Thiên Chúa Ba Ngôi: Một Tình Yêu Mầu Nhiệm

 

Thiên Chúa Ba Ngôi: Một Tình Yêu Mầu Nhiệm

 

– Bạn có theo một tôn giáo nào không?
– Có. Tôi theo “Đạo Chúa”.
– Bạn theo từ khi nào?
– Tôi theo từ lúc còn nhỏ. Đúng ra phải nói: tôi là người Công Giáo từ thuở mới chào đời.
– Một câu hỏi cuối: vậy, Bạn biết điều gì đầu tiên về Chúa?
– Làm dấu. Đó là điều đầu tiên cha mẹ tôi đã dạy cho tôi về Chúa.

Thiên Chúa Ba Ngôi: Một Tình Yêu Mầu NhiệmCó thể nói, hầu như những ai là “người Công Giáo từ thuở mới chào đời”, nếu được hỏi những câu hỏi như trên, có phần chắc, mọi người đều trả lời như thế.

“Làm dấu”, vâng, đó là một cử chỉ giản dị nhất để tuyên xưng đức tin Kitô giáo. Làm dấu thánh giá là hình thức tuyên xưng niềm tin vào công cuộc cứu độ của Chúa Giêsu, Người đã chịu chết trên thập giá tại Golgotha để cứu chuộc con người. Và khi xướng danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, thì đó cũng chính là lúc tuyên xưng Mầu Nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa.

Một Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, đó chính là trung tâm của đức tin Kitô giáo. Có người đã nói rằng, “Ba Ngôi Thiên Chúa”, một danh từ thần học, tuy không được chép trong Thánh Kinh nhưng lại là “danh từ” rõ nghĩa nhất để diễn tả về Thiên Chúa trong Kinh Thánh. 

Thật ra, tuy Kinh Thánh không trực tiếp nói về Mầu Nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, nhưng, Kinh Thánh vẫn phảng phất đây đó những trình thuật, những thông điệp về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Ngay đoạn mở đầu sách Sáng Thế, trình thuật đã mô tả Thiên Chúa phán “phải có… phải có” và “thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” đã nói lên một chân lý rằng, Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, hai ngôi trong Ba Ngôi Thiên Chúa cùng hiện diện nơi công trình sáng tạo.

Trong công cuộc sáng tạo, khi Thiên Chúa tự xưng là “chúng ta”. “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.”, chúng ta có thể tin rằng đó chính là một hé lộ về chân lý Ba Ngôi Thiên Chúa.

Cựu Ước là vậy, còn Tân Ước thì sao? Vâng, Phúc Âm Matthêu (3, 16-17) qua trình thuật biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giodan cho ta thấy hình ảnh Ba Ngôi Thiên Chúa thật rõ nét.

Thật vậy, “ Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra”. Chúa Thánh Thần, lại một lần nữa, chính là “Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người”. Và Chúa Cha, từ trời cao, Người đã phán “ Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3, 16-17).

Còn Chúa Con? Vâng, Đức Giêsu chính là Chúa Con. Người “Chúa Con” này, cũng đã từng khằng định mình là một “ngôi vị” khi tuyên bố rằng, “Ta với Cha là một” và “Ai thấy Ta là thấy Chúa Cha”.

Không chỉ dùng hình ảnh, Thiên Chúa còn dùng đến ngôn ngữ, một thứ ngôn ngữ của tình yêu để nói về Ba Ngôi Thiên Chúa.

Thật vậy, qua Đức Giêsu, con người đã được nghe đến một Chúa Cha “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Và rằng: Chúa Con – Con của Người “đến thế gian, không phải để lên án thế gian… ”, nhưng đến thế gian là để cứu thế gian bằng chính cái chết của Ngài như lời Ngài đã nói “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”.

Với Chúa Thánh Thần? Vâng, Đức Giêsu trong ba năm rao giảng Tin Mừng, Ngài luôn nói đến Chúa Thánh Thần chính là “Thần Khí sự thật…”. Hôm ấy, hôm Đức Giêsu cùng các môn đệ tham dự bữa tiệc ly, Ngài đã nói về Chúa Thánh Thần, rằng “Khi nào Thần Khí sự thật đến. Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn”.

Đức Giêsu, hôm ấy, Ngài đã để lại nơi tâm hồn các môn đệ một cái nhìn sâu sắc về một Thánh Thần Chúa, một Thánh Thần Chúa không chỉ dẫn dắt các ông, mà còn cho các ông biết “tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại và loan báo cho (các ông) biết những điều sẽ xảy đến…”.

Cái nhìn sâu sắc về một Thánh Thần Chúa, một Ngôi Ba Thiên Chúa, đã được gói gọn trong lời nói cuối cùng của Đức Giêsu, hôm đó, rằng “Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em biết”. (Ga 16, 15)

**

Chúa Cha sáng tạo. Chúa Con cứu chuộc, và nay, Chúa Thánh Thần “Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em biết” nói lên điều gì nếu không phải là nói lên “Tình yêu của Thiên Chúa” đối với nhân loại?

Thật vậy, tông đồ Phao lô, sau cú ngã ngựa khi đang trên đường đến gần Damas, Ngài đã được ơn nhìn thấy “sự thật toàn vẹn” về Ba Ngôi Thiên Chúa. Thánh nhân đã không quên chia sẻ sự-thật-toàn-vẹn đó trong thư gửi cho cộng đoàn Roma.

Thư được viết rằng: “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5, 5)

Với những gì Đức Giêsu đã giảng dạy và những gì tông đồ Phaolô đã cảm nghiệm… Vâng, nếu hôm nay, có ai hỏi về  Ba Ngôi Thiên Chúa, nên chăng, chúng ta  sẽ nói đó chính là Mầu Nhiệm Tình Yêu”, hay nói cách khác đó là một “Tình Yêu Mầu Nhiệm” bởi nếu không gọi đó là Tình Yêu Mầu nhiệm làm sao chúng ta dám gọi Ba Ngôi Thiên Chúa là “Áp-ba! Cha ơi”.

***

Hôm nay, là một Kitô hữu trưởng thành, khi giơ tay “làm dấu thánh giá”, chúng ta không chỉ tuyên xưng Mầu Nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, nhưng còn phải nhớ rằng, “dấu này” cũng là “dấu biểu lộ tình yêu cứu chuộc” môt dấu hiệu đã được Chúa Giêsu không chỉ vác lên núi Sọ và chịu đóng đinh trên đó, mà còn được Ngài truyền dạy, rằng “Cứ dấu này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy; là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 35)

Thánh Gioan lập lại điều này một cách mạnh mẽ hơn, rằng “Nếu chúng ta yêu thương nhau thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta và tình yêu của Người mới nên hoàn hảo”.

Hãy nhớ rằng, hôm nay, tự chúng ta “làm dấu thánh giá” chứ không phải do cha mẹ chúng ta cầm tay chúng ta chỉ dẫn như xưa. Cho nên, chúng ta cần phải tự hỏi lòng mình rằng, tình yêu thương của tôi, đối với gia đình, đối với tha nhân, có đủ để “Thiên Chúa ở lại trong chúng ta và (để) tình yêu của Người nên hoàn hảo”?… bởi chỉ khi Chúa ở trong ta và tình yêu của Người (qua ta) trở nên hoàn hảo, Vâng, lúc đó, chúng ta mới có thể làm “Sáng danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.

Nói cách khác, lúc đó, chúng ta mới có thể làm cho Ba Ngôi Thiên Chúa trở nên “một Tình Yêu Mầu Nhiệm”.

Petrus.tran

 

Trả lời