Thánh Thể: Thần Lương Nhiệm Mầu

 

Thánh Thể: Thần Lương Nhiệm Mầu

 

Thánh Thể: Thần Lương Nhiệm MầuYêu và được yêu là nhu cầu không thể thiếu của con người. Chính vì thế, có người đã nói: cuộc sống của con người là một chuỗi những tháng ngày tìm kiếm tình yêu.

Đối với con người, khi đến với tình yêu, trước tiên, người ta thường chú trọng đến việc ai sẽ là  người-mình-yêu-nhất. Chưa hết, người ta còn tính toán, ai sẽ là người-yêu-mình-nhất. Và cuối cùng, người ta ước mong rằng, giữa người-mình-yêu-nhất và người-yêu-mình-nhất sẽ là cặp đôi hoàn hảo cùng đồng hành với  nhau trong suốt cuộc đời mình. 

Thế nhưng, thực tế trong cuộc sống, để gặp được mối tình như thế, đó là điều không đơn giản. Không đơn giản, bởi, có không ít trường hợp, người-bạn-yêu-nhất không thích bạn. Không đơn giản còn bởi, cũng có trường hợp, người-yêu-bạn-nhất lại không phải là người-bạn-yêu-nhất, để rồi, người-bạn-đời của ta đôi khi chỉ là người-xuất-hiện-vào-lúc-thích-hợp-nhất-trong-đời-ta.

Tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại, dĩ nhiên,  không theo cung cách như con người. Đối với Thiên Chúa, tình yêu của Người, như lời tông đồ Gioan nói, “… cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4, 10). Tiếp lời thánh Gioan, tông đồ Phao-lô nói: “Bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta, đó là, Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta ngay khi chúng ta còn là những tội nhân” (Rm 5, 8).

Với Đức Giê-su, khi nói về tình yêu của Thiên Chúa, Ngài không chỉ thể hiện qua việc làm  phép lạ chữa lành bệnh tật, cho kẻ chết sống lại, mà còn truyền đạt bằng ngôn từ cho mọi người biết, rằng “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).

Để được sống muôn đời, ngoài việc tin vào “Con của Người”, con người còn phải tiếp nhận một thứ “thần lương”, một thứ thần lương nhiệm mầu, để “ai ăn sẽ được sống muôn đời”.

Tại Caphanaum, “thần lương nhiệm mầu” đó đã được  Đức Giê-su hé mở khi Ngài lớn tiếng công bố, rằng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6, 51).

Vâng, hơn hai ngàn năm xưa, Caphanaum trong một ngày không êm ả, từng đoàn người bên kia Biển Hồ tràn qua hội tụ nơi đây, khi họ biết rằng, có sự hiện diện của Đức Giêsu.

Nguyên nhân sâu xa của cuộc hội tụ này, là do trước kia, vào những ngày đầu Đức Giêsu thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng, họ đã chứng kiến quyền năng của Ngài qua việc chữa lành “mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 4,24).

Nguyên nhân gần, đó là, do vài hôm trước, vào một buổi chiều tà, Đức Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để cứu đói họ. Vì thế, hôm nay, họ lại “đi Caphanaum tìm Người”. Họ đi tìm Đức Giê-su với ước muốn rằng, biết đâu, một lần nữa, Ngài lại dùng quyền năng để làm một việc gì đó cứu đói họ chăng?

Thế nhưng, thật đáng tiếc, ước muốn đó đã không thành sự thật.  Đối với họ, chuyện sống còn “dưới đất” là điều thật khẩn thiết. Nhưng, với Đức Giêsu, Ngài  lại muốn họ nhận ra rằng, còn có sự sống “trên trời”. Sự sống đó không thể được nuôi dưỡng bởi những thứ “lương thực mau hư nát” nhưng phải được nuôi bởi thứ “lương thực thường tồn đem lại hạnh phúc trường sinh” (Ga 6, 27).

“Lương thực thường tồn đem lại hạnh phúc trường sinh” không là điều bí ẩn, nó đã được Đức Giê-su công bố trước bàn dân thiên hạ, rằng: “Tôi là bánh trường sinh…. Bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết”.

