh vọng, tiền bạc v.v.. là những cánh cửa dẫn đến địa ngục?

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng quên lời Đức Giê-su đã cảnh cáo: “Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào ích gì”.

Thì đây, hãy ngẫm nghĩ lại tấm gương của nguyên tổ Adam và Eva. Chỉ vì đáp lại tiếng mời gọi của Satan, bước vào cánh cửa dẫn đến tham sân si, kết quả thật thảm hại, vinh quang “sẽ nên những vị thần” đâu không thấy, chỉ thấy cực nhọc… “phải cực nhọc mọi ngày trong đời mới kiếm được miếng ăn” và rồi cuối cùng là “trở về với bụi đất”.

Hãy nhớ rằng: khi lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy, chúng ta được trở nên  con chiên của Thiên Chúa. Chúng ta thuộc về một đàn chiên là Giáo Hội. Về điều này, thánh Phêrô có lời dạy: “Xưa kia, anh em như những con chiên lạc, nhưng giờ đây, anh em đã trở về cùng Vị Mục Tử –  Đấng canh giữ linh hồn anh em”(x.1Pr 2, 25)

“Đã trở về cùng Vị Mục Tử – Đấng canh giữ linh hồn anh em”, thế thì chẳng có lý do gì để chúng ta lại hướng đôi tai mình ngong ngóng nghe những lời mời gọi của Satan và bè lũ của nó là thế gian, một thế gian đầy sự lừa bịp và gian dối, phải không, thưa quý vị?

Điều chúng ta cần lắng nghe, Lm. Trịnh Ngọc Danh khuyên chúng ta rằng: “Hãy lắng nghe, thực thi Lời Chúa, tuân giữ những điều Giáo Hội truyền dạy là chúng ta nghe biết tiếng của người chăn chiên, là đi theo sự hướng dẫn của đức tin, đức cậy và đức mến”.

Vâng, chúng ta đang sống trong một thế giới đấy bất ổn và bất an. Bất ổn vì mầm mống chiến tranh hạt nhân có thể sẽ xảy ra bất cứ lúc nào, bởi những tên lãnh tụ nửa khùng nửa điên.

Và bất an vì thiên tai… thiên tai do nạn châu chấu đang hoành hành rất khủng khiếp ở Châu Phi. Rồi bất an vì dịch bệnh…  dịch viêm phổi Vũ Hán đang giết chết hàng trăm ngàn người trên khắp thế giới…

Chắc hẳn mọi người ở thế gian này đều âu lo và sợ hãi. Vâng, đó là điều tự nhiên của con người. Thế nhưng, đối với chúng ta, ngoài thân phận là con người, chúng ta còn là con Thiên Chúa.

Thế nên đừng âu lo và sợ hãi thái quá, bởi vì là con Thiên Chúa, há lẽ Người không cho thiên sứ xuống “tay đỡ tay nâng” cho chúng ta. Hãy tin rằng: “…Dù qua thung lũng âm u, tôi sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, tôi vững dạ an tâm”(Tv 22, 4). Vâng, hãy vững dạ an tâm: “Vì có Chúa ở cùng”

Petrus.tran

 

Trả lời