Tình Yêu Tự Hủy

 

 

Tình Yêu Tự Hủy

Tình Yêu Tự Hủy1. “Sức nặng” của về tình yêu
* Cái “nặng” và cái “nhẹ”

Cái nặng là cục sắt; cục sắt nặng nên nằm yên một chỗ và không dễ gì di chuyển nó được. Cái nặng là cục vàng; cục vàng thì cũng nằm yên một chỗ; cục vàng còn được người ta cất kín trong két sắt và chẳng mấy khi được chu du giữa trời đất mênh mông. Cái nặng lúc nào cũng có tình trạng “an vị”, tự tại với chính mình và đòi cái gì khác phải đến với nó chứ nó không tự đến với cái khác được. Người “nặng ký” thì cũng vậy, người nặng ký thì được bảo vệ kỹ lưỡng, trong vòng an ninh chặt chẽ, vòng trong vòng ngoài… Người “nặng ký” chẳng dễ gì có thể đến được những nơi vùng sâu vùng xa, chẳng dễ gì gặp được những người “đầu đường xó chợ”, chẳng dễ gì thông cảm hay chia sẻ được với những phận người đau khổ. Lâu lâu người nặng ký làm một cuộc xuất du thì cuộc xuất du ấy cũng được dàn dựng với tất cả sự cồng kềnh của một bộ máy an ninh và “điếu đóm”. Cái nặng thì đầy oai phong và luôn giương oai với cái khác, nhưng cái oai phong ấy lại làm cho nó khó gắn với cái khác. Cái nặng luôn có khuynh hướng đơn độc một mình, oai phong một mình, mình với mình mà thôi. . .

Cái nhẹ là cục bông gòn, bay theo làn gió nhẹ, bồng bềnh lên xuống theo cơn gió. Cái nhẹ là hạt bụi, hạt bụi bị xua đuổi khỏi những nơi sang trọng, bị tống khứ ra những nơi tồi tệ và bẩn thỉu nhất. Cái nhẹ thì không có gì để an vị, tự tại với chính mình cả. Cái nhẹ suốt đời là kẻ viếng thăm cái khác mà lại chẳng mấy khi được cái khác viếng thăm. Cái nhẹ luôn khao khát đáp xuống một cái gì đó, luôn cần gắn với một cái khác, nhưng lại chẳng được những nơi sang trọng đón nhận. Người nhẹ “tép riu” cũng giống như cục bông gòn, giống như hạt bụi, họ có thể phiêu lưu như kẻ không nhà. Họ không có hành lý cồng kềnh, họ không có sự an toàn bao bọc, họ không có những vật quí giá cần phải bảo vệ, họ không sợ bị xầy xước khi giao tiếp, …Họ nhẹ bồng trên đường phiêu lưu và có thể đến được với ai khác, nhất là những nơi cùng khổ.

Tình yêu thương thường không phải là “cái nặng” nhưng chính là “cái nhẹ”; người biết yêu thương cũng thường là những con người “nhẹ ký”, không quá quan tâm bảo vệ cái tôi sang trọng của mình và như thế nên có thể đến được với người khác. Người ta thường thích nổi tiếng, thường thích trở nên quí giá, thường thích là nhân vật quan trọng, thường thích được người khác chú ý đến mình… những cái thích như thế không mở đường đi vào tình yêu được, nhưng chúng là những tảng đá ngăn chận nẻo đường tình yêu. Thứ yêu thương của những người như thế là những bước đi khệnh khạng, những “đám rước” rầm rộ, những biểu ngữ huyênh hoang, những thứ trình diễn tình yêu mà rất khó đi vào sự thân mật.

* Cái “thấm nhập” và cái “cưỡng bức”

Cái nặng thì “cưỡng bức”, nó đè bẹp, trấn áp, xô đẩy từ bên ngoài; cái cưỡng bức thì có sức mạnh để có thể bắt cái khác phải ở đúng vị trí mình muốn, vận hành theo đúng cách thức mình muốn. Cái cưỡng bức làm chủ được thân thể của cái khác, những lại không tạo được một sự hòa hợp sâu xa. Cái cưỡng bức thường làm nên một trật tự bên ngoài, nó có khả năng uốn nắn cái khác theo ý mình, sắp xếp để mọi sự ăn khớp với nhau theo một quy hoạch tổng thể … Nhưng cái cưỡng bức không thể làm nên được cái “duyên” nội tại, cái “hòa” một cách kỳ lạ và cái kỳ diệu một cách sáng tạo. Cái cưỡng bức thường làm nổi bật cái tổng thể, nhưng lại làm chìm mất cái cá biệt độc đáo. Con người có khả năng cưỡng bức là một kẻ độc tài, là người thống trị người khác bằng sức mạnh của cơ bắp, hoặc quyền bính, tạo nên nơi người khác một nỗi sợ; là người chinh phục người khác bằng tại năng làm cho người khác phải lép vế và rơi vào tình trạng khúm núm, e dè; là người “loé sáng” bằng đức độ khiến người khác phải chói mắt, lùi xa như một thứ “kính nhi viễn chi”, và mất tự tin để có thể tự mình sống cuộc đời của mình.