Lời công bố đó như một quả bom tấn, nó đã làm nổ tung những thành kiến về Đức Giê-su, vốn đang tiềm ẩn nơi người Do Thái. Chuyện kể rằng: “Họ liền tranh luận với nhau. Họ nói: làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”

Bất chấp những lời xầm xì phản đối của họ. Bất chấp những lời tranh luận giữa họ với nhau. Bất chấp họ nghi ngờ về việc “(Ngài) có thể cho (mọi người) ăn thịt của (Ngài)”. Đức Giêsu vẫn xác quyết rằng: Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.”

Có lẽ, nhóm người Do Thái quên mất vai trò và sứ vụ của Đức Giêsu. Ngài đến thế gian không để trở thành nhà ảo thuật, biến “đá thành bánh”. Bởi nếu có làm như thế thì tấm bánh đó cũng chẳng khác nào “manna xưa, tổ tiên họ đã ăn và đã chết” .

Vai trò và sứ vụ của Đức Giêsu đến thế gian, là “để cho thế gian được sống”. Được-sống-muôn-đời bằng một thứ manna mới. Manna mới đó chính là Mình-và Máu của Ngài, như lời Ngài đã nói “thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật là của uống”(Ga 6,55).

Hôm đó, khép lại cuộc tranh luận, Đức Giê-su lớn tiếng tuyên bố, rằng: “Đây là bánh từ trời xuống…  Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”. (Ga 6, 58).

***
Với tất cả những gì Đức Giê-su đã công bố, có thể nói rằng, quả thật, Ngài đã ban cho con người một thứ “thần lương nhiệm mầu”. Sự nhiệm mầu không chỉ ở chỗ “Ai ăn…  sẽ được sự sống muôn đời” mà còn, như lời tông đồ Phao-lô đã nói với những người tín hữu tại Cô-rin-tô, rằng: “Khi ta cùng bẻ Bánh Thánh đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao?”. Sau đó, thánh nhân nói tiếp rằng: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một tấm Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cor 10, 16-17).

Nói cách khác “Thần Lương nhiệm mầu” mà hôm nay, Giáo Hội gọi là “Bí Tích Thánh Thể” chính là chất xúc tác, tạo “sự kết hiệp – sự hiệp nhất” hồng phúc với nhau trong Đức Ki-tô.

Chính vì thế, hãy tự hỏi lòng mình, rằng: hai mươi năm, ba mươi năm, bốn mươi năm hay nhiều hơn thế nữa, mỗi khi lãnh nhận Thần Lương, chúng ta thật sự “kết hiệp- hiệp nhất” hồng phúc với nhau trong Đức Ki-tô?

Nếu chưa, hãy tự hỏi, điều gì khiến cho ta chưa kết hợp, chưa hiệp nhất!? Có phải vì ta đón nhận Thần Lương như một thói quen, như một cái “mốt” để chứng tỏ đẳng cấp đạo đức của ta?

Về điều này, thánh Phao-lô cảnh cáo; “Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình” (1Cor 11, 28-29).

Chúng ta đừng quên, trước giờ chịu nạn, Đức Giê-su đã cầu nguyện rằng: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17, 20-21).

“Để tất cả nên một”. Vâng, năm nay, như chúng ta đã biết, là năm “Tân Phúc Âm hóa” gia đình. Có cách nào Tân Phúc Âm hóa gia đình tốt hơn cách hãy tạo một gia đình “nên một” trong Chúa, mọi lúc mọi nơi? Làm thế nào để có một  gia đình nên một trong Chúa?

Vâng, xin mượn ý tưởng của một blogger ẩn danh thay cho câu trả lời. Ý tưởng rằng: “Muốn liên kết, chúng con phải cắt bỏ những chứng tật cố hữu, phải hy sinh trong mọi lúc. Thế nhưng, nhờ những hy sinh này, chúng con sẽ nên một trong Chúa và sẽ được chiêm ngắm quyền năng vinh quang Chúa hành động”.

Một gia đình nên một trong Chúa, được chiêm ngắm quyền năng vinh quang Chúa hành động, có phần chắc, gia đình đó, anh em hòa thuận. Một gia đình nên một trong Chúa, được chiêm ngắm quyền năng vinh quang Chúa hành động, có phần chắc, gia đình đó, vợ chồng ý hợp tâm đầu.

Một gia đình nên một trong Chúa, được chiêm ngắm quyền năng vinh quang Chúa hành động, có phần chắc, gia đình đó được kết hợp bằng  Mình-và-máu-Chúa; một thứ “Thần Lương Nhiệm Mầu”.

Petrus.tran

Trả lời