Tìm hiểu Mc 2,1-13. Lời tha tội, lời chữa lành

 

Nội dung

Dẫn nhập

  1. Bản văn và bối cảnh Mc 2,1-13
  2. 1. Bản văn Mc 2,1-13
  3. Bối cảnh văn chương
  4. a) Cấu trúc Mc 2,1–3,6
  5. b) Ba chi tiết liên hệ trước đoạn văn 2,1-13
  6. c) Hai ý tưởng liên hệ sau đoạn văn 2,1-13
  7. d) Một đề tài liên hệ trước và sau đoạn văn 2,1-13
  8. Đặc điểm văn chương và cấu trúcMc 2,1-13
  9.  Đặc điểm văn chương
  10.  Cấu trúc Mc 2,1-13

III. Phân tích một số đề tài

  1. 1. “Này con, các tội của con đã được tha” (2,5b)
  2. 2. Một mình Thiên Chúa có quyền tha tội (2,7c)
  3. Hãy trỗi dậy, vác lấy chõng và đi về nhà (2,11)
  4. 4. Sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa (2,12b)

Kết luận

Dẫn nhập

Tìm hiểu Mc 2,1-13. Lời tha tội, lời chữa lànhTrình thuật Mc 2,1-13 thường được gọi là “Đức Giê-su chữa lành người bại liệt”. Cách gọi này không đầy đủ và có nguy cơ che khuất đề tài chính yếu của đoạn văn: tranh luận về quyền tha tội và Đức Giê-su bày tỏ Lời quyền năng qua việc chữa lành. Bài viết tìm hiểu “lời tha tội” và “lời chữa lành” trong đoạn văn trên qua ba mục: (I) bản văn và bối cảnh Mc 2,1-13; (II) đặc điểm văn chương và cấu trúc Mc 2,1-13; (III) phân tích một số đề tài.

  1. Bản vănvàbối cảnh Mc 2,1-13

Trước hết là phần trích dẫn bản văn Mc 2,1-13, sau đó đặt đoạn văn này vào bối cảnh văn chương qua việc tìm hiểu cấu trúc đoạn văn dài 2,1–3,6 cũng như các liên hệ trước và sau đoạn văn 2,1-13.

  1. 1. Bản văn Mc 2,1-13

Người thuật chuyện kể ở 2,1-13: “2,1 Sau nhiều ngày, Người (Đức Giê-su) lại vào Ca-phác-na-um. Nghe biết Người ở nhà, 2 người ta tụ tập lại đông đến nỗi không có chỗ chứa, ở cửa cũng không còn chỗ, và Người nói Lời cho họ. 3 Người ta đem đến cho Người một kẻ bại liệt do bốn người khiêng. 4 Không thể đưa đến cho Người vì đám đông, họ dỡ mái nhà, phía trên chỗ của Người, thành một lỗ hổng, họ thả người bại liệt nằm trên chõng xuống. 5 Thấy lòng tin của họ, Đức Giê-su nói với người bại liệt: ‘Này con, các tội của con đã được tha.’ 6 Nhưng có mấy kinh sư đang ngồi đó, họ nghĩ trong lòng họ: 7 ‘Tại sao Ông này nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng. Ai có thể tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?’ 8 Ngay lập tức, Đức Giê-su biết trong tâm trí của Người là họ đang nghĩ trong lòng họ như thế, Người nói với họ: ‘Tại sao các ông nghĩ những điều ấy trong lòng các ông? 9 Điều nào dễ hơn: Nói với người bại liệt: ‘Các tội của con đã được tha’, hay nói: ‘Hãy đứng dậy, hãy vác chõng của con và hãy bước đi’? 10 Nhưng để các ông biết rằng: Con Người có quyền tha tội dưới đất  – người nói với người bại liệt –, 11 Ta bảo con, hãy đứng dậy, hãy vác lấy chõng của con và hãy đi về nhà của con.’ 12 Anh ta trỗi dậy và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến mọi người sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ nói rằng: ‘Chúng ta chưa bao giờ thấy như thế.’ 13 Người lại đi ra bờ Biển Hồ. Tất cả đám đông đến với Người, và Người dạy dỗ họ.” (Xem Tin Mừng Mác-cô Hy Lạp – Việt).

  1. Bối cảnh văn chương

Đoạn văn 2,1-13 thuật lại cuộc tranh luận đầu tiên trong năm tranh luận với những kẻ chống đối Đức Giê-su trong phần  2,1–3,6. Đoạn văn 2,1-13 có nhiều chi tiết liên kết với những đoạn văn trước và sau nó. Bối cảnh văn chương đoạn văn này được trình bày qua bốn điểm: (a) cấu trúc tổng quát năm tranh luận 2,1–3,6; (b) ba chi tiết liên hệ trước đoạn văn 2,1-13; (c) hai ý tưởng liên hệ sau đoạn văn 2,1-13; (d) một đề tài liên hệ trước và sau đoạn văn 2,1-13.

