Tình Yêu: Đơn Giản và Toàn Vẹn

 

 

Tình yêu: đơn giản và toàn vẹn

 

Tình Yêu: Đơn Giản và Toàn Vẹn1. Tình yêu và tội lỗi, đơn giản và phức tạp

Mặc khải Thánh Kinh cho chúng ta biết tất cả vạn mạng của cuộc sống con người đều nằm trong câu chuyện về tình yêu, tình yêu giữa Thiên Chúa với con người và tình yêu giữa con người với nhau. Tất cả nguồn ơn phúc của con người là được sáng tạo giống hình ảnh Thiên Chúa, để sống trong mối tương quan yêu thương với Thiên Chúa và nhờ đó mà có thể yêu thương nhau. Đó là điều thật “đơn giản” trong bản chất con người. Mặt khác, tất cả mọi tai họa của cuộc sống con người, giết chóc, chia rẽ, hận thù, bất công,… cũng đều xuất phát từ lựa chọn đi ra ngoài nẻo đường của tình yêu. Đi ra ngoài con đường “đơn giản” ấy, con người bước vào một thế giới quá “phức tạp”. Quả thật, cuộc đời con người đơn giản quá nhưng cũng phức tạp quá. Cái đơn giản của bản chất và cái phức tạp của hiện tượng. Theo Kinh Thánh, cái đơn giản đó chính là tình yêu thương và cái phức tạp đó chính là hậu quả của tội lỗi. Trong thế giới của tội lỗi, cái phức tạp che mờ cái đơn giản.

Trong cuộc sống trần gian hiện nay, chúng ta đối diện với một thế giới hết sức phức tạp. Cái phức tạp của cuộc sống biểu lộ trong biết bao nhiêu học thuyết triết học và tôn giáo mong ước tìm con đường giải thoát khác nhau cho con người : siêu thoát, của giác ngộ, của khôn ngoan, của đức độ… Cũng thế, chắc chắn là mỗi con người, trong cuộc vật lộn sống còn với cuộc đời, cũng đã tự hình thành cho mình một phương trình giải quyết, một cách minh nhiên hay mặc nhiên, theo nhiều đường hướng khác nhau : tôi phải có tiền, tôi phải khôn ngoan, tôi phải có uy tín trong dịa vị hoặc trong đức độ… Quả thật tội tổ tông, làm nên một thế giới phức tạp che mời cái đơn giản, chưa bao giờ vắng mặt trong cuộc sống con người và trong hành trình của mỗi người.

Những con đường của sự “phức tạp” thường tỏ ra có những hiệu quả rõ ràng, mong chóng và hợp lý, chúng giống như những cánh cửa mở ra ngay đến bờ bến của thiên đường. Trong khi đó, nẻo đường “đơn giản” thì lại mờ mờ ảo ảo, chất chứa đầy những nguy cơ trước mắt, và có vẻ như đằng sau cánh cửa nó còn cả một con đường dài, vòng vèo, đầy chướng ngại.

Con đường của sự “phức tạp” lại có vẻ như rất đơn giản. Con đường của sự “đơn giản” lại xuất hiện trong bộ mặt quá phức tạp. Cái nào là thật ? Cái nào là quảng cáo ? Có phải “văn minh quảng cáo” là một thứ văn minh có nguồn gốc từ bản chất người và có dính dáng đến vận mạng sống còn của con người ? Điều mà Satan nói với bà Evà chẳng phải là một thứ quảng cáo sao !

“Con rắn nói với người đàn bà : “Chẳng chết chóc gì đâu ! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” (St 3, 4)

2. Tình yêu, đơn giản và toàn vẹn

Tình Yêu: Đơn Giản và Toàn VẹnKitô giáo chọn con đường của tình yêu, con đường đơn giản, mặc dù nó dẫn đưa qua những nẻo đường phức tạp. Con đường yêu thương là liên lụy, là hy sinh, là phải chết, “chết trong lòng một tý” hoặc nhiều khi là chết cả một cuộc đời. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói : “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”, đó là một điều quá đơn giản. Nhưng cái hay nhất của tấm lòng đơn giản ấy lại là “để làm gì em biết không, để gió cuốn đi, để gió cuốn đi”. Để gió cuốn đi thì phức tạp lắm, vì đó là một cuộc phiêu lưu mà ta không nắm được đàng chuôi bao giờ. À thì ra cái đơn giản của tình yêu là sự đơn giản của đôi cánh, đôi cánh bay vào bầu trời bao la kỳ diệu và đầy phức tạp, chứ không phải đơn giản của cục sắt hay cục vàng được cất kỹ trong ngăn tủ. Cái đơn giản của sự phong phú khác xa với cái đơn giản của sự nghèo nàn.

