Thú vị thay được tạ ơn Chúa…

 

Thú vị thay được tạ ơn Chúa…Benjamin Frankin có nói: “Phần lớn con người sẽ đáp lại những ơn huệ nhỏ, thừa nhận ơn huệ trung bình và trả ơn huệ lớn bằng sự vô ơn”.

Nói tới sự vô ơn, có thể nói rằng, nó như một căn bệnh truyền nhiễm, ngày càng lây lan trong xã hội chúng ta, hôm nay. Và, ngược lại, việc tạ ơn hay lời cảm ơn, dường như mỗi ngày một biến mất.

Truyền thông internet, có kể một một câu chuyện, chuyện cũ hồi năm 1860, nhưng vẫn có tính thời sự, như sau: “Có một sinh viên thần học tại thành phố Evanston, tiểu bang Illinois. Anh ta là nhân viên cứu hộ cho những du thuyền trên hồ Michigan. Một ngày nọ, có một thuyền chở khách bị chìm, anh sinh viên Edward Spencer đã nhiều lần bơi ra và cứu tổng cộng được mười bảy (17) hành khách. Vì quá nhiều lần lặn ngụp trong nước, anh bị nước ngập vào phổi. Sau một thời gian, anh qua đời vì bệnh phổi. Trong đám tang, thật ngạc nhiên, không một người nào trong số mười bảy người được anh cứu thoát chết, đến dự đám tang của anh ta”.

Vâng, thật đáng ngạc nhiên, như chính Đức Giê-su, khi còn tại thế, Ngài cũng không khỏi ngạc nhiên khi chín trong số mười người, đã được Ngài chữa khỏi bệnh, thế mà, đại đa số, họ đã “một đi không trở lại”, để nói lên lời tạ ơn!

Câu chuyện được thánh Luca ghi lại như sau: Một hôm, “Trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Samari và Galilê. Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người”.

Bịnh phong ư! theo luật định họ “phải ở riêng ra” chứ! Đúng, mười người phong hủi biết luật, nhưng họ chỉ giữ một phần của luật về sự cách ly. Chuyện kể rằng, “họ dừng lại đàng xa”.

Thế nhưng, thay vì lớn kêu “ô uế… ô uế”,  để mọi người tránh xa, tiếng kêu của họ lại như muốn mời gọi người nghe đến với họ. Ối! tiếng kêu thật não nề: “Lạy Thầy Giêsu, xin rủ lòng thương chúng tôi” (x.Lc 17,13). Xin rủ lòng thương  ư! Vâng, họ đã tìm đúng địa chỉ. Thầy Giê-su đúng là “địa chỉ của lòng thương xót”.

Thật vậy, đây không phải lần đầu tiên có người bệnh phong cầu cứu Ngài. Có một lần, Ngài đã chữa một người cũng mắc bịnh như họ, bằng cách: “Giơ tay đụng vào anh ta… Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi” (x.Lc 5, 13).

Với lần này, Đức Giê-su cũng ra tay “cứu nhân độ thế”. Chỉ khác một điều, lần này, Ngài truyền cho họ phải làm một việc, một việc khác thường, đó là: “Hãy đi trình diện với các tư tế”.

Họ có đi không, khi mà lệnh truyền của Đức Giê-su có vẻ như một lệnh truyền mâu thuẫn! Một lệnh truyền chỉ thích hợp cho những người đã “khỏi bệnh phong”, những người cần các thầy tư tế “tái khám”, hầu để được tuyên bố là đã thanh sạch.  Còn đây, mười người phong hủi đã được khỏi bệnh đâu!

Tuy vậy, dù chưa khỏi, nhưng họ vẫn lên đường. Ngạc nhiên thay! Chuyện kể tiếp rằng: “Đang khi đi thì họ được sạch.” (Lc 17,14) Vâng, thật ngạc nhiên vì “họ được sạch”. Nhưng, với Đức Giê-su, thì, sự ngạc nhiên không nằm ở chỗ họ khỏi bệnh phong.

Ngài ngạc nhiên vì chỉ có “Một người trong bọn, thấy mình được khỏi”. Ngài ngạc nhiên vì người này “liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa”. Ngài ngạc nhiên vì “anh ta sấp mình dưới chân (mình) mà tạ ơn”. Cuối cùng, Ngài ngạc nhiên vì “anh ta lại là người Samari”…

“Thế thì chín người kia đâu?”- Chín người được mang danh hiệu là “dân riêng của Thiên Chúa”.  Họ qua cầu rút ván chăng? Tại sao họ không quay lại tạ ơn?

Phải chăng, có người nghĩ rằng chỉ là một may mắn tình cờ! Hay, có người cho rằng, trước khi gặp Đức Giê-su, bệnh của tôi đã thuyên giảm? Hay, có người nghĩ rằng, tôi đâu có bệnh, chẳng qua mấy chỗ lở lói là do vết ghẻ nhiễm trùng, mà thôi? Hay, có người lại bảo, quay lại tạ ơn mất giờ quá?

Vâng, có thể họ cho rằng, cần trình diện tư tế, cần gặp tư tế  “tái khám” và để nhờ các vị đó “làm lễ tạ tội và… cử hành lễ xá tội (để được) thanh tẩy khỏi sự ô uế… ”? ?(x.Lv 14, 1-20).

Nếu, đúng như vậy thì lại càng đáng trách. Tại sao? Thưa, bởi,  họ là người Do Thái, thế mà lại quên rằng,  theo truyền thống, chữa lành khỏi bệnh phong được coi như là Phục-Sinh-từ-cõi-chết.

