Tôi đã chu toàn bổn phận?

 

Tôi đã chu toàn bổn phận?Hôm nay, lịch Phụng Vụ bắt đầu bước vào tháng mười một. Và, như là một truyền thống đẹp, Giáo Hội dành riêng ngày 01/11  kính trọng thể các thánh Nam Nữ.

Các thánh Nam Nữ là ai? Thưa, như lời tác giả Khải Huyền cho biết, thì các ngài là “Một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành là thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô: Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta”. Các ngài còn được biết đến là những người “Được chầu trước ngai Thiên Chúa, đêm ngày thờ phượng trong Đền Thờ của Người…”(x. Kh 7, 15)

Có lẽ không ít người trong chúng ta sẽ tự hỏi rằng, các thánh nam nữ đã sống như thế nào mà lại được hưởng ơn phước như thế! Thưa, rất giản dị. Đó là các ngài đã có một đời sống đúng như những gì  Đức Giê-su đã  truyền dạy. Những lời truyền dạy như thế nào? Thưa, những lời đó đã được ghi chép lại trong Tin Mừng thánh Mát-thêu.

Tin Mừng thánh Mát-thêu chép lại như sau: hôm đó, trên một ngọn núi cao. Đức Giê-su truyền dạy, rằng:

“Phúc thay ai có  tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.

Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được đất hứa làm gia nghiệp.

Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa an ủi. Phúc thay ai khao khát nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.

Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.”(x.Mt 5, 3-10)

Tất cả những lời truyền dạy này, ngày nay, chúng ta gọi đó là “Tám mối phúc thật”.

“Tám mối phúc thật”. Vâng, những người mà hôm nay chúng ta kính trọng thể, các ngài đã sống đúng những lời truyền dạy đó. Thánh Phan-xi-cô Assisi như môt điển hình cho lời truyền dạy: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó”.

Là một người con trong một gia đình giàu có, nhưng ngài hoàn toàn cung hiến mình cho cuộc sống nghèo khó,  sau khi nghe một bài thuyết giáo liên quan đến Phúc Âm thánh Mát-thêu (10, 9).

Chuyện kể rằng: từ sự soi dẫn này, ngài luôn “mặc áo vải thô, đi chân đất, và theo giáo huấn của Chúa Giê-su ký thuật trong các sách phúc âm, không đem theo gậy hoặc túi xách,  Phan-xi-cô khởi sự rao giảng thông điệp ăn năn. Môn đệ đầu tiên đến với ngài là Bernado Quintavalle, một luật gia tên tuổi trong thành phố. Rồi những người khác tìm đến, trong vòng một năm Phan-xi-cô có được mười một môn đệ. Ngài quyết định không tìm kiếm chức vụ linh mục, và quy định cộng đồng của ông sống trong tình huynh đệ, vì vậy có tên “fratres minors” nghĩa là “những anh em hèn mọn”. (nguồn: internet)

Còn với thánh nữ Maria Goretti! Vâng, vị thánh nữ này đã thực thi đúng lời truyền dạy thứ sáu “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”.

 

Maria Goretti sinh tạiCorinaldo, Ý. Năm 1890, cô và gia đình di chuyển đến Le Ferriere (gần Nettuno), nơi họ sống trong một toà nhà chung với gia đình Serenellis. Bố cô mất khi cô 10 tuổi. Khi cô 11 tuổi, người hàng xóm của cô, Alessandro Serenelli (sinh năm 1882), trở nên ám ảnh tình dục đối với cô, và tiếp cận cô vài lần với đề nghị tình dục.

Ngày 5 tháng 7 năm 1902, Alessandro tấn công Maria và đe doạ cô bằng dao; khi cô không khuất phục và phản đối rằng “đó là tội lỗi” và “Thiên Chúa không muốn điều này,” Serenelli đâm cô 14 nhát. Vào ngày hôm sau, sau khi bày tỏ sự tha thứ đối với kẻ giết mình, Maria Goretti nói rằng, cô muốn anh ta cùng lên thiên đàng với cô, Maria Goretti chết vì thương tích. (nguồn: internet)

Lời bày tỏ đó, có thể nói, thánh nữ Maria Goretti đã “…đặt hy vọng như thế vào Đức Ki-tô” (x. 1Ga 3, 3)

Vâng, một Phan-xi-cô Assisi và một Maria Goretti, đó chính là  là hai tấm gương điển hình cho sự nên thánh, qua lời truyền dạy của Đức Giê-su trong bài giảng “tám mối phúc thật”.

Nói đến chuyện noi gương các thánh để nên thánh, có phần chắc, không ít người trong chúng ta than thở: “Ôi! khó lắm!”