  1. a) Cấu trúc Mc 2,1–3,6

Đoạn văn dài 2,1–3,6 trình bày năm tranh luận ở Ga-li-lê có cấu trúc tổng quát và chi tiết như sau:

– Về cấu trúc tổng quát, đoạn văn 2,1–3,6 chia thành 5 đoạn văn và cấu trúc theo dạng đồng tâm A, B, C, B’, A’, (xem C. Focant, L’évangile selon Marc, (CB.NT 2), Paris, Le Cerf, 2004, p. 104-106):

– Về chi tiết, mỗi trình thuật trong năm đoạn văn trên có dàn bài chung với 5 yếu tố: “sự kiện”, “cách phản đối”, “người bị phản đối”, “lý do”, “người chống đối”. Qua năm cuộc tranh luận, tác giả trình bày giáo huấn của Đức Giê-su (ĐGS) cho độc giả:

Đoạn văn 2,1-13 là tranh luận đầu tiên với các kinh sư về quyền tha tội. Các kinh sư chưa nói ra, chỉ mới suy nghĩ trong lòng mà Đức Giê-su đã biết. Chi tiết này đề cao sự hiểu biết của Đức Giê-su.

  1. b) Ba chi tiết liên hệ trước đoạn văn 2,1-13

Đoạn văn 2,1-13 có liên hệ với trình thuật trước đó qua ba chi tiết: địa danh Ca-phác-na-um, danh từ “nhà” và thành công của Đức Giê-su.

+ Ca-phác-na-um (Kapharnaoum). Địa danh này xuất hiện 3 lần trong Tin Mừng Mác-cô (1,21; 2,1; 9,33). Lần nhất ở 1,21 và thứ hai ở 2,1 cho phép phân đoạn các đoạn văn. Ca-phác-na-um mở đầu hai đoạn văn: (a) 1,21-45: hoạt động và thành công của Đức Giê-su và (b) 2,1–3,6: năm tranh luận ở Ga-li-lê.

+ Danh từ “nhà” (oikia). Từ này nói về nhà mẹ vợ Si-môn bên cạnh hội đường mà Đức Giê-su và các môn đệ đã vào (1,29). Mở đầu ch. 2, Đức Giê-su và các môn đệ trở về “nhà (oikos)” (2,1), có thể đây là “nhà” đã nói đến ở 1,29. Tin Mừng Mác-cô dùng hai danh từ khác nhau có nghĩa “nhà” với số lần đáng kể: (1) Danh từ “nhà” (oikia), giống cái, xuất hiện 18 lần: 1,29; 2,15; 3,25a.25b.27a.27b; 6,4.10; 7,24; 9,33; 10,10.29.30; 12,40; 13,15.34.35; 14,3. (2) Danh từ “nhà” (oikos), giống đực, xuất hiện 13 lần: 2,1.11.26; 3,20; 5,19.38; 7,17.30; 8,3.26; 9,28; 11,17a.17b. Từ “nhà” (oikia) ở 9,33; 7,24; 10,10 cho biết “Đức Giê-su vào nhà”, nhưng không nói rõ nhà của ai. Riêng ở 9,33, nói đến “nhà ở Ca-phác-na-um”, có thể là nhà Si-môn. Ở các câu 7,24; 10,10, bản văn chỉ nói: “về đến nhà”.

+ Thành công của Đức Giê-su. Đoạn văn 2,1-13 tiếp nối đề tài thành công của Đức Giê-su ở 1,21-45. Nếu như người thuật chuyện kể ở 1,32-33: “32 Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau và những người bị quỷ ám, 33 cả thành tụ họp lại trước cửa (thura)” thì ở 2,1-2 “cửa nhà” đã trở thành chật hẹp và thiếu chỗ. Người thuật chuyện cho biết ở 2,2: “Nghe tin Người [Đức Giê-su] ở nhà, người ta tụ tập lại, đông đến nỗi không có chỗ chứa, ở cửa cũng không còn chỗ.” Ở 1,33, cửa nhà là nơi dân chúng tụ lại, đến 2,2, người ta tràn vào trong nhà mà vẫn thiếu chỗ, đến nỗi bít cả lối đi. Điều này diễn tả thành công của Đức Giê-su, đồng thời tạo ra một khoảng không gian khép kín, không ai có thể đi lại hay ra vào. Không gian kín này ở trong trình trạng bế tắc, bế quan tỏa cảng. Sự bế tắc sẽ được khai mở vào cuối trình thuật khi người bại liệt “đứng dậy và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người” (2,12).

  1. c) Hai ý tưởng liên hệ sau đoạn văn 2,1-13

Hai đề tài được bàn đến sau đoạn văn 2,1-13 là danh từ “cửa” (thura) và động từ “trỗi dậy” (egeirô).

