Tuần Cầu Nguyện Cho Hiệp Nhất

TUẦN CẦU NGUYỆN CHO SỰ HIỆP NHẤT CÁC KITÔ HỮU

(Từ 18 đến 25 tháng 01)

1- LỜI GIỚI THIỆU

Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu năm 2009 này mang những nét đặc biệt:

Tuần Cầu Nguyện Cho Hiệp Nhất– Trước hết, ngày 25-1-2009 sẽ là dịp kỷ niệm 50 năm ngày Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII chính thức loan báo sẽ triệu tập Công đồng chung Vatican II. Đây là biến cố quan trọng đã góp phần hướng Giáo Hội Công giáo về đối thoại đại kết, đặc biệt là qua Sắc lệnh về hiệp nhất Unitatis Redingtegratio.

– Ngày 25-1-2009 là Lễ Thánh Phaolô trở lại. Trong năm kính Thánh Phaolô, ngày lễ này phải được cử hành cách đặc biệt. Vì hôm đó trùng vào Chúa nhật, Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ luật Bí Tích đã công bố phép rộng cho việc dâng lễ kính Thánh Phaolô vào ngày này (Prot. N. 268/08/01)

Khi đọc bản văn Lời Chúa được đề nghị trích trong Ngôn sứ Êdêkien (Ed 37,15-28), các Kitô hữu được mời gọi suy niệm và áp dụng vào mỗi hoàn cảnh cụ thể của mình. Chúng ta mỗi người đều hiểu rằng chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể thiết lập sự hiệp nhất, giao hòa con người và thiết lập một trật tự mới. Đất nước Israel thống nhất, được tha thứ và thanh tẩy trở thành biểu tượng cho niềm hy vọng của cả thế giới.

Khởi đi từ bản văn chủ đạo này, những bài suy niệm trong Tuần cầu nguyện cho chúng ta thấy sự hiệp nhất của Giáo Hội góp phần quan trọng như thế nào cho việc canh tân toàn thể nhân loại. Điều này cũng giúp chúng ta ý thức sứ mạng quan trọng, đó là tất cả những ai tuyên xưng Đức Kitô là Chúa đều phải cố gắng thực hiện lời nguyện ước của Người: “Xin cho họ nên một… để thế gian tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17,21).

Tuần Cầu Nguyện Cho Hiệp Nhất
Các Tôn Giáo Cầu Nguyện cho hòa bình tại Assissi

Vì lẽ đó, Tuần cầu nguyện khởi đầu bằng một suy niệm về sự hiệp nhất các Kitô hữu. Chúng ta cầu xin Chúa, Đấng đã sai Thánh Thần sự sống đến trong những mảnh xương khô và là Đấng tạo nên sự hiệp nhất giữa những khác biệt, xin Ngài thổi làn gió mới của sự sống và hòa giải nơi những trái tim chai đá và những chia rẽ của chúng ta. Trong ngày khởi đầu của tuần bát nhật này, chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho những hoàn cảnh khác nhau trên thế giới, nơi mà sự hòa giải rất cần thiết và cấp bách, đồng thời chúng ta chú ý cách đặc biệt đến vai trò của sự hiệp nhất các Kitô hữu trong tình thế chung hiện nay.

Ngày thứ hai, Giáo Hội sẽ cầu nguyện để hòa bình thắng chiến tranh và bạo lực, ngõ hầu với tư cách là môn đệ của Hoàng Tử Hòa Bình, các Kitô hữu có thể loan báo sự hòa giải được ăn rễ sâu trong niềm hy vọng, mặc cho những xung đột hiện nay.

Ngày thứ ba mời gọi chúng ta suy niệm về khoảng cách giữa người giàu và người nghèo. Cách sử dụng tiền bạc, cách đối xử với người nghèo là tiêu chuẩn thẩm định ơn gọi của chúng ta làm môn đệ Đức Giêsu, Đấng đã đến giữa chúng ta để loan báo Tin Mừng cho người nghèo khổ, trả tự do cho người nô lệ và đem lại công bằng cho mọi người.

Ngày thứ bốn, chúng ta cầu nguyện cho các Kitô hữu hiểu rằng chỉ khi liên kết với nhau họ mới có thể bảo vệ những kỳ công mà Thiên Chúa đã sáng tạo và trao phó cho chúng ta, như không khí chúng ta hít thở, trái đất tặng cho chúng ta biết bao hoa trái. Qua vẻ đẹp huy hoàng, công trình sáng tạo đang tôn vinh chính Tác giả của mình.

Ngày thứ năm, chúng ta cầu nguyện để xoá đi những thành kiến và phân biệt trong xã hội hôm nay. Khi nhận ra phẩm tính của con người là từ nơi Chúa mà đến, sự hiệp nhất của chúng ta với tư cách là Kitô hữu sẽ làm chứng cho sự hiệp nhất của Đấng đã dùng tình yêu của Ngài mà làm cho mỗi người chúng ta thành một hữu thể duy nhất. Như vậy, chúng ta được mời gọi xây dựng một vương quốc công chính và tình yêu, trong đó sự khác biệt được tôn trọng vì chúng ta đã trở nên một trong Đức Kitô.

Ngày thứ sáu, chúng ta cầu nguyện cho những người đang đau khổ và thân nhân của họ. Những Thánh vịnh giúp chúng ta hiểu rằng tiếng kêu đau khổ hay giận dữ mà con người làm vang lên trước nhan Chúa có thể tạo thành mối liên hệ sâu sắc và trung tín với Ngài. Lòng thương cảm của các Kitô hữu trước nỗi thất vọng của những người đau khổ chính là dấu chỉ của Nước Trời. Khi cùng hiệp nhất nên một, các Giáo Hội Kitô có thể làm thay đổi mọi sự và đem lại cho những người bệnh tật sự trợ giúp về vật chất cũng như thiêng liêng mà họ đang cần.

Ngày thứ bảy hướng về những Kitô hữu đang đối diện với trào lưu đa tôn giáo, đồng thời cầu nguyện cho họ được hiệp nhất trong Thiên Chúa. Thiếu sự hiệp nhất này, chúng ta rất khó mà xây dựng một vương quốc hòa bình với tất cả mọi người thiện chí.

Tuần Cầu Nguyện Cho Hiệp Nhất

Những ý nguyện được đề nghị cho ngày thứ tám đưa chúng ta trở về với suy niệm của ngày khởi đầu, vì chúng ta cầu nguyện cho tinh thần của tám mối phúc thật thấm nhuần nơi mọi người trong thế giới hôm nay. Các Kitô hữu mang trong mình niềm hy vọng vào sự canh tân mọi sự trong một trật tự mới do Đức Kitô thiết lập. Chính vì vậy mà họ có thể trở nên những người gieo niềm hy vọng và thực hành hòa giải đối lại với chiến tranh, nghèo đói, sự phân biệt chủng tộc và trong tất cả những hoàn cảnh khác, nơi mà những nhân sinh đang quằn quại và mọi tạo vật đang rên rỉ đau thương.

Kinh cầu cho hiệp nhất (do Đức Phaolô VI biên soạn)

Tuần Cầu Nguyện Cho Hiệp NhấtLạy Chúa Giêsu,
trước ngày chịu chết vì chúng con,
Chúa đã nguyện cầu
cho các Tông đồ và tất cả mọi người
được liên kết với nhau nên một,
như Con ở trong Cha và như Cha ở trong Con.

Xin cho chúng con cảm thấy xót xa đau buồn
về những thất tín, chia rẽ nơi chúng con.

Xin cho chúng con biết thẳng thắn nhìn nhận,
và có lòng cam đảm để khai trừ mọi lãnh đạm,
lòng nghi ngờ và tính đố kỵ tiềm ẩn nơi chúng con.

Xin cho chúng con được gặp nhau trong Chúa
hầu cho tâm hồn và môi miệng chúng con
luôn vang lên lời nguyện cầu hiệp nhất như lòng Chúa ước ao.

Lạy Thiên Chúa Tình Yêu hoàn hảo,
xin giúp chúng con tìm thấy nơi Chúa
con đường dẫn đưa đến Hiệp Nhất trong đức Vâng Phục,
đến Yêu Thương và Sự Thật. Amen

Trích từ trang web Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

Trả lời