Thánh Martinô : Bài Ca Bác Ái (1-3)

Thánh Martinô : Bài Ca Bác Ái
1579-1639

Phần I. Vượt qua số phận và Tấm lòng nhân ái

Lm Px Đào Trung Hiệu op – 1995


Thánh Martinô : Bài Ca Bác Ái (1-3)Thánh Martinô : Bài Ca Bác Ái (1-3)Đứa con bị từ chối …

Khi hiến tế trên đồi Canvê, Đức Giêsu đã thiết lập Giao Ước Mới cho muôn người được hạnh phúc, không phân biệt Do thái hay dân ngoại, da trắng, da đen hay da vàng. Mọi người đều là con cái Thiên Chúa, mà nếu là con cái, thì như thánh Phaolô nói, cũng là người thừa tự. Đối với Chúa, không có sự phân biệt màu da. Nhưng những người theo Chúa, không phải ai cũng hiểu điều này.

Don Juan de Porres một sĩ quan thuộc dòng dõi quí tộc ở Tây Ban Nha, đã theo chân những nhà thám hiểm đến thành phố Lima, thuộc nước Pêru. Ông quan hệ với một thiếu nữ bản xứ là Anna Velasquez. Bà cho ông hai đứa con, nhưng bất hạnh cho chúng vì cả hai đều mang màu da của mẹ : da đen.

Một hôm, Don Juan ngồi nhìn vợ đang thắt chiếc nơ đỏ trên mái tóc con gái. Chiếc nơ đỏ tạo nên một ấn tượng tương phản với làn da đen tuyền của cô bé. Rồi khi nhìn đôi bàn tay đen của con, so sánh với đôi bàn tay trắng của mình, ông bỗng cảm thấy chán chường. Lòng ông trào dâng một nỗi oán ghét kỳ lạ. Ông tự hỏi, không hiểu tại sao mình có thể yêu người đàn bà da màu này, và ngoài cô con gái trước mặt, bà vừa sinh thêm cho ông một cậu con trai nữa : Martinô mới chào đời ngày 9-12-1579, lại cũng là một sinh vật đen đủi khác mà ông phải nhận lấy.

Tâm trạng của Juan de Porres cũng giống nhiều người da trắng đương thời, ông cảm thấy mối quan hệ này sẽ cản ông tiến xa trên bước đường công danh. Ngoài giấc mộng công hầu khanh tướng ấy, ông còn thoáng thấy tủi nhục khi nghĩ đến dư luận của dân chúng Lima sẽ đồn đãi về việc ông chung sống với thổ dân da màu. Và Juan de Porres đi đến một quyết định quan trọng khi vợ ông cột xong chiếc nơ trên đầu con gái : đã đến lúc phải rũ bỏ những hành lý cồng kềnh đè nặng trên đôi cánh để có thể bay cao trên đường sự nghiệp, ông lấy một bọc tiền đặt trên bàn rồi lẳng lặng ra đi không một lời từ giã. Bà Anna ngừng tay, ngẩng lên nhìn bóng chồng khuất sau cánh cửa, và với trực giác của người phụ nữ, bà cảm thấy chồng bà sẽ không bao giờ trở lại nữa.

Câu chuyện thương tâm trên đây đã xảy ra trong những ngày đầu đời của vị thánh da đen Martinô de Porres mà không ai ngờ lại sẽ trở thành mẫu gương vĩ đại của bác ái, và đời của ngài sẽ thành một bài ca bác ái.

Sự thật về con người

Giữa một xã hội tràn đầy những bất công, kỳ thị, tham lam và giành giật như xã hội Lima thời bấy giờ, thì gương sống thánh thiện của Martinô lại càng nổi bật ; nổi bật không chỉ vì những phép lạ ngài làm, nhưng còn là vì tinh thần đơn sơ phó thác như trẻ thơ của ngài. Chẳng riêng gì thời đó mà cả ngày nay, chúng ta vẫn cần đến với thánh Martinô de Porres, để học nơi người mẫu gương khiêm nhường, bác ái, tinh thần đơn sơ phó thác và học biết sống như những trẻ thơ.

Khi bị thân phụ bỏ rơi, thánh Martinô de Porres còn là một cậu bé mới chập chững biết đi. Nhưng khi lớn lên, cậu bé thông minh nhanh nhẹn này không bao giờ oán giận những người da trắng. Ở lứa tuổi còn rất nhỏ, cậu đã học được bài học này : tất cả mọi người đều bình đẳng trước mặt Thiên Chúa. Đây là một sự thật đơn sơ, nhưng có sức mạnh mạc khải đối với Martinô, sẽ trở thành nguồn hứng khởi và là chìa khóa giúp cậu sống trọn đời.

Có lẽ biểu hiện đầu tiên của sự thật trên là thái độ của Martinô đối với người nghèo. Hầu như cậu không hề bỏ sót người nghèo nào cậu gặp, mà không cho họ những gì cậu đang có, kể cả đó là tiền mẹ đưa để đi chợ mua thức ăn. Cậu đã hứa với mẹ là điều này sẽ không xảy ra nữa, nhưng hình ảnh người nghèo khó và khổ đau vẫn làm cậu quên lời hứa. Bác ái đã trở thành niềm say mê mạnh mẽ của Martinô ngay từ thời niên thiếu, làm cho cậu luôn lỗi lời hứa với mẹ.