+ “Cửa nhà” và “cửa mộ”. Danh từ “cửa” (thura), xuất hiện 6 lần trong Tin Mừng Mác-cô: 1,33; 2,2; 11,4; 13,29; 15,46; 16,3. Trong đó 4 lần chỉ cửa nhà (1,33; 2,2; 11,4; 13,29) và 2 lần chỉ cửa mộ (15,46; 16,3). Đầu Tin Mừng Mác-cô cửa nhà bị bít kín, nối kết với cuối Tin Mừng cửa mộ được bít kín bằng một tảng đá lớn. Đầu Tin Mừng, Đức Giê-su với uy quyền của Người, khai mở lối đi từ trong nhà đi ngang qua cửa để ra bên ngoài, thì cuối Tin Mừng Đức Giê-su Phục Sinh đã mở tung cửa mộ để chính Người đi ra khỏi mộ.

+ Động từ “egeirô” (trỗi dậy). Người bại liệt “trỗi dậy” từ sự bại liệt của mình và Đức Giê-su “trỗi dậy” từ sự chết của Người. Động từ “egeirô” có nghĩa: “trỗi dậy”, “đứng dậy”, “thức dậy”. Tin Mừng Mác-cô dùng 19 lần động này: 1,31; 2,9.11.12; 3,3; 4,27.38; 5,41; 6,14.16; 9,27; 10,49; 12,26; 13,8.22; 14,28.42; 16,6.14 với 6 nghĩa: (1) Trỗi dậy khỏi cơn bệnh, 4 lần: Mẹ vợ của Phê-rô trỗi dậy (1,31); người bại liệt trỗi dậy (2,9.11.12). (2) Trỗi dậy sau khi thần câm điếc xuất ra, 1 lần: đứa bé trỗi dậy (9,27). (3) Đứng dậy, thay đổi tư thế, 3 lần: Người có tay bị bại đứng dậy (3,3); anh mù Ba-ti-mê đứng dậy (10,49); các môn đệ đứng dậy (14,42). (4) Trỗi dậy khỏi giấc ngủ, 2 lần: Người gieo giống trỗi dậy (4,27); Đức Giê-su trỗi dậy (4,38). (5) Nổi lên, dấy lên, 2 lần: các dân tộc dấy lên (13,8); ki-tô giả, ngôn sứ giả nổi lên (13,22). (6) Trỗi dậy là sống lại, 7 lần: Gio-an Tẩy giả trỗi dậy (6,14.16); bé gái đã chết trỗi dậy (5,41); Đức Giê-su trỗi dậy (12,26; 14,28; 16,6.14). Động từ “egeirô” diễn tả Đức Giê-su Phục Sinh. Điều này cho phép hiểu sự kiện người bại liệt “trỗi dậy” (2,12) ám chỉ sự sống mới Đức Giê-su ban tặng. Con người được trỗi dậy, nối kết với sự sống lại, sự trỗi dậy của Đức Giê-su trong biến cố Phục Sinh. Như thế, được Đức Giê-su chữa lành, được Đức Giê-su làm cho trỗi dậy là nhận được từ nơi Người sự sống mới, sự sống đích thực.

  1. d) Một đề tài liên hệ trước và sau đoạn văn 2,1-13

Đề tài “giảng dạy”, nói đến ở đầu (2,2) và cuối (2,13) đoạn văn 2,1-13, là đề tài xuyên suốt Tin Mừng Mác-cô. Danh từ “giảng dạy” (didakhê) xuất hiện 5 lần: 1,22.27; 4,2; 11,18; 12,38 và động từ “dạy” (didaskôxuất hiện 17 lần: 1,21.22; 2,13; 4,1.2; 6,2.6.30.34; 7,7; 8,31; 9,31; 10,1; 11,17; 12,14.35; 14,49. Đặc biệt kiểu diễn tả: “Người nói Lời (logon) cho” (2,2) mô tả cách giảng dạy (cf. 4,33; 8,32). Nếu như người phong hủi được chữa lành ra đi loan truyền khắp nơi “Lời” (logos) của Đức Giê-su (1,45), thì bây giờ chính Đức Giê-su nói Lời (logos) cho các thính giả. “Lời” (logos) là nội dung rao giảng. Trong Tin Mừng Gio-an “Lời” là chính Đức Giê-su: “Lời (logos) có lúc khởi đầu, và Lời (logos) ở với Thiên Chúa, và Lời (logos) là Thiên Chúa” (Ga 1,1).

  1. Đặc điểm văn chương và cấu trúcMc 2,1-13

Phần này trình bày đặc điểm văn chương và cấu trúc chi tiết đoạn văn Mc 2,1-13.

