Và Con Tim Đã Vui Trở Lại

Và Con Tim Đã Vui Trở Lại (Mc 1,12-15)

Như Hạ op

Và Con Tim Đã Vui Trở Lại

Ngày nay nhiều người đã mất ý thức về tội lỗi. Nhưng tội lỗi vẫn làm nhức nhối lương tâm đa số nhân loại. Đó là một thực tế không ai có thể phủ nhận. Chính trong cảnh tội lỗi, con người mới cảm thấy nhu cầu cần được thứ tha. Nhưng ai sẽ là người có thẩm quyền tha thứ ? Con người có thể tha thứ cho con người được không ? Đó là điểm chia rẽ anh em Kitô giáo. Đó cũng là vấn đề đã bùng nổ giữa Đức Giêsu và những người biệt phái xưa. Vấn đề 2000 năm trước vẫn còn sôi bỏng. Con người vẫn mãi trăn trở với vấn đề tội lỗi. Vì tội lỗi như chiếc lưới bủa vây con người. Những cám dỗ đầy tội lỗi đã đưa con người vào mê hồn trận. Có lối thoát khỏi những cạm bẫy đó không ?

 

THA THỨ

Đức Giêsu đến như một câu trả lời sống động cho mọi trăn trở con người.Người chính là lối thoát duy nhất cho những ai muốn ra khỏi cảnh đầy ải tội lỗi. Chính Người đã xác quyết : “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu.”(Ga 10:9) Sở dĩ Người có sức mạnh đó, vì Người là Thiên Chúa “đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” (Ga 1:14)

Dân chúng rất tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa nơi Đức Giêsu. Họ tuốn đến, “đông đến nỗi không còn chỗ nữa, để nghe Người giảng lời cho hoÏ.” (Mc 2:2). Lòng hâm mộ lên cao. Khắp nơi kéo nhau về để chứng kiến tận mắt, nghe tận tai tất cả những điều lạ lùng Thiên Chúa đang thực hiện qua con người Đức Giêsu. Bởi vậy vừa “hay tin Người ở nhà, người ta tụ tập lại.”(c.2) Chắc chắn những nhà lãnh đạo đương thời không thể làm ngơ trước sự kiện này. Họ càng tức điên lên khi thấy “người ta đem đến cho Đức Giêsu một kẻ bại liệt,” (c.3) với hi vọng Người thi thố quyền năng chữa lành. Niềm hi vọng đó lớn đến nỗi mặc dù “dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được,” họ đã nảy sáng kiến : “dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống.” (c.4) Trước sự kinh ngạc của mọi người, Đức Giêsu bình tĩnh hướng cái nhìn về một sự thật sâu xa hơn. Đúng hơn, “thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giêsu bảo người bại liệt : “Này con, con đã được tha tội rồi.” (c.5) Lời nói thật dịu dàng tình cảm, nhưng lại toát ra một quyền lực vô song, quyền lực Thiên Chúa.

 

Phải chăng Đức Giêsu muốn cho mọi người thấy một tương quan sâu xa giữa bệnh tật và tội lỗi ? Thực tế, Đức Giêsu đã phủ nhận hoàn toàn lối lập luận đơn sơ về một tương quan nhân quả giữa tội lỗi và bệnh tật hay tai nạn (x. Lc 13:1-5; Ga 9:2-3). Đức Giêsu chỉ muốn chứng tỏ “Người là Đấng quyền năng cả trong lời nói và việc làm : quyền tha tội được củng cố bằng quyền chữa người bại liệt.” (The New Jerome Biblical Commentary 1990:600) Lời nói kèm theo hành động cụ thể bao giờ cũng dễ lôi kéo mọi người. Bởi đó trước những vấn nạn về quyền tha tội, Đức Giêsu đã mạnh mẽ lập luận với các kinh sư : “Để các ông biết : ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, Đức Giêsu bảo người bại liệt, Ta truyền cho con : Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà !” (c.10-11)

 

Trên mặt đất này, Đức Giêsu là đại diện Thiên Chúa, nên Người có thể nhân danh Thiên Chúa làm tất cả mọi việc như Thiên Chúa. “Việc chữa lành là dấu chứng tỏ lời tuyên bố của Đức Giêsu về quyền tha tội có giá trị.” (The New Jerome Biblical Commentary 1990:602) Nếu không làm được dấu chỉ cụ thể này, Đức Giêsu có thể bị kết án tử hình vì đã dám nói “phạm thượng” như thế (Lv 24:15, 16). Thực tế Đức Giêsu đã “khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa,” vì đã khiến “người bại liệt, đứng dậy, và vác chõng đi ra trước mặt mọi người.” (Mc 2:12) Quyền lực Thiên Chúa đã hoạt động mạnh mẽ và cụ thể nơi con người Đức Giêsu để cứu vớt con người khỏi thân phận hữu hạn : bệnh tật và tội lỗi.