Tiêu chuẩn của cái đơn giản đích thực phải là tính cách bao dung và phong phú. Cái đơn giản đích thực phải gồm gói được tất cả mọi thực trạng của đời sống con người và làm tăng triển mọi năng lực tích cực của bản chất người. Đơn giản nhưng phải toàn vẹn, chứ không phải cái đơn giẩn do lấy một thành phần nào đó, đề cao nó lên, loại trừ những điều khác một cách khiên cưỡng.

Mặc dù trọng tâm của Kitô giáo chỉ hết sức đơn giản là yêu thương, nhưng tất cả lịch sử Giáo Hội vẫn không ngừng tìm cách thông hiểu mỗi ngày mỗi trọn vẹn hơn mà chẳng bao giờ có thể thấu được trọn vẹn. Giới luật yêu thương đơn giản như thế, nhưng lại bao hàm tất cả mọi chi tiết phức tạp của cuộc sống con người. Thánh Phaolô cho chúng ta một bài ca Đức Mến tuyệt diệu, diễn tả được sự đơn giản của tình yêu :

“Trong các ân huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất. Nhưng đây tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả.

Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi (…).

Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến. (1 Cr 12,31-13,1-3.13)

Thế nhưng, dù bản chất của đức Mến thì đơn giản, những vận hành của nó lại không đơn giản chút nào. Đức Mến tuy dễ mà khó, và tuy khó mà dễ. “Dễ” vì tự đáy lòng con người, ai cũng khao khát yêu thương, nhưng “khó” vì con người chẳng đủ sức đi trọn hành trình yêu thương, vì con người vẫn bị cám dỗ do một thứ “dễ dãi” giả tạo, do những thứ “có vẻ đơn giản” bày ra cho mình. Thánh Phaolô cho thấy đức Mến những hoa trái của đức Mến được diễn tả trong nhiều khía cạnh của cuộc sống :

“Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả”. (1 Cr 13, 4-8).

Giáo Hội vẫn hiểu trọng tâm của đời sống đức Tin là đức Mến, nhưng trong lịch sử, đời sống của Giáo Hội vẫn không ngừng giao động giữa “trọng tâm” và “ngoại biên”, nghĩa là lúc thì giữ đức Mến, nhưng lại không diễn tả được trọn vẹn trong đời sống; và có lúc thì tìm ra nhiều cách diễn tả đức Mến nhưng lại không còn bóng dáng thực sự của đức Mến.

3. Sống tình yêu bằng niềm tin

Thật ra, trong Kitô giáo, chính Thiên Chúa đã “giải quyết” cái khó của con người, khi Ngài ban cho chúng ta chính tình yêu của Ngài trong Đức Giêsu, tình yêu lớn hơn mọi tình yêu. Cái “khó” đã trở nên cái “dễ”. Dĩ nhiên, cái “dễ” này lại cũng không phải là “dễ dãi”, vì nó luôn thôi thúc con người hy sinh chính bản thân mình theo như tình yêu của Chúa…

Chính niềm Tin là cây cầu nối kết giữa cái đơn giản và cái toàn vẹn. Niềm tin như là sự gắn bó bản thân mình với tình yêu lớn lao của Thiên Chúa trong Đức Kitô sẽ mở ra lộ trình của đức Cậy, giúp người tín hữu có thể hành trình trên nẻo đường yêu thương trọn vẹn, dù vẫn nhận ra sự phức tạp, nhận ra nẻo đường tình yêu còn dài hun hút. Trong niềm Tin, hành trình đức Mến lúc nào cũng ở trạng thái vừa “đang đi” vừa “đã đến”; đã “đến” rồi nhưng vẫn cứ phải tiếp tục “đi”. Tâm trạng của người sống đức Mến lúc nào cũng vừa bình an, vừa khao khát; bởi vì hơn hết mọi lãnh vực khác, chính nơi đức Mến, con người thể hiện trọn vẹn nhất bản chất của đời người như là một cuộc lữ hành..

 

Trả lời