  1.  Đặc điểm văn chương

Ba đặc điểm văn chương đoạn văn 2,1-13: (1) giống nhau giữa 1,21-28 và 2,1-13, (2) nhân vật các kinh sư, (3) đề tài “phạm thượng”.

(1) Mc 2,1-13 giống đoạn văn 1,21-28 (trục xuất thần ô uế) về ba chi tiết: (a) 2,1-13 bắt đầu (2,2) và kết thúc (2,13) bằng lời giảng dạy của Đức Giê-su. (b) Nội dung giảng dạy không được nói rõ trong đoạn văn 2,1-13. (c) Nhấn mạnh quyền năng giảng dạy của Đức Giê-su (1,22.27 // 2,10.12).

(2) Ở 1,22, các kinh sư được so sánh với Đức Giê-su vì Người giảng dạy dân chúng “như một Đấng có uy quyền chứ không như các kinh sư” (1,22). Tuy nhiên ở 1,21-28 các kinh sư mới chỉ được nói đến chứ chưa xuất hiện trong bản văn. Trong đoạn văn 2,1-13, lần đầu tiên các kinh sư xuất hiện trong tư thế đối lập với Đức Giê-su, dù họ mới chỉ chống đối bằng cách “nghĩ trong lòng” (2,6-7) chứ chưa lên tiếng. Trong đoạn văn tiếp theo (2,14-17) các kinh sư sẽ lên tiếng chống đối Đức Giê-su (2,16), nhưng họ sẽ nói với các môn đệ để chống lại Đức Giê-su, chứ chưa trực tiếp bắt bẻ Người. Kể từ ch. 2, khoảng thời gian Đức Giê-su rao giảng mà không gặp khó khăn đã kết thúc (cuối ch. 1). Trong những tranh luận tiếp theo đoạn văn 2,1-13 (2,20; 3,6), những kẻ chống đối (các kinh sư và những người Pha-ri-sêu) kết tội Đức Giê-su ngày càng gay gắt hơn.

(3) Động từ “nói phạm thượng” (blasphêmeô) xuất hiện 4 lần trong Tin Mừng Mác-cô (2,7; 3,28b.29; 15,29). Danh từ “lời nói phạm thượng” (hê blasphêmia) xuất hiện 3 lần trong Mác-cô (3,28a; 7,22; 14,64). Đức Giê-su bị kết tội “nói phạm thượng” ở đầu sứ vụ (2,7) và đến cuối sứ vụ của Người, vị thượng tế kết luận là Đức Giê-su có “lời nói phạm thượng” (14,64). Ở đoạn văn 3,28-30, Đức Giê-su nói về mọi tội nói phạm thượng của con người thì được tha, nhưng ai nói phạm thượng đến Thánh Thần thì chẳng được tha cho đến đời đời (3,28a.28b.29). Ở 15,29, sau khi Đức Giê-su bị đóng đinh trên thập giá, những người qua lại “nói phạm thượng” (blasphêmeô) đến Người, theo nghĩa “nhục mạ” Người.

  1.  Cấu trúc Mc 2,1-13

Tìm hiểu cấu trúc sẽ giúp xác định đề tài chính đoạn văn. 2,1-13 có cấu trúc đồng tâm: A, B, C, D, D’, B’, C’, A’ như sau: phần dẫn nhập (A. 2,1-2: giới thiệu nơi chốn và hoàn cảnh) và phần kết rõ ràng (A’. 12,13: thay đổi nơi chốn). Câu kết 2,13 gọi là câu kết mở vì vừa là câu chuyển tiếp, dẫn vào trình thuật Đức Giê-su kêu gọi ông Lê-vi (2,14), vừa song song với phần dẫn nhập, mô tả hoạt động của Đức Giê-su xuyên suốt Tin Mừng Mác-cô với 3 yếu tố: (a // a ’) Đức Giê-su hiện diện; (b // b’) mọi người đến với Người và (c // c’) Người giảng dạy hay “nói Lời” cho họ.

Phần nội dung 2,3-12 tiến triển qua sáu bước song song B // B’; C // C’ và D // D’ như sau: B. 2,3-4: người bại liệt xuất hiện; C. 2,5: lời tuyên bố tha tội của Đức Giê-su; D. 2,6-7: sự phản đối thầm lặng của các kinh sư; D’. 2,8-10: Đức Giê-su nói với các kinh sư; C’. 2,11: Đức Giê-su nói với người bại liệt; B’. 2,12: chữa lành người bại liệt và phản ứng của đám đông. Sau đây là bảng cấu trúc chi tiết đoạn văn 2,1-13:

Cấu trúc trên cho thấy không chỉ người bất toại được tha tội và chữa lành, nhưng biến cố tác động lên tất cả những người đang chứng kiến. Mới đầu họ là những người riêng lẻ tụ tập lại (2,2) đông đảo, đến cuối đoạn văn họ trở thành một đám đông đồng lòng, tất cả đồng thanh tôn vinh Thiên Chúa (2,12). Khởi đầu trình thuật, đám đông ngưỡng mộ Đức Giê-su, đến với Người nhưng lại thụ động, không lên tiếng, thiếu hợp tác và trở thành yếu tố gây trở ngại cho người bại liệt vì họ bít kín cửa vào nhà. Cuối trình thuật đám đông nhận ra sự can thiệp của Thiên Chúa nơi Đức Giê-su và lên tiếng tôn vinh Thiên Chúa.