Ai là người có thể Phục-Sinh-từ-cõi-chết nếu không là Thiên Chúa? Giữa Thiên Chúa và các thầy tư tế ai quan trọng hơn ai? Giữa Đức Giêsu, người trực tiếp “chữa bịnh phong’’ cho họ và các thầy tư tế, người chỉ có thẩm quyền “chứng nhận bịnh phong’’ của họ được lành, ai quan trọng hơn ai?

Nếu… nếu “chín người kia” hiểu được điều đó và quay lại gặp Đức Giêsu, trước khi gặp tư tế để “tái thẩm định” căn bệnh của mình… Vâng, họ đã không mắc nợ Ngài “một lời tạ ơn” và đã không “mắc cỡ” trước anh chàng được cho là “người ngoại bang” nhưng lại nhận ra Thiên Chúa, qua hình ảnh Đức Giêsu, chính là người cần phải trình diện để “sấp mình tạ ơn” và hơn nữa để “Tôn vinh Người”.

Vâng, phải chi… phải chi chín “ông đạo dòng” nhớ tới lời David xưa khuyên “chớ khá quên mọi ân huệ của Thiên Chúa”, thì Đức Giêsu đâu phải thắc mắc: “Không phải cả mười người đều được sạch sao?”

“Thế thì chín người kia đâu?  Vâng, là một Kitô hữu, có lẽ, không ai trong chúng ta muốn mình nằm trong danh sách chín ông này.

Hãy nhìn xem, cuộc sống trên cõi đời này, không ai là một ốc đảo. Không ai mà không có mối liên hệ với người khác. Gần nhất là mối liên đới giữa ông bà, cha mẹ, anh chị em, thầy cô, hàng xóm, bạn bè, đồng nghiệp  v.v…  Và, có ai dám khẳng định suốt đời mình, tôi chưa một lần chịu ơn một ai đó trong số những người nêu trên. Thế nên, cổ nhân có dạy “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, một cách nhắc mọi người về lời cảm ơn, lòng biết ơn.

Đó là chưa nói tới lòng biết ơn đối với Thượng Đế. Vâng, hãy để một phút hồi tâm và tự hỏi: nếu hôm nay không còn không khí cho ta thở, chuyện gì sẽ xảy ra? Phải chăng là cái chết? Và, ai tạo ra không khí? Đừng… đừng như người vô thần mà cho rằng đó là tự nhiên mà có…

Cuối cùng, theo cách nhìn của Abbert Schweitzer, thì, “Đôi lúc ánh sáng trong cuộc đời ta lịm tắt, và được nhen nhóm lại bởi tia lửa của một ai đó. Mỗi chúng ta phải nghĩ tới những người đã đốt lên ngọn lửa trong ta với lòng biết ơn sâu sắc”.

Cho nên, thật phải đạo khi chúng ta nên thực thi lời khuyên của thánh Phao-lô: “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh  em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn” (x.Tx 5, 18)

Trở lại câu chuyện “mười người phong”. Đây quả là một bài học “lớn” cho đời sống Ki-tô hữu, của mỗi chúng ta.

Có thể chúng ta không bị phong hủi thể xác. Thế nhưng, có ai dám chắc mình không bị phong hủi tâm hồn, trước mặt Thiên Chúa?

Này nhé, ngay từ lúc chào đời ta đã ngụp lặn trong vũng lầy nguyên tội, một thứ tội làm cho con người “yếu đuối, mền lòng, dễ sa ngã”.

Chính vì thế, trước những con virus  “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận,  tranh chấp, tị hiềm, chia rẻ, bè phái, ganh tị, say sưa”, (là những con vi khuẩn dẫn đến phong hủi tâm hồn),  ai… ai trong chúng ta dám khẳng định, những con virus đó không “ái tính” với ta?

Thế nên, tại sao ta không đến với Chúa Giêsu mà nói với Ngài rằng “Lạy Chúa, xin rủ lòng thương chúng con”?

Hôm nay, Đức Giê-su không đến một ngôi làng xa xăm nào đó, Ngài hiện diện trên khắp thế giới, trong bất cứ ngôi thánh đường nào, để chờ chúng ta. Ngài sẽ nói với chúng ta “hãy đi trình diện với các tư tế”, nếu chúng ta đến.

Vị tư tế của chúng ta hôm nay, chính là các linh mục, nơi tòa cáo giải, Đức Giê-su, qua môi miệng các ngài, sẽ nói với chúng ta, như đã nói với người phong Samari, xưa: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”. Chưa hết, chúng ta còn được các vị tư-tế-linh-mục xác nhận,  ta “sạch” bịnh phong tâm hồn.

Thưa Bạn, bạn có tin vào sự chữa lành  của Chúa không? Và bạn có cảm thấy “thú vị” về lòng thương xót của Ngài?

Nếu có, ngay hôm nay, hãy đến nhà thờ và đừng quên mượn lời tâm tình của vua David, cất tiếng Tôn-Vinh-Thiên-Chúa, rằng: “Thú vị thay được tạ ơn CHÚA, được mừng hát danh Ngài, lạy Đấng Tối Cao, được tuyên xưng tình thương của Ngài từ buổi sớm, và lòng thành tín của Ngài suốt canh khuya”(x.Tv 92, 2-3)

Vâng, đáp lại tình thương và lòng thành tín của Chúa, tại sao không… tại sao không cảm thấy “Thú vị thay được tạ ơn Ngài”!

Petrus.tran

 

Trả lời