Thánh Ðường Mới

Cn III Chay : Thánh Ðường Mới (Ga 2,18-25)

An Phong op

Thánh Ðường MớiBài Tin mừng hôm nay tường thuật biến cố Ðức Giêsu vào đền thờ Giêrusalem, đánh đuổi những người bán chiên bò ra khỏi đền thờ, hất tung tiền của người đổi bạc; đồng thời, Người tuyên bố Thân Thể Người chính là Ðền Thờ đích thực. Origène đã giải thích ý nghĩa hành vi này là : Ðức Giêsu thanh tẩy đền thờ và đổi mới cách thờ phượng Thiên Chúa; phượng tự Do Thái không còn thích hợp nữa, cần phải được thay thế bằng phượng tự Kitô giáo, đó là tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý.

+ Ðối với người Do Thái, việc thờ phượng Thiên Chúa được tập trung nơi đền thờ. Nhưng việc tôn thờ Thiên Chúa không thể bị giới hạn trong nơi này hay nơi khác; vì chính Ðức Giêsu, và cộng đoàn hợp nhất với Ngài, mới là đền thờ đích thực.

Ngày nay, nhà thờ công giáo dường như có mặt khắp nơi và có đủ mọi kiểu dáng : giữa nơi đô hội hay nơi thôn xóm; khiêm tốn, đơn giản hoặc tráng lệ nguy nga…; nhưng sự khác biệt đó không quan trọng cho bằng : đền thờ có thực sự là nơi cộng đoàn kết hiệp với Ðức Kitô, để tôn thờ Thiên Chúa hay không. Ở tây phương, đã có nhiều thánh đường trở thành di tích lịch sử hay nơi tham quan du lịch rồi. Ở Việt Nam, có phải nhiều người vẫn quá để ý dáng vẻ đền thờ vật chất do con người làm ra hơn là nhận ra Ðức Giêsu hiện diện cùng với cộng đoàn phụng vụ của Hội thánh ?

Ðền thờ đích thực là nơi cộng đoàn ca hát, đối đáp, cầu nguyện và thờ phượng Thiên Chúa; nơi Ðức Giêsu đang hiện diện thực sự để cùng đồng hành với cuộc sống dân Kitô giáo.

+ Hơn nữa, một giờ hay 30 phút đi lễ…, chỉ là một khoảng thời gian ngắn ngủi biểu lộ chính ơn gọi làm “Dân Tư Tế của Thiên Chúa”. Bởi lẽ, khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, người kitô hữu được xức dầu để làm một dân “chuyên lo việc phụng thờ Thiên Chúa”; và việc tôn thờ Thiên Chúa là cuộc sống mỗi ngày, suốt cả đời, trong toàn thể cuộc sống.

Do đó, đời sống đạo của người kitô hữu gắn liền với phượng tự: thánh lễ thường xuyên trong nhà thờ Công giáo, bổn phận tham dự thánh lễ trong ngày Chúa nhật và lễ buộc…; do đó, cuộc đời người kitô hữu là một thánh lễ miên trường, trong tâm tình tạ ơn, ngợi ca và thống hối; do đó, những lo loan tính toán mỗi ngày, những đau khổ, những thất vọng của kiếp người phải được biến nên của lễ trên bàn thờ, hiệp với lễ dâng của chính Ðức Giêsu, mà dâng lên Thiên Chúa Cha.

Con mang vác nặng quá rồi, Chúa ơi !
Con chịu đựng không nổi nữa !
Con đường con đi, chưa dài lắm,
Nhưng quá khứ đã đủ chất chồng;
Con đã sống bao biến cố tang thương
Và nhiều lúc con xây xẩm mặt mày.
Con mang vác nặng quá rồi, Chúa ơi !
Con chịu đựng không nỗi nữa !

Nhưng hôm nay… lạy Chúa !
Có phải con mơ không ?
Con tin mình đã tìm thấy
Ðiều mà từ lâu Chúa chờ đợi nơi con.
Con tình cờ đọc được câu Thánh vịnh
được in nơi tấm hình :
“Hãy vứt bỏ những lo lắng trong Chúa
và chính ngài sẽ nâng đỡ con luôn.”

Và con tin rằng
Qua lời kinh đó,
Chúa đang thực sự nói với con. (Michel Quois)

 

Trả lời