Tội Con Đã Được Tha

Tội Con Đã Được Tha (Mc 2, 1-12)

Tội Con Đã Được ThaThưa quí vị.

Trong bài đọc 2 hôm nay thánh Phaolô phát biểu như sau: “Đức Kitô Giêsu mà chúng tôi: Silvanô, Timôthêo, và tôi rao giảng cho anh em, đã không vừa là “có” vừa là “không”. Nhưng nơi Người chỉ toàn là có”. Như thế thánh nhân muốn xác định với tín hữu thành Côrintô tất cả lời Thiên Chúa hứa qua các ngôn sứ đều đã được thực hiện có hiệu quả nơi Đức Giêsu, Con Thiên Chúa hằng sống. Suy nghĩ kỹ chúng ta sẽ cam nghiệm được thật đầy đủ tính lạc quan của người Kitô hữu trong nhiệm cục cứu độ hiện thời mà thánh Phaolô đã không tiếc công rao giảng.

Nếu như dùng ngôn ngữ dễ hiểu, người ta sẽ diễn đạt nội dung của câu nói trên thế này: “Với Đức Chúa mọi sự đều tốt lành.” Phúc âm hôm nay minh hoạ điều đó qua câu truyện sống động chữa lành người bại liệt do bốn người khiêng. Chẳng hiểu ngôi nhà chính xác có phải là của Chúa Giêsu sở hữu hay không. Thánh Marcô chỉ đơn giản ký sự : “Hay tin Người ở nhà… dân chúng tụ tập lại, đông đến nỗi trong nhà ngoài sân chứa không hết.” (2,1). Nhưng chắc chắn mái nhà đó dễ tháo gỡ ra, có lẽ bằng rơm rạ chẳng hạn. Người ta quá đông. Kẻ đến để lắng nghe Chúa Giêsu rao giảng, kẻ khác đến bắt bẻ. Nhưng đa số đến để xin chữa lành bệnh tật. Nhận thấy chẳng còn cách nào vào được nhà để bệnh nhân tiếp cận với Chúa Giêsu. Bốn người tìm cách leo lên mái nhà, gỡ ra một lỗ hổng, rồi dòng giây hạ bạn mình xuống trước mặt Chúa Giêsu.

Một hành động vừa táo bạo vừa nực cười. Chúa Giêsu ngạc nhiên về lòng tin của họ, nhưng Người nhận ra người bại liệt cần được tha tội hơn chữa lành, cho nên câu nói đầu tiên của Ngài với ông ta là : “Này con, tội con được tha rồi.” (2,5) Mấy kinh sư đang ngồi đó nghĩ bụng : Ông này nói phạm thượngg. Ai có quyền tha tội ngoài một mình Thiên Chúa ? Để minh chứng chính Ngài là Đấng Thiên Sai có quyền tha tội, Chúa Giêsu chữa lành tức thời người bại liệt. Sáu trăm năm trước Isaia đã loan báo : Đấng được Thiên Chúa sai đến sẽ cho kẻ mù xem thấy, kẻ điếc nghe được, người què đi được và người nghèo khổ được rao giảng Tin mừng (Is 61,1). Với Đức Kitô hôm nay, lời tiên báo trên được thực hiện. Người bại liệt được chữa lành cả về phần xác lẫn phần hồn. Do đó với Đức Chúa mọi sự đều tốt đẹp.

Tôi dám giữ nguyên quan điểm ấy đối với quí vị trong những ngày cuối tuần này. Với Đức Kitô mọi sự đều tốt lành miễn là chúng ta cương quyết dấn thân chọn Ngài và sứ vụ của Ngài trong cuộc sống.

– Nhưng thưa Cha điều đó đối với Cha thật đơn giản ! Cha đâu có phải bận rộn với con cái, cho chúng ăn uống, thay quần áo mỗi ngày vài ba bộ. Đưa chúng đi học, đón chúng về. Cha đâu có phải lo lắng về tiền bạc, kinh tế. Cha đâu có phải tìm kiếm học phí cho chúng vào cuối tháng ? Cha đâu có phải tích luỹ cho ngày mai, thất nghiệp, hưu trí… Cha luôn mạnh khoẻ, béo tốt, chẳng có vợ con đau ốm. Thật dễ dàng để cha phát biểu: “Với Đức Chúa mọi sự đều tốt lành !”

Dầu vậy tôi vẫn phải giữ nguyên quan điểm, vì đó là sự thật, sự thật của Tin mừng, không thể chối bỏ. Cho nên chúng ta phải giải quyết những vấn nạn trên bằng phương thức khác. Trong Tin mừng hôm nay, lời đầu tiên Chúa Giêsu nói với người bại liệt là tha tội cho ông ta, chứ không phải là chữa ông lành bệnh. Tức Ngài chữa trị từ cội nguồn, từ gốc gác của căn bệnh. Được lành tự gốc rễ người ta được tha thứ tất cả, kể luôn bệnh tật. Sở dĩ loài người chịu khổ đau là bởi Tổ tông đã phạm tội. Chúa Kitô đã hy sinh chịu chết để giải phóng nhân loại khỏi tội và những hậu quả của nó.