III. Phân tích một số đề tài

Phần sau phân tích bốn đề tài: (1) “Này con, các tội của con đã được tha” (2,5b); (2) một mình Thiên Chúa có quyền tha tội (2,7c); (3) hãy trỗi dậy, vác lấy chõng và đi về nhà (2,11); (4) sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa (2,12b).

  1. 1. “Này con, các tội của con đã được tha” (2,5b)

Phần đầu trình thuật (2,1-5) kết bằng lời tha tội (2,5b), dẫn vào phần tố cáo của các kinh sư (2,6-7). Để hiểu tình huống của lời tuyên bố tha tội phần sau tìm hiểu ba điểm: (1) cách thức giảng dạy của Đức Giê-su: “nói Lời cho họ” (2,2c); (2) “thấy lòng tin của họ” (2,5a) và (3) lời tuyên bố tha tội.

(1) Bản văn diễn tả cách rao giảng của Đức Giê-su bằng câu: “Người nói Lời (logos) cho họ” (2,2c). Cụm từ “nói lời” (laleô ton logon) còn tìm thấy ở 4,33; 8,32, nhắm đến hai cách Đức Giê-su giảng dạy: Giảng dạy bằng “dụ ngôn” (parabolê) và giảng dạy bằng “Lời” (logos), bao gồm lời báo trước biến cố Thương Khó và Phục Sinh. Có thể hiểu từ “Lời” là thuật ngữ Hội Thánh tiên khởi dùng để nói về công cuộc rao giảng của các nhà truyền giáo (Cv 4,29.31; 8,25; 11,19; 13,46; 14,25; 16,6.32; Pl 1,14; Hr 13,7). Điều làm người đọc ngạc nhiên là từ đầu Tin Mừng đến câu 2,2, độc giả chưa biết nội dung “lời” giảng dạy của Đức Giê-su là gì. Người thuật chuyện cố tình chưa cho biết nội dung, vì đây là giai đoạn giới thiệu cho độc giả về con người Đức Giê-su. Phần này giúp độc giả trả lời ba câu hỏi: Đức Giê-su là ai? Hoạt động của Người là gì? Phản ứng của người nghe ra sao? Nội dung lời rao giảng của Đức Giê-su sẽ được nói đến trong các trình thuật tiếp theo. Trong đoạn văn 2,1-13, giáo huấn của Đức Giê-su có khả năng làm biến đổi thái độ của dân chúng. Thật vậy, khởi đầu đám đông thụ động, không hợp tác, họ không để người bại biệt đến với Đức Giê-su theo cách bình thường nghĩa là theo chiều ngang. Người bại liệt phải đến với Đức Giê-su theo cách không bình thường (theo chiều dọc): dỡ mái nhà và thả người bại liệt nằm trên chõng xuống, cách này  đòi hỏi nhiều công sức và nguy hiểm. Đám đông hoàn toàn thay đổi theo chiều tích cực ở cuối đoạn văn (2,12b).

(2) Trước khi tuyên bố lời tha tội, người thuật chuyên cho biết là Đức Giê-su “thấy lòng tin của họ” (2,5a). Đây là lần duy nhất trong Tin Mừng Mác-cô, Đức Giê-su nhìn nhận lòng tin (hê pistis) của người khoẻ mạnh và người bệnh. Ở đây là lòng tin của bốn người khiêng và người bại liệt. Vậy người bại liệt được tha tội và chữa lành là nhờ lòng tin của mình và của bốn người khiêng. Lòng tin và sự giúp đỡ của bốn người khiêng phân biệt với đám đông thụ động gợi đến hoạt động bác ái của cộng đoàn tín hữu lúc Tin Mừng được viết ra. Họ quan tâm, chăm sóc và giúp đỡ những người ốm đau. Trong câu chuyện anh mù Ba-ti-mê (10,47-48), đám đông không những không hợp tác mà còn quát nạt anh mù để anh ta im lặng, trong khi anh ta cố gắng kêu xin Đức Giê-su. Trong cả hai trình thuật trên (2,1-13; 10,46-52) đám đông là yếu tố gây trở ngại. (Xem bài viết: “Tác giả đối thoại với độc giả”).