Thưa, đúng vậy. Khi đọc qua tiểu sử của các ngài, có lẽ nhiều người trong chúng ta không khỏi kinh ngạc, sửng sốt, thán phục trước đức tin, đức cậy, và đức mến mà các ngài đã thể hiện qua đời sống thường nhật, và có lẽ, chúng ta sẽ  không khỏi băn khoăn nhủ thầm rằng, ôi! sống đời chứng nhân như các ngài, quả là một nan đề đối với chúng ta, bởi chúng ta chỉ là những phàm nhân đầy yếu đuối.

Thật ra, để nên thánh, không nhất thiết chúng ta cần phải làm những việc vĩ đại, phi thường, như: nói tiên tri, làm phép lạ, hóa nước thành rượu hay  hóa sắt thành kim cương v.v…

Với Mẹ Têrêsa Calcutta,  để trở nên thánh, rất giản dị, chỉ cần, như lời mẹ nói:  “làm một việc bình thường với một tình yêu phi thường”.

Với thánh Martin de Porres, vâng, cũng giản dị không kém, ngài đã “đối xử với mọi người bằng tất cả đức ái, một đức ái phát xuất từ con tim với một tâm hồn khiêm nhường”.  Để nên thánh, một vị thánh có nói, “Chu toàn bổn phận hàng ngày đủ để nên thánh”.

“Chu toàn bổn phận hàng ngày”. Vâng, rất khủng khiếp.  Đức Piô XII chia sẻ: “Sống được như thế ngày này qua ngày khác, quả là phi thường! Bổn phận hằng ngày cứ lập đi lặp lại mãi, công việc ngày nào cũng như ngày nào, cũng với những bận tâm đó, với những yếu đuối đó, và cũng với những khốn khổ đó. Những bổn phận ấy được gọi là bổn-phận-khủng-khiếp hằng ngày”.

Ngài nói tiếp: “Phải nỗ lực thế nào để chu toàn bổn phận khủng khiếp, đơn điệu và ngột ngạt này? Cần phải có một nhân đức phi thường không phải để hành động một cách sơ suất, cẩu thả, hời hợt … mà trái lại, hành động với sự chăm chú, sùng mộ, và tinh thần nhiệt thành từ bên trong”. Khủng khiếp, nhưng nó lại là cần thiết, vì đó là cách để nên thánh mà bất cứ ai cũng có thể thực thi được.

Hãy thử tưởng tượng, chỉ là một con người bình thường, nhưng, nếu chúng ta luôn đặt tinh thần “xây dựng hòa bình” như là trọng tâm cho cuộc sống, điều gì sẽ xảy ra? Phải chăng, trong gia đình, anh em ít có chuyện xung khắc? Phải chăng, hàng xóm hiếm xảy ra bất hòa? Và, phải chăng, vợ chồng luôn sống trong bầu khí cảm thông?

Hãy thử tưởng tượng, trong gia đình, nếu vợ cùng chồng  không mệt mỏi “khao khát nên người công chính”, điều gì sẽ xảy ra?  Phải chăng, tư tưởng của họ sẽ chẳng bao giờ vấn vương hai chữ “ngoại tình”? Phải chăng, tâm tư họ sẽ không có hai chữ bất công?

Hãy thử tưởng tượng, trong gia đình, nếu vợ cùng chồng cho rằng, “tinh thần nghèo khó” chính là trọng tâm cuộc sống của mình, điều gì sẽ xảy ra?  Phải chăng họ sẽ không bị sức mạnh của đồng tiền chi phối? Phải chăng, họ sẽ không coi vật chất như là cứu cánh cho cuộc sống? Phải chăng họ sẽ không bị cuốn hút vào những phi vụ kiếm tiền bất chính?

Nói tắt một lời, nếu chúng ta đem tất cả “tám mối phúc” coi đó như là trọng tâm cho cuộc sống của mình? Điều gì sẽ xảy ra?

Vâng, thật đơn điệu và ngột ngạt đấy. Thế nhưng, nó sẽ là “hồng phúc” cho ta, bởi, chính nhờ đó, mai sau, chúng ta không chỉ được hưởng “Nước Trời”, được “nhìn thấy Thiên Chúa”, được “gọi là con Thiên Chúa” v.v… nhưng còn nhận được sự an  vui ngay đời này, sự an vui đó, chính là: anh em hòa thuận, láng giềng thân thiết, vợ chồng ý hợp tâm đầu.

Cả ba điều đó, kinh thánh cho biết “Cả ba đều đẹp lòng Thiên Chúa và người ta” (Hc 25, 2) Mà,  khi đã làm-đẹp-lòng-Chúa-và-người-ta, có ai lại không được gọi là thánh?

Là một Ki-tô hữu, như lời thánh Phao-lô nói, chúng ta “được kêu gọi làm dân thánh”(x.Rm 1, …7). Thế nên, ngay đêm nay, trước khi “ru hồn vào cõi mộng”, ta hãy tự hỏi mình rằng, hôm nay, “tôi đã chu toàn bổn phận” hàng ngày?

Petrus.tran

 

 

Trả lời