Tình yêu mở đường đến sám hối đích thực

Tình Yêu Mở Đường Đến Sám Hối Đích Thực
Tình yêu mở đường đến sám hối đích thực1. Những kiểu sám hối không trọn vẹn

Nhiều người Kitô hữu chỉ đi xưng tội như là một cuộc tẩy rửa định kỳ, giống như người ta tắm rửa mỗi ngày một lần, hớt tóc mỗi tháng một lần, hoặc rửa xe hai tháng một lần. Sám hối chỉ như một cuộc tẩy rửa định kỳ như thế có thể làm cho người ta được bớt “cáu ghét”, bớt được tình trạng bết bùn trong tâm hồn, nhưng chắc chắn chưa phải là sám hối đích thực theo tinh thần Kitô giáo. Sám hối như thế chỉ là một thứ tẩy rửa bên ngoài chứ chưa phải là thay đổi bên trong. Nói cách khác, việc sám hối như thế chỉ mới là “xé áo” chứ chưa phải là “xé lòng” theo lời kêu gọi của ngôn sứ Giô-en (x. Ge 2,13).

Một cách tốt đẹp hơn, sám hối chân thật bao hàm một sự thay đổi lối sống, nghĩa là không chỉ dừng lại hành vi ”định kỳ”, không chỉ gói gọn ý nghĩa sám hối trong một thời khắc nào đó (lúc xưng tội), trong một hành vi thêm vào lối sống cũ (đi xưng tội)… nhưng là thay đổi chính lối sống của thói quen cũ, là biến cải chính lối sống quen thuộc hằng ngày để bước vào một hành trình mới. Việc sám hối này làm cho cuộc sống thoát khỏi những “dịp tội” thường gặp trên đường đời; đồng thời cũng gia tăng sức sống của niềm tin nhờ năng tham dự những sinh hoạt đạo đức… Chính quyết tâm thay đổi lối sống cho thấy một mức độ sâu xa hơn của lòng sám hối, một cung cách triệt để hơn trong việc dấn thân vào một nẻo được mới. Hành vi sám hối như thế có phần thực sự dính dáng đến chính bản thân của người sám hối chứ không phải chỉ là một hành vi phụ thêm của cuộc sống.

Tuy vậy, việc sám hối như một sự thay đổi lối sống thường vẫn chưa phải là một sự sám hối hoàn toàn của tinh thần Kitô giáo. Hành vi thay đổi đời sống của người kitô hữu nhiều khi vẫn không phải là một nhân đức đúng nghĩa, hay nói cách khác, vẫn chỉ là sống “nhân đức chịu vậy”; nghĩa là chấp nhận thay đổi đời sống một cách bất đắc dĩ, chấp nhận vì một sự ép buộc bên ngoài mà chính mình không ưa thích. Khi người ta không cảm được cái hay cái đẹp của nếp sống mới mà vẫn phải chấp nhận vì sợ, vì một sự ép buộc bên ngoài nào đó; khi người ta không tìm được một lòng thuận thảo với Nước Trời như chính giá trị thân thương của tâm hồn, thì việc thay đổi nếp sống vẫn chỉ là một dị vật trong đời sống tâm linh và không trổ sinh hoa trái phong phú được.

2. Lối sống so đo tính toán

Nhìn sâu hơn vào đời sống Kitô hữu, có lẽ chúng ta có thể hiểu ra nguyên nhân sâu xa của một tình trạng không trổ sinh hoa trái phong phú của đời sống đức tin chính là do thái độ sống so đo tính toán. Nhiều người Kitô hữu sống trong thời đại Tân Ước nhưng vẫn theo tinh thần của Cựu Ước, nghĩa là chỉ so chiếu đời mình với một bộ luật “ghi trên đá”. Người Dân Is-ra-en đã không đón nhận được lề luật của giao ước trong nghĩa tình, nhưng chỉ là một phương cách để tìm lợi ích cho chính mình; chính vì thế mà giao ước đã thường xuyên bị vi phạm. Chính vì thế mà các ngôn sứ đã phải nói tới một giao ước mới, giao ước thân tình như đời sống yêu thương vợ chồng (Xc. Hs 2,21-24), giao ước thân mật được ghi khắc trong tim (Xc. Gr 31-34), giao ước trong Thần Khí của Thiên Chúa (Xc Ed 36, 26-34) :

