Thánh Thể: Bí Tích Tình Yêu

 

Thánh Thể: Bí Tích Tình YêuHàng năm, ngày thứ hai cuối cùng của tháng năm, Hoa Kỳ có một ngày quốc lễ rất đặc biệt, đó là ngày lễ Chiến Sĩ Trận Vong. Đây là ngày lễ tưởng nhớ đến những quân nhân Hoa Kỳ đã tử trận trong khi còn tại ngũ. Vào ngày này,  người Mỹ đi viếng thăm các nghĩa trang và các đài kỷ niệm, lá cờ Mỹ để rũ cho đến trưa theo giờ địa phương.

Tưởng nhớ là một hành vi tốt. Tốt bởi nó chính là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa những người đã khuất và những người đang sống. Thật vậy, cứ nhìn vào những ngày lễ giỗ, ngày tưởng nhớ ông bà cha mẹ, hay những buổi lễ tưởng nhớ chiến sĩ trận vong v.v… chính những buổi lễ tưởng nhớ đó, ở cấp độ gia đình, nó đã kết nối mọi người, nó làm sống lại quá khứ của một dòng tộc. Còn ở cấp độ quốc gia, nó làm sống lại quá khứ hào hùng của một dân tộc.

Nói tới tưởng nhớ, Giáo Hội Công Giáo cũng có rất nhiều ngày lễ (tưởng) nhớ. Với Lễ Giáng Sinh, Giáo Hội tưởng nhớ ngày Chúa sinh ra. Với ngày lễ Phục Sinh, Giáo Hội tưởng nhớ việc Chúa chết đi và Chúa sống lại. Với lễ Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô, Giáo Hội  tưởng nhớ ngày Đức Giê-su lập ra “Bí Tích Thánh Thể”. Chính Đức Giê-su, không ngoài ai khác, Ngài đã lập ra và đã truyền dạy cho các môn đệ rằng: “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” (x.Lc 22, …19).

Việc Đức Giê-su lập Bí Tích Thánh Thể và truyền dạy các môn đệ phải “làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” đã được thánh Mác-cô ghi lại như sau:

Hôm ấy, là “ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men là ngày sát tế chiên Vượt Qua”. Theo truyền thống, vào ngày này người Do Thái tổ chức ăn mừng lễ Vượt Qua. Hai người môn đệ đã được sai vào thành. Và các ông dọn tiệc tại đó. Và khi chiều đến “Đức Giê-su và Nhóm Mười Hai cũng tới”.

Thế rồi, “Đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: ‘anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy’. Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: ‘Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người’… Thầy bảo thật anh em: chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa”. Sau đó, “Hát Thánh Vịnh xong, Đức Giê-su và các môn đệ ra núi Oliu” (x.Mc 14, 22- 26).

Không chỉ thánh sử Luca có nhắc đến việc Đức Giê-su truyền dạy các môn đệ về việc “Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”, mà thánh Phao-lô sau này cũng đã truyền dạy cộng đoàn Corinto như thế.

Ngài Phao-lô đã dạy rằng: “Điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: ‘Đây là mình Thầy, hiến dâng vì anh em, anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy’. Cũng thế, sau bữa ăn, Người cầm lấy chén rượu và nói: ‘Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng Máu Thầy; mỗi khi uống, anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (x.Cor 1, 23-25).

Hôm nay, trong mỗi thánh lễ, sau lời truyền phép vị linh mục cũng không quên nhắc lại lời Chúa Giê-su truyền dạy năm xưa, rằng: “Các con hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”.

Nhắc đi nhắc lại điều này để làm gì? Thưa, để chúng ta thấy rằng, đây là một ơn phúc và là vinh dự mà Đức Giê-su đã ban cho chúng ta, cho chúng ta được “làm việc này” mỗi ngày.

Vâng, đã có người ước muốn được làm-việc-này mỗi ngày, nhưng không thể làm được. Người đó là bạn của tôi. Anh bạn này là một Mục Sư Tin Lành. Một lần nọ, anh ta đã thổ lộ với tôi rằng: buồn quá Hội Thánh của mình đã không “làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy” mỗi ngày, như Giáo Hội Công Giáo đã làm mỗi ngày.

Thế nên, đã là một tín hữu Công Giáo, chúng ta hãy tự hỏi mình rằng: tôi có “làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy” mỗi ngày, mỗi tuần? Tôi có lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể mỗi ngày, mỗi tuần?

Hãy “làm việc này” khi có thể, thưa quý vị. Bởi vì, là một giáo dân sẽ có lúc (như những ngày giãn cách xã hội hôm nay), chúng ta muốn làm, nhưng không thể làm được.

Trở lại câu chuyện ngày lễ tưởng niệm chiến sĩ trận vong. Vào ngày đó, nhiều cộng đồng trên khắp nước Mỹ tưởng niệm các tử sĩ với những cuộc diễn hành, các buổi hoà nhạc nói lên tinh thần yêu nước. Một số cộng đồng khác đánh dấu ngày này bằng những giây phút suy ngẫm trong tĩnh lặng về những người đã ngã xuống trong khi đang phục vụ trong quân đội.

Nhắc tới chuyện này để làm gì? Thưa, để chúng ta tự hỏi mình, rằng: khi “tưởng nhớ đến Thầy”, tôi cũng có những “giây phút suy ngẫm trong tĩnh lặng” về những gì Thầy đã làm trong bữa tiệc Vượt Qua năm xưa!

Đức Giê-su đã làm gì trong bữa tiệc Vượt Qua, nhỉ! Vâng, Ngài đã làm rất nhiều điều. Điều thứ nhất và quan trọng nhất, đó là “Chúa đã ban thân xác Chúa làm của ăn” và “Máu Chúa, Chúa ban cho làm của uống”.

Điều tiếp theo, đó là Đức Giê-su ban cho các môn đệ một điều răn mới, đó là “anh em hãy yêu thương nhau”. Hôm ấy, Đức Giê-su đã nói: “Anh em hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau”(Ga 13, 34)

Đây không phải là một lời yêu cầu lịch sự, nhưng là một lệnh truyền. Thế nên, khi chúng ta “làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy”, cũng đồng nghĩa chúng ta phải có lòng yêu thương nhau – “đem yêu thương vào nơi oán thù”.  

Vì là một lệnh truyền, thế nên khi chúng ta “làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy”, cũng đồng nghĩa chúng ta phải có lòng yêu thương nhau – “yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi” chúng ta.

Tất cả chỉ là vì tình yêu, một tình yêu trao ban, như chính Đức Giê-su đã trao ban chính Mình và Máu của Ngài. Giáo Hội gọi đây là Bí Tích Thánh Thể – Bí Tích Tình Yêu.

Petrus.tran

 

 

 

Trả lời