Vậy thì những vật lộn của các bậc cha mẹ, những nhọc nhằn của tín hữu, nếu kết hợp với cuộc khổ nạn của Chúa Cứu Thế sẽ mang một ý nghĩa hết sức mới mẻ và quan trọng. Chúng là những thể hiện cá nhân của tình yêu hiến tế với Chúa Giêsu. Chúng không phải là những điều tiêu cực mà là tích cực. Chúng là lời cầu nguyện thiết tha, là cuộc sống kết hiệp nên một với Đức Kitô. Xin chú ý đến ngôn ngữ của Chúa Giêsu nói với người bại liệt : “Này con, tội con được tha rồi”. Rõ ràng Ngài yêu thương ông ta và tuyên bố sự tha thứ của Thiên Chúa cho ông. Ngài gọi ông bằng “con”. Đứa trẻ phải luôn phụ thuộc vào bố mẹ về sự sống và các nhu cầu hằng ngày. Gọi người bại liệt là con tức tuyên bố ông ta lệ thuộc hoàn toàn vào Ngài, cả về thể xác, cả về tinh thần. Chúa tháo gỡ tội lỗi cho ông và đổi mới tinh thần ông. Ngài muốn tỏ hiện lòng thương xót của Thiên Chúa cho nhân loại: “Để các ông biết ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội. Ta truyền cho con đứng dậy vác chõng mà về nhà”.

Thật là một điều hoan hỷ gây ngạc nhiên cho mọi người có mặt. Người ta chen chúc nhau đầy nhà và Ngài giảng “lời”cho họ. Tuần trước Ngài chữa lành người cùi hủi bằng cách chạm đến ông ta. Tuần này đơn giản chỉ bằng “Lời”. Dĩ nhiên Ngài có nhìn thấy nhu cầu vật lý của người bệnh vì đó là điều trước tiên đập vào mắt Ngài. Nhưng điều đầu tiên Người làm cho ông ta, cũng như cho đám đông là giảng Lời, chữa lành nhân loại bằng “Lời”. Đây là sự kiện quan trọng các môn đệ của Ngài phải lưu tâm. Ngày nay cũng vậy thôi các nhà mệnh danh là thuyết giáo phải lo liệu thế nào để lời mình rao giảng cũng có nội dung chữa lành như Chúa Giêsu. khả năng ấy chí có được khi cuộc sống của mình am hợp với nội dung Tin mừng. Ngoài ra là vô ích.

Sau khi khỏi bệnh, Chúa Giêsu bảo anh trở về nhà. Lúc này anh đã hoàn toàn đổi khác: khoẻ mạnh, tươi tỉnh, tự mình đi được, không cần thân nhân giúp đỡ. Anh hồ hởi tự do rao truyền về nhân vật lạ lùng đã cứu chữa mình. Nhưng thực tế cho thấy rằng nói chuyện đức tin ở gia đình đâu phải là dễ. Phúc âm cũng đã nói đến khó khăn này. Tuy nhiên gia đình là nơi trước nhất chúng ta phải thi hành nhiệm vụ rao giảng. Vậy thì chỉ còn chiến thuật của câu châm ngôn cổ: Lời nói lung lay, gương bày lôi cuốn. Sau thánh lễ này mỗi người chúng ta cũng được Chúa truyền: “Đứng dậy, vác chõng mà đi về nhà !” Ngài đã chữa chạy chúng ta khỏi bệnh bại liệt tinh thần để chúng ta có thể là nhân chứng cho Ngài giữa những thân nhân trong gia đình. Chuyện nghe dễ nhưng rất khó thực hiện. Cần nhiều lời cầu nguyện.

Chưa hết, thánh Marcô còn gói ghém nhiều sứ điệp thâm trầm khác trong đoạn Tin mừng ngắn ngủi hôm nay. Câu truyện chữa lành người bại liệt phải chăng là ẩn dụ của việc Ngài ban cho cuộc sống mới và phục sinh trong Ngài sau cái chết của mỗi tín hữu ? Tôi đã nhìn thấy rõ điều đó khi tham dự đám tang của một người bạn. Các nghi thức phụng vụ của Hội thánh chẳng nói lên rằng “Đứa con của Thiên Chúa” rồi sẽ được trỗi dậy trong Đức Kitô ? Ngài sẽ thi hành quyền tha tội, tha sự chết trên thân xác đó sao ? Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của Tin mừng theo thánh Marcô, nhưng Phúc âm mấy tuần vừa qua đã cho chúng ta ý tưởng “bản năng thứ hai của Chúa Giêsu là tha thứ và chữa lành.” Bất cứ người bất hạnh nào đến với Chúa cũng được hưởng ơn đó một cách tự nhiên. Chỉ cần Chúa phán một lời là chúng ta được tha thứ và chữa lành. Tội lỗi và các hậu quả của nó không còn nữa, người ta được trở lại với cộng đồng, không còn phong hủi hay bại liệt. Câu truyện vẫn còn xảy ra hôm nay cho bất cứ những ai tìm kiếm lòng thương xót của Chúa: “Này con, tội con đã được tha rồi.” Và ngày nào đó chúng ta cũng “đứng dậy, vác chõng và đi về nhà!”