 

TẤT CẢ LÀ ÂN SỦNG

Tất cả đều do lòng thương xót vô cùng của Thiên Chúa ! “Đức Giêsu là hiện thân và đã quyết liệt cho mọi người thấy Thiên Chúa đích thân hiện diện vì sự sống con người.” (Haight 1993:457) Người đến để mời gọi mọi người tham gia vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Thiên Chúa không phải là một thứ nhà giầu keo kiệt. Người cũng không tự biến mình thành một thế giới xa lạ với con người. Trái lại Người đến trần gian như đi vào trong nhà mình (x. Ga 1:11). Nghĩa là Người có thể đối thoại với mọi người về chế độ ân sủng phổ quát. Theo Rahner, chế độ ân sủng này dựa trên nền tảng là kế hoạch cứu độ muôn dân của Thiên Chúa. “Nghĩa là toàn thể cuộc sống con người, ngay cả trong lãnh vực trần tục nhất, đều có tiềm năng thấm nhuần ân sủng. Quan điểm này đã được Công đồng Vatican II phê chuẩn. Nhờ đó, bức tường ngăn cách Giáo hội và thế giới đã bị phá đổ, Kitô hữu mới thấy có một vương quốc ân sủng bên ngoài Giáo hội.” (Haight 1993:457)

 

Nếu thế, không ai có thể bị loại ra ngoài ảnh hưởng của ân sủng. Tự thâm tâm, ai cũng khao khát được giải thoát khỏi thân phận đầy giới hạn. “Ân sủng đến như một câu trả lời cho vấn nạn tôn giáo căn bản về ơn cứu độ.” (Haight 1993:453) Nghĩa là ai cũng cần đến Thiên Chúa. Nhu cầu thật là bức thiết khi con người ý thức mình đang bị siết chặt trong vòng tội lỗi. Tội lỗi đầy ải con người vào miền sa mạc nắng cháy. Một cơn khát ân sủng xé họng con người. Nhìn thấy cảnh thương tâm đó, Thiên Chúa không thể dằn lòng. Người thấy rõ những bất hạnh của con người : “Ngươi lại còn làm cho Ta cực khổ vì lầm lỗi của ngươi, làm cho Ta chán chường vì tội ác ngươi phạm.” (Is 43:24) Dầu vậy, vì yêu thương, Thiên Chúa không bỏ mặc họ chết khô trong hoang địa. Người hứa : “Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn.” (c.19) Ngay trong sa mạc, Người sẽ khiến mưa ân sủng làm mát lòng người. Sức mạnh tình yêu sẽ thắng vượt tất cả. Lý do vì Thiên Chúa đã hứa : “Chính Ta đây, vì danh dự của Ta, Ta sẽ xóa bỏ các tội phản nghịch của ngươi, và không còn nhớ đến lỗi lầm của ngươi nữa.” (c.25)

 

Lời hứa đó đã thực hiện từng nét nơi Đức Giêsu khi tha tội cho người bại liệt trước khi chữa bệnh cho anh. “Quả thực, mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là ‘có’ nơi Người.” (2 Cr 1:20) Thân phận anh chính là thân phận con người. Sự bất lực của anh chính là sự bất lực của chúng ta trước những mãnh lực thần chết do tội gây nên. Bởi đấy, khi đem lại sức sống cho anh, Đức Giêsu đã chứng minh Người là nguồn sống, đã chứng tỏ vạn năng của lời Chúa. Người mở một mùa ân sủng cho nhân loại. Từ nay Thiên Chúa sẽ dìu con người vào vườn Địa đàng ân sủng, sẽ nói nhỏ với họ về sáng kiến cứu độ và mời gọi họ lên tiếng đàm đạo với Người. Chính nơi đây, sẽ thể hiện nét vĩ đại nhất của địa vị con người. Tùy tiếng đáp trả ân sủng, họ sẽ thấy tất cả chiều kích tự do lớn lao tới mức nào. Vì “mục đích của ân sủng là giải thoát khỏi tội lỗi, giải thoát tự do khỏi chính mình, để tự do nhân loại tự siêu việt trong tình yêu.” (Haight 1993:458) Cuộc giải thoát đó không dừng lại nơi thân phận hữu hạn của con người, nhưng phóng tới chính nguồn sống là Thiên Chúa. Theo thánh Thomas, nhờ ân sủng con người được chia sẻ sự sống Thiên Chúa. Đó là cao điểm của tình yêu. Theo Luther, tình yêu đích thực đã nâng người được yêu lên địa vị bình đẳng với người yêu. Bởi vậy không nên ngần ngại dùng từ “chia sẻ” khi nói về cuộc kết hợp với Thiên Chúa.

 

Đức Giêsu đã giúp anh bại liệt chia sẻ cuộc sống con người và Thiên Chúa. Cuộc sống cũng đang mời gọi chúng ta ra đi để cùng với Đức Giêsu nâng dậy bao người bại liệt cả linh hồn lẫn thể xác. Chúng ta đã sẵn sàng chưa ?

 

Trả lời