Thánh Thể : lương thực Chúa ban

 

Thánh Thể : lương thực Chúa ban

 

Thánh Thể : lương thực Chúa banCon người sống trên trần gian có rất nhiều nhu cầu cần được thỏa mãn. Một trong những nhu cầu không kém phần quan trọng, đó là ăn và uống. Ngạn ngữ tây phương có câu : “Ăn đã rồi muốn nói gì thì nói”. Người Việt Nam rất giản dị : “Dĩ thực vi tiên”.

Theo dòng lịch sử tiến hóa, thoạt tiên, con người chỉ ăn thực vật như trái cây, hoa quả, và khi biết cách dùng lửa, con người bắt đầu ăn những thức ăn nấu chín do việc săn bắt động vật mà có.

Mười ngàn năm trước, khi ngành nông nghiệp bắt đầu phát triển, việc ăn uống của con người có nhiều đổi thay. Và từ thế kỷ thứ 18 đến thế kỷ thứ 20, khi những phát minh về chế biến, bảo quản, lưu trữ và vận chuyển phát triển, nhiều loại thức ăn mới ra đời, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm nhờ đó phất lên như diều gặp gió.

Người ta không chỉ chế biến những loại thức ăn chỉ để “ăn chơi” nhưng còn sản xuất những loại thực phẩm chỉ để dùng cho một mục đích nào đó. Ví dụ, những loại thực phẩm giảm cân, giảm béo mà người ta quen gọi là “thực phẩm chức năng”.

Trong chiến tranh, lại có những loại lương thực đặc biệt dành cho quân đội, chỉ cần ăn một ít nhưng cũng đủ dinh dưỡng và làm chậm lại cơn đói. Loại lương thực đó được gọi là “lương khô”. Tham vọng hơn, con người còn chế biến loại thực phẩm chống sự lão hóa, kéo dài tuổi thọ.

Thế nhưng, để làm ra loại lương thực ăn vào sẽ chẳng còn phải đói và sẽ được sống muôn đời thì từ thời nguyên tổ Adam và Eva cho đến bây giờ vẫn là điều bất khả thi đối với con người.  

Phải chăng là vì con người không thể tìm ra được thứ “nguyên liệu” đặc biệt nào đó để chế biến?  Xin thưa, đúng vậy.

Có một người đã đem đến thế gian một loại nguyên liệu để chế biến thứ “lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh”, người đó chính là Đức Giêsu Kitô.

******

Chuyện xảy ra tại Palestina hơn hai mươi thế kỷ trước. Sau nhiều ngày qua lại Biển Hồ Galilê rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu trở về Caphacnaum.

Không giống như lần trước, Ngài đã để lại Caphacnaum dấu ấn của một thầy thuốc “danh bất hư truyền” qua việc chữa lành một kẻ bại liệt.  Hôm nay, vị danh y Giêsu làm cho cả Caphacnaum phải sôi sục lên, chỉ vì Ngài đã công bố một “phác đồ điều trị” cho những bệnh nhân nào muốn có “sự sống đời đời”.    

Vâng, trong ba năm rao giảng Tin Mừng, hai trong số những lời rao giảng mà Đức Giêsu đặt trọng tâm chính là “sự cứu chuộc” và “sự sống đời đời”.   

Về “sự cứu chuộc”, qua cuộc đàm luận với ông Nicôđêmô, Đức Giêsu đã tỏ bày rằng “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).

Thế còn “sự sống đời đời”! Đức Giêsu đã nói gì?  

Xin thưa, hôm đó, bầu khí trong hội đường ở Caphacnaum chẳng khác nào một đàn ong vỡ tổ khi nghe lời tuyên bố của Đức Giêsu rằng “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống”.

Bánh từ trời xuống ư! Có thể nói, lời tuyên bố này đã đưa Đức Giêsu vào tình trạng “tứ bề thọ địch”.

Xưa nay, có bánh nào từ trời xuống ngoài “man-na”! Và có ai đã dám nói  “Bánh tôi bạn tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6, 51).?

Nhiều lời tranh luận đầy nghi ngờ của người Do Thái vang lên.  Dẫu vậy, Đức Giêsu vẫn dõng dạc tuyên bố “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời… ”. Và cuối cùng, Ngài tái khẳng định trước cử tọa rằng “Đây là bánh từ trời xuống… Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6, 58)

Một phút tâm tình và suy tư…

Hôm nay, với ba tuần lễ liên tiếp,  Giáo Hội tiếp tục chuyển giao đến với mọi người thông điệp đã được Đức Giêsu công bố khi xưa “Ta là Bánh trường sinh – Ta là Bánh bởi trời – Ta là Bánh hằng sống” .

Hôm nay, Giáo Hội – qua Bí Tích Thánh Thể – vẫn tiếp tục bẻ những tấm bánh đó,  trao cho chúng ta và nói “Anh em cầm lấy mà ăn”.

Có lẽ chúng ta sẽ không nói gì thêm nữa về lời Đức Giêsu đã phán “Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống”. Bởi vì “Đây là mầu nhiệm đức tin”.

Vấn đề là chúng ta có đáp lời mời gọi của Thiên Chúa rằng “Hãy đến mà ăn bánh của ta và uống rượu do ta pha chế” hay không? (Cn 9, 5)

Và một vấn đề nữa không kém phần quan trọng, đó là,  chúng ta làm gì khi đáp “Amen” với “Mình Thánh Chúa” trước lời công bố của vị linh mục “Mình Thánh Chúa Kitô”!

Thánh Phaolô có lời khuyên rằng “Anh em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan”. (Ep 5, 15).

Lời khuyên của thánh Phaolô gợi cho chúng ta nhớ tới dụ ngôn “mười trinh nữ”.

Cứ thử tưởng tượng, nếu ngọn đèn đức tin của chúng ta luôn tràn đầy những giọt dầu “bác ái, nhẫn nhục, nhân hậu, trung tín, hiền hòa, tiết độ” v.v… Vâng, không có gì trở ngại để chúng ta rước chàng rể “Mình Thánh Chúa Kitô” vào ngôi nhà tâm hồn của chúng ta.

Nhưng, có lẽ,  điều quan trọng hơn hết, đó là cần phải “thấm nhuần Thần Khí”. Nói cách khác, là một Kitô hữu, phải được “sinh ra bởi nước và Thần Khí” bởi vì Đức Giêsu đã nói “không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra bởi nước và Thần Khí”.  

Không nói nhưng chúng ta cũng có thể hiểu rằng, những ai là công dân Nước Trời, người đó mới được ơn phước hưởng những gì bởi trời.

Những gì bởi trời… Vâng, đó chính là “Bánh Thánh Thể”  một thứ lương thực Chúa ban.

Petrus.tran

 

 

Trả lời