Tin Mừng Mác-cô thuật lại một số trường hợp chữa lành nhờ lòng tin: (1) lòng tin của bốn người khiêng và người bại liệt (2,5); (2) lòng tin của người phụ nữ bị băng huyết mười hai năm (5,34); (3) lòng tin của Gia-ia trưởng hội đường góp phần cứu sống con gái của ông ấy (5,36); (4) lòng tin của cha đứa bé bị thần câm nhập (9,24); (5) lòng tin của anh mù Ba-ti-mê đã cứu anh (10,52).

(3) Đức Giê-su nói lời tha tội ở 2,5b: “Này con, các tội của con đã được tha.” Đây là lần duy nhất trong Tin Mừng Mác-cô Đức Giê-su gọi một người không phải là môn đệ bằng “con” (teknon). Lối xưng hô này diễn tả tương quan gia đình hay người lớn tuổi nói với người trẻ. Ở 10,24, Đức Giê-su gọi các môn đệ là “hỡi các con (tekna)” (10,24). Cách xưng hô này gợi lại tương quan giữa các Ki-tô hữu với Đức Giê-su trong cộng đoàn vào cuối thế kỷ I, lúc mà Đức Giê-su được tuyên xưng là Chúa, là Con Thiên Chúa theo nghĩa mạnh, Đức Giê-su là Thiên Chúa (Ga 1,1; 20,28).

Câu chuyện diễn tiến lạ lùng vì không ai xin được chữa lành cả. Hành động của bốn người khiêng diễn tả ý muốn Đức Giê-su chữa lành người bại liệt, nhưng thay vì chữa lành Đức Giê-su lại tuyên bố lời tha tội: “Các tội của con đã được tha” (2,5b). Với lời này, người thuật chuyện chuyển hướng câu chuyện và dẫn người đọc vào đề tài chính: sự phản kháng của các kinh sư.

  1. 2. Một mình Thiên Chúa có quyền tha tội (2,7c)

Lời phản kháng của các kinh sư ở 2,7: “Tại sao Ông này nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng. Ai có thể tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?” là trọng tâm câu chuyện nhằm cho độc giả biết Đức Giê-su là ai và quyền năng của Người tới đâu. Suy nghĩa của các kinh sư (2,6-7) và trả lời của Đức Giê-su (2,8-10) được phân tích qua ba điểm: (1) sự xuất hiện và phản ứng của các kinh sư; (2) nghịch lý làm tỏ lộ căn tính Đức Giê-su; (3) tha tội và chữa lành, điều nào dễ hơn? (2,9)

(1) Nội dung chính của trình thuật là sự phảng kháng của các kinh sư, qua đó Đức Giê-su bày tỏ quyền năng và căn tính của Người. Người thuật chuyện giới thiệu những kẻ chống đối: “Có mấy kinh sư đang ngồi đó” (2,6a). Đây là lần đầu tiên các kinh sư xuất hiện trong Tin Mừng Mác-cô và cũng là lần đầu tiên Đức Giê-su bị họ phản đối. Các kinh sư xuất hiện trong bản văn cách lạ lùng. Tại sao đang ở trong nhà, giả thiết là nhà của mẹ vợ Si-môn mà lại có sự hiện diện của các kinh sư? Tại sao đến 2,6 các kinh sư mới xuất hiện? Theo mạch văn, các kinh sư này thuộc nhóm những người đã nói ở 2,2: “Người ta tụ tập lại, đông đến nỗi không có chỗ chứa, ở cửa cũng không còn chỗ, và Người nói Lời cho họ.” Nhưng ở 2,2 không có dấu hiệu cho thấy có người chống đối trong nhóm này.

Hơn nữa các kinh sư ở trong tư thế “ngồi” (kathêmai). Trong bối cảnh người đông đúc, chật chội, mô tả ở 2,2, tư thế “ngồi” gợi đến chỗ danh dự, dành cho nhân vật quan trọng. Tuỳ mạch văn, động từ “ngồi” (kathêmai) còn chỉ tư thế của các bậc thầy khi giảng dạy, chẳng hạn ở 4,1, Đức Giê-su ngồi trên thuyền để giảng dạy. Ở 16,42, Đức Giê-su trả lời vị thượng tế: “Các ông sẽ thấy Con Người ngự (ngồi, kathêmai) bên hữu Đấng Toàn Năng và đến với mây trời.”

Theo các kinh sư, khi tha tội cho người bại liệt, Đức Giê-su nói phạm thượng (2,7b) bởi vì “Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?” (2,7c) Điều thú vị trong trình thuật là  người thuật chuyện dùng quyền của mình để cho độc giả biết thông tin này. Cứ sự thường, nghĩ trong lòng, không nói ra thì không nghe, không biết. Nhưng ở đây, người thuật chuyện có khả năng đọc được suy nghĩ của các kinh sư!

