Thánh Thần Giúp Chúng Ta Vượt Qua Cơn Cám Dỗ


 

Thánh Thần Giúp Chúng Ta Vượt Qua Cơn Cám Dỗ
Dnl 26,4-10; Rm 10,8-13; Lc 4,1-13

Lm. Jude Siciliano, OP

 

Thánh Thần Giúp Chúng Ta Vượt Qua Cơn Cám DỗKính thưa quý vị,

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã cảnh báo với du khách người Mỹ để tránh đến một số nước vì quá nguy hiểm. Nhiều người Mỹ có vẻ quan tâm đến những lời cảnh báo đó và chuyển qua du lịch đến những vùng đất khác, an toàn hơn. Những du khách này không muốn bị bắt cóc trong một đất nước xảy ra bạo loạn, và khi có bạo loạn, người ta muốn đưa họ ra khỏi đất nước đó bằng trực thăng để được an toàn.

Tin mừng hôm nay nằm ngay sau phần nói về gia phả và phép Rửa của Đức Giêsu. Đức Giêsu sắp khởi đầu sứ vụ của Người; nhưng trước hết, Thánh Thần dẫn Người đến sa mạc để chịu cám dỗ. Vì vậy, Đức Giêsu bắt đầu lưu lại ở Giêrusalem và nơi mà sau này Người bị giết chết. Ngay từ đầu, khởi đi từ những cám dỗ cho đến lúc chết, rõ ràng Đức Giêsu không đến như một du khách để nhập cuộc với chúng ta trong một lát, gặp một vài người, ngắm cảnh, và rồi khi có sự cố thì được trực thăng đưa đi. Nhưng Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ của mình bằng việc chịu phép rửa giữa lòng dân tộc, Người ở với chúng ta cho đến tận cùng, tất nhiên bao gồm cả việc chịu cám dỗ.

Sự cám dỗ này dường như một cách thức quay trở lại để bắt đầu suy gẫm về Tin mừng ngày hôm nay… nhưng quý vị có chú ý đến hàng cuối cùng không? “Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ.” Ở đây, thánh Luca có lẽ ám chỉ đến việc cám dỗ quay trở lại vào lúc vượt qua của Đức Giêsu. Tuy nhiên, cụm từ “chờ đợi thời cơ” cũng ám chỉ rằng những cám dỗ không chỉ vào giai đoạn khó khăn ban đầu, mà Đức Giêsu còn phải cố gắng vượt qua những cám dỗ khác nữa trong suốt sứ vụ của Người. Người phải đương đầu với những cám dỗ tương tự trong suốt cuộc đời công khai. Qua kinh nghiệm, chúng ta biết được rằng cám dỗ không phải thử thách ta duy chỉ một lần.

Thập giá của Đức Giêsu không chỉ đến vào giây phút cuối đời khi Người chịu sự cám dỗ để chọn lựa, chấp nhận hoặc từ chối việc hoàn thành kế hoạch của Thiên Chúa theo cách thức của Người. Hơn thế nữa, trong câu chuyện hôm nay, quỷ cám dỗ là một biểu tượng đúng nghĩa của quyền lực và sự lựa chọn mà Đức Giêsu phải chống lại trong suốt cuộc đời. Những người như chúng ta khi không dễ gì chiến thắng được hay vượt qua cách nhẹ nhàng những cám dỗ tương tự.

Những gì Đức Giêsu quyết định thực hiện trong khi đối diện với những cám dỗ sẽ định hình sứ vụ và tạo nên thân thế của Người. Chúng ta chưa biết hết toàn bộ câu chuyện, nhưng từ việc Đức Giêsu đương đầu với chước cám dỗ, trong sự vâng phục Thiên Chúa, chúng ta biết chắc Người sẽ không chọn lựa theo ma quỷ để hoàn thành sứ vụ của Người. Sứ thần đã tiết lộ với Đức Maria rằng, con của Bà sẽ được gọi là “Con Thiên Chúa” (Lc 1,35). Những cơn cám dỗ của Đức Giêsu xảy ra ngay sau phần trình bày về phép rửa và gia phả của Người. Trong cả hai sự kiện đó, Người đều được gọi là “Con Thiên Chúa”. Điều đó có nghĩa gì đối với Người? Sự thăm dò của quỷ và những lời đối đáp của Đức Giêsu trong cả ba tình tiết cám dỗ đã mạc khải cho chúng ta biết: Đức Giêsu sẽ sống như thế nào với thân thế của Người trong cương vị “Con Thiên Chúa.”

