Tình Yêu và Hôn Nhân : Một Lối Mở

TÌNH YÊU VÀ HÔN NHÂN: MỘT LỐI MỞ
An Nhân,OP.

Tình Yêu và Hôn Nhân : Một Lối Mở Những bạn bè cũ gặp tôi tâm sự rằng đời sống gia đình là “cái gánh” nặng quá. Khởi đầu một ngày là bao thứ trách nhiệm phải mang vác, nào là việc làm, lương tháng, chuyện học hành con cái…chẳng còn giờ cho vui chơi, giải trí, ngay cả chuyện “yêu đương” vợ chồng cũng không còn mấy mặn mà. Có người thì ước ao được trở lại thời gian “thiên đường” lúc đang yêu. Thế tôi mới hỏi họ có hối tiếc vì đã kết hôn chăng. Họ trả lời tôi họ không thể quên thời gian hạnh phúc khi yêu nhau và giờ đây con cái họ lại tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu ấy. Họ sẽ rất tiếc nếu sống không có tình yêu và nhất là không tìm thấy được “nửa kia” của mình để mà reo lên “đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!”. Tôi mừng cho họ, nhưng cũng nghĩ nhiều về một tình yêu bền vững để xây dựng mái ấm gia đình mà không phải bất cứ đôi lứa nào cũng khám phá thấy.

Tiếng reo của Ađam

Hấp dẫn phái tính không phải là một chuyện gì xấu hổ hay cấm kỵ. Càng chối bỏ lẽ tự nhiên ấy người ta càng bị dồn nén và bộc phát theo những cách lệnh lạc. Vấn đề giới tính ngày nay không còn là chuyện “nói nhỏ” nữa nhưng là chuyện của “giáo dục đại chúng”. Nhưng giáo dục như thế nào? Bạn hãy cùng tôi suy nghĩ vấn đề này bằng một gợi ý sau. Bây giờ, bạn hãy thử nghĩ đến người quan trọng nhất trong cuộc đời bạn. Bạn hãy thử đặt mình vào một dịp nào đó trọng đại nhất trong đời mình. Bạn đang mong đợi món quà mà người quan trọng nhất ấy từ nơi xa gửi tặng cho bạn. Và bạn sung sướng, hạnh phúc khi nhận được món quà ấy trong dịp trọng đại này. Bạn làm gì với món quà ấy? Tháo tung ra, vất lăng lóc, ước lượng giá trị vật chất, vui thích một chút rồi chán. Hay bạn sẽ cẩn thận, từ từ mở món quà ra, nhắm mắt lại và nghĩ đến người ấy, hạnh phúc ôm món quà vào lòng như được gặp thấy chính người gửi quà; bạn sẽ trân trọng để món quà ở nơi không bị bụi bẩn bám vào, nơi bạn có thể thấy hàng ngày và mỗi ngày, qua món quà ấy, bạn sẽ vẫn không ngừng nghĩ đến người kia vì chính người ấy mới thật sự đem lại cho bạn niềm hạnh phúc? Bạn nghĩ gì về gợi ý này. Chẳng phải món quà kia là chuyện phái tính, chuyện tình dục đó sao? Chẳng phải người quan trọng nhất trên kia là người yêu, là vợ, là chồng, và sâu xa hơn là chính Đấng đã cho bạn được “có đôi” đó sao? Bạn xem món quà là cách biểu lộ tình yêu hay chính nó là tình yêu? Chắc bạn cũng thấy rằng tình yêu không thể không có chuyện “hai người” nhưng chỉ chuyện “hai người” thì không phải là tình yêu.

Bạn còn nhớ tiếng reo của Ađam chứ? “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!”. Và trình thuật Sáng thế còn nói thêm: “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt”. Kinh thánh đã dùng lối trình bày hình tượng để cho thấy Bố Ađam đã thấy chính mình khi gặp Mẹ Eva. Giữa hai người có một cuộc tái sinh mới vì người này đã nên một với người kia. Người này đón nhận người kia như chính mình chấp nhận bản thân mình vậy. Họ là hai nhưng nên một trong sứ mạng được kêu gọi. Họ sẽ sinh con đẻ cái và như thế họ sẽ hoàn lại cho gia đình nhân loại kho báu nhân tính mà họ đã nhận được từ đó. Ađam đã không thấy “món quà kia” trước khi thấy Eva. Bố đã reo lên khi thấy Mẹ. Quả thế, chỉ có “phen này” Ađam mới tìm thấy được Eva. Vì dẫu muôn thú, cây cỏ có bao lần phô bày trước mắt ông thì ông vẫn không thể “thấy” được gì cả và ông vẫn “không tốt khi ở một mình”. Giấc ngủ đã khiến ông phải đi tìm và ông chỉ thấy khi tỉnh giấc. Tình yêu không thể không “đi tìm”. Và tình yêu chỉ được gọi là “được tìm thấy trọn vẹn” nơi hôn nhân bởi chính nơi đây người ta công khai cam kết và quyết trung tín cho đến chết với người mình đã thề nguyện.

Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp…

Hẳn bạn còn nhớ đến “người quan trọng” trên kia mà tôi đã nói chứ? Trước khi có bạn và người bạn yêu thì đã có Đấng Tác Hợp cho bạn. Người đã tác hợp cho Bố Mẹ nhân loại và Người không ngừng tác hợp cho tất cả các đôi lứa yêu nhau để họ “sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời và mọi giống vật bò trên mặt đất”. Bạn thấy đó đây là chuyện nghiêm túc, là phúc lành.  Nhưng có thật thế chăng? Sao lại có bao chuyện “đỗ vỡ” từ những gì thật là phúc lành này? Phải chăng sẽ không có tan vỡ trong hôn nhân nếu người ta đừng bắt hôn nhân phải bị ràng buộc và có tính bền vững? Sao lại có thể ép buộc hai người phải trọn kiếp với nhau? Nếu họ đã tự do đến thì sao không để họ tự do chia tay?

Cuộc sống “tự do” hôm nay đặt ra bao thách thức cho hôn nhân. Bạn thấy đó, người ta vẫn thích “quà tặng” hơn người “tặng quà”, thích tự do, vô trách nhiệm hơn là trưởng thành với sứ mạng của mình. Những người Pharisêu cũng đã hỏi thử Đức Giêsu như vậy: “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?”. Họ thừa biết đã có câu trả lời sẵn ở trong luật Môsê rồi. Nhưng họ vẫn hỏi thế để muốn chứng tỏ rằng ông Giêsu kia cũng không thể làm gì vượt quá luật Môsê được. Trái lại, như thánh Máccô chép ở chương 10, 1-12, Đức Giêsu đã trả lời không cho việc đòi hỏi được phép ly dị và Người còn nói rằng chính bởi lòng dạ người ta mới có sự tan vỡ hôn nhân chứ không do ý định Thiên Chúa. Thật thế, hôn nhân tự bản chất vẫn là sự tư do ưng thuận của hai người. Nhưng họ ưng thuận điều gì? Họ thuộc về nhau với trọn vẹn con người: nhân tính và phẩm giá, tự do và trách nhiệm. Sở dĩ người ta không thể chấp nhận người bạn đời của mình sau một thời gian chung sống là vì cái nhìn toàn vẹn ban đầu giờ đây đã bị giản lược thành những yếu tố thứ yếu. Bên cạnh đó, trách nhiệm người này đối với người kia do lời cam kết chỉ được xem như vì lợi ích của một người chứ không còn là sự cộng tác cùng xây dựng một gia đình nữa. Bạn nghĩ gì khi thử đặt mình vào hoàn cảnh những đứa trẻ mà cha mẹ đã sớm bắt chúng phải “mồ côi”? Chắc bạn sẽ lên tiếng đòi “tương lai” của mình chứ! Bởi thế, Đức Giêsu đã lặp lại Luật căn bản từ thưở ban đầu: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”. Luật ấy không cưỡng ép nhưng tự do. Bởi tự do của con người chính là sống đức mến và phục vụ, mà yêu mến là muốn cho người khác được nên tốt thế thì người ta không thể hành động như người chưa trưởng thành mà lại gánh vác “chuyện người lớn”.

Tôi đồng ý với điều những người bạn tôi đã nói, người ta sống không thể không có tình yêu và tình yêu thì không thể không có hôn nhân. Bố Mẹ Ađam và Eva đã gặp nhau để không phải là hai người nhưng trở nên “một xương một thịt”. Tình yêu không tự nó sống mà được nuôi dưỡng trong hôn nhân. Và hoa quả của hôn nhân là con cái như phần thưởng Chúa ban. Vì thế, chính bạn được mời gọi hãy phân biệt những giá trị trường tồn với những gì hay thay đổi của thời đại mà đề cao những giá trị của tình yêu, hôn nhân và gia đình bằng chứng tích của chính đời sống mình. Hãy là lối mở cho người khác tìm đến với những gì là nền tảng và chân thật vì sự thật sẽ giải phóng con người.

Trả lời