Cái “thấm nhập” thì thường là cái nhẹ nhàng, nó “chinh phục” không phải bằng một sự cưỡng bức bên ngoài, nhưng là một sự hòa hợp từ bên trong. Cái thâm nhập không phải là một dị vật trong cơ cấu hữu cơ của điều nó thâm nhập, nhưng tan biến và trở nên một với cái nó thâm nhập. Cái thâm nhập thì không còn giữ nguyên hình dáng của mình, nhưng biến hóa để thấm nhập và cấu tạo nên một cơ cấu hữu cơ với cái khác. Người có khả năng “thấm nhập” là người được người khác đón nhận một cách tự nguyện, được yêu bằng chính ý muốn tự do của người khác. Người thấm nhập là người để lại một chút vấn vương, một chút thi vị, một chút thăng hoa trong tâm tình của người khác.

Cái cưỡng bức không thể mang lại tình yêu được. Cái cưỡng bức chỉ có thể làm nên tình trạng “đồng nhi bất hòa”. Ngược lại, tình yêu thì phải được thấm nhập, một cách nhẹ nhàng, một cách thi vị, một cách an hòa. Tình yêu làm nên một nét duyên riêng của cấu trúc “hòa nhi bất đồng”.

* Cái “hiệp lực” và cái “đối lực”

Cái cưỡng bức thì phải mạnh để có thể đàn áp. Cái cưỡng bức thì coi sức mạnh của cái khác như một đối lực. Cái khác mạnh thì có nguy cơ làm cái cưỡng bức bị suy yếu, nên cần phải tiêu diệt sức mạnh của cái khác bằng tất cả mọi biện pháp cưỡng bức. Cái khác ấy là một “đối lực” làm trì trệ vận hành của cái cưỡng bức. Cái cưỡng bức luôn có khuynh hướng nghi ngờ, luôn tăng gia biện pháp đề phòng, luôn đặt ra thật nhiều đòi hỏi, đòi hỏi của luật lệ chi ly, đòi hỏi của phép tắc khó khăn, đòi hỏi cứ càng ngày càng gia tăng thêm nhiều quy định.

Cái “hiệp lực” thì lại đón nhận được sức mạnh của cái khác, sức mạnh được gia tăng trong sự hiệp thông, tình nghĩa được bền chặt trong mối giây tình nghĩa. Cái hiệp lực cần nhờ đến nhau như sức hút của nam châm khác cực, nghĩa là có khả năng đón nhận, có khả năng thấm nhập, có khả năng hiệp nhất sức mạnh của hai bên.

Người sống với người khác như một đối lực là người có khuynh hướng trở thành bạo chúa, luôn có những người để mình loại trừ, luôn bắt người khác làm theo ý mình, luôn đề cao trật tự bên ngoài, luôn coi sự phát triển của người khác là mối đe dọa cho chính mình. Ngược lại, người sống trong tinh thần “hiệp lực” thì lại có thể nhờ đến người khác; coi sự phát triển của người khác là điều tốt đẹp cho chính mình.

2. Huyền nhiệm tình yêu nơi Chúa Giêsu

Nhìn vào Chúa Giêsu, chúng ta thấy Ngài giống như ”cái nhẹ”. Giống như hạt bụi để cho ngọn gió của quyền lực thổi tung :

“Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. (…). Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ”. (Lc 2,1-7; x. Mt 4, 12-16).

Nhìn vào Chúa Giêsu, chúng ta thấy Ngài từ chối sức mạnh cưỡng bức để chinh phục người khác. Chúa Giêsu từ chối mọi cám dỗ của Satan để thi hành được lối cứu độ bằng bánh mì, bằng sự lạ và bằng quyền bính (x. Trình thuật Cám dỗ).

“Đức Giêsu bảo người ấy : “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm” (Mt 26,52)

Ngài chọn con đường của Chúa Cha, con đường hy sinh mạng sống cho bạn hữu. Chúa Cha luôn xác nhận “nẻo được thấm nhập” nơi hành trình của Đức Giêsu; mỗi khi Chúa Giêsu đi theo lộ trình thấm nhập như thế, thì lại có tiếng của Chúa Cha “Đây là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng ta mọi đàng”. Ngài trở nên tấm bánh và ly rượu để thấm nhập trọn vẹn vào người môn đệ…

Nhìn vào Chúa Giêsu, ta thấy Ngài chữa lành bệnh tật, Ngài tha thứ tội lỗi, Ngài đón nhận được những người bị loại trừ, Ngài sống trọn vẹn như một người “mang Tin Mừng cho những người nghèo khó”. Tin Mừng của Ngài không làm cho cuộc sống con người sợ hãi và dúm dó, nhưng mở đường cho các môn đệ được lớn lên, được vững mạnh. Lời Thánh Irênê diễn tả thật tuyệt nét “hợp lực” của tình yêu ấy “vinh quang Thiên Chúa là con người được sống”.

“Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”. (Ga 10,10)

Thiên Chúa là Tình yêu, và tình yêu Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu được thể hiện trong tất cả những đường nét huyền nhiệm mà ta không thể thấy được nơi đâu khác. Tình yêu của Thiên Chúa là tình yêu “hóa ra không” :

“Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang…” (Pl 2,6-7)

Trả lời