Đức Giêsu không ăn không uống trong 40 ngày đêm. Khoảng thời gian 40 là liên kết Người với “biến cố mang số 40” khác trong Kinh thánh Hípri. Ông Môsê ăn chay 40 ngày đêm trên núi (Xc. Đnl 9,9); Ông Êlia đi suốt 40 ngày đêm lên núi (Xc. 1V 19,4-8) và dân Israel phiêu bạt 40 năm trong sa mạc.

Quỷ yêu cầu Đức Giêsu tự nuôi sống mình bằng cách biến những hòn đá thành bánh ăn. Việc đó chẳng phải là điều gì lớn lao lắm, nhưng thức ăn đó liệu có phải là lương thực nuôi sống sau thời kỳ chay tịnh quan trong hay không? Tất nhiên, Đức Giêsu có quyền năng làm điều đó. Nhưng câu trả lời của Đức Giêsu, “Đã có lời chép: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” làm chúng ta nhớ lại cảnh tượng tương tự của ông Môsê với dân chúng trong sa mạc. Thật là một sự gợi nhớ mãnh liệt cho chúng ta: ngay trong thời gian ở sa mạc, khi mà những nguồn thức ăn vật chất được coi trọng, thì Lời Chúa vẫn còn quan trọng hơn cả cơm bánh. Đức Giêsu chống lại cơn cám dỗ thứ nhất chứng tỏ rằng nơi Người và những người Dothái nhiệt thành đã có đời sống gắn bó với Lời Chúa.

Cơn cám dỗ thứ hai nói về quyền lực chính trị. Tại sao Đức Giêsu không dùng nó để hoàn thành mục đích cao quý của mình? Nhưng lịch sử của dân Israel phản ánh tham vọng chính trị, họ được ví là những người thân cận uy quyền với các thần ngoại. Cơn cám dỗ này cũng khiến chúng ta kinh ngạc và để ý thấy những gì liên quan đến các nhà lãnh đạo chính trị đều tạo ra lớp người vận động hành lang và “động lực ngầm”, nhằm đạt được và nắm giữ quyền lực chính trị. Đó cũng là cám dỗ cho mỗi người chúng ta khi đạt được quyền lực và thống trị trên những người khác. Giáo hội và những người lãnh đạo được mời gọi phục vụ cộng đoàn tín hữu đôi khi lại vướng vào cám dỗ này, là dùng quyền để ép buộc dân chúng tuân theo những nguyên tắc do mình đặt ra. Trong Bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ và Người cho chúng ta thấy quyền lực được chuyển thành phục vụ. Quả thực, Đức Giêsu sẽ không thỏa hiệp với bất cứ người nào hay kế hoạch nào trái nghịch với đường lối của Thiên Chúa, vì thế Người chống lại lời đề nghị quyền lực và vinh quang của quỷ.

Giêrusalem và Đền thờ là những chủ đề xuyên suốt trong Tin mừng theo thánh Luca. Phần lớn Tin mừng diễn ra trong suốt hành trình của Đức Giêsu lên Giêrusalem (Xc. Lc 9,51). Vì thế, thật phù hợp khi cơn cám dỗ cuối cùng lại diễn ra trên nóc Đền thờ. Sự lọng trọng của đền thờ cho thấy rằng đây là cơn cám dỗ còn mạnh hơn cả hai cám dỗ trước đó. Một lần nữa, người ta nhớ lại quá khứ của dân Israel. Khi dân Israel kết thúc thời gian lưu lạc trong sa mạc thì ông Môsê cảnh báo với dân rằng, mai sau họ không được thách thức Thiên Chúa nữa (Đnl 6,16), bởi vì họ đã thường làm điều đó với Người trong quá khứ.