* “Này sẽ đến những ngày – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA – Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai-cập ; chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en sau những ngày đó – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta.” (Gr 31, 31-33)

* “Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt. Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành.” (Ed 36, 26-27)

Khi sống đời sống luân lý dựa theo một bộ luật, người ta không có được sức sống của tình yêu, nhưng chỉ là một sự so đo tính toán, theo lối sống quanh quẩn trên dưới chung quanh mức trung bình cộng. Không có tình yêu, người ta không có đủ sức hút để đi vào nẻo đường vươn lên đến một sự sống phong phú, vì nẻo đường ấy luôn kèm theo những hy sinh vất vả trong bình diện cuộc sống trần gian. Không có tình yêu, người ta chỉ dừng lại ở mức tối thiểu, chỉ nhằm vượt qua mức trung bình cộng để khỏi bị phạt.

3. Yêu nhiều vì đã được tha thứ nhiều

Tình yêu mở đường đến sám hối đích thực Thực ra Mười Điều Răn mới chỉ là bộ luật của Cựu Ước. Lối sống dựa theo Mười Điều Răn không thể làm cho con người được sống phong phú nếu như không hướng tới Điều Răn Mới của Chúa Giêsu :

“Đây là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết. (Ga 15,12-15)

Với việc tẩy rửa định kỳ, hoặc thay đổi lối sống, người Kitô hữu vẫn chưa có được một sự sám hối vì lòng mến, mà chỉ có sám hối vì sợ; và vì thế, vẫn chưa thể là “sám hối vì Nước Trời”. Điều kiện để bước vào Vương Quốc của Thiên Chúa là : “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” (Mt 3,2). Sám hối ở đây là một cuộc đảo ngược tinh thần, là một sự thay đổi tinh thần, thay đổi não trạng. Đó là một đời sống mới từ trong “nguyên lý” chứ không phải chỉ ở mức độ sửa đổi thích nghi. Đó là một cuộc sám hối bằng sức mạnh của Thần Khí Chúa, để được biến đổi từ chính “tinh thần” hay thần trí của con người. Nguyên lý mới này bắt nguồn từ chính tình yêu lớn hơn mọi tình yêu của Chúa Giêsu.

Do đó, lối sống của người Kitô hữu không thể chỉ là lối sống quẩn quanh mức trung bình cộng của Mười Điều Răn, nhưng phải là một hành trình không ngừng vươn lên mãi hước đến mức độ Điều Răn Mới của Đức Giêsu. Trong nhiệm cục Tân Ước, tất cả mọi khía cạnh nhân sinh được diễn tả trong Mười Điều Răn đều trở nên những nẻo đường “dọc” hướng lên, chứ không phải là những đường “ngang” của một sự so đo tính toán theo mức trung bình cộng. Trong chiều hướng ơn cứu độ trong Đức Giêsu, mọi nhân đức, cũng như mọi lỗi lầm của đời sống con người đều có thể biến đổi ý nghĩa một cách căn bản :

“Vì thế, tôi nói cho ông hay : tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít.” (Lc 7,47)

Trong Chúa Giêsu, điều quan trọng nhất của một con người không còn là so chiếu với một bộ luật khách quan, nhưng nằm trong vận hành của nẻo đường hướng tới tình yêu lớn lao của Chúa Giêsu. Vận mạng của con người, của mỗi con người không còn tự mình bươn chải để leo lên trên mức trung bình cộng, nhưng là nối kết vào mạch sống yêu thương của Chúa Giêsu; trong vận hành đó, nhiều khi chính tội lỗi lại có thể khai lối cho nẻo đường của tình yêu. Trong tình yêu của Chúa Giêsu, người Kitô hữu được kêu gọi để sám hối không ngừng, nhưng đó là sám hối vì nhận ra mình không xứng đáng với tình yêu của Chúa. Sám hối vì tình yêu thì không phải là sự cay đắng vì bản thân mình, nhưng mang “mùi vị” ngọt ngào vì tình yêu của Chúa. Sám hối “cay đắng” khi so chiếu đời mình với một bộ luật thì làm cho ta nhụt chí; sám hối “ngọt ngào” khi đối diện với tình yêu Chúa thì giúp ta tăng thêm lòng trông cậy để tiến bước trên hành trình cuộc đời.

 

Trả lời