Thần Tượng Của Tôi

 

 

THẦN TƯỢNG CỦA TÔI

“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ,
Gian khổ một đời không ai nặng gánh bằng cha”

Thần Tượng Của TôiĐêm tĩnh mịch, chầm chậm trôi. Tiếng thạch sùng tắc lưỡi, tiếng gà đâu đó vang vọng và cả tiếng tắc kè xé toang màn đêm đen đặc. Lần nào về thăm nhà, đêm đầu tiên nó cũng bị mất ngủ như vậy… Tiếng mẹ thở đều, và lẩn khuất trong đêm tối là cả tiếng trở mình và những tràng ho hung hắng không dứt của cha. Mỗi lần nghe tiếng ho của cha, nó không khỏi chạnh lòng. Và hôm nay cũng vậy, tiếng ho đó càng dài hơn theo thời gian và tuổi tác của cha. Giọt nước mắt nóng hổi chông chênh rớt xuống vai. Nó khóc. Khóc vì thương cha quá đỗi và khóc cho sự vô tâm của chính mình.

Ký ức tuổi thơ hiện về rõ mồn một, đánh thức những kỷ niệm dễ thương về cái thưở khi nó còn là một đứa trẻ nghịch ngợm. Là con gái nhưng tính cách của nó không khác gì con trai: ương bướng và ưa phá bĩnh. Nhưng có một điều lạ là, đi đâu nó cũng đòi có mẹ; cha đến gần nó cũng ré lên khóc, mẹ kể rằng, lúc còn bế trên tay, nó đã “dị ứng” với vòng tay của cha. Những chứng tích về tính ương bướng của nó được mẹ kể lại với những thành tích “dày cộm”. Đó là những hôm mẹ gởi nó cho ngoại để đi chợ, nó khóc ré đòi mẹ đến đỏ gay cả mặt mày, thấy thế, ngọai mới bắt một con gà con cho nó chơi, ai dè, nó “nổi khùng” bóp chết con gà con tội nghiệp. Hay những lần ham chơi, len lén trốn ngủ trưa để chơi “bán hàng” với các bạn. Những lần leo rào, chạy nhảy té lên té xuống và cho đến bây giờ, sự tồn tại không thời gian của những vết sẹo chi chít như là minh chứng tố cáo hùng hồn nhất.

Một trong những điều “khủng hỏang” nhất trong ký ức tuổi thơ và cả những năm của độ tuổi thiếu niên là những hình phạt và cách xử sự của cha đối với nó.

Bởi vì là một đứa trẻ tinh nghịch mà nó lại là con gái đầu lòng, vì thế, mẹ thì rất yêu nó, nhưng cha thì luôn “thưởng” cho những trò nghịch ngợm của nó là những trận đòn đau đớn có khi là rớm máu, vì thế mà nó luôn sợ cha, nó không dám gần cha, đi đâu nó cũng đi theo mẹ.

Năm nó lên 4 tuổi thì mẹ sinh em bé. Từ khi có sự xuất hiện của thành viên mới, nó càng nhận được thêm nhiều trận đòn từ cha vì cái tội thích chọc phá em, làm cho em bé khóc thét lên mà những cái chọc phá đó theo suy nghĩ non nớt của nó thì chẳng có gì, chỉ là vui đùa, nhưng với người lớn thì đó là những điều tai hại, chẳng hạn như, nó chỉ cho em cách lấy hạt bắp bỏ vào mũi, rồi dành ăn phần của em, có gì không vừa ý thì nó lại đánh em, … Mà đứa em của nó vốn dĩ là một đứa “mít ướt”, nên mỗi khi con bé khóc là y như rằng, thế nào nó cũng sẽ bị đánh đòn, mẹ đánh thì nhẹ, nhưng với cha, thì đó là những trận đòn thấm thía. Cha nó có một điều rất khác lạ, mỗi lần đánh nó thì không cho phép nó được khóc, càng khóc thì càng đánh nhiều hơn, nhưng thử hỏi, đối với một đứa trẻ 5-6 tuổi thì làm sao có thể chịu đựng nổi những trận đòn roi được quất lên từ sự tức giận của người lớn, đến nỗi ngày hôm sau đi học nó không dám đi vệ sinh (vì hồi đó đi học, do cơ sở vật chất nghèo nàn, nên nhà trường thường xây nhà vệ sinh tập thể) vì sợ bạn bè nhìn thấy những vết hằn thâm tím đó.

Ngay từ khi vào lớp một, nó đã được cha giao “chỉ tiêu” phải học thuộc bảng cửu chương, hỏi đến đâu phải thuộc đến đó, nếu không thuộc thì sẽ có “phần thưởng”, thế là hôm nào chưa học thuộc bảng cửu chương nào thì nó thường cố tình đi ngủ trước khi cha nó đi làm về (khoảng 8 giờ tối cha nó mới đi làm về) để không phải nghe những lời mắng mỏ, đe doạ từ cha.

Nó nhớ mãi lần đi thi tốt nghiệp lớp 5, điạ điểm thi cách nhà nó khỏang 4 cây số, đối với một đứa trẻ như nó thì đó là một địa điểm rất xa, thậm chí là nó chưa bao giờ biết đến. Vậy mà cha không chở nó đi thi, mà phải lủi thủi đạp xe đi thi theo sự chỉ đường của cha. Đến nơi, ai cũng có cha hoặc mẹ dẫn đi…nó tủi thân, rớt nước mắt, và nó thầm căm ghét cha, vì nó nghĩ rằng cha không thương nó nên mới đối xử với nó như vậy.

Nỗi căm ghét cha càng lớn dần lên trong nó và điều đó đồng nghĩa với nỗi sợ hãi càng xâm chiếm ngập tràn trái tim nó. Càng sợ hãi, càng áp lực. Dưới sự huấn luyện của cha, học lực của nó không bao giờ được phép là hai chữ “trung bình”. Chính vì thế, nó luôn tồn tại suy nghĩ rằng: “mình học là học cho cha mẹ, chứ không phải cho bản thân”. Chính điều này, làm cho việc học của nó thêm áp lực. Ngay từ khi biết cắp sách đến trường là nó đã gánh chịu những áp lực không tên đó, và càng nặng hơn khi nó lên lớp học cao hơn. Chính vì thế, 12 năm liền, nó luôn là học sinh tiên tiến.

Ngày nó đi thi đại học cũng không có cha đi cùng, mà là đi chung với mấy đứa bạn. Đến trường thi, hình ảnh người cha, người mẹ săn sóc cho những đứa con đang bước lên đầu đài để thi đấu đập vào mắt nó; nhìn lại sự cô độc của chính mình, nó khóc tức tưởi.

Năm đó, nó nhận được giấy báo trúng tuyển của cả 3 trường mà nó đăng ký dự thi. Nó chọn ĐH Khoa học xã hội và nhân văn. Ngày nhập học, nó cũng một thân một mình lên mảnh đất Sài thành xa lạ để làm thủ tục nhập học mà không khỏi chạnh lòng khi nhìn cảnh bạn bè được cha mẹ đưa rước.

Trở thành một cô sinh viên, cha đối xử với nó khác hẳn, niềm nở, cởi mở và bớt nghiêm khắc hơn. Nó ngỡ ngàng, vì từ trước đến giờ nó nghĩ rằng, cha nó không thương nó. Và cũng từ đó, nó cởi mở hơn với cha. Cũng trong khỏang thời gian 4 năm cuả cuộc đời sinh viên này, nó nhận ra tình yêu và sự hy sinh vĩ đại của cha.

Điều quan trọng nhất mà nó nhận ra lúc này là “học tập là vì bản thân” chính vì thế, những năm tháng nơi giảng đường, nó đã rất miệt mài với bài vở, cần mẫn với những công trình nghiên cứu; thành quả cho những nỗ lực đó là học kỳ nào nó cũng được nhận học bổng, giấy khen của Ban chủ nhiệm Khoa, của trường và cả của Bộ trưởng bộ giáo dục. Và nó cũng nhận ra rằng, trước đây nó luôn nghĩ cha không thương nó, nên không giúp, không hỗ trợ nó mà luôn bắt nó phải tự thực hiện; điều đó tạo cho nó tính độc lập, sự bản lĩnh trước các tình huống, dù là rất khó khăn của cuộc sống.

Những năm tháng mài đũng quần trên giảng đường của nó, là những năm tháng khó khăn nhất của gia đình, người phải gánh chịu khổ cực nhất là cha. Gia đình vốn dĩ đã khó khăn thì nay càng chật vật hơn. Cha phải lao động cực khổ, vất vả hơn trong khi tuổi tác ngày càng lớn, mà nghề nông thì lại đòi hỏi nhiều sức lực, ăn uống luôn thất thường nhưng cha nó rất vui khi làm những điều đó. Mỗi lần cầm những đồng tiền được làm ra từ mồ hôi nước mắt của mẹ cha, lòng nó quặn đau, nhức nhối. Nó tìm việc làm thêm để cha đỡ vất vả thì cha gạt đi, bảo “phải lo tập trung vào học hành, chỉ cần con ngoan và học tốt thì cha mẹ có vất vả bao nhiêu cũng không mệt đâu, đó là món quà tốt nhất đối với cha mẹ”. Nó càng thương và cảm phục sự hy sinh của cha hơn bao giờ hết, cầu mong cha luôn khỏe mạnh và nó mau chóng ra trường để phụ giúp cho cha mẹ.

Sau này, khi đã tốt nghiệp đại học, trong một lần về thăm nhà, cha nói với nó trong niềm hạnh phúc và xúc động: “có một điều mà cha phải đợi đến lúc con tốt nghiệp cha mới nói, đó là, cha rất tự hào về con”. Nó cười mà nước mắt chực trào tuôn. Và nó luôn cố gắng để là “niềm tự hào của cha mẹ” và “gương sáng cho các em”.

Bây giờ, khi đã có một việc làm ổn định với mức thu nhập tương đối ổn định, nó đã có thể phụ cho cha mẹ nuôi em gái đang theo học tại một trường cao đẳng, đó như là một sự báo hiếu, đền ơn đáp nghĩa cho cha mẹ. Và nó càng làm cho cha mẹ tự hào hơn bởi hiện tại nó đang theo học chương trình Cao học. Nó tự nhủ với bản thân rằng, ngày nó nhận tấm bằng thạc sỹ, nhất định sẽ mời cha mẹ đến để chung vui với nó. Để có được một nó như ngày hôm nay là nhờ cha, thần tượng vĩ đại của nó. Cám ơn Chúa đã trao ban cho nó một gia đình tuyệt vời và một người cha tuyệt hảo.

Phan Thị Kim Liên

 


Trả lời