Quỷ đã dùng Kinh thánh (Tv 91,11-12) để thuyết phục Đức Giêsu dùng quyền năng của Thiên Chúa và bảo vệ Người khỏi tai họa. Vì căn cứ theo lẽ rằng, nếu Đức Giêsu là Con Thiên Chúa thì Thiên Chúa sẽ bảo vệ Người, do đó Người có thể hoàn thành những sứ vụ mà Người được sai đến để thi hành. Tin mừng sẽ mạc khải lòng trung thành của Đức Giêsu với lời mời gọi của Người, và Người sẽ dạy chúng ta biết nỗi đau và sự chịu đựng không phải là dấu hiệu cho thấy Thiên Chúa không còn ở bên cạnh Đức Giêsu hay không còn ở bên chúng ta nữa.

Chúng ta sẽ đi qua mùa Chay và không ép buộc bàn tay Thiên Chúa thực hiện, hay là tìm kiếm những dấu hiệu cho thấy ta đang làm điều đúng đắn, chính chúng ta sẽ nhượng bộ trước ý định của Thiên Chúa và trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc Ngài. Nếu chúng ta nhận được những đảm bảo và sự an ủi trong mùa Chay, thì chúng ta hãy đón nhận nó như một món quà từ Thiên Chúa trong thời gian thuận tiện của Người. Chúng ta hãy thực hiện những thói quen đặc biệt của mùa Chay, nhưng không phải tìm cách để đạt được những phần thưởng của Thiên Chúa cho công việc vất vả của chúng ta. Thay vào đó, những công việc đó giúp chúng ta luôn tỉnh thức, chúng ta như những người đang hành trình qua sa mạc, những người mà ít nhiều đều dễ quên béng mất phần lương thực Chúa đã chuẩn bị sẵn cho chúng ta. Khi khám phá ra lương thực tựa như của ăn mà chúng ta dùng trong Thánh thể ngày nay, thì chúng ta mới biết dâng lên lời cầu nguyện mùa Chay và thân thưa: “Tạ ơn Ngài.”

Những trình thuật về cám dỗ có thể đem đến cho ta một viễn cảnh mùa Chay này. Đức Giêsu không chỉ đến sa mạc, mà Người còn “được đầy Thánh thần” và “Người còn được Thánh thần dẫn vào sa mạc 40 đêm ngày…” Chúng ta được rửa tội không phải là không có mục đích hay chỉ là hời hợt bên ngoài trong 40 ngày này. Theo đó, Thánh thần đã dẫn đưa Đức Giêsu, thì chính Người cũng là Đấng dẫn dắt chúng ta. Chúng ta bắt đầu mùa Chay bằng cách xin Thánh thần giúp chúng ta vượt qua cơn cám dỗ mà chúng ta có nguy cơ bước theo lối mòn của người Kitô hữu.

Với Mùa Chay, còn có một sự hướng dẫn khác cho chúng ta. Quỷ cám dỗ đặt ba sự lựa chọn trước Đức Giêsu và ba lần Đức Giêsu đều trả lời bằng cách trích dẫn Kinh thánh. “Đã có lời chép rằng… đã có lời chép rằng… cũng có lời nói rằng.” Câu chuyện đã gắn kết sự hiện diện của Thánh Thần với những lời hướng dẫn của Kinh thánh. Điều đó khiến chúng ta suy nghĩ là phải đối diện với cám dỗ và sống theo sự thật trong tư cách là người Kitô hữu như thế nào? Qua lời cầu nguyện đầy tin tưởng nơi Thánh thần, đồng thời từ sự giác ngộ và được giáo dục, liệu chúng ta có thể đón nhận Kinh thánh dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh thần hay không?

Anh Em Nhà Học Đaminh Gò Vấp chuyển ngữ.

Trả lời