Chúng ta không nắm vững đức tin của người bại liệt, ông ta chẳng nói lời nào. Chí ít chúng ta biết được ông đã bằng lòng để bạn bè khiêng đi gặp Chúa Giêsu. Thánh Marcô ghi lại : ” Chúa Giêsu thấy họ có lòng tin”. Đây là đức của bốn người bạn. Đức tin đã khiến họ khiêng bạn mình đi, gỡ mái nhà và dòng người bại liệt xuống trước mặt Chúa Giêsu. Thánh Marô còn ghi thêm vài trường hợp như thế nữa: 5,36 ; 7,24-30 ; 9,24. Đức tin cộng đồng cũng thật quan trọng để giúp đỡ được ơn Chúa thương tha tội và chữa lành. Biết bao nhiêu đứa con đã qua được các cơn khủng hoảng nghiêm trọng nhờ gương sáng đức tin của ông bà, cha mẹ và gia đình ? Chúng ta không coi thường mà phải đánh giá cao đức tin cộng đồng mình đang sống. Chê bai là hoàn toàn thất sách, không hiểu gì về Phúc âm.

Rất may trong các giáo xứ, các dòng tu có nhiều tổ chức tông đồ, từ thiện. Các đoàn thể đó đã là linh hồn của cộng đồng địa phương. Những người có trách nhiệm nên sốt sắng dấn thân duy trì và cổ võ. Chúng là những cánh tay của cộng đoàn vươn tới những ai bất hạnh, đưa họ về gặp gỡ Chúa Giêsu như bốn người bạn của ông bại liệt trong Phúc âm hôm nay. Thản hoặc chúng ta được chứng kiến một em nhỏ dắt bà nội, ông nội đi tham dự các buổi cầu nguyện chung hay một thanh niên, thiếu nữ đẩy xe lăn giúp người tàn tật đến nhà thờ, chúng ta tưởng là chuyện bình thường. Thực chất chúng là những công việc cao cả, khẳng định đức tin của người tín hữu. Phần mình, Chúa Giêsu hài lòng giơ tay chúc lành và aüm lấy những đứa con ngoan của Thượng Đế. Nhìn rộng ra chúng ta phải nói thế nào về các việc tông đồ trong Hội thánh !

Ngẫm nghĩ thêm về bốn người bạn của ông bại liệt. Họ đúng là giàu sáng và khéo léo. Số người vây quanh Chúa Giêsu đông đảo đến vậy mà họ nghĩ ra được phương cách đưa bạn mình tiếp cận với Chúa. Tôi ước mong và cầu xin trong thánh lễ này, nhiều giáo dân sẽ có những phát minh tương tự để đưa dân ngoại về nhận biết Thiên Chúa. Giả như bốn người bạn hôm nay thờ ơ như chúng ta thì chắc chắn kẻ bại liệt đã không được ơn tha thứ và chữa lành. Vấn đề thật kinh khủng ! Bao nhiêu linh hồn đành hư mất vì chúng ta ươn lười ! Mùa chay sắp tới. Chỉ còn vài ngày, cơ hội phục vụ bí tích hoà giải đã gần kề.

Thánh Marcô cho biết Chúa Giêsu thực hiện phép lạ chữa người phong cùi và kẻ bại liệt ở Capharnaum. Chúa tha thứ và mọi sự đều tốt đẹp. Chúng ta hôm nay cũng tụ họp trong nhà Ngài, tại ngôi thánh đường giáo xứ. Ngài cũng đang có mặt “ở nhà”. Lời xá giải sẽ được Ngài ban cho từng người qua sự cầu khẩn của cộng đoàn. Mọi tội lỗi sẽ được xoá bỏ. Chúng ta sẽ sạch cùi hủi và hết bại liệt : “Này con, tội con đã được tha rồi. Đứng dậy vác chõng mà về nhà đi !” Như thế Ngài sai phái chúng ta vào cuộc sống đổi mới, hồ hởi và bình an. Amen.

Fr. Jude Siciliano, OP.

114 thoughts on “Tội Con Đã Được Tha

Trả lời