Thánh Giuse 18 : Người Israel Gương Mẫu

Thánh Giuse Trong Thánh Kinh

Bài 18 : Thánh Giuse : người Israel Gương Mẫu
Phụng Thờ Một Mình Thiên Chúa

“Khi Người được 12 tuổi, cả nhà đều lên đền thờ” (Lc 2,42)

 

Thánh Giuse 18 : Người Israel Gương MẫuThánh Giuse 18 : Người Israel Gương MẫuDân Israel đã được Chúa chọn làm Dân riêng. Thiên Chúa đã giao ước với Dân và Dân cũng ký giao ước với Chúa. Bản văn tự giao ước là Mười điều răn, trong đó, giới răn thứ nhất là: Hãy thờ phượng và kính mến Thiên Chúa hết lòng hết sức. Các nhà chú giải cho rằng giới răn thứ nhất cũng có thể coi được là giới răn duy nhất, vì tất cả những giới răn khác đều như một cách thức thể hiện, cụ thể hoá giới răn thứ nhất mà thôi.

Thiên Chúa kêu gọi Dân Israel làm Dân riêng để họ chỉ thờ lạy, phụng sự một mình Ngài mà thôi. Dân Israel chỉ xứng đáng là Dân riêng của Chúa, Dân được tuyển chọn, khi họ tuân giữ giới răn phụng thờ kính mến một mình Thiên Chúa. Người Dân Israel hiểu rõ điều đó. Ta có thể nói được một người Israel gương mẫu là người luôn hết lòng tôn kính phụng thờ Thiên Chúa.

Thánh Giuse đã thực sự mang một tấm lòng thờ kính Thiên Chúa, nên khi Đức Giêsu được 12 tuổi, ngài đưa cả gia đình lên đền thờ Giêrusalem theo đúng như luật dạy. Hơn nữa, tinh thần tôn thờ Thiên Chúa của thánh Giuse còn vượt qua nhãn giới Cựu Ước để bước sang lãnh vực Tân Ước. Dân Israel được kêu gọi để phụng thờ Thiên Chúa, nhưng sự phụng thờ của Dân chỉ là giai đoạn chuẩn bị, sự phụng thờ đó chỉ được hoàn tất trong Đức Giêsu. Thiên Chúa kêu gọi Dân Israel là để dẫn họ tới sự nhận biết Đức Kitô và tin vào Ngài là Đấng hoàn thành lịch sử ơn cứu độ đã được bắt đầu với lịch sử Dân Israel. Không ít người Israel đã chẳng vượt qua được giai đoạn quyết định này, họ đã bám chắc vào lề luật, họ đã tự hào về địa vị Dân riêng của Chúa, họ đã biến giao ước của Thiên Chúa với Dân thành một thứ sở hữu của riêng mình và do đó, họ từ chối Đức Giêsu Kitô là trung tâm điểm của lịch sử cứu độ, là đích điểm của giao ước cũ, là ý nghĩa đích thực của Dân Israel.

Như vậy, thánh Giuse quả thực là một người Israel gương mẫu. Không phải chỉ vì Giuse đã tuân giữ tỷ mỷ, kỹ lưỡng các luật lệ của Dân Israel, nhưng vì ngài đã đón nhận Đức Giêsu Kitô. Thánh Giuse đã sử dụng sự cộng chính của Israel để biến thành sự công chính của Tân Ước. Ngài đã trung thành với việc phụng thờ Thiên Chúa của dân tộc mình, nhưng lại mở ra để đón nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu độ cả nhân loại. Thánh Giuse đã đưa Chúa Giêsu lên Đền thờ theo luật Do thái, nhưng Ngài hiểu rằng chính Đức Giêsu mới là đền thờ mới thay thế cho đền thờ của giao ước cũ.

Thánh Giuse đã trở thành một người Israel lãnh hội được trọn vẹn ý định của Thiên Chúa khi kêu gọi dân Israel. Ngài không bám lấy danh giá của một dân riêng, vì Thiên Chúa có thể làm cho những viên đá biến thành con cái Abraham. Ngài là một người Israel trung thực với mình, trung thực với ơn gọi của Dân riêng, trung thực với đường nẻo Chúa dẩn đưa và từ đó có thể đón nhận được Chân Lý của Chúa được tỏ hiện trong Đức Giêsu Kitô.

Người Kitô hữu được Chúa kêu gọi gia nhập Giáo Hội, để thay thế cho Dân cũ, làm nên một Dân mới. Đó là một niềm vinh dự lớn lao nhưng đó cũng có thể là một cớ vấp ngã, là mối nguy cơ. Cơn cám dỗ của Dân Israel vẫn có thể xuất lại y nguyên đối với Kitô hữu ngày nay, với những người con cái Chúa, những người đạo gốc, những người tự hào mình là đạo đức, thánh thiện…

Tôn giáo là phương tiện để đưa con người tới Thiên Chúa. Các nghi lễ phụng tự, lễ lạc, rước sách, các tổ chức trong giáo xứ, trong giáo phận hay trong Giáo hội nói chung là những cách thức giúp người Kitô hữu mở lòng ra với Thiên Chúa mà hết lòng phụng thờ Ngài. Như vậy, tất cả mọi nghi lễ phụng tự, thái độ căn bản của người Kitô hữu luôn phải là sự gắn bó với Chúa Giêsu, là đưa “Chúa lên đền thờ” như thánh Giuse đã thi hành, nếu không tất cả các nghi lễ sẽ trống rỗng, vô nghĩa. Nếu người ta cứ bám víu vào đó với niềm tự hào về tôn giáo của riêng mình về địa vị của mình, thoải mái, an tâm với kinh sách, lễ lậy, hoặc chỉ coi đó là những luật lệ bó buộc, thì Đức Giêsu không còn ở trung tâm ở hành vi tôn giáo của chúng ta nữa.

Một người Israel gương mẫu là một người sống tinh thần phượng thờ một mình Thiên Chúa và mở lòng ra để đón nhận Đức Giêsu. Người Israel đó là chính thánh Giuse. Đấng đã hết mình tuân giữ tinh thần của Israel và đã đưa Chúa Giêsu vào trong sinh hoạt tôn giáo của Dân mình. Thái độ đó của thánh Giuse cũng làm cho Ngài trở thành như một người Kitô hữu thứ nhất.

Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
Chúa là trung tâm của lịch sử,
là trung tâm sinh hoạt của con người
và cũng là trung tâm của mỗi người chúng con.
Sự hiện hiện của Chúa trong chúng con
làm cho tất cả cuộc đời chúng con được thống nhất,
được đầy tràn sung mãn.
Với sự hiện diện của Chúa trong nghi thức phụng tự
được trở thành như nơi hẹn hò của Chúa với chúng con.
Xin cho chúng con được gặp Chúa thực sự.
Xin cho chúng con biết đón nhận Chúa
vào ngự ở trung tâm cuộc đời của chúng con.

Lạy Chúa Giêsu,
chúng con chưa phải là một người Kitô hữu gương mẫu,
vì chúng con đã làm mọi sự công chính, nhưng lại không có Chúa.
Xin Chúa cho chúng con,
như thánh Giuse biết chọn cho mình một điều cần duy nhất :
đặt Chúa vào trung tâm cuộc đời mình.

 

Trả lời