Nhưng hạnh phúc của người kitô hữu có khi lại chính là cái “tật bác ái” khó hiểu như hành động của Martinô de Porres. Xưa kia, thánh Phanxicô Assisi cũng từng như thế khi bỏ mặc những kiện vải vóc, tơ lụa của thân phụ giữa chợ để chạy theo một gã ăn mày ; còn thánh Đa Minh thì sẵn sàng bán cả sách Kinh Thánh để lấy tiền giúp người nghèo đói. Mới đầu, những hành động như thế của Martinô phát xuất từ một tấm lòng trắc ẩn, nhưng chẳng bao lâu, một triết lý sống vững chắc dần dần hình thành trong tâm hồn cậu. Theo triết lý đó : Tất cả mọi người đều là anh em với nhau trong Chúa, vì là con một Cha trên trời.

Kể từ khi bị chồng bỏ rơi, bà Anna, mẹ của Martinô phải đi làm thuê, làm mướn mọi việc để có tiền nuôi hai đứa con. Nhưng thỉnh thoảng ba mẹ con lại được một bữa “ăn nhạt” do lòng thương người của Martinô.

Vàng đích thực : là con người

Về phần Don Juan de Porres, cha của Martinô, trong nhiều năm trời sống trong cảnh sang giàu, đôi khi ông cũng cảm thấy lương tâm cắn rứt, nên vào một ngày đẹp trời ông trở về Lima thăm vợ con ; rồi khi ra đi, ông đem theo hai đứa con và gửi trọ tại nhà anh ruột của ông để chúng được đi học.

Đứng trên hải cảng Callao với cha và chị, Martinô thích thú nhìn mọi người qua lại mua bán đổi chác, nhưng điều cậu bé Martinô chú ý nhiều và khiến cậu buồn bã là đoàn người da đen lên xuống trên tàu, lưng họ oằn xuống vì những kiện hàng nặng trĩu. Cậu hỏi cha xem những người da đen này vác vật gì nặng thế. Cha cậu bảo đó là vàng gửi về cho vua Tây Ban Nha. Martinô không nói gì thêm, nhưng trong tận đáy tâm hồn, cậu thoáng nhận ra : Vàng đích thật trong đôi mắt của Vị Vua trên trời chính là những người nô lệ da đen này.

Cuộc sống của hai chị em Martinô ở nhà ông bác thật dễ chịu với ngôi nhà đẹp, với thức ăn ngon và với thày giáo giỏi dạy hai chị em học hành, nhưng trên hết là bầu khí yêu thương mà ông bác của Martinô đã tạo nên. Hai đứa trẻ lớn lên về mọi mặt trong khung cảnh đầm ấm đó. Martinô học hành tấn tới cho bác rất hài lòng và càng gắng sức dưỡng nuôi các cháu hơn. Còn chị của Martinô thì ngày càng tỏ ra là một thiếu nữ nết na dịu hiền.

Hai năm hạnh phúc lặng lẽ trôi qua như thế, cho đến một buổi sáng nọ, ngôi nhà của ông bác bỗng nhộn nhịp khác thường vì biết tin cha của Martinô được làm thống đốc xứ Panama. Ông Juan de Porres sợ thiên hạ dị nghị về hai đứa con da đen, nên gửi Martinô trở về Lima để tiếp tục học, phần chị của cậu thì có thể ở lại với anh của ông. Sau khi biết Martinô muốn trở thành y sĩ, ông liền gửi cậu đến học nghề với một người bạn thân là bác sĩ Marcelo de Riveldo ở Lima.

Thày thuốc trẻ tuổi

Lúc này Martinô đã là một cậu bé lên mười. Mỗi sáng, trước khi bắt đầu công việc, cậu đều tham dự thánh lễ. Tại nhà thờ, cũng như trong tiệm thuốc, không ai thèm để ý đến cậu bé da đen này, chỉ có bác sĩ Riveldo mới biết được giá trị con người thật của cậu. Vì chỉ trong một thời gian ngắn, Martinô đã thuộc lòng hết mọi lọ thuốc trong phòng mạch của ông và còn có thể pha chế thuốc nữa.

Và một biến cố xảy ra làm cho ai ai cũng đều biết đến danh tánh của Martinô.

Một ngày kia, bác sĩ Riveldo vắng nhà, trong khi Martinô đang pha chế thuốc thì người ta khiêng vào phòng mạch một người da đỏ bị thương rất nặng, ông ta luôn miệng xin tìm bác sĩ Riveldo cứu chữa, chẳng ai để ý đến sự hiện diện của cậu bé da đen. Bỗng Martinô lên tiếng làm mọi người sửng sốt : “Bác sĩ Riveldo đi vắng, tôi sẽ săn sóc người đàn ông khốn khổ này cho”. Nói rồi, không đợi mọi người kịp phản ứng, cậu đi lấy nước nóng, bông gòn và thuốc đắp. Sau đó, cậu rửa sạch vết thương, bình tĩnh đắp thuốc rồi băng bó, nạn nhân từ từ hồi tỉnh trước những cặp mắt ngạc nhiên của mọi người. Điều kỳ diệu này được bà con truyền tụng khắp vùng, từ đó người ta không còn xem thường cậu bé da đen này nữa.

Ngay từ nhỏ, Martinô đã được Thiên Chúa mạc khải cho biết : trắng hay đen, mọi người cùng là anh em con cùng một Cha trên trời, và trong một con người có một làn da đen đủi nhất vẫn có thể có một tâm hồn trong sạch, trắng ngần. Thiên Chúa không đánh giá con người theo mầu da mà là theo tâm hồn.

Martinô luôn ước ao trở thành một y sĩ. Làm việc và học nghề với bác sĩ Riveldo được vài năm, Martinô đã bắt đầu nổi tiếng. Cậu được mọi người quý mến, nhất là những tù nhân và những bệnh nhân, vì ngoài giờ làm việc, cậu vẫn đến thăm họ và thường chia sẻ cho họ đồng lương ít ỏi của mình.


Trả lời