(2) Câu chuyện diễn ra cách lạ lùng, vì theo diễn tiến từ đầu đến cuối, những người hiện diện chỉ nghe Đức Giê-su nói ba câu: (1) lời tuyên bố tha tội (2,5); (2) lời chất vấn các kinh sư (2,9-10); (3) lời ra lệnh cho người bại liệt (2,11). Câu chuyện kết thúc với lời diễn tả sự sửng sốt kinh ngạc của mọi người: “Chúng ta chưa bao giờ thấy như thế” (2,12). Như thế, chỉ một mình Đức Giê-su lên tiếng trong nội dung trình thuật cùng với nhiều chi tiết lạ lùng nhằm đề cao nhân vật chính là Đức Giê-su và lời của Người.

Điều nghịch lý trong đề tài tranh luận là suy nghĩa của các kinh sư là đúng: “Chỉ một mình Thiên Chúa có quyền tha tội” (2,7c). Vì thế khi Đức Giê-su xuất hiện như một con người, Người tuyên bố lời tha tội và chữa lành để minh chứng Người có quyền tha tội là điều nghịch lý: Đức Giê-su bày tỏ quyền hành trong dáng vẻ không có quyền hành. Thực vậy, như là con người thì Đức Giê-su không có quyền tha tội, nhưng Người đã tha tội. Nghĩa là quyền tha tội thuộc về Thiên Chúa lại ở nơi con người Đức Giê-su. Nghịch lý này giúp độc giả hiểu căn tính của Đức Giê-su. Qua trình thuật, người thuật chuyện muốn độc giả nhận ra rằng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa theo nghĩa mạnh và Người có quyền tha tội như Thiên Chúa. Như thế, lập luận của các kinh sư theo quan niệm Cựu Ước: “Chỉ một mình Thiên Chúa có quyền tha tội” không phù hợp nữa. Với sự xuất hiện của Đức Giê-su, phải nói: Chỉ có Thiên Chúa và Con Thiên Chúa là Đức Giê-su mới có quyền tha tội.

(3) Người thuật chuyện kể lại lời Đức Giê-su nói với các kinh sư trước sự hiện diện của đám đông ở 2,9: “Điều nào dễ hơn: Nói với người bại liệt: ‘Các tội của con đã được tha’, hay nói: ‘Hãy đứng dậy, hãy vác chõng của con và hãy bước đi’? Câu hỏi “điều nào dễ hơn?” gợi đến sách Đệ Nhị Luật về phân biệt  Ngôn sứ thật và ngôn sứ giả ở Đnl 18,20-22: “‘20 Nhưng ngôn sứ nào cả gan nhân danh Ta mà nói lời Ta đã không truyền cho nói, hoặc nhân danh những thần khác mà nói, thì ngôn sứ đó phải chết.’ 21 Có khi anh sẽ tự hỏi: ‘Làm sao chúng tôi biết được lời nào là lời ĐỨC CHÚA đã không phán?’ 22 Nếu điều ngôn sứ nói nhân danh ĐỨC CHÚA không ứng nghiệm, không xảy ra, thì không phải là lời ĐỨC CHÚA đã phán; ngôn sứ đã nói càn, anh không phải sợ ngôn sứ ấy.’”

Theo lời Đức Giê-su ở Mc 2,10: “Nhưng để các ông biết rằng: Con Người có quyền tha tội dưới đất  – người nói với người bại liệt –…”, việc chữa lành minh hoạ quyền tha tội, nhưng điều này  không minh nhiên. Việc chữa lành xác nhận Đức Giê-su là ngôn sứ vì lời nói được ứng nghiệm (Đnl 18,20-22), nhưng không minh chứng rõ ràng Người có quyền tha tội. Thực ra, cả hai điều, “tha tội” và “chữa lành”, không có điều nào dễ cả và chỉ “đức tin” mới cho phép nối kết hai điều: “chữa lành” và “quyền tha tội”. Cụ thể là các kinh sư không tin vào Đức Giê-su nên việc chữa lành không thuyết phục được họ là Đức Giê-su có quyền tha tội.

  1. Hãy trỗi dậy, vác lấy chõng và đi về nhà (2,11)

Ở 2,11, Đức Giê-su chữa lành người bại liệt bằng lời mở đầu đề cao uy quyền của Người: “Ta bảo con” kèm theo ba động từ ở lối mệnh lệnh: “hãy trỗi dậy”, “hãy vác lấy chõng của con”  và “hãy đi về nhà của con”. Động từ “vác” (airô) xuất hiện 4 lần (2,3.9.11.12) trong đoạn văn 2,1-13. Ở 2,3, động từ này ở dạng thụ động (airomenon), nghĩa là được khiêng (được vác) bởi bốn người. Cuối trình thuật trình trạng đã thay đổi, từ chỗ được người khác vác chõng của mình, chuyển sang trạng thái chính anh vác chõng của anh. Đây là dấu chỉ sự khoẻ mạnh và phục hồi về thể lý (chữa lành) và tâm linh (được tha tội). Từ chỗ bị lệ thuộc người khác đến khả năng tự lập, anh ta có thể tự lo cho đời mình, sống trong tương quan và gắn bó với Thiên Chúa.

  1. 4. Sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa (2,12b)

Phản ứng của đám đông ở 2,12 diễn tả qua ba giai đoạn: (1) Thái độ “sửng sốt” trước những gì đang xảy ra, cho thấy điều Đức Giê-su làm vừa lớn lao, vừa lạ lùng, vừa mới mẻ. Trong mạch văn sự sửng sốt diễn tả niềm vui, câu chuyện mời gọi độc giả cùng chia sẻ sự ngạc nhiên và vui mừng cùng với dân chúng. Tin Mừng Mác-cô dùng đề tài ngạc nhiên, sửng sốt để diễm tả niềm vui trước lời nói và việc làm của Đức Giê-su. Xem bài viết: “Mác-cô, Tin Mừng của sự ngạc nhiên”. (2) Tiếp theo là hành động “tôn vinh”. Dân chúng không tôn vinh Đức Giê-su mà “tôn vinh Thiên Chúa”, nghĩa là họ nhận ra phép lạ Đức Giê-su làm đến từ Thiên Chúa, nên Người là Đấng Thiên Chúa sai đến. Khi “tôn vinh Thiên Chúa”, họ gián tiếp xác nhận quyền tha tội của Đức Giê-su. Người không “nói phạm thượng” như các kinh sư đã nghĩ. (3) Phản ứng kết thúc bằng một lời nói: “Chúng ta chưa bao giờ thấy như thế”. Họ đã chứng kiến điều mắt chưa hề thấy tai chưa hề nghe. Lời này đề cao quyền năng Đức Giê-su về hai điều: “lời” tha tội và “lời” chữa lành, minh hoạ cho cách thức giảng dạy của Đức Giê-su nói đến ở đầu trình thuật: Đức Giê-su “nói Lời” cho họ (2,2b).

Hành động và lời nói của dân chúng tương phản với nhóm kinh sư. Họ tố cáo Đức Giê-su trong suy nghĩ trước, và sau đó là im lặng. Ngược lại dân chúng im lặng khi câu chuyện bắt đầu, nhưng lời quyền năng của Đức Giê-su làm cho phản ứng của họ trở thành khôn mẫu cho độc giả khi đọc câu chuyện này.

Kết luận

Bài viết cho thấy phần nào kiểu hành văn sinh động của Tin Mừng Mác-cô. Đoạn văn 2,1-13 liên kết chặt chẽ với các đoạn văn trước và sau với những đặc điểm riêng. Phần cấu trúc đoạn văn cho thấy trong tâm của đoạn văn (D // D’) là điều các kinh sư phản đối trong lòng và câu trả lời của Đức Giê-su. Phần trọng tâm này ở giữa hai lời Đức Giê-su: lời tha tội (2,5) và lời chữa lành (2,11). Đây là lần đầu tiên trong Tin Mừng Đức Giê-su gặp sự chống đối của giới lãnh đạo Do Thái liên quan đến căn tính của Người.

Bản văn không đưa ra câu trả lời cho câu hỏi của Đức Giê-su ở 2,9: “Điều nào dễ hơn? Mạch văn cho phép độc giả hiểu rằng không có điều nào dễ cả. Trong mạch văn, chữa lành minh hoạ cho quyền tha tội, tuy nhiên điều này không minh nhiên nên chưa thuyết phục được những kẻ chống đối. Chỉ niềm tin mới cho phép nối kết quyền tha tội và quyền năng chữa lành. Bản văn mở đầu bằng đề cao lòng tin của người bại liệt và những người khiêng anh ta. Nhờ “lòng tin của họ” (2,5a) mà người bại liệt được tha tội và chữa lành.

Bản văn kết thúc trong tích cực với sự ngạc nhiên thán phục và tôn vinh Thiên Chúa của dân chúng. Trình thuật 2,1-13 muốn độc giả biết hai điều về Đức Giê-su: Người có quyền tha tội và có quyền năng làm phép lạ. Nghĩa là Người là Con Thiên Chúa như đã khẳng định trong câu đầu tiên của sách Tin Mừng ở 1,1: “Khởi đầu tin mừng của Đức Giê-su Ki-tô [Con Thiên Chúa].” Đoạn văn 2,1-13 định nghĩa “Con Thiên Chúa” qua quyền tha tội và lời chữa lành. Đức Giê-su là Thiên Chúa vì chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Người thuật chuyện mời gọi độc giả nhận ra Đức Giê-su là ai và phản ứng như dân chúng trong câu chuyện./.

Nguồn: http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/2020/03/mc-21-13-loi-tha-toi-loi-chua-lanh.html

 

 

 

Trả lời