Trước hết, hãy thú nhận tội lỗi mình…

 

Trước hết, hãy thú nhận tội lỗi mình…Niềm tin Ki-tô giáo không phải là niềm tin chỉ “nhìn lên” Thiên Chúa trên cao, nhưng còn phải “nhìn ngang” với mọi người chung quanh. Niềm tin Ki-tô giáo không phải là niềm tin chỉ cất lên tiếng nói  “Chúc tụng danh Thiên Chúa”, nhưng còn phải cất lên những lời tốt đẹp đối với tất cả mọi người.

Mà, thật vậy, Đức Giê-su Ki-tô, trong những ngày ra đi loan báo Tin Mừng, Ngài không chỉ công bố về một “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”, nhưng còn truyền dạy những lời hay ý đẹp, những lời chỉ giáo về  cung cách đối nhân xử thế ở đời, hầu đem lại cho con người một cuộc sống bình an, chan hòa tình yêu thương.

Đức Giê-su đã truyền dạy những gì? Thưa, Ngài đã không ít lần nói lên những điều hay lẽ phải, những “nguyên tắc sống” ở đời. Một trong những nguyên tắc đã được Ngài truyền dạy, được xem là mẫu mực cho việc đối nhân xử thế, đó là nguyên tắc “sửa lỗi cho nhau”.

Vâng, trong cuộc sống thường nhật, có ai mà không hơn một lần phạm sai lầm, có ai mà không trót phạm tội. Và, cứ sự thường, nói theo ngôn ngữ @ thời nay, chúng ta “ném đá”  những con người đó, ngay lập tức.

Với Đức Giê-su, hành xử như thế không phải là điều Ngài khuyến khích. Trong một dịp tâm tình riêng tư với các môn đệ, Ngài đã đề ra một cung cách “sửa lỗi” rất tế nhị, rằng: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi” (x.Mt 18, 15).

Tại sao lại “một mình anh với nó mà thôi”? Thưa, là bởi giữa ta và người phạm lỗi được ở trong trạng thái: “riêng tư, kín đáo”.  Nhờ riêng tư và kín đáo, ta  “giữ thể diện” người phạm lỗi. Lời khuyên của Đức Giê-su, quả là thấu tình đạt lý, phải không thưa quý vị?

Nếu “nó chịu nghe anh”… Đức Giê-su nói tiếp: “thì anh đã chinh phục được người anh em”. Thưa Bạn, trong một đời người của mình, bạn đã chinh phục (thuyết phục)  được ai nhận lỗi chưa! Vâng, thật khó trả lời, khó trả lời vì đôi khi chính chúng ta “phạm lỗi” nhưng “không nhận lỗi”.

Tại sao đa số người phạm lỗi nhưng không nhận lỗi! Thưa, là bởi sự sợ hãi và xấu hổ chính là tác nhân làm cho người phạm lỗi không đủ can đảm nhận lỗi.

Vậy, phải làm sao để “nó” nhận lỗi? Thưa, Dale Carnegie, tác giả  cuốn Đắc Nhân Tâm, một cuốn sách thuộc hàng bán chạy nhất và được biết đến nhiều nhất cho đến tận ngày nay, cho chúng ta phương cách, đó là hãy “dùng cách đặt câu hỏi để khuyên bảo người ta”.

Với phương cách này, ngôn sứ Na-than vào thời Cựu Ước, đã thành công. Câu chuyện xảy ra “vào một buổi chiều”. Chiều hôm đó, “Vua Đa-vít từ trên giường trổi dậy và đi bách bộ trên sân thượng đền vua. Từ sân thượng, vua thấy một người đàn bà đang tắm. Nàng nhan sắc tuyệt vời” (x. 2Sm 11, 2).

Chỉ là một sự tình cờ, không chủ định. Nhưng chính sự tình cờ đó đã làm đảo lộn con người vua Đa-vít, người được mệnh danh là “người công chính”, vì một cái nhìn, ông ta “phạm lỗi”.

Ông phạm lỗi gì? Thưa, theo lời kinh Thánh ghi lại: “Vua Đa-vít sai người đi điều tra về người đàn bà, và người ta nói: đó chính là bà Bát Se-va, con gái ông Ê-li-am, vợ ông U-ri-gia người Khết”.

Mặc cho người đàn bà đã có chồng, vua Đa-vít vẫn không buông tha. Rồi chuyện gì đến cũng đã đến. “Vua Đa-vít sai lính đến đón nàng. Nàng đến với vua và vua nằm với nàng”. Và kết quả là: “Nàng thụ thai”…

Kể từ khi để cho “hồn lỡ sa vào đôi mắt em”, vua Đa-vít ngày càng “sa lầy” vào vòng vây của tội lụy. Cao điểm của hành vi tội lụy, đó là, nhà vua đã gián tiếp gây ra cái chết của ông U-ri-gia – chồng nàng Bát Se-va.

Mọi hành vi của Đa-vít không qua khỏi đôi mắt của ngôn sứ Na-than. Ngôn sứ Na-than đã “một mình” đến “sửa lỗi” vua Đa-vít. Ngôn sứ Na-than đã có một “cuộc nói chuyện riêng tư, không hạ nhục người có lỗi nhưng là giúp người ấy nhận ra lỗi lầm của mình”.

Và bằng phương pháp “dùng cách đặt câu hỏi để khuyên bảo người ta”, ngôn sứ Na-than đã thành công trong việc “chinh phục được người anh em”.

Hôm đó, vua Đa-vít, sau khi nghe Na-than kể một câu chuyện ví von đầy bi ai, ông ta đã thốt lên rằng: “Tôi đã đắc tội với ĐỨC CHÚA”. (x. 2Sm 12, 1-13).

**

Giả sử  vua Đa-vít không nghe lời sửa lỗi của ngôn sứ Na-than, điều gì sẽ xảy ra? Rất may là đã không có sự “giả sử” đó.

Nhưng, nếu điều đó xảy ra! “Nếu nó không chịu nghe”? Thưa, Đức Giê-su dạy: “Nếu nó không chịu nghe, thì đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba nhân chứng” (x Mt 18, 16).

Đừng nghĩ rằng, đây là cách thức để “gây áp lực”. Luật Môsê dạy: ‘Một nhân chứng duy nhất không thể đứng lên buộc tội một người về bất cứ tội lỗi nào, phải căn cứ vào lời của hai hay ba nhân chứng, sự việc mới được cứu xét’ (Đnl 19,15).

Lời truyền dạy của Chúa Giêsu, không phải là để đem nhiều nhân chứng buộc tội, nhưng họ là những người trợ lực có uy tín đến giúp tội nhân dễ dàng sữa lỗi. Chúng ta cần nhớ , với người cố chấp, không gì tốt hơn là kiên nhẫn. “Đem theo một hay hai người nữa”, theo quan điểm của thánh Phao-lô, đó là cách thể hiện tinh thần “tương thân tương ái” (x. Rm 13, 8).

Trở lại với lời truyền dạy của Đức Giê-su. Hôm đó, Ngài còn đưa ra một nguyên tắc nữa, đó là: Nếu một hay hai người đến “sửa lỗi” với tinh thần tương thân tương ái mà người phạm lỗi không nghe, Đức Giê-su dạy rằng: “Hãy đi thưa Hội Thánh”.

“Hãy đi thưa Hội Thánh sao!”. Đúng vậy. Ở một vài thời điểm, một ai đó có thể từng bước, từng bước “trót phạm tội”, những tội vi phạm đến giới luật “một vợ một chồng”, hoặc những tội vi phạm đến giới luật “độc thân” trong đời tu v.v… Thưa ra Hội Thánh, Lm Nguyễn Hữu An nói: “không phải để bị xét xử nhưng để tỏ lòng sám hối và sẽ được ân xá”.

“Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe” thì sao? Thưa, Đức Giê-su nói: “thì hãy kể nó như một người ngoại” (x Mt 18, 17). Thật ra, theo dòng lịch sử của Hội Thánh, thì, với trường hợp này, nếu có thực thi thì cũng chỉ là “giọt nước tràn ly”, là một sự bất khả kháng, mà thôi…

Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay kêu gọi chúng ta ý thức rằng, ta phải có trách nhiệm đối với nhau. Trách nhiệm đó chính là “sửa lỗi cho nhau”.

Vẫn biết rằng, sửa lỗi cho nhau, rằng, sửa lỗi một ai đó đang “sa lầy” vào một vũng lầy tội lỗi, không phải là một chuyện dễ dàng. Thế nhưng, như ngôn sứ Ê-dê-ki-en xưa, được ĐỨC CHÚA đặt “làm người canh gác cho nhà It-ra-en”, thì, hôm nay, cũng vậy đối với chúng ta. Chúng ta cũng được  Thiên Chúa đặt làm người canh gác những “người anh em của chúng ta”, chí ít, là những người cùng mái ấm gia đình của chúng ta.

Mỗi năm, cơ quan NASA của Hoa Kỳ chi hơn 1,8 tỉ dollar để nghiên cứu về trái đất. So với các nghiên cứu về các hành tinh khác, thì đây là một sự chi tiêu kỷ lục. Nhờ sự nghiên cứu này, người ta có thể dự đoán động đất, núi lửa, cháy rừng và bão,  để rồi, nhờ đó, họ có thể đưa ra những lời cảnh báo sớm, hầu con người có thể phòng tránh.

Với chúng ta, cũng vậy, mỗi ngày chúng ta cũng cần tiêu tốn một ít thời gian, chỉ cần một ít thời gian, để tìm xem có “cơn bão” nào đó xuất hiện, cơn bão mang tên “nghiện ngập thuốc lá, nghiện ngập rượu mạnh, nghiện ngập ma túy, nghiện-sex” v.v… đang chuẩn bị tàn phá mảnh đất tâm hồn lẫn thể xác  của con em chúng ta, để mà đưa ra những lời cảnh báo sớm, để mà  phòng tránh, để mà chế ngự nó.

Không thể viện dẫn lý do này khác, chẳng hạn như: “Ồ! Đã có nhà trường lo, đã có nhà thờ lo v.v…” Không thể viện dẫn lý do rằng: nước đổ là khoai, rằng, nó có thèm nghe đâu…

Tại sao nó không thèm nghe? Phải chăng là vì những thú vui của trần gian quá hấp dẫn? Hay, phải chăng là bởi, cách mà chúng ta  cảnh báo và sửa trị thiếu thuyết phục, nhưng lại đầy thô bạo, đầy độc đoán và thiếu công bằng?

Hãy tự hỏi, mỗi khi cảnh báo hay sửa trị con em mình, chúng ta dùng lời lẽ  “khuyên bảo” hay “chửi bới đánh đập”? Chúng ta có công bằng trong sự khen thưởng hay sửa phạt? Chúng ta có vì giận vợ, giận chồng mà đánh con, “giận cá chém thớt” đánh con để “dằn mặt” hàng xóm? Chúng ta có đem lỗi lầm của con cái rêu rao khắp bàn dân thiên hạ?

Nếu có, thì đó không phải là cách “sửa trị” hay, trái lại nó chỉ làm cho con em chúng ta “tức giận”. Đừng quên thánh Phao-lô có lời khuyên rằng: “Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái tức giận…”

Cách sửa trị con em chúng ta tốt nhất, đó là “làm gương sáng”. Cuối cùng, đừng quên, chính chúng ta phải biết nhận lỗi khi phạm lỗi.

Chính chúng ta phải biết “Thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em. Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tuởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót: lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng…”

Để có thể là người canh gác, để có thể sửa lỗi anh em được kết quả mỹ mãn, trước tiên, phải biết “Thú nhận tội lỗi mình…”

Petrus